Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Xung quanh "máy phát điện chạy... nước"

Giáp Văn Dương

Hình 1: TS. Nguyễn Chánh Khê (phải) và cộng sự trình diễn máy phát điện bằng nước có kèm chất phụ gia) tại trung tâm Nghiên cứu và triển khai (khu Công nghệcao TP.HCM).
Ảnh: Minh Phúc (SGGP).
Ngày 14/1/2012, tại Trung tâm nghiên cứu và triển khai, trực thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM, đã diễn ra lễ công bố sáng chế “Máy phát điện chạy bằng nước” của TS. Nguyễn Chánh Khê 1. Nếu như trước đó, tin về máy phát điện chạy nước, dù được đăng tải dồn dập trên nhiều báo chí và thu hút sự quan tâm của dư luận, vẫn bị nhiều nhà khoa học cho là tin tức “giật gân, ly kỳ”, thì với sự công bố chính thức tại Khu công nghệ cao Tp. HCM, sự việc đã trở thành một vấn đề khoa học nghiêm túc. Vì thế, một phân tích mang tính khoa học về “máy phát điện chạy... nước” trở nên cần thiết, nhất là khi có nhiều nhà khoa học tỏ ra hoài nghi tính xác thực của sự kiện này.

Tóm tắt sự kiện
Trong khoảng từ cuối tháng 12/2011 đến khoảng nửa đầu tháng 1/2012, hàng chục tờ báo đồng loạt đưa tin về sáng chế “máy phát điện chạy bằng... nước” của TS. Nguyễn Chánh Khê, tạo ra một sự quan tâm lớn của không chỉ với đại chúng mà còn cả giới khoa học2,3 . Để tăng tính xác thực, báo điện tử Sài gòn Giải phóng còn đăng kèm video clip giới thiệu sáng chế này của đích thân TS. Nguyễn Chánh Khê thuyết trình4.
Sở dĩ dư luận, trong đó có cộng đồng khoa học, quan tâm đến sự kiện này vì nếu thông tin trên báo chí là xác thực thì đây là một sự kiện khoa học gây chấn động thế giới. Một vài hệ quả của sáng chế này, nếu đúng như báo chí đưa tin, có thể được tóm tắt như sau:
- Nguy cơ thiếu hụt năng lượng do cạn kiệt dầu mỏ và than đá sẽ được khắc phục. Khủng hoảng năng lượng sẽ vĩnh viễn bị đẩy lùi. Chiến tranh vì dầu mỏ sẽ không còn đe dọa thế giới.
- Nạn ô nhiễm môi trường sẽ được khắc phục một phần lớn. Hiện tượng Trái đất nóng lên bởi quá nhiều CO2 sẽ được giải quyết. Các vòng đàm phán căng thẳng về cắt giảm khí thải trở nên không cần thiết. Nghị định thư Kyoto trở nên thừa thãi vì từ nay thế giới sẽ chuyển sang sử dụng hydro thay vì dầu mỏ.
- Một ngành kinh tế mới với thị trường có thể lên đến hàng nghìn tỷ đô-la sẽ ra đời5. Với lợi thế là nơi đầu tiên khám phá ra công nghệ này, Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt lên dẫn đầu thế giới về phát triển kinh tế do nắm được công nghệ này.
Chính vì ý nghĩa lớn lao như vậy của sáng chế “máy phát điện chạy... nước”, nên dư luận đã rất quan tâm theo dõi sự kiện này.
Vậy đâu là cơ sở khoa học của sáng chế này?

Phản ứng phân hủy nước
Trái tim của “máy phát điện chạy... nước” là chất khử nano – đôi khi còn được gọi là chất phụ gia hoặc chất xúc tác - dùng để phân hủy nước (H2O) thành khí hydro và oxy. Sau khi đã có khí hydro rồi thì chỉ cần sử dụng pin nhiên liệu để chuyển hóa hydro thành điện. Các pin nhiên liện này là sản phẩm đã được thương mại hóa từ lâu, nên để xem xét tính khoa học của sáng chế này, nhất thiết phải xét đến phản ứng phân hủy nước:
2H2O → 2H2+O2,
ΔG° = 238 kJ mol−1
Ở đây, ΔG° = 238 kJ năng lượng cần thiết để tách một mole nước6. Đây là phản ứng có năng lượng tự do dương và khá lớn, nói cách khác là phản ứng thu năng lượng, nên không thể tự xảy ra. Điều này là hiển nhiên, vì nếu phản ứng phân hủy nước tự xảy ra thì tất cả nước trong các ao hồ, đại đương đã phân hủy thành H2 và O2 hết. Hệ quả là sự sống không tồn tại, và cũng không có chúng ta ở đây để thảo luận về vấn đề này.
Làm thế nào để phản ứng phân hủy nước có thể xảy ra? Không còn cách nào khác là phải cung cấp một lượng năng lượng đủ lớn năng lượng từ bên ngoài để buộc phản ứng phải xảy ra. Giống như một quả táo không thể tự nhảy lên mặt bàn vì đó là một quá trình thu năng lượng, do thế năng của quả táo ở dưới đất thấp hơn thế năng của quả táo trên mặt bàn. Muốn quả táo lên được mặt bàn, không còn cách nào khác là ta phải đưa nó lên, tức cung cấp một năng lượng cho nó, tối thiểu phải bằng sự chênh lệch thế năng giữa đất và mặt bàn. Đây là nguyên lý chung của mọi quá trình vận động trong tự nhiên: Muốn cho một quá trình không tự xảy ra trở thành có thể xảy ra thì bắt buộc phải cung cấp một lượng năng lượng bên ngoài, tối thiểu phải bằng mức chênh lệch giữa hai trạng trái đầu và cuối của quá trình đó.
Trở lại với phản ứng phân hủy nước: Để cho quá trình này có thể xảy ra được, nguồn năng lượng cần cung cấp cho phản ứng có thể là điện năng, nhiệt năng, quang năng... Nếu là điện năng và quang năng thì đó là quá trình điện phân và phân hủy nhiệt thông thường. Còn với quang năng thì quá trình sẽ phức tạp hơn vì phải sử dụng một chất xúc tác trung gian để chuyển từ quang năng thành năng lượng sử dụng được cho phản ứng phân hủy nước. Chất xúc tác cho quá trình đó được gọi là xúc tác quang, vì nó chỉ hoạt động dưới tác dụng của ánh sáng. Cơ chế hoạt động của một chất xúc tác quang, ví dụ TiO2, được mô tả qua sơ đồ hình 1.

Hình 1: Sơ đồ phản ứng phân hủy nước trong quá trình quang điện hóa sử dụng TiO2 làm photoanode (A) và mô hình đoản mạch của quá trình này (B)7.
Nhìn vào hình 1B ta thấy rằng: Khi ánh sáng có bước sóng phù hợp chiếu vào hạt xúc tác thì các điện tử (e-) của chất này sẽ hấp thụ hạt ánh sáng (hν) để chuyển từ vùng hóa trị lên vùng dẫn có mức năng lượng cao hơn và để lại một lỗ trống (h+) ở vùng hóa trị.
Điện tử ở vùng dẫn khi đó sẽ phản ứng với ion H+ có trong nước để tạo ra khí hydro, còn lỗ trống (h+) sẽ phản ứng với nước để tạo ra oxy. Quá trình này được mô tả bởi các phương trình phản ứng như sau7:
TiO2 + hν → e- + h+
2H+ + 2e− → H2
2H2O + 4h+ → O2 + 4H+
Các ion H+ tiêu tốn sẽ luôn được bù đắp bởi quá trình phân ly của nước:
H2O ↔ H+ + OH-
Do đó phản ứng tổng thể có thể viết thành:
2H2O + 4hν → 2H2 + O2
Với quá trình điện phân thuần túy, các điện tử (e-) được sử dụng để khử ion H+ thành hydro chính là các điện tử của dòng điện, và quá trình này xảy ra ở điện cực, thay vì trên bề mặt xúc tác như trong quá trình xúc tác quang.
Dễ dàng nhận thấy rằng, các chất xúc tác quang chỉ có thể là chất bán dẫn. Vì nếu là kim loại thì chúng không có vùng cấm nên không thể tạo ra cặp điện tử (e-) - lỗ trống (h+) dưới tác dụng của ánh sáng, còn nếu là chất cách điện thì do bề rộng của vùng cấm quá lớn, năng lượng của hạt ánh sáng sẽ không đủ để kích thích điện tử nhảy từ vùng hóa trị lên vùng dẫn.
Vấn đề còn lại là phải tìm được chất bán dẫn có độ rộng của vùng cấm thích hợp để năng lượng ánh sáng tử ngoại, hoặc tốt hơn hết là ánh sáng nhìn thấy, đủ để kích thích điện tử nhảy từ vùng hóa trị lên vùng dẫn.
Với TiO2, chất xúc tác quang điển hình đã được nghiên cứu và ứng dụng nhiều, độ rộng vùng cấm là 3.2eV, tương ứng với năng lượng của hạt ánh sáng có bước sóng 387 nm, tức là ở vùng tử ngoại. Như vậy, để cho TiO2 có thể hoạt động như một chất xúc tác quang thì phải sử dụng ánh sáng ở vùng tử ngoại.
Trên lý thuyết, nếu bỏ qua hiện tượng quá thế, ở điều kiện pH=0, do thế khử của H+/H2 là 0 và thế oxy hóa của H2O/O2 là 1.23 eV, nên chỉ cần chất xúc tác có bề rộng vùng cấm lớn hơn 1.23 eV và có biên vùng ở vị trí phù hợp (đáy vùng dẫn thấp hơn thế khử của H+/H2, tức <0 eV và đỉnh vùng hóa trị ở trên thế oxy hóa của H2O/O2, tức >1.23 eV) là phản ứng có thể xảy ra được, hình 2.

Hình 2: Nguyên tắc cơ bản của quá trình phân hủy nước sử dụng hạt bán dẫn làm chất xúc tác7. Bề rộng vùng cấm phải lớn hơn 1.23 eV, đồng thời đáy vùng dẫn thấp hơn thế khử của H+/H2 (0 eV) và đỉnh vùng hóa trị cao hơn thế oxy hóa của H2O/O2, (1.23 eV).
Mức năng lượng 1.23 eV tương ứng với ánh sáng có bước sóng 1008 nm, nằm trong vùng hồng ngoại. Như vậy, về mặt lý thuyết, có thể tìm được một chất xúc tác hoạt động ở vùng ánh sáng nhìn thấy cho quá trình phân hủy nước. Tuy nhiên, tìm được một chất xúc tác như vậy không phải là dễ.
Kể từ khi Fujishima và Honda8 tìm ra hiện tượng phân hủy nước trong quá trình quang điện hóa năm 1972, hứa hẹn mở ra một kỷ nguyên mới về năng lượng tái tạo, nhiều thế hệ các nhà khoa và nhiều tiền của đã được Chính phủ các nước đổ ra để nghiên cứu nhằm tìm ra chất xúc tác trong mơ này.
Số lượng các bài báo công bố, với từ khóa “water spliting”, tức “phân hủy nước”, tìm trên cơ sở dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học (ISI), tăng nhanh kể từ năm 1972, đặc biệt là những năm gần đây. Điều này phản ánh phần nào sự quan tâm của giới khoa học với phản ứng quan trọng này, hình 3.
Hình 3: Số lượng công trình nghiên cứu về phân hủy nước trên các tạp chí ISI: Tìm với từ khóa “water splitting” trong kho dữ liệu của Viện Thông tin Khoa học (ISI).
Ngoài những yêu cầu về độ rộng vùng cấm và vị trí của biên vùng như đã nói, các chất này còn phải đảm bảo một số đặc tính như có độ hoạt động ổn định, có hiệu suất cao v.v mới có thể đưa vào sử dụng trong thực tế. Chính vì thế, đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, một chất xúc tác có thể dùng ánh sáng nhìn thấy để phân hủy nước, với hiệu suất thích hợp, vẫn là ước mơ của các nhà nghiên cứu.
Nhìn vào hình 4 sẽ thấy, dù rất nhiều chất xúc tác đã được nghiên cứu, thì chất đáp ứng được các yêu cầu về độ rộng và vị trí vùng cấm là rất hiếm hoi. Một số hướng tiếp cận như dùng xúc tác dưới dạng composite (xúc tác đa cấu tử) để tạo bậc thang cho điện tử nhảy đa cấp từ vùng hóa trị sang vùng dẫn cũng không đưa lại những kết quả tốt. Việc điện tử và lỗ trống tái kết hợp làm giảm hiệu suất, dù đã được khắc phục phần nào qua việc bẫy điện tử bởi hạt nano kim loại, cũng là một vấn đề nan giải. Chưa kể, nếu xét đến những yêu cầu khác như độ bền, hiệu suất của chất xúc tác… thì vấn đề trở nên khó khăn gấp bội.

Hình 4. Độ rộng và vị trí vùng cấm của một số chất bán dẫn9.
Chính vì thế, hiệu suất của phản ứng phân hủy nước sử dụng xúc tác quang, ngay cả khi dùng đèn tử ngoại công suất lớn làm nguồn sáng, cũng rất thấp. Hình 5 cho thấy hiệu suất phản ứng đối với một trong những hệ xúc tác điển hình: Pt/TiO2. Hiệu suất tạo ra khí hydro trong phản ứng này nằm trong khoảng vài trăm μmol/h/g, rất nhỏ để có thể quan sát được liên tục bằng mắt thường.

Hình 5: Tốc độ tạo H2 với xúc tác N-doped TiO2 – 0.2%Pt, được xử lý nhiệt ở các nhiệt độ khác nhau10.

Thành tựu đáng kể nhất trong khoảng thời gian gần đây về phân hủy nước sử dụng xúc tác quang là của nhóm các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Dưới sự dẫn dắt của GS. Daniel Nocera , nhóm đã tạo ra những “lá nhân tạo” dùng để thu thập năng lượng của ánh sáng nhìn thấy, đồng thời là xúc tác cho quá trình phân hủy nước. Thành tựu này đã được công bố trên tạp chí Science11, và được cộng đồng khoa học đánh giá như một bước tiến vượt bậc vì các “lá nhân tạo” này không chỉ dùng ánh sáng nhìn thấy mà hiệu suất của quá trình đạt mức cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, dưới sự chiếu sáng trực tiếp của một nguồn sáng khá mạnh, lượng hydro được tạo ra trong quá trình này cũng chỉ đủ để sủi bọt lăn tăn chứ không làm sôi sục bình nước như trong sáng chế của TS. Nguyễn Chánh Khê, hình 6.

Hình 6: Thí nghiệm phản ứng phân hủy nước dùng “lá nhân tạo” của MIT 12.

Chất khử hay chất xúc tác?
Điểm quan trọng nhất trong sáng chế “Máy phát điện chạy... nước” của TS. Nguyễn Chánh Khê là hóa chất sử dụng trong phản ứng phân hủy nước, khi thì được mô tả là chất “phụ gia xúc tác”, khi lại là “chất khử nano”, được nhiều báo chí đưa tin là chất xúc tác nano, có vai trò khử nước thành hydro. Vậy đó là chất khử hay chất xúc tác?
Theo định nghĩa chất xúc tác, đó là chất tham gia quá trình phản ứng hóa học ở các khâu trung gian, nhưng không có mặt trong sản phẩm và được bảo toàn sau phản ứng. Như vậy, vai trò của chất xúc tác là làm tăng tốc độ phản ứng hóa học. Nếu một chất đó làm giảm tốc độ phản ứng thì thay vì được gọi là chất xúc tác, nó lại được gọi là chất ức chế.
Với lưu ý rằng, chất xúc tác chỉ làm thay đổi tốc độ của phản ứng hóa học, chứ không thể làm cho một phản ứng từ chỗ không thể xảy ra thành có thể xảy ra. Vì thế, một chất xúc tác chỉ có tác dụng khi ở một điều kiện xác định, phản ứng hóa học đã xảy ra nhưng với tốc độ nhỏ. Khi thêm chất xúc tác, tốc độ phản ứng sẽ tăng, đôi khi đến hàng triệu lần.
Với phản ứng phân hủy nước, xét về mặt nhiệt động học, là không thể tự xảy ra ở điều kiện thông thường, do đó bắt buộc phải dùng năng lượng bên ngoài để “cưỡng bức” cho xảy ra. Tuy nhiên, xem hình chụp hệ thống của TS. Nguyễn Chánh Khê, thấy rằng hệ thống này không dùng bất cứ dạng năng lượng thường thấy nào như điện năng, nhiệt năng. Điều này cũng phù hợp với mô tả của TS. Nguyễn Chánh Khê: “Nó không phải là điện giải, không phải là điện phân, và nó cũng không phải là thủy điện”.
Vậy khả năng còn lại là quang năng. Tuy nhiên, để sử dụng được quang năng thì các bình chứa thường làm bằng thủy tinh, pyrex hoặc thạch anh... và trong suốt để tăng độ truyền ánh sáng. Nhưng các bình nhựa của hệ thống do TS. Nguyễn Chánh Khê sáng chế là bình nhựa có màu xanh tím, có tác dụng như bộ lọc sắc, gây cản trở ánh sáng rất lớn, hình 7. Vậy nếu chất xúc tác TS. Nguyễn Chánh Khê sử dụng là chất xúc tác quang, thì việc sử dụng bình nhựa như vậy là không khoa học. Với chỉ một chút ánh sáng còn lại có thể truyền qua thành bình nhựa, chất xúc tác này có thể làm cho “bình nước sôi sục” cho thấy, nếu đúng hóa chất được sử dụng là chất xúc tác thì đây là một chất xúc tác cực mạnh, chưa từng biết. Một chất xúc tác như vậy quả là một “viên đá thần” và là giấc mơ của nhân loại từ ít nhất là 40 năm nay từ khi Fujishima & Honda phát hiện ra hiện tượng phân hủy nước dưới tác dụng của ánh sáng trên bề mặt xúc tác TiO2 năm 1972, vì nó giúp giải quyết nạn ô nhiễm môi trường và nguy cơ thiếu hụt năng lượng do cạn kiệt dầu mỏ, than đá...
Để minh họa cho hiệu quả của hệ thống, TS. Nguyễn Chánh Khê đã dùng một đèn điện. Dùng mắt thường để quan sát có thể ước lượng rằng, lượng ánh sáng của đèn điện tỏa ra lớn hơn lượng ánh sáng đi vào bình nhựa, điều này trái ngược với nguyên tắc bảo toàn năng lượng.
Ngoài ra, một trong những vấn đề làm đau đầu người làm nghiên cứu về xúc tác là “ngộ độc xúc tác”, tức là xúc tác bị mất hoạt tính do bị các chất bẩn hoặc chính sản phẩm của phản ứng hấp phụ lên bề mặt xúc tác. Trong trường hợp này, việc dùng nước bẩn, nước muối làm nguyên liệu như tuyên bố của TS. Nguyễn Chánh Khê sẽ làm ngộ độc xúc tác nhanh chóng.
Những lập luận này cho thấy, hóa chất mà TS. Nguyễn Chánh Khê sử dụng không thể là chất xúc tác được. Khả năng duy nhất còn lại: Hóa chất được sử dụng là một chất khử, có khả năng phản ứng trực tiếp với nước để tạo khí hydro. Điều này cũng đã được đích thân TS. Nguyễn Chánh Khê khẳng định trong thuyết trình của mình: “Đầu tiên, chúng ta có cái vật liệu nano nó nằm ở tại đây. Nó gọi là chất khử nano. Nó sẽ biến nước thành ra khí hydro. Khí hydro sẽ đi qua bộ phận lọc để làm cho mất nước. Và khí hydro khi mà đi qua đến cái phần này thì nó đi vào trong cái pin” 13.
Chất khử này có thể là các kim loại kiềm và kiềm thổ như Na, K, Ca hoặc một vài hóa chất có khả năng phản ứng với nước như Sodium Silicide (NaSi, Na2Si, Na4Si4). Vì các kim loại kiềm và kiềm thổ rất đắt, phản ứng với nước tạo ra kiềm là chất độc hại, có tính ăn mòn cao, nên sẽ không hiệu quả nếu dùng các chất này làm chất khử. Trong số đó, Sodium Silicide được dùng khá phổ biến để tạo khí hydro vì hiệu quả hơn việc sử dụng kim loại kiềm hoặc kiềm thổ.
Một trong những phản ứng của Sodium Silicide với nước để cho hiệu suất tạo hydro cao nhất là14:
2NaSi + 5H2O → Na2Si2O5 + 5H2
Thực tế, một số công ty như PowerTrekk đã dùng Sodium Silicide để phân hủy nước tạo khí hydro dùng cho pin nhiêu liệu để tạo ra nguồn điện cho các sạc pin điện thoại, với công suất 4Wh15.
Tuy nhiên, NaSi là một chất đôc hại, gây bỏng da, mắt và hệ hô hấp nếu tiếp xúc, lại có khả năng tự bốc cháy (nhiệt độ tự bốc cháy thấp nhất là 260oC), nên cần phải rất cẩn thận khi sử dụng và vận chuyển16. Sản phẩm của phản ứng là Na2Si2O5, một chất có tính kiềm mạnh, nên là một chất độc hại với sức khỏe và môi trường. Phản ứng giữa Sodium Silicide với nước là phản ứng tỏa nhiệt, nên nguy cơ cháy nổ hoàn toàn có thể xảy ra nếu hệ thống phản ứng không tuân thủ những chỉ tiêu kỹ thuật nghiêm ngặt.
Vậy hóa chất mà TS. Nguyễn Chánh Khê sử dụng là gì? Điều này chỉ có TS. Nguyễn Chánh Khê và cộng sự biết, vì không được công khai đề cập trong bất kỳ bài báo nào. Tuy nhiên, việc dùng một hóa chất phản ứng trực tiếp với nước thì thường sẽ khá đắt, chứ không thể “để khởi động hệ thống này và chạy trong vài giờ, chỉ cần một chi phí nhỏ hơn 1000 đồng”17.
Quan trọng hơn, việc dùng một hóa chất làm chất khử để tạo ra hydo thì hóa chất đó chính là nguyên liệu chính để vận hành hệ thống, chứ không phải là nước như công bố. Nhìn bề ngoài, sự nhầm lẫn giữa chất khử và chất xúc tác chỉ là vấn đề ngôn ngữ, nhưng về bản chất khoa học, đây là một điều sai trái, một sự đánh tráo nguy hiểm.

Pin nhiên liệu hydro
Pin nhiên liệu là thiết bị chuyển hóa năng ở trong nhiên liệu thành điện năng thông qua phản ứng hóa học của nhiên liệu đó với tác nhân oxy hóa, thường là oxy trong không khí. Có nhiều loại pin nhiên liệu khác nhau, nhưng phổ biến nhất là pin nhiên liệu hydro, trong đó, năng lượng hóa học của phản ứng oxy hóa hydro thành nước được chuyển thành điện năng:
H2(g) + O2(g) → H2O(l), ΔH = -285.8 kJ mol−1
Phản ứng này có enthalpy âm, tức là phản ứng tỏa năng lượng. Chính phần năng lượng này sẽ được chuyển hóa thành điện năng nhờ pin nhiêu liệu. Nguyên lý hoạt động của pin nhiên liệu hydro được mô tả trong hình vẽ sau:

Hình 8: Sơ đồ nguyên tắc hoạt động của pin nhiên liệu hydro (PEM)18.

Khí hydro khi đến anode, dưới tác dụng của xúc tác, thường là Platinum, sẽ bị tách thành điện tử và ion H+. Điện tử, vì không đi được qua màng điện phân, nên sẽ chuyển sang cathode thông qua mạch ngoài tạo ra dòng điện. Còn ion H+ sẽ khuếch tán qua màng điện phân để sang cathode. Tại đây, cũng dưới tác dụng của xúc tác, ion H+ sẽ tác dụng với điện tử và oxy để tạo ra H2O. Hiệu suất của pin nhiên liệu khá cao, đạt mức 40-65%, nếu kết hợp với tận dụng nhiệt thải, có thể lên đến 85%, tức cao gấp khoảng 3 lần so với động cơ nhiệt.
Pin nhiên liệu dạng PEM19, được dùng nhiều cho các phương tiện vận chuyển vì có nhiều ưu điểm như công suất cao, không tạo ra ô nhiễm môi trường... Nhiều công ty sản xuất ô tô như Toyota, Honda, Hyundai, Daimler, and General Motors đã lên kế hoạch sản xuất xe sử dụng pin nhiên liệu vào năm 2015(20). Tuy nhiên, việc thương mại hóa sản phẩm pin nhiên liệu PEM ở phạm vi lớn vẫn chưa đạt được21. Lý do chính là do giá thành và độ bền của pin chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Với động cơ, pin thương mại phải có khả năng hoạt động trong 5000 giờ liên tục, và 40000 giờ với trạm phát điện, với khả năng suy giảm hiệu suất nhỏ hơn 10%(22). Về giá thành, tuy đã có cải thiện đáng kể, nhưng pin nhiên liệu vẫn còn đắt hơn nhiều sơ với động cơ đốt trong.

Hình 9: Biểu đồ giá thành của pin nhiên liệu dạng PEM 23
Phần lớn các pin nhiên liệu đang sử dụng đều dùng màng Nafion® và xúc tác Pt. Pin nhiên liệu của TS. Nguyễn Chánh Khê cũng thuộc loại PEM đã nêu trên, vì trong triển lãm FC Expo 2011: “TS. Nguyễn Chánh Khê cho biết, tại triển lãm, ông đã đưa ra loại vật liệu dẫn proton mới nhất thế giới đó là than nano lỏng để trực tiếp cạnh tranh với vật liệu Nafion- sản phẩm dẫn proton của công ty Dupont đang độc chiếm thị trường toàn cầu hiện nay. Công ty Dupont hiện bán 3 kg Nafion với giá 105.000 USD trong khi màng dẫn proton do TS Khê chế tạo từ than nano lỏng chỉ dao động trong mức giá khoảng 700 - 1.000 USD”24.
Ngoài ra, “TS Nguyễn Chánh Khê cho biết, dự kiến cuối tháng 8/2011 tới ông sẽ công bố và trình diễn một hệ thống pin có công suất 2.000 W đủ cung cấp điện cho một căn hộ nhỏ”23, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy thực hiện.
Công suất của pin nhiên liệu2 của TS. Nguyễn Chánh Khê là 0,13W/cm2. Đây là một công suất tương đối thấp. Trên thực tế, những pin nhiên liệu hydro có công suất 2.5W/cm2, cũng dùng màng Nafion®, đã được chế tạo25.
Cũng liên quan đến pin nhiên liệu, dường như một sáng chế tương tự đã được nộp hồ sơ đăng ký tại châu Âu từ ngày 28.9.2006, bởi TS. Nguyễn Chánh Khê và hai đồng nghiệp26. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Phòng Đăng ký Bản quyền châu Âu thì hồ sơ đăng ký này đã bị rút lại từ ngày 3/12/2009. Lý do: Không phản hồi lại thư trao đổi của phòng kiểm tra27.

Thay lời kết
Qua những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng: Việc tạo khí hydro từ nước chỉ là sản phẩm của một phản ứng hóa học thông thường giữa một chất khử với nước. Khí hydro được tạo ra này sẽ được đưa qua pin nhiên liệu dạng PEM để tạo ra điện. Do đó, nhiên liệu để vận hành hệ thống phải là chính chất khử đó, chứ không phải là nước. Muốn hệ thống hoạt động liên tục thì chất khử này phải được bổ sung liên tục, vì nó sẽ bị tiêu tốn trong quá trình phản ứng. Pin nhiên liệu mà hệ thống sử dụng có công suất thấp hơn nhiều với pin cùng loại đang được lưu hành.
Ngoài ra, việc đưa tin về những thành tựu nghiên cứu của TS. Nguyễn Chánh Khê từ trước đến nay cũng có nhiều sai lệch. Thực vậy, từ năm 2006, nhiều báo đã đưa tin việc TS. Nguyễn Chánh Khê lần đầu tiên sản xuất thành công ống carbon nano tube hoàn toàn bằng nguyên liệu và công nghệ trong nước28. Nhiều báo còn đưa tin Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã dùng ống carbon nano tube để làm vỏ phi thuyền29.
Trên thực tế, từ năm 2003 nhiều cơ sở nghiên cứu trong nước đã tạo được ống các-bon nano tube nên những tin tức này đã được cảnh báo30. Còn việc NASA có dùng ống cac-bon nano tube để làm vỏ phi thuyền hay không, hoặc ít nhất có hợp tác với Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM hay không vẫn còn chưa được kiểm nghiệm. Nhưng sự thực là từ đó đến nay đã gần 5 năm, mặt hàng được hứa hẹn “sẽ mang về siêu lợi nhuận cho đất nước” vì có giá từ “100.000 USD - 800.000 USD/kg” dường như đã chìm vào quên lãng.
Nay với việc công bố sáng chế “máy phát điện chạy... nước”, trước sự nghi ngờ của giới khoa học, thiết nghĩ Khu Công nghệ cao TP. HCM hoặc Bộ Khoa học & Công nghệ cần lập hội đồng đánh giá tính xác thực của sáng chế này.
---------------
Tác giả cảm ơn TS. Trương Văn Tân đã đọc và góp ý cho bài viết.
----------
1 Trung tâm Nghiên cứu & triển khai Khu Công nghệ cao TP.HCM: Công bố sáng chế Máy phát điện chạy bằng nước, ngày 15/01/2012.
2 Điện từ nước – phát minh độc đáo của một nhà khoa học Việt Nam, An ninh thế giới, 26/12/2011.
3 Máy phát điện chạy bằng nước, Tuổi trẻ, 15/1/2012.
4 Sáng chế máy phát điện chạy bằng nước, Sài gòn giải phóng, 3/1/2012.
5 Năm 2011, thế giới khai thác được khoảng 87,5 triệu thùng dầu, trị giá khoảng 3000 tỉ đô-la Mỹ.
6 Vincent Artero và các cộng sự, Angew. Chem. Int. Ed. (2011), 50, 7238 – 7266.
7 Kazuhiko Maeda, J. Photochem. Photobio. C: Photochem. Rev., Vol.12, Iss. 4, (2011), 237–268
8 A. Fujishima and K. Honda, Nature 238 (1972) 37.
9 Dengwei Jing, Int. J. Hydrogen Energy, Vol. 35, Iss 13, 2010, 7087–7097.
10 Bing-Shun Huang, Ming-Yen Wey, Int. J. Hydrogen Energy, Vol. 36, Iss. 16, (2011) 9479–9486.
11 S.Y. Reece, et al., Science, 334 (2011) 645-648.
12 http://web.mit.edu/newsoffice/2011/artificial-leaf-0930.html
13 http://www.youtube.com/watch?v=PDQ5NpHTbbQ
14 James L. Dye et al, J. Am. Chem. Soc., 127 (2005), 9338-9339.
15 http://www.powertrekk.com/
16http://signachem.com/wp-content/themes/signa/pdf/technical-docs/MSDS-SiGNa%20NaSi.pdf
17 Máy phát điện chạy bằng... nước, chuyện lạ..., Sài Gòn Tiếp thị, 9/2/2011.
18 DOE-EERE. FCT fuel cells: types of fuel cells; 2009.
19 Polymer Electrolyte Membrane Fuel Cells
20 Gittleman C, DM, Jorgensen S, Waldecker J, Hirano S, Mehall M. Automotive fuel cell R&D needs. In: DOE fuel cell pre-solicitation workshop. Department of Energy, Lakewood, Colorado, 2010.
21 Yun Wanga et al, Appied Energy, Vol. 88, Iss. 4, (2011), 981–1007.
22 W. Schmittinger, A. Vahidi, J. Power Sources, 180 (2008), 1–14.
23 D. Papageorgopoulos , DOE fuel cell technology program overview and introduction to the 2010 fuel cell pre-solicitation workshop in DOE fuel cell pre-solicitation workshop. Department of Energy, Lakewood, Colorado, 2010.
24 Người chế tạo pin thay xăng, Người đưa tin, 15/7/2011.
25 Oliver J. Murphy, G. Duncan Hitchens, David J. Manko, J. Power Sources, Vol. 47, Iss. 3, (1994), 353–368.
26 EP1949484 - ELECTROLYTE MEMBRANE FOR FUEL CELL UTILIZING NANO COMPOSITE, xem tại: https://register.epo.org/espacenet/application?number=EP06848660&tab=main
27 Nguyên văn: Despatch of communication that the application is deemed to be withdrawn, reason: reply to the communication from the examining division not received in time [2010/16]
28 TS Nguyễn Chánh Khê và sản phẩm carbon nano tube siêu lợi nhuận, Người lao động, 9/7/2006.
29 NASA dùng carbon nano tube của VN làm vỏ phi thuyền, Tuổi trẻ, 31/5/2007.
30 Đằng sau nghiên cứu kinh ngạc của TS. Nguyễn Chánh Khê, Tuần Việt Nam, 14/6/2007.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Kiểm soát và cân bằng quyền lực

David Williams
Nam Tước Acton có một câu nói nổi tiếng: “Quyền lực luôn tham nhũng; quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối.” Khi có quá nhiều quyền lực trong tay, ngay đến người tốt cũng cai trị độc đoán. Do hiểu rõ bản chất của vấn đề như vậy, chủ nghĩa hiến chế mới nảy sinh, và đó là một bước ngoặt so với cách nghĩ truyền thống về quyền lực ở châu Á cũng như phương Tây. Trong cách nghĩ truyền thống, người ta thường ca tụng các nhà lãnh đạo và trao cho họ quyền lực tuyệt đối để bảo vệ an ninh quốc gia. Các nhà lãnh đạo truyền thống thì muốn xem thần dân trong nước như con cái, để họ làm nhiệm vụ của bậc cha mẹ và ra quyền hành xử như cha với con. Vượt ra khỏi tư duy đó là điều tiên quyết để thiết lập một chính phủ hiến định và công bằng.

1. Khi một người hay một nhóm nhỏ độc quyền quyền lực, họ sẽ trấn áp người khác.
Sau một thời gian, sự tập trung quyền hành quá mức dẫn đến tha hóa về cả tinh thần và vật chất, do đó người tốt dù có muốn đi nữa cũng mất khả năng lèo lái quốc gia một cách sáng suốt. Không một cá nhân nào hoàn toàn trong sạch. Ai cũng ít nhiều có thiên kiến, sai lầm về tư tưởng và vị kỷ. Một người tốt không phải là người không có nhược điểm. Người tốt là người biết kiềm chế và vượt qua được những nhược điểm đó. Nhưng để làm được điều này, họ cần có sự hỗ trợ của người khác. Nhưng khi tập trung quá nhiều quyền lực trong tay, người cầm quyền gạt bỏ khả năng và cơ hội hỗ trợ của những người khác.
Vì lý do này, một nhà lãnh đạo tốt sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Cái anh ta cần là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định. Khi đó, thay vì đơn thuần điều hành đất nước bằng mệnh lệnh, anh ta sẽ cân nhắc những quan điểm khác nhau. May ra lúc ấy anh ta sẽ buộc phải nhận ra rằng chính mình cũng có những thiên kiến, những sai lầm về tư tưởng, và cũng vị kỷ. Một nhà lãnh đạo thật sự anh minh cần sự sáng suốt ấy, và sẽ biết ơn những tiếng nói phản biện, thay vì trấn áp họ.
Quyền lực tuyệt đối tha hóa tinh thần, vì khi một người có quyền lực trên hết thảy mọi người khác, những người khác sẽ chỉ nói những điều họ nghĩ rằng người cầm quyền muốn nghe. Họ giấu đi những điều gây phật lòng, và không bao giờ bày tỏ những quan điểm và ý kiến trái ngược. Kết quả là người cầm quyền chẳng bao giờ nghe được những điều cần biết để có thể lãnh đạo sáng suốt hơn. Tệ hại hơn, sự tha hóa tinh thần này có thể dẫn đến tha hóa tâm hồn. Nếu không ai dám đưa ra những thông tin hay ý kiến chói tai, hoặc phản đối người cầm quyền, người cầm quyền cứ tưởng mình không hề có thiên kiến, không hề mắc sai lầm và không hề vị kỷ. Từ đó anh ta cho rằng mọi ý kiến của anh ta đều đúng. Anh ta bắt đầu ngộ nhận rằng lợi ích cá nhân của anh ta chính là lợi ích của xã hội. Khi ấy, anh ta trở thành một kẻ độc tài.

Vì lý do này, một nhà lãnh đạo tốt sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Cái anh ta cần là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định. Khi đó, thay vì đơn thuần điều hành đất nước bằng mệnh lệnh, anh ta sẽ cân nhắc những quan điểm khác nhau. May ra lúc ấy anh ta sẽ buộc phải nhận ra rằng chính mình cũng có những thiên kiến, những sai lầm về tư tưởng, và cũng vị kỷ. Một nhà lãnh đạo thật sự anh minh cần sự sáng suốt ấy, và sẽ biết ơn những tiếng nói phản biện, thay vì trấn áp họ.

Dĩ nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng xuất thân là người tốt. Ngược lại, họ có thể ham muốn quyền lực chỉ để trấn áp người khác và thủ lợi cho bản thân, cho gia đình và cho những kẻ về hùa theo họ. Những người như vậy vốn đã tha hóa ngay từ trước khi họ có quyền lực. Một khi tập trung quyền lực trong tay, họ sẽ sử dụng ngay quyền lực đó để đàn áp kẻ khác.
Tóm lại, những chính quyền nắm quyền lực quá tập trung sẽ lạm quyền và tham nhũng. Cách duy nhất để giới hạn quyền lực của họ và tránh lạm dụng là tản quyền.

2. Vì lý do đó, hiến pháp cần phân bổ quyền hành cho nhiều thành phần khác nhau của chính quyền để có sự giám sát và cân bằng quyền lực.
Bởi quyền lực tập trung sẽ sinh lạm dụng, không có cách giải quyết nào khác ngoài việc phân chia quyền lực cho các thành phần khác nhau của chính quyền. Ý tưởng này được gọi là giám sát và cân bằng quyền lực: hiến pháp thiết lập nên sự cân bằng về quyền lực giữa các thành phần khác nhau của chính quyền để chúng có thể giám sát lẫn nhau. Giám sát và cân bằng quyền lực chính là cốt lõi của chủ nghĩa hiến chế. Vì không một cá nhân hay một nhóm nhỏ nào thâu tóm mọi quyền lực, sẽ không ai có quyền lực tuyệt đối để đàn áp kẻ khác. Khi các ngành trong chính quyền cần sự hợp tác của nhau thì họ phải lắng nghe nhau, phải thương thảo và phải cùng nhau làm việc. Khi nhiều người có khả năng tác động lên chính quyền và chính sách, chính quyền đó mới có thể trở nên công bằng và trung dung hơn, bởi vì khi đó chính quyền không chỉ còn phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ. Đồng thời, chính quyền cũng sẽ sáng suốt hơn, bởi các chính sách hay quyết định là kết quả của quá trình thảo luận trong đó nhiều cách nhìn khác nhau đã được cân nhắc.
Một số người, đặc biệt tại châu Á và châu Phi, lo ngại rằng giám sát và cân bằng quyền lực sẽ tạo nên bất ổn, tranh cãi, bế tắc, thậm chí nội chiến. Đúng là khi cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực không được thiết kế hợp lý, hậu quả của nó có thể không như mong đợi. Nhưng nếu được thiết kế tốt, nó sẽ không dẫn đến bất ổn quá mức bình thường. Những đất nước ổn định và thịnh vượng đều có một cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực nào đó. Lựa chọn duy nhất ngoài phân quyền là tập quyền. Mà tập quyền, như đã phân tích ở trên, luôn dẫn đến cai trị áp bức. Điều này rõ ràng tệ hại hơn nhiều so với những bất đồng bắt nguồn từ những tranh cãi chính trị thông thường.
Có nhiều mô hình giám sát và cân bằng quyền lực, do các yếu tố khác nhau được kết hợp một cách khác nhau. Nếu được thiết kế một cách cẩn trọng, giám sát và cân bằng quyền lực có thể giảm thiểu một cách có hiệu quả các bất ổn, cũng như tăng cường bảo vệ người dân chống lại chính quyền tha hóa và độc đoán.

3. Các hiến pháp phân quyền theo nhiều cách khác nhau
Có nhiều cách phân chia quyền lực giữa các nhân tố của chính quyền. Và các hiến pháp khác nhau thiết lập nên các chính quyền với kết cấu khác nhau. Có hiến pháp gọi người đứng đầu chính phủ là tổng thống, có nơi khác gọi là thủ tướng, lại có chỗ kết hợp ngành hành pháp và lập pháp với nhau trong một hội đồng mà người đứng đầu hội đồng không phải là tổng thống mà cũng chẳng phải thủ tướng. Vài hiến pháp công nhận chính quyền địa phương bán tự trị, nơi khác thì không. Có hiến pháp tổ chức hai viện lập pháp, có chỗ chỉ có một viện duy nhất. Như vậy, trong nhiều hệ thống hiến định khác nhau, kết cấu của chính quyền là khác nhau. Vì vậy, phân chia quyền lực giữa các thành phần chính quyền của các hệ thống hiến định khác nhau cũng sẽ khác biệt.
Thêm vào đó, cho dù các hiến pháp có quy định kết cấu chính quyền tương tự như nhau, chúng vẫn có thể phân chia quyền lực theo nhiều cách khác nhau cho các nhân tố đó. Thí dụ, tổng thống có thể có quyền phủ quyết những dự án luật do bên lập pháp đưa ra, hoặc có thể không có quyền đó. Thượng viện của ngành lập pháp có thể chỉ có quyền cố vấn cho hạ viện, nhưng viện này cũng có thể có quyền bác bỏ các dự luật của hạ viện. Chính quyền địa phương có thể có quyền lực rộng rãi trên các vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân trong khu vực đó. Nhưng họ cũng có thể chỉ có quyền lực hạn chế trong một số lĩnh vực mà thôi.
Trong bài viết ngắn ngủi này, thật khó để liệt kê hết tất cả hình thức phân quyền. Nhưng tựu trung lại, các mô hình chính là:

* Hầu hết các hiến pháp chia chính quyền trung ương thành ba phần – quyền lập pháp, quyền hành pháp và tòa án. Các quyền này được trao cho những người hay nhóm người khác nhau. Một số hiến pháp tách biệt hoàn toàn các quyền lực này, tức là các nhân tố trong chính quyền không hề có những mảng phận sự chồng lấn. Nhưng cũng có một số hiến pháp cho phép sự chia sẻ quyền lực nhất định, chẳng hạn tổng thống vừa có quyền hành pháp vừa có quyền phủ quyết dự luật (một phần của quyền lập pháp) trong một số trường hợp hạn chế. Phương thức phân quyền này được gọi là tam quyền phân lập.

* Một số hiến pháp phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương hay vùng lãnh thổ. Do sự phân chia này được quy định bởi hiến pháp, chính quyền trung ương không thể can thiệp vào phạm vi quyền lực của chính quyền vùng lãnh thổ. Quan trọng hơn cả, chính quyền trung ương không thể giải tán chính quyền địa phương đó hoặc tước đoạt một số quyền đã được hiến pháp trao cho họ. Có trường hợp chính quyền vùng lãnh thổ có thể soạn hiến pháp cho riêng địa phương họ, với cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tòa án như chính quyền trung ương. Phương thức phân chia quyền lực này được gọi là chính thể liên bang.

* Mọi bản hiến pháp chính danh phân chia quyền lực giữa chính quyền và công dân nhằm mục đích bảo vệ quyền cá nhân. Một số quyền cá nhân tự bản chất là quyền nhân thân, như quyền kết hôn. Nhưng một số quyền mang tính chính trị, như quyền biểu tình hoặc quyền thành lập hội đoàn chính trị. Bằng cách thực thi các quyền này, công dân có thể kiểm soát chính phủ. Phương thức phân quyền này được gọi là quyền cá nhân.

* Mọi hiến pháp dân chủ còn phân chia quyền lực giữa chính quyền công dân thông qua bầu cử. Trong một nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân. Chính quyền có bổn phận phục vụ người dân, chứ người dân không phải phục tùng chính phủ. Nhưng người dân không thể cáng đáng hết công việc hàng ngày của chính quyền vì còn phải lo cho cuộc sống riêng của họ. Vì vậy, hiến pháp cho chính quyền quyền thay mặt người dân để giải quyết công việc trong những lĩnh vực phù hợp, với tư cách là công bộc của nhân dân. Tuy vậy, nhân dân vẫn nắm quyền giám sát tối thượng. Nếu nhân dân không hài lòng với cách làm việc của các viên chức chính quyền, họ có thể bỏ phiếu bãi nhiệm các viên chức đó qua bầu cử.

4. Dù mọi quốc gia đều cần tản quyền, có nhiều hình thức phân quyền khác nhau, và các quốc gia khác nhau phải chọn những hệ thống khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó.
Như đã trình bày ở trên, có nhiều hình thức phân quyền. Một số hiến pháp áp dụng nhiều hình thức cùng một lúc, trong khi một số hiến pháp khác chỉ áp dụng một hình thức phân quyền mà thôi. Không có một hình thức phân quyền nào được xem là duy nhất phù hợp cho mọi quốc gia trong mọi thời kỳ. Đã có rất nhiều sách vở bàn đến các hình thức phân quyền trong bản hiến pháp. Đôi khi các phân tích đó mang nặng tính chuyên môn. Do đó, trong phạm vi bài viết ngắn này, khó có thể tóm gọn mọi khía cạnh của các tri thức đó.
Tuy vậy, bài viết này nhấn mạnh một điều quan trọng: các hình thức phân quyền khác nhau mang lại các hệ quả khác nhau. Bởi cân bằng và giám sát quyền lực là trọng tâm của thể chế hiến định, các nhà soạn thảo hiến pháp đã dành nhiều công sức nghiên cứu các hệ quả của mỗi hình thức phân quyền khi chúng được áp dụng riêng rẽ hay kết hợp lẫn nhau. Thế nhưng, không có một hệ thống hiến định nào hoàn hảo hay đạt mọi mục đích đặt ra. Các nhà soạn thảo hiến pháp luôn phải chọn lựa hoặc thỏa hiệp. Chẳng hạn, một số thể chế hiến định tạo điều kiện cho mọi khuynh hướng chính trị được đại diện trong chính quyền, nhưng lại có thể khiến chính trị bị chia rẽ và phân tán, vì sự tham gia của quá nhiều luồng ý kiến khác nhau sẽ khiến các bên khó đạt đồng thuận để ra quyết định. Một số thể chế hiến định khác có thể khiến vài khuynh hướng chính trị thiểu số không được đại diện trong chính quyền, nhưng bộ máy chính trị hoạt động suôn sẻ hơn. Một số hệ thống tập trung vào ý thức hệ chứ không phải quyền lợi “cục bộ” của từng địa phương. Một số hệ thống khác lại chú trọng đến các mối quan tâm cụ thể của các địa phương chứ không đặt nặng ý thức hệ, v.v... Mỗi thể chế hiến định này đều có những ưu và khuyết đỉểm.
Như vậy, mỗi quốc gia sẽ thấy có một số hệ thống thích hợp với họ hơn là những hệ thống khác. Tùy từng quốc gia cụ thể, những mục tiêu nhất thiết cần phải có, và những nhược điểm cần đặc biệt lưu tâm mà tránh, sẽ không giống nhau. Ví dụ, văn hóa của một số quốc gia có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay một người mà thôi, như người đứng đầu hành pháp, và rồi người này tìm cách thâu tóm những quyền lực khác cho riêng anh ta. Một số quốc gia khác xem việc hạn chế quyền hành pháp là quan trọng, nên trao nhiều quyền lực hơn cho ngành lập pháp và tòa án. Cách này có thể có nhược điểm là sự thiếu vắng một ngành hành pháp mạnh có thể ứng phó mau lẹ trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Nhưng nếu phải cân bằng giữa các ưu và khuyết điểm của từng hệ thống cho một quốc gia cụ thể, hệ thống cho phép ngăn chặn chính quyền độc đoán có ưu điểm hơn hẳn so với một hệ thống chủ trương cho ngành hành pháp quyền được tự do làm theo ý họ. Nghệ thuật soạn thảo một bản hiến pháp cần lưu tâm đến các đặc điểm và nhu cầu cụ thể của từng quốc gia là vì thế.

Trần Duy Nguyên và Nguyễn Thị Hường dịch




Người Việt dùng sừng tê giác chữa bệnh lên báo nước ngoài

Dương Văn (Theo National Geographic)

Báo National Geographic mới cho đăng tải hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam dùng sừng tê giác để chữa bệnh sỏi thận. Bên cạnh đó là những hình ảnh tê giác bị sát hại, cụt sừng nhìn rất thảm thương.
Chỉ tính riêng trong 6 năm qua, những kẻ săn trộm đã giết chết hơn 1.000 con tê giác ở châu Phi để lấy sừng, bán sang các nước châu Á, nơi mà bột sừng tê giác được cho là có tác dụng làm thuốc y học cổ truyền.
Những tin đồn gắn sừng tê giác với ‘thần dược’ đã dẫn tới hậu quả là số tê giác bị giết chết tăng lên, nhiều cá thể còn sống thì lại bị thương tật, cụt sừng. Thậm chí, để bảo vệ loài này khỏi bị tuyệt chủng, Nam Phi còn buộc phải thông qua chính sách cắt sừng để cứu tê giác.

Dưới đây là những hình ảnh các con tê giác bị cụt sừng thảm thương (Nguồn ảnh: Brent Stirton)

Một người phụ nữ Việt Nam dùng miếng sừng tê giác mài vào bát đựng ít nước
 và tin rằng bột sừng chữa được sỏi thận.

Con tê giác đen bị bọn săn trộm tấn công và cắt mất 2 sừng,
đang đi lang thang tại khu bảo tồn ở Zimbabwe.


Đây là con tê giác đã bị chết trong tình trạng mất sừng ở vườn quốc gia Kruger, Nam Phi


Bác sỹ thú y đang cưa sừng tê giác ở Tây Bắc, Nam Phi.


Nhiều người lo ngại tê giác mất sừng sẽ khó chống lại các kẻ thù tự nhiên


Một con tê giác trắng bị bọn săn trộm cắt sừng ở tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi


Còn đây là chú tê giác chưa tỉnh thuốc mê khi được các bác sỹ tiêm để cưa sừng


Cưa sừng sẽ ngăn chặn trộm săn tê giác.
TIN LIÊN QUAN













Viết muộn nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam

 

Trong cuốn tiểu thuyết sống động “Lời chẩn đoán cuối cùng – The Final Diagnosis” của Arthur Hailey, không hiểu vì sao tôi cứ nhớ mãi nhân vật mang tên “Mr. Bones” (ông già xương xẩu). Là một bác sĩ chỉnh hình, chuyên về xương khớp trẻ em, tính nóng như lửa, Mr. Bones là hung thần của các nhân viên phòng mổ. Ông la hét, quát tháo, thậm chí ném cả dụng cụ mổ không vừa ý vào người đối diện. Bù lại, ông tận tuỵ, giỏi nghề và cực kỳ yêu trẻ. Đám tang của ông, gần như đầy đủ mặt cư dân nơi tỉnh lỵ ông hành nghề suốt cả cuộc đời.
Nhân vật Mr. Bones của Arthur Hailey có lẽ là một khắc hoạ rất trung thực về một người thầy thuốc với đầy đủ hỷ nộ ái ố, như trăm ngàn người khác. Những người thầy thuốc theo kiểu này, hoàn toàn không giống với những kiểu mẫu thẳng thớm, tinh tươm, đạo mạo. Và tôi đoan chắc, những người thầy thuốc đó, sẽ từ chối mọi lễ lạc cờ đèn kèn trống trong ngày Thầy thuốc, để tiếp tục càu nhàu, hì hục trong một phòng mổ nào đó với bệnh nhân của mình.
Con người chuyên môn thì bao giờ cũng có khuynh hướng xa lánh những tiệc tùng lễ lạc, chỉ để tìm vui trong công việc của mình. Tôi tin là thế khi nghĩ đến nhân vật Mr. Bones trong ngày thầy thuốc Việt nam hôm nay.

Sẽ có người kêu lên: “Cái món Ngày Thầy thuốc thì chỉ xứ mình mới có thôi mà, so với Mỹ làm gì?” Không phải thế, nước Mỹ thực dụng là vậy cũng có ngày Thầy thuốc quốc gia (National Doctor Day) của mình: ngày 30.10.1990, tổng thống Bush đã ký sắc lệnh 101-473 để chọn ngày 30.3.1991 làm ngày Thầy thuốc quốc gia. Ngày đặc biệt này được chọn vì nó là ngày đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một thầy thuốc ở Georgia, Crawford W. Long, đã tiến hành chụp thuốc tê bằng ether cho một bệnh nhân mổ cắt một khối u ở cổ. Và đó cũng là ngày đầu tiên trong lịch sử y học, nhân loại đã chứng kiến một cuộc phẫu thuật thực sự không hề đau đớn.
Đó quả là một ngày ý nghĩa. Và nhiệm vụ của đương kim tổng thống thời đó chỉ là thiết đặt bằng luật pháp cho ngày Thầy thuốc của quốc gia mình. Ông Bush, với tư cách lãnh tụ hay chính trị gia, hoàn toàn không mang lại một ý nghĩa gì (dù nhỏ nhất) cho ngày Thầy thuốc quốc gia của Mỹ. Ông ấy là chính khách chuyên nghiệp, và những người thầy thuốc cũng chuyên nghiệp. Nên hoàn toàn không có chuyện một người chuyên nghiệp, lại viết thư khuyên nhủ những người chuyên nghiệp khác trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Lấy ngày ra đời của lá thư ấy để kỷ niệm rình rang, lại càng không có!
Lý do ra đời của ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngay từ đầu đã bị chính trị hoá một cách thô thiển. Không như Iran, Ấn độ, người ta chọn ngày sinh của một thầy thuốc tận tuỵ, giỏi giang, hay ngày khai giảng của một trường đại học Y hiện đại (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm ngày Thầy thuốc quốc gia của họ.
Không lẽ, ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bậc đại sư nhân từ, tao nhã, uyên bác, khí khái… dường ấy, không xứng đáng là ngày để các thầy thuốc Việt Nam trông vào đó để cúi đầu ngưỡng mộ và tự răn mình?
Hiểu như thế, nên chớ ngạc nhiên nếu có những người thầy thuốc Việt Nam (trong đó có tôi), hoàn
toàn dửng dưng với ngày 27.2. Nào cờ, nào biểu ngữ, nào mít tinh…với rất nhiều cái ngáp dài ngáp ngắn để nghe đủ loại huấn thị từ các cấp lãnh đạo. Các cụm từ “y đức”, “lương y như từ mẫu” được tuôn ra như mưa rào mà không ai mảy may quan tâm đến ý nghĩa của chúng. Một ngày “rân rác” trong năm, không đủ để người bác sĩ quên đi nhiều thực tế rất đáng buồn trong cuộc sống nghề nghiệp của mình.
Đó là chưa kể, không hiểu do đâu, xã hội dần hình thành một quan điểm hơi bị kỳ cục: Phàm là thầy thuốc Việt Nam, người ấy phải nghèo, phải thanh bạch, và phải …rất giỏi giang (?). Giàu có, sung túc với chính tay nghề chính đáng của mình là điều tổn đức (?). Không phải tự nhiên mà tất cả các báo khi ca ngợi tay nghề của một bác sĩ “ngoại nhập” nào đó, đều phớt lờ thu nhập rất cao và cuộc sống ở mức thượng lưu của họ.
Tuy nhiên, người bệnh Việt Nam đã phi chính trị hoá ý nghĩa chính trị của ngày Thầy thuốc Việt nam theo một cách cực kỳ dễ thương. Như người Mỹ, họ đã biến ngày này thành một cơ hội để nhớ đến người thầy thuốc của mình theo một cách rất riêng. Như đã nói, mặc dù chẳng ưa gì thói hào nhoáng lễ lạt, những món quà, tấm thiệp của bao người bệnh từ khắp các vùng miền của đất nước, đã luôn làm tôi cảm động đến tận đáy lòng. Đó là chưa kể vô số tin nhắn, email chúc mừng mà riêng việc trả lời chúng cũng là một công việc khó khăn, nếu không muốn biến chúng thành điều sáo rỗng. Tần ngần nhìn đống quà đủ loại ấy để thấy mình còn diễm phúc khi chọn một nghề cực nhọc. Những món quà ấy, trừ bánh trái, đều được cất giữ cẩn thận. Để một ngày tôi sẽ mang theo chúng, trong ngày về với các bệnh nhân đã khuất núi của mình.
Làm một thầy thuốc được yêu mến thì quí giá, an ủi hơn rất nhiều so với những học vị hào nhoáng nhưng vô cùng hư ảo. Hiểu vậy mà cũng để răn mình: làm thầy thuốc thì như một đứa con cưng. Ngoan thì được yêu chiều rất mực. Nhưng một chút hư hỏng thì sẽ phụ lòng kỳ vọng của rất nhiều người. Vì bởi được thương nên mới bị trách mắng nặng lời, như công luận đã ném đá tơi tả một vài trường hợp.
Rõ ràng, xã hội nào cũng có cần có một ngày để tôn vinh các giá trị nhân đạo và sự thấu cảm của nghề y. Các gía trị đó, chắc chắn không phải là giá trị độc tôn của người thầy thuốc, mà thuộc về chủ thể trung tâm và mục tiêu cao cả nhất của mọi nền y học: người bệnh. Một ngày bệnh nhân Việt nam, để cả xã hội cùng cúi xuống trên những người đang bệnh tật, đau khổ. Một ngày để tất cả những người còn khoẻ mạnh cùng cảm tạ ơn trên và thương xót, chia sẻ với những đồng loại kém may mắn hơn mình. Và một ngày để các thầy thuốc từ già đến trẻ, cùng nhìn nhận lại về giá trị trung tâm của y học là chính từ người bệnh.
Ngày đó, há chẳng hay ho hơn rất nhiều so với ngày Thầy thuốc hiện tại hay sao?
Và ít nhất phải có một ngày trong năm, như ngày lễ Tro của người Công giáo, để nhắc nhở mọi người về thân phận tro bụi, lại sẽ trở về với bụi tro!
Ngày nào tốt hơn ngày đó, nếu không phải là ngày bệnh nhân?

(*) History of National Doctors' Day

National Doctors' Day is held every year on March 30th in the United States. It is a day to celebrate the contribution of physicians who serve our country by caring for its' citizens.
The first Doctor's Day observance was March 30, 1933 in Winder, Georgia. Eudora Brown Almond, wife of Dr. Charles B. Almond, decided to set aside a day to honor physicians. This first observance included the mailing greeting cards and placing flowers on graves of deceased doctors. The red carnation is commonly used as the symbolic flower for National Doctor's Day.
On March 30, 1958, a Resolution Commemorating Doctors' Day was adopted by the United States House of Representatives. In 1990, legislation was introduced in the House and Senate to establish a national Doctor's Day. Following overwhelming approval by the United States Senate and the House of Representatives, on October 30, 1990, President George Bush signed S.J. RES. #366 (which became Public Law 101-473) designating March 30th as "National Doctor's Day."
What is the National Doctors' Day Organization?
The National Doctors' Day Organization exists to raise awareness of the growing needs in the medical community and to provide a resource for those who wish to give thanks to those medical professionals who care for the needs of our citizens.


Không chỉ ở Việt Nam nghề thầy thuốc mới được tôn trọng. Dạo quanh một vòng trên khắp thế giới sẽ thấy đây là nghề cao quý, đáng kính trọng và phải được học hành khổ luyện nhất. Và ở đâu các bác sĩ cũng được tôn vinh bằng một ngày lễ trong năm. Đây là dịp để bất cứ người nào, dù ít dù nhiều cũng một lần trong đời phải đi gặp bác sĩ, gửi lời tri ân, tình cảm quý mến, biết ơn tới các bác sĩ, những người đang hết lòng hết sức tận tụy ngày đêm xoa dịu nỗi đau, chiến đấu không mệt mỏi với bệnh tật của con người.

Ngày Thầy thuốc quốc tế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 hàng năm là Ngày Thầy thuốc quốc tế. Đây là ngày bày tỏ tình đoàn kết và các hoạt động hợp tác của tất cả các bác sĩ trên khắp thế giới. Theo Sigmund Freud, cái tâm của người thầy thuốc phải luôn trong sáng, hết mình vì bệnh nhân, như một tấm gương phản chiếu sức khỏe của người bệnh.
Trở lại lịch sử, thầy thuốc là một trong những nghề cổ xưa nhất trên thế giới, các thầy thuốc khi chẩn bệnh kê đơn đều phải tuân thủ một lời thề đầu tiên trong nghề chính là Lời thề Hippocrate. Đó là “Tôi sẽ giữ cho đời sống của tôi và nghề của tôi được trong sạch”, đây là bài học vỡ lòng đầu tiên của bất cứ sinh viên y khoa nào. Vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 năm 1971, Tổ chức Nhân đạo Y tế quốc tế được gọi là “Bác sĩ không biên giới” đã được thành lập nhằm trợ giúp nạn nhân thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh trên 80 quốc gia toàn cầu. Tổ chức này do Ủy ban Chữ thập đỏ, Quỹ Nhi đồng LHQ sáng lập, chủ yếu hoạt động dựa trên tôn chỉ nhân đạo và phi lợi nhuận. Không chỉ là nghề có lịch sử lâu đời nhất mà nó còn là nghề quan trọng bậc nhất trên thế giới bởi nó liên quan đến nỗi đau, bệnh tật, thậm chí là cả mạng sống của con người.

Ngày Thầy thuốc tại Mỹ
Trong khi đó tại Mỹ, ngày tôn vinh những người chữa bệnh cứu người là ngày 30/3. Vào ngày 30/3/1842, bác sĩ Crawford Long đã lần đầu tiên sử dụng thuốc gây mê để cắt bỏ một khối u trên cổ một bệnh nhân. Đây là ca phẫu thuật phức tạp đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc gây mê. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân cho biết là không hề cảm thấy gì trong suốt quá trình phẫu thuật. Đó chính là tài hoa của người bác sĩ và những đột phá của khoa học. Để kỷ niệm thành tựu này, ngành y khoa Mỹ đã lấy ngày 30/3 là Ngày Thầy thuốc để biểu dương nỗ lực của các thầy thuốc nhằm làm giảm đau đớn và nâng cao tính an toàn cho cuộc phẫu thuật. Và từ đó, chính bác sĩ Crawford Long trở thành ông tổ của ngành phẫu thuật-gây mê. Ca mổ gây mê kỳ diệu của ông đã đặt nền móng cho ngành phẫu thuật gây mê của nền y học hiện đại sau này.
Ngày Thầy thuốc đầu tiên tại Mỹ được tổ chức ngày 30/3/1933 ở Winder, Georgia. Eudora Brown Almond, vợ của bác sĩ Charles B. Almond, đã quyết định dành một ngày để tôn vinh các thầy thuốc. Trong ngày đó, nhiều hoạt động đã diễn ra bao gồm gửi thiệp chúc mừng và đặt hoa viếng mộ các bác sĩ đã quá cố. Sáng kiến trên đã được Liên minh Y khoa bang Georgia hưởng ứng. Thậm chí họ còn chọn một loài hoa biểu trưng cho Ngày Thầy thuốc, đó là hoa cẩm chướng đỏ. Hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho tình yêu thương, lòng nhân từ, sự hy sinh, lòng dũng cảm và can đảm. Đó cũng chính là những đức tính cần có ở một người thầy thuốc.
Mãi đến năm 1958, Hạ viện Mỹ phê chuẩn Ngày Thầy thuốc. Và đến năm 1990, Tổng thống George Bush ký một nghị quyết chọn 30/3 là Ngày Thầy thuốc quốc gia. Vào ngày 30/3 năm ngoái, Hiệp hội các nhà gây mê học đã hòa cùng với cộng đồng trên khắp nước Mỹ để kỷ niệm Ngày Thầy thuốc, một ngày có mối liên hệ đặc biệt đối với chuyên khoa gây mê. Tiếp nối phong trào tôn vinh các thầy thuốc, Mỹ còn thành lập một Tổ chức Thầy thuốc quốc gia nhằm khích lệ tài năng và các ý kiến của các bác sĩ cũng như tạo tiếng nói riêng cho ngành y đối với chính phủ và xã hội. Tổ chức này cũng góp phần bảo vệ đội ngũ thầy thuốc trước những áp lực xã hội và tạo điều kiện được học hành nâng cao trình độ cho các bác sĩ.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
Tại Nga, 20/6 là ngày của ngành y. Ngày Thầy thuốc tại Thổ Nhĩ Kỳ được kỷ niệm vào ngày 14/3, ngày mở ngôi trường đào tạo y học hiện đại đầu tiên ở đây. Vào những ngày này, các bác sĩ được tôn vinh nhờ công lao của họ cho khoa học và y học. Tất cả các bác sĩ cùng tham gia vào ngày lễ trọng đại này.

Ngày Thầy thuốc tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, Ngày Thầy thuốc trùng với ngày sinh nhật của một thầy thuốc nổi tiếng người Ấn Độ, bác sĩ B. C. Roy, sinh ngày 1/7/1882 tại Patna, Bihar. Sau khi giành bằng cấp đào tạo y học tại Bệnh viện Bartholomew, Anh quốc, bác sĩ C. Roy quay trở lại Ấn Độ bắt đầu sự nghiệp y khoa của mình. Kể từ năm 1911, ông đã cống hiến cuộc đời mình cho phong trào tiến bộ ở Ấn Độ, đặc biệt là những người dân bị áp bức. Ông không chỉ là một thầy thuốc bác sĩ mà còn là một nhà giáo dục, cải cách xã hội, người đấu tranh cho tự do, lãnh đạo của Quốc hội Ấn Độ và sau đó là Thị trưởng bang Tây Bengal. Bác sĩ B. C. Roy qua đời cũng đúng vào ngày sinh của ông, năm 1962, thọ 80 tuổi. Bác sĩ Roy đã từng giành danh hiệu công dân cao quý nhất của đất nước năm 1961.
Ngày 1/7 tại Ấn Độ đã trở thành ngày để tôn vinh các bác sĩ. Có rất nhiều người đã được cứu sống kịp thời nhờ sự can thiệp của các y, bác sĩ và mạng sống cũng như bệnh tật của họ được chữa khỏi nhờ vào những con người của ngành y. Ngày Thầy thuốc là một dịp tuyệt vời để mọi người lên tiếng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ gia đình, các nhà tâm lý, các nha sĩ, hay bất kể người làm chuyên môn y tế nào.
Trong ngày này, mọi người thường làm các tấm thiệp để chúc mừng hoặc những món quà nhỏ nhằm cảm ơn các bác sĩ.

Nguồn phát hành : Đỗ Thành Nam (sưu tầm)

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

BS Trần Hữu Nghiệp: những dấu chân để lại

Nguyễn Thị Ngọc Hải

LTS: Đúng vào dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) năm nay, NXB Y Học cho ra mắt cuốn sách dày hơn 600 trang Trần Hữu Nghiệp – Thầy thuốc – Nhà giáo – Nhà báo được thực hiện để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (15.3.1911). Tầm cỡ và dung lượng cuốn sách cho thấy đây là công trình công phu của một hội đồng biên soạn gồm nhiều trí thức ngành y nổi tiếng do VS.TS Dương Quang Trung làm trưởng ban, có sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà báo tên tuổi. Đặc biệt nhất trong cuốn sách này là phần lớn tác phẩm báo chí, hồi ký của BS Trần Hữu Nghiệp được chọn lọc và trích dẫn khá công phu, thể hiện rõ một quan niệm, một cách sống cương trực và nhân hậu. Cuốn sách xuất hiện đã đáp ứng mong đợi tự nhiên của bạn đọc muốn được biết nhiều hơn nữa, đầy đủ hơn nữa về một trí thức Việt Nam ưu tú.

Ông sinh năm 1911 tại Xã Tân Thuỷ, huyện Ba Tri – Bến Tre, có bút danh Hằng Ngôn. Trong lý lịch của ông, rất khó phân định rạch ròi phần đời nào làm thầy thuốc, nhà giáo, nhà văn, và đâu là cuộc đời chiến sĩ vào sinh ra tử. Tất cả hoà quyện thành cuộc sống tự nhiên thật cuốn hút.

Là một trí thức, tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội năm 1937, sau khi tu nghiệp tại Pháp trở về ông mở bệnh viện tư tại Mỹ Tho để cứu giúp người bệnh. Lòng yêu nước, sự trung thành với dân tộc đã khiến ông rời bỏ cuộc sống giàu có để tham gia giành chính quyền năm 1945, trở thành uỷ viên tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh thị xã Mỹ Tho. Rồi ông bí mật rời bỏ gia đình tham gia kháng chiến, cứu chữa cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Năm 1946, ông trong đoàn bốn người của tỉnh Bến Tre đi chuyến vượt biển đầu tiên ra Bắc báo cáo tình hình với Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam bộ kháng chiến. Ông được phân công ở lại Hà Nội nhận nhiệm vụ ở cục Quân y. Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông cùng các ông Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám thành lập đảng Xã hội. Năm 1947, ông tham gia đoàn công tác của Chính phủ mở đường bộ vào Nam. Ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng thành lập sở Y tế quân dân y Nam bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc để rồi sau đó mười năm, khi đã ở tuổi 55, ông lại về Nam chiến đấu. Vậy là ông đã “đi vào đi ra” suốt chiều dài đất nước tới bốn lần, bằng cả đường biển cho đến vượt Trường Sơn.
Từng là trưởng ban huấn luyện bộ Y tế, hiệu trưởng trường Cán bộ y tế Trung ương, hiệu trưởng trường Cán bộ y tế trung cao cấp miền Nam, cố vấn cho bộ Y tế, ông góp sức đào tạo gần như toàn bộ lớp trí thức tài năng của ngành y, đồng thời trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thương binh từ các bệnh viện cho đến chiến trường. Có thời kỳ ông là thầy thuốc riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong nhiều chuyến công tác nước ngoài. Thời kỳ chiến tranh, ông cùng tập thể thầy giáo ngành y chăm sóc sức khoẻ cho nhiều lãnh đạo Trung ương cục miền Nam như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh…
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp – nhà văn Hằng Ngôn có một tài sản văn chương mà nhiều nhà văn chuyên nghiệp phải ngưỡng mộ. Ông không viết văn như một thú vui, ông viết như một cách sống. Đến hôm nay, gia đình cũng không có đủ hoàn toàn các tác phẩm của ông. Với nhiều cuốn sách chuyên môn hướng dẫn rất thực tế cho người sử dụng, ta có thể kết luận chưa có ông thầy thuốc hiện đại nào nói chuyện với bệnh nhân nhiều như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ông có những cuốn như Nói chuyện với người hút thuốc lá, Nói chuyện với người uống rượu, Nuôi con, Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc… chỉ vẽ trong cảm thông, như lúc nào cũng ở bên cạnh người bệnh. Ngoài sách chuyên môn, vị bác sĩ này còn để lại những tác phẩm lớn mà phải một bộ tổng tập mới chứa nổi.

Lễ cưới BS Nghiệp tại Bến Tre năm 1938.
Tác phẩm Thời gian trong mắt tôi của Trần Hữu Nghiệp giàu giá trị văn chương, phản ánh sinh động cuộc sống ở miền Nam, vùng quê với ngày đầu kháng chiến, nhớ những người hy sinh vì đại nghĩa. Ngòi bút của nhà văn Trần Hữu Nghiệp đã lưu giữ cho chúng ta chân dung của bao con người hy sinh, sống cống hiến không suy tính cho đất nước, cho lẽ phải. Ông miêu tả những binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài, một đoạn đường đẫm máu và nước mắt, chuyện tình yêu, mẹ và con, những con người như Phạm Ngọc Thạch mà chính ông tham gia khiêng linh cữu trong đêm mai táng trên vùng tả ngạn Vàm Cỏ Đông, năm 1968. Ông có nhiều trang viết rất rung động về bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, luật sư Trịnh Đình Thảo, cho đến các nhân vật nữ trong ngành y thời kháng chiến của Nam bộ. Ông còn viết rất nhiều bài trên các báo, tạp chí như Tổ quốc, Thống nhất, Vui sống thời 1946 cho tới trước chiến dịch Điện Biên Phủ.
Học trò của thầy Nghiệp rất nhiều, có người sau này làm bộ trưởng Y tế, và nhiều thầy thuốc thành danh. Họ không quên những ngày học trong rừng kháng chiến với các bài học làm người thiết thực mà thầy đã dạy họ từ việc đừng đi chân đất, nên đi guốc mộc nhưng đừng kéo lê, tôn trọng người khác, cho đến việc đi vệ sinh trong rừng…
Như nhiều gia đình Việt thời ấy, gia đình ông cũng chịu cảnh xa cách Bắc – Nam giữa vợ chồng con cái, thậm chí con trai ông, giáo sư Trần Hữu Dũng (hiện dạy đại học Mỹ) cũng chỉ được gặp lại cha khi anh đã gần 50 tuổi. Người chủ của trang báo điện tử nổi tiếng Viet-studies luôn tiếc vì anh chẳng bao giờ biết hết về cuộc đời sôi động của cha mình. Những người con của ông đều thành đạt, là các trí thức nổi tiếng, họ đều hiểu giá trị của cha là “sự hoà hợp giữa tính bộc trực thẳng thắn của người Nam bộ và sự tế nhị của một người trí thức sống nhiều, biết nhiều, thấu hiểu và quan tâm đến người khác”.
Trong tác phẩm Nhớ lại và suy nghĩ, Trần Hữu Nghiệp viết: “Đứng nhìn lại vết chân mình trên cánh đồng lương tâm trong hành trình 40 năm và thu hoạch cuối mùa đời, tôi rất bằng lòng đã đổ mồ hôi. Và nếu phải bắt đầu đi lại cuộc đời, con đường đã theo là duy nhất đúng. Tôi cứ làm như vậy. Không nghi ngờ”. Chỉ có sống một cuộc đời tận hiến cho đất nước mới nói được như thế.

Nói về BS. Trần Hữu Nghiệp, mà chúng ta thân thương gọi là anh Chín Nghiệp, tôi ví anh Chín như một cây đại cổ thụ của rừng y Việt Nam và đặc biệt anh là người thầy, hay đúng nghĩa hơn là thầy của những người thầy.
Anh Chín Nghiệp đã dành cả cuộc đời mình chăm lo đào tạo thế hệ trẻ cho ngành y. Sau khi thành tài, anh đã có phòng mạch và bệnh viện tư ở Sài Gòn và gia đình đầm ấm.
Nhưng, theo tiếng gọi của non sông, anh đã rũ áo ra đi, cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Và trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau khi hoà bình lập lại, anh đã đem hết tâm huyết và trí tuệ để đào tạo những cán bộ y tế trẻ, kể cả những lúc khó khăn nhất trong thời kỳ kháng chiến.
Chúng ta xem anh như là một kẻ sĩ Gia Định, bỏ hết sự nghiệp riêng tư để dấn thân vì đại nghĩa. Anh là một thầy thuốc được các đồng nghiệp quý mến và một nhà giáo được nhiều thế hệ học trò kính trọng.
VS.TS. Dương Quang Trung (trích từ sách)

ThS.BS Hồ Mạnh Tường, giám đốc trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khoẻ sinh sản, khoa Y – đại học Quốc gia TP.HCM:
Kế thừa sự đam mê và lòng yêu nghề
“Tôi chỉ có vài dịp được gặp bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, không đủ để chuyện trò, học hỏi. Thầy Nghiệp, cũng như thế hệ bậc cha ông trong nghề đã để lại cho đời sau những phẩm chất cao quý. Ở giai đoạn nào cũng có những con người xuất sắc. Và mỗi thế hệ sống, làm việc trong môi trường, điều kiện xã hội khác nhau, nhưng có một điểm chung: yêu nghề và sống hết mình với nghề. Chúng tôi kế thừa và học hỏi đức tính đó từ người đi trước. Theo tôi, tiến độ phát triển ngành y của nước mình chưa ổn định, không đồng đều. Về mặt đạo đức, đây là vấn đề chung của toàn xã hội, trên mọi lĩnh vực chứ không riêng gì ngành y. Chúng ta đang ở trong một tình trạng sa sút đạo đức. Vì vậy, cần có những chiến lược, định hướng rõ ràng, khi đã thực hiện tốt điều này, rất nhiều cơ hội phát triển đến với chúng ta”.

Ths.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên đại học Y dược TP.HCM:

Thầy Nghiệp – một con người bình dị và gần gũi
“Rất tiếc thế hệ của tôi chỉ biết về thầy Nghiệp qua tư liệu là chính. Tôi may mắn được gặp thầy một lần. Năm 2005, trường đại học Y dược TP.HCM kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, thầy Nghiệp đến tham dự với hai tay ôm rất nhiều hoa, trên ngực đầy huân chương, và gương mặt đầy phúc hậu. Qua những cử chỉ đó, tôi đã nhìn thấy được phần nào cốt cách của một bác sĩ vì bệnh nhân. Có lẽ, phẩm chất đó chính là định hướng cho thế hệ chúng tôi luôn dặn mình phấn đấu tốt hơn cái tâm, cái nghề của một người thầy thuốc”.




Lê Thị Ngọc Sương, sinh viên năm 4, đại học Y dược TP.HCM:

Học qua cái tâm người thầy
“Dù không may mắn được gặp thầy, được trực tiếp nghe thầy giảng, nhưng những gì tôi học được từ thầy là một cuộc đời tận tuỵ với người bệnh và tâm huyết làm sao tạo được một nền y tế Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất.
Khi đã là một sinh viên y khoa, được quan sát hàng ngày công việc của các thầy cô và anh chị đi trước, tôi ý thức được rằng, nghề y tôi đã chọn không phải là một nghề dễ làm. Khó không chỉ vì khối lượng kiến thức quá lớn, mà khó là khi số lượng bệnh nhân quá đông, áp lực quá lớn, muốn làm tốt hơn nữa nhưng đôi khi việc chăm sóc bệnh nhân chỉ dừng lại ở việc điều trị căn bệnh. Là những bác sĩ tương lai, chúng tôi thật sự rất muốn thay đổi điều đó, thật sự muốn mỗi bệnh nhân của mình đều nhận được sự chăm sóc tốt nhất”.

Nguyên Cao (ghi)



Trần Hữu Dũng, Dayton (Mỹ), tháng 7.2011

SGTT.VN - Dù vẫn còn biết quá ít về ông, qua những bài viết, những giai thoại về ông, tôi biết ba tôi là một trí thức thực sự, ông luôn luôn tự trau dồi kiến thức, tự tra vấn, tự thách thức.
Trí thức của ông là một trí thức thực dụng, trí thức để phục vụ xã hội, không phải thứ trí thức tháp ngà, trừu tượng. Qua các bài báo của ông trong suốt thời kháng chiến, thấy ông không bao giờ hứng khởi hơn khi đưa thông tin (bao giờ cũng với giọng văn dí dỏm, thân tình) về một khám phá nào đó, không phải chỉ của ông, nhưng của đồng nghiệp của ông, học trò ông, nhất là khi những khám phá đó giúp làm dịu nỗi đau của đồng bào, chiến sĩ. Đặc biệt, ông sung sướng nhất là khi những khám phá về y học áp dụng những nguyên liệu, cây cỏ ở nông thôn vào y khoa. Tấm lòng ấy, tôi nghĩ, là tượng hình một thứ khoa học nhân bản nhất, quê hương nhất. Ba tôi là như vậy.
BS Nghiệp và tác giả trước ngôi nhà cũ ở Mỹ Tho (1994).
Ba tôi là một trí thức yêu nước trong nghĩa sâu xa mà cũng thực tiễn nhất của danh hiệu ấy. Ông cho tôi một khuôn mẫu sống ở đời. Tuy tôi không sống nhiều ngày với ông nhưng có thể chính vì thế mà cái vóc dáng cao to của ông, về thể chất lẫn sự nghiệp, là một sự che chở, một sự giải phóng cho tôi. Biết tôi trong thời kỳ du học ở Mỹ đã tham gia phong trào phản chiến, và đã có về làm việc với Chính phủ nước ta sau ngày hoà bình, ông hãnh diện, đi đâu cũng khoe với bạn bè. Tôi rất vui vì đã cho ông niềm hãnh diện ấy (...)

Thú thật, sống xa Việt Nam đã gần nửa thế kỷ, nhiều lúc tôi không khỏi cảm thấy lực hút của xã hội Tây phương, quen thuộc với nếp sống Tây phương hơn là Việt Nam, nhưng nhớ đến ba tôi, tôi không thể nào nghĩ là mình có thể là người một nước khác. Ông đã hy sinh trọn đời cho độc lập và thống nhất của Việt Nam, sao tôi có thể khước từ di sản vô giá ấy? Ông không chỉ là ba tôi nhưng còn là cầu nối giữa tôi và quê hương, tổ quốc. Khi làm việc gì, tôi thường tự hỏi: Con của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có làm như vậy không? (...)
Ba tôi đã qua đời gần năm năm rồi, tôi rất tiếc là vài năm cuối đời, khi sức khoẻ ông kém đi, tôi không còn được hỏi ông về những chuyện trong đời ông. Bạn bè còn sống của ông cũng ngày càng thưa đi.
Nhưng biết ông và bạn bè ông, tôi phát giác một điều là, dù trong những lúc cực kỳ gian khổ, hiểm nguy, của chiến tranh (và trong những nhớ nhung tha thiết gia đình), họ sống rất vui trong lý tưởng giải phóng dân tộc và nhiệt tình yêu nước, thương dân. Quả thực như vậy, trong khi những người “trí thức” như bọn tôi sống ở xã hội Tây phương, có lúc khắc khoải về những vấn đề triết lý cao siêu thì thế hệ ông lại có những niềm vui thực tế với đồng chí, đồng bào. Tôi có phần ganh tỵ với ba tôi và bạn bè của ông ở điểm ấy.
Từ nhỏ, tôi đã rất thích sử (ông ngoại tôi hay nói là lớn lên tôi sẽ thành một sử gia) và tôi nghĩ rằng lòng yêu nước bắt nguồn từ đó. Tất nhiên, ai cũng muốn cho nước mình được giàu mạnh, ấm no, cho hiện tại và cả tương lai... nhưng ước muốn đó càng thiêng liêng khi đặt nó vào trong dòng lịch sử, như một móc xích giữa những thế hệ đi trước và thế hệ đến sau. Mỗi thế hệ, tôi nghĩ, không phải chỉ sống cho mình nhưng còn phải lo cho con cháu mình, và tiếp nối di sản, cả vật chất lẫn tinh thần, của tiền nhân.
Mặc dù hầu hết mọi chúng tôi đều có rất nhiều năm sống xa cả ba lẫn má, nhiều khi tản mác khắp bốn phương trời... nhưng rồi, may thay, chúng tôi đều nên người, gia đình êm ấm, thậm chí thành danh. Ba tôi rất hãnh diện về điều đó mặc dù, phải nhìn nhận, một phần cũng là nhờ “hồng phúc ông bà” như người mình hay nói! Riêng tôi, tôi ước mong các con của tôi sau này sẽ nhìn tôi như tôi nhìn ba tôi. Đó sẽ là hạnh phúc lớn nhất cho tôi. Còn điều làm tôi hãnh diện nhất thì tôi đã có rồi, đó là: tôi là con của ba tôi.

(*) Trích từ Trần Hữu Nghiệp – Thầy thuốc – Nhà giáo – Nhà báo

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Người Việt tiêu hoang khiến thế giới phát hoảng

Tác giả: Vương Hà

Tôi có nhiều người bạn quốc tế có trình độ cao, có thu nhập lớn, trong đó có những người là tỷ phú, họ cực kỳ ngạc nhiên trước sự tiêu xài của không ít người Việt.
Một số người Việt tiêu xài hoang phí, chạy đua theo hàng hiệu với những siêu xe, chuyên cơ, đồng hồ, mỹ phẩm... Thế giới có gì sang trọng Việt Nam đều có cả. "Nhà giàu" khoác lên mình một lô hàng hiệu chỉ để thoả mãn cho sự khoe của bất chấp sự khó khăn chung của xã hội. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt đã cùng PV nhìn thẳng về góc độ đạo đức trong tiêu xài hàng siêu sang của một nhóm người được coi là "trọc phú" trong xã hội.

Tiền tiêu hoang là khoản... "kiếm được ngẫu nhiên"
- Thưa ông, hiện nay có một xu hướng tiêu dùng của không ít người Việt hướng đến các loại hàng siêu sang nhằm khẳng định "đẳng cấp nhà giàu", ông nói gì về điều này?
Hiện tượng tiêu xài một cách xa xỉ, đặc biệt đối với nước nghèo như Việt Nam là hiện tượng đáng lên án. Điều đáng lên án vì nó truyền bá một thói quen sống bất chấp năng lực của nền kinh tế, năng lực của nền công nghiệp, gây khó cho việc xác định tiêu chuẩn tiêu dùng phù hợp với điều kiện phát triển của một dân tộc.
Việc tiêu xài ở Việt Nam đã thành chuyện nổi tiếng trên thế giới. Tôi có nhiều người bạn quốc tế có trình độ cao, có thu nhập lớn, trong đó có những người là tỷ phú, họ cực kỳ ngạc nhiên trước sự tiêu xài của không ít người Việt. Những năm 70 của thế kỷ trước, tôi có làm việc với một giáo sư người Pháp khi ông này sang Việt Nam công tác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt: Người Việt tiêu hoang khiến thế giới phát 'hoảng'

Thấy người lái xe hút thuốc ba số 5, ông ấy hỏi: "Lương anh tương đương với bao nhiêu gói thuốc? ". Người lái xe nói lương một ngày mua được 3-4 điếu thuốc. Ông giáo sư ấy thốt lên: "Người Việt tiêu xài còn hơn cả Mỹ". Thói quen tiêu xài hoang phí của một số người Việt không phải bây giờ mới có. Nó có từ khi trước đổi mới, kể cả lúc nghèo khổ và cực kỳ nghèo khổ. Tôi cho rằng đó là một thói quen xấu, cần phải thay đổi.

- Chuyện tiêu hoang, có phải là do thói quen thích oai, thích hư danh của người Việt, thưa ông?

Chuyên gia kinh tế: Người Việt "đốt" tiền vì... bệnh sĩ
Những siêu xe như này đang được giới giàu Việt Nam "tha" về... làm cảnh.

Tôi nghĩ cũng chỉ có một phần thôi. Cái chính tiêu xài hoang phí xuất phát từ những món tiền kiếm được một cách... "ngẫu nhiên" và phi lao động. Không có một người lao động Việt Nam nào với năng lực hiện nay có thể kiếm tiền để mua xe ô tô Rolls -Royce. Trong khi đó, tại Việt Nam, tất cả những hãng xe nổi tiếng, các loại xe siêu sang đều có mặt ở nước ta.Chúng ta đang bắt đầu có những chiếc máy bay cá nhân đầu tiên. Tôi không hiểu được (không phải vì thói quen thích tiêu xài, vì ai bỗng dưng có tiền đều thích tiêu hoang thôi), tại sao họ lại cưỡi lên những sự đau khổ xung quanh để tiêu xài vô lối như vậy. Đó là thói quen gây ngạc nhiên cho tôi.
Tôi là người đã sống qua nhiều thời kỳ của đất nước, từ thời bao cấp cho đến nay. Tôi thấy người Hà Nội xưa, sự giàu có, sang trọng cũng được thể hiện một cách kín đáo và sự nghèo khổ cũng rất kín đáo. Hình như người Việt mình đang mất dần thói quen kín đáo.
"Đẳng cấp là kết quả của sự lừa bịp"
- Có những người đặt riêng chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ làm bằng vàng ròng, nạm kim cương với giá gần 1 tỷ đồng, hay chiếc bút làm bằng đá thạch anh 4, 5 tỷ năm tuổi giá hơn nửa tỷ đồng gắn với biểu tượng nào đó của Việt Nam. Như thể chủ nhân của những món hàng "cực độc" cho rằng mình mua hàng xa xỉ nhưng yêu nước. ông nghĩ sao về cách biện minh này?
Yêu nước trong chuyện này cũng chỉ là một phương tiện được sử dụng một cách bất chính, vô đạo lý. Tôi không nghĩ, không tin có học giả quan trọng nào trên đất nước chúng ta sử dụng chiếc bút hơn nửa tỷ đồng. Và tôi tin rằng chiếc bút đắt tiền ấy chưa bao giờ có vinh dự viết ra được bất kỳ điều gì mà chúng ta đáng đọc. Đó là thói quen đứng ngoài ranh giới đạo đức thông thường của người Việt.
Ngay cả những ông chủ lớn của nước ngoài cũng "hoảng" khi thấy các "đại gia" của Việt Nam đi xe hơi quá "xịn". Phải chăng vì có ô tô đắt tiền, các phụ kiện thời trang hàng hiệu mới làm nên đẳng cấp của ông chủ Việt?
Việt Nam là nước có thu nhập nếu tính tích cực thì mới trên dưới 1.000USD/năm, với đô thị giàu có là Hà Nội cũng chỉ bình quân 3.000-4.000USD/năm thôi. Một nước như vậy, không thể coi là giàu. Thậm chí, có "đại gia" trông thì sang vậy thôi, nhưng túi lại rỗng. Tài sản ấy lại là đồ cầm cố ngân hàng cả đấy. Đẳng cấp là kết quả của sự lừa bịp.
- Vậy ông lý giải tại sao người Việt lại sẵn sàng bỏ tiền mua những món hàng hiệu xa xỉ như 40 triệu đồng chỉ cho 2 lọ 5ml kem trang điểm cho đến những siêu xe, chuyên cơ?
1m2 đất thu hồi của người dân chỉ đền bù 100-200 ngàn đồng, nhưng vẫn 1m2 ấy khi chuyển thành đất dự án thì được bán 5-10 triệu đồng /m2, thậm chí 20-30 triệu đồng /m2. Tất cả những điều kiện để tiêu hoang, mua hàng siêu xa xỉ nằm trong khoản ấy.
- Như vậy cho thấy sự không công bằng và bất bình đẳng?
Tôi cho rằng đó là sự tước đoạt của mọi người. Đó là chuyện phổ biến mà tôi không nói nặng lời đâu. Đó là sự tước đoạt một cách khôn khéo, hoặc một cách thô thiển tuỳ từng trường hợp. Nhưng về cơ bản, tôi vẫn cho rằng đó là sự tước đoạt.
- Nhưng có ý kiến cho rằng, người có tiền họ chi tiêu như thế nào đó (không vi phạm pháp luật) thì đó là quyền của họ?
Không ai bắt những người tiêu hoang phí ấy đi tù cả. Nhưng chúng ta có quyền lên án họ dưới góc độ đạo đức xã hội. Chúng ta cũng có quyền hô hào xã hội lên án những thói tiêu hoang bất chấp đạo lý xã hội đó. Chúng ta không nói đến một cá nhân nào cả, chúng ta lên án hiện tượng đó mà để mỗi người tự rút ra kết luận cho mình phù hợp với tiêu chuẩn xã hội.
- Ông bình luận thẳng như vậy có sợ ai đó cho rằng "nhà nghèo" hằm hè "nhà giàu" không?
Tôi không phải là người nhà nghèo. Tôi cũng không nói việc này như kẻ nghèo khổ. Tôi cho rằng kể cả giàu có cũng không được phép tiêu xài như thế.
- Vậy thưa, ông cũng là "nhà giàu", thái độ của ông đối với tiêu xài hàng hiệu, hàng xa xỉ ra sao. ông có bị hấp dẫn bởi những món hàng ấy không?
Chúng ta hội nhập kinh tế thế giới, gia nhập WTO rồi thì những hàng hoá như vậy có quyền vào Việt Nam. Hàng xa xỉ, hàng hiệu cũng như hoa hậu ấy, nó có sự quyến rũ lớn lắm. Đôi khi chúng ta quên vợ đi vì cô hoa hậu, chúng ta quên đạo đức đi vì món hàng xa xỉ. Hàng xa xỉ có mục tiêu rõ ràng là dụ dỗ con người ra khỏi sự sáng suốt thông thường. Hàng hiệu không có lỗi. Nó là sản phẩm của một công nghệ, lao động rất cao nên bản thân nó đã có sức hút. ở đây, tôi chỉ muốn nói đến việc cần lên án những con người sử dụng những hàng xa xỉ trong điều kiện một quốc gia còn nhiều khó khăn.
- Xin cảm ơn ông!

(Theo Người đưa tin)

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Cậu bé mồ côi học master ở Mỹ

Nam Cường

TP - Cậu học sinh của làng S.O.S Đà Nẵng Vũ Như Tiến (1989), người có thành tích học tập xuất sắc đã được tổ chức S.O.S bảo trợ sang học ở trường ĐH Luther College (bang Iowa- Hoa Kỳ). Tiến là sinh viên duy nhất của làng S.O.S ở Việt Nam nhận được phần thưởng trên.
Vũ Như Tiến (đứng ngoài cùng bên trái) tại ĐH Luther College (ảnh do bà Amy Webber cung cấp).

Niềm tự hào của làng
Vũ Như Tiến cùng em gái, Vũ Thị Thương (sinh viên trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) là niềm tự hào của mẹ Bảy, cái tên thân thương mà những trẻ mồ côi lớn lên từ nhà 12B trong làng S.O.S Đà Nẵng gọi cô Nguyễn Thị Bảy.
Tiến và Thương mồ côi cả cha lẫn mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của một số người bà con. Nhưng rồi, ở những năm 90 của thế kỷ trước, trong cái đói của người dân Điện Nam – Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, hai anh em đành phải xin vào làng S.O.S, chỉ với mong muốn được ăn và tiếp tục học.
Cô Nguyễn Thị Bảy nhớ lại: “Thật bất ngờ, mới vào làng được 5 ngày, Tiến đã bỏ trốn, trở về Điện Nam không lời giải thích. Chúng tôi phải vào tận quê, nỉ non vận động, thuyết phục mãi em mới chịu quay về”.
Mẹ Bảy phải thầm cảm ơn chính mình bởi sự nhiệt tình vào tận quê lôi Tiến ra học, bởi sau đó, Tiến dường như lột xác hoàn toàn, chăm chỉ và sáng dạ.
Vào làng lúc 6 tuổi, học ngay lớp 1 và tiến một lèo lên tận THPT. Năm 2008, xong chương trình THPT, với thành tích xuất sắc, Tiến được quỹ S.O.S chọn là sinh viên duy nhất của làng sang Mỹ du học tại trường Luther College.
Bà Webber xem lại bức ảnh của Tiến ngày vào làng. Ảnh: Nam Cường.
Ngày chúng tôi đến làng S.O.S cũng là dịp bà Amy Webber- cán bộ Ban quốc tế của ĐH Luther College từ Mỹ sang Việt Nam, với mục đích kiếm tìm những học sinh có thành tích học tập tốt của S.O.S Việt Nam.
“Khi về đây tôi biết vì sao Tiến lại có một nghị lực phi thường như vậy” - Bà Amy Webber
Bà Amy Webber nói: “Tôi rất tò mò nên phải về tận làng S.O.S, đến tận quê Điện Nam của cậu Vũ Như Tiến cũng như gặp cho bằng được cô Nguyễn Thị Bảy, người mà Tiến hay kể khi ở Mỹ. Khi về đây, tôi nhận thấy những lời của Tiến quả không sai và tôi biết vì sao em lại có một nghị lực phi thường như vậy”.
Bà Webber kể, trong số 70 sinh viên quốc tế (có 14 sinh viên học bổng S.O.S) ở ĐH Luther College thì Tiến thuộc tốp những người xuất sắc nhất.
Giờ đây, cậu đã học xong chương trình đại học, được cấp bằng cử nhân CNTT ở Luther College, đang làm việc cho một ngân hàng ở Iowa và sắp tới, em sẽ tiếp tục ở lại Mỹ 2 năm để hoàn thành khóa học master (cao học) về Công nghệ sinh học.
Bà Webber cười vui: “Tiến kể với tôi nhiều chuyện, về vẻ đẹp Việt Nam, về tình yêu thương của thầy cô ở làng, nhưng có hai chuyện em giấu. Đó là chuyện em đã trốn khỏi làng S.O.S khi mới vào đây 5 ngày và ước mơ của em sau này. Em đang làm master, đang có công việc tốt ở một ngân hàng, nhưng tôi hiểu, trong suy nghĩ của Tiến, em chưa dừng lại ở đó”.
Lệch múi giờ giữa Mỹ với Việt Nam, nên chát với tôi vội vàng trên facebook, Tiến chỉ nói, rằng em chưa nghĩ đến một công việc ổn định thật sự ở Mỹ, dù mỗi giờ kiếm được 20 USD. Tiến nói em sẽ tiếp tục học xong master, nếu có điều kiện sẽ học lên nữa và sau đó trở về Việt Nam, trả nợ quê hương.
Không được xuất sắc sang Mỹ như anh trai, song em của Tiến, cô bé Vũ Thị Thương (1991) cũng là một trong 14 niềm tự hào trong lịch sử 20 năm của làng S.O.S Đà Nẵng. Sau 20 năm, với 343 lượt trẻ mồ côi được trung tâm nuôi dạy, chỉ có 14 em vào được đại học, mở cánh cửa tương lai bằng con đường học vấn.
Thương, đang học năm thứ 3 ĐH Sư phạm Đà Nẵng, kể: Em rất tự hào về anh trai mình, coi anh như tấm gương để phấn đấu. Thương nhớ lại, khi cả hai anh em mới sinh ra, ba bị bệnh qua đời, vài năm sau, cũng là một căn bệnh quái ác đã cướp đi vòng tay của mẹ. Hai anh em từ đó trở nên côi cút giữa đời.
Bà Amy Webber nhìn bức ảnh ngày mới vào làng của Vũ Như Tiến, rồi đem một bức ảnh mà, Tiến chụp chung với các bạn ở ĐH Luther College, nhận xét: “Trông tự tin hơn rất nhiều”.
Rồi bà chỉ vào người đứng trước Tiến, một cô gái Mỹ xinh đẹp: “Bạn gái của Tiến đấy”. Cô gái này cũng là một sinh viên xuất sắc của khoa CNTT, vì cảm mến nghị lực sống, tư duy sáng tạo và thái độ học tập, làm việc chăm chỉ của Tiến mà chuyển từ tình bạn sang tình yêu.
Theo bà Webber, dù Tiến đã hoàn thành xong khóa học 4 năm ở Luther College, nhưng bà vẫn quan tâm đặc biệt đến chàng sinh viên có đôi mắt sáng, tràn trề ý chí quyết tâm nên bà luôn theo dõi bước đi của cậu.

Làng S.O.S với những ngôi nhà như resort. Ảnh: Nam Cường.

Thiên đường của trẻ mồ côi
Bước vào làng S.O.S Đà Nẵng, tôi như tách hẳn với phố xá đông đúc bên ngoài. 16 nhà trong làng, mỗi nhà là một lớp học, như những biệt thự trong các khu nghỉ mát hiện đại. Khung cảnh thanh bình và thơ mộng, khó mà nghĩ rằng, nơi đây dành cho những trẻ mồ côi cơ nhỡ.
Cô bé Trần Thị Lý (16 tuổi) ở huyện Đông Giang, Quảng Nam mồ côi cha, vào làng từ lúc 6 tuổi. Giờ chỉ còn bà mẹ già ở miệt rừng núi Quảng Nam, thỉnh thoảng Lý về thăm mẹ. Lớn tuổi nhất trong nhà 12B nên Lý kiêm luôn cả việc trợ giúp mẹ Bảy nấu cơm, dọn dẹp.
Buổi trưa, món chính là cá ngừ, canh chua, Lý làm thoăn thoắt. “Em đang học lớp 10, thầy cô nhận xét em học khá. Nếu không vào đây, có lẽ bây giờ em vẫn là cô bé suốt ngày lên rừng làm rẫy, lăn lộn với nắng mưa để nuôi mẹ. Từ khi bố mất, mẹ đau yếu thường xuyên, không làm được việc gì cả” – Lý ngùi ngùi.
Cô Lê Thị Thu Hà – Phó GĐ làng S.O.S Đà Nẵng cho hay, hầu hết các em vào đây khi còn rất nhỏ nên không nhớ gì về quê hương bản quán hay người thân. Làng có hồ sơ chặt chẽ, làm công việc kết nối để một ngày nào đó, khi các em lớn khôn có thể quay về tìm nguồn gốc của mình.
Cậu bé Hồ Văn Hùng (12 tuổi), đen nhẻm, đôi mắt sáng là người dân tộc Cor (Trà Bồng- Quảng Ngãi), kể: Từ ngày em mất cả cha lẫn mẹ, phải sống nhờ tình thương của bà con trong bản. 5 tuổi, may mắn được các cô chú đưa vào làng. Giờ đây, mẹ Bảy là người mẹ thứ hai của đời em.
Cô Lê Thị Thu Hà nói rằng, niềm vui lớn nhất của mình trong hơn 20 năm công tác tại làng là nhìn những phận đời mồ côi được làng S.O.S nuôi dạy trưởng thành. “Ngoài 14 em đậu đại học, 22 em đậu cao đẳng và 41 em học trung cấp, số còn lại được đào tạo nghề, có công việc làm, thu nhập ổn định. Các em ra đời đều được chúng tôi dõi theo bước chân. Tôi mừng vì phần lớn đều thành đạt, có em là kỹ sư, nhà báo, và rất hạnh phúc trong cuộc sống” – cô Hà nói.
Ngoài 135 trẻ mồ côi đang được nuôi dạy, làng S.O.S còn nuôi, đào tạo nghề cho 36 trẻ khó khăn ở nhà lưu xá thanh niên; nuôi 12 cháu ra trường bằng học phí cho trò nghèo; nuôi trẻ khó khăn ở cộng đồng là 355 cháu (300.000 đồng/cháu, vào đại học sẽ trợ cấp 900.000 đồng/cháu).
Chương trình này ra đời sau cơn bão Chan Chu (2006) cướp nhiều sinh mạng ngư dân Quảng Nam, Đà Nẵng...


Một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam trở thành khoa học gia nguyên tử ở Mỹ


Tuần rồi, trên Tạp chí Thanh Niên, chúng ta có dịp làm quen với gương thành công đáng nể của một cậu bé bán vé số dạo ở Việt Nam trở thành một nhà khoa học tài danh ở Mỹ, Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành. Trong buổi tái ngộ hôm nay, Trà Mi hân hạnh kể cho quý vị và các bạn nghe một cuộc lột xác đổi đời kỳ diệu khác, từ một thiếu niên đạp xích lô ở Việt Nam biến thành một khoa học gia nghiên cứu vật lý nguyên tử ở Mỹ, Tiến sĩ Võ Tá Đức.
Trà Mi-VOA
Washington DC
http://media.voanews.com/images/480*300/VoTaDuc+0+480.jpg
Tiến sĩ Võ Tá Đức lúc ở trại tị nạn Bataan (Philippines) trước khi sang Mỹ định cư

Tiến sĩ Đức hiện công tác tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, một trong hai phòng thí nghiệm của Mỹ chuyên nghiên cứu chế tạo các loại võ khí nguyên tử và là một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới. Cậu bé đạp xích lô ở Việt Nam ngày nào giờ đây đã góp công nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Hoa Kỳ.
Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Ba cậu làm thợ nề, nhưng do bệnh tật nên bị mất sức lao động. Mẹ Đức tảo tần buôn bán lặt vặt chạy bữa qua ngày. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi góc phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.
Tiến sĩ Đức nhớ lại:
‘Sau biến cố năm 1975, lúc đó tôi còn rất nhỏ đang học trung học, nhưng vì nhà nghèo quá, nên cũng phải phụ giúp gia đình. Sáng đi học, trưa về ăn cơm xong liền xách xích lô chạy. Đạp xích lô tới chiều tối. Ăn cơm tối xong lại lên xe đi tiếp. Tôi chỉ học buổi sáng, đạp xích lô từ trưa tới sáng hôm sau luôn. Tối đến tôi đậu xích lô ở bến xe ngủ. Hễ nghe tiếng xe đò tới thì tôi tỉnh dậy, chạy về nhà tắm rửa, thay quần áo đi học. Lúc đó tôi đâu có thời giờ học đâu, thỉnh thoảng khi rãnh, tôi ngồi trên xe xích lô lấy bài vở ra làm chút chút vậy thôi. Thời đó, tôi học rất dở vì không có giờ học.’
5 năm trời dầm mưa dãi nắng còng lưng trên chiếc xích lô đạp, việc học hành của Đức hoàn toàn sa sút, nên cậu đã không thi đại học. Tới năm 1981, ba Đức cố xoay sở tìm cách cho cậu theo một người bà con trong Nam đi vượt biên, và cũng từ đó, cuộc đời cậu bé đạp xích lô bước sang một ngã rẽ mới. Thời gian trong trại tị nạn chờ được một nước thứ ba cho đi định cư chính là giai đoạn bước ngoặt đối với Đức, khi chàng thanh niên lam lũ, cơ hàn quyết chí phải đổi đời, phải phấn đấu tiến thân bằng con đường học vấn.
Tiến sĩ Đức cho biết:
“Vượt biên qua tới trại tị nạn, tôi cảm thấy như vậy là từ đây mình có cơ hội đi học, phát triển. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết định phải cố gắng học hành cho thành tài. Còn hồi trước ở Việt Nam, tôi không dám có ước mơ đó vì đi đạp xích lô cả ngày, học hành sao được mà có ước mơ học cho thành công?”
Sau thời gian ở trại tị nạn, anh tới Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ Việt Nam bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.
Thông thường sinh viên ở Mỹ khi vào đại học phải trả học phí. Ngoài một số ít sinh viên xuất sắc nhận được học bổng, đa số phải vay từ các nguồn quỹ hỗ trợ của chính phủ dành cho sinh viên. Thế nhưng, cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù. Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học trò nghèo học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa vật lý trường đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh. Còn các khoản sinh hoạt phí khác anh trang trải từ thu nhập làm trợ giảng cho các vị giáo sư.
Tiến sĩ Đức cho biết những điều kiện học tập có được ở Mỹ đã khuyến khích ông thêm say mê học tập, nên ông đã không dừng lại ở tấm bằng đại học như dự định ban đầu:
‘Mình đi học ráng học cho lẹ, lấy thiệt nhiều lớp để mau ra trường lấy bằng đi làm kiếm tiền gửi về Việt Nam phụ gia đình. Nhưng tới lúc học gần xong đại học, tôi lại thấy sức mình vẫn còn đi học tiếp được. Cho nên năm cuối đại học, tôi lại nộp đơn xin vào cao học. Tôi thấy vấn đề học hành không khó lắm. Nếu mình chịu khó thì chuyện gì cũng vượt qua được hết. Mỹ là một nước tự do và có cơ hội để mọi người, ai có chí, thì có thể làm nên. Tôi nghĩ nếu không qua Mỹ mà còn ở Việt Nam thì giờ này chắc tôi cũng còn đạp xích lô, không có cơ hội để phát triển thành tài. Nghĩa là phải có cơ hội nào đó đưa đến cho người ta có dịp để phát triển tài năng. Đối với tôi, cơ hội đưa đến là được qua Mỹ để rồi được phát triển đầu óc. Ở Mỹ này tôi thấy nếu mình chịu khó học sẽ có cơ hội đưa cuộc sống mình đi lên. Còn ở Việt Nam, dù cũng có, nhưng cơ hội không đồng đều.’
Ai có ngờ một nhà khoa học đang làm việc cho một phòng thí nghiệm nguyên tử nổi tiếng ở Mỹ xuất thân là một người đạp xích lô ở bến xe Tuy Hòa. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra đối với Tiến sĩ Võ Tá Đức thì cũng có thể xảy ra với các bạn, nhất là các bạn trẻ nghèo khó tại Việt Nam, nếu các bạn quyết tâm phấn đấu, cần cù chịu khó học tập để thay đổi số phận của mình.
Tiến sĩ Đức:‘Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn. Nếu các bạn chịu khó đặt một mục đích nào đó cho tương lai, cho cuộc sống của mình và ráng sống theo mục đích đó, thì sẽ thành công.’

Cậu bé bán thuốc lá dạo ở VN
trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Mỹ


Một nhà khoa học thành danh ở Mỹ với nhiều công trình nghiên cứu và hằng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp, Sài Gòn. Câu chuyện của Giáo sư-Tiến sĩ Hóa học Trương Nguyện Thành hiện đang giảng dạy tại trường đại học Utah, Hoa Kỳ, là niềm hãnh diện của người Việt trên trường quốc tế và là tấm gương đáng khâm phục để giới trẻ Việt Nam noi theo.
Trà Mi-VOA
Washington DC
http://media.voanews.com/images/480*...+o+VKHCNTT.JPG
Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp tại Viện Khoa Học-Công Nghệ-Thông Tin ở Sài Gòn

Năm 11 tuổi, cậu bé Thành đã bắt đầu bươn chải, dãi dầu mưa nắng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi 9 anh chị em sau khi cha mình bị liệt bán thân. Ngày ngày, sau giờ tan trường từ giữa trưa đến tận 9, 10 giờ đêm, cậu bé rong ruổi với thùng thuốc lá trên vai đi bán dạo quanh bến xe lam chợ Gò Vấp. Năm 1976, khi Việt Nam mở chiến dịch đưa cư dân ra các vùng kinh tế mới xa xôi, hẻo lánh, gia đình Thành chuyển xuống Lái Thiêu xoay sở tậu được một miếng ruộng nhỏ và một cặp trâu. Ở tuổi 15, Thành bỏ nghề bán thuốc lá dạo để chuyển sang đi cày thuê cuốc mướn. Việc học của cậu bé bị cản trở và chi phối rất nhiều bởi công cuộc mưu sinh vất vả hằng ngày, nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để đổi đời đã vun đúc trong lòng cậu bé từ rất sớm.
Tiến sĩ Thành chia sẻ:
“Tôi có tư duy thích học, những lúc rảnh rỗi, tôi thường lấy sách đọc. Chỉ có môn toán là tôi học được vì không đòi hỏi tập trung nhiều. Cứ rảnh là tôi ngó qua một cái rồi để cái đầu tôi làm việc. Tôi được sự dạy dỗ của ông nội và ba tôi. Họ thường khuyên rằng học vấn là con đường ngắn nhất để đưa một người không có gì tới thành công.”
Tới năm học lớp 12, con đường học vấn của cậu bé nghèo, lam lũ bắt đầu rẽ bước ngoặt, xuất phát từ một đáp án dí dỏm của Thành trước câu hỏi của thầy đố các học sinh giỏi. Ấn tượng trước sự thông minh của Thành, người thầy đã soạn đưa cho cậu bé một số sách để tham khảo.
Giáo sư Trương Nguyện Thành kể lại:
“Năm 1979, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ thi toán toàn quốc. Thầy tôi có đem mười mấy cuốn sách cho tôi mượn, bảo tôi đọc cho biết rồi tới dự lớp thầy dạy cho các học sinh giỏi dự thi toán. Tôi rất cảm động trước nghĩa cử này. Mỗi tối sau giờ làm ruộng, tôi đốt đèn dầu đọc sách từ 9 giờ tới 12 giờ đêm. Thời điểm đó, ở Việt Nam, hạnh kiểm là vấn đề khá quan trọng. Hạnh kiểm tôi tương đối xấu nên cô hiệu trưởng không cho tôi đi thi học sinh giỏi toán. Ông thầy lén đưa tôi đi theo đội tuyển, may quá tôi thi đậu. Tỉnh Bình Dương lúc đó chọn khoảng 30-40 em học sinh giỏi toán lên trên tỉnh học chuyên toán trong 3 tháng. Sau 3 tháng, họ tuyển lại lấy 5 em. Tôi cũng may mắn lọt vào trong 5 em đó. Cũng vì thế, ba tôi nhận ra rằng tôi có tiềm năng. Từ lúc đó, ông khuyên tôi nên nghỉ đừng đi cày thêm mà tập trung học. Và từ đó, ông tìm cách cho tôi ra nước ngoài.”
19 tuổi, sau khi thi đậu vào đại học Bách Khoa, chàng thanh niên Trương Nguyện Thành vượt biên sang Mỹ. Sau 1 năm ở trung học với những khó khăn bước đầu về ngôn ngữ, anh từ giã gia đình bảo trợ người Mỹ để bắt đầu cuộc sống tự lập ngay từ năm thứ nhất đại học. Để trang trải sinh hoạt phí trong thời đèn sách, phần đông các bạn trẻ ở đây thường phụ việc ở nhà hàng, tiệm giặt ủi, hay đi giao báo. Riêng trường hợp của Thành, anh tìm đến một người thầy và xin được theo chân làm việc trong phòng thí nghiệm để bắt đầu công việc nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học, một công việc thường bắt đầu ở bậc cao học. Số tiền kiếm được đủ trang trải các khoản chi phí hết sức tiết kiệm hằng ngày. Còn học phí của anh chủ yếu nhờ các khoản vay từ nguồn quỹ dành cho sinh viên và các phần học bổng của chính phủ. Sau 4 năm đại học, anh ra trường với bằng cử nhân hóa học cùng với 4 văn bằng phụ về lý, toán, công nghệ thông tin, và thống kê.
Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ. Trong thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ, anh dành được học bổng của Qũy Khoa học Quốc gia dành cho các tiến sĩ trẻ có tiềm năng vì lúc tốt nghiệp tiến sĩ, anh đã có 16 bài nghiên cứu trong khi trung bình một tiến sĩ khi ra trường xuất bản chừng 4-5 bài nghiên cứu. Năm 1992, anh về làm Giáo sư hóa cho trường đại học Utah. Một năm sau, anh được chọn là 1 trong những nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ, với giải thưởng 500 ngàn đô la cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, anh được cấp bằng Giáo sư Cao cấp, tức bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo sư của Mỹ.
Những yếu tố nào giúp một cậu bé lam lũ, nghèo khó từng bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn ở đáy xã hội Việt Nam lột xác, đổi đời thành một nhà khoa học danh tiếng tại Mỹ?
Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành cho biết:
“Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển. Thứ ba, người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Tiềm năng chỉ là khả năng, muốn đạt được thành công đòi hỏi phải có môi trường để phát triển. Môi trường không cho phép người đó phát triển, thì cũng không làm được. Điển hình là người Việt ở Mỹ hay ở nước ngoài thành công rất cao, thế nhưng tại sao ngay tại Việt Nam không có những ngôi sao như vậy?
Khi tôi bước chân vào trung học ở Mỹ, có một cậu vượt biên cũng giống trường hợp như tôi, đi một mình, được một gia đình Mỹ bảo lãnh. Cậu ta cũng ở gần nhà tôi. Khi tới Mỹ, tôi và cậu ấy có cùng một cơ hội như nhau. Tôi cố gắng hơn, tôi vào đại học. Còn cậu ta làm việc cho một hãng gà Tây, kiếm tiền liền. Một năm sau, tôi về lại làng thăm ba mẹ nuôi và ghé thăm thằng bạn. Công việc nó làm chỉ đứng móc ruột gà Tây thôi, chờ con gà chạy qua, đưa tay vào móc ruột gà ra. Nó khoe với tôi nó có được chiếc xe hơi. Còn tôi lúc đó vẫn chưa có gì. Sau 4 năm đại học, tôi trở về, anh bạn vẫn còn móc ruột gà Tây. Anh đã có được một căn hộ, có TV lớn, dàn máy xịn, xe hơi sports. Còn tôi vẫn chỉ một thùng sách quèn. Sau 5, 6 năm sau, tôi trở về, cậu bạn vẫn còn làm chỗ cũ nhưng cho biết phải đổi nghề vì đau nhức xương khớp tay do làm việc ở phòng lạnh. Lúc đó, tôi sắp ra tiến sĩ. Đó là cái điều kiện thứ 3 mà tôi muốn nói: người có tiềm năng, có môi trường, mà không nhận thức được cơ hội của mình và quyết tâm đạt được cơ hội đó. Thật sự, tôi không có xe hơi, không có bạn gái, không có tình phí, ở nội trú, ăn mì gói. Cho nên, chi phí tôi rất ít. Tôi làm việc trong phòng nghiên cứu chỉ đủ sống. Tôi ra đại học trong túi chỉ có 200 đô la, nợ nhà nước khoảng 15 ngàn đô la (mỗi năm khoảng 3-4 ngàn tiền học phí cộng với tiền phụ thêm để sống), cùng một thùng sách và một giỏ quần áo cũ.”
Thành công ở xứ người, Giáo sư Thành trở lại Việt Nam, giúp thành lập Viện Khoa học Công nghệ Tính toán TP.HCM bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2009. Vừa tiếp tục giảng dạy tại trường đại học Utah ở Mỹ, vừa giúp điều hành Viện nghiên cứu tại Việt Nam, Viện trưởng Trương Nguyện Thành nói về công việc của mình:
“Điều khiển một viện nghiên cứu từ xa rất khó. Cho nên, có một viện trưởng tại Việt Nam chuyên lo các vấn đề hằng ngày như làm việc với chính phủ, hợp đồng, hay mướn người. Còn tôi phụ trách chiến lược phát triển về khoa học, kêu gọi những người khác về giúp phát triển.”
Ngoài ra, cá nhân ông còn nhận bảo trợ cho các sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng chính nguồn quỹ nghiên cứu của ông. Đích thân Giáo sư Thành đứng ra phỏng vấn tuyển chọn người tài, và từ năm 2001 tới nay, ông đã tài trợ cho trên dưới 20 sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, nghiên cứu. Trong số này có nhiều người đã trở về giúp ông phát triển Viện nghiên cứu tại Việt Nam.
Tiến sĩ Trương Nguyện Thành tâm sự:
“Thời còn đi cày mướn, lời nguyền của tôi là nếu tôi thành công, tôi sẽ đem cơ hội đó cho lại những người khác. Đó là tâm nguyện của tôi lúc còn ở đáy xã hội Việt Nam. Tôi thường nói chuyện với học trò của tôi khi họ tới cảm ơn tôi đã cho họ cơ hội. Tôi bảo họ không cần cảm ơn tôi. Điều họ có thể trả ơn tôi là đem cơ hội đó cho một vài người khác. Chính vì vậy, một số đệ tử của tôi về lại Việt Nam, giúp tôi lập Viện. Tôi gieo những hạt giống và từ đó sẽ nhân thành những hạt giống khác. Một con én không làm nên nổi mùa xuân. Tôi chỉ là người mở đường. Những người khác bước chân theo, làm cho con đường rộng ra, nhẵn thêm, dễ đi hơn.”
Giáo sư Thành nói ai cũng mơ ước thành công, nhưng chỉ có những người chịu khó nỗ lực mới tới được đích đến:
“Tôi chỉ có một lời nhắn nhủ với các sinh viên ở Việt Nam rằng trên đời cái gì cũng có giá phải trả. Nếu muốn thành công, phải chấp nhận trả cái giá đó. Thành công là một con đường đi chứ không phải là một điểm đích. Tôi không nói tôi đã thành đạt điều gì, chỉ là một con đường mà khi quay lại tôi thấy tôi đã đi được rất xa rồi.”
Con đường thành công của Giáo sư -Tiến sĩ Trương Nguyện Thành trải qua bao nhiêu năm gian nan, thử thách. Cậu bé bần cùng, lam lũ ở Việt Nam qua đến Mỹ cũng đã nếm trải bao nhiêu những thiếu thốn, khó nhọc để có được vị trí đáng nể như ngày hôm nay. Đó là nhờ sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sẵn sàng trả giá cho con đường đã chọn.