Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2024

Tranh về cuộc sống người miền Nam những năm 1930

 Cuộc sống người miền Nam những năm 1930 được các sinh viên Trường vẽ Gia Định khắc họa trong tranh.


Ấn bản tám tập quý hiếm và quan trọng của Trường vẽ Gia Định (nay là Đại học Mỹ thuật TP HCM) được bán trong phiên Indochine - Chapitre 15 của Lynda Trouve hôm 17/3, với giá 20.000 euro (506 triệu đồng).
Theo nhà đấu giá, các ấn phẩm được xuất bản dưới sự chỉ đạo của họa sĩ Jules Besson - hiệu trưởng trường. Mỗi quyển gồm khoảng 40 tác phẩm do học sinh của trường vẽ, mô tả phong cảnh thiên nhiên, con người, các ngành nghề công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động văn hóa như kịch, cải lương hay các tục thờ cúng của người dân miền Nam vào khoảng những năm 1930. Sách bảo quản tốt, một số quyển có vết ố ở bìa.

Tranh khắc họa khung cảnh quán nước chè ở chợ, với trang phục đặc trưng thời bấy giờ.

Một gánh hát rong đang biểu diễn tại chợ. Lon đựng tiền được đặt trên chiếu để nhận đồng xu từ khán giả. Địa điểm hành nghề là những nơi đông người như chợ, phố lớn, đình, chùa vào dịp lễ.

Người nông dân cởi trần, đầu quấn khăn rằn ngồi ăn cơm.

Trước sân nhà, các cụ già đang làm quang gánh để sử dụng, đồng thời bán kiếm thêm thu nhập.

Khung cảnh làm việc tại xưởng gỗ.

Một xưởng làm guốc mộc. Đa phần khi làm việc, nam giới đều cởi trần, mặc quần vải đen.

Các nghệ nhân tại một xưởng gốm.

Một cửa hàng bán vật liệu xây dựng.

Tiệm bán thuốc Bắc của người Hoa.

Cảnh đám cưới Sài Gòn xưa. Chú rể mang hộp đựng lễ vật đi trước cùng cha mẹ và người thân đi đón dâu.

Cảnh con cháu khiêng linh cữu người đã khuất trong đám tang. Linh cữu màu đỏ, được chạm trổ rồng phượng với bốn chiếc lọng màu xanh ở bên góc.

Nghệ sĩ hát bội.

Trường vẽ Gia Định được thành lập năm 1913, là cái nôi ra đời của nhiều tên tuổi lớn nền mỹ thuật nước nhà. Trường thường xuyên đưa sinh viên đi thực tế, quan sát cuộc sống của người dân lao động để đưa vào tác phẩm. Sau nhiều lần đổi tên và nâng quy mô đào tạo, đến năm 1981 trường có tên Đại Học Mỹ Thuật TP HCM.