Nguyễn Đăng Anh Thi
Chuyên gia Năng lượng & Môi trường
Campuchia hôm 7/5 tuyên bố đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) về dự án kênh đào Funan, nên sẽ không tham vấn thêm với các nước khác trong khu vực.
"Nếu được yêu cầu, Campuchia sẽ cung cấp thêm thông tin với MRC, nhưng không có nghĩa vụ pháp lý phải làm vậy", phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói.
Đây được xem là phản hồi mới nhất của Campuchia về đề nghị của MRC cũng như của Việt Nam trong việc phối hợp đánh giá đầy đủ tác động của dự án kênh đào Funan đối với nguồn nước và môi trường sinh thái tiểu vùng sông Mekong.
Kênh đào Funan là tên gọi ngắn cho dự án "Đường thủy nội địa kênh đào Funan Techo".
Đến nay, Campuchia mới chỉ trình lên MRC một Thông báo về dự án Funan vào 8/8/2023. Tài liệu này chỉ gồm những thông tin cơ bản, và không cung cấp đầy đủ chức năng của kênh đào. Đây là lý do Việt Nam cũng như MRC đã hơn hai lần yêu cầu phía Campuchia cung cấp thêm chi tiết về dự án.
Theo tài liệu từ phía Campuchia, kênh đào Funan dự kiến dài 180 km, chia thành ba đoạn. Đoạn thứ nhất (20 km) nối dòng chính sông Mekong với sông Bassac, đoạn thứ hai (30 km) chạy theo sông Bassac tự nhiên, và đoạn thứ ba (130 km) nối sông Bassac với vịnh Thái Lan qua cảng Kep. Dự kiến kênh đào được khởi công cuối năm nay và bắt đầu hoạt động từ 2028.
Khmer Times cho biết, kênh đào Funan có thể cho phép tàu hàng tải trọng đến 3.000 tấn đi qua vào mùa khô, 5.000 tấn vào mùa mưa. Dự án có chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến do Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) trong 50 năm. Campuchia cho rằng con kênh sẽ giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, thiết lập các cửa ngõ hậu cần và thương mại, tạo thêm việc làm, thúc đẩy quy hoạch, đô thị hóa và phát triển thị trường bất động sản.
Trong bối cảnh thiếu thông tin, các tính toán, đánh giá của chuyên gia trong nước về tác động của dự án vẫn còn nhiều khác biệt và chủ yếu dựa trên các giả thiết.
Tại hội nghị tham vấn về dự án kênh đào Funan tổ chức tại Cần Thơ cuối tháng 4, TS Lê Anh Tuấn (Đại học Cần Thơ) ước tính sơ bộ, nếu kênh vừa phục vụ giao thông thủy, vừa phục vụ cấp nước, hoạt động kinh tế, canh tác lúa cho toàn vùng dự án thì nước trên sông Hậu về đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể sẽ giảm khoảng 45-50% vào cao điểm mùa khô. Lúc đó miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái bị đảo lộn.
Còn TS Tô Văn Trường, trong một bài báo, đưa ra một số kịch bản về sự thay đổi lưu lượng nước và nhận định rằng, dự án Funan chỉ khiến lượng nước về sông Hậu giảm 2-6% trong mùa mưa và 5-13% vào mùa khô. Tuy vậy, ước tính này dựa trên giả thiết con kênh đơn thuần dành cho vận tải thủy, chưa tính đến các chức năng khác như TS Lê Anh Tuấn đưa ra.
Là quốc gia cuối nguồn dòng Mekong, Việt Nam có thể làm gì để ứng phó với những dự án sử dụng nước ở thượng nguồn có khả năng gây phương hại đến lợi ích quốc gia?
Tôi muốn dùng trải nghiệm của mình tại Phnom Penh khoảng 8 năm trước để tìm lời kiến giải cho câu hỏi này.
Thủ đô Phnom Penh có vị trí địa lý thuộc loại độc nhất vô nhị, xét về mặt hội tụ và phân chia của các dòng sông.
Phía trước Cung điện Hoàng gia, "bộ não" của thủ đô là bán đảo Chroy Changvar, nơi dòng Mekong đổ về từ thượng nguồn giao với dòng Tonle Sap, kết nối Biển Hồ Tonle Sap, chừng 100 cây số từ Phnom Penh lên hướng Tây Bắc. Biển Hồ Tonle Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được ví là trái tim của vương quốc này.
Xuôi về hạ lưu tầm hai cây số, dòng Mekong lại rẽ làm đôi, chảy ra biển qua lãnh thổ Việt Nam. Dòng chính Mekong qua ngã Tân Châu còn gọi là sông Tiền, dòng nhánh Bassac qua ngã Châu Đốc còn gọi là sông Hậu.
Tonle Sap là dòng sông duy nhất trên thế giới chảy theo hai hướng ngược nhau trong hai mùa mưa và khô. Hiện tượng đặc biệt này xảy ra nhờ chênh lệch độ cao mực nước giữa Biển Hồ và dòng Mekong qua sự kết nối của sông Tonle Sap.
Trong mùa mưa, mực nước Mekong dâng cao, ngược dòng Tonle Sap chảy vào Biển Hồ như một bể chứa tự nhiên khổng lồ. Trong mùa khô, mực nước sông Mekong hạ xuống, là lúc sông Tonle Sap đổi dòng. Lúc này, nước từ Biển Hồ lại bổ sung cho dòng Mekong xuôi về hạ lưu.
Trung bình, Biển Hồ chứa được khoảng 15% thể tích nước lũ trong mùa mưa và cung cấp khoảng 30% lượng nước cho dòng Mekong trong mùa khô. Vì vậy, Biển Hồ được xem như trái tim co bóp, điều tiết dòng mạch máu nguồn nước Mekong.
Suốt chiều dài lịch sử, Biển Hồ luôn đóng vai trò tối quan trọng về thủy sản, nông nghiệp, giao thông thủy... cho quốc gia này. Hiện tại, Biển Hồ cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cho Campuchia.
"Trái tim Biển Hồ giờ chỉ đập xìu xìu ển ển thôi chú em ơi".
Lão tài công gốc Việt với giọng đặc sệt miền Tây nói oang oang với tôi trên chiếc tàu du lịch vừa xuất bến Phnom Penh ngày ấy. Thực tế, trong mấy tháng mùa khô năm đó, nước Biển Hồ hầu như không chảy ra Mekong.
Tôi nhớ lại những trải nghiệm này khi liên tưởng về dự án kênh đào Funan. Với sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau của hệ thống sông hồ như trên, có thể thấy kênh Funan xuất hiện không chỉ làm giảm nước về ĐBSCL, mà sẽ còn chia bớt nước vào Biển Hồ.
Bỏ qua những tác động của tự nhiên, có thể nói "sinh mệnh" của Biển Hồ và ĐBSCL đang nằm trong tay các dự án sử dụng nguồn nước Mekong. Với dự án Funan, phải chăng Campuchia sẵn sàng đánh đổi những lợi ích "trời cho" và sẵn có để hy vọng vào những lợi ích tương lai do con kênh nhân tạo này mang lại?
Đã gần 30 năm trôi qua kể từ khi đại diện bốn quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, năm 1995. Mặc dù Hiệp định Mekong 1995 không cho phép một quốc gia nào có quyền phủ quyết đối với các dự án được đề xuất trên dòng chính Mekong, điều đó không có nghĩa bất cứ một quốc gia nào cũng có thể thực hiện các dự án của họ mà bất chấp quyền lợi của các quốc gia khác.
PNPCA là bộ thủ tục quan trọng hướng dẫn áp dụng Hiệp định Mekong 1995 được các quốc gia thành viên phê duyệt. PNPCA có ba quy trình riêng biệt để áp dụng cho từng loại dự án với độ phức tạp tăng dần, đó là Thông báo (Notification), Tham vấn trước (Prior Consultation) và Thỏa thuận cụ thể (Specific Agreement).
Việc áp dụng quy trình nào phụ thuộc vào ba yếu tố: loại hình sông (dòng chính hay sông nhánh), mùa (khô hay mưa) và phạm vi sử dụng nước (giữa các lưu vực hay trong lưu vực). Dự án trên dòng chính yêu cầu quy trình phức tạp hơn so với dự án trên sông nhánh. Sử dụng nước vào mùa khô cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt hơn so với mùa mưa. Chuyển nước giữa các lưu vực đòi hỏi quy trình cẩn thận hơn so với sử dụng nước trong cùng một lưu vực.
Theo đó, các dự án sử dụng nước của dòng chính Mekong chỉ được áp dụng quy trình Thông báo khi chỉ cần sử dụng nước duy nhất vào mùa mưa trong lưu vực Mekong. Tất cả dự án khác sử dụng nước của dòng chính Mekong phải áp dụng quy trình Tham vấn trước hoặc thậm chí quy trình Thỏa thuận cụ thể.
Campuchia áp dụng quy trình Thông báo cho dự án Funan. Đây là quy trình đơn giản nhất của PNPCA - chỉ cần gởi thông báo nội dung dự án cho các quốc gia là có thể khởi công. Theo suy luận của tôi, có lẽ do Campuchia có cách diễn giải phạm vi dự án khác biệt với yêu cầu của PNPCA, nên cho rằng quy trình Thông báo mà họ đang áp dụng là phù hợp. Do đó, họ không muốn chia sẻ thêm thông tin.
Như vậy, "Dự án Funan có hay không sử dụng nước trực tiếp từ dòng chính sông Mekong?" là tâm điểm cần thảo luận và thống nhất giữa các quốc gia ký kết Hiệp định Mekong 1995.
Campuchia mô tả dự án này lấy nước từ phụ lưu (tributary) sông Mekong và rằng "có tác động tối thiểu đến môi trường", ông Sun Chanthol ngày 7/5 nói, cho biết lượng nước qua kênh Funan là 3,6 m3/s, còn dòng chảy sông Mekong là 8.000 m3/s.
Nhưng đó là lập luận từ phía Campuchia. Theo TS Lê Anh Tuấn, khi xét tác động của con kênh, phải xem xét trong điều kiện bất lợi vào mùa khô. Lưu lượng trung bình mùa khô của sông Mekong là 2.500 m3/s, những năm khô hạn, con số này còn thấp hơn. Tại Campuchia, nước sông Mekong chia 15-20% cho sông Hậu và 80-85% cho sông Tiền. Đến Việt Nam con số này còn là 10% và 90% tương ứng cho sông Hậu và sông Tiền.
Theo ước tính của TS Tuấn, có tính đến các mục tiêu phục vụ cho giao thông thủy và phát triển nông nghiệp, thì kênh Funan "lấy nước trực tiếp từ dòng chính sông Mekong", chứ không phải một phụ lưu nào.
Trung tâm Nghiên cứu Stimson của Mỹ ngày 9/5 xuất bản bài báo Tác động của Kênh đào Funan ở Campuchia và Ý nghĩa của nó đối với hợp tác Mekong (Impacts of Cambodia’s Funan Canal and Implications for Mekong Cooperation) cũng cho rằng, dự án này đấu nối vào dòng chính sông Mekong. Các học giả của Stimson nhận định, việc coi dự án Funan sử dụng nước từ phụ lưu là cách diễn giải không chính xác từ phía Campuchia, cho phép nước này tránh quy trình Tham vấn trước của Hiệp định Mekong 1995.
Dựa trên trải nghiệm thực tế hệ thống sông - hồ độc đáo tại Phnom Penh và nghiên cứu tài liệu dự án Funan, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Campuchia chưa thực hiện đúng thủ tục PNPCA đối với phạm vi và quy mô dự án này.
Vì sử dụng nước trực tiếp từ dòng chính Mekong, dự án Funan phải áp dụng quy trình Tham vấn trước. Quy trình này sẽ cho phép Việt Nam (cùng Thái Lan và Lào) có 6 tháng để đánh giá kỹ thuật và tham vấn về dự án, trong đó quan trọng nhất là đánh giá các tác động xuyên biên giới có thể gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và sinh kế của người dân. Tiếp đến là thảo luận với Campuchia để đạt sự đồng thuận về việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động trước khi khởi công.
Số liệu của MRC cho thấy hiện đã có 60 dự án áp dụng các thủ tục của PNPCA. Trong đó, 54 dự án áp dụng quy trình Thông báo, và 6 dự án áp dụng quy trình Tham vấn trước - đều là những dự án thủy điện ở Lào. Chưa có dự án nào cần quy trình Thỏa thuận cụ thể.
Đã có những tiền lệ về việc thay đổi áp dụng Thủ tục PNPCA. Chẳng hạn, năm 2013, Ủy ban sông Mekong quốc gia Lào tuyên bố Dự án Thủy điện Don Sahong xây dựng trên đập "phụ lưu" nên chỉ áp dụng quy trình Thông báo, dù nó nằm trên một dòng chính của sông Mekong. Áp lực từ MRC và các đối tác đã thuyết phục Lào thay đổi từ quy trình Thông báo sang Tham vấn trước để các quốc gia có thời gian đánh giá đầy đủ tác động của dự án.
Hiệp định Mekong 1995 dựa trên nguyên tắc "sử dụng công bằng và hợp lý" làm cơ sở cho sự hợp tác giữa bốn quốc gia thành viên. Theo Hiệp định này, nếu quá trình tham vấn không đạt đồng thuận, dự án sẽ được chuyển lên cấp Hội đồng MRC. Đây là cấp cao nhất của Ủy hội, bao gồm các bộ trưởng của chính phủ bốn quốc gia thành viên. Trường hợp Hội đồng MRC vẫn không thể ra nghị quyết đồng thuận, Việt Nam và Campuchia sẽ đàm phán chính thức qua kênh ngoại giao.
Trên tinh thần của Hiệp định Mekong 1995 là hợp tác vì sự phát triển bền vững, tôi nghĩ Việt Nam có thể kiên trì làm việc với MRC để làm rõ với phía Campuchia trong việc diễn giải PCPNA, với mục đích là áp dụng quy trình Tham vấn trước cho dự án Funan. Cách tiếp cận của các quốc gia để giải quyết bất đồng theo luật pháp quốc tế là hợp tác với nhau một cách thiện chí, trung thực và chân thành với mục tiêu đạt được thỏa thuận. Điều này dựa trên giả định cơ bản là nếu một quy trình công bằng được tuân thủ, kết quả cũng sẽ là công bằng cho các bên.
Các điều ước quốc tế về nguồn nước xuyên biên giới xác nhận rằng mỗi quốc gia ven nguồn nước có quyền được sử dụng và phát triển nguồn nước trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của mình. Tuy vậy, việc sử dụng nguồn nước của một quốc gia không được làm tổn hại đến các quyền của quốc gia ven nguồn nước khác.
Kênh đào Funan có thể là huyết mạch kinh tế của Campuchia nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới trái tim Biển Hồ của chính họ và tổn thương ĐBSCL của Việt Nam.
Tôi vẫn tin rằng sự kiên định và chân thành của Việt Nam với những chứng cứ khoa học vững chắc sẽ đem lại kết quả tích cực vì sự trường tồn của dòng nước Mekong và mối hợp tác bền vững của các quốc gia bên dòng sông hùng vĩ này.
Nguyễn Đăng Anh Thi