Xem thêm:
HÌNH ẢNH CHỤP TẠI BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - 1979
Những bức ảnh quý về chiến tranh Việt Nam
The Vietnam War in pictures
Sáng 17/2 nắng lạnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi, nhà ở khối Trần Quang Khải 1, thị xã Lạng Sơn, ngồi co ro kể lại cái chết 30 năm trước của con trai mình, anh Nguyễn Văn Đài. Năm ấy, Đài 22 tuổi.
Ông Quế nói: “Để ghi nhớ ngày ấy, chúng tôi lấy Dương lịch, 17/2, làm đám giỗ cho con”.
Năm 1979, vào lúc 5giờ 25 phút sáng ngày 17/2, Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái.
“Những đôi mắt”
Hôm ấy, ông Quế không có nhà, vợ ông, bà Dự, bị dựng dậy khi bên ngoài trời hãy còn rất tối.
Lính TQ tấn công Bát Xát
Bà nghe tiếng pháo chát chúa ở hướng Đồng Đăng và phía dốc Chóp Chài, Lạng Sơn. Bà Dự đánh thức các con dậy, rồi 4 mẹ con dắt díu nhau chạy về xuôi.Tới ki-lô-mét số 10, đã quá trưa, bà rụng rời khi hay tin, anh Đài đã bị quân Trung Quốc giết chết.
Anh Đài là công nhân đường sắt, thời điểm ấy, các anh đương nhiên trở thành tự vệ bảo vệ đoạn đường sắt ở Hữu Nghị Quan.Anh em công nhân trong đội của Đài bị giết gần hết ngay từ sáng sớm. Đài thuộc trong số 3 người kịp chạy về phía sau, nhưng tới địa bàn xã Thanh Hòa thì lại gặp Trung Quốc, thêm 2 người bị giết. Người sống sót duy nhất đã báo tin cho bà Dự, mẹ Đài.
Lính TQ chiếm Doanh trại QĐNDVN tại Cao Bằng
Cùng thời gian ấy, ở bên núi Trà Lĩnh, Cao Bằng, chị Vương Thị Mai Hoa, một giáo viên cấp II, người Tày, mới ra trường, cũng bị giật dậy lúc nửa đêm rồi theo bà con chạy vào hang Phịa Khóa.Hàng trăm dân làng trú trong hang khi pháo Trung Quốc gầm rú ở bên ngoài, rồi lại gồng gánh theo nhau vào phía Lũng Pùa, chạy giặc. Chị Hoa không bao giờ có thể quên “từng đôi mắt” của dòng người gồng gánh ấy.
Giờ đây, ngồi trong một cửa hàng bán băng đĩa trên phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng, chị Hoa nhớ lại:
“Năm ấy, tôi 20 tuổi. Tôi nghĩ, tại sao mình lại chạy!”.
Chị quay lại, sau khi thay quần áo giáo viên bằng bộ đồ chàm vì được những người chạy sau cho biết, rất nhiều người dân ăn mặc như cán bộ đã bị quân Trung Quốc giết chết.
Đường sắt Liên vận và Trạm Biên phòng CK Lào Cai bị phá hủy
“Cuộc Chiến 16 Ngày”
Ngày 15/2/1979, Đại tá Hà Tám, năm ấy là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 12, thuộc lực lượng Biên phòng, trấn ở Lạng Sơn, được triệu tập.
Cấp trên của ông nhận định: “Ngày 22/2, địch sẽ đánh ở cấp Sư đoàn”. Ngay trong ngày 15, ông ra lệnh cấm trại, “Cấp chiến thuật phải sẵn sàng từ bây giờ”, ông nói với cấp dưới.
Tuy nhiên, ông vẫn chưa nghĩ là địch sẽ tấn công ngay.
Đêm 16/2, chấp hành ý kiến của Tỉnh, ông sang trại an dưỡng bên cạnh nằm dưỡng sức một đêm bởi vì ông bị mất ngủ vì căng thẳng sau nhiều tháng trời chuẩn bị. Đêm ấy, Trung Quốc đánh.
Pháo hạng nặng và bộ binh xuất phát, tấn công Lạng Sơn
Ở Cao Bằng, sáng 16/2, tất cả các Đồn trưởng Biên phòng đều được triệu tập về thị xã Cao Bằng nhận lệnh. Sáng hôm sau họ tìm về đơn vị triển khai chiến đấu khi... Trung Quốc đã tấn công rồi.Sáng 17/2, tỉnh Cao Bằng ra lệnh “sơ tán triệt để khỏi thị xã”; Đại đội 22 của thị xã Cao Bằng được trang bị thêm 17 khẩu súng chống tăng B41.
Ngày 18/2, một chiếc tăng Trung Quốc có “Việt gian” dẫn đường lọt tới Cao Bằng và bị tiêu diệt.
Nhiều nơi, chỉ khi nhìn thấy chữ “Bát Nhất”, người dân mới nhận ra đấy là tăng Trung Quốc.
Đại tá Hà Tám công nhận: “Về chiến lược ta đánh giá đúng nhưng về chiến thuật có bất ngờ”.
Bộ đội và dân quân ta bị TQ bắt làm tù binh
Tuy nhiên, Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Tỉnh đội trưởng Cao Bằng thời kỳ 17/2, nói rằng: Cho dù không có bất ngờ thì tương quan lực lượng là một vấn đề rất lớn. Phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang ở chiến trường Campuchia. Sư đoàn 346 đóng tại Cao Bằng nhiều năm chủ yếu làm nhiệm vụ kinh tế, thời gian huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trở lại chưa nhiều. Lực lượng cầm chân Trung Quốc ở tuyến một, hướng Cao Bằng, chủ yếu là địa phương quân, chỉ có khoảng hơn 2 Trung đoàn.Trong khi, theo tài liệu từ Trung Quốc, chỉ riêng ở Cao Bằng trong ngày 17/2, Trung Quốc sử dụng tới 6 Sư đoàn; ở Lạng Sơn 3 Sư đoàn và Lào Cai 3 Sư đoàn.
Hôm sau, 18/2, Trung Quốc tăng cường cho hướng Cao Bằng 1 Sư đoàn và 40 xe tăng; Lạng Sơn, 1 Sư và 40 tăng; Lào Cai, 2 Trung đoàn và 40 tăng.
Tăng, pháo Trung Quốc tiến sâu vào Cao Bằng
Lực lượng Trung Quốc áp sát Biên giới vào ngày 17/2 lên tới 9 Quân đoàn chủ lực.
Ngày 17/2, Trung quốc tiến vào Bát Xát, Lao Cai.
Chiều 23/2, Trung Quốc chiếm Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Ngày 24/2, Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng.
Ngày 27/2, ở Lạng Sơn, Trung Quốc đánh vào thị xã.
Thế nhưng, bằng một lực lượng nhỏ hơn rất nhiều, các đơn vị Biên giới đã nhanh chóng tổ chức chiến đấu.
Theo cuốn “10 Năm Chiến tranh Trung Việt”, xuất bản lần đầu năm 1993 của NXB Đại học Tứ Xuyên, quân Trung Quốc đã gọi con đường tiến vào thị xã Cao Bằng của họ là những “khe núi đẫm máu”.
Công binh TQ làm cầu phao cho xe tăng, bộ binh đánh Lào Cai
Đặc biệt, Tiểu đoàn Đặc công 45, được điều lên sau ngày 17/2, chỉ cần đánh trận đầu ở Kilomet số 3, đường từ Cao Bằng đi về xuôi qua đèo Tài Hồ Sìn, cũng đã khiến cho quân Trung Quốc khiếp vía.
Những người dân Biên giới, cho đến hôm nay vẫn nhớ mãi hình ảnh “biển người” quân Trung Quốc bị những cánh quân của ta cơ động liên tục, đánh cho tan tác.
Đầu tháng 3/1979, trong khi hai Sư đoàn 346, Cao Bằng và 338, Lạng Sơn, thọc sâu đánh những đòn vu hồi.
Từ Campuchia, sau khi đuổi Pol Pốt khỏi PhnomPênh, 2 Quân đoàn tinh nhuệ của Việt Nam được điều ra phía Bắc.
Lính TQ tấn công Lai Châu
Ngay sau khi Quân đoàn II đặt những bước chân đầu tiên lên Đồng Mỏ, Lạng Sơn, Quân đoàn III tới Na Rì (Bắc Cạn); Chủ tịch Nước ra lệnh “Tổng Động viên”… ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước.
Lào Cai, SaPa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang.
Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện.
Nếu như, ở Bát Xát (Lào Cai), hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng), trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người (gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em), trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai.
Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.
Lặng lẽ hoa Đào
Ngồi đợi ông Nguyễn Thanh Loan, người trông giữ nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, chúng tôi nhìn ra xa. Tháng Hai ở đây mới là mùa hoa đào nở.
Nghĩa trang có 1680 ngôi mộ. Trong đó, 1600 mộ là của các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh từ ngày 17/2.
Ở Vị Xuyên, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu năm 1990.
Năm 1984, khi Trung Quốc nổ súng trở lại hòng đánh chiếm hơn 20 cao điểm ở Thanh Thủy, Vị Xuyên, bộ đội đã phải đổ máu ở đây để giành giật lấy từng tấc đất.
Lính TQ phá đường sắt tại Lạng Sơn
Rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh, đặc biệt là hy sinh khi tái chiếm đỉnh cao 1509.Ông Loan nhớ lại, cứ nửa đêm về sáng, xe GAT 69 lại chở về, từng túi tử sỹ xếp chồng lên nhau.
Trong số 1600 liệt sỹ ấy, chủ yếu chết trong giai đoạn 1984, 1985, có người chết 1988, còn có 200 ngôi mộ chưa xác định được là của ai.
Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc, cái pháo đài trên đỉnh 1509 mà Trung Quốc dành được và xây dựng trong những năm 80, vẫn còn. Họ nói là để làm du lịch.
Từ đỉnh 1509, có thể nhìn thấu xuống thị xã Hà Giang.
Năm 1984, từ đỉnh 1509 pháo Trung Quốc đã bắn vào thị xã.
Trên đường lên Mèo Vạc, sương đặc quánh ngoài cửa xe. Từng tốp, từng tốp trai gái H’mông thong thả cất bước du xuân. Có những chàng trai đã tìm được cho mình cô gái để cầm tay. Một biên giới hữu nghị và hòa bình là vô cùng quý giá.
Năm 1986, vẫn có nhiều người chết vì đạn pháo Trung Quốc nơi đoạn đường mà chúng tôi vừa đi, nơi các cô gái, hôm nay, để cho các chàng trai cầm tay kéo đi với gương mặt tràn trề hạnh phúc.
Quá khứ, rất cần khép lại để cho những hình ảnh như vậy đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ.
Tháng Hai, đứng ở bên này cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, nhìn sang bên kia, thấy lừng lững một tượng đài đỏ rực mà theo các Sĩ quan Biên phòng Việt Nam: Phía Trung Quốc gọi là “ đài chiến thắng”.
Trở lại Lạng Sơn, những chiếc xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn cháy hôm 17/2, vốn vẫn nằm bên bờ sông Kỳ Cùng, giờ đã được bán sắt vụn cho các khu gang thép.
Ở Cao Bằng, chúng tôi đã cố nhờ mấy người dân địa phương chở ra Kilomet số 3, theo hướng đèo Tài Hồ Sìn, tìm tấm bia ghi lại trận đánh diệt 18 xe Trung Quốc của Tiểu đoàn đặc công 45, nhưng không thấy.
Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên Huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9/3/1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam.
Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng.
Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào.
Hôm ấy, anh Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện, mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách.
Huy Đức
Bài đăng trên SGTT, ngày 9/2/2009
Huy Đức - Ngày 17/2/1979, khi vừa vào đến cổng trường, chúng tôi nhận được tin: Vào lúc mờ sáng, "Trung Quốc đã đem quân bắn giết dọc theo Biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta".
Sáng ấy, nhiều đứa trong chúng tôi đi thẳng từ Trường Phổ thông đến UBND xã. Chúng tôi đăng ký nhập ngũ mà không kịp nói một câu với chính cha mẹ của mình.
"Quân Bành trước Bắc Kinh" đã kéo chúng tôi từ lớp học ra thẳng chiến trường. Nhưng, không hiểu sao Nhà trường hôm nay, lại không nói gì về cuộc chiến tranh kéo dài thế giằng co hơn 10 năm ấy.
Ba mươi năm trước, những "đàn trẻ nhỏ", chạy "từ Biên giới về".
Ba mươi năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và biết:
Tháng 4/1956, nhân khi quân Pháp vừa rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc (lúc này đã trở thành "xã hội chủ nghĩa anh em") chiếm đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa.
Ngày 19/1/1974, sau khi Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ và sau Hiệp định Paris 1973 (Mỹ rút lui khỏi Việt Nam), Trung Quốc - vẫn đang là "xã hội chủ nghĩa anh em", đánh chiếm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa, giết 58 chiến sỹ Hải Quân Sài Gòn, chiếm đảo.
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc lại tấn công một số đảo đá của Trường Sa, giết hại 74 người lính Hải quân Việt Nam và, từ đó, chiếm luôn những hòn đảo ấy.
Rồi... Ngày 12/11/2008, Trung Quốc tuyên bố đầu tư 29 tỷ USD cho một dự án "khảo sát và khai thác Biển Đông". Trong đó, bao gồm cả những biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ.
Bốn tháng trước, 7/2008, khi Hãng Dầu khí Mỹ, ExxonMobil, hợp tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò ở Nam Côn Sơn, Trung Quốc đã gây áp lực với ExxonMobil để họ phải rút lui.
Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch.
Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long.
Chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Công ty Crestone ở vùng Vũng Mây - Tư Chính. Tàu Trung Quốc "đi lại nghênh ngang" ngoài Biển Đông, trong khi, các Dự án của Việt Nam thì phải cay đắng rút lui mà không làm gì được.
Thế hệ chúng tôi, lớn lên "dưới mái trường xã hội chủ nghĩa", có nhiều sự kiện xảy ra ở Thủ đô, ở Biên giới và ngoài biển mà chúng tôi không hề được biết.
Chúng tôi vẫn hát về Mao Trạch Đông như "mặt trời lên" khi mà "Bác Mao" lần lượt đem quân chiếm Hoàng Sa, rồi Trường Sa.
Chúng tôi hát, "núi liền núi, sông liền sông "khi mà nhiều ngọn núi, khúc sông đã không còn nữa.
Cho đến ngày 17/2... Được cầm súng, được "vạch mặt, chỉ tên" quân xâm lược cũng là hạnh phúc.
Cho dù, nhiều khi ngẫm lại, sự thật chỉ được thông tin vừa lúc, đủ để chúng tôi tất tả lên đường.
Không như chúng tôi, các bạn trẻ hôm nay không ngồi chờ nhà trường "mớm" cho gì thì biết nấy. Nhưng bi kịch của họ lớn hơn...
Thật không dễ dàng gì, khi biết một kẻ đang rình rập bên ta, mà vẫn phải nghe họ xưng là " láng giềng tốt ";
Một kẻ đem tàu chiến, sang giết người giữ đảo của ta, vẫn xưng là "đồng chí tốt ";
Một kẻ dùng áp lực, để đuổi đối tác tìm dầu của ta, mà vẫn nhận là "bạn bè tốt ";
Một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta, mà vẫn phải gọi là " đối tác tốt ".
Khi tôi đang viết entry này thì đọc được trên blog Nông Dân Gió Lào: Người Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Hà Nội, dự kiện bế mạc vào ngày 17/2 năm nay.
Nông Dân Gió Lào cũng dẫn tin trên Vietnamnet nói rằng: Năm 2004, người Trung Quốc cũng đã tổ chức một Lễ hội Hoa đăng ở Đà Nẵng, khai mạc đúng vào ngày 19/1. Năm ấy, họ kết 30 cụm hoa đăng, theo Nông Dân Gió Lào, ứng với 30 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một huyện đảo thuộc về Đà Nẵng (19/1/1974- 19/1/2004).
Có thể bởi "tình đồng chí "mà khi cấp phép, chính quyền địa phương đã không quan tâm lắm đến sự trùng hợp này. Nhưng, Nông Dân Gió Lào cho rằng các "chú Tàu" thì không làm gì "ngẫu nhiên", kể cả việc, hồi cuối tháng 11, họ cho tàu mang tên Trịnh Hoà (người mà họ nói là đã phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa), cập vào Đà Nẵng.
Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm mấy đảo đá ở Trường Sa. Việt Nam chuyển sang đường lối quan hệ "đa phương ". Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế "đơn phương", với một gã khổng lồ vừa đánh trộm, vừa xưng là "anh em, đồng chí".
Nhà nước có những lý do để cư xử với lân bang chín chắn. Nhưng, sự" bồng bột" của dân cũng cần thiết để sự thật, đôi khi, có cơ hội phơi bày.
Người dân không bao giờ muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra, chỉ có họ mới là người ra trận.
Tôi đã nói chuyện với nhiều người dân ở Biên giới hồi tháng 3/1979. Tôi có nhiều người bạn là lính ở Sư đoàn đóng quân tại Lạng Sơn trong ngày 17 tháng 2. Cái mà chúng ta nói là "chiến thắng", cũng đã phải trả bằng đầu rơi máu chảy.
Tôi có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh, biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam, chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính. Biết, sau lưng Pol Pot có bàn tay của ai.
Nhưng, tôi cũng đã gặp nhiều người Việt-Gốc-Hoa, trong số hơn 675.000 người Việt-Gốc-Hoa phải ra đi trong những năm sau 1975, 1978. Nhiều người lúc ấy không biết tiếng Hoa, nhiều người đã từ lâu coi mình là dân Việt. Nhiều người khi rời Việt Nam, đã không chọn Trung Quốc như là Tổ quốc. Vận nước, phải chăng đã không tránh được thế đối đầu?.
Trung Quốc năm nào cũng nhắc lại cuộc chiến 17/2/1979, tại sao Việt Nam lại không bàn về nó một cách công khai và rút ra bài học cho mình?..
Tôi có mặt ở Hồ Gươm vào cái đêm bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan ở lượt đi (24/12). Có mặt trên đường phố Sài Gòn ngay sau khi bóng đá Việt Nam vô địch (28/12). Đi trong thác lũ người tràn ra đường hôm ấy, nghĩ, chỉ bóng đá thôi ư mới có được sức mạnh thế này?.
Ngay từ Thế kỷ 19, khi mà lãnh thổ của một Quốc gia vẫn còn có thể mở rộng bằng chinh phục, Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888, đã nói: "Dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp".
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (1982) cũng tái khẳng định tinh thần này.
Chúng ta chưa có bom hạt nhân, chúng ta chưa có tàu to súng lớn. Đất nước ta rất nhỏ. Dân ta không nhiều. Sức mạnh của chúng ta chính là chủ quyền pháp lý.
Ba mươi năm đã trôi qua, kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về Biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im.
Thầy giáo dạy Sử ở trường lặng im.
Báo chí văn chương lặng im...
Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao.
Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng.
Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ.
------------------------------------
* Bài viết của Nhà báo Huy Đức, đã đăng tải trên Blog Osin của anh, năm 2009. Nay xin phép được đăng tải lại.
Huy Đức - Hôm 23/2/2009, Trung Quốc và Việt Nam làm lễ hoàn tất công trình Phân giới cắm mốc, kết thúc 8 năm triển khai trên thực địa, kết thúc những tranh cãi căng thẳng, kéo dài.
Nhưng, những tranh chấp không chỉ diễn ra trong vòng 8 năm ấy. Biết bao câu chuyện xứng đáng ghi vào lịch sử kể từ khi hai nước ký Hiệp định tạm thời, 07/11/1991.
Gió Chi Ma
Cho đến tận hôm nay, đường lên cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), vẫn phải ngưng lại dở dang trước đường Biên 63m.
Năm 1993, khi tỉnh Lạng Sơn cho rải đá, lực lượng vũ trang từ phía Ái Điểm, Trung Quốc, tràn sang ngăn cản, “bạn” cho rằng đấy là phần đất thuộc về Trung Quốc, cho dù cột mốc 44 vẫn còn.
Nơi ở của Tổ Cột mốc 44, Đồn BP Chi Ma
Từ ngày 28/5 cho đến 11/6/1993, hàng trăm binh sĩ có vũ trang từ Ái Điểm tới, theo sau là 15 xe chở đá. Trong khi phía Việt Nam chưa kịp phản ứng, 2 xe “vượt biên” sang đổ đá chồng lên đoạn công nhân Việt Nam đang thi công.
Ngay lập tức bộ đội Biên phòng, Hải quan, công nhân, đặc biệt là bà con nông dân Chi Ma xuất hiện. Họ rút.
Kể từ hôm đó, Tổ cột mốc 44 được thành lập, 7 cán bộ Biên phòng có nhiệm vụ canh giữ cho mốc 44 trụ vững ở đúng vị trí mà nó đã đứng, kể từ sau Công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895.
Các anh phải túc trực 24/24, trong gió Chi Ma thổi bạc mặt; trong rét Chi Ma có khi xuống dưới độ Không; dưới một túp lều dựng bằng 6 cọc tre và những thùng giấy carton nằm sâu bên lãnh thổ Việt Nam 5m (vì bị ngăn cản không thể dựng nhà).
Cột mốc 44
“Nhật ký” của tổ ghi nhận 32 sự kiện tiêu biểu xảy ra xung quanh mốc 44: 1 lần Biên phòng Ái Điểm, Trung Quốc, cho dựng một nhà tạm lấn sang đất Việt Nam 2m; 22 lần lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất Việt Nam từ 5-35m; 7 lần xâm canh; 1 lần lén chôn một bia đá sang đất Việt Nam 20m…
Chiều 6-2-2009, chúng tôi có mặt ở Chi Ma, phía bên kia mốc 44 là một bức tường đá dày 1m cao 3m, bao bọc đồn Ái Điểm. Trên bức tường đó, sâu hoắm những lỗ châu mai, nhìn sang.
Thiếu tá Lục Văn Moong, người từng là Đồn phó Chi Ma 4 năm, nói: “Có rất nhiều chuyện không được ghi chép, đó là những cục đá được ném sang từ phía bên kia lúc nửa đêm. Trận ‘đá kích’ cuối cùng xảy ra là vào năm 2003”.
Những người lính bảo vệ Cột mốc 44
Theo thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng tỉnh Lạng Sơn : “Anh em đã bám trụ trong điều kiện như thế suốt 15 năm, từ tháng 6/1993 đến tháng 1/2009. Khi viết đề nghị tặng Huân chương Chiến công (hạng Ba) cho Tổ cột mốc 44, có nhiều câu chuyện đã làm tôi khóc!”.
Bản Giốc
Mãi cho tới ngày 14-1-2009, mốc 836 mới được cắm bên triền Bản Giốc.
Thác Bản Giốc và cửa Bắc Luân cùng nằm chung trong một “gói đàm phán”, được phân giới sau cùng. Sông Quây Sơn chảy vào đất Việt ở cột mốc 67 (cũ) vòng qua các ngọn núi ở Trùng Khánh, Cao Bằng, khoảng 20km rồi chạy ra mốc 53 (cũ), thành con sông Biên giới dài 15km trước khi chảy sang Trung Quốc ở cột mốc 49 (cũ).
Giờ này, cánh đồng dưới chân Bản Giốc trơ rạ. Chưa tới mùa nước, thác chưa đầy như bức ảnh mà Võ An Ninh đã chụp. Nhưng, cảm giác về một Bản Giốc trọn vẹn vẫn nghèn nghẹn.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc đã thoả thuận đường biên giới đi từ mốc 53 cũ, qua cồn Pò Thoong, đến điểm giữa của mặt thác chính”.
Trong khoảng thời gian “gói Bản Giốc- Bắc Luân” đang đàm phán, Trung Quốc mấy lần định làm đường trên cồn Pò Thoong, mấy lần bị người dân Đàm Thủy đứng ra ngăn cản.
Xưa nay, Pò Thoong vẫn nằm trong vùng quản lý của Biên phòng Việt Nam, người dân vẫn canh tác và lấy đá cát quanh đó.
Trận “đá kích” sau cùng mà các cán bộ Biên phòng ghi nhận xảy ra là vào ngày 24/7/2007.
Giờ đây, mốc đôi 835 đã được cắm thay thế cho mốc 53: 835/1 nằm bên bờ Trung Quốc của sông Quây Sơn; 835/2 nằm trên cồn, “ phần thuộc về Việt Nam bây giờ là ¼ cồn Pò Thoong ”.
Theo ông Vũ Dũng : “Ta và Trung Quốc nhất trí sẽ cùng hợp tác để phát triển tiềm năng du lịch, kinh tế tại khu vực thác Bản Giốc”.
Cũng theo thỏa thuận ấy, thuyền du lịch có thể chở khách từ hai phía sang sát bờ của nhau ngắm thác, miễn là khách của bên này không lên bờ của phía bên kia.
Từ xa, có cảm giác, Bản Giốc vẫn quay mặt về. Bên bờ Nam, một thung lũng mênh mông vừa có thể cấy cày vừa có chỗ cho khách tham quan hạ trại. Bên Trung Quốc, bờ sông dốc.
Nhưng, nếu như phía Việt Nam chỉ có những lều lán tạm thì phía Trung Quốc, có nhà nghỉ Sơn Trang được xây khá hoành tráng trên một ngọn đồi. Có thể ngồi ở Sơn Trang mà ngắm cùng lúc cả thác cao và thác thấp. Nghe nói trong mấy ngày Tết, khách Việt Nam thăm thác cũng đông nhưng so với Trung Quốc thì không đáng kể.
Hôm chúng tôi tới Bản Giốc, ngày 10 tháng Giêng, phía bờ Việt Nam vắng lặng trong khi phía Trung Quốc khách vẫn phải chờ để lên thuyền.
Biên Giới
Ngày 13/12/2008, hai nhóm phân giới Việt Nam và Trung Quốc đã đặt mốc 1224 vào đúng vị trí mốc 44. Nước mắt không thể cầm được trên gương mặt của các chiến sĩ Biên phòng Chi Ma.
Các anh đã góp phần giữ được đường biên Hiệp ước 1999 đi cách nơi mà “Trung Quốc muốn” 63m. Tuy nhiên, đường phân giới mới vẫn cắt đi một phần thung ruộng cũ của 3 gia đình ở Chi Ma.
Chiến sĩ BP Đồn Chi Ma, Lạng Sơn
Tại Hà Giang, 54 gia đình ở Lũng Cú cũng giao lại cho Trung Quốc 188 ha và nhận từ phía Trung Quốc 66 ha ở một khu vực khác.
Trung tá Đồn phó Lũng Cú Nông Minh Thạch nói: “Tất nhiên là bà con tâm tư nhưng chúng tôi động viên bà con tin vào Đảng và Nhà nước”.
Đường biên giới mới cũng cắt ngang khu 13 nóc nhà của người dân Trung Quốc ở gần Lạng Sơn
Có tới 164 khu vực “có tranh chấp, hoặc có nhận thức khác nhau về hướng đi” như trường hợp của Lũng Cú và Chi Ma, rộng khoảng 227 km2.
Sau đàm phán, “quy thuộc khoảng 114,9 km2 cho Việt Nam và khoảng 117,2 km2 cho Trung Quốc”.
Phó Thủ tướng phụ trách ngoại giao thời kỳ đàm phán Hiệp ước Biên giới, ông Nguyễn Mạnh Cầm, cho rằng: “Kết quả đó là thỏa đáng”.
Nhiều nước trên thế giới cho đến nay vẫn còn những đường biên tranh chấp, thậm chí tranh chấp biên giới vẫn xảy ra với cả những nước như Mỹ và Canada.
Không phải chính quyền nào cũng đủ dũng cảm đương đầu với sự phán xét của lịch sử để đặt bút ký vào bản phân chia từng tấc đất của tiền nhân, bởi thương lượng thì phải có đi có lại.
Tất nhiên, cho dù có một đường biên chưa phân, nhiều nước vẫn có thể giữ nguyên hiện trạng mà hòa bình chung sống.
Họ không phải đối phó với một con sông bị nắn dòng chảy xói vào đất mình; Họ không có một đoạn đường ray, một con đường “vô tư” vòng sang rồi trở thành nơi tranh chấp; họ không gặp những chiến dịch mua râu ngô, mua móng trâu, mua mèo…
Biên giới của họ, cả sông núi và lòng người, không gặp phải quá nhiều hiểm trở.
Biên giới đất liền Việt – Trung dài 1.406 km, nhưng: “thời Pháp-Thanh cắm mốc rất thưa; lời văn Công ước mô tả thì đơn giản, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh không thể hiện như bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót…”.
Đường Biên giới Hiệp ước 1999, thay vì chỉ cắm 341 cột mốc như thời Pháp – Thanh, có hơn 1500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ (tổng cộng 1971 cột mốc). Nơi nào đường Biên đi qua giữa sông thì mốc được cắm ở hai bờ; nơi nào đường phân giới có những khúc quanh thì cắm thêm mốc phụ.
Tại khu vực Cô Muông, Đàm Thủy, Cao Bằng, đôi bên cắm tới 26 mốc cho một đoạn núi dài chưa tới 2km. So với cột mốc thời Pháp-Thanh, cột mốc hiện nay làm bằng đá granit, có mốc nặng tới gần 1 tấn. Khi chúng tôi tới, mốc 836/2 ở thác Bản Giốc vẫn đang làm dở dang, nhờ thế mà nhìn thấy dàn móng bê tông mới được đổ vô cùng kiên cố.
CBCS BP Đàm Thủy giúp dân làm đường vào chợ đường biên Thác Bản Giốc
Nhưng, sở dĩ qua bao nhiêu trắc trở Biên giới Công ước Pháp Thanh vẫn là nền tảng cho công trình đàm phán, phân giới, cắm mốc kéo dài suốt 17 năm qua; bởi, ngoài những cột mốc thấp bé, vẹt mòn theo năm tháng, còn có những ngôi mộ của cha ông, những nương khoai, nương sắn của người dân hai nước.
Cũng tại khu vực Đàm Thủy, ở thôn Lũng Phiăc, đồng tiền mà bà con người Tày, người Nùng vẫn dùng ở đây là Nhân Dân Tệ. Lừa ngựa từ Trung Quốc được dắt sang để thu mua quặng. Lũng Phiăc với hơn 1000 khẩu, có hơn 100 phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc.
Dọc theo Biên giới, từ Phong Thổ tới Móng Cái, nhiều gia đình ở bên này có bà con, hoặc bạn bè thâm giao ở bên kia. “Đường biên” ấy không thể nào rành mạch phân chia như đá và bê tông cốt thép
Tất bật bên nồi thắng cố, mặt Mừng Thìn Pín đỏ au. Phiên “chợ cột mốc” mùng 8 Tết rất đông: người từ hương Giàng Vản, tỉnh Vân Nam sang; người từ xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang, đến. Mốc 358 vừa mới cắm, nhà chợ xây chửa xong, giao thương đã bắt đầu nhộn nhịp.
Theo Thượng tá Dương Văn Thịnh, Đồn trưởng Biên phòng Bạch Đích: “Trước phân giới cắm mốc, đôi bên vẫn căng thẳng”.
Nay thì bà con đã có thể tới chợ. Nay, những nông dân như Mừng Thìn Pín đã có thể xây nhà và bưng nồi thắng cố lên đặt sát đường Biên.
Một đường Biên giới mà cho tới năm 1991 vẫn phải rào dậu bằng mìn; một Biên giới mà cho tới trước tháng 1-2009, nhiều nơi bộ đội Biên phòng vẫn còn phải đứng canh cho người dân cày cấy…
Khi đang ngồi viết những dòng này, tôi nhận được điện thoại từ Hà Giang, trung tá Thạch cho biết, những cây đào Lũng Cú đã đâm hoa, cho dù, ở Biên giới mùa này vẫn chưa hết những đợt gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Huy Đức (Osin Blog & Sài Gòn Tiếp Thị 23/2/2009)
Mai Thanh Hải - Cái tên Lê Đình Chinh quen thuộc với mình, từ cách đây hơn 30 năm.
Hồi ấy, tuy còn bé tý nhưng vẫn nhớ Đài Tiếng nói Việt Nam, suốt ngày ra rả hát bài "Chúng tôi là đồng đội Lê Đình Chinh" và đọc vô vàn những bài xã luận, phản ánh... kể chuyện, phát động, nêu gương Anh hùng Lê Đình Chinh.
Thậm chí hồi ấy, mình nhớ còn có khá nhiều sách truyện viết về anh, kể cả truyện tranh, vẽ hình to tướng...
Tất cả để thấm vào đầu mình: Anh Lê Đình Chinh là tấm gương yêu nước của cả 1 thế hệ thanh niên yêu nước Bảo vệ Tổ quốc, trước bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc tàn ác, thâm độc và tham lam.
Hơn 30 năm đã qua đi, lịch sử nước ta hình như có nhiều chương bị che phủ, nên rất nhiều người không biết đến cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1979-1989 với bao địa danh thấm đẫm máu bộ đội - nhân dân, bao nhiêu tên người làm thành ý chí quật cường nước Việt giữ đất biên cương ... Sự quên lãng ấy, nguy hiểm lắm.
Sự nguy hiểm này còn đồng nghĩa với có tội, với bao người đã ngã xuống, hiến dâng tuổi xuân trong trắng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cương vực bờ cõi cha ông.
Thi thể Thượng sĩ Lê Đình Chinh 25/8/1978
Một trong những người như vậy là Liệt sĩ Lê Đình Chinh, anh ngã xuống khi tròn 18 tuổi và anh là "Người chiến sĩ đầu tiên của các Lực lượng Vũ trang chúng ta hy sinh ở tuyến Biên giới phía Bắc, kể từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra các cuộc xung đột, tranh chấp biên giới từ năm 1974".------------------------------------------------------
Cuốn "Các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản, ghi rõ:
Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trú quán tại Nông trường Sông Âm (huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa).
Khi hy sinh, đồng chí là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Đoàn viên Đoàn TNCSHCM).
Ở gia đình Lê Đình Chinh là người con ngoan, ở Trường Phổ thông Lê Đình Chinh là học sinh giỏi toàn diện, là đội viên tốt. Lê Đình Chinh luôn luôn gương mẫu, hăng hái phấn đấu, rèn luyện tốt, được mọi người rất quý mến. Được vào Lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Lê Đình Chinh học tập, rèn luyện hăng say, luôn luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, trưởng thành nhanh chóng và vững chắc.
Lính TQ (mũ vải) khiêu khích Bộ đội ta tại khu vực biên giới
Lê Đình Chinh đã tham gia chiến đấu nhiều trận chống quân Pôn Pốt-Iêng-xa-ri gây chiến tranh Biên giới Tây Nam. Đồng chí đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần tích cực bảo vệ vũng chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Biên giới của Tổ quốc.
Ngày 26/8/1978, hàng chục tên côn đồ đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã mưu trí tấn công địch, bằng tay không đánh gục hàng chục tên côn đồ góp phần tích cực cùng đơn vị và nhân dân biên giới giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực Biên phòng ải Bắc.
Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh, nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng đồng chí Huy hiệu "Vì thế hệ trẻ"; phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào "Sống, chiến đấu rực lửa Anh hùng như Lê Đình Chinh".
Lính TQ đe dọa phóng viên ghi hình hành động khiêu khích
Ngày 31/10/1978, Liệt sĩ Lê Đình Chinh được Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân".Cụ thể hơn về trường hợp hy sinh của Thượng sĩ Lê Đình Chinh, tài liệu từ BĐBP cho biết:
Ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc đột ngột ra lệnh đóng Cửa khẩu. Từ đó, số người Hoa bị chặn lại ứ nghẽn ở các Cửa khẩu ngày càng đông (Bắc Luân hơn 1.000 người; Hữu Nghị hơn 4.000 người; Lào Cai 500 người). Họ sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất" gây nhiều khó khăn cho ta trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Vì vậy, vấn đề giải tỏa người Hoa ở các Cửa khẩu trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Ngày 8/8/1978, ta thực hiện kế hoạch giải tỏa người Hoa ở Cửa khẩu Bắc Luân (Quảng Ninh).
Đúng 9 giờ 25 phút, Đội Công tác (gồm 25 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, 13 đồng chí Cảnh sát nhân dân, 6 cán bộ Y tế và các Phóng viên báo chí quay phim, nhiếp ảnh) lên cầu giải thích, vận động người Hoa quay trở lại sinh sống ở Việt Nam.
Biên phòng VN (phải) và Biên phòng TQ (trái) trong 1 buổi trao đổi
Khi đoàn công tác vừa bước chân lên tới đầu cầu, thì bị bọn côn đồ ném gạch đá tới tấp vào đoàn ta, làm cho một số đồng chí bị thương. Do có kế hoạch trước nên khi xảy ra xung đột, các lực lượng ta liền tập trung tấn công trấn áp những tên côn đồ đầu sỏ, đuổi chúng chạy dạt về bên kia biên giới.
Đến 10 giờ 10 phút, cả 700 người Hoa ùn tắc tại Cửa khẩu kéo nhau chạy về bên kia cầu. Tình hình khu vực cửa khẩu Bắc Luân được kiểm soát.
Tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị, đến đầu tháng 8/1978, số người Hoa ùn lại đã lên tới trên 4.000 người. Họ dựng lán bừa bãi ở khu vực cấm, ăn ở rất mất vệ sinh. Bọn phản động trong số người Hoa chuẩn bị gây rối trật tự trị an ở khu vực cửa khẩu.
Kiên quyết không để tình trạng này kéo dài, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Cao Lạng quyết tâm giải toả toàn bộ số người Hoa đang ùn lại Cửa khẩu.
Gián điệp TQ bị bắt giữ, 1978-1979
Ban "Giải toả người Hoa" được thành lập. Tỉnh ủy Cao Lạng huy động lực lượng Công an nhân dân vũ trang cùng các lực lượng khác ở địa phương phối hợp tham gia kế hoạch giải toả, lấy lực lượng Đồn Biên phòng Hữu Nghị và Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên) làm nòng cốt.Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đảng đoàn Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang cử đồng chí Đại tá Trịnh Trân, Tham mưu trưởng lên Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo giải tỏa ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.
Rút kinh nghiệm từ việc đấu tranh giải toả người Hoa ở Bắc Luân, ngày 25/8/1978, ta thực hiện kế hoạch giải toả Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Thám báo TQ đột nhập qua biên giới, bị BĐBP bắt giữ
Đúng 8 giờ 30 phút sáng, đoàn cán bộ Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Lạng, Quảng Ninh, TP. Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Lạng, các Y bác sĩ với sự bảo vệ của 25 cán bộ, chiến sĩ Đồn Hữu Nghị và 20 đồng chí của Đại đội 6, Trung đoàn 12 (được tăng cường bảo vệ tại kilômét số 0) đến thăm hỏi, động viên bà con người Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống bình thường. Thì bọn côn đồ lăm lăm gậy gộc, dao quắm, gạch đá trong tay và được sự chi viện của 500 Công an từ bên kia biên giới tràn sang kilômét số 0, chiếm lĩnh đồi Pò Cốc Phung, xông vào hành hung đoàn Cán bộ ta.
Lực lượng bảo vệ của ta do đồng chí Hứa Viết Pháy chỉ huy đã dũng cảm bảo vệ đoàn Cán bộ, quật ngã hàng chục tên côn đồ, chặn đường tiến công của chúng, tạo điều kiện cho các đồng chí của mình đưa đoàn Cán bộ Dân vận xuống chân đồi.
Từ bên kia biên giới, bọn côn đồ lại ùn ùn kéo sang. Trên đỉnh đồi, hàng trăm tên côn đồ và Công an H1 (?) vẫn đứng đông đặc.
Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, Ban Chỉ đạo "Giải toả người Hoa" quyết định điều thêm lực lượng của Đồn Hữu Nghị và Đại đội 6 Trung đoàn 12 lên chi viện.
Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra rất các liệt trên sườn đồi Pò Tèo Hào ở sát Cửa khẩu Hữu Nghị.
Một Tiểu đội thuộc Đại đội 6 Trung đoàn 12 do Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh chỉ huy, cùng các chiến sĩ lao thẳng lên đồi Pò Cốc Phung, bằng gậy gộc, gạch đá lấy được của địch, các chiến sĩ ta đánh gục hàng chục tên côn đồ hung hãn.
Đại đội trưởng Nguyên dẫn đầu một tổ, đánh dạt bọn côn đồ lên trận đỉnh đồi, đánh gục tên cầm loa làm cho hắn ngã lăn xuống tận sườn đồi bên kia.
Tiểu đội trưởng Lê Đình Chinh vượt qua trận mưa gạch đá, xông vào đánh gục 4 tên côn đồ, cứu được bà Thuận đang nằm ngất xỉu sau một tấm sạp.
Giữa vòng vây của đối phương, Lê Đình Chinh nghe tiếng kêu cứu của đồng đội Lê Xuân Tước, anh quay ngoắt lại, xông vào đánh gục 5 tên côn đồ đang vây chặt lấy Tước, cứu Tước thoát nạn.
Đang xông lên truy kích địch, Lê Đình Chinh bị một tên địch ném đá vào gáy, máu chảy đầm đìa nhưng Chinh vẫn xông lên tấn công bọn côn đồ. Bất ngờ, bọn côn đồ nấp sau một chiếc lán dùng gậy vụt ngang ống chân Lê Đình Chinh. Anh mất đà ngã sấp xuống.
Trao tặng chân dung và tiền úng hộ cho mẹ LS Lê Đình Chinh
4 tên côn đồ lao tới dùng dao quắm chém tới tấp vào đầu, vào cổ anh. Lê Đình Chinh anh dũng hy sinh lúc 10 giờ 30 phút trên đồi Pò Cốc Phung.
Giữa trưa, Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Trường Minh (Bí thư Tỉnh ủy Cao Lạng), Trung tướng Đàm Quang Trung (Tư lệnh Quân khu 1), Đại tá Trịnh Trân (Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang) đang họp thì nghe tin xảy ra xung đột lớn ở khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.
Đồng chí Trịnh Trân lập tức lên trực tiếp chỉ đạo đấu tranh và quyết định điều gấp Trung đoàn 12 lên chi viện, quyết chiếm lại điểm cao Pò Cốc Phung. Đúng 15 giờ, lực lượng chi viện của ta nhất loạt xông lên.
Tiếng hô "xung phong" vang dậy núi rừng biên cương. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 dũng mãnh xông lên, đánh thẳng vào các điểm chốt đối phương, chiếm giữ trái phép trên các ngọn đồi.
Anh hùng - Liệt sĩ Lê Đình Chinh
Trước khí thế áp đảo của các chiến sĩ ta, bọn côn đồ kinh hồn bạt vía, chúng xô đẩy nhau, đạp lên nhau tháo chạy, trên 4.000 người Hoa bị ứ nghẽn tại đây cũng ùn ùn kéo nhau chạy theo về bên kia biên giới.Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang dàn thành một hàng ngang, dùng những vật liệu đã chuẩn bị sẵn như dây thép gai, gạch đá, chông, mìn rào chặt biên giới.
Lúc 17 giờ 25 phút, lá cờ đỏ sao vàng của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 được kéo lên đỉnh đồi Pò Cốc Phung - nơi Lê Đình Chinh vừa mới hy sinh.
-----------------------------------------------------
* Đầu năm 2011, Báo Thanh niên đã có bài viết về Anh hùng Lê Đình Chinh, sau đó có trao cho mẹ anh Chinh (cụ Khương Thị Chu) bức ảnh của anh cùng số tiền 15 triệu đồng do bạn đọc quyên góp, gửi tặng. Khi đó, mẹ Chu mong các ngành, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Lạng Sơn cho phép gia đình được đưa hài cốt của anh Chinh về an táng tại quê nhà. “Trong trường hợp, nơi chôn cất Chinh trước đây đạn, pháo cày xới nhiều lần, thân xác không còn, gia đình cũng yên lòng mang nắm đất nơi Chinh nằm xuống về chôn cất” - Mẹ Chu nói.
(Còn tiếp)
Con gái yêu của Ba!.
Tháng 2/2012: Con gái yêu của Ba tròn 10 tuổi và đã học đến lớp 5.
Con chỉ biết, những ngày này là qua Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và mới phải đi học nhưng con vẫn dậy sớm đến trường và thánh thót khoe với Ba mẹ những điểm 9-10 sau mỗi ngày tới trường từ sáng đến tối.
Xung quanh con lúc này, chỉ có những bài học; những phút vui cùng bạn bè, cô giáo ở ngôi trường giữa lòng Hà Nội xanh ngắt cây lá và ngập tràn sắc màu xanh đỏ của những bé con má đỏ, môi hồng...; xung quanh con là đầy đủ, no ấm và con chỉ phụng phịu mỗi khi Ba mẹ tắt ti vi trong giờ ăn, không để con dán mắt vào màn hình chiếu Clip quảng cáo, hay phim dành cho thiếu nhi, nhan nhản trên truyền hình cáp...
Tháng 2/1979: Ba cũng tròn 10 tuổi và cũng học lớp 5 như con bây giờ. Hồi ấy, ông nội của con mới phục viên sau hơn 10 năm chiến đấu trong binh chủng tên lửa của Quân đội nhân dân Việt Nam (1965-1978) và cũng theo chân những đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, tháng 4-1975.
Ký ức của Ba về ông nội là chiếc ba lô to đùng đằng sau lưng, trên đó có 1 chiếc khung xe đạp (sau này được lắp thành chiếc xe đạp để ông đi khắp nơi "buôn" chè, củ ấu... nuôi ba và cô Hương, cô Yến học xong Đại học), 1 con búp bê biết nhắm và mở mắt, 1 chiếc ca bằng đuya ra (còn gọi là hăng gô) của lính Mỹ (sau đó và bây giờ, bà Nội của con vẫn dùng để múc nước ở cái bể nước mưa xinh xinh ngay dưới hàng cau trước cửa nhà ở quê)...
Thế nhưng, ký ức mãi không thể quên trong tâm trí của Ba là buổi sáng 18/2/1979 (1 ngày sau khi Trung Quốc cho quân bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc), ông Thành, ông Hòa và các ông ở gần nhà, cùng đi bộ đội đánh Mỹ, cùng phục viên, vẫn cùng tụ tập đến nhà mình uống nước trà mỗi tối, đến thì thầm nói chuyện với ông Nội.
Câu chuyện của những cựu binh đó là gì, đến khi lớn rồi ba mới hiểu: Các ông nói với nhau tin Trung Quốc tấn công Việt Nam và cùng nhắc nhau chuẩn bị quân tư trang, chuẩn bị lên đường nếu có Tổng động viên.
Ba vẫn nhớ: Buổi trưa ngày hôm đó, ông Nội hì hục chuẩn bị quần áo, tư trang gọn vào chiếc ba lô bộ đội và gọi bà Nội bế cô Yến cùng Ba và cô Hương cũng mới 5 tuổi ra và dặn dò công việc ở nhà. Lúc ấy, trí óc non nớt của Ba mới cảm nhận: Giặc là gì? Là kẻ đã kéo người thân của Ba ra khỏi ngôi nhà và làm xáo trộn cuộc sống gia đình yên ấm...
Tháng 2 và 3 năm 1979, rút cục ông Nội cũng chỉ lên Huyện đội tập trung, huấn luyện sau thời gian ngắn và vẫn ở lại cùng gia đình. Mỗi tuần, chỉ phải trực tự vệ cùng cơ quan.
Tuy nhiên, cuộc sống thời chiến thì không chỉ đơn giản trong việc mỗi tuần, ông phải ở cơ quan 2 đêm, thi thoảng lại về nhà muộn, mệt nhoài vì đào hầm hào, huấn luyện... mà cuộc sống thời chiến còn tác động trực tiếp đến Ba và gia đình bé nhỏ của nhà mình.
Hồi ấy và sau này này nữa, Ba say mê đọc những cuốn truyện tranh kể về chiến công của những anh bộ đội - dân quân - du kích chiến đấu với giặc Trung Quốc ở nơi biên giới, những thủ đoạn thâm độc của những kẻ đội mũ vải, đeo "tiết đỏ" và mặc áo 4 túi chỉ muốn chiếm đất của Tổ quốc mình..
Hồi ấy, Ba cùng các bạn trong lớp cũng phải cùng các anh chị, thầy cô trong trường cấp 1 đào giao thông hào ngay trong sân trường (Bây giờ, đoạn giao thông hào ấy đã bị lấp.
Nhưng có dịp, Ba đưa con về quê mình, trèo lên núi Voi gần nhà bà Nội, con vẫn thấy những đoạn giao thông hào bị cỏ che kín mà Ba và các anh chị, thầy cô đã đào thời đó).
Hồi ấy, mọi nhà đề phải đào hầm, nhà Nội mình cũng đắp 1 chiếc hầm kèo ngay giếng nước. Lúc mới đào xong, Ba và cô Hương - cô Yến cứ rúc rích chui ra, chui vào chơi trốn tìm.
Cạnh nhà mình, có nhà bà Dung, kinh tế khá giả nên đào hầm ngầm: Vách trát xi măng, nắp làm bằng bê tông, bậc lên xuống cũng xây gạch, thế nhưng cứ sau mỗi trận mưa, nước lại tràn vào... lưng hầm và rắn rết, ễnh ương - chão chàng bơi lằng nhoằng, đẻ trứng đầy trong đó...
Cứ như vậy đó, Ba lớn lên với những câu chuyện kể ở trường, những trang truyện tranh đọc "ké" ngoài hiệu sách phố huyện, những câu chuyện - lời bàn tán của ông Nội, cùng những người bạn bên bàn nước vàng ệch màu đèn dầu và cả những tiếng nói bập bõm, ngang ngang giọng người nước ngoài nói tiếng Việt Nam chìm trong tiếng sôi xè xè, phát ra từ chiếc đài chạy pin bé tí mà ông vặn nhỏ hết cỡ, ghé tai vào nghe để biết "tình hình chiến sự"...
Tất cả đã dần hình thành trong tâm tưởng Ba về một nỗi ám ảnh, nguy hiểm và đe dọa thường trực được gọi là Trung Quốc.
Tháng 3/2011: Con tròn 10 tuổi và học lớp 5.
Buổi sáng Ba ra xe đón lên Nội Bài, bay vào Nha Trang để ra công tác Quần đảo Trường Sa, con đứng ngoài đầu ngõ vẫy tay: "Ba về sớm và mua quà cho con nhé!" và lại tất tưởi ngồi sau xe để mẹ chở đến trường, cùng líu lo hát "Em vui vào trường Thành Công B, lấp lánh ban mai chim ca. Em vui vào trường Thành Công B, lá biếc hoa thơm ngọt ngào. Em luôn được thầy cô yêu thương với trái tim của mẹ hiền. Lấp lánh cho con bay cao, giữa trời xanh chim tung cánh bay..." với má đỏ môi hồng cùng lớp.
Con có biết, những ngày sau đó, Ba đã cùng hơn 100 người con đất Việt, kề vai nhau trên con tàu HQ 996 của Vùng 4, Hải quân đè sóng biển Đông, xuất phát từ quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa ra với dải đất Trường Sa thân thương đang ưỡn lưng bảo vệ vòng cung hình chữ S
Nửa tháng ra với bộ đội, ở với bộ đội, hóa thân thành bộ đội, cảm nhận - chia sẻ cùng bộ đội và vui - buồn - căm hờn cùng bộ đội, Ba càng thêm yêu Tổ quốc của mình và đau cùng Tổ quốc của mình.
Buổi trưa trước khi làm lễ tưởng niệm cho gần 100 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì lưỡi lê, báng súng, dao găm và đạn AK bắn gần, pháo hạm của lính Trung Quốc khi làm nhiệm vụ giữ đảo trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma xanh ngăn ngắt, lặng lẽ sóng, Ba đã bật khóc ngay trên mũi tàu HQ996.
Khóc thật sự và nước mắt thật sự uất ức, chảy tràn trên má, làm ướt mềm quai mũ cứng gắn quân hiệu sao vàng con ạ!.
Con có biết không? Những người lính đang nằm dưới biển sâu kia còn rất trẻ. Ba đã vào phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải Quân và nhìn lại gương mặt những người đã ngã xuống qua những tấm ảnh hiếm hoi.
Họ trẻ trung và trong sáng như thể còn ở tuổi học sinh Trung học. Ngay cả những người thuyền trưởng chỉ huy mới mang hàm cấp úy cũng còn trẻ trung, điệu đàng (nhưng đã quyết chiến dùng mọi hỏa lực sẵn có trên những chiếc tàu chỉ có chở đất, đá, bê tông ra xây đảo để bắn trả mãnh liệt vào tàu xâm lược và cho tàu phóng thẳng lên bãi cạn, để đánh dấu chủ quyền)...
Vậy mà họ đã nằm xuống vĩnh viễn dưới lòng biển.
Họ nằm xuống trong khi ngăn chặn lính Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo với trang bị đến tận răng.
Họ nằm xuống bởi họ là lính Công binh Hải quân chỉ có quần đùi, mũ mềm và... tay không ra xây dựng đảo.
Họ nằm xuống bởi họ được "lệnh" từ 1 nơi bí ẩn, nghiêm mật giữa đô thị đầy ánh sáng và no đủ: "Chỉ được ngăn chặn bằng biện pháp mềm dẻo, không được kháng cự, đánh trả"...
Dĩ nhiên, da thịt của họ chẳng phải là sắt thép, để chịu đựng những nhát đâm điên cuồng bằng dao găm, lưỡi lê.
Gân cốt họ cũng chẳng phải titan để chống lại đạn nhọn của đám lính Trung Quốc điên cuồng xiết cò súng AK để sẵn ở nấc bắn liên thanh...
Họ lần lượt nằm xuống, cùng nhau nằm xuống, như vẫn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong những tháng ngày quân ngũ ít ỏi. Không nằm xuống sao được khi phải căng mắt nhìn lũ ăn cướp thản nhiên, thoải mái giết đồng đội mình và chính bản thân mình?..
Tháng 3/2011 ở Trường Sa, sau khi đã làm lễ truy điệu những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang nằm dưới vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, Ba và những đồng đội của Ba đã tràn ra hết mũi tàu, 2 bên boong tàu lặng nhìn xuống biển xanh nhớ thương những người con đất Mẹ và không ai bảo ai, tất cả đều quay mặt nhìn về tòa nhà cao vài tầng sừng sững của lính Trung Quốc chiếm đóng trên đảo chìm đã chiếm của ta.
Lúc ấy, ánh mắt của ai cũng rất lạ, từ Trung tướng Trưởng đoàn công tác cho đến cô Hạ sĩ đoàn văn công Quân khu 4. Ai cũng ráo hoảnh, chong mắt nhìn tàu địch - công sự của địch chứ không rưng rưng nước mắt, khi những bó hương dành cho liệt sĩ cháy bùng lên, cuộn khói bay vòng tròn như những dấu hỏi...
Tháng 3/1988: Lúc ấy Ba đã học lớp 11. Cái buổi chiều đông ngày hôm ấy, Ba cùng ông Nội đã sững sờ khi nghe cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc chậm danh sách những cán bộ - chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh và mất tích trong khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma. Không thể diễn tả cảm xúc lúc ấy, chỉ biết rằng, đến bây giờ hình như vẫn còn nguyên trong Ba: Uất ức - bức bối như thể có tảng đá đang đè trên ngực (Cảm giác này càng nhân lên gấp bội và thành ám ảnh khi Ba ra với Trường Sa).
Ngay sáng ngày hôm sau, cái lớp 11B3 của Ba ngày ấy đã không thể học được và hết thảy, những thằng con trai trong lớp, đã làm đơn tình nguyện đi bộ đội, cùng con trai các lớp khác kéo đến đứng đen đặc, câm lặng trước phòng thầy Hiệu phó cũng đang đỏ hoe mắt, vì có con trai đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa.
Con có biết không? Ở gần nhà bà Nội mình có 1 dãy núi, gọi là núi Xuân Sơn, cạnh núi có 1 đoàn 679 của Quân chủng Hải quân đóng và trong dãy núi đó có rất nhiều hầm để bộ đội chứa tên lửa đất đối hải. Thi thoảng, những chiếc xe hàng vài chục bánh lại phun khói chở những ống tên lửa khổng lồ đi đâu đó. Hồi ấy, Ba và các bạn rất muốn vào bộ đội tên lửa Hải quân để điều khiển những quả tên lửa bắn nát tàu Trung Quốc...
Ngày 17/2/2012 này: Tròn 33 năm, ngày Trung Quốc xúa quân bất ngờ tấn công dọc tuyến biên giới nước ta; gần tròn 24 năm Trung Quốc cho quân đánh chiếm một số đảo chìm, bãi cạn của Tổ quốc ta trên quần đảo Trường Sa.
Ngày Tình yêu 14/2. Ba không đưa con đi mua quà tặng cho mẹ Hằng mà ngồi từ trưa đến tối để đọc những dòng của các ông - các bác cựu binh viết về sự kiện tháng 2/1979 và tháng 3/1988.
Đọc xong để viết những dòng này cho con và mẹ Hằng cùng những bạn bè của Ba đang ấm cúng bên vợ - người yêu - người tình bên nến hồng, rượu vang.
Viết để nhớ một thời bao người đã đổ máu, góp xương cho mỗi tấc đất biên cương nơi xa hút.
Sau này, con có đi Lạng Sơn thăm động Tam Thanh, thắp hương bùi ngùi trước nàng Tô Thị; lên Trùng Khánh - Cao Bằng ăn hạt dẻ, ngắm thác Bản Giốc; ngược Hà Giang tắm nước nóng Thanh Thủy; lên Lào Cai đắm mình trong se lạnh Sa Pa; trèo núi đá đến Lai Châu tắm thuốc người Dao, ngắm ruộng bậc thang, xem hoa Ban đầu xuân; ra Trường Sa câu cá chuồn đêm trăng...
Con hãy nhẹ chân và nhớ vào các Nghĩa trang Liệt sĩ nằm câm lặng dọc ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thắp hương cho các ông, các bác, các chú đã nằm xuống trong những năm tháng chống giặc xâm lược Trung Quốc, trên những vùng đất yên thương của TỔ QUỐC chúng mình, con gái yêu nhé!..
---------------------------------------
* Bài này mình viết từ năm 2008 và đã đăng trên Blog cá nhân, cũng "bị" một số tờ báo đăng lại (cũng bị họ tự sửa chữa). Nay tự đăng lại, để nhắc con gái yêu nhớ sự kiện 17/2/1979.