Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Nguồn gốc hội hoạ sơn mài Việt Nam

 

Nguyễn Đình Đăng

Để độc giả tiện tra cứu, tôi tập hợp trong trang này các bài viết, bản dịch và comments của tôi về hội hoạ sơn mài Việt Nam. Đây là trang cập nhật lại từ trang cùng tên trên FB Note, vì trang FB này đã không sửa được sau khi FB bỏ Notes.

  1. Ngược dòng lịch sử sơn mài Việt Nam
  2. Lại trao đổi về sơn mài
  3. Những con số biết nói
  4. Về cụ tổ nghề sơn Việt
  5. Về bức tranh urushi của Shibata Zeishin lần đầu tiên ra mắt thế giới
  6. Trao đổi về xuất xứ sơn mài Việt Nam
  7. Jean Dunand: “Tôi đã nghĩ ra cách dùng vỏ trứng.”
  8. Liliane Sarcey “Le nouveau visage de l’art – Une visite à l’atelier de M. Jean Dunand”, 3.12.1925
  9. Tin về thợ sơn mài Việt Nam tại Paris trong L’Echo d’Annamite 1926 và 1929
  10. Xuất xứ hội hoạ sơn mài Việt Nam (tạm tóm tắt sơ bộ)
  11. Về sự tham gia của Việt Nam tại Exposition Universelle năm 1937 ở Paris
  12. Việt Nam trưng bày những gì tại Exposition Universelle 1937?
  13. Nghệ sĩ sơn mài Pháp Gaston Suisse (1896 – 1988)
  14. Jean Dunand và Alix Aymé
  15. Bảng niên đại hội hoạ sơn mài
  16. Một số ghi chú về sơn
  17. Bà Alix Aymé đã dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương hơn 10 năm kể từ khi thành lập
  18. Vài comment về sơn mài và sơn dầu
  19. Kỹ thuật sơn mài của Jean Dunand
  20. Thực chất của việc pha nhựa thông vào sơn ta
  21. Đối thoại (giả tưởng) với HS Nguyễn Gia Trí
  22. Vài tính chất của màng phim sơn mài
  23. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (slides)
  24. Người thầy sơn mài của bà Alix Aymé
  25. Alix Aymé – Kỹ thuật sơn mài
  26. Về “Kỹ thuật sơn mài” của Alix Aymé
  27. Vì sao Nhật Bản phải mua sơn ta?
  28. Tổng quát hóa vội vã
  29. Marianne Webb: Độ bền của sơn mài châu Á
  30. Hội hoạ sơn mài Việt đã ra đời từ đâu?
  31. Kết quả thử độ chịu sáng của sơn ta
  32. Nhựa thông đã được trộn vào sơn ta để vẽ tranh từ khi nào?
  33. Màu thạch tín trên vóc ván ép

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

Hệ thống cấp nước ở Sài Gòn trước năm 1975

Cách đây 48 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập ở Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ và thống nhất non sông, mở ra một trang sử mới cho đất nước.

Kể từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến năm 1975, hệ thống cấp nước cho thành phố Sài Gòn đã trải qua nhiều chuyển biến về quy mô, lẫn khoa học công nghệ, biến đô thị thành một trung tâm kinh tế, thương cảng quan trọng nhất ở Viễn Đông, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) nêu trong một bài đăng trên trang chủ.

Do địa hình đặc thù thấp và phẳng, vùng phụ cận không có suối, địa hình cao cùng với trình độ khoa học kỹ thuật lúc đó chưa cao khiến việc xây dựng hệ thống cấp nước ở Sài Gòn trở nên vô cùng nan giải đối với các nhà quy hoạch đô thị.

Hệ thống Cấp nước ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh 1.

Một trong những vòi được được lắp đặt ở khu Chợ Lớn

Giai đoạn 1880-1900

Năm 1862, dự án thiết kế đầu tiên được phê duyệt, trong đó có vấn đề cấp thoát nước.

Nhưng phải tới năm 1880, hệ thống cung cấp và phân phối nước đầu tiên cho dân chúng mới được người Pháp đưa vào hoạt động, mang tên kỹ sư cầu đường, Giám đốc Sở Công chính Thévenet. Hệ thống khai thác nước ngầm này được xây dựng ở khu vực hồ Con Rùa hiện nay, với khả năng cung cấp từ 1.000-1.500 m3/ngày. 

Sau đó chính quyền Pháp từng bước xây một loạt các captage (cụm giếng cạn), nhà máy bơm để nâng cao công suất sản xuất nước sạch cho Sài Gòn – Chợ Lớn.

Captage là một cụm từ 10-20 giếng cạn được bố trí theo hình tròn và đưa nước về giếng lớn ở tâm vòng tròn, gọi là giếng trung tâm. Mỗi giếng trong cụm có đường kính từ 1,6 đến 2,2 m, sâu 13-20 m, vách giếng lúc trước xây gạch, sau dùng bê tông cốt thép chống suốt chiều sâu giếng. Từ giếng trung tâm nước sẽ được xử lý sơ bộ (khử trùng) rồi được bơm vào các hồ chứa, thủy đài hoặc đưa thẳng ra mạng phân phối cho người tiêu dùng.

Trải qua 20 năm, chính quyền thành phố Sài Gòn chịu trách nhiệm quản lý vận hành toàn bộ hệ thống cung cấp nước, gồm hai captage Blancsubé và Mac Mahon, Nhà máy bơm Duy Tân, hệ thống đường ống dẫn và các đài nước. Tính đến năm 1900, lượng nước sản xuất đã tăng lên 6.000 m3/ngày đêm, từ 1.500 m3/ngày đêm hồi năm 1880.

Hệ thống Cấp nước ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh 2.

Vòi nước phông – tên côɴԍ cộng trên đường phố Sài Gòn

Giai đoạn 1900-1961

Năm 1900, hệ thống cung cấp nước cho thành phố vẫn là tài sản thuộc chính quyền Sài Gòn nhưng việc quản lý, vận hành, bảo trì được giao thầu cho Công ty Điện Nước Đông Dương (CEE) theo một hợp đồng giao thầu nhượng quyền. Trong khi đó, Sở Cấp nước chịu trách nhiệm trực tiếp về toàn bộ việc cung cấp nước cho thành phố và đặt dưới sự kiểm soát chỉ huy của Kỹ Sư trưởng thành phố.

Trong 30 năm tiếp theo, dân số Sài Gòn Chợ Lớn tăng bình quân 4.000 người/năm, dẫn tới nhu cầu sử dụng nước sạch cũng tăng theo, buộc chính quyền thành phố phải xây dựng thêm một số captage ở ngoại vi thành phố. Hầu hết, ống và phụ tùng trong giai đoạn này đều được làm bằng gang xám, mối nối ống kiểu Larvill.

Đây cũng là khoảng thời gian đánh dấu công tác nâng cao chất lượng nguồn nước được chú trọng hơn bao giờ hết khi chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đã giao Viện Pasteur chịu trách nhiệm lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước, đặc biệt về mặt vi sinh.

Đến năm 1930, toàn bộ các hệ thống giếng cạn đã cung cấp 30.000 m3/ngày cho vùng Sài Gòn Chợ Lớn có số dân khi đó khoảng 300.000 người. Tới năm 1940, sản lượng nước tăng tới 50.000 m3/ngày khi dân số thành phố tăng bình quân 16.000 người/năm. 

Năm 1955, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa với tên gọi “Đô thành Sài Gòn”. Do nhiều yếu tố về kinh tế và chính trị, dân số Sài Gòn Chợ Lớn ghi nhận mức tăng nhanh chóng lên 1,8 triệu người vào năm 1958, từ 650.000 người 8 năm trước đó. Hệ thống giếng cạn và giếng sâu Layne được phát triển và khai thác tối đa, đạt 160.000 m3/ngày vào mùa mưa và 120.000 m3/ngày vào mùa khô.

Vào cuối những năm 50, Sài Gòn thiếu nước trầm trọng, lưu lượng khai thác không thể vượt quá 160.000 m3/ngày vào mùa mưa do lo ngại sẽ làm ranh mặn của nước ngầm từ phía Nhà Bè, Quận 4 lấn sâu vào trung tâm thành phố, phá hỏng các giếng đang khai thác.

Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi chất lượng nguồn nước xấu, hệ thống cung cấp thiếu nhiều đường ống, đường kính ống quá nhỏ, áp lực không đủ để dẫn nước từ nguồn tới nơi tiêu thụ.

Mặc dù nhiều khảo sát, nghiên cứu đã được tổ chức, nhưng phải đến năm 1958, Công ty Hydrotechnic Corporation (Mỹ) mới thực hiện một khảo sát toàn diện và đề xuất phương án giải quyết mang tính lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu nước ngày một nghiêm trọng của thành phố.

Hệ thống Cấp nước ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh 3.

Người dân tụ tập và xếp hàng ở vòi nước máy phông – tên để chờ tới lượt

Giai đoạn 1961-1975

Năm 1963, dự án xây dựng nhà máy sử dụng nước sông Đồng Nai do Công ty Hydrotechnic Corporation đề xuất đã được triển khai và bắt đầu cung cấp nước cho Sài Gòn ba năm sau. Đây cũng là một trong các dự án từ trước 1975 còn hoạt động đến ngày nay.

Để đáp ứng các yêu cầu về trả nợ vay từ phía nhà tài trợ, Chính quyền Sài Gòn đã ra Sắc lệnh số 329-CC/GT ngày 23/11/1959 đặt nền tảng cho việc thành lập Sài Gòn Thủy Cục (STC).

Theo đó, STC là một cơ quan tự trị về hành chính và tài chính, có tư cách pháp nhân, thay thế cho Công ty Điện Nước Đông Dương trong nhiệm vụ cung cấp nước cho Đô thành Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các khu vực phụ cận. 

Việc quản trị STC do một Hội đồng quản trị đảm nhiệm với Chủ tịch Hội đồng quản trị là Tổng Trưởng Công chính thời bấy giờ. Giám đốc STC chịu trách nhiệm điều hành với sự trợ giúp của các phụ tá Giám đốc.

Từ khi thành lập, STC đã tiếp quản hệ thống sản xuất và phân phối nước bao gồm hệ thống captage, giếng sâu, thủy đài, 293 km hệ thống ống cái, 146 km hệ thống ống nhánh và 16.511 đồng hồ nước các cỡ. Tổng số nhân viên của STC năm 1961 là 156 người.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước trong thời gian hoàn thành dự án hệ thống nước sông Đồng Nai, từ năm 1961 đến 1966, STC đã khoan thêm 16 giếng Layne để cấp nước cho thành phố. Tuy nhiên, những giếng này có độ pH thấp, hàm lượng sắt cao và thường xuyên bị nhiễm mặn khiến lượng nước cung cấp gần như không thay đổi nhiều.

Phải đến ngày 12/12/1966, sau hơn 5 tháng hoạt động thử nghiệm, STC tổ chức khánh thành và đưa hệ thống nước sông Đồng Nai vào công tác sản xuất nước sạch của toàn thành phố, từng bước thay thế hệ thống captage và giếng Layne. 

Để đảm bảo vận hành toàn bộ hệ thống và trả được nợ vay khi thực hiện dự án này, giá nước cũng được đề xuất tăng tùy đối tượng từ 27-42% so với giá năm 1958.

Hệ thống Cấp nước ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh 4.

Tháp nước gần 140 năm tuổi trong khuôn viên Sawaco - Ảnh Hữu Khoa

Sau ngày thống nhất đất nước, Sài Gòn Thủy Cục được đổi tên thành Công ty Cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục sự nghiệp phục vụ người dân, đảm bảo công cuộc xây dựng và phát triển bền vững của đất nước. 

Hệ thống sản xuất và cung cấp nước của Sài Gòn tính đến ngày 30/4/1965 gồm: Hệ thống nước Đồng Nai, Captage Gò Vấp, Tân Sơn Nhất, Nhà máy bơm Duy Tân, 34 giếng Layne, 21 thủy đài với tổng dung tích 69.942 m3, hệ thống ống phân phối chính dài 13,5 km, 158.693 đồng hồ nước các cỡ, 314 trụ cứu hỏa, 335 họng cứu hỏa và 190 vòi nước công cộng với tổng công suất nước sạch đạt 450.000 m3/ngày đêm.

Sawaco hiện nay đang chịu trách nhiệm đảm bảo cấp nước cho gần 1,6 triệu khách hàng tại TP. HCM, đô thị lớn nhất cả nước.

Tác giả:
Hoàng Long

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Bài học về quy hoạch, lựa chọn cán bộ nhìn từ Trung Quốc

 Lê Thọ Binh

“Từ ngày về hưu, tôi đọc và nghiên cứu Trung Quốc rất nhiều, nhất là công tác cán bộ để thấy vì sao họ phát triển. Quản lý đất nước 1,4 tỷ người đâu đơn giản. Học kinh nghiệm đấy chứ học đâu nữa” - ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ với VietTimes.

Trong cuộc trò chuyện không hẹn trước chủ đề, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, cho rằng xuất phát từ yêu cầu “khoa học hóa, dân chủ hóa, chế độ hóa” và dựa vào khả năng hiện thực nhờ tiến bộ vượt bậc của khoa học quản lý, khoa học hành chính, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kiểm tra, giám sát; xây dựng được thể chế và cơ chế quản lý cán bộ đổi mới từ trung ương tới địa phương.

1.jpg

- Ông nghiên cứu sâu về việc lựa chọn cán bộ của Trung Quốc, ông thấy những điểm nổi bật nào đáng chú ý mà Việt Nam có thể tham khảo, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trung Quốc họ nhận thức rõ rằng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có được củng cố và phát triển, đất nước có cường thịnh lâu dài trong cuộc cạnh tranh quốc tế và tiến tới vị trí cường quốc hay không phụ thuộc rất lớn vào việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo với tố chất cao. Do vậy, tăng cường xây dựng khả năng cầm quyền của hệ thống chính trị là phải “lấy xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có tố chất cao làm trọng”.

Họ quan niệm rằng, cán bộ lãnh đạo muốn thực hiện được lập đảng vì công, cầm quyền vì dân, thì phải nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và tạo lập được tình cảm liên hệ chặt chẽ với nhân dân, mưu lợi ích cho dân, trong trái tim mình có nhân dân, lo trước nỗi lo của dân, công tác phải dựa vào dân; phải luôn ghi nhớ “quyền lực là của nhân dân, do nhân dân ủy thác”, thành tâm thành ý làm việc vì dân...

2.jpg
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

- Thì có khác gì ta đâu, ta cũng xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Cụ Hồ cũng từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Gần đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “BCH TƯ phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới”.

Ông Nguyễn Đức Hà: Về mặt chiến lược thì khá tương đồng, nhưng cách làm cụ thể thì có khá nhiều khác biệt. Đương nhiên, mỗi nước có hoàn cảnh cụ thể và mục đích khác nhau nên ta không thể rập khuôn theo mô hình phát triển của họ được.

Vì vậy, ở đây mới nói là ta đưa ra thể tham khảo.

- Công tác lựa chọn cán bộ, quan trọng nhất là các bước làm từ cơ sở. Vậy, cái mới trong khâu này ở Trung Quốc họ lựa chọn ra sao?

- Ông Nguyễn Đức Hà: Từ yêu cầu thực tế đa dạng, những năm qua, chính sách cán bộ cơ sở của Trung Quốc đã chuyển từ tuyển chọn “đức tài kiêm bị” (gắn đức và tài), sang “4 hóa“ (cách mạng hóa, tri thức hóa, chuyên nghiệp hóa, trẻ hóa), yêu cầu người cán bộ lãnh đạo phải có “thành tích nổi bật thật sự”, được “quần chúng thừa nhận” và phải “liêm khiết”.

Áp dụng cơ chế định lượng hóa trong quy trình bổ nhiệm cán bộ ở địa phương, họ xác định đánh giá và tuyển chọn cán bộ chủ yếu là xem đức, tài, cần kiệm, thành tích, liêm khiết thực sự, mức độ công nhận của quần chúng là chỉ tiêu chủ yếu. Đồng thời, lý lịch của cán bộ cần được xem xét một cách thỏa đáng, hợp lý, kết hợp với xem xét những cống hiến của họ trong quá khứ, sự trưởng thành trong quá trình học tập, bồi dưỡng nâng cao tố chất, coi trọng thành tích thực tế.

ban-chap-hanh-trung-uong-dang-co.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX
2.jpg

- Việt Nam cũng như Trung Quốc trước đây coi trọng chế độ khoa bảng, phát hiện nhân tài qua thi cử. Ngoài ra còn có chế độ tiến cử. Vậy hình thức tiến cử có được Trung Quốc áp dụng trong tuyển chọn nhân sự không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Thi làm lãnh đạo (gồm thi viết và vấn đáp) cũng là mô hình được thực hiện thí điểm tại một số địa phương ở Trung Quốc. Đây là tiêu chuẩn và thước đo cơ bản, chủ yếu nhất trong tiến trình tiến tới lượng hóa tuyển chọn công khai cán bộ. Kết quả mô hình thi nói, viết đã được thực tế xác nhận khả năng thành công, chọn đúng người rất cao và đang được áp dụng rộng rãi.

Tất nhiên, phương pháp thi có hạn chế là chỉ áp dụng được đối với việc tuyển lựa cán bộ trong các vị trí không cần thông qua bầu cử theo quy định, và bỏ qua nhân tố cơ cấu và quy định thông thường (ví dụ như chọn chức vụ giám đốc một sở cấp tỉnh, khi thi tuyển lãnh đạo vị trí này phải đặt ra nhân tố không nhất thiết phải là tỉnh ủy viên và đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân cấp tỉnh như cơ cấu thường thấy).

Đặc biệt, hệ thống chính quyền một số nơi còn được cho phép thí điểm mô hình tiến cử trực tiếp, không thông qua bầu cử. Có thể do cá nhân hoặc tập thể tiến cử. Thí điểm cách làm này, Trung Quốc đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù và áp dụng các văn bản ngoài luật. Cơ chế này cũng đang được nghiên cứu, thí điểm, đánh giá, áp dụng nghiêm túc.

- Gần đây Trung Quốc đang triển khai thực hiện đề án “Biện pháp thí điểm đánh giá tổng hợp cán bộ lãnh đạo và ê-kíp lãnh đạo đảng chính quyền địa phương”. Đề án này cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Đề án này đang được áp dụng ở một số địa phương mang tính thử nghiệm. Một trong những mô hình chính của nó là việc tuyển chọn vị trí chủ tịch ủy ban hành chính (UBND) và bí thư đảng ủy cấp hương, trấn (cấp xã). Mô hình này được tiến hành như sau:

(1) Công khai vị trí lãnh đạo cần bầu thời gian 2 năm trước khi bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân (Hội đồng nhân dân), đại hội đảng bộ hương trấn. Xem xét và đánh giá tiêu chí với vị trí cần tuyển, đưa ra điều kiện cứng (trình độ học vấn, độ tuổi, trình độ lý luận...).

(2) Ứng cử, tiến cử vào quy hoạch; quy hoạch và công khai quy hoạch, công khai chương trình phấn đấu của ứng viên trong thời gian 2 năm; ứng viên quy hoạch có thể do cấp trên giới thiệu.

(3) Lập hội đồng công khai (hội đồng này chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền và nhân dân): thẩm tra, xem xét tình hình công tác, thành tích thực tế kết quả hoạt động theo chương trình đã đăng ký trên cơ sở thực tế và báo cáo của ứng viên đối với hội đồng (quan tâm tới tính phù hợp và tác dụng thực tế của chương trình hành động của ứng viên đối với địa phương mình). Đối chiếu, so sánh giữa các ứng viên để sàng lọc đối tượng, báo cáo trước cấp ủy đảng và Đại hội đại biểu nhân dân. Bổ sung quy hoạch kịp thời, nếu các ứng viên được quy hoạch không chứng minh được năng lực và khả năng sẵn sàng nhận nhiệm vụ của mình.

(4) Sau khi sàng lọc, trước bầu cử 2 tháng, công khai lý lịch của ứng viên, tổ chức lấy ý kiến quần chúng rộng rãi về các ứng viên được lựa chọn, thẩm định và công khai ý kiến đó, sau đó chốt danh sách với số dư tối thiểu là gấp 2 lần (có thể không cần số dư, nếu hội đồng đánh giá được uy tín, khả năng công tác vượt trội và khả năng trúng cử của ứng viên là cao; đánh giá này không dựa trên cảm tính, mà dựa trên thăm dò dư luận công khai và được sự chấp nhận bằng văn bản của đơn vị cấp tỉnh).

Và cuối cùng là, (5) Hội đồng giới thiệu ứng viên để tiến hành bầu cử bằng phiếu kín tại đại hội đảng bộ (các đại hội đảng bộ cấp xã của Trung Quốc đều trực tiếp bầu chức danh bí thư) và Hội nghị lần thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân. Tất nhiên, ứng viên giới thiệu vào chức vụ lãnh đạo trên phải được bầu làm đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân (nếu giới thiệu bầu làm chủ tịch Ủy ban hành chính), hoặc cấp ủy viên (nếu là bí thư cấp ủy)

3.jpg

- Qua việc thực hiện đề án như ông nói ở trên, có thể thấy Trung Quốc đã xây dựng được một hệ thống lựa chọn cán bộ rất khoa học theo mô hình phát triển của Trung Quốc?

Ông Nguyễn Đức Hà: Đúng vậy! Xuất phát từ yêu cầu “khoa học hóa, dân chủ hóa, chế độ hóa”, dựa vào khả năng hiện thực do tiến bộ vượt bậc của khoa học quản lý, khoa học hành chính, Trung Quốc đã xây dựng được một hệ thống toàn diện chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kiểm tra sát hạch, nâng cấp, thưởng phạt, giám sát; thể chế và cơ chế quản lý cán bộ được đổi mới và hoàn thiện từ trung ương tới địa phương.

Ngoài ra các địa phương của họ đã làm rất tốt công tác luân chuyển cán bộ, những người có khả năng phát triển và được quy hoạch đã được thử thách qua nhiều chức vụ khác nhau, ở những địa bàn, lĩnh vực khác nhau. Họ duy trì phương châm nhất quyết không để một người làm việc quá lâu ở một vị trí công tác, như vậy sẽ tránh được hiện tượng làm lâu thành trì trệ, dễ kết bè cánh, tham nhũng.

Đặc biệt, nhiều tỉnh, để quy hoạch cán bộ cấp tỉnh có thể đưa cán bộ đó về công tác tại cấp xã, đào tạo cán bộ cao cấp thường đưa về những địa bàn khó khăn để thử thách, rèn luyện. Tư duy nhiệm kỳ đã từng bước được loại bỏ với cơ chế luân chuyển liên tục.

4.jpg
Chuyển từ mô hình “đức tài kiêm bị” sang “4 hóa”.jpg

- Vậy, chiến lược tuyển chọn cán bộ tiếp theo của họ là gì sau khi thực hiện thí điểm các mô hình như ông vừa nói?

Ông Nguyễn Đức Hà: Để thực hiện chiến lược cán bộ mới, họ tiếp tục xác định: thực hiện “4 chuyển biến lớn” trong quan niệm tư tưởng: thực hiện chuyển biến công tác từ “nhân sự truyền thống” sang “nhân sự hiện đại”; “nhân sự khép kín” sang “nhân sự mở”; “nhân sự kế hoạch” sang “nhân sự thị trường”; “nhân sự hành chính” sang “nhân sự pháp trị”.

Thực hiện “4 bước đột phá” trong nội dung công tác: đột phá về quản lý vĩ mô (coi cán bộ là nguồn tài nguyên); đột phá trong công tác bồi dưỡng năng lực, nâng cao khả năng sáng tạo; đột phá trong khai thác, sử dụng; đột phá trong tổng kết, rút kinh nghiệm.

Làm tốt “4 kết hợp” trong phương pháp công tác: kết hợp giữa điều tiết vĩ mô với điều tiết vi mô; giữa phát triển mở với phát triển lâu; giữa thúc đẩy cục bộ với thúc đẩy toàn bộ; giữa mục tiêu xây dựng nguồn cán bộ theo định hướng phát triển của đất nước, gắn với mục tiêu địa phương, xu hướng của thời đại.

Thực hiện “4 đổi mới” trong cơ chế công tác: đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, xóa bỏ mọi hạn chế về chế độ sở hữu, mọi phân biệt giữa nông thôn thành thị, giữa các khu vực, các ngành nghề, giữa các cá nhân; khai thông con đường lưu chuyển cán bộ. Đổi mới cơ chế tuyển dụng cán bộ, lấy phẩm chất đạo đức, tri thức, khả năng và thành tích làm tiêu chuẩn quan trọng để xem xét đánh giá. Đổi mới cơ chế phân phối thu nhập đối với cán bộ, từng bước thực hiện cán bộ giỏi phải có thu nhập hàng đầu. Đổi mới cơ chế tạo động lực công tác, xây dựng hệ thống đánh giá cán bộ theo năng lực và thành tích công tác.

Xin cám ơn ông!

Hiện nay, Trung Quốc lấy cơ chế xây dựng, kiện toàn tuyển chọn, bổ nhiệm và giám sát quản lý làm trọng điểm, lấy khoa học hóa, dân chủ hóa, chế độ hóa làm mục tiêu, mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ, ra sức bồi dưỡng, tuyển chọn cán bộ ưu tú, trẻ tuổi, thích ứng với yêu cầu cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa XHCN.

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

Không còn trở ngại nút giao Mỹ Yên tăng tốc về đích

 


Tinh thần tự do làm nên bản sắc văn hóa của vùng đất Sài Gòn

 LTS. Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global, trụ sở tại Paris - Pháp) đang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ do TP.HCM đặt hàng về “Xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh, thương hiệu TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết sau khi nghiệm thu, nội dung đề xuất từ kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ này sẽ bao gồm định vị thương hiệu TP.HCM và những ý tưởng bổ sung cho phát triển TP.HCM, trong đó chiến lược thương hiệu sẽ phải phù hợp với những định hướng về kinh tế, xã hội TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, kết quả nhiệm vụ phải cụ thể, khả thi trong hoạt động phát triển văn hóa và du lịch thành phố.

Muốn xác định thương hiệu một thành phố, không thể không bàn đến những giá trị cốt lõi làm nên căn tính của nó. Nhân kỷ niệm 49 năm ngày hòa bình, thống nhất đất nước (1975 - 2024), Người Đô Thị có cuộc trò chuyện đa chiều với nhà đô thị học PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TP.HCM, cùng ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, thị dân Sài Gòn về những giá trị cốt lõi của Sài Gòn, nay là TP.HCM.

*   *   *

PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân là một nhà nghiên cứu văn hóa đô thị, nhất là những vấn đề liên quan vùng đất Sài Gòn. Bà là út nữ của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ mà tên tuổi gắn liền với phong trào đòi dân chủ và hòa bình ở miền Nam trước 1975. 

Câu chuyện mở đầu từ chính công trình nghiên cứu của PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân -  những con hẻm Sài Gòn. Bà nhận định: “Các con hẻm của thành phố được chia nhánh chân rết từ các con đường chính, đi sâu vào trong, tạo thành mạng lưới khu dân cư. Trong các con hẻm này chúng ta dễ dàng nhận thấy một cuộc sống khác hẳn với các sinh hoạt thường thấy ở các con đường mặt tiền. Ở đây có nhịp độ chậm hơn, có tính cộng đồng cao hơn, khác hẳn với sự cạnh tranh, đua chen ở bên ngoài.

Cuộc sống hẻm phố là môi trường sinh hoạt chính của những người không phải tất bật với công việc bên ngoài như bà nội trợ, người già, trẻ em, thợ thủ công… Sinh hoạt của con người trong hẻm có khác nhau theo lứa tuổi. Đối với người trung niên, lớn tuổi, một chỗ rộng phình ra hay quán cóc đầu hẻm là nơi để ngồi lại với nhau cùng chơi một ván cờ, uống một ly trà hay bàn tán thời sự, tin tức.

Với trẻ con, hẻm là nơi chơi đùa và cũng là dịp tập cho chúng tính đoàn kết, tinh thần tập thể. Với người bôn ba kiếm sống ở bên ngoài, thì con hẻm là nơi tĩnh lặng mà căn nhà của họ ẩn mình… Đó là hẻm Sài Gòn, một trong những giá trị văn hóa vật thể của thành phố bên cạnh các công trình kiến trúc, cảnh quan, các thiết chế văn hóa, dịch vụ đô thị hay ẩm thực”.

Sài Gòn đã quen tiếp nhận cái mới

Từ góc độ nghiên cứu, xin bà cho biết những phát hiện mang tính khái quát nhất về giá trị văn hóa phi vật thể cốt lõi, khác biệt của Sài Gòn mà những nơi khác không có?

Nói Sài Gòn có cái mà nơi khác không có thì không đúng. Nơi khác cũng có nhưng Sài Gòn thì đậm nét hơn. Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy cái đậm nét nhất của văn hóa Sài Gòn - TP.HCM là sự cởi mở và bao dung. Cởi mở, bao dung gần như song hành với nhau theo nghĩa một đô thị thoáng, mở có điều kiện. Nghĩa là đón nhận những cái mới, cái hay, cái lạ và chấp nhận một cách có điều kiện trong sự bao dung. Bao dung tạo môi trường để nó bám vào văn hóa thành phố và phát triển. Đấy, cái mà tôi thấy các thành phố khác đều có nhưng không đậm nét như sự bao dung, cởi mở của Sài Gòn.

Sông nước tạo nên nét đặc trưng cho đô thị Sài Gòn. Trong ảnh: cầu Ba Son kết nối đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), trong tầm nhìn về hướng “Nhà Bè nước chảy chia hai”. Ảnh: Hữu Long


Đó có phải nhờ không gian, thể chế pháp luật thúc đẩy xã hội phát triển về thông thương, kinh tế thị trường và xã hội công dân vốn đã được định hình từ thời Chúa Nguyễn đi mở cõi cho đến thời Pháp thuộc và sau này trong quá trình xây dựng, hình thành nên thành phố?

Tôi muốn nói đến trước hết là do địa chính trị của TP.HCM. Đó là một vị trí hội tụ của rất nhiều con đường. Đầu tiên là đường biển. Từ thế kỷ XVII - XIX, rồi sau này nữa, các nhà du hành đều đi theo đường biển để đến được thương cảng Sài Gòn. Đi liền với đường biển, thành phố này còn một chức năng lớn là đô thị sông nước. Ngoài hệ thống kênh rạch chằng chịt tự nhiên, chúng ta nhớ rằng năm 1772, Chúa Nguyễn cho đào con kênh Ruột Ngựa thẳng tắp nối liền Rạch Cát đến kênh Lò Gốm để thông thương ghe thuyền chở lúa gạo từ Long Hồ đến Gia Định được thuận lợi.

Sau đó, năm 1819, vua Gia Long lại cho đào kênh Tàu Hũ (sông An Thông) thành tuyến đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn - Gia Định với miền Tây. Tất cả có thể dẫn đến ngã ba vàm Bến Nghé, tức nút giao kênh Tàu Hũ với rạch Bến Nghé, để tiếp tục ra sông Sài Gòn.

Đó là những đường thủy mà ghe thuyền từ đất liền phía Tây Nam hoặc Campuchia có thể đi tới, tàu bè ngoài biển cũng có thể chạy vào qua Cần Giờ, Soài Rạp tới “Nhà Bè nước chảy chia hai” là chỗ hội tụ của Sài Gòn xưa, để “Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Ở đây xin mở ngoặc một cách đáng tiếc là đô thị của chúng ta đều có dòng sông nhưng chỉ phát triển một bên. Đến nay, trong khi chỉ TP.HCM đang trăn trở vượt sông thì các địa bàn khác ở Nam bộ, dòng sông vẫn còn chảy bền bỉ với một bên là những đô thị đang tiếp tục phát triển.

Về đường bộ, từ xa xưa Sài Gòn đã nằm trên hai trục thiên lý cũ Bắc - Nam (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay) chạy qua Bình Quới, vượt sông Sài Gòn để ra Bắc và thiên lý cũ Đông - Tây đi qua đường Cách Mạng Tháng Tám hiện giờ. Ngoài ra, còn phải kể đến con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Con đường đó cũng làm cho Sài Gòn tiếp cận dễ dàng hơn với đồng bằng sông Cửu Long. 

Đối với khu vực, toàn bộ Đông Nam Á có thể chia làm hai phần lục địa và hải đảo, lấy Sài Gòn là trung tâm. Phần Đông Nam Á lục địa gồm Thái Lan, Lào, Campuchia; Đông Nam Á hải đảo là Indonesia, Malaysia, Singapore. Với một cái nhìn địa chính trị như thế là tính chất tạo nên sự mở, thoáng và đa dạng của Sài Gòn. Có thể nói dấu ấn đặc biệt của TP.HCM hoàn toàn khác nơi khác là từ vị trí địa lý mà ra.

Cuộc trò chuyện của các thế hệ thị dân Sài Gòn tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM do Người Đô Thị tổ chức tháng 4.2024. Từ trái: chị Nguyễn Thị Nguyệt, TS. Trương Hoàng Trương, PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân, TS. Hoàng Anh Tuấn, chị Bùi Thị Tường Vi. Ảnh: Nguyễn Á 


Ngoài yếu tố trên, tính cởi mở, bao dung còn biểu hiện ở đâu nữa, thưa bà?

Theo tôi, còn ở rất nhiều khía cạnh. Ví dụ thành phố tiếp nhận luồng nhập cư từ các nơi đến rất nhiều. Ban đầu là di dân khẩn hoang thời xưa. Đến 1954, đây là nơi tiếp nhận số lượng lớn người dân miền Bắc vào; với tư tưởng khác, tôn giáo khác, nhưng tới đây họ vẫn sống được, vẫn làm việc, phát huy được. Tại sao vậy? Bởi vì Sài Gòn đã tiếp nhận quá nhiều người mới nên quen rồi! Chắc chắn là có sự dè chừng, nhưng người thành phố không hề có thành kiến khi tiếp nhận.

Một tính cách Sài Gòn nữa là tiên phong. Bên cạnh đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, thanh niên tình nguyện… thì thành phố tiếp nhận những cái mới trong tư tưởng một cách rất nhẹ nhàng. Tờ Gia Định Báo, rồi Phụ Nữ Tân Văn là những tờ báo đầu tiên ở Việt Nam, hoặc tư tưởng rất mới của La Cloche Fêleé (Tiếng Chuông Rè) của Nguyễn An Ninh. Về truyền thông, ta thấy Bưu điện TP.HCM không những có từ rất sớm mà trong phạm vi “con đường” nối các tỉnh, để Sài Gòn không lẻ loi một mình.

Tiên phong giáo dục với Võ Trường Toản, người đã lập các trường dạy học ở đình, nơi sản sinh rất nhiều học trò lỗi lạc của ông như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu… Sau đó có những trường tiên phong Tây học như Chasseloup - Laubat, Marie Curie… rồi Gia Long, Trưng Vương. 

Tôi phải nói đến tính hiện đại. Tại nơi kinh doanh với thị trường rộng mở, thì Hãng đóng tàu Ba Son là tiêu biểu cho tính hiện đại rất lớn của thành phố. Tất cả kỹ thuật tiên tiến, tầng lớp có năng lực quản lý và truyền thụ kiến thức đóng tàu của phương Tây đã hiện diện ở Ba Son.

Khía cạnh nữa là tính đa dạng trong tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Ấn giáo, Hòa Hảo…) và đa dạng dân tộc (Chăm, Khmer, Hoa…). Ở đây cũng quy tụ rất nhiều lễ hội với hơn 300 ngôi đình. Rồi tính hào hùng mà các nhà báo hay gọi “tính hào sảng”, thì văn hóa đấu tranh của Sài Gòn ngày xưa độc đáo, nổi bật nhất cả nước. Các phong trào sinh viên tranh đấu, biểu tình trước 1975 cho ta những Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang… Huế cũng nổi tiếng tranh đấu nhưng chỉ dừng ở đấu tranh tôn giáo, còn Sài Gòn thì chiến đấu không chỉ vì Phật giáo mà còn nhiều điều khác nữa.

À, cũng cần đề cập đến tiếp thu văn hóa nước ngoài. Sài Gòn là nơi hấp thụ văn hóa nước ngoài sớm nhất, như chúng ta biết The Beatles đã du nhập sớm tại đây. Trịnh Công Sơn nói rõ sự khắc khoải của con người. Đó chính là mầm mống hiện sinh ở trong đầu, trong âm nhạc của ông và Sài Gòn. Hay như Tôn Thất Lập, tuy nhạc đấu tranh nhưng mà lại đi vào lòng người.

Sài Gòn có khả năng thu hút những người có chung một cơ sở, để tạo nên những nhóm cư dân, cộng đồng trong đô thị. Trong ảnh: Người nước ngoài cùng người dân Sài Gòn ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Huỳnh Nhi


Vốn xã hội tạo nên Sài Gòn

Vậy có phải chỉ ở Sài Gòn, người dân tứ xứ về đây mới tạo ra được những giá trị bản sắc của thành phố như năng động, sáng tạo, luôn sẵn sàng “sắp xếp” một cuộc chơi sòng phẳng khi phải đối diện với các mặt của đời sống. Nhưng tại sao khi đi nơi khác hoặc trở về cố hương, họ không tạo ra được “hơi thở” đó nữa?

Tôi thú vị với câu hỏi. Tôi xin trả lời không chỉ với tư cách xã hội học, tất cả chúng ta biết mình sinh ra có nhiều vốn để sống trên đời. Vốn của ai đó là sức khỏe, ngoại ngữ, tiền bạc, dòng dõi… và còn có một cái vốn nữa, đó là vốn xã hội, tức là những mối quan hệ của mình. Khi đã xa rời quê hương rồi trở về lại, thì vốn xã hội của chúng ta không còn, cũng như môi trường xã hội cũng không có để phát huy.

Chính vì vậy, khi trở về cố hương, họ đã mất đi hay để sau lưng nguồn vốn cơ bản đó của con người. Họ thiếu đi nguồn vốn xã hội chính, cho nên không thể xây dựng được ở nơi cố quận của mình tính đa dạng, trẻ trung của Sài Gòn. Một con người thành công, nhờ vốn xã hội nhiều lắm. Trong phạm vi câu hỏi này, tức là ta chỉ mang con người ta trở lại cố hương thôi, không thể mang Sài Gòn theo được.

Quang cảnh một buổi trình diễn nghệ thuật cuối tuần vào sáng ngày thứ 7 tại Nhà hát Thành phố. Ảnh: TL


Một Sài Gòn - TP.HCM với sức mạnh mềm như vậy, không biết qua bao nhiêu đổi thay, có còn tồn tại?

Nếu chúng ta chú tâm thì thấy hình như nó vẫn lãng đãng đâu đây. Dù hơi xa, có gì đó chập chờn nhưng suy xét kỹ lại, nó vẫn còn mà không phải yếu đâu, ngược lại nữa. Ví như ngoài hào sảng, nghĩa tình. Không phải vì đó là tuyên bố của một lãnh đạo nào đó mà tôi nói như vậy. Sài Gòn chính là nơi khởi xướng và lan tỏa ATM gạo, siêu thị 0 đồng và nhiều thứ nữa… Hào hùng đó vẫn còn mà có khi do ở cận cảnh quá ta không thấy. Bởi thứ nhất, yếu tố địa chính trị vẫn còn, không thể mất. Thứ hai, những đặc tính đó không phải mới xuất hiện. Nó đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước rồi.

Sau 1975, tất cả những cái ấy đều bị ảnh hưởng nhưng không lu mờ đi, tôi chắc chắn như vậy. Con người Sài Gòn vẫn mở, vẫn rất bao dung. Thể hiện qua rất nhiều ca sĩ sau này đã gây dựng được tên tuổi tại đây, thêm nhiều người nhập cư đã lập nên cơ nghiệp ở đây. Trong sự đa dạng, tôi cho rằng còn đa dạng hơn và chính vì thế mà làm cho con người ta bối rối. Bởi khi phải tiếp nhận quá nhiều luồng văn hóa, tự nhiên người ta nghĩ rằng có thể cái trước đây bị phá vỡ. Đặc biệt sau Đổi mới 1986, không chỉ có Anh, Pháp, Mỹ mà có cả luồng văn hóa, tư tưởng các nước xã hội chủ nghĩa nữa. Tôi thấy đa dạng hơn nhiều và chính cái đa dạng càng làm cho con người cảm thấy hoang mang trong cái sự quá mới đó.

Người dân Sài Gòn giúp nhau trong những ngày đại dịch Covid-19. Ảnh: Lê Toàn


Bà đánh giá thế nào về những giá trị hiện nay so với trước, ví như tôn sư trọng đạo, có bị khủng hoảng, có bị xâm phạm không?

Có thể trong những cuốn sách của tôi, màu hồng nhiều quá. Vì tôi cốt đi tìm nét văn hóa, nhưng cũng sẽ có những cái phản văn hóa mà xã hội nào cũng có.

Trên đường đến nhà bà, chúng tôi đi ngang qua lăng của Pétrus Trương Vĩnh Ký, người lập ra Gia Định Báo mà bà vừa nhắc tới…

Bà Tôn Nữ Quỳnh Trân tốt nghiệp tiến sĩ ngành khoa học lịch sử Đại học Sofia - Bulgaria (1984), là tác giả, chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm nhiều công trình nghiên cứu: Lịch sử Việt Nam - Tổng quan dành cho ngành du lịch, tác giả, NXB Trẻ, 1997; Môi trường nhân văn và đô thị hóa ở Việt Nam, Đông Nam Á và Nhật Bản, chủ biên và đồng tác giả, NXB Tổng hợp TP.HCM, 1997; Văn hóa làng xã trước thách thức của đô thị hóa tại TP.HCM, chủ biên và đồng tác giả, NXB Trẻ, 1999.  Các đề tài: Văn hóa làng xã trước sự thách thức của đô thị hóa tại các vùng ven ngoại thành TP. HCM; Cộng đồng Khmer tại TP.HCM; Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tại TP.HCM.

Tôi vẫn thường qua thăm ông và thấy xót xa. Tại sao lại để cho lăng của ông thảm quá như vậy? Đi ngang hôi lắm. Nhưng có một nhà đô thị học tên là Louis Wirth, trong tác phẩm Urbanism as a Way of Life (Chủ nghĩa đô thị như một lối sống) rất nổi tiếng, đã cho rằng ở trong đô thị, ngoài những tính chất tích cực, nó có những tính phản diện. Con người hờ hững, lợt lạt với nhau. Tính cộng đồng không bằng nông thôn. Bởi tính cá nhân của người trong đô thị hết sức rõ nét.

Để giải thích tại sao lăng Pétrus Ký vẫn như thế vì chúng ta mang cái tính mặt tiêu cực đó của đô thị. Chúng ta không xem đó là việc của mình. Chúng ta đi, đứng ngoài cuộc, nhìn đời như thế. Louis Wirth gọi đó là tính chuyên biệt, tức là việc này không phải việc của tôi. Đó là một trong các tính xấu của đô thị. Mặt khác tính chuyên biệt lại tích cực khi mọi người phải tôn trọng tự do cá nhân của nhau. Tất cả có một phần trách nhiệm của mỗi người.

Nếu như không có gì bị lu mờ đi thì có cần cải thiện các quyết sách cho TP.HCM để bảo vệ, duy trì các giá trị đã bàn đến?

Do sự chập chờn của một giai đoạn nào đó, chứ tôi nghĩ Sài Gòn vẫn tốt hơn, mà sau khi Đổi mới thì chính TP.HCM là nơi đi mạnh nhất, sớm nhất trên mọi phương diện. Tôi cũng muốn nói là vật chất quyết định rất nhiều. Muốn văn hóa đẹp, tốt, phải đầu tư tiền của vào thôi. Có lúc chúng ta chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, có làm được không? Tại sao trước đây lại có những cái đẹp như vậy dù nghèo? Các câu hỏi mình phải nghiên cứu thêm. Nhưng tôi nghĩ dù vật thể hay phi vật thể đi chăng nữa, muốn giữ gìn thì vấn đề vẫn là kinh phí để duy trì nó. Chuyện lăng Pétrus Ký có một phần nữa là thiếu tiền.

Giáo dục lý tưởng

Đề cao tính hào hùng và biểu hiện là sự đấu tranh của TP.HCM trước đây với những Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang… vậy theo bà, làm sao để thành phố tiếp tục sản sinh ra những hào kiệt?

Tôi nghĩ mấy thiết chế văn hóa không tạo ra được, đó là do tính cách con người thôi. Tôi cho rằng việc giáo dục lý tưởng là cần thiết. Song song đó, để khơi dậy tinh thần cha anh, cần các biện pháp kích thích, bên cạnh các luật lệ, nguyên tắc. Cần tạo ra hưng phấn để nuôi dưỡng cái hào hùng trước kia. Tóm lại, ngoài các quy định để bảo đảm trật tự, phải kèm theo cơ chế kích thích tạo động lực.

PGS-TS. Tôn Nữ Quỳnh Trân thăm Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, 4.2024. Ảnh: Nguyễn Á


Bà vào Sài Gòn năm nào?

Năm 1959, khi mới 15 tuổi. Lúc đó ba tôi, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, bị bắt đi khỏi địa phương là Huế. Ông dạy Trường Khải Định, vào đây là Marie Curie, Taberd rồi Vạn Hạnh, Văn khoa. Ở ngoài đó hồi nhỏ, tôi học Trường tiểu học Trần Cao Vân, trung học là Đồng Khánh, tới cấp ba vào đây tôi học Gia Long, rồi Văn khoa với chuyên ngành sử - địa… Sau 1975, tôi được đi học bên Bulgaria lấy tiến sĩ giai đoạn 1980 - 1987. Khi về là ba tôi mất.

Tôi có hai nghề mà nghề nào cũng vững: nghề dạy piano và nghiên cứu khoa học xã hội. Trước 1975, tôi chuyên dạy piano, học trò rất đông. Khi Viện Khoa học xã hội TP.HCM thành lập, vì có chuyên sử đã học ở Văn khoa, tôi cũng muốn qua nghiên cứu sử coi sao. Vì dù sao mình cũng là con một nhà nghiên cứu sử mà. Khi đó mới thấy là hai nghề khác hẳn nhau. Nghề dạy piano là cái đã viết sẵn ra, hầu như mình dạy theo người ta viết.

Tôi nói với ông: “Ba ơi, sao hai nghề này khác nhau quá, không biết con chuyển được hay không”? Ông nói rằng: “Con cứ coi cái nghề kia là nghề tay trái để con thư giãn, còn nghiên cứu là nghề tay phải. Nhưng con phải nhớ rằng nghề này phải có sáng tạo, phải có cái mới. Piano mình thụ động hơn, còn bên nghiên cứu phải chủ động hoàn toàn. Ngoài tiếp xúc với kiến thức rất nhiều, thì biết đâu con sẽ có một cái gì sáng tạo, tìm ra cái mới nào đó trong nghiên cứu”. Đấy là cái sâu sắc nhất ba dành cho tôi cũng như công trình về Hoàng Sa, Trường Sa mà ông để lại.

Ít người biết bà chơi và dạy piano. Có sự khác nhau giữa học trò trước và sau này không thưa bà?

Tôi phải cám ơn cái nghề này. Vì nó cho tôi có được cuộc sống vật chất dễ dàng. Trước 1975, phụ huynh đem con tới mà không ước vọng sâu xa con mình sẽ làm gì kiểu Đặng Thái Sơn đâu. Nhưng sau này, người ta có hoài vọng như vậy. Cái đó tôi cũng không hiểu nổi. Tôi đi học piano là vì ý của ba tôi. Khi còn ở Huế, ông vẫn nói với mẹ là cho con đi học piano. Thế là tôi với chị được đi học. Nhưng vì sự tình cờ tôi thi đậu vào Trường Quốc gia Âm nhạc thì tôi theo chuyên nghiệp thôi. Có những cái mặc định trong đầu ông rồi, coi như hiển nhiên cho con học piano là chuyện bình thường.

Xin cảm ơn bà. 

TS. Hoàng Anh Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM):

Ba giá trị  cần ưu tiên 

Sài Gòn có nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, song điểm nổi bật và dễ nhận diện nhất là sự hòa nhập và đa dạng văn hóa. Sài Gòn là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều tộc người, tôn giáo và nền văn hóa trong tiến trình mở mang xây dựng vùng đất mới; tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú, đa sắc màu. Con người Sài Gòn thể hiện nét tiêu biểu của sức sống, tính hào sảng của người dân phương Nam, năng động và thân thiện. 

Để xây dựng "bộ ADN" nhận diện cho Sài Gòn - TP.HCM và định hình chính sách quản trị thương hiệu đô thị, có thể ưu tiên các giá trị như: 1. Sự đa dạng văn hóa và lịch sử: Tôn trọng và bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử đa dạng của thành phố, từ di tích cổ xưa đến nền văn hóa hiện đại. 2. Sự sáng tạo và đổi mới: Khích lệ sự sáng tạo và đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ, nghệ thuật, kinh doanh, góp phần làm nên sức hút và tiềm năng phát triển của thành phố. 3. Sự hòa nhập và đa văn hóa: Tạo ra một môi trường đa văn hóa, hòa nhập và chào đón người dân, du khách, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.

TS. Trương Hoàng Trương (Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM):

Tôn trọng sự đa dạng trong thống nhất đô thị

Sài Gòn - TP.HCM, đô thị này trong quá trình hình thành và phát triển đã mang trong mình nhiều giá trị văn hóa - lịch sử - xã hội độc đáo, trong đó tính đa dạng là một đặc điểm mà tôi thấy nổi bật nhất: đa dạng về cư dân, tôn giáo, văn hóa. Đô thị có khả năng thu hút những người có chung một cơ sở để tạo nên những nhóm cư dân, cộng đồng. Vì thế xã hội đô thị của Sài Gòn - TP.HCM được một số nhà nghiên cứu ví như một bức khảm gồm từng nhóm xã hội, từng thành phần khác nhau. Từng nhóm xã hội ấy lại có cùng cơ sở chung nào đó của riêng mình, như quê hương, họ hàng, sắc tộc, tôn giáo, giai tầng, khu dân cư, nghề nghiệp.

Ở đây, đô thị không làm yếu đi sự liên kết xã hội trong cùng một nhóm mà ngược lại tạo sự gắn kết không chỉ trong một nhóm mà giữa nhóm này với nhóm khác và điều đó tạo nên những giá trị văn hóa khác khi nói đến thành phố như tính tương trợ, nghĩa tình, cởi mở, bao dung… Các mối liên hệ, liên kết được duy trì giúp họ có thể trụ được và gắn bó trong môi trường chuyển động nhanh của đô thị như TP.HCM. Chẳng hạn như phố Tây Bùi Viện (quận 1), phố Đông y ở đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), cộng đồng người Chăm (phường  1,  quận 8), Cộng đồng giáo dân xứ Bùi Phát đường Lê Văn Sỹ… 

Để xây dựng chính sách của thành phố hướng đến giá trị này, theo tôi phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự đa dạng trong thống nhất của đô thị. Chúng ta cần có những chính sách cụ thể hơn; các chương trình, hoạt động rộng rãi hơn nữa.

Chẳng hạn ngoài các ngày lễ truyền thống, sự kiện trọng đại của quốc gia, của thành phố, ta có thể có những chương trình của các cộng đồng dân tộc thiểu số, các hoạt động kinh tế đặc trưng như nghề thủ công của một nhóm cộng đồng cư dân đô thị như làm đàn, nghề dệt hoặc đan mây tre, làm gốm… được tổ chức lồng ghép trong các dịp lễ hội. Có như vậy giá trị của sự đa dạng mới có thể bước ra ngoài cuộc sống đô thị, không chỉ cho cư dân thành phố mà còn cho khách du lịch khi đến đây.

Chị Bùi Thị Tường Vi (nhân viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM):

Bảo tồn di sản để phát triển bền vững

Vùng đất Sài Gòn - TP.HCM với hơn 300 năm hình thành và phát triển, giờ đây trở thành đô thị năng động, một trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm ở khu vực phía Nam. Nơi đây chứa đựng rất nhiều giá trị quý báu. Trong đó nổi bật và rất dễ để nhận diện Sài Gòn - TP.HCM là những giá trị lịch sử - văn hóa như Dinh Độc lập, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Thành phố, chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố... Đây được xem là những “nhân chứng lịch sử” ghi dấu cho từng giai đoạn hình thành và phát triển của vùng đất này. Nhắc đến Sài Gòn - TP.HCM, người ta sẽ nhớ đến những công trình kiến trúc tiêu biểu, nhớ cơm tấm, bánh mì, hay sự thân thiện của người dân... 

Nếu đề xuất thì tôi sẽ ưu tiên chọn giá trị lịch sử - văn hóa để giữ gìn và phát triển, bởi di sản là “ký ức” của cộng đồng và bảo tồn là một phương thức để phát triển bền vững.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Trưởng phòng Sưu tầm - Thư viện - Tư liệu Bảo tàng lịch sử TP.HCM): 

Thành phố dễ sống nhất 

Sài Gòn - TP.HCM là một đô thị năng động và phát triển, nhưng cũng mang trong mình nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, mang những đặc trưng rất riêng biệt của một vùng đất từng được xem như “Hòn ngọc Viễn Đông”. Sài Gòn có rất nhiều giá trị cốt lõi, như: về mặt lịch sử, với hơn 300 năm hình thành và phát triển trên cơ sở những nền văn hóa bản địa đặc sắc như văn hóa Đồng Nai, văn hóa Óc Eo, vùng đất Sài Gòn chứa đựng những bí ẩn lịch sử. Như mộ chum Giồng Cá Vồ, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu thuộc văn hóa Đồng Nai, những di tích thuộc văn hóa Óc Eo, những lò gốm cổ mang dấu ấn của một dòng gốm riêng biệt… TP.HCM đã phát hiện được hàng chục di tích khảo cổ học và hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.

Về mặt văn hóa, Sài Gòn được xem như cửa ngõ đón những luồng văn hóa mới, học tập và cải biên cho phù hợp với bản chất của vùng đất này. Những nét văn hóa bản địa hòa cùng những yếu tố mới đã trở thành bản sắc rất riêng của Sài Gòn, trong đó có những di sản đô thị. Dù không phải người Sài Gòn gốc, nhưng mỗi khi có bạn bè đến chơi, tôi thích đưa các bạn đi vòng quanh Sài Gòn, kể cho họ nghe về những di sản như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, bến Bạch Đằng, đường hoa Nguyễn Huệ, chùa Ngọc Hoàng… Kết thúc mỗi chuyến đi, ít nhiều bạn tôi cũng hiểu hơn về Sài Gòn và nhận xét “Sài Gòn thật thú vị”!

Về mặt lối sống thì có lẽ đây là thành phố dễ sống nhất theo cảm nhận của tôi. Bởi vì người Sài Gòn rất hào sảng. Bạn có thể đi đây đó mà không sợ lạc đường vì chỉ cần bạn hỏi thì những người bên đường sẽ nhiệt tình chỉ giúp bạn; bạn sẽ không lo bị "chặt chém" vì giọng nói của mình không phải người bản địa... Người Sài Gòn tốt bụng và hào hiệp, ngay cả với người không quen biết.

Một điều không thể thiếu là ở thành phố này có rất nhiều bảo tàng. Những bảo tàng ở đây đáp ứng đầy đủ sự quan tâm của bạn về lịch sử - văn hóa của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, đây là điểm rất khác của Sài Gòn so với những thành phố khác.

Tất cả những ưu điểm ấy đều rất đáng trân trọng để bảo tồn. Nếu được chọn,  tôi sẽ chọn bảo tồn tất cả. Nhưng nếu phải ưu tiên chọn lựa thì tôi chọn những di sản văn hóa. Vì di sản không chỉ cho chúng ta những bài học về quá khứ mà còn trang bị những kinh nghiệm, kiến thức và hành trang để tự tin tiến bước vào tương lai.

GS. Tôn Thất Dương Kỵ (1914 - 1987) 

Là một nhà hoạt động cách mạng tại miền Nam trước 1975, GS. Tôn Thất Dương Kỵ từng giữ chức vụ Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968 - 1976).

Ông tham gia hoạt động trong tổ chức Trí vận do Thành ủy Huế tổ chức, tham gia phong trào Hòa bình miền Trung, bị lao tù và trục xuất khỏi Huế năm 1955.

Trong giai đoạn 1955 - 1965, ông vào Sài Gòn và được mời làm giáo sư trường Marie Curie, Taberd, Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh và một số trường tư thục ở Sài Gòn... Trong lòng Sài Gòn, ông đã cùng các nhà trí thức xây dựng Phong trào Dân tộc Tự quyết Việt Nam và Ủy ban Vận động Hòa bình. Vì những hoạt động công khai này, chính quyền Sài Gòn bắt cầm tù ông nhiều lần và tống xuất ông qua khỏi cầu Hiền Lương vào tháng 3.1965 mà không biết ông đã là Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.  

Trong giai đoạn 1965 - 1975, ông hoạt động tại Campuchia, Lào và trong vùng giải phóng. Ông trở thành Bí thư Đảng đoàn kiêm Tổng thư ký Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam vào năm 1968. 

Từ sau ngày 30.4.1975, GS. Tôn Thất Dương Kỵ chuyên tâm nghiên cứu về quá trình xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và công bố nhiều bài báo, công trình khoa học liên quan đến vấn đề trên.

 Quốc Ngọc Trà My thực hiện