Ấn tượng cuối năm:
Tầm vóc thời đại và sự tái sinh
Hai huyền thoại của hai quốc gia cách nhau ngàn trùng cây số đều đã khuất bóng…. Nhưng, một bên là sự đau xót vì sự mất mát những giá trị Người khó tìm thấy trong hiện tại. Một bên là niềm tin những giá trị Người đó sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Năm 2013 sắp kết thúc. Đây là một năm đầy ấn tượng. Năm thế giới nói chung, người Việt nói riêng lần lượt chứng kiến sự ra đi của những con người vĩ đại, những nhân vật lịch sử mà thế giới phải dùng tới “thước đo” thời đại để đo lường.
Đó là sự may mắn lớn cho con người. Khi được chứng kiến tầm vóc họ trong những năm tháng giông bão của các cuộc chiến khốc liệt và quật cường bảo vệ độc lập tự do chủ quyền dân tộc trước ngoại xâm, bảo vệ quyền tự do của con người, góp sức đưa quốc gia vĩnh viễn trường tồn và phát triển. Họ là hai số phận, mà sinh mệnh của họ gắn liền với hai quốc gia- và những thăng trầm của mỗi quốc gia phản chiếu sự chọn lựa “lối đi” của quốc gia đó.
I- Người đầu tiên của năm 2013 là một người Việt tầm thước nhưng số phận và cuộc đời của ông thật vĩ đại. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông khiến cho năm 2013 trở thành một năm thương nhớ, một năm nước mắt của người Việt tràn đầy vì đau đớn tiễn biệt ông trở về cát bụi, trong một ngày thu vàng sắc nắng 4/10. Như nhà thơ Anh Ngọc đã phải thốt lên, với hai câu thơ đẹp như bức tượng điêu khắc: Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu.
Cuộc đời ông- là hiện thân sinh động tuyệt vời bản lĩnh, và cả chất lãng mạn đầy khí phách nam nhi trong câu ca dao ngàn xưa của cha ông: Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên. Là hiện thân của sự dấn thân vì đất nước- không chỉ là thầy giáo dạy Sử, ông còn chính là một trong những nhân vật đã viết nên lịch sử đất nước.
37 tuổi trở thành Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân VN, cho đến khi giã biệt cuộc đời với cương vị Đại tướng. Giữa chặng đường đời của hai cương vị là những chiến dịch gian khổ tột cùng, và cũng lừng lẫy tột cùng chống lại những đế quốc xâm lược đều mạnh và tối tân hơn hẳn về quân trang vũ khí, nhưng lại thua về chiến lược và tài thao lược cầm quân.
Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 với giây phút quyết định khó khăn nhất trong đời làm tướng nhưng đầy sáng suốt, thông minh, nhạy cảm- kéo pháo ra- để cuối cùng, là một trận thắng hào hùng tuyệt đối, đưa tên tuổi ông lên tầm những vị tướng của mọi thời đại.
Thì Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mệnh lệnh nổi tiếng của ông lại là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóngmiền Nam; quyết chiến và toàn thắng” (VnExpress.net, ngày 04/10).
Cuộc đời ông từ lúc mặc áo lính chiến chinh trận mạc, cho tới khi đất nước hòa bình, là hiện thân của cuộc đời sống theo lý tưởng, là người cuối cùng của một thế hệ toàn tâm toàn ý vì độc lập tự do chủ quyền dân tộc, hoàn toàn vì lợi ích nhân dân.
Những người dân đầu tiên đã được xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
Có biết bao lời ca ngợi của các học giả, các chính khách trên thế giới, các cơ quan truyền thông quốc tế về tài năng thao lược quân sự, và phẩm cách bình dị của ông. Một Ducan Townson (cuốn Những vị tướng lừng danh): Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời cận hiện đại với Kutuzov, Jukov..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh (Wikipedia tiếng Việt).
Một Stanley Karnow, nhà báo kiêm nhà sử học người Mỹ, tác giả một cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh VN: Sau Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20.Ông là một vị tướng tự học, và chìa khóa của tài chỉ huy quân sự của ông là chiến lược kiên trì bền bỉ tuyệt đối (VnExpress.net, ngày 04/10).
Một Gs Fredrik Logevall (ĐH Cornell University- Hoa Kỳ) nhận định, tuy là một vị tướng hầu như chỉ tự học hỏi, nhưng không ai có thể phủ nhận được thành tựu cuối cùng là ông đã chiến thắng thực dân Pháp và rồi chống lại sức mạnh quân sự khủng khiếp của Mỹ. Một Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain: Ông là một chiến lược gia quân sự tài ba từng nói với tôi rằng chúng ta là những kẻ thù danh dự.(TTXVN, ngày 21/10)
Nhưng trên hết, nhân dân mới là bậc “tri âm, tri kỷ” nhất của ông. Thấu hiểu một cách máu thịt những phẩm cách- giá trị lớn lao, đẹp đẽ và trong sáng ở ông, từ chiến tranh máu lửa tàn khốc, cho đến giữa một thời cuộc có quá nhiều ấm lạnh, nắng mưa, có quá nhiều biến động.
Đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đi qua ngã tư Xuân Thủy - Phạm Hùng. Ảnh: Lê Hồng Thái.
|
Nước mắt của tri âm, tri kỷ vì thế, tràn đầy, đau đớn sâu sắc, và hẫng hụt niềm tin. Khóc cho người ra đi, và khóc cho chính mình- người ở lại.
Không khóc sao được khi mà giặc ngoại xâm trong quá khứ đã bị đẩy lùi, nhưng “giặc nội xâm”- tham nhũng, các nhóm lợi ích, sự làm ăn bết bát của kinh tế, sự băng hoại đạo lý- văn hóa sống của xã hội ở tất cả các lĩnh vực, và cả tư duy xơ cứng, lạc hậu, trì trệ, ích kỷ cá nhân vẫn đang… “bao vây” nước Việt. Những vụ đại án tham nhũng rồi đây sẽ lần lượt “ra mắt”, nhưng còn biết bao vụ tham nhũng khác vẫn dương dương tự đắc trong bóng đêm.
Trong khi nhân dân, chỉ có tấm lòng.
Thời cuộc khác nhau, trận chiến khác nhau, giặc giã khác nhau, nhưng vũ khí của nhân dân không thay đổi. Vì thế, nước mắt người dân Việt những ngày ông trở về với cát bụi, mặn đắng sự cô đơn. Dù sự khuất bóng của ông từng làm nên một hiện tượng đặc biệt- có thể hội tụ, có thể “hiệu triệu” được hàng triệu triệu người đang sống, hướng về ông. Nỗi đau đã làm cho người Việt xích gần nhau.
Nỗi đau trước sinh mệnh đất nước- phát triển hay tụt hậu- vì thế cũng tràn đầy.
Và vì thế, ông vẫn hiện diện trong lòng dân, như một sự tái sinh trên dương thế. Khi Ts Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp gửi lời chia sẻ đến các doanh nghiệp tại một hội thảo về kinh tế: Hãy đánh giá tình hình, nếu cần phải có quyết định điều chỉnh lại chiến lược và khi có cơ hội thì hãy thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Doanh nghiệp hãy học tập Đại tướng (Cafef, ngày 20/12).
Khi nhà thơ Việt Phương, một sáng cuối thu trở lại căn nhà 30 Hoàng Diệu, như trở lại với một tình yêu xưa cũ, thủy chung và bất biến. Nỗi nhớ thấm thía đã khiến ông thốt lên:
Anh là Văn, khi Võ rất Văn, khi Văn toàn Văn, mà Văn vẫn Võ…
… Rêu phong chân tường giọt sương mặt lá, nắng toả trên đầu, trời sâu và cao, gió xào xạc gió, thảo cỏ tươi xanh, vẫn tất cả anh, vẫn thấm thía anh, vẫn Văn toàn vẹn.́
Người viết bài từng nhắc lại một câu nói của người xưa: Ai thực sự vì dân, tất có cả thiên hạ. Ông đã có cả thiên hạ!
Còn giờ đây, ai thực sự vì dân để tất có cả thiên hạ?
* * *
II- Đúng hai tháng một ngày, sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật lịch sử khác, mang tầm vóc thời đại cũng ra đi, khiến cả thế giới chấn động và thương tiếc. Ông là Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi- Nelson Mandela.
Số phận chọn ông để thử thách, mang đến cho ông những gian khổ tột cùng của một người yêu tự do, trên hành trình hoạt động chính trị, đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Apartheid) tàn bạo. Số phận khắc nghiệt- 27 năm cầm tù- giống như một “phép thử” nghiệt ngã chỉ càng tôn lên ở ông khí phách can trường, bền bỉ, cùng bản lĩnh một con người sống có lý tưởng, luôn dấn thân cho lý tưởng. Số phận đó, cuối cùng phải đặt trên vầng trán ông tới… hai vòng nguyệt quế: Giải Nobel Hòa bình năm 1993, và “vòng nguyệt quế” của nhân loại sau khi ông trở thành Tổng thống Nam Phi- một trong những nguyên thủ đáng kính trọng nhất thế giới.
Hiếm có một tổng thống da màu nào khi nằm xuống, được các nguyên thủ quốc gia, các chính khách da trắng sùng kính, ca ngợi hết lời. Như Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Israel, Thủ tướng New Zealand John Key, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton …
27 năm phải sống trong tù tội, vẫn tiếp tục đấu tranh là “cửa ải” khủng khiếp thử thách ý chí và khí phách một con người. Nhưng trên cái ghế quyền lực Tổng thống đầy hào quang lại là một “thử thách” bằng… vàng khác, cho thấy nhân cách cao cả, lòng trắc ẩn một con người vĩ đại, vượt lên tâm lý thường tình, để hòa giải dân tộc- vốn bị chia rẽ bởi thù hận và định kiến hàng thế kỷ, vì sự trường tồn và phát triển quốc gia.
Có bao nhiêu chính khách, bao nhiêu quốc gia khác trên thế giới, có thể vượt qua được những thử thách “êm ái”, ở thế thượng phong như vậy? Đó mới thật là nhân cách đáng ngưỡng mộ, tôn thờ, tôn vinh.
Cố tổng thống Nelson Mandela
|
Nhân loại chứng kiến nhân cách vĩ đại đó, bằng hành động, bằng thái độ tích cực của ông, từ những quan hệ cá nhân cho tới những quan hệ mang tầm quốc gia, tạo dựng nên hình ảnh mới một Nam Phi “đất nước cầu vồng”, nơi tất cả mầu da đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Một Nam Phi đói nghèo mạnh mẽ vươn lên thành một quốc gia giàu có nhất ở lục địa Đen, có mặt trong nhóm các quốc gia “quyền lực mới” BRICS, một xã hội tự do và hiện đại.
Hiếm có một tổng thống nào, không những không loại trừ đối thủ, mà còn sử dụng luôn vị cựu tổng thống của chế độ cũ- như ông F.W.de Klerk trở thành phó tổng thống của mình, tạo nên một biểu tượng vô tiền khoáng hậu về hòa giải trong lịch sử loài người (Tuần Việt Nam, ngày 09/12). Đó không chỉ là lòng bao dung, đó còn là tầm nhìn xa, biết biến thù thành bạn, biến hận thù thành hàn gắn, biến bất ổn thành bình an.
Cũng hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, cùng với các cộng sự thực hiện một chính sách tái thiết kinh tế, thông qua hệ thống pháp lý, chính sách mở cửa phóng khoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước an tâm với mục đích kinh doanh “hai bên cùng có lợi” của họ.
Tư duy khoáng đạt, tầm nhìn xa, biết xử lý mối quan hệ hữu cơ giữa chính trị- kinh tế, vì lợi ích dân tộc- ở ông, đã giống như một “phép lạ thần kỳ”. Nam Phi, đất nước của thù hận sắc tộc, của nghèo đói bất an, bất ổn, bao gồm 11 “lãnh địa” riêng với 03 nhóm phân biệt chủng tộc đã trở thành một quốc gia đáng nể, có nền kinh tế thống nhất, có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Một em bé trước bức ảnh vị cố tổng thống vĩ đại
|
Xin hãy đọc “trích ngang lý lịch kinh tế” của Nam Phi, để thấy tầm vóc lãnh tụ người Tổng thống da màu tôn kính, đã cùng với cộng sự viết nên trang sử đất nước thời hiện đại.
GDP của nước này tăng trưởng đáng kể dưới thời Mandela, từ mức dưới 1,5% (từ 1980-1994) lên hơn 3% (giai đoạn 1995 đến 2003). Thu nhập bình quân của người Nam Phi da trắng tăng 62% (1993-2008) và người da đen tăng nhanh hơn, ở mức 93% trong cùng giai đoạn. Đến nay, Nam Phi trở thành một trong 50 quốc gia giàu nhất thế giới.
… Nam Phi trở thành điểm đầu tư tiềm năng, khổng lồ và vô cùng hấp dẫn, cơ sở hạ tầng kinh tế đạt chuẩn quốc tế và nền kinh tế mới nổi phát triển mạnh mẽ nhất châu Phi. Đặc biệt, Nam Phi đứng ở vị trí 52/ 144 quốc gia trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2012, đồng thời leo lên vị trí thứ 03 trong khối BRICS.
200 đến 300 triệu dân dân Nam Phi thuộc tầng lớp trung lưu - đây được xem là một câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ tiếp theo sau Trung Quốc và Ấn Độ. (VietNamNet, ngày 09/12).
Hai huyền thoại của hai quốc gia cách nhau ngàn trùng cây số đều đã khuất bóng.
Nhưng hiệu ứng về lòng thương tiếc, đau xót thật đáng ngạc nhiên. Nếu như người dân Việt đau đớn với nước mắt tràn đầy, thì người dân Nam Phi lại tưng bừng nhảy múa. Sự khác biệt lạ lùng đó có thể là khác biệt về phong tục, tập quán, nhưng nó có thể còn là sự khác biệt của hai thái cực tâm lý xã hội: Một bên là đau xót vì sự mất mát những giá trị Người. Một bên là niềm tin những giá trị Người đó sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Một bên là sự khó khăn của nền kinh tế đang tìm kiếm những giải pháp cốt lõi, mà ở đó, vật cản là sự trì trệ tư duy kinh tế, tính cộng đồng của người Việt hạn chế, và các nhóm lợi ích bị “động chạm”. Mới đây (ngày 26/12), trong trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên của Viện Rajawali về châu Á thuộc trường Harvard Kennedy, đã nhận định Tư duy này đến nay vẫn chưa thay đổi được, đúng hơn là chưa muốn thay đổi
Còn một bên là nền kinh tế vững vàng, giàu có, thăng tiến.
Liệu điều đó có phản chiếu hệ lụy và hệ quả hai sắc thái tư duy kinh tế, cùng các chính sách “cần câu” khác biệt?
Dù cách xa ngàn trùng cây số, “sự phát triển kinh tế thần kỳ” của Nam Phi, dưới thời N. Madenla cho thấy ý thức hệ tư tưởng cao nhất- nền tảng chi phối các chính sách phát triển- chỉ có lợi ích dân tộc là lớn nhất!
Và ông đã nắm bắt được những cơ hội lịch sử, không để vuột qua?
Sự tiếp tục những gía trị Người của N. Madenla trong tương lai, mới là sự tái sinh vĩnh hằng của đất nước Nam Phi kỳ lạ.
Hai con người vĩ đại: Võ Nguyên Giáp và N. Mandela, nếu gặp lại nhau dưới suối vàng, họ sẽ thế nào nhỉ? Một người sẽ … im lặng, sự im lặng nói rất nhiều điều. Và người kia, một nụ cười nhân hậu thường trực trên môi.
Một sự im lặng và một nụ cười…
(còn nữa)
Kỳ Duyên