Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Tập san Khoa học Kỹ thuật (1957-1973)

 

Hà Dương Tường


Lời nói đầu


Trên mặt báo này, chúng tôi đã giới thiệu bốn tạp chí phổ biến khoa học của người Việt trong thời kỳ Pháp thuộc, chính xác là trước Cách mạng tháng 8.1945. Bài viết kỉ niệm 100 năm ngày ra đời của tờ đầu tiên trong số đó, với đường dẫn về các bài giới thiệu từng tạp chí, đã nhấn mạnh hoài bão chung của những người chủ trương các tạp chí này : làm sao để những kiến thức khoa học của thời đại - hoàn toàn xa lạ với xã hội Việt Nam thời đó - được phổ biến rộng rãi và được đông đảo dân chúng tiếp nhận. So sánh lực lượng với Pháp, đây hiển nhiên là một yêu cầu thiết yếu của cuộc đấu tranh giành độc lập, đồng thời cũng là nền tảng cho những thay đổi cần thiết về cuộc sống xã hội, từ kinh tế quốc phòng tới các hoạt động văn hoá, giáo dục... trong công cuộc giữ gìn độc lập, phát triển đất nước mai sau. Thực ra, nói "hiển nhiên" là với cái nhìn của ngày hôm nay chứ ở nửa đầu thế kỉ 20 không phải ai cũng thấy cái "yêu cầu thiết yếu" ấy, và theo thiển ý, hoàn toàn không thừa khi nhấn mạnh vai trò tiên phong của những người chủ trương các tạp chí nói trên trong nỗ lực phổ biến khoa học vào xã hội Việt Nam. 

Nhưng thời thế không cho phép họ đi xa hơn. Chiến tranh Thế giới lan tới Đông Dương. Và khi chiến tranh kết thúc, sự ngoan cố của các chính quyền Pháp muốn tiếp tục chế độ thực dân trên đất nước ta, dẫn tới cuộc Kháng chiến 9 năm 1945-1954. Rồi Hiệp Định Genève tiễn người Pháp ra đi, tạm chia đôi đất nước trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử được dự trù sẽ tiến hành hai năm sau. Hai năm "tạm thời" ấy rồi sẽ kéo dài hơn hai mươi năm, với nhiều lý do khác nhau mà sự phân tích không thuộc phạm vi của loạt bài viết này. 

Trong hai mươi năm chia cách ấy, ở cả hai miền, những "trí thức khoa học" đều nỗ lực tiếp tục công việc của mình, ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các bệnh viện, xí nghiệp v.v. Về mặt phổ biến khoa học tới quần chúng rộng rãi thông qua các cơ quan báo chí, rất tiếc chúng tôi không đủ dữ liệu để có thể viết về những gì đã được thực hiện ở ngoài Bắc (dù có biết tới một Tạp chí Khoa học kỹ thuật của Viện Khoa học Việt Nam những năm 1960). Bài viết này, về một tập san xuất bản ở Sài Gòn trong những năm 1957-1973, do đó sẽ là bài cuối cùng (ít ra trong trước mắt) về những tờ báo phổ biến khoa học của người Việt trước năm 1975. Sau đó, là đất nước độc lập, thống nhất, một thời kỳ khác mở ra...

Thật ra, do quan hệ gia đình (cụ thân sinh là một nhân vật chủ chốt của tập san, trong bài sẽ nói rõ hơn), người viết đã biết về tập san này từ lâu, nhưng khi nghĩ tới viết về nó (cụ thể là khi tưởng niệm 20 năm ngày cụ qua đời) thì mới biết đứa con tinh thần của cụ để lại sau khi di tản năm 75 hiện không biết lưu lạc nơi đâu. May mà một người quen giới thiệu mạng lưới Worldcat kết nối những thư viện trên thế giới, qua đó được biết Thư viện trường Đại học Cornell (bang NY, Hoa Kỳ) có một bản đã đóng thành sách của tập san này. Gia đình ở bên Mỹ liền tiến hành mượn về (qua hệ thống liên thư viện) và sao chụp (scan) lại toàn bộ. Nhưng, vậy mà chưa phải vậy! Bộ sưu tập của Cornell rút cục còn thiếu nhiều số (nguyên năm 1962 và vài số khác). Hỏi bạn bè ở trong nước, hi vọng có mối từ Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố HCM (TVKHTHtpHCM), mà tiền thân là Thư viện Trung ương của Việt Nam Cộng hoà, nơi trên nguyên tắc là lưu trữ (theo chế độ lưu chiểu) các ấn phẩm trong nước, nhưng cũng phải qua nhiều lần mới tìm được người nhận vào Thư viện này tìm kiếm (các tư liệu thời VNCH còn thuộc diện "hạn chế người đọc"). Kết quả là Thư viện này cũng chỉ có của tập san này các năm 57-58, 62-63 và 64-65 (đóng thành 3 tập), và sau khi được Thư viện cung cấp bản scan của 7 số năm 1962, cuối cùng chúng tôi vẫn chưa có đầy đủ tập san trong tay (thiếu các số 23, 26, 52 và 68). Người bạn làm môi giới với TVKHTHtpHCM cũng đã có nhã ý đi một vòng các nhà sách cũ ở TPHCM, và hỏi thêm bạn bè ở các thư viện ngoài Hà Nội nhưng không thấy tăm hơi nào khác. Trước tình hình vô vọng đó, người viết quyết định, thiếu còn hơn không, vẫn cho ra mắt bạn đọc bài viết này, mong rằng nó không đến nỗi vô ích - và biết đâu, một bạn đọc trong hay ngoài nước tình cờ tìm được các số thiếu nói trên! 

Vả chăng, đây cũng chỉ là một bài báo, giới thiệu một tập san, và cũng như các bài viết về 4 tạp chí đã nhắc tới trên kia, nó không có tham vọng là một công trình nghiên cứu đầy đủ về loại hình báo chí còn rất ít được quan tâm tới hiện nay: các tạp chí chuyên về phổ biến khoa học tới đông đảo quần chúng nói chung, và về tạp chí này nói riêng. Một nghiên cứu cần thiết, theo thiển ý, nhưng đó lại là câu chuyện khác.

Cuối bài, bạn đọc có thể xem mục lục toàn bộ của tập san (trừ các số 23, 52 và 68(*)- tuy thiếu số 26 trong hai Thư viện nói trên, nhưng mục lục của số này được in trong tổng mục lục của năm 1961) trong hai tệp Excel, một theo tên tác giả, một theo thứ tự ngày tháng. Nếu bạn muốn đọc bản pdf các số báo của hai thư viện nói trên (đây là pdf hình ảnh, chưa qua xử lý "OCR"), xin vào địa chỉ Drive này: 

https://drive.google.com/drive/folders/1cRluK3tO4HesOGsKLrNTPLyH42uGb3ze

HDT


(*) Số 68 này được nói tới trong Lời mở đầu của Số đặc biệt về Kỹ nghệ VN, tháng 8 năm 1972. Tuy nhiên, số đặc biệt này không được đánh số, cũng như Số đặc biệt về Nông nghiệp, tháng 8.1973. Trong hai bản Mục lục ở cuối bài, để tiện sắp xếp, chúng tôi đã cho hai số đặc biệt này các số 69 và 70.


1. Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam


Khác với những tạp chí tiền bối, Tập san KHKT (dưới đây, sẽ viết gọn là Tập san) ngay từ khi ra đời năm 1957 đã khẳng định mình là nội san của một hội đoàn, Hội Khoa học Kỹ thuật VN. Vậy xin bắt đầu bằng vài dòng giới thiệu hội này.

Theo Lời nói đầu của Tập san (số 1), Hội này được thành lập ngày 7.4.1953 tại Hà Nội, và đã xuất bản được số 1 KHKT vào ngày 1.7.1954, ba tuần trước Hội nghị Genève. Vào Nam, Hội được thành lập lại vào ngày 30.4.1956 với mục đích là " gây liên lạc và hợp tác giữa các ngành khoa học và kỹ thuật, khuyến khích sự học hỏi, nghiên cứu và áp dụng liên quan đến khoa học và kỹ thuật". Trong Điều lệ của Hội, mục đích này được ghi thành "Điều II" kèm theo là 4 loại công tác được đề ra để đạt mục đích ấy, trong đó hàng đầu là "Xuất bản tạp chí, kỷ yếu, tác phẩm, sách vở để truyền bá và phổ thông khoa học". Ngoài ra là "Tổ chức những cuộc nói chuyện, triển lãm, chiếu bóng... liên quan đến các ngành KHKT", "Tổ chức những cuộc đi thăm các nhà máy, phòng thí nghiệm, viện bảo tàng..." và "Thành lập những ban chuyên môn để có thể giúp sức hoặc chỉ dẫn các nhà sản xuất trong phạm vi KHKT".

Những thông tin về Hội được đăng rải rác trong các số tạp chí, bao gồm:

Danh sách hội viên, chỉ đăng một lần vào hai số 1 & 2, tổng cộng gần 100 người  được xếp theo các ngành nghề (do đó có vài trường hợp được ghi hai lần, ví dụ như ông Phùng Trung Ngân vừa có trong mục Canh nông vừa có trong mục Giáo khoa...). Bạn đọc quan tâm có thể bấm vào tên tệp Danh sách hội viên ở cuối bài để xem. Trong bối cảnh đất nước vừa chia đôi người ta có thể thấy nhiều trí thức sinh trưởng hoặc đã sinh sống ở miền Nam từ trước 1954 đã tham gia một hội đoàn vừa từ miền Bắc di cư vào, như các ông Lâm Văn Vãng, Nguyễn Quang Trình, Trần Văn Du, Phùng Trung Ngân, Lâm Tô Bông... Sau đó, danh sách này không được Tập san bổ sung, mặc dù trong bản "Tổng kết hoạt động của Hội sau 5 năm 1957-1962", đăng trên số 37 (tháng 7-8-9.1962), mục VIII, Thành phần hội viên, người ta có thể đếm thấy 188 vị ! Cũng trong số này, một bản Tin nội bộ cho biết "Kể từ tháng 3.1962 đến nay, Hội đã có thêm 39 vị Hội viên mới gia nhập, đặc biệt trong đó có giáo sư Bửu Hội". Ngoài ra, qua vài mẩu tin vui, tin buồn, người ta thấy xuất hiện một số tên tuổi, chẳng hạn như Tin buồn trong số 63 (tháng 8.1970) cho biết ba hội viên lão thành, trong đó có kỹ sư Phan Khắc Sửu một nhân vật nổi tiếng của chính trường VNCH, đã được nói tới trong bài viết về tạp chí Khoa học phổ thông 1934-1942, đã "từ trần từ đầu năm nay".

Danh sách Ban trị sự mỗi niên khóa, lần đầu tiên được đăng trong Tập san số 34 ("niên khóa 1962-1963") và từ đó thường xuyên được nhắc lại, lần cuối là trong số 65 ("niên khóa 1971").. Những ban trị sự trong các khóa từ 1957-58 tới 1961-62 chỉ được nhắc lại với các vị trí chính (Hội trưởng, Phó Hội trưởng, Tổng thư ký, Thủ Quỹ) trong bản Tổng kết đã nói trên (xem hình kèm). 

BanTS 57-63

Từ niên khóa 1963-64, Hội thành lập thêm một "Ban cố vấn kỹ thuật" bên cạnh Ban trị sự. Chúng tôi chụp lại hai trang báo số 40 ghi danh sách hai ban đó cùng với mục đích thành lập Ban cố vấn, trong tệp "BTS63-64" đính kèm ở cuối bài. Dưới đây là danh sách các Ban trị sự nối tiếp, theo mẫu của danh sách đầu (chỉ ghi lại 4 chức vụ chính). Các năm 1969-1970, 1970-1971 và 1972-1973 thiếu. Sau số đặc biệt về Nông nghiệp, ghi năm 1973, chúng tôi không thấy Hội còn hoạt động nào khác.

BTS2 

- Đáng tiếc là Tập san không cho đăng toàn bộ danh sách Bộ biên tập của nó trong các số báo. Người viết bài này chỉ tìm thấy một lần duy nhất, trên trang mở đầu số 59, tháng 12.1966, danh sách một "Bộ biên tập" gồm ba vị: Trần Văn Du, Hà Dương Bưu và Nguyễn Chung Tú, rõ ràng không đủ để bao quát các ngành khoa học-công nghệ mà báo đề cập. Các vị khác trong các Ban trị sự có vai trò gì trong việc biên tập tạp chí, chúng tôi chỉ có thể ghi lại (xem dưới đây) những người có bài viết thường xuyên nhất trong Tập san, như một câu trả lời gián tiếp... 

Tin hoạt động của Hội và hội viên ngoài tờ báo (các chuyến đi thăm nhà máy, cơ sở sản xuất và phòng thí nghiệm, đại học trong và ngoài nước...), thường là tin ngắn trừ hai lần: Bản tổng kết 57-62 và một bài viết về "đêm tân niên 71" (số 65). Đáng chú ý là trong ba số liền (57, 58, 59), Tập san đã dành chỗ nói về các "Công trình khoa học và sáng tác của hội viên". Tiếc rằng mới chỉ có 9 nhân vật được có mặt trong loạt bài này trước khi báo đình bản. 

Trụ sở của Hội, có lẽ cũng được dùng làm tòa soạn Tập san, được ghi trên trang bìa của vài số báo (không phải tất cả!), theo ghi nhận của chúng tôi có mấy lần thay đổi: 136 Yên Đổ, 58D Cao Thắng, rồi 38 Nguyễn Trãi...


2. Vài thông tin chung về Tập san


Gần một năm sau khi Hội KHKTVN được thành lập ở Sài Gòn, Tập San KHKT tái xuất, nhưng được đánh số lại từ đầu : số 1 ra đầu tháng 2.1957 và tiếp tục 2 tháng/số cho tới 1960. Đầu năm 61, Tập san thông báo sẽ xuất bản hàng tháng nhưng thực ra không giữ được nhịp độ này. Năm ra nhiều nhất là 1961, có 8 số, tiếp đó 1962 : 7 số, rồi sau đó ít hơn, có năm chỉ ra một số, có năm 2, năm 6 số..., chắc chắn chiến tranh có ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng này. Chúng tôi không có được những con số về số phát hành cũng như doanh số quảng cáo của Tập san nhưng phần báo cáo tài chánh trong bản Tổng kết đã dẫn (xem hình chụp kèm) cho thấy khó lòng trông cậy vào tờ báo để gây quỹ cho những hoạt động khác của Hội. Việc thiếu vắng một đội ngũ ít ra vài ba nhà báo chuyên nghiệp để chăm lo tờ báo cũng dễ hiểu trong những điều kiện đó (cũng là tình hình chung của phần lớn các tạp chí chuyên ngành cho tới nay?).

BC taichanh

Về hình thức, Tập san có khổ cố định 16,5cm x 23,5cm, đóng thành một tập sách nhỏ có bìa riêng, nhưng số trang của mỗi số báo thì thay đổi rất nhiều, chắc là theo số bài vở nhận được. Trừ số 39 là số đặc biệt về bệnh dịch hạch chỉ có 20 trang (4 bài), các số bình thường khoảng 70-80 trang nhưng có những số dài như số 40, 126 trang, số 41, 137 trang, nhất là số 42, số đặc biệt về nông nghiệp, dài tới 252 trang với 29 bài viết. Việc đánh số trang cũng không nhất quán, có năm thì mỗi số bắt đầu lại từ trang 1, có năm thì các số có trang nối tiếp nhau và có khá nhiều sai sót - đặc biệt là năm 1960, số 22 lẽ ra bắt đầu từ trang 292 (do số 21 chấm dứt ở trang 291) thì lại bắt đầu từ trang 192 !

Bia-40  Bia-so73

Tổng kết, trong 17 năm (1957-1973), Tập san đã ra được 70 số báo, với 620 bài viết – không kể những tin ngắn không ký tên người viết - ngót nghét 6000 trang nếu kể cả 4,5 trang quảng cáo mỗi số, với nhiều số đặc biệt như số 39 về bệnh dịch hạch, số 42 về Canh nông, ngư nghiệp và tiểu công nghiệp, số 60 gồm các bài tham luận trong cuộc Hội thảo về sử dụng Tiếng Việt làm chuyển ngữ ở đại học, hai số đặc biệt về kỹ nghệ VN (số 62, năm 1969 và số 69, năm 1972), và tiếp theo số 42, số đặc biệt thứ nhì về nông nghiệp VN, năm 1973, cũng là số cuối cùng của Tập san. Bảng dưới đây cho biết chi tiết hơn về số bài trong mỗi lĩnh vực:

Vài con số về bài vở


Chăn nuôi, thú y : 29 bài trong đó có 5 bài đề cập tới những vấn đề chính sách chung cho ngành;

Nông-lâm-ngư nghiệp : 63 bài, trong đó 14 bài về các vấn đề chính sách, 

Công nghệ - công nghiệp (Kỹ thuật và kỹ nghệ) : 71 bài, trong đó có 16 bài về những chính sách chung, như hiện trạng của một ngành, vấn đề tiêu chuẩn hoá, quan hệ chủ - thợ…

Giáo dục : 32 bài, trong đó có 6 bài trong một số chuyên đề (năm 1967) về dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ ở đại học, 10 bài về giáo dục khoa học – nói chung hoặc về một ngành nhất định, 9 bài về giáo dục kỹ thuật, dạy nghề và vai trò của các kỹ sư.

Khoa học tự nhiên cũng rất được chú trọng, trong đó Vật lý chiếm phần lớn với 60 bài, Địa chất, địa vật lý và hải dương học có 11 bài, Hóa, Sinh học mỗi ngành 10 bài

Lịch sử và triết lý khoa học : 8 bài, không kể 2 bài về chính sách khoa học.

Y khoa : 53 bài, trong đó có 3 bài về Đông y, cộng với 22 bài về các vấn đề y tế, dinh dưỡng, và 10 bài chuyên về Dược.

Thống kê này cần được kiểm lại, chỉnh sửa và bổ sung khi các số thiếu được tìm thấy.

Chưa tính những số báo thiếu, Tập san đã quy tụ được 175 tác giả, trong đó có khoảng 10 tác giả nước ngoài (không kể những bài dịch từ các báo tiếng Anh, Pháp phần lớn trong mục Tin tức), gồm có vài người Pháp làm việc ở Viện Pasteur Sài Gòn, những người nước ngoài khác là nhân viên ở một số cơ quan ngoại giao tại SG. Chung quanh hai nhân vật chủ chốt của Hội KHKTVN là kỹ sư Hà Dương Bưu và bác sĩ Trần Văn Du (cả hai từng là Hội trưởng hoặc phó Hội trưởng Hội KHKTVN), nhiều nhà khoa học, kỹ nghệ và cả một số chính khách có tên tuổi của VNCH đã cộng tác với Tập san. Có thể kể :

- Một ông Thủ tướng (Phan Huy Quát), hai ông phó Thủ tướng (Âu Trường Thanh và Nguyễn Lưu Viên);

- Một ông bộ trưởng GD kiêm viện trưởng ĐH Cần Thơ (Phạm Hoàng Hộ), một ông viện trưởng Viện ĐH Sài Gòn (Gs Lê Văn Thới), ba khoa trưởng ĐH khác (Nguyễn Chung Tú – khoa học-, Phùng Trung Ngân – đại học nông nghiệp, Lê Văn Ký, nông nghiệp), ông Tổng giám đốc Viện Pasteur Việt Nam (BS Nguyễn Văn Ái), một giám đốc Viện Hải học Nha Trang (Nguyễn Hải).

- Nhiều giáo sư các đại học KH SG, Huế, Vạn Hạnh, Phú Thọ (ông Nguyễn Duy Thu Lương, cũng là Tổng uỷ viên hội Hướng đạo VN 1959-1963)...

Chúng tôi sẽ trở lại các nhân vật này trong phần "các tác giả" dưới đây.


3. Nội dung


Tập san nhấn mạnh trong lá Thư đầu năm, số 6, tháng 2.1958,:

… ưu thế của Tập-San là có tính vinh dự được cống hiến quý bạn toàn những bài do các chuyên viên có thẩm quyền và kinh nghiệm ở mỗi ngành khác nhau viết ra. Ngoài những bài có tính cách phổ biến, có nhiều bài có thể coi như những tài liệu mà quý bạn không thấy có ở đâu khác, hoặc có những giá trị hiển nhiên và thực tế về Canh-nông, Kỹ-Thuật hay Y-Tế.

Với ưu thế đó, Tập san kiên trì đặt những vấn đề rất cụ thể nhằm xây dựng nền nông nghiệp và kỹ nghệ VN (ngày nay dùng chữ công nghiệp), từ các vấn đề thuộc diện chính sách nông, lâm tới các bài viết về phương pháp nuôi heo, nuôi gà vịt, cách phòng ngừa một số bệnh cho thú vật v.v., từ việc cần thiết phải có một ngành bảo trì máy móc, sang tới các ngành công nghiệp mới như hoá, cơ khí, điện tử, hoặc đang trên đà công nghiệp hóa từ tiểu công nghiệp như thuộc da, tơ lụa..., và tìm hiểu những khía cạnh khoa học trong các chuyện « thường ngày » như việc làm giấm, làm ruốc, tương hay nước mắm v.v.. Tập san cũng chú ý nhiều tới các chính sách giáo dục cần thiết để đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế đó.  Hai số đặc biệt về nông nghiệp (số 42, cuối năm 1963, với 29 bài viết, và số 70, năm 1973, 16 bài)  cũng như hai số đặc biệt về kỹ nghệ (số 62, năm 1969, 11 bài và số 69, năm 1972, 17 bài), bao gồm các bài viết về từng chuyên ngành với nhiều số liệu từ nhiều nguồn công và tư cho phép nhìn lại tình hình kinh tế của VNCH thời đó, hoặc những ý kiến của một chuyên gia về một vấn đề chung (như bài Một quan niệm về phát triển của Võ Sáng Nghiệp trong số 69, hay bài  Tiểu Công Nghệ ở nông thôn của Nguyễn Công Huân, số 42, bài Mức đóng góp của kỹ nghệ vào sự phát triển canh nông của Vũ Nam Triệu, số 70, bài Vấn đề kỹ nghệ hóa Việt Nam của Âu Trường Thanh, số 7, 1958...), thể hiện mối quan tâm đó của Tập san. Tất nhiên các chủ đề này còn bàng bạc trong nhiều số báo khác. Bài viết Áp dụng khoa học và kỹ thuật trong lãnh vực Nông nghiệp, dài 41 trang trong Tập san số 40, của kỹ sư Châu Tâm, bao quát từ các vấn đề chung mà tiến bộ khoa học giúp cải tiến nông nghiệp (kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện giống má, cơ giới hóa...) sang việc áp dụng chúng vào nông nghiệp VN, với nhiều ý kiến mà ngày nay chưa hẳn là lạc hậu, là một trong nhiều ví dụ cho thấy giá trị của những đóng góp về tri thức khoa học của Tập san. Có thể kể thêm nhiều bài viết khác. Chẳng hạn, bài Nên trồng gai (ramie) hay trồng bông vải (coton) để cung cấp nguyên liệu cho ngành dệt ở Việt Nam của kỹ sư, giáo sư Tôn Thất Trình (số 10, 1958), đặt ra một vấn đề vẫn còn nhức nhối của ngành dệt may VN hiện nay : vấn đề nguyên liệu (xem bài phỏng vấn ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN trên VnEconomy). Hay bài Chánh sách đào tạo chuyên viên canh nông của GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển nông nghiệp (trong hai số 65 và 66, 1971), tuy những con số không còn phù hợp với hiện nay nhưng nhiều bài học có vẻ như vẫn khá thời sự! 

Nhìn chung, có thể nói rằng, so với các bài viết trên các tạp chí tiền bối trước 1945, ở đây các bài viết về nông nghiệp đặt ra nhiều vấn đề sâu hơn (về các khía cạnh KHKT), và về công nghiệp thì thêm nhiều vấn đề mới hơn. Chẳng hạn, việc tiêu chuẩn hóa kỹ nghệ được kỹ sư Võ Sáng Nghiệp nêu lên trong ba bài viết (các số 45, 47 và 48), trong đó bài cuối cùng nêu ra một Dự án thiết lập Sở Tiêu chuẩn kỹ nghệ với phụ lục là một Bảng kê các sản phẩm kỹ nghệ cần lập tiêu chuẩn bao gồm hầu hết các ngành nghề. Có thể khẳng định gần như chắc chắn, đây là bài báo tiếng Việt đầu tiên nêu ra vấn đề "tiêu chuẩn hóa" vì như tác giả nêu lên ở đầu bài, trong tiểu thủ công nghệ, "phẩm chất của món hàng hoàn toàn tùy thuộc ở sự khéo léo và sáng kiến của người thợ. Ngoài ra, kích thước, tính chất, thành phần, cách trình bày của sản phẩm không được xác định rõ ràng mà thường hay thay đổi". Đòi hỏi tiêu chuẩn hóa do đó cũng dễ hiểu, tương ứng với sự phát triển kinh tế (miền Nam) từ những năm 1930-40 sang 1950-60. Mặt khác, đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học được đào tạo ở Pháp (và bắt đầu ở Mỹ) về cũng đông đảo hơn, giữ những vị trí điều hành ở các cơ quan kinh tế hay kinh doanh và từ đó đạt được tầm nhìn sâu, rộng hơn trong ngành nghề của mình, trong khi hơn 20 năm trước những người đi trước họ còn rất ít và hầu hết đều là nhân viên dưới quyền điều hành của những người Pháp.

Tình hình trên đối với các bài viết về áp dụng khoa học trong công-nông nghiệp càng rất rõ nét khi nhìn vào mảng khoa học tự nhiên (cả "khoa học thuần túy" và "khoa học ứng dụng" - bao gồm y, dược) trong Tập san, do có khá nhiều tác giả là những người đã và đang có quá trình tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở đại học hay một viện nghiên cứu, một đặc điểm quan trọng so với các tạp chí trước 1945. Tuy Tập san chỉ chính thức yêu cầu từ số 44 các bài viết "phải có một Toát yếu (Résumé) bằng Pháp hoặc Anh ngữ và mục tham khảo thư loại (Bibliographie) xếp đặt theo kiểu quốc tế", nhưng trước đó người ta đã có thể bắt gặp nhiều bài được trình bày "theo kiểu quốc tế" như thế. Như các bài Nấm Penicillium STECKII của bác sĩ Trần Văn Du (số 4), bài Những chất hữu cơ tối thiểu cần cho sự sinh trưởng thực vật của thạc sĩ Phạm Hoàng Hộ (hai số 4, 5, 1957) v.v. Bên cạnh những bài viết nhằm phổ biến những kiến thức chung, đây là những bài giới thiệu công trình nghiên cứu của chính người viết hoặc của một nhà khoa học khác (thường là dịch từ báo nước ngoài), tuy không chiếm đa số nhưng cũng có khá nhiều trong Tập san và trong đủ các ngành nghề. 

- Về y khoa. Bác sĩ Trần Văn Du ngoài bài Nấm Penicillium nói trên, có nhiều bài tường thuật về các cuộc điều tra bệnh tật ở VN, như bài Một thứ ký sinh trùng dẹp rất hiếm ở xứ ta: Raillietina hoặc Davainea (số 7), bài Những ký sinh trùng người ta ở Saigon Cholon thống kê trong bốn năm 1956 57 58 59 (số 17), hoặc một bài báo cáo kết quả 520 thí nghiệm mà ông đã tiến hành trọn năm 1959 và nửa năm 1960 để kiểm tra Phản ứng Galli Mainini hoặc cách đoán thai nhờ cóc ở Việt Nam (số 19)... Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên có một loạt 5 bài "Tìm hiểu bệnh ung thư", tổng hợp những tri thức của thời đại kết hợp với kinh nghiệm của một thầy thuốc hàng ngày theo dõi bệnh này tại Viện Pasteur Sài Gòn để trả lời một số câu hỏi thường gặp nhất về bệnh này. Loạt bài được đăng trong 5 số liền (số 32 tới 36), sau được Tập san yêu cầu xem lại và bổ túc để đăng lại thành một bài viết duy nhất của một số đặc biệt 72 trang (số 46, 1964). Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Viện trưởng Viện Pasteur Sài Gòn, cũng có nhiều bài viết trong Tập san về các loại vi trùng, cực vi trùng (virus), trong đó có bài Bệnh dịch hạch tại Việt Nam năm 1956 mô tả công việc của Viện Pasteur khi dịch này tái phát (tại Tây Ninh và Phan Thiết). Một nghiên cứu viên khác tại Viện Pasteur, bà Nguyễn Thị Lâu, có bài nghiên cứu về Giá trị bổ dưỡng của thịt các loài cá thông qua phân tích thành phần của 19 loài cá thường dùng ở VN, cả cá nước ngọt và cá nước mặn (số 8, 1958). Sau đó bà cũng ký chung với hai đồng nghiệp người Pháp trong Viện một bài khảo sát về Hai món ăn kiêng cổ truyền ở Việt Nam: Thịt chà bông và Cá chà bông (số 21, 1960). Bài này cũng được đăng lại trong số 42, số đặc biệt về Canh nông, ngư nghiệp và tiểu công nghiệp. Về thú y, bác sĩ Lê Thước ngoài loạt bài nói về cách nuôi từng con thú (heo, gà, vịt...) có một bài dài đăng trên hai số 27 và 28 (1961) đưa ra nhiều dữ liệu và đề nghị giải pháp cho "một nan đề vừa thuộc sinh học vừa thuộc kinh tế học":  Vấn đề dinh dưỡng súc vật tại Việt Nam. 

- Về các ngành Khoa học tự nhiên khác. Sự tham gia của nhiều giáo sư, giảng viên thuộc Đại học Khoa học Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, các chuyên viên của Nguyên tử lực cuộc Đà Lạt hay Viện Hải dương học Nha Trang... giúp cho Tập san có được một khối lượng phong phú các bài viết trong các lãnh vực này, từ vật lý, hóa học sang khoa học trái đất, năng lượng nguyên tử... Loại bài phổ biến kiến thức chung dĩ nhiên chiếm đa số, có thể kể sơ: ba bài về Khoa Trầm tích Học và ứng dụng của nó trong cách tìm dầu hỏa đăng trên các số báo 44, 45, 47 (1964) của GS Trần Kim Thạch, trình bày khá sâu về một ngành khoa học mới chỉ ra đời từ sau 1950, bài Một biến chuyển trong nền khoa học cận đại của GS Nguyễn Chung Tú (số 3, 1957), giúp người đọc có một cái nhìn nhanh nhưng tổng quát về khoa học từ thế kỷ 17 đến nửa đầu thế kỷ 20, bài Cơ cấu hóa học của hiện tượng diệp hóa của GS Phạm Hoàng Hộ (trong hai số 24, 25, 1961), bài Dự tính ánh sáng trong một căn nhà của kỹ sư Nguyễn Duy Thu Lương (số 30, 31, 1961), bài Những chất Kháng Oxygen dùng trong thực – phẩm của GS Chu Phạm Ngọc Sơn (số 55, 1965), v.v. Hai bài Những áp dụng của Máy Tính Điện Tử tại Việt Nam (số 50, 1965) và Xử dụng máy tính điện tử trong Việc nghiên cứu khoa học (số 67, 1971) của kỹ sư Trần Bửu Chánh có lẽ là những bài viết sớm nhất trên báo chí tiếng Việt về ngành khoa học mới mẻ này. 

Đáng chú ý là ngay trong những bài có tính phổ thông, nhiều tác giả đã đi khá sâu vào các khía cạnh chuyên môn của đề tài, không ngại sử dụng những công thức hóa học, toán học phức tạp, phản ánh một lựa chọn bất thành văn của Tập san hướng về khối bạn đọc có trình độ trung học phổ thông (tú tài) thời đó, nói chung đã làm quen với kiến thức khoa học kỹ thuật nhiều hơn so với bạn đọc của các tạp chí trước 1945. Tuy vậy, những bài về lịch sử khoa học (4 bài ngắn, độc lập với nhau), khoa học luận (cũng 4 bài) phải nói là khá ít đối với đối tượng bạn đọc này. Mặt khác, ngoài vài bài về các vấn đề chính sách kinh tế hay giáo dục liên quan tới khoa học kỹ thuật, số bài về khoa học xã hội và nhân văn (trong đó có vấn đề giáo dục, chẳng hạn như được nêu trong bài viết của BS Phan Huy Quát trong hai số 9 và 10 !) cũng rất ít, nhưng đó hiển nhiên là chọn lựa được phản ảnh ngay trong tên gọi của Tập san, xin không bàn thêm.

Như đã nói trên, Tập san cũng đăng vài bài viết trình bày nghiên cứu của chính các nhà khoa học tác giả, có thể kể : GS Nguyễn Chung Tú với loạt bài về hiện tượng phát huy Cadmium (với tên bài khác nhau, trong các số 10, 13, 15, 30...), GS Phạm Hoàng Hộ về công trình Cây cỏ Miền Nam Việt Nam, GS Phùng Trung Ngân với bài Những thực vật thông thường có thể gặp ở Nha Trang (số 5, 1957)...

Sau cùng, các vấn đề giáo dục khoa học kỹ thuật rất được Tập san chú ý. 

Ngay từ năm đầu tiên hoạt động, Tập san đã đặt "Vấn đề kỹ thuật gia" trong hai bài của Thanh Hà (số 4 và số 5, trang 1), trong đó tác giả nêu lên mâu thuẫn giữa tình trạng thiếu việc làm cho kỹ thuật gia khi kỹ nghệ chưa mở mang và ngược lại thiếu kỹ thuật gia thì làm sao mở mang kỹ nghệ (!), và đề ra hướng giải quyết gồm ba điểm: 1/ tạm mướn kỹ thuật gia ngoại quốc trong giai đoạn đầu, kết hợp với 2/ buộc các xí nghiệp nhận thanh niên tập sự có lương và 3/ tăng cường những cơ quan nghiên cứu của Chính phủ để sẵn sàng thu dụng kỹ thuật gia, vừa là giải quyết việc làm vừa chuẩn bị tương lai vì "nếu kém sự khảo cứu thì việc kỹ nghệ hóa cũng sẽ chỉ được nhất thời mà thôi". Mặt khác, cần tạo điều kiện để người kỹ sư ra trường có địa vị xã hội xứng đáng mới thu hút được thanh niên đi theo con đường khoa học kỹ thuật. Những vấn đề người ta vẫn gặp lại vài chục năm sau khi chiến tranh đã chấm dứt ! Đề tài này cũng được trở lại trong nhiều số sau, với các bài Tương lai thanh niên học các ngành kỹ sư của Lê Sĩ Ngạc (số 20, 1960), Giáo dục kỹ thuật và vấn đề kỹ thuật gia của Nguyễn Được (số 40, 1963) hay Vấn đề đào tạo chuyên viên để đáp ứng với nhu cầu của Kỹ nghệ VN của Hà Dương Bưu (số 48, 1964) v.v.

Bên cạnh đó, vai trò của các trường đại học cả về đào tạo và nghiên cứu cũng được nhiều tác giả đề cập. Bài sớm nhất là bài Khảo cứu khoa học ở VN của giáo sư Phùng Trung Ngân (số 3, 1957) mới sơ lược nêu vấn đề và vài sự kiện diễn ra từ ngày thành lập Viện khoa học Đông Dương, tháng 11.1918. Năm năm sau, trong một Đại hội KHKT VN tổ chức vào tháng 12.1962, GS Lê Văn Thới đã có một báo cáo khá dài về Hiện trạng Khảo cứu Khoa Học tại Việt Nam nêu ra những "Thành tích hoạt động của các cơ quan khảo cứu tại VN" và một số nhận xét về hiện trạng cũng như tổ chức khảo cứu trong tương lai. Bài này được đăng trong số 40, tháng 2.1963. Tiếp theo đó là bài Vấn đề Đào tạo Chuyên viên trong ngành Khảo cứu Khoa Học của GS Nguyễn Chung Tú. Vai trò của Khoa học căn bản trong giáo dục đại học chuyên nghiệp cũng được GS Tú nêu lên trong số báo 67, năm 1971.

Trong số 20, Tập san đăng liền 5 bài viết nhằm cổ vũ thanh niên dấn thân vào con đường khoa học. Ngoài bài của kỹ sư Lê Sĩ Ngạc đã nói trên, có các bài Con đường của thanh niên sắp vào trường Đại Học Khoa Học của GS Lê Văn Thới, bài Hướng về Y nghiệp của bác sĩ Phạm Hữu Chương, bài Trước ngưỡng của trường Đại Học Dược Khoa của dược sư Đào Trọng Hiếu và bài Ngành hóa học của kỹ sư Hà Dương Bưu.

Cũng trong mảng giáo dục, vấn đề Dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ tại đại học được Hội KHKT chọn làm đề tài một Hội thảo vào tháng 1.1967, và các bài thuyết trình (của các GS Nguyễn Chung Tú, Đặng Vũ Biền, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Duy Thu Lương và Bùi Huy Thục) cùng bài tổng kết thảo luận của ông Âu Trường Thanh, tổng thư ký Hội KHKT, được đăng lại trên Tập san số 60, tháng 5.1967. Trước đó, trong số 22, 1960, GS Nguyễn Chung Tú đã có một bài ngắn cho biết vài nỗ lực của ban giảng huấn trường Khoa học Đại học SG về việc soạn thảo một bộ Danh từ khoa học dùng cho tới bậc đại học. 


4. Các tác giả


Trong số các tác giả VN, những người có nhiều bài nhất gồm :

- Nguyễn Chung Tú, 28 bài (chưa kể hai bài ký tắt NCT, tin ngắn về Vật Lý, gần như chắc là của ông) ;

- Võ Sáng Nghiệp, 27 bài (và 5 bài ký tắt VSN) ;

- Hà Dương Bưu, 21 bài (và 5 bài ký tắt HDB) ;

- Trần Văn Du, 22 bài chưa kể vài bài Tin tức mục súc, thú y, ký tắt TVD. 

- Tôn Thất Trình, 15 bài ;

- Nguyễn Văn Ái, 14 bài ;

- Nghiêm Xuân Thiện, 14 bài ;

- Lê Thước, 11 bài ;

- Nguyễn Lưu Viên, 11 bài ;

- Nguyễn Duy Thu Lương, 11 bài ;

- Trần Kim Quan, 10 bài ;

- Trần Kim Thạch, 10 bài ;

- Thanh Hà1, 10 bài.

Trong phần "Những thông tin chung", chúng tôi đã kể tên vài nhân vật từng có tên trong lịch sử chính trị của VNCH. Dưới đây là vài dòng chi tiết hơn :

4.1/ Bác sĩ Phan Huy Quát. Sinh năm 1908, ông tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội và tham gia hoạt động chính trị từ trước năm 1945 trong Đại Việt Quốc dân đảng, làm Tổng trưởng Giáo dục (1949) rồi Quốc phòng (1950-51 rồi 1953) trong Chính phủ Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại). Di cư vào Nam năm 1954, ông hành nghề bác sĩ và tham gia chính trị trong tư cách công dân (ký Tuyên cáo của Nhóm Caravelle tháng 4 năm 1960). Ông trở lại chính trường năm 1964 với cương vị bộ trưởng ngoại giao (CP Trần Văn Hương) rồi Thủ tướng VNCH (tháng 2 tới tháng 6.1965). Sau đó, ông trở lại nghề bác sĩ cho tới 1975, bị kẹt lại Sài Gòn, ông vượt biên không thành, bị bắt rồi mất trong nhà tù Chí Hòa vì bệnh viêm gan (tháng 4.1979). Bác sĩ Phan Huy Quát là anh cùng cha khác mẹ với sử gia Phan Huy Lê. Ông có 5 bài viết trong Tập san.

4.2/ Bác sĩ Nguyễn Lưu Viên. Sinh năm 1919 tại Trà Vinh, thời sinh viên ông tham gia kháng chiến cho tới năm 1951 thì trở về thành, hoàn thành luận án bác sĩ tại Hà Nội khoảng năm 1952. Sau năm 1954, ông bắt đầu cộng tác với CP Ngô Đình Diệm nhưng sớm tách ra vì bất đồng ý kiến.Đầu năm 1960, ông cùng với một số trí thức đối lập soạn thảo một tuyên bố kêu gọi chính quyền nên cải tổ. Đó là Nhóm Caravelle mà ông là một thành viên chủ chốt. Sau cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963, ông cộng tác với chính quyền "đệ nhị cộng hòa", làm tới chức phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Giáo dục từ năm 1969 đến 1971, phó Thủ tướng kiêm Trưởng đoàn VNCH tại Hội nghị La Celle Saint-Cloud (1973-74). Ông viết bài đầu tiên cho Tập san (số 30, 1961) khi đang làm việc ở Viện Pasteur Sài Gòn, tiếp đó là loạt bài " Tìm hiểu bệnh ung thư" như đã nói trên. Sau 1975, ông di tản sang Mỹ, tiếp tục hành nghề bác sĩ trong một bệnh viện tại tiểu bang Tennessee cho tới khi về hưu (1988), và mất năm 2017 tại nhà riêng, tiểu bang Virginia.

4.3/ Tiến sĩ Âu Trường Thanh. Sinh năm 1925, tiến sĩ kinh tế học tại đại học Paris, ông đã gắn bó trong nhiều năm với Hội KHKTVN mà ông đảm nhận trọng trách Tổng Thư Ký trong 7 nhiệm kỳ, từ 1960 tới 1963 rồi 1964 tới 1968. Tổng trưởng Kinh tế thời ông Nguyễn Ngọc Thơ sau đảo chính 1963, rồi phó thủ tướng phụ trách kinh tế của Nguyễn Cao Kỳ năm 1966. Năm 1967, ông dự định ra tranh cử tổng thống nhưng bị ngăn cản, năm sau ông sang định cư ở Pháp, mất ở đây năm 2009. Trong thời gian ở Pháp, ông tham gia những hoạt động "thành phần ba" nhằm tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề miền Nam Việt Nam. Vì sự cự tuyệt của Mỹ, những cố gắng đó không đạt được kết quả nào nhưng ông vẫn cố gắng cho tới cuối tháng 4.1975. Sau 1975, ông định cư vĩnh viễn ở Pháp, làm chủ tịch công ty Sanyo - France. Tập san đã đăng ba bài viết của ông về các vấn đề chính sách kinh tế liên quan tới công nghiệp, giáo dục, trong đó có bài Vai trò KHKT trong công cuộc kiến quốc, trong số 41 (1963).

4.4/ Kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện, sinh năm 1909, cũng là một nhân vật nổi tiếng trên chính trường VN, cả trước và sau 1954. Tuy nhiên, sự tham gia của ông vào báo chí phổ biến khoa học ít được nói tới. Trong Tập san, ông ký tên dưới 14 bài viết, chủ yếu về mảng « khoa học thường thức » và vài bài dịch về "khoa học luận". Ông cũng đã viết nhiều (20 bài) cho tờ Khoa học báo của các ông Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn. Trong bài giới thiệu về tờ này chúng tôi đã viết một đoạn dài về ông kể cả về thời kỳ sau 1954 trong Nam cho tới khi ông đi định cư ở Đức năm 1979. Ngoài ra, trên mặt báo này, kỹ sư Nghiêm Phong Tuấn, con trai ông, cũng đã có vài bài về các hoạt động chính trị của ông, xin không trở lại. 

Bên cạnh những nhân vật "chính trị" ấy, dĩ nhiên Tập san "sống" được chủ yếu là nhờ sự đóng góp bài vở của giới khoa học, bao gồm những người hoạt động chính ở các đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu và những kỹ sư làm việc trong công, nông  nghiệp. Dưới đây chỉ là vài khuôn mặt tiêu biểu.

4.5/ GS Nguyễn Chung Tú. Ông sinh năm 1922 tại Hà Nội, mất năm 2014 tại TP HCM. Là khoa trưởng đại học KH Sài Gòn 1965-1973, ông được coi như người thầy của nhiều thế hệ các nhà khoa học ở miền Nam trước 1975 và cả nước sau đó. Giáo sư Nguyễn Chung Tú là tác giả của 33 cuốn sách giáo khoa và khoảng 100 bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Về sự nghiệp khoa học và đào tạo đáng khâm phục của ông, xin bạn đọc mở xem bài viết "Giáo sư Nguyễn Chung Tú, một nhà khoa học, một người thầy" của GS Cao Xuân An, một học trò thân thiết của ông, đăng trên trang khoahocsaigon.com của một nhóm cựu sinh viên Đại học KH SG. Như thống kê trên đây cho thấy, ông là tác giả có nhiều bài viết nhất trong Tập san, bao gồm những bài về vật lý, chuyên ngành của ông, và những bài về giáo dục khoa học như bài Vai trò của Khoa học căn bản trong giáo dục đại học chuyên nghiệp (số 67, 1971) hay bài Sứ mạng Đại học  (số 60, 1967), bài Vấn đề Đào tạo Chuyên viên trong ngành Khảo cứu Khoa Học (số 40, 1963). Cùng với giáo sư Nguyễn Chung Tú, nhiều giáo sư, giảng viên khác của Đại học KHSG cũng có bài viết trong Tập san, như các ông Đặng Hồng Tiệm (toán), Đồng Sĩ Khiêm (Vật lý), Hà Ngọc Bích (hóa học), Trần Thế Hiển (Vật lý), Trần Chung Ngọc (Vật lý)... Cũng không thể quên các chuyên viên của Nguyên Tử lực cuộc Đà Lạt, các ông Phạm Trọng KhôiPhùng Liên ĐoànNguyễn Bích Như

4.6/ GS Phạm Hoàng Hộ, tác giả của công trình đồ sộ Cây cỏ Việt Nam, mô tả khoảng 10.500 loài cây cỏ có mặt trên toàn cõi Việt Nam, cũng từng là Giáo sư Đại học KH SG, Khoa trưởng Đại học Sư phạm Sài Gòn (1962-63), Viện trưởng Đại học Cần Thơ (mà ông là sáng lập viên), và Bộ trưởng bộ Giáo dục trong chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ 1963-1964. Ông sinh năm 1929 tại An Bình, Cần Thơ, sang Pháp năm 1946 học bậc tú tài rồi tiếp tục học đại học ở Sorbonne, lấy bằng thạc sĩ (agrégé) năm 1956, xong trở về nước năm 1957 làm Giám đốc Hải học viện Nha Trang (1957-1962). Trong thời gian này ông đã nghiên cứu về rong  biển VN. Một phần của nghiên cứu này được dùng cho luận án tiến sĩ khoa học mà ông đệ trình năm 1961 cũng tại Đại học Sorbonne. Ông có nhiều tác phẩm nghiên cứu về sinh học, thực vật nhưng nổi nhất là cuốn Cây cỏ miền Nam (xuất bản lần đầu năm 1960, tái bản năm 1970). Sau 1975 nghiên cứu của ông được mở rộng ra toàn cõi VN, rồi sau đó, từ năm 1984 tại Paris khi ông được phép trở sang Pháp, nhận một chức vụ Giám đốc nghiên cứu trong Bảo tàng Thiên nhiên Quốc gia Pháp (Muséum National d'Histoire Naturelle, Paris, gọi tắt là Muséum), ông không ngừng bổ sung nó thành bộ Cây cỏ Việt Nam (nxb Trẻ in năm 1991, tái bản có sửa chữa và bổ sung năm 2003). Công trình này tuy viết bằng tiếng Việt nhưng được thế giới biết tới nhờ các ghi chú bằng tiếng Anh và những nét họa tinh vi của các chủng loại. Sau 5 năm làm việc tại Muséum, GS Phạm Hoàng Hộ sang định cư tại Canada, ông mất tại Montréal ngày 29.1.2017. Trong Tập san, ông có hai bài viết về thực vật học căn bản : Những chất hữu cơ tối thiểu cần cho sự sinh trưởng của thực vật (trong hai số 4 và 5, 1957), Cơ cấu hóa học của hiện tượng diệp hóa (hai số 24 và 25, 1961), và một bài về việc Bồi bổ quyển Cây cỏ miền Nam Việt Nam (số 32, 1962).

4.7/ GS Tôn Thất Trình sinh năm 1931 tại Huế, tốt nghiệp kỹ sư nông học tại Paris năm 1955, ông về Sài Gòn làm trong bộ Nông nghiệp VNCH, giữ nhiều chức vụ cao cấp từ thời phó TT Nguyễn Ngọc Thơ. Năm 1964 GS Phạm Hoàng Hộ, lúc đó là Tổng trưởng Giáo dục, bổ nhiệm ông làm Giám đốc Cao đẳng Nông Lâm Súc (sau trở thành Đại học Nông nghiệp Sài Gòn rồi Đại học Nông Lâm Tp HCM). Ông cũng được cử làm Tổng trưởng bộ Canh nông và Cải cách điền địa (hai lần, 1967 và 1973), nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy ở trường. GS Tôn Thất Trình là một trong những người viết nhiều và đều nhất cho Tập san, 15 bài từ số 1 (1957) tới số 67 (1971), từ các vấn đề kỹ thuật (Những phương pháp trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, Kết quả thí nghiệm về đậu phụng...), cho tới các chính sách vĩ mô trong nông nghiệp (ba bài về vấn đề dinh điền trong các số 13, 15 và 31). Di tản sang Pháp năm 1975, làm chuyên viên nông nghiệp cho Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO) ở nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam tới lúc nghỉ hưu thì sang định cư ở Irvine, Mỹ, và từ trần tại đây ngày 11.7.2021. TS Hoàng Kim, thuộc trường Đại học Nông Lâm Tp HCM, có bài Chuyện thầy Tôn Thất Trình cho nhiều thông tin về ông. 

Một đồng nghiệp của ông, GS Phùng Trung Ngân, GS Sinh-môi và Khoa trưởng đại học KH SG, Khoa trưởng ĐH Nông nghiệp SG, cũng có ba bài viết trong hai năm đầu của Tập san.

Ngoài ra, GS Lê Văn Ký, chuyên về Lâm học, giáo sư Nông Lâm Súc (và là Hiệu trưởng trường này trong hai năm 1974-1975), ông Nguyễn Công Huân, kỹ sư Nông nghiệp, con trai trưởng nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu, người sáng lập và điều hành Khoa học Tạp chí ở Hà Nội từ năm 1931 tới năm 1940, cũng có nhiều bài cho Tập san.

4.8/ GS Trần Kim Thạch, sinh năm 1937 tại Đà Nẵng, ông học cao học tại Đại học Khoa học Sài Gòn rồi được học bổng của tập đoàn dầu khí Shell sang Anh du học. Ông bảo vệ tiến sĩ năm 1964 tại Viện Trầm tích học, đại học Reading và về giảng dạy tại Đại học KH Sài Gòn ngay sau đó. Năm 1972, ông trở thành giáo sư thực thụ của đại học này, và được bầu làm trưởng ban Địa chất học, tổng thư ký Hội Địa chất Địa lý Miền Nam VN. Ông tiếp tục các hoạt động khoa học - giáo dục này sau 1975 và được tái công  nhận chức danh giáo sư năm 1980. GS Trần Kim Thạch mất tại SG 2009, để lại nhiều tác phẩm về địa chất học và những ứng dụng của nó, như các cuốn Cơ bản địa chất học (1964), Khoáng sản miền Nam VN (1968), Dầu hỏa miền Nam VN (1972)... Thư viện của dòng Đa Minh, Sài Gòn, có một danh mục 12 tác phẩm của Trần Kim Thạch trước 1975, đều do Lửa Thiêng xuất bản. Một số cuốn cũng được tái bản sau này, cùng với vài cuốn viết sau này như Dấu ấn văn hóa từ đất đá (nxb Trẻ 2001), Bí mật vũ trụ (Trẻ, 2006)... Năm 1964, vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ và được nhận làm giảng sư tại ĐH KH SG, ông đã tham gia Tập san với một bài viết dài về Trầm tích học và ứng dụng của nó trong cách tìm dầu hỏa, đăng trên ba số báo 44, 45 và 47), giới thiệu ngành nghiên cứu mới ra đời từ hơn mười năm trước đó (Hiệp hội Quốc tế Trầm tích học thành lập năm 1952, với hội viên từ 20 nước, trong đó ông là đại diện duy nhất của Việt Nam). Ông viết tất cả 10 bài cho Tập san, trong đó có 4 bài viết chung với Lê Văn Tiết, trong đó có hai bài nói lên những quan sát của ông về khoa học kỹ thuật Nhật Bản (số 58, 1966) nhân đi dự một hội nghị khoa học Thái Bình Dương tại Tokyo.

4.9/ KS Lâm Tô Bông, kỹ sư ngành dệt và giám đốc xí nghiệp dệt lớn Sicovina Khánh Hội, nhà máy kéo sợi bông vải đầu tiên tại miền Nam của người Việt Nam. Ông cùng với kỹ sư Phạm Văn Hai (chuyên nghề nhuộm) là những doanh nhân có tên tuổi ở miền Nam trước 1975 trong ngành tơ sợi. Các xưởng Sicovina làm ra những loại vải sản xuất có phẩm chất được coi là tốt tương đương với vải của Nhật Bản và Đài Loan. Xin giới thiệu bài viết về công ty này trên trang "Chuyện xưa". Cả hai ông đều tham gia Hội KHKTVN, mà ông Lâm Tô Bông là phó Hội trưởng trong nhiệm kỳ đầu tiên (1957-1958). 

4.10/ KS Võ Sáng Nghiệp : Sinh năm 1937 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp trường Kỹ thuật Phú Thọ khoá đầu tiên (1955), kỹ sư Võ Sáng Nghiệp đã về công tác ở Nha Công Kỹ nghệ, Bộ Kinh tế VNCH từ năm 1960, và là người cộng tác lâu năm với kỹ sư Hà Dương Bưu khi đó là giám đốc Nha này. Ông viết cho Tập san KHKT từ năm 1961 về nhiều khía cạnh kỹ thuật công-nông nghiệp, từ các bài về một số ngành nghề tới các bài chung về chính sách đối với công nghiệp như ba bài viết (lần đầu tiên trên báo chí VN ?) về vấn đề Tiêu chuẩn hóa kỹ nghệ đã nói trên, hoặc bài  Vấn đề bảo trì và sửa chữa máy móc trang  bị kỹ nghệ tại VN (số 64, 1970)... Năm 1969, ông là giáo sư trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Sài Gòn. Sau 1975, ông sống ở TPHCM, và từ năm 1983 đã mở một trường tư chuyên về Đào tạo Nghiệp vụ và Kỹ thuật (trường MTC), là một trong những trường đầu tiên chuyên đào tạo về quản lý cho các doanh nghiệp. Ông cũng có một vài cuốn sách như "Vai trò của người đốc công trong tiểu kỹ nghệ" (1969), Giải pháp quản lý của bạn (nxb Trẻ 2010), và thi thoảng xuất hiện trên báo chí về các vấn đề giáo dục kỹ thuật ở VN (như trong bài này). Ông mất tại Tp HCM khoảng năm 2020.

4.11/ Bác sĩ, Giáo sư Nguyễn Văn Ái sinh năm 1920 tại Hà Nội, học đại học Y khoa Hà Nội, sang Pháp năm 1947 tiếp tục học tại Đại học Y khoa Paris và tốt nghiệp bác sĩ tại đây năm 1952, làm tại Viện Pasteur cho đến khi về nước và là Tổng giám đốc người Việt đầu tiên của Viện Pasteur Việt Nam (gồm các viện Pasteur Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang) từ năm 1958 cho tới 1975. Ông cũng giảng dạy môn Vi khuẩn y học tại Đại học Sài Gòn và là Đại diện VNCH trong Chương trình Y học nhiệt đới của ASEAN. Ông bị bắt đi "học tập cải tạo" năm 1975, được trả tự do năm 1978 và được qua Pháp đoàn tụ gia đình năm 1983. Ông là một trí thức Công giáo đã góp phần xây dựng Giáo xứ Việt Nam ngay từ thời sinh viên, và khi trở sang Pháp năm 1983 đã nhanh chóng hòa nhập lại môi trường này cho tới khi từ trần năm 2015. Trong Tập san, ông có 14 bài viết chủ yếu về các loại vi trùng, vi khuẩn mà ông nghiên cứu tại viện Pasteur.

4.12/ Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Lâu là một trong số ít tác giả nữ trong Tập san (cùng với các bà Đặng Thị Yến - kỹ nghệ thủy tinh, bà Lê Quang Kim - dược sĩ, Nguyễn Thị Kim Thoa - bác sĩ, Trịnh Kim Mộng Đơn - bác sĩ và Trần Kim Oanh - canh nông). Tra tên Nguyễn Thị Lâu trên Google cùng với từ khóa Pasteur, ta thấy một số bài viết của bà trên các tạp chí khoa học như:

(i) A. Vialard-Goudou, J. Darieussecq & Nguyen Thi Lau: Les vitamines du groupe B dans les aliments végétaux au Sud Vietnam, Plant Food Hum Nutr. 3, 426-431 (1958).
(ii) Nguyen Thi Lau, C. Richard, Le poisson dans l'alimentation du vietnamien. Revue d'élevage et de médecine vétérinaire des pays tropicaux, vol. 12, N°3 (1959)
(iii) Richard C., Nguyen Thu Nghi, Nguyen Thi Lau, Litalien F., Le poisson dans l'alimentation du vietnamien. Revue d'élevage et de médecine vétérinaire des pays tropicaux, vol. 13, N°4 (1960).
(iv) C. Richard, Nguyen Thi Lau: Les oeufs de tortue de mer (Chelonia Mydas), aliment traditionnel vietnamien : Composition chimique et valeur alimentaire. Revue d'élevage et de médecine vétérinaire des pays tropicaux, vol. 14, n°3 (1961).

Trong Tập san, bà có bài Giá trị bổ dưỡng của các loài cá (số 8, 1958), có thể là một nghiên cứu sau đó đã được bổ sung, phát triển thêm thành hai bài (ii) và (iii) trên đây. Theo Google Scholar, cả hai bài được trích dẫn nhiều lần.

Một chứng từ của GS Tô Đồng, nguyên Khoa trưởng trường đại học Dược Khoa Sài Gòn, cho biết bà từng sang Pháp làm luận án tiến sĩ Dược cùng thời với GS Đặng Vũ Biền, và sau đó trở thành giáo sư, dạy hai môn Thực vật học và Ẩn hoa học tại trường này. Theo trang web của Đại học Y dược TP HCM, năm 1977 GS Nguyễn Thị Lâu được cử phụ trách "Bộ phận nghiên cứu gián phân tế bào" thuộc Ban Nghiên cứu Khoa học của Đại học này.Trong một chuyến về thăm nhà năm 1995 ông Đồng đã gặp lại bà. Chúng tôi không tìm thấy thông tin khác về bà sau đó.

4.13/ BS Trần Văn Du, như các thông tin trên kia cho thấy, là một cột trụ cả của Hội KHKT và Tập san. Ông người Hà Tĩnh, sinh năm 1916, tốt nghiệp bác sĩ thú y ở trường Thú y Quốc gia Alfort (Pháp), học thêm vi trùng học tại Đại học Y khoa Paris, sau đó làm nghiên cứu tại viện Pasteur Paris, sang Đức vào viện Robert Koch (như viện Pasteur Pháp) rồi viện Y học nhiệt đới Hamburg và trở về nước năm 1946 tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông bị Pháp bắt năm 1948, bị giam 9 tháng rồi được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù binh năm 1949. Ông bắt lại được liên lạc với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ở chiến khu năm 1950, từ đó ở lại Sài Gòn chủ yếu làm chuyên môn (mở phòng thí nghiệm y khoa, nghiên cứu và giảng dạy ở trường Cao đẳng Nông Lâm Súc...). Bài viết Cha tôi của cô con gái ông, Trần Thị Vân Mai, trên mặt báo này, cho rất nhiều thông tin về gia cảnh cũng như những hoạt động của ông cho tới sau này tại tp HCM, nơi ông ở cho tới khi từ trần, năm 2007. Ông viết nhiều cho Tập san, và người đọc có thể thấy hầu hết những bài viết đó được đúc kết từ hoạt động của chính ông trong phòng thí nghiệm y khoa. 

Tham gia Tập san còn có nhiều đồng nghiệp trong ngành thú y của ông: các bác sĩ Lê ThướcNguyễn Trọng TrứVũ Thiện Thái...

4.14/ Last but not least, dĩ nhiên phải nói tới nhân vật chủ chốt của cả Hội KHKTVN và Tập san, kỹ sư Hà Dương Bưu.

Kỹ sư Hà Dương Bưu sinh năm 1908 (trên giấy tờ chính thức ghi ngày 15.1.1909) tại Cấn Xá, Quốc Oai, Sơn Tây, được gia đình gửi sang Pháp năm 1927 học tú tài rồi vào trường kỹ sư hóa ở Marseille, tốt nghiệp và về nước năm 1933. Từ đó đến Cách mạng tháng tám 1945, ông đã làm nhiều việc với chuyên môn của mình ở Phòng nghiên cứu Dược quốc gia Lào (Laboratoire de Pharmacie Centrale à Vientiane 1936, 37), Viện Khảo cứu Nông nghiệp Hà Nội (Institut de Recherche Agronomique, 1942, 1944), nhà máy rượu Văn Điển (1943), nhà máy làm Xút ở Ninh Giang (đầu 1945, nhà máy xây xong nhưng chưa bắt đầu hoạt động thì có đảo chính Nhật), nhà máy làm giấm ở Kim Mã (1941-1946). Sau ngày toàn quốc kháng chiến, ông tản cư, gặp bộ trưởng Phan Anh ở Tuyên Quang và nhận giấy vào Thanh Hóa hoạt động kinh tế với mục đích tìm mỏ Pyrite ở Bái Thượng để làm acide sulfurique. Công việc chưa xong thì trong một chuyến về quê ông bị Pháp bắt đưa về Hà Nội (cuối 1948). Ông nhận làm cố vấn kỹ thuật cho hiệu sơn Thái Bình của ông Cự Hải. Đầu năm 1949, gia đình theo ông vào Hà Nội khi ông được nhận vào  Pharmacie Centrale de Hanoi. Năm sau, ông nhận lời làm công cán ủy viên ở bộ Thương mại và Kỹ nghệ, chính phủ Trần Văn Hữu. Đầu 1952, làm giám đốc Khu tiểu công nghệ Hà Đông, cuối năm kiêm thêm giám đốc Khoáng chất Hà Nội cho tới tháng 8.1954 thì di cư vào Nam. Sau mấy tháng thì được nhận trở lại vào bộ Kinh tế và từ 1956 tới 1962, làm giám đốc Công Kỹ Nghệ (ông Nguyễn Ngọc Thơ làm bộ trưởng) với vai trò thúc đẩy, giúp đỡ những dự án phát triển của công kỹ nghệ VNCH. Năm 1962, có thay đổi trong chính phủ, ông từ chức và ra Đà Nẵng làm giám đốc xây dựng nhà máy sợi Hoà Thọ (thuộc tổng công ty Sicovina của ông Lâm Tô Bông), tới giữa năm 1963 lại trở về Sài Gòn và sau cuộc đảo chính tháng 11.1963, trở vào làm ở bộ kinh tế một năm nữa theo lời mời của các ông Nguyễn Ngọc Thơ và Âu Trường Thanh. Từ 1965 tới tháng 4.1975, ông hoàn toàn làm tư doanh (công ty bột giặt Net, Việt Nam Tân hóa phẩm, thuốc đánh răng Lan Sơn...). Tháng 4.1975, ông di tản cùng gia đình (trừ ba người con trai đã lập nghiệp ở Pháp). Sau một thời gian ngắn ở Guam thì được nhận vào Pháp ở với một người con trai cho tới năm 1983 thì sang Mỹ, chủ yếu sống ở Orange County với con trai trưởng và từ trần ở đây vào tháng 9.1995. 

Báo Người Việt ở Quận Cam số đề ngày 12.9.1995, có bài viết "Một tấm gương sáng của Việt Nam thế kỷ 20. Cụ Hà Dương Bưu (1908-1995)", đánh giá ông là "một trong những kỹ sư đã từng xây dựng hay giúp đỡ cho việc xây dựng nhiều nhà máy nhất ở Việt Nam", và "trong thời gian cụ làm giám đốc Nha công kỹ nghệ thì miền Nam Việt Nam đã phát triển cao nhất về số các dự án công kỹ nghệ được hoàn tất"2.  Theo tác giả3 bài báo, các người bạn cùng tuổi, các nhân viên bộ Kinh tế và tất cả các công kỹ nghệ gia đã có dịp tiếp xúc sẽ nhớ đến cụ trước hết là là "ở nơi nhân cách khoan dung, cương trực và rất đỗi thanh liêm của cụ".

Bên cạnh vai trò người kỹ sư với những hoạt động đa dạng và "những thành tựu đáng hãnh diện" kể trên bài báo Người Việt còn nhấn mạnh, kỹ sư Hà Dương Bưu cũng là một người say mê với khoa học và phổ biến khoa học vào xã hội. Sự say mê khoa học này, ông đeo đuổi cho tới những năm cuối đời ở California, qua sự đóng góp bài vở cho báo Người Việt và tạp chí Thế kỷ 21 với các bài viết về dinh dưỡng và sức khỏe, sau được in thành cuốn sách Ăn uống và sức khỏe, Phòng bệnh và trị bệnh. Nhưng ngay từ đầu năm 1942, ông đã vào bộ biên tập của Báo Khoa học do các ông Nguyễn Xiển và Hoàng Xuân Hãn chủ trì. Mười năm sau, ông là sáng lập viên Hội KHKTVN ở Hà Nội (1953), rồi lập lại Hội này ở miền Nam năm 1956 như đã nói, mà ông là Hội trưởng trong 5 nhiệm kỳ đầu tiên và phó Hội trưởng trong 4 nhiệm kỳ khi bác sĩ Trần Văn Du làm Hội trưởng. 

Trong Tập san, ông viết hơn 20 bài, chung quanh các vấn đề sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng những tri thức hóa và sinh học, như Đường nội hóa (số 6 và 8, 1958), Giấm tây (số 10, 1958), rượu (hai bài, một nói chung về sản xuất rượu nhân cuộc viếng thăm nhà máy rượu Bình Tây, số 13, 1959, một về cách làm rượu dâu, số 54, 1965), hoặc về các vấn đề chung của kỹ nghệ, như xử lý rác (một bài trong số 2, 1957, phân tích và đề nghị cách giải quyết rác đô thành, và một bài dưới tiêu đề Khung cảnh sống đăng trên hai số 64, 1970 và 65, 1971, nêu yêu cầu làm sạch môi trường bị nhiễm độc do rác rưởi hàng ngày và phế thải của kỹ nghệ. Ông cũng đặc biệt quan tâm tới sự phát triển kỹ nghệ với các bài Hiện trạng kỹ nghệ tại VNCH (số 41, 1963)(*)Vấn đề đào tạo chuyên viên để đáp ứng với nhu cầu của Kỹ nghệ Việt Nam (số 48, 1964). Vấn đề thứ hai lại được ông nhấn mạnh trong bài Nhận định về đại học Việt Nam, thuyết trình tại Hội thảo về ĐH VN do Hội KHKTVN tổ chức ngày 18.6.1967, đăng trên Tập san số 61, 1968. 

HDT

(*) Đây là bài tác giả phát biểu trong Đại hội KHKTVN, tháng 12.1962 khi ông vừa từ chức Giám đốc Công kỹ nghệ thuộc Bộ Kinh tế, sau 7 năm trực tiếp điều hành cơ quan này. Bài nói vừa bao quát vừa đi sâu vào từng lĩnh vực, thành công cũng như những vấn đề gặp phải, những con số được nêu ra thẳng thắn, thiết nghĩ có giá trị thực tiễn cho những nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế VNCH ít nhất cho đến năm 1962. Để phục vụ bạn đọc, chúng tôi trích nó ra từ Tập san và đăng kèm dưới đây.


5. Tạm Kết


Như đã thưa trước trong Lời nói đầu, đây chỉ là một bài báo, giới thiệu một tạp chí. Chưa phải là một nghiên cứu thực sự. Dù đã khá dài; nó không thể đi sâu vào nội dung nhiều bài viết cũng như tiểu sử các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư tham gia Tập san, trong đó - theo thiển ý - nhiều người xứng đáng có chỗ trong lịch sử trí thức VN cho tới nay vẫn chỉ được ưu tiên cho các chính trị gia và văn nghệ sĩ (cũng chỉ một phần được ghi trong lịch sử chính thống, nhưng đó là một chuyện khác). Khung cảnh kinh tế - xã hội của miền Nam VN trong những năm hoạt động của Tập san cũng chỉ được lướt qua. Dù sao, mong rằng qua bài báo chắc hẳn là có nhiều thiếu sót này, bạn đọc cũng hình dung được phần nào sự phong phú của một tạp chí tri thức vốn bị bỏ quên, và sự đa dạng (cả về chuyên môn và sự dấn thân xã hội) của những người đã làm cho nó sống được 17 năm trời trong những điều kiện không dễ dàng gì. Thành quả đáng tự hảo này, theo người viết, trước hết có được vì họ chia sẻ một hoài bão, một ước mong chung : làm sao để đưa những tri thức khoa học của thời đại vào công cuộc xây dựng đất nước. Ước mong phải nói là "cháy bỏng" ấy, họ đã kế thừa từ các bậc tiên hiền đã lập ra các tạp chí có cùng mục đích vài thập niên trước, những Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Công Tiễu, Lâm Văn Vãng, Nguyễn Xiển... Mong sao, nó được tiếp nối và nhất là nâng cao.


Hà Dương Tường


Chú thích:


(1) Trong khi hầu hết các bài đều ký tên đầy đủ - đôi khi còn kèm theo chức tước « giáo sư » hoặc « bác sĩ », « kỹ sư »…, trừ ở vài bản tin hoặc bài dịch ngắn ký tên tắt, thì trường hợp của tác giả Thanh Hà với các bài viết về nhiều khía cạnh của kỹ nghệ Việt Nam, được đặt ở vị trí gần như xã luận của báo (trang 1 trong hai số liền 4 và 5, 1957) khiến người ta có thể nghĩ đây là một bút hiệu của kỹ sư Hà Dương Bưu, người cũng chia sẻ những quan tâm đó, và là người phụ trách chính của Hội Khoa học Kỹ thuật VN cùng với bác sĩ Trần Văn Du. Tuy nhiên, người viết không có chứng từ nào cho lời khẳng định trên, chỉ xin nêu lên với sự dè dặt thường lệ. Một tác giả khác ký biệt hiệu là Nhan Thành, viết 4 bài về Chính tả tiếng Việt, nhưng khi ông nhảy sang lĩnh vực vật lý với bài "Tương hệ giữa “Chuyển lực lý rung bức” của Nhan Thành và liên hệ e=mc2 của Einstein" thì Tập san cho đăng "với tất cả sự dè dặt" (trong LTS) và sau đó không còn bài nào khác.

(2) Khi viết bài này, chúng tôi cũng tìm lại được một bức thư đề ngày 4.10.1979 của bố tôi gửi chị tôi, Hà Dương Thị Di, trong đó ông viết: "Trong thời gian làm ở bộ Kinh tế, ba đã giúp phần xây dựng kỹ nghệ ở miền Nam khá nhiều, nhất là kỹ nghệ sợi dệt, kỹ nghệ giấy, thủy tinh, biến chế dồ plastic...".

(3) Bài báo không ký tên, nhưng ông Đỗ Ngọc Yến lúc ấy là chủ nhiệm tờ báo cho biết chính ông là người viết.

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu