Trong cuốn tiểu thuyết sống động “Lời chẩn đoán cuối cùng – The Final Diagnosis” của Arthur Hailey, không hiểu vì sao tôi cứ nhớ mãi nhân vật mang tên “Mr. Bones” (ông già xương xẩu). Là một bác sĩ chỉnh hình, chuyên về xương khớp trẻ em, tính nóng như lửa, Mr. Bones là hung thần của các nhân viên phòng mổ. Ông la hét, quát tháo, thậm chí ném cả dụng cụ mổ không vừa ý vào người đối diện. Bù lại, ông tận tuỵ, giỏi nghề và cực kỳ yêu trẻ. Đám tang của ông, gần như đầy đủ mặt cư dân nơi tỉnh lỵ ông hành nghề suốt cả cuộc đời.
Nhân vật Mr. Bones của Arthur Hailey có lẽ là một khắc hoạ rất trung thực về một người thầy thuốc với đầy đủ hỷ nộ ái ố, như trăm ngàn người khác. Những người thầy thuốc theo kiểu này, hoàn toàn không giống với những kiểu mẫu thẳng thớm, tinh tươm, đạo mạo. Và tôi đoan chắc, những người thầy thuốc đó, sẽ từ chối mọi lễ lạc cờ đèn kèn trống trong ngày Thầy thuốc, để tiếp tục càu nhàu, hì hục trong một phòng mổ nào đó với bệnh nhân của mình.
Con người chuyên môn thì bao giờ cũng có khuynh hướng xa lánh những tiệc tùng lễ lạc, chỉ để tìm vui trong công việc của mình. Tôi tin là thế khi nghĩ đến nhân vật Mr. Bones trong ngày thầy thuốc Việt nam hôm nay.
Sẽ có người kêu lên: “Cái món Ngày Thầy thuốc thì chỉ xứ mình mới có thôi mà, so với Mỹ làm gì?” Không phải thế, nước Mỹ thực dụng là vậy cũng có ngày Thầy thuốc quốc gia (National Doctor Day) của mình: ngày 30.10.1990, tổng thống Bush đã ký sắc lệnh 101-473 để chọn ngày 30.3.1991 làm ngày Thầy thuốc quốc gia. Ngày đặc biệt này được chọn vì nó là ngày đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một thầy thuốc ở Georgia, Crawford W. Long, đã tiến hành chụp thuốc tê bằng ether cho một bệnh nhân mổ cắt một khối u ở cổ. Và đó cũng là ngày đầu tiên trong lịch sử y học, nhân loại đã chứng kiến một cuộc phẫu thuật thực sự không hề đau đớn.
Đó quả là một ngày ý nghĩa. Và nhiệm vụ của đương kim tổng thống thời đó chỉ là thiết đặt bằng luật pháp cho ngày Thầy thuốc của quốc gia mình. Ông Bush, với tư cách lãnh tụ hay chính trị gia, hoàn toàn không mang lại một ý nghĩa gì (dù nhỏ nhất) cho ngày Thầy thuốc quốc gia của Mỹ. Ông ấy là chính khách chuyên nghiệp, và những người thầy thuốc cũng chuyên nghiệp. Nên hoàn toàn không có chuyện một người chuyên nghiệp, lại viết thư khuyên nhủ những người chuyên nghiệp khác trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Lấy ngày ra đời của lá thư ấy để kỷ niệm rình rang, lại càng không có!
Lý do ra đời của ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngay từ đầu đã bị chính trị hoá một cách thô thiển. Không như Iran, Ấn độ, người ta chọn ngày sinh của một thầy thuốc tận tuỵ, giỏi giang, hay ngày khai giảng của một trường đại học Y hiện đại (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm ngày Thầy thuốc quốc gia của họ.
Không lẽ, ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, bậc đại sư nhân từ, tao nhã, uyên bác, khí khái… dường ấy, không xứng đáng là ngày để các thầy thuốc Việt Nam trông vào đó để cúi đầu ngưỡng mộ và tự răn mình?
Hiểu như thế, nên chớ ngạc nhiên nếu có những người thầy thuốc Việt Nam (trong đó có tôi), hoàn
toàn dửng dưng với ngày 27.2. Nào cờ, nào biểu ngữ, nào mít tinh…với rất nhiều cái ngáp dài ngáp ngắn để nghe đủ loại huấn thị từ các cấp lãnh đạo. Các cụm từ “y đức”, “lương y như từ mẫu” được tuôn ra như mưa rào mà không ai mảy may quan tâm đến ý nghĩa của chúng. Một ngày “rân rác” trong năm, không đủ để người bác sĩ quên đi nhiều thực tế rất đáng buồn trong cuộc sống nghề nghiệp của mình.
Đó là chưa kể, không hiểu do đâu, xã hội dần hình thành một quan điểm hơi bị kỳ cục: Phàm là thầy thuốc Việt Nam, người ấy phải nghèo, phải thanh bạch, và phải …rất giỏi giang (?). Giàu có, sung túc với chính tay nghề chính đáng của mình là điều tổn đức (?). Không phải tự nhiên mà tất cả các báo khi ca ngợi tay nghề của một bác sĩ “ngoại nhập” nào đó, đều phớt lờ thu nhập rất cao và cuộc sống ở mức thượng lưu của họ.
Tuy nhiên, người bệnh Việt Nam đã phi chính trị hoá ý nghĩa chính trị của ngày Thầy thuốc Việt nam theo một cách cực kỳ dễ thương. Như người Mỹ, họ đã biến ngày này thành một cơ hội để nhớ đến người thầy thuốc của mình theo một cách rất riêng. Như đã nói, mặc dù chẳng ưa gì thói hào nhoáng lễ lạt, những món quà, tấm thiệp của bao người bệnh từ khắp các vùng miền của đất nước, đã luôn làm tôi cảm động đến tận đáy lòng. Đó là chưa kể vô số tin nhắn, email chúc mừng mà riêng việc trả lời chúng cũng là một công việc khó khăn, nếu không muốn biến chúng thành điều sáo rỗng. Tần ngần nhìn đống quà đủ loại ấy để thấy mình còn diễm phúc khi chọn một nghề cực nhọc. Những món quà ấy, trừ bánh trái, đều được cất giữ cẩn thận. Để một ngày tôi sẽ mang theo chúng, trong ngày về với các bệnh nhân đã khuất núi của mình.
Làm một thầy thuốc được yêu mến thì quí giá, an ủi hơn rất nhiều so với những học vị hào nhoáng nhưng vô cùng hư ảo. Hiểu vậy mà cũng để răn mình: làm thầy thuốc thì như một đứa con cưng. Ngoan thì được yêu chiều rất mực. Nhưng một chút hư hỏng thì sẽ phụ lòng kỳ vọng của rất nhiều người. Vì bởi được thương nên mới bị trách mắng nặng lời, như công luận đã ném đá tơi tả một vài trường hợp.
Rõ ràng, xã hội nào cũng có cần có một ngày để tôn vinh các giá trị nhân đạo và sự thấu cảm của nghề y. Các gía trị đó, chắc chắn không phải là giá trị độc tôn của người thầy thuốc, mà thuộc về chủ thể trung tâm và mục tiêu cao cả nhất của mọi nền y học: người bệnh. Một ngày bệnh nhân Việt nam, để cả xã hội cùng cúi xuống trên những người đang bệnh tật, đau khổ. Một ngày để tất cả những người còn khoẻ mạnh cùng cảm tạ ơn trên và thương xót, chia sẻ với những đồng loại kém may mắn hơn mình. Và một ngày để các thầy thuốc từ già đến trẻ, cùng nhìn nhận lại về giá trị trung tâm của y học là chính từ người bệnh.
Ngày đó, há chẳng hay ho hơn rất nhiều so với ngày Thầy thuốc hiện tại hay sao?
Và ít nhất phải có một ngày trong năm, như ngày lễ Tro của người Công giáo, để nhắc nhở mọi người về thân phận tro bụi, lại sẽ trở về với bụi tro!
Ngày nào tốt hơn ngày đó, nếu không phải là ngày bệnh nhân?
(*) History of National Doctors' Day
National Doctors' Day is held every year on March 30th in the United States. It is a day to celebrate the contribution of physicians who serve our country by caring for its' citizens.
The first Doctor's Day observance was March 30, 1933 in Winder, Georgia. Eudora Brown Almond, wife of Dr. Charles B. Almond, decided to set aside a day to honor physicians. This first observance included the mailing greeting cards and placing flowers on graves of deceased doctors. The red carnation is commonly used as the symbolic flower for National Doctor's Day.
On March 30, 1958, a Resolution Commemorating Doctors' Day was adopted by the United States House of Representatives. In 1990, legislation was introduced in the House and Senate to establish a national Doctor's Day. Following overwhelming approval by the United States Senate and the House of Representatives, on October 30, 1990, President George Bush signed S.J. RES. #366 (which became Public Law 101-473) designating March 30th as "National Doctor's Day."
What is the National Doctors' Day Organization?
The National Doctors' Day Organization exists to raise awareness of the growing needs in the medical community and to provide a resource for those who wish to give thanks to those medical professionals who care for the needs of our citizens.
Không chỉ ở Việt Nam nghề thầy thuốc mới được tôn trọng. Dạo quanh một vòng trên khắp thế giới sẽ thấy đây là nghề cao quý, đáng kính trọng và phải được học hành khổ luyện nhất. Và ở đâu các bác sĩ cũng được tôn vinh bằng một ngày lễ trong năm. Đây là dịp để bất cứ người nào, dù ít dù nhiều cũng một lần trong đời phải đi gặp bác sĩ, gửi lời tri ân, tình cảm quý mến, biết ơn tới các bác sĩ, những người đang hết lòng hết sức tận tụy ngày đêm xoa dịu nỗi đau, chiến đấu không mệt mỏi với bệnh tật của con người.
Ngày Thầy thuốc quốc tế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chọn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 hàng năm là Ngày Thầy thuốc quốc tế. Đây là ngày bày tỏ tình đoàn kết và các hoạt động hợp tác của tất cả các bác sĩ trên khắp thế giới. Theo Sigmund Freud, cái tâm của người thầy thuốc phải luôn trong sáng, hết mình vì bệnh nhân, như một tấm gương phản chiếu sức khỏe của người bệnh.
Trở lại lịch sử, thầy thuốc là một trong những nghề cổ xưa nhất trên thế giới, các thầy thuốc khi chẩn bệnh kê đơn đều phải tuân thủ một lời thề đầu tiên trong nghề chính là Lời thề Hippocrate. Đó là “Tôi sẽ giữ cho đời sống của tôi và nghề của tôi được trong sạch”, đây là bài học vỡ lòng đầu tiên của bất cứ sinh viên y khoa nào. Vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 năm 1971, Tổ chức Nhân đạo Y tế quốc tế được gọi là “Bác sĩ không biên giới” đã được thành lập nhằm trợ giúp nạn nhân thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh trên 80 quốc gia toàn cầu. Tổ chức này do Ủy ban Chữ thập đỏ, Quỹ Nhi đồng LHQ sáng lập, chủ yếu hoạt động dựa trên tôn chỉ nhân đạo và phi lợi nhuận. Không chỉ là nghề có lịch sử lâu đời nhất mà nó còn là nghề quan trọng bậc nhất trên thế giới bởi nó liên quan đến nỗi đau, bệnh tật, thậm chí là cả mạng sống của con người.
Ngày Thầy thuốc tại Mỹ
Trong khi đó tại Mỹ, ngày tôn vinh những người chữa bệnh cứu người là ngày 30/3. Vào ngày 30/3/1842, bác sĩ Crawford Long đã lần đầu tiên sử dụng thuốc gây mê để cắt bỏ một khối u trên cổ một bệnh nhân. Đây là ca phẫu thuật phức tạp đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc gây mê. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân cho biết là không hề cảm thấy gì trong suốt quá trình phẫu thuật. Đó chính là tài hoa của người bác sĩ và những đột phá của khoa học. Để kỷ niệm thành tựu này, ngành y khoa Mỹ đã lấy ngày 30/3 là Ngày Thầy thuốc để biểu dương nỗ lực của các thầy thuốc nhằm làm giảm đau đớn và nâng cao tính an toàn cho cuộc phẫu thuật. Và từ đó, chính bác sĩ Crawford Long trở thành ông tổ của ngành phẫu thuật-gây mê. Ca mổ gây mê kỳ diệu của ông đã đặt nền móng cho ngành phẫu thuật gây mê của nền y học hiện đại sau này.
Ngày Thầy thuốc đầu tiên tại Mỹ được tổ chức ngày 30/3/1933 ở Winder, Georgia. Eudora Brown Almond, vợ của bác sĩ Charles B. Almond, đã quyết định dành một ngày để tôn vinh các thầy thuốc. Trong ngày đó, nhiều hoạt động đã diễn ra bao gồm gửi thiệp chúc mừng và đặt hoa viếng mộ các bác sĩ đã quá cố. Sáng kiến trên đã được Liên minh Y khoa bang Georgia hưởng ứng. Thậm chí họ còn chọn một loài hoa biểu trưng cho Ngày Thầy thuốc, đó là hoa cẩm chướng đỏ. Hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho tình yêu thương, lòng nhân từ, sự hy sinh, lòng dũng cảm và can đảm. Đó cũng chính là những đức tính cần có ở một người thầy thuốc.
Mãi đến năm 1958, Hạ viện Mỹ phê chuẩn Ngày Thầy thuốc. Và đến năm 1990, Tổng thống George Bush ký một nghị quyết chọn 30/3 là Ngày Thầy thuốc quốc gia. Vào ngày 30/3 năm ngoái, Hiệp hội các nhà gây mê học đã hòa cùng với cộng đồng trên khắp nước Mỹ để kỷ niệm Ngày Thầy thuốc, một ngày có mối liên hệ đặc biệt đối với chuyên khoa gây mê. Tiếp nối phong trào tôn vinh các thầy thuốc, Mỹ còn thành lập một Tổ chức Thầy thuốc quốc gia nhằm khích lệ tài năng và các ý kiến của các bác sĩ cũng như tạo tiếng nói riêng cho ngành y đối với chính phủ và xã hội. Tổ chức này cũng góp phần bảo vệ đội ngũ thầy thuốc trước những áp lực xã hội và tạo điều kiện được học hành nâng cao trình độ cho các bác sĩ.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
Tại Nga, 20/6 là ngày của ngành y. Ngày Thầy thuốc tại Thổ Nhĩ Kỳ được kỷ niệm vào ngày 14/3, ngày mở ngôi trường đào tạo y học hiện đại đầu tiên ở đây. Vào những ngày này, các bác sĩ được tôn vinh nhờ công lao của họ cho khoa học và y học. Tất cả các bác sĩ cùng tham gia vào ngày lễ trọng đại này.
Ngày Thầy thuốc tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, Ngày Thầy thuốc trùng với ngày sinh nhật của một thầy thuốc nổi tiếng người Ấn Độ, bác sĩ B. C. Roy, sinh ngày 1/7/1882 tại Patna, Bihar. Sau khi giành bằng cấp đào tạo y học tại Bệnh viện Bartholomew, Anh quốc, bác sĩ C. Roy quay trở lại Ấn Độ bắt đầu sự nghiệp y khoa của mình. Kể từ năm 1911, ông đã cống hiến cuộc đời mình cho phong trào tiến bộ ở Ấn Độ, đặc biệt là những người dân bị áp bức. Ông không chỉ là một thầy thuốc bác sĩ mà còn là một nhà giáo dục, cải cách xã hội, người đấu tranh cho tự do, lãnh đạo của Quốc hội Ấn Độ và sau đó là Thị trưởng bang Tây Bengal. Bác sĩ B. C. Roy qua đời cũng đúng vào ngày sinh của ông, năm 1962, thọ 80 tuổi. Bác sĩ Roy đã từng giành danh hiệu công dân cao quý nhất của đất nước năm 1961.
Ngày 1/7 tại Ấn Độ đã trở thành ngày để tôn vinh các bác sĩ. Có rất nhiều người đã được cứu sống kịp thời nhờ sự can thiệp của các y, bác sĩ và mạng sống cũng như bệnh tật của họ được chữa khỏi nhờ vào những con người của ngành y. Ngày Thầy thuốc là một dịp tuyệt vời để mọi người lên tiếng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ gia đình, các nhà tâm lý, các nha sĩ, hay bất kể người làm chuyên môn y tế nào.
Trong ngày này, mọi người thường làm các tấm thiệp để chúc mừng hoặc những món quà nhỏ nhằm cảm ơn các bác sĩ.
Nguồn phát hành : Đỗ Thành Nam (sưu tầm)