Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, người thầy y khoa gương mẫu

Việt Nguyên
Tập San Y Sĩ của hội Y Sĩ Việt Nam tại Gia Nã Ðại đến với tôi qua hai đàn anh y khoa, bác sĩ Nghiêm Ðạo Ðại và Lê Quang Dũng, là tập san đặc biệt tưởng niệm Giáo Sư Phạm Biểu Tâm một người thầy đáng kính của nền Y Khoa Việt Nam. Tập san tổng hợp nhiều cây viết và tiếng nói qua các đàn em, bạn và đồng nghiệp của ông như các Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, Ðào Ðức Hoành, Ðào Hữu Anh, Vũ Quí Ðài, Nguyễn Khắc Minh, Bác Sĩ Trần Văn Tích, Bác Sĩ Nghiêm Thị Thuần cùng những học trò đã nổi danh trong ngành phẫu thuật như các Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại, Trần Xuân Ninh, Văn Kỳ Chương, Ðặng Phú Ân, Lê Quang Dũng, đã vẽ lại đầy đủ chân dung và cuộc đời của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm.



Giáo Sư Phạm Biểu Tâm (ngoài cùng bên trái) đứng cảnh tổng thống Ngô Ðình Diệm trong ngày khánh thành trường Y Nha Khoa năm 1963.

Như mùi bánh Madelaine thơm phức đã đánh thức Marcel Proust “đi tìm lại thời gian đã mất,” tập san với những trang giấy trắng mới còn thơm mùi mực đã đánh thức những kỷ niệm trong tôi về thời gian đi học trường Y, những kỷ niệm với thầy cũ trường xưa đổ về như “để tưởng nhớ một mùi hương” ( Mai Thảo ) nhưng mùi thơm của tập sách đã gợi về hai mùi hương thời gian khác biệt, một mùi thơm của ngôi trường Y Nha Khoa mới, kiến trúc mới ở đường Hồng Bàng Chợ Lớn với mùi gạch mới, tường vôi mới, gỗ mới, khuôn viên mới, được xây lên năm 1962 do Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, được Giáo Sư Phạm Biểu Tâm khánh thành cùng với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và một mùi “đặc biệt” của bệnh viện Bình Dân Sài Gòn nằm trên đường Phan Thanh Giản gần góc đường Cao Thắng quận ba, do nhiều mùi khác nhau từ những khu bệnh giải phẫu, chỉnh trực, ung thư, ngoài da, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, tiết niệu, quang tuyến hòa lẫn, bệnh viện với Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm làm giám đốc năm 1954 sau ngày di cư, hậu thân của bệnh viện Phủ Doãn Hà Nội.

Hình ảnh thầy Phạm Biểu Tâm luôn có mặt trong những bài viết của tôi về các thầy cũ, Giáo Sư Ðào Ðức Hoành, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, cùng những kỷ niệm về Bệnh Viện Bình Dân mặc dầu tôi không phải là học trò của thầy như các bạn cùng lớp với tôi, Phan Thượng Hải, Nguyễn Nho Ðức, Nguyễn Quảng Ðức, Soma Ganesan, Trần Ðông Giang nội trú khu ngoại khoa tổng quát. 

Trong đời tôi có những cơ duyên với những người thầy đáng kính. Tôi biết Giáo Sư Phạm Biểu Tâm và Giáo Sư Trần Quang Ðệ trước khi tôi vào học y khoa năm 1968. Hai người thầy, đại Giáo Sư phẫu thuật tổng quát của trường Y Khoa Sài Gòn, là hai khác biệt. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm sinh tại Huế, từ trường tiểu học Huế lên học trung học ở Vinh khi cha ông làm quan Bố Chính tỉnh Thanh Hóa, sáng lập “lò” giải phẫu Bình Dân, còn Giáo Sư Trần Quang Ðệ người Nam, cựu viện trưởng viện đại học Sài Gòn, sáng lập “lò” giải phẫu Chợ Rẫy. Bình Dân đa số gốc Bắc, Chợ Rẫy đa số gốc Nam. Giáo Sư Tâm nhỏ người ăn nói nhỏ nhẹ, Giáo Sư Ðệ cao lớn ăn nói giọng oai vệ, khi tôi mới gặp, hai ông đều nói tiếng Tây, tôi chỉ nể mà không hiểu hai ông bác sĩ nói gì. Năm tôi năm tuổi, trước khi đi học, cha tôi đem tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy để cắt ngón tay thừa bên cạnh ngón tay cái bàn tay phải, ngón tay vướng víu khi cầm viết. Bạn của cha tôi là ông y tá Huệ, phụ tá số một của Bác Sĩ Trần Quang Ðệ trong phòng mổ, (bác Huệ là ba của Nguyễn Hoàng Tuấn bạn học y khoa cùng lớp với tôi) đã đem tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy. Hồi năm tuổi tôi không biết là cậu nhỏ được vinh dự giải phẫu bởi đại giáo sư giải phẫu sau khi nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy hai ngày. Những năm học tiểu học, vào những ngày cuối tuần, tôi hay theo cha mẹ tôi đi dự hội Trung Việt Ái Hữu ở ngã ba Ông Tạ. Cha tôi trong ban quản trị, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm trong thành phần cố vấn của hội. Tôi biết ông qua cặp mắt kính nể của cha tôi và các chú bác trong hội mặc dù ông kém cha tôi mười tuổi. Ông là một hãnh diện của hội, một cựu học sinh trường Vinh, cha làm quan ở Thanh Hóa, là một dân chính gốc Thanh Nghệ Tĩnh! Ông đã làm vẻ vang dân Trung vì đậu trường thuốc ở Hà Nội và đậu thạc sĩ y khoa ở Pháp năm 1948. Ở những năm 1950, bác sĩ y khoa hiếm và được quý trọng trong xã hội. Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm , về sau khi tôi lớn lên mới hiểu hết, được các chú các bác bạn cha tôi trong hội quý trọng là vì nhân cách của ông ngoài nghề y khoa. Cứ mỗi năm, hội Trung Việt Ái Hữu tổ chức cây mùa Xuân và phát phần thưởng cho con em học giỏi. Năm lớp nhất, tôi được sắp hàng trong đám học sinh trường tiểu học Phan Ðình Phùng vào Dinh Ðộc Lập để nhận phần thưởng từ tay Tổng Thống Ngô Ðình Diệm (mặc dù thất vọng, năm ấy tổng thống bận phải để Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ thay mặt) sau đó ngày chúa nhật ở hội Trung Việt Ái Hữu, tôi được nhận phần thưởng từ tay Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm. Giọng nói nhẹ nhàng từ con người nhỏ nhắn của Bác Sĩ Tâm ngày tôi mười một tuổi gây khiến tôi kính phục.

Bảy năm sau tôi vào y khoa. Năm 1968 Mậu Thân là một năm lịch sử. Vào trường y khoa sau cái Tết biến động, thế hệ chúng tôi được xem là thế hệ y khoa do Hoa Kỳ đào tạo. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm, người thầy y khoa nhiều thế hệ, đối với chúng tôi cao vời vợi và khoảng cách giữa thầy và chúng tôi như cha và con. Năm 1968 đem đến nhiều thay đổi nhưng đối với người thầy của chúng tôi năm 1967 trước đó đã đánh dấu khúc quanh của cuộc đời người thầy tận tâm cho y học. Sau khi đậu Thạc Sĩ Y Khoa Pháp năm 1948, ông dạy Y Khoa Ðại Học Hà Nội từ 1949 đến 1954, đồng thời kiêm nhiệm giám đốc Bệnh Viện Yersin Hà Nội (nhà thương Phủ Doãn). Vào Nam sau di cư ông vẫn tiếp tục được cử làm Khoa Trưởng Ðại Học Y Dược và giám đốc Bệnh Viện Bình Dân. Nhưng năm 1967, chính phủ “cách mạng” của chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm một cuộc đảo chính, lật đổ Khoa Trưởng Phạm Biểu Tâm, lập hội đồng khoa mới, lý do là các thầy theo hệ thống Pháp không chịu chuyển ngữ dạy tiếng Việt. Thiếu tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan theo lệnh ông Nguyễn Cao Kỳ làm cuộc đảo chính đưa quân vào trường trái với tinh thần tự trị của viện đại học. Số phận của giáo sư y khoa Phạm Biểu Tâm may mắn hơn là số phận của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. 

Bốn mươi bảy năm sau nhìn lại thì cuộc “cách mạng” của ông Kỳ là cuộc cách mạng có tính cách “biểu diễn.” Tài liệu qua nhiều nhân vật trong tập san y sĩ kỳ này cho thấy các thầy thuộc thế hệ được đào tạo thời Pháp đang chuẩn bị một sự thay đổi từ từ như chấp nhận kỳ thi trắc nghiệm và giảng dậy bằng tiếng Việt. .....
Sinh viên y khoa lớp chúng tôi chỉ bắt đầu gặp Giáo Sư Pham Biểu Tâm vào năm thứ hai, sau năm dự bị và năm thứ nhất, khi được đi thực tập lâm sàng và được thầy giảng môn triệu chứng học trong giảng đường. Ông giản dị, từ tốn, giọng nhỏ nhẹ nhưng thâm thúy, người ông trông không có gì hấp dẫn khi mới tiếp xúc, người ốm, mặt gầy, tóc quăn (Bác Sĩ Nguyễn Chấn Hùng nói những người tóc quăn thông minh, đàn anh của tôi cũng tóc quăn!) dạy trong giảng đường chừng mực, cái vẽ thông thái của ông khác với vẽ thông thái của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.

Ở bệnh viện Bình Dân, chúng tôi chỉ được gặp ông sau khi đi qua các giảng nghiệm viên khu giải phẫu tổng quát, Bác Sĩ Nguyễn Khắc Lân, Bác Sĩ Nguyễn Minh Tuyến, Tôi còn nhớ ông dạy lâm sàng, dặn dò phải “xem bệnh nhân như người nhà, nếu bệnh nhân lớn tuổi xem họ như cha mẹ.” Ông đã dạy chúng tôi cách khám bệnh “nghe, sờ, gõ,” xin phép bệnh nhân được cởi áo trước khi khám bệnh. “Phút đầu gặp gỡ ấy” với bệnh nhân phòng 8 bệnh viện Bình Dân bên cạnh người thầy là những giây phút không quên trong đời. Cách khám bệnh nhân ấy rất nhân bản. Ông kính trọng bệnh nhân, thực hành những lời ông đã dặn học trò, và ông đã săn sóc bệnh nhân với tấm lòng nhân ái, có lẽ vì bản thân ông cũng đã là một bài học cho chính ông. Năm 2000, Giáo Sư Nguyễn Khắc Minh có ghé nhà tôi ở Galveston, ông đã được mẹ vợ tôi, “chị Vân Anh” y tá trưởng phòng dụng cụ lâu đời ở bệnh viện Phủ Doãn và Bình Dân, kể lại câu chuyện thầy Phạm Biểu Tâm đau ruột dư để lâu ngày mới mổ, khi đánh thuốc mê áp huyết bị xuống thấp và gần ngưng thở phải được cấp cứu bằng phương pháp Sylvester. Năm ngoái, sau bài viết về Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, tôi qua California được thầy Ninh và sau đó cũng được Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại kể lại thầy Tâm đã khóc sau khi con thầy mất vì bệnh lao màng óc, một căn bệnh ngặt nghèo không chữa được bằng thuốc Steptomycin chích bởi tay Giáo Sư Ninh.

Năm thứ nhất y khoa, tôi vào bệnh viện Bình Dân đi theo các anh nội trú Nguyễn Chấn Hùng, Nguyễn Lương Truyền, Ðặng Phú Ân, Nguyễn Văn Quang để học mổ và phụ mổ, sống và thức khuya để học như những con chuột cống trực gác trong nhà thương buổi tối. Tôi đã chứng kiến những cái nhìn kính trọng của các anh nội trú với thầy, chưa được thấy thầy mổ nhưng bà mẹ vợ tương lai cũng đã khuyên tôi “nếu muốn theo ngành giải phẫu con nên theo thầy Tâm, ông mổ cẩn thận.” Cách mổ của các học trò ruột của thầy vào lúc ấy như Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại (sau 1975 là Giáo Sư giải phẫu đại học Pittsburgh) Bác Sĩ Lê Quang Dũng, Bác Sĩ Nguyễn Khắc Lân, Bác Sĩ Nguyễn Minh Tuyến, Bác Sĩ Văn Kỳ Chương cho thấy đức tính cẩn thận của thầy đã truyền cho học trò. Ông luôn luôn nhắc nhở các nội trú bệnh viện Bình Dân không nên ham mổ. Năm 1975, tôi đã tận mắt nhìn thấy kinh nghiêm giảng dạy của thầy. Một đêm tháng sáu năm 1975 tôi đưa cha tôi vào bệnh viện Bình Dân sau khi ông lên cơn đau bụng. Khoảng thời gian này là những năm tháng cuối của cha tôi. Ông bị nhiều chứng bệnh nặng. Bác Sĩ Phan Văn Tường hôm ấy trực đã khám cho cha tôi, định bệnh viêm ruột dư định đưa lên bàn mổ nhưng vẫn phải đợi thầy Tâm vào xem lại. Mười giờ đêm thầy Tâm vào thăm bệnh cho cha tôi, sau khi khám lại kỹ lưỡng ông nói với tôi: “Anh nên hội chẩn với Hồ Hội, tôi nghĩ ông cụ đau bụng vì bệnh nội thương.” Bác Sĩ Hồ Hội (trên tôi một năm) đã chuyển cha tôi về bệnh viện Chợ Quán để chữa bệnh gan. Hình ảnh và giọng nói của thầy Phạm Biểu Tâm đứng cạnh cha tôi trên giường bệnh đúng 39 năm sau vẫn không phai mờ trong ký ức tôi.

Năm thứ năm y khoa, tôi đậu kỳ thi nội trú các bệnh viện, về làm nội trú khu ung thư với Giáo Sư Ðào Ðức Hoành (đáng lẽ tôi phải chọn làm nội trú khu giải phẫu tổng quát trước khi làm nội trú khu ung thư mới đúng con đường giải phẫu). Vì vậy cái duyên giữa tôi với thầy cũng chỉ là cái duyên “Kính nhi viễn chi” cho đến ngày ba mươi tháng 4 năm 1975, cái ngày đổi đời của cả đất nước thì tôi mới có duyên gần gũi với thầy.

Ngày 1 tháng 5, trước khi ủy ban quân quản tiếp thu bệnh viện Bình Dân, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm tập hợp nội trú vá các bác sĩ điều trị, ông thay Giáo Sư Ðào Ðức Hoành giám đốc bệnh viện đã di tản, bằng giọng nói nhỏ nhẹ ông kết luận bài nói chuyện ngắn bằng câu cay đắng: “ Nay cách mạng thành công, trong đây có anh đã đạt được mục đích, nếu thấy tôi có lỗi cứ lên đây tát tai tôi.” Tôi không hiểu ông muốn ám chỉ ai lúc đó, trong số bác sĩ và nhân viên bệnh viện không ai là cán bộ nằm vùng, về sau chỉ một số theo ngọn gió 30 tháng 4 đổi chiều quay lại đạp những giá trị cũ để tiến lên, hay là vì ông đã có nhiều kinh nghiệm trong đời ngay cả trước khi Việt cộng vào Sài Gòn. Năm 1967 ông bị đảo chính vì bị xem là thành phần thủ cựu thân Pháp nhưng cộng sản vào ông có thể bị kết tội thân Mỹ vì ông đã mời Giáo Sư Henry Bahnson đại học Pittsburg cộng tác chương trình hậu đại học phẫu khoa ở Bệnh Viện Bình Dân từ năm 1972. Ông đã phải đối đầu với sinh viên, những sinh viên quá khích, như năm 1972 sinh viên chống chương trình nội trú, đòi bỏ chế độ nội trú như Pháp để có một chương trình nội trú cho tất cả sinh viên như ở Hoa Kỳ. Sinh viên Bùi Trọng Hậu (em ruột Bác Sĩ Bùi Mộng Hùng học trò giải phẫu của ông) đã bước lên sân khấu cầm micro chỉ mặt ông đang ngồi hàng đầu la mắng ông là người không biết cải thiện. Năm đó sinh viên chống thi nội trú một phần cũng vì chống giáo sư Khoa Trưởng Ðặng Văn Chiếu. Ông đã điềm đạm cầm micro đáp lại anh Hậu “sở dĩ chưa có chương trình nội trú cho mọi người vì ngân khoản bộ y tế hạn hẹp chưa có thể thực hiện được.” Một lần khác, vào đêm thứ năm ở Bệnh Viện Bình Dân, đêm học hỏi với những trường hợp bệnh lý, bàn thảo giữa các sinh viên, giáo sư và giảng nghiệm viên. Ðêm hôm đó một lần nữa, ông lại bị nội trú nội khoa Nguyễn Xuân Ngãi, một sinh viên xuất sắc chuyên về ngành nội khoa cầm micro dạy cho giáo sư giải phẫu nổi tiếng Phạm Biểu Tâm một bài học: “Thầy là người cổ lỗ sĩ, không học cái mới, thủng ruột vì sốt thương hàn bây giờ Mỹ không mổ chỉ cho trụ sinh và đặt ống hút.” Ông trả lời nhã nhặn “chúng tôi đã già nếu có gì mới các anh xin chỉ bảo.” Ðêm hôm ấy bạn tôi Soma Ganesan nổi nóng nói với tôi “mày chặn cửa sau, tao chặn cửa hông cho thằng Ngãi một bài học” chuyện đánh nhau không xảy ra nhưng tôi cố đọc sách và qua Mỹ củng cố hỏi các bác sĩ giải phẫu mà không tìm ra câu trả lời chữa nội khoa cho bệnh thủng ruột do biến chứng bệnh sốt thương hàn.

Tư cách của ông được học trò kính nể, ông là người có tinh thần dân chủ. Một sáng ông đến bệnh viện, văn phòng ông nằm bên tay phải, phòng cấp cứu với phòng may vá khẩn cấp nằm bên tay trái, trước khi đến văn phòng ông đến xem sinh viên làm việc như thế nào. Một sinh viên năm thứ hai thấy ông mặc áo trắng thắt cà vạt đã đuổi ông ra vì ông không mang mặt nạ và không đội mũ theo đúng luật của phòng tiểu giải phẫu. Ông về văn phòng, sau đó trở lại với khẩu trang và mũ. Cậu sinh viên biết đại giáo sư đã lo sợ nhưng ông không la lối mắng mỏ, tôn trọng luật và tinh thần dân chủ của ông ít có giáo sư nào so sánh được. Ông có tiếng thẳng thắn trong thập niên 1960 khi ông không nhận cô Ngô Ðình Lệ Thủy con ông cố vấn Ngô Ðình Nhu vào trường y khoa vì không đủ điểm cũng như em ruột của ông học đến năm thứ tư vẫn bị đánh rớt, là khoa trưởng ông không can thiệp, em ông phải đi trợ y.

Ông là người đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.” Qua lời của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, năm 1946, quân Pháp đột nhập bệnh viện Phủ Doãn cầm đầu là một viên Trung Úy cố tìm thủ phạm đã phá hủy thân thể một phụ nữ Pháp bằng thủ thuật, thủ phạm như vậy phải là một bác sĩ giải phẫu. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm đã trả lời vững vàng điềm tĩnh đối thoại với viên trung úy như một người Pháp chính cống. Triết lý sống cũng đã giúp ông qua thời kỳ Bác Sĩ Meynard (được ủy ban quân quản Pháp cử đến làm giám đốc bệnh viện Phủ Doãn) cho đến khi Giáo Sư Huard người thầy của ông đến.

Sau 30 tháng 4, con người của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm không đổi. Riêng cá nhân tôi, tôi kính trọng hai vị thầy khả kính đã đứng thẳng người sau cơn bão mặc dù hai người với hai cá tính. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm thận trọng, biết nhiều chính trị nhưng không hoạt động chính trị, con người thâm trầm cân nhắc lời nói. Giáo Sư Trần Ngọc Ninh phê bình thẳng thừng đôi khi châm chọc. Cả hai ông đều đúng là trí thức, sống với chính mình. Sau ba mươi tháng 4, bệnh viện Bình Dân giống như các bệnh viện khác, là sân khấu của những vở kịch khôi hài cười ra nước mắt. Mỗi sáng các giáo sư thạc sĩ ngồi trong buổi giao ban được y sĩ Năm Lực giảng dạy cách mổ. Giám đốc Mười Nhâm tư cách hơn, chỉ lo thủ tục hành chính. Các giáo sư được gọi là anh, mọi người được bình đẳng trên phương diện lao động, các thầy cũng giống như mọi ngươi, đi xe đạp và lãnh nhu yếu phẩm, mỗi sáng bác sĩ chùi nhà chùi cầu tiêu dưới cặp mắt ái ngại của ông “chủ mới của chế độ” anh Ðược y công của bệnh viện. Thầy Tâm đi chùi nhà, đổ rác mặc dù học trò nói thầy đừng làm, té bầm tay thầy than với chúng tôi “có hai lần đổi đời 54 và 75, hồi 54 tôi còn trẻ bây giờ tôi già rồi!”

Tình trạng thay đổi khi Giáo Sư Tôn Thất Tùng vào Nam. Các ông Năm Lực, Mười Nhâm được chỉ thị gọi các giáo sư bằng thầy. Lãnh đạo miền Bắc thay đổi cũng nhờ việc tham quan của giáo sư giải phẫu Tôn Thất Tùng đàn anh của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh. Giống như các ngành khác, Giáo Sư Tôn Thất Tùng được thần tượng hóa, thần thoại hóa qua phẫu thuật cắt gan như là đại giáo sư quốc tế sắp đoạt giải Nobel về y học. Ngày Giáo Sư Tùng đi thăm bệnh viện giáo sư Tâm đã mời ông mổ cho nội trú học, Giáo Sư Tùng đã trả lời ông không mổ vì đã xem “nội trú trong Nam mổ giỏi hơn ngoài Bắc.” Giáo Sư Tùng là người có tư cách khi trả lời Giáo Sư Tâm như vậy. Giáo Sư T.N. Ninh đã viết Giáo Sư Tôn Thất Tùng như là bác sĩ riêng của ông Hồ Chí Minh và huyền thoại ngoài Bắc vẫn nói Bác Sĩ T T Tùng ngồi cạnh ông Hồ Chí Minh khi ông Hồ mất nhưng năm 1994 qua Houston học, giáo sư nội khoa Ðặng Văn Chung nói cho tôi biết ông chính là người săn sóc và ngồi cạnh ông Hồ Chí Minh khi ông này mất.)

Năm 1976, học trò cũ của ông là Bác Sĩ Bùi Mộng Hùng từ Pháp cùng với vợ về VN đến thăm bệnh viện Bình Dân. Bác Sĩ Bùi Mộng Hùng là chủ tịch hội y sĩ Việt Kiều Yêu Nước tại Pháp, vào lúc tranh tối tranh sáng không ai lúc ấy biết ông Hùng qua Pháp chỉ làm giải phẫu thực nghiệm không hành nghề giải phẫu. Trong cảnh “hàng thần lơ láo” Giáo Sư Tâm đã đón tiếp ông học trò rất nhã nhặn bằng giọng rất “thâm” của anh đồ Nghệ để hỏi thăm học trò về tình hình chính trị bên ngoài và trong nước.

Bác Sĩ Trần Xuân Ninh đã có mặt trong buổi họp Hội Trí Thức Yêu Nước với sự có mặt của Tướng Võ Nguyên Giáp. Những trí thức ba mươi tháng tư đã có bộ mặt sợ hãi nịnh bợ nhưng “uy vũ bất năng khuất,” Giáo Sư Phạm Biểu Tâm phát biểu đàng hoàng chừng mực, vắn tắt, nhẹ nhàng không ca tụng chế độ hay nịnh bợ. Ông có tài nói chuyện thâm trầm đâm vào tim óc người nghe nhưng ông không dùng chữ hai nghĩa đôi lời nhiều ẩn dụ như những người đã sống lâu trong chế độ cộng sản.

Giáo Sư Trần Ngọc Ninh viết, sở dĩ Giáo Sư Phạm Biểu Tâm hành xử thẳng thắn (như lần ông qua bệnh viện Cộng Hòa cũ với Bác Sĩ Ðặng Phú Ân mai mỉa chế độ ưu đãi cho cán bộ cao cấp trong khi ở bệnh viện Bình Dân hai bệnh nhân nằm chung giường) là vì có “tâm của y sĩ phẫu khoa.” Tôi nhỏ hơn các thầy, nhìn lên, tôi thấy thầy là kết quả của hai nền giáo dục kim cổ, con người còn giữ tinh thần “kẻ sĩ” của tổ phụ, tinh thần nho giáo từ đời ông Tổ là Tổng Binh Phạm Tấn không thay đổi, dù ông theo Tây học, con người ấy thẳng thắn hơn nhờ tinh thầy Hướng Ðạo. Ông là cựu tráng sinh đoàn Lam Sơn Hà Nội với tráng trưởng Hoàng Ðạo Thúy. 

Trưởng Mai Liệu nay 96 tuổi, lớn tuổi không về dự trại Thẳng Tiến 10 toàn thế giới ở Houston năm nay, thường hay kể cho chúng tôi nghe về Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm. 

Tên ông có trong danh sách cố vấn hội Hướng Ðạo Việt Nam trước 1975. Trại toàn quốc lần chót ở Suối Tiên năm 1972 cũng có tên ông trong ban cố vấn. Các Bác Sĩ trưởng Hướng Ðạo như Bác Sĩ Trần Tiễn Huyến tổng ủy viên Hướng Ðạo, Bác sĩ Trần Bình Chi đạo trưởng hải đoàn Bạch Ðằng cũng thường nhắc đến trưởng Phạm Biểu Tâm trong những lần họp trại mặc dù tôi chưa được thấy ông mặc đồng phục Hướng Ðạo lại trong những năm 1970. Bác Sĩ Nguyễn Văn Thơ chủ tịch hội Hướng Ðạo cũng như trưởng Nghiêm Văn Thạch (ở Pháp) nhắc đến ông 12 năm trước ngày trại Thẳng Tiến 7 tổ chức ở Houston. Tôi cố tìm tên rừng của ông nhưng không ai nhớ. Tráng sinh lên đường là người trưởng thành, buổi tối mang ba lô vào rừng đi cắm trại một mình, tay cầm cây gậy từ cành cây chĩa đôi, hai con đường đi một chính một tà, người tráng sinh tự chọn và tráng sinh Phạm Biểu Tâm đã chọn đúng con đường Baden Powell ông tổ phong trào Hướng Ðạo vạch ra. Người Hướng Ðạo không làm chính trị, yêu nước với 3 lời hứa và giữ 10 điều luật. Người Hướng Ðạo có con đường tâm linh, không vô thần nên cho đến nay Hướng Ðạo quốc doanh của CSVN không được phong trào thế giới công nhận. Ngày trưởng Hướng Ðạo Thúy, tác giả cuốn “Ðội của tôi” cẩm nang cầm đội của các đội trưởng, theo ông Hồ Chí Minh làm giám đốc trường sĩ quan “Tông” triệu tập Ðại Hội Hướng Ðạo Việt Nam tại Hà Nội để thành lập “Hướng đạo cứu quốc” thuộc mặt trận Việt Minh, trưởng Võ Thành Minh (người thổi sáo bên bờ hồ Genève Thụy Sĩ ngày Hiệp Ðịnh Genève chia cắt đất nước) đã phản đối cùng với tráng sinh Phạm Biểu Tâm (Bạch Mã tráng khóa 5 tại Huế). Tráng sinh Tâm đã tuyên bố: “Không phải gia nhập cứu quốc mới là yêu nước. Hướng đạo là người yêu nước từ lúc tuyên hứa.”

Năm 1975, một lần nữa “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa,” các cán bộ cộng sản biết tiếng tăm của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm đã đưa ông vào đại biểu thành phố, hội trí thức yêu nước khiến mọi người hiểu lầm con người Thanh Nghệ Tĩnh ấy là người cộng sản. Sự thật là tên tuổi ông được dùng vì người học trò cũ, Bác Sĩ Vân, cũng như Trưởng Khuê đạo trưởng Ðạo Cửu Long (Giáo Sư Tâm là trưởng ban bảo trợ Tráng đoàn Bạch Ðằng). Các hội viện hội Trung Việt Ái Hữu cũng đóng phần vào việc đưa tên tuổi ông vào các tổ chức gọi là yêu nước của cộng sản, hội trưởng Nguyễn Khắc Quyến là người hoạt động cho cộng sản bị Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bắt khi chở gạo qua vĩ tuyến 18 tiếp tế khi VNCH cấm vận. Trong hội có những người Thanh Nghệ Tĩnh quốc gia như có Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm, Bác Sĩ Phan Huy Quát, Bác Sĩ Phan Quang Ðán nhưng một số khác hoạt động cho cộng sản.

Bác sĩ Trần Xuân Ninh kể chuyện một lần “láo” với thầy Phạm Biểu Tâm khi Bác Sĩ Ninh xem thường khu “răng hàm mặt” làm tôi nhớ đến một lần cũng “ngổ ngáo” sau ngày 30 tháng 4, 1975. Giáo sư Ðào Ðức Hoành di tản, Bác Sĩ Trần Ngọc Quang giảng nghiệm viên đi Pháp, Bác Sĩ Nguyễn Quang Huấn và Bác Sĩ Nguyễn Chấn Hùng đi tù cải tạo. Giáo Sư Phạm Biểu Tâm đứng ra trông coi khu ung thư với chị Nguyễn Thị Thanh Thảo nội trú trên tôi một lớp điều hợp công việc. Một hôm trong phòng mổ tôi được sắp ca mổ tuyến giáp trạng với nội trú Nguyễn Tấn Lộc phụ mổ. Sau khi mổ xong tôi tự khoác lác khoe tài “chỉ có khu ung thư mới mổ tuyến giáp trạng đẹp như vầy,” nói xong tôi thấy Lộc và bà Phòng đánh thuốc mê im lặng không lên tiếng phụ họa, phòng mổ không một tiếng động, Lộc nhìn sau lưng tôi, quay lưng lại tôi mới biết thầy Tâm đứng sau lưng tôi không nói xem tôi mổ từ đầu! Ông im lặng không mắng tôi, không phê bình, quả thật là một người thầy đáng kính, mà có lẽ trong đời trên 30 năm dạy học ông cũng hiểu nội trú giải phẫu bệnh viện Bình Dân đa số ngông nghênh?

Năm 1989, Giáo Sư Phạm Biểu Tâm qua Mỹ, tôi không gặp lại thầy từ ngày thầy định cư đến ngày ông mất 10 năm sau. Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ năm ấy do Bác Sĩ Trương Ngọc Tích là chủ tịch đã đến thăm thầy với số tiền giúp thầy định cư nhưng thầy từ chối ngược lại thầy đã nhận số tiền nhỏ của tôi với bức thư trả lời của thầy gởi cho người học trò cũ. Ông đã vui vẻ viết về những chuyện xưa khi trong thơ tôi nhắc lại “những người cùng quê Thanh Nghệ Tĩnh đã xem thầy là đại ân nhân của họ” vì thầy đã chữa bệnh không lấy tiền ở bệnh viện St. Paul ngay cả những người phải giải phẫu. Thầy không làm phòng mạch tư nhưng làm việc thêm ở bệnh viện St. Paul. Thời buổi khó khăn trong những năm chiến tranh ông cũng giống như các bác sĩ khác phải kiếm sống để đắp thêm tiền lương công chức nhưng ông đã luôn giữ tư cách không để công tư lẫn lộn.

Năm 1995 tôi có dịp về thăm bệnh viện Bình Dân, ở phòng làm việc cũ của thầy nay là phòng làm việc của Bác Sĩ Văn Tần có treo hình thầy. Bác Sĩ Văn Tần treo hình ngay ngày thầy đi qua Hoa Kỳ đoàn tụ trong khoảng thời gian mà cả nước chỉ được treo hình Hồ Chí Minh. Tôi không phục Bác Sĩ Văn Tần vì ông không chính gốc Bình Dân, về Bình Dân từ quân đội để học hậu đại học phẫu khoa, nhưng hành động của ông đã thay đổi tình cảm của tôi dành cho ông. Thái độ quân tử thẳng thắn của thầy đã truyền qua người học trò nối tiếp con đường giải phẫu ngoại khoa tổng quát bệnh viện Bình Dân và trường Y khoa Sài Gòn .

Năm ngoái, sau bài viết về giáo sư Trần Ngọc Ninh, tôi nhận được điện thư của một người đàn em đồng nghiệp, thế hệ đàn em y khoa sau 1975 Bác Sĩ Hồng Minh đã viết: “may mắn em vẫn còn được học một số thầy ở Bình Dân và trường y khoa Sài Gòn . Ðược hưởng tình thâm thầy trò huynh đệ của gia đình y khoa mình thật là hạnh phúc, trong em tấm lòng và hình ảnh yêu thương người bệnh và học trò của các thầy cô đã giữ lại trong suốt thời gian còn lại tuy em chỉ được học với số ít thầy trong thời gian dài nhưng chỉ bao nhiêu đó cũng hình thành tính cách chung của gia đình y khoa Sài Gòn mà tận đến bây giờ em vẫn tự hào.” Tinh thần ấy của trường y khoa Sài Gòn đã có nhờ công của các giáo sư thành lập trường từ năm 1954 trong đó công của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm rất lớn. Ðời người ngắn ngủi, trăm năm chỉ còn lại một tấm lòng và học trò y khoa qua bao thế hệ biển dâu vẫn không quên tấm lòng của người thầy giản dị khiêm nhượng Phạm Biểu Tâm.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Cơn Ác Mộng Của Người Già Trong Viện Dưỡng Lão.

Trịnh Thanh Thủy



Ai cũng ao ước “ra đi” dễ dàng, nhưng mâu thuẩn là sợ chết hơi sớm… hơn mình nghĩ. Mà chết hơi… muộn thì đọc bài nầy sẽ biết thêm… như vậy đó.!!!!
Thật vậy, “Viện dưỡng lão” hay “Nursing Home” từ lâu đã là cơn ác mộng của người già, người bệnh cũng như những người mất năng lực tự vệ. Hai chữ “Nursing Home” là hai từ đánh thốc vào tim tạo nên các cơn kinh hãi của các cụ cao niên. Trên trang mạng chuyên môn về Nursing Home, “Consumer affair Complaints & Review” nơi người dân có thể kiện cáo, phàn nàn về những vấn đề tắc trách, ngược đãi người già của các viện dưỡng lão, đã đăng tải và nêu ra những vấn đề nghiêm trọng cần được mọi người quan tâm.
Những viện dưỡng lão ngày nay có quá nhiều nhân viên thiếu khả năng chuyên môn, ít nhiệt tâm và không được huấn luyện kỹ lưỡng. Việc điều hành của các nhà dưỡng lão hầu hết đều kém và thiếu sự sắp đặt. Con số người bị ngược đãi, bỏ mặc trên cả hai phương diện sinh lý lẫn tâm lý đã lên tới con số hàng chục ngàn người, và còn tăng hơn với sự cắt giảm tài trợ của chính phủ hiện nay do ngân quỹ tài chính thiếu hụt. Họ bị bỏ mặc với những cơn đau trong nhà dưỡng lão như bị quăng vào một thùng rác và chịu đựng những bệnh nhiễm trùng đe doạ tới mạng sống. Họ còn bị bắt nín lặng, khỏi than phiền, kêu cứu hay la lối trước các cơn đau, rối loạn tâm thần hoặc tuyệt vọng, bằng cách được cho uống thuốc an thần một cách rất thản nhiên.
Tôi được một người bạn từng là cựu điều dưỡng viên trong viện dưỡng lão ở Quận Cam, Hoa Kỳ, cho biết và xin kể lại những câu chuyện thật về việc đối xử tệ hại các cụ cao niên ở đấy cho bạn đọc xem ở phần cuối bài.
Sự bê bối của các viện dưỡng lão đã được che đậy một cách khéo léo trước con mắt công luận nên có rất nhiều trường hợp các cụ bị bỏ bê và ngược đãi mà không ai biết. Tất cả mọi việc xảy ra đều do việc thiếu tài trợ, thiếu công quỹ, thiếu nhân lực, thiếu huấn luyện và thiếu sự thanh tra thường trực.
Có những thân nhân của người bị ngược đãi báo cáo và than phiền về việc các cụ bị ngược đãi với ban quản trị, đã bị làm khó dễ, bị trừng phạt hay bị ngăn chặn khi vào thăm các cụ với lý do là làm trở ngại điều hành của viện. Chính bản thân người bị ngược đãi còn bị trả thù bằng nhiều cách thâm độc mà người mất bản năng tự vệ không sao chống trả được. Như trường hợp một cụ bà sợ đòn thù mà không dám báo cáo gì, dù thấy người chồng yêu quý của mình bị bạc đãi vì các cụ chẳng có con cái để tỉ tê kể lể, hay có cũng chẳng bao giờ chúng màng viếng thăm.
Nhắc đến viện dưỡng lão ai cũng sợ nhưng tại sao con số người già và bệnh bị đưa vào đó ngày càng tăng vì nhiều lý do.
Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 36 triệu người già trên 65. Với thế hệ “Baby Boomer” lần lượt về hưu cho tới năm 2050, con số các cụ cao niên sẽ tăng cỡ 86.7 triệu. Do đó, với số lượng người già cao như vậy, nhu cầu đòi hỏi thêm các viện dưỡng lão có dịch vụ chăm sóc y tế thường trực là điều tất yếu.
Hiện nay vào khoảng 91% của 1,650,000 người ngụ cư trong viện dưỡng lão tại Mỹ là người già trên 65 tuổi. Hơn phân nửa các cụ có số tuổi từ 85 trở lên. Hầu hết những trường hợp được đưa vào đấy do những nhu cầu bệnh lý đòi hỏi phải có sự trợ giúp thường trực của y tá hay vật lý trị liệu mà chỉ các viện mới có khả năng cung cấp. Những người bệnh này thường đã bị hàng loạt những bệnh mất năng lực về thể chất lẫn tinh thần hoặc họ có thể yếu đến nỗi không thể di chuyển, tự tắm rửa hay tự ăn uống được. Nhiều người trong số này được xem như những bệnh nhân cần có người chăm sóc suốt đời vì họ không bao giờ có thể hồi phục để có thể tự chăm sóc lấy mình và khả dĩ có thể cho về nhà được. Tương lai của họ một là sẽ chết trong viện, bị chuyển vào nhà thương khi bệnh nghiêm trọng và chết ở đó hay bị trả về viện để chết. Trung bình cứ mỗi 100 cụ ở viện dưỡng lão trong chu kỳ một năm, có 35 cụ sẽ chết, 37 cụ khác bị đưa vào nhà thương nơi các cụ có thể chết ở đó, được bình phục hay trở về viện.
Theo một bài báo cáo về sự ngược đãi trong Viện dưỡng lão của phóng viên Vince Gonzales, đài CBS thì người Mỹ rất sợ phải vào Nursing Homẹ. Đó là nơi cuối cùng mà bất đắc dĩ họ phải đi vào. Một cụ già 85 tuổi khi không thể sống một mình được nữa mà con cái ngại ngần khi phải mang cha mẹ về chăm sóc thì “cái gì đến, nó phải đến thôi.” Cụ Alice Oshatz bắt đầu khóc khi được hỏi cụ nghĩ sao khi cụ trở thành một người bị phế thải trong viện dưỡng lão.
Việc bê bối của các Viện dưỡng lão không phải là vấn đề riêng của Mỹ mà nó cũng xảy ra ở các nước khác như Gia Nã Đại, Úc và cả ở Việt Nam. Viện nghiên cứu thông tin y tế Canada cũng có những công bố báo cáo cho biết, trong số những người già của Canada sống lâu dài tại viện dưỡng lão, có tới 44% mắc chứng trầm cảm, tình trạng thể chất và chất lượng cuộc sống đều không tốt đẹp. Theo bản cáo trạng của hiệp hội Ontario Federation of Labour thì các người già cư ngụ tại các viện dưỡng lão bị để nằm hàng giờ với tã ướt sũng nước tiểu.
Riêng những người già tị nạn Việt Nam ở đất Mỹ cũng rất sợ bị đưa vào viện dưỡng lão. Khi các cụ lớn tuổi thường tìm về các nơi có nhiều người Việt để ở. Họ hoặc ở chung với con cháu hay ở trong các chung cư dành cho người già với lợi tức thấp. Có cụ ở trong các khu nhà tiền chế (mobile home) và vui thú điền viên ở đó. Nhưng khi tuổi thọ tăng cao, thì sức khoẻ các cụ xuống dần và lúc đối đầu với bệnh nặng ắt hẳn phải tới. Chuyện không thể tự chăm sóc lấy mình sẽ đương nhiên xảy ra khi bệnh trạng các cụ tới thời kỳ nghiêm trọng. Xác suất con số người thân vì phải mưu sinh hay bận rộn không có thời giờ chăm sóc các cụ được rất cao. Con số các cụ có người thân khá giả, thuê y tá hay điều dưỡng đến nhà ăn ở, nấu nướng và chăm sóc cho không nhiều. Các cụ thường bị lẫn, mất trí nhớ không nhận ra được cả người phối ngẫu hay người nhà và còn không cho họ tới gần. Cụ thì đổi tính trở nên khó khăn, gắt gỏng, nghi ngờ tất cả mọi người do trầm cảm hay phản ứng phụ của thuốc hoặc do hậu quả của các cơn đau hành hạ. Điều quan trọng nhất là có nhiều cụ cần sự theo dõi thường xuyên của y tá mà điều kiện tài chánh của con cái không đài thọ nổi, thế là các cụ bị đưa vào viện dưỡng lão.
Những cụ lo xa thường về hẳn bên VN ở, để có con cháu hay người làm chăm sóc dùm. Tuy nhiên điều kiện y tế và vệ sinh bên VN kém và thiếu chuyên môn. Trong trường hợp nếu các cụ bị lâm vào các tình trạng mất năng lực hay trong tình huống khẩn cấp mà không được chăm sóc y tế chu đáo hoặc kịp thời, nguy cơ rủi ro xảy ra cho tính mạng rất cao. Thành ra được cái này lại mất cái kia. Phần quan trọng nhất là chi phí y tế bên VN các cụ hay người nhà phải tự trả, trong khi ở Mỹ, nếu là công dân trên 65 tuổi hầu như các dịch vụ y tế chính phủ đài thọ gần hết.
Trong một cuộc phỏng vấn về Nhà dưỡng lão cho người già, Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh phát biểu:
“Việt Nam có thuận lợi trong vấn đề chăm sóc người cao tuổi khi văn hóa truyền thống coi trọng đạo lý “kính già”, được xây dựng trên tinh thần “trọng lão, trọng xỉ”. Tuy nhiên vấn đề này cũng có khá nhiều khó khăn, tồn tại. Khi ngày nay các giá trị gia đình khủng hoảng, mâu thuẫn thế hệ gia tăng đã dẫn đến tình trạng nhiều người cao tuổi không sống cùng với con cháu hay con cháu bỏ rơi cha mẹ, chối bỏ trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi. Ở góc độ xã hội, nhà dưỡng lão, cơ sở xã hội, dịch vụ của chúng ta còn thiếu, phát triển còn lộn xộn, thiếu quy hoạch và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn chăm sóc. Trình độ, năng lực của cán bộ y tế, điều dưỡng viên cũng còn hạn chế. Giá các dịch vụ tư nhân còn quá cao so với túi tiền của người cao tuổi….”
Ngoài ra, Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm cho biết, chữ “nhà dưỡng lão” ở Việt Nam còn chưa chuẩn. Ở đây, chỉ nên gọi là các Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người cao tuổi thì đúng hơn.”
Trong một bài báo, vấn đề cẩu thả và chăm sóc người già không đúng mức ở các nhà dưỡng lão VN cũng bị phanh phui giống hệt ở nước ngoài.
Ở Mỹ, nếu có thì giờ nghe chuyện thì có khoảng 300 triệu câu chuyện kinh khủng để kể về viện dưỡng lão. Người nào trong đó cũng có tâm sự cần thố lộ. Lý do tại sao có quá nhiều chuyện để kể bởi vì viện dưỡng lão giống như một tàn dư hay một phế tích. Lẽ ra Viện dưỡng lão là nơi chăm sóc bệnh nhân và người già nhưng thực tế nó biến thành một cái xưởng dịch vụ, nơi mà người ta được cung cấp dịch vụ nhưng nghệ thuật chăm dưỡng thì bị bỏ quên. Đây là bi kịch của hàng triệu công dân Hoa Kỳ.
Sau đây là những câu chuyện kể lại của một cựu điều dưỡng viên trong một viện dưỡng lão ở Quận Cam Hoa kỳ. Xin phép bạn đọc cho tôi được dấu tên vì những câu chuyện này có thật và đây là ý kiến của một cá nhân nên tôi đã ghi lại với một sự dè dặt như thường lệ.
Ở Orange County, các viện dưỡng lão từ xưa đến nay vẫn do người bản xứ làm chủ và điều hành. Viện thường được chia làm hai khu chính là thường xuyên và bán trú, cùng nhiều khu phụ. Khu thường xuyên dành cho các cụ ở thường trực. Khu bán trú dành cho những bệnh nhân sau khi được giải phẫu ở nhà thương, không đủ tiền lưu lại vì bệnh phí rất cao, nên phải chuyển vào để nằm chờ. Khi bình phục họ sẽ về nhà. Những khu phụ như khu chuyên về phổi, suyễn, hay có khu lẫn lộn cả khuyết tật bẩm sinh. Họ có sắp các khu theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu cho người Việt Nam, Đại Hàn v…v… Nếu thiếu phòng, bệnh nhân phải nằm bất cứ khu nào còn trống. Khi người VN vào đông, các cụ được nhà bếp dành đặc ân cho nấu riêng món ăn Việt. Tuy nhiên, các món Việt chỉ dành cho buổi trưa và tối, còn điểm tâm ban sáng vẫn phải ăn chung các món Mỹ. Các bệnh nhân đặc biệt phải ăn kiêng thì nấu riêng. Ở đây điều dưỡng viên VN ít nên bị điều đi phục vụ toàn viện, không cứ gì phải chăm sóc trong khu có người Việt. Họ thường được gọi đến để thông dịch. Khi khu VN có đông bệnh nhân tới ở, điều dưỡng Việt ưu tiên được làm ở đó.
Theo điều luật định của riêng tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân viên săn sóc cho bệnh nhân, nhất là các dịch vụ khẩn cấp. Một viện có khoảng 100 giường trở lên, mỗi bệnh nhân phải được y tá săn sóc ít nhất 3.2 tiếng mỗi ngày. Y tá phải có bằng như RN, LPN, hay LVN. Những điều dưỡng viên cần có bằng CNA (certified nursing assistant) với nhiệm vụ trợ giúp y tá và các nhân viên y tế săn sóc bệnh nhân. Khi chính phủ state board phái người xuống kiểm tra (thường vào buổi sáng), viện dưỡng lão hay mướn và dồn điều dưỡng lại cho đông và cho một điều dưỡng chăm khoảng 13 người theo luật định để che mắt, và quay phim. Khi điều tra viên đi, tới ca chiều điều dưỡng viên bị giảm xuống và phải chăm tới 16, 17 người bệnh. Ca tối lại còn tệ hơn chăm tới 20 bệnh nhân. Vì nhiều việc quá, điều dưỡng viên làm không xuể, bệnh nhân chắc chắn bị xao lãng và bỏ quên.
Thường thì không ai thích làm cho viện dưỡng lão, những điều dưỡng có bằng hay có kinh nghiệm hay tìm chỗ nhẹ nhàng hơn mà làm. Do đó, các Viện dưỡng lão luôn thiếu người và họ phải tìm những người được đào tạo cấp tốc ở các trung tâm dạy nghề. Những người này đóng học phí cao hơn bình thường và chương trình giảng dạy chỉ trong vài tuần lễ, nên họ được giảng dạy qua loa để mau tốt nghiệp đi làm cho nhanh.
Vì được đào tạo cẩu thả nên các điều dưỡng viên này mất căn bản. Họ thường không theo đúng trình tự của việc chăm sóc bệnh nhân. Họ lại bị sức ép của công việc quá nhiều, nên có nhiều người mất cả đạo đức nghề nghiệp. Họ làm việc ẩu tả và dối trá. Chẳng hạn sáng sớm phải rửa mặt, tắm rửa rồi thay tã và quần áo cho bệnh nhân nhưng họ chỉ làm qua loa lấy lệ, cho xong việc. Có khi nước chưa được ấm, họ xối đại nước lạnh khiến bệnh nhân bị ướt, rét, sưng phổi mà chết. Họ cũng không thay tã theo qui định. Lúc trước, khi chưa có chính sách tiết kiệm, viện cho tối đa một ca (8 tiếng), mỗi bệnh nhân được thay 3 tấm tã, giờ chỉ còn có 2. Thế mà họ cũng làm biếng không thay, để người bệnh ướt đẫm từ sáng tới chiều. Điều dưỡng ca chiều vào, thấy bệnh nhân bị thối tha, khó chịu khóc lóc quá nên ca chiều phải thay. Những điều dưỡng có lương tâm thấy bệnh nhân nào tiểu ít họ dấu tã đi để dành thay cho những người tiểu nhiều. Tã mà để lâu không thay, da sẽ bị nhiễm trùng, lở loét. Có người lúc mới vào không sao, ở lâu trong viện da bị ghẻ lở nom rất ghê sợ. Có những bệnh nhân bất lực không cử động được, bị bỏ quên từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, không được trở mình, máu chỗ nằm không lưu thông, da mềm đi biến thành mủ hay ghẻ trông thật tội.
Người già thường có giấc ngủ trưa, điều dưỡng phải cho họ đi nghỉ trưa. Tuy nhiên, vì làm biếng họ để bệnh nhân ngủ gà ngủ gật trên xe mà không đẩy họ về phòng cho lên giường như qui định.
Lúc về già, nhiều người răng yếu hay rụng, khi được đút ăn họ ăn rất chậm. Đôi khi vì buồn phiền các cụ không muốn ăn, điều dưỡng có quá nhiều việc, lại hết giờ, không đủ kiên nhẫn, họ chỉ đút qua loa nên các cụ trong đó ốm o, gầy mòn và bị đói thường xuyên. Họ làm hết việc thì về rốt cuộc bệnh nhân là người bị thiệt hại.
Ngoài ra còn xảy ra nạn kỳ thị đối với bệnh nhân. Người nào ít có hay không người thân tới thăm hoặc để mắt tới thường xuyên, cơ hội bị bỏ quên rất cao. Các cụ đó có nhấn chuông mỏi tay, đòi thay tã hay giúp đỡ đều bị lờ đi đến phút chót khi điều dưỡng sắp hết ca, họ mới trở lại thay tã cho. Khi các cụ phản đối hay thưa gởi sẽ bị trả thù hèn hạ bằng nhiều cách mà hành hạ là một thí dụ điển hình. Khi được đưa từ giường qua xe hay từ xe qua giường, họ bị liệng nặng tay như quăng một món đồ. Người bệnh có đau chỉ biết khóc thầm và chịu câm nín, không dám báo cáo vì càng khiếu nại càng bị trả thù dã man hơn. Tuy nhiên những điều dưỡng Việt trong đó đa số có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp và đối xử ít tệ bạc hơn. Nhưng đâu phải tất cả các điều dưỡng viên là người Việt mà có đủ các sắc dân, nhất là những điều dưỡng viên nam người Mễ Tây Cơ. Vì cần tiền, họ làm 2 ca, thường là ca chiều và ca đêm. Làm một ca đã mệt, khi ca kế tới, họ tìm chỗ ngủ để nghỉ. Công việc dĩ nhiên bị bê trễ, họ ngụy trang bằng cách lấy chăn mền tấn chung quanh bệnh nhân và có ai tới kiểm tra hay y tá ghé mắt đến, đều yên chí thấy mọi thứ tươm tất sạch sẽ nên bỏ đi, đâu biết rằng bệnh nhân nằm đó bên dưới đầy nước tiểu và phân.
Còn trường hợp cho uống thuốc lộn nữa. Nếu ban điều hành phác giác, người làm lỗi sẽ bị đuổi, không thì thôi. Với những bệnh nhân hay phàn nàn đau nhức, bấm chuông hoài, có khi họ bị cho uống thuốc giả hay thuốc an thần để khỏi tiếp tục kêu ca. Có những trường hợp bệnh nhân vì bị cho vào nhà dưỡng lão nên buồn khổ quá mà trở nên lầm lẫn hoặc đã bệnh còn tăng thêm bệnh vì kiêm thêm chứng trầm cảm.
Những người từng làm việc cho Viện dưỡng lão, những người khách đến thăm viện và quan trọng nhất là những người già sống trong viện, tất cả đều ước mơ các Viện dưỡng lão được thay đổi. Thay đổi làm sao để khi nghĩ tới, nhắc đến, nó không còn là một cơn ác mộng của tuổi già. Đường lối điều hành Viện cần phải tổ chức lại sao cho hữu hiệu. Các y tá và điều dưỡng cần phải được cắt bớt việc. Khi ít bận rộn họ mới có thì giờ để ý và chăm sóc kỹ hơn cho các cụ. Nếu các cụ có muốn tâm sự, họ có thời giờ để lắng nghe. Mà khi các cụ có nơi để kể lể, tâm hồn sẽ phơi phới, đỡ thấy cô đơn buồn khổ nhiều. Phần tâm lý được chăm sóc, bệnh ắt hẳn thuyên giảm. Vấn đề lương tâm và đạo đức nên đặt ra ở đây cho ban quản đốc dù mục đích tối hậu là thương mại. Cần giải quyết, quan tâm và lắng nghe những tiếng chuông kêu của bệnh nhân nhiều hơn. Nên có thức ăn đêm dự phòng trong trường hợp khẩn thiết khi có cụ đói bụng.
Riêng nhịp cầu thông cảm giữa người già và con cái phải được thiết lập ngay từ lúc các cụ chưa được đưa vào viện dưỡng lão. Các cụ cần sửa soạn tâm lý khi đến lúc phải vào viện dưỡng lão mà không cảm thấy quá buồn khổ. Vì càng buồn khổ thì bệnh trầm cảm sẽ làm bệnh tật thêm trầm trọng. Thời buổi kinh tế khó khăn, việc làm khó kiếm, có việc thì quá bận rộn nên con cái bất đắc dĩ mới đưa cha mẹ vào đó. Có nhiều cụ vì sống chung với con cái quen rồi vào đó quá bất mãn, lại cô đơn nên chửi rủa suốt ngày, chửi con cái xong quay qua chửi cả nhân viên trong viện, càng chửi càng bị ghét, càng bị bỏ bê.
Mỗi viện dưỡng lão nên có một khu vườn nhiều cây xanh để người già có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, thở dưỡng khí trong lành. Giấc mơ của người già sẽ thành sự thật khi họ được ngồi trên xe lăn được chăm sóc chu đáo trong một khu vườn có chim hót líu lo, sóc chạy tung tăng, đâu đó là tiếng cười đùa khanh khách của vài đứa trẻ. Đời sống thần tiên và êm ả thế ai không muốn sống và vào viện?
Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo:
- Tracking Abuse In Nursing Homes
http://www.cbsnews.com/stories/2002/01/31/health/main327525.shtml
- Vấn đề chăm sóc người già tại các viện dưỡng lão Gia nã đạihttp://tintuccaonien.com/docs/docs_9/9_2_19.htm
- About Nursing Homeshttp://www.longtermcarelink.net/eldercare/nursing_home.htm
- The House That Terror Builthttp://www.consumeraffairs.com/nursing_homes/ch_nursing_homes.html
- Gửi mẹ già vào trại dưỡng lão vì… hay chửi tụchttp://docbao.vn/News.aspx?cid=14&id=86007&d=22022011
- Trung tâm dưỡng lão hay chỉ là nơi “trông già”?http://suckhoesinhsan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=591:trung-tam-dng-lao-hay-ch-la-ni-trong-gia&catid=151:u-xo-tien-liet-tuyen&Itemid=542
- https://www.facebook.com/video.php?v=373350066141212&set=vb.212716628871224&type=2&theater
 

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Tôi học để làm công tác Tuyên giáo của Đảng

(ĐCSVN) - Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, thích đọc sách từ lúc còn ngồi ghế nhà trường phổ thông. Năm 1971, vào đại học, tôi lại càng mê đọc sách, trước hết là sách chuyên ban Việt Hán mà tôi học. Rồi sách báo chính trị, nói về cuộc chiến tranh ở miền Nam đang diễn ra ngày càng ác liệt. Dưới chế độ Mỹ ngụy, nhà trường và hệ thống tuyên truyền của chúng đều phục vụ chế độ và chủ trương chống cộng; không dễ gì tìm kiếm những thông tin về cách mạng, Đảng, Bác Hồ. Nhưng thời đó ở miền Nam, có nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị yêu nước viết nhiều sách báo tiến bộ. Tôi bắt đầu tìm đọc và lưu trữ những sách báo đó.
Năm 1969, khi Bác Hồ mất, một số báo công khai ở Sài Gòn đăng tin bài về đám tang và tưởng niệm Bác. Mãi gần 2 năm sau, tôi mới đọc được bài Nói chuyện với Người đã khuất của Giáo sư Lý Chánh Trung trên tạp chí Đất Nước số 14 (tháng 10 năm 1969) do người bạn cho mượn. Bài viết đó nhiều đoạn thật cảm động: “Cụ là một vĩ nhân, hầu hết mọi người đều nhìn nhận như vậy, dầu là bạn hay thù, dầu là khen hay chê cái sự nghiệp mà cụ dựng nên từ hai bàn tay trắng… Tôi khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Và tôi có thể noi gương Cụ để đi tận con đường của tôi, con đường mà tôi đã chọn trước lương tâm tôi như Cụ đã làm 50 năm trước…. Khi tên Cụ được công bố và hình ảnh Cụ được phát hành, người ta đã nói với nhau như một bản năng nào đó: “Đó là một vị anh hùng, đó là người của chúng ta”.
Thời đó, có một số tạp chí tiến bộ như Đất Nước, Trình Bày, nhưng theo tôi, Đối Diện và Chọn là hai tạp chí đặt thẳng nhiều vấn đề và có tinh thần đấu tranh mạnh nhất. Tôi tìm đọc và cất giữ đến ngày giải phóng gần đủ bộ tạp chí Đối Diện (Đồng Dao, Đứng Dậy) và Chọn. Trong đó có nhiều số chuyên đề rất hay như: Bài học cách mạng của Lênin (Đối Diện, 12.1970); Diễn tiến cuộc xây dựng và phát triển chính sách thực dân mới của Mỹ tại Việt Nam (Đối Diện, 8.1971); Khái niệm về Chủ nghĩa thực dân mới (Đối diện, 6.1972); Diễn tiến và ý nghĩa của cách mạng Tháng Tám (Đối Diện, 8.1972); Miền Bắc có gì lạ (Đối Diện, 2.1974); Công giáo kháng chiến Nam bộ của Lê Tiền Giang (Chọn, 2.1972)...
Tôi còn tìm đọc và lưu trữ các cuốn: "Bọt biển và sóng ngầm" của Lý Chánh Trung, "Cho cây rừng còn xanh lá" và "Nước ta còn đó" của Nguyễn Ngọc Lan, Tù chính trị tại miền Nam Việt Nam sau ngày ký Hiệp định Paris của Chân Tín, Tù của đế quốc của Hồ Ngọc Nhuận.
Tôi nhớ hoài kỷ niệm một lần mua các loại “sách cấm” nói trên. Năm 1973, lúc đó tôi đang dạy thực tập ở trung học Thủ Khoa Huân (Vĩnh Long). Đang dạy ở lớp thì có một học sinh trực dẫn một người khách lạ đến cửa lớp, nói: “Thưa thầy, có khách tìm”. Tôi ra cửa chào khách và lo không biết chuyện gì xảy đến. Nhưng khách đưa một gói dán kín và nói: “Linh mục Nguyễn Nghị gửi gói sách và bức thư này cho thầy”. Tôi nhận và cám ơn người khách. Dạy xong, về nhà, tôi mở thư ra đọc. Thư của Linh mục Nguyễn Nghị đề ngày 19.12.1973, nói rằng nhận thư của tôi đã lâu và đã chạy kiếm những tập tài liệu tôi cần, “nhưng vì đây là những tài liệu đặc biệt nên không thể gửi bằng bưu điện, phần vì có thể bị kiểm duyệt và bị tịch thu, phần vì có thể liên lụy tới người nhận”, nên “phải đợi dịp chắc chắn và đó là lý do của sự chậm trễ ngoài ý muốn này”, mong tôi thông cảm. Qua thư tôi mới biết người cầm sách trên đem tới tôi là thầy Tuấn.
Thật ra, dòng sách báo tiến bộ, yêu nước ở miền Nam trước năm 1975 còn nhiều. Nhưng những sách báo và tài liệu nói trên thuộc loại “quốc cấm”, ai mua bán, vận chuyển hoặc tàng trữ có thể bị bắt ở tù. Như trường hợp cô Trần Cẩm Tố, người chuyên bán Đối Diện ở thành phố Cần Thơ trước năm 1975 mà tôi thường đến mua, bị bắt giam 1 năm, giải phóng mới được ra tù.
Trong các nhà văn, trí thức yêu nước ở miền Nam đấu tranh chống Mỹ ngụy, tôi thích và khâm phục Nguyễn Ngọc Lan. Tôi có đủ các tác phẩm của ông: Chứng từ năm năm; Đường hay pháo đài; Cho cây rừng còn xanh lá; Nước ta còn đó. Ông có lập trường chống Mỹ ngụy dũng cảm, dứt khoát, triệt để. Như kết luận bàiChống Mỹ cứu nước, ông viết: “Không một bạo lực đế quốc hay nô lệ nào sẽ bắt giữ nổi cả một dân tộc ngày xưa ngàn năm chống Tàu, mới hôm qua đây chín mươi năm chống Pháp, và hôm nay, bao lâu còn lính Mỹ nện gót giầy trên đất nước này còn chống Mỹ cứu nước. Chống Mỹ cứu nước cách này hay cách khác, ở thành thị hay thôn quê, dưới biển hay trên rừng, nhưng không có chính nghĩa nào khác” (Cho cây rừng còn xanh lá, tr. 309-310). Ông giàu cảm xúc, văn ông trữ tình, dễ đi vào lòng người. Không phải chỉ riêng tôi mà cả trí thức, sinh viên học sinh, những người yêu nước ở miền Nam trước đều kính phục ông.
Năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, tôi viết thư ra Hà Nội, thăm hỏi và nhờ người cậu ruột tập kết tìm mang về Nam cho tôi một số sách viết về Đảng, Bác Hồ, chủ nghĩa xã hội. Nửa năm sau, cậu tôi mang về cho tôi 8 cuốn sách trong đó có cuốn: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp. Tôi liền dành thời gian trọn một tháng để tìm hiểu, học tập Bác Hồ trong cuốn sách này. Thích quá, lần đầu tiên tôi được nghiên cứu toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, tóm tắt những mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Cuối năm 1975, tôi còn mua được cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên do Nhà xuất bản Thanh Niên Giải phóng in vào tháng 6.1975, có lẽ đây là cuốn sách viết về Bác Hồ được in lại đầu tiên ở miền Nam sau ngày giải phóng. Cuốn sách đã giúp tôi hiểu sinh động hơn nhiều chi tiết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
Từ đó trở đi, với số lương ít ỏi của một cán bộ phụ trách Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện (Ô Môn), ăn uống rất thiếu thốn, nhưng tôi vẫn dành dụm tiền để mua sách học. Học để thỏa mãn hiểu biết, nâng cao tri thức cho mình; đồng thời phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên. Sách thời bao cấp rất rẻ, dễ mua. Sách tôi mua đọc tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội: văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học, triết học, Chủ nghĩa Mác Lênin, Bác Hồ, Đảng, cách mạng. Thời gian này, mỗi ngày tôi nhín chút thời gian để học tiếp chữ Hán. Sách học chủ yếu là cuốn Chữ Nho tự học của Đào Mộng Long (Việt Nam văn hiến, Sài Gòn 1970) do một người bạn tặng.
Năm 1982, tôi được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc IX (sau đó nhập với trường Tuyên huấn TW3 thành trường Tuyên huấn TW2). Ba năm (1982-1985) ở trường Tuyên huấn TW2, ngoài việc phải tập trung chương trình học chính khóa, tôi tiếp tục mua sách học thêm, nhất là sách lý luận chính trị. Thời gian này, nước ta nhập khẩu nhiều sách Nhà xuất bản Tiến bộ (Maxcơva) với nhiều thứ tiếng. Sách in giấy trắng, bìa cứng, đẹp, giá rất rẻ. Tôi thực hiện phương châm tự đề ra: học chính trị kết hợp với việc trau dồi thêm tiếng Pháp. Tôi mua các sách kinh điển Mác Lênin bằng tiếng Pháp của Nhà xuất bản Tiến bộ (Maxcơva), đặc biệt là bộ OEuvres choisies (3 tập) của Marx Engels; cuốn Mouvement communiste international của Zangladine. Khi nghiên cứu kinh điển, tôi đối chiếu bản tiếng Việt và bản tiếng Pháp để hiểu nội dung được chính xác, đồng thời có thêm vốn từ tiếng Pháp, nhất là từ ngữ lý luận chính trị.
Cuối năm 1985, học xong cao cấp lý luận, tôi được phân công về Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ô Môn, thay vì trở về ngành giáo dục. Tôi khởi nghiệp công tác tuyên giáo từ đây. Tôi tự nhủ: mình ráng học và ráng làm chắc mọi việc cũng xong. Ngoài các công việc thường xuyên, tôi tham gia giảng bài các chương trình ở Trường Đảng và báo cáo các nghị quyết của Đảng, thời sự trong nước và quốc tế. Mỗi bài giảng và báo cáo, tôi chuẩn bị thật chu đáo, xem đây là cơ hội để mình học tập bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng và nghệ thuật giảng dạy, báo cáo thời sự.
Năm 1989, tôi được phân công về Trường Đảng Ô Môn, sau chuyển thành Trung tâm Giáo dục chính trị Huyện. Tháng 5 năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, huyện Ô Môn tổ chức cuộc tọa đàm học tập Bác Hồ. Tôi được giao nhiệm vụ viết và đọc bài tham luận chính về cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ 10 năm tích lũy tư liệu, trong đó có sách báo, tư liệu về Bác Hồ, bài viết của tôi về Bác có nội dung khá phong phú và chính xác. Cuộc tọa đàm học tập Bác Hồ đạt kết quả tốt đẹp. Mọi người, trong đó có bản thân tôi, hiểu về Bác nhiều hơn. Nhưng tôi tự thấy mình hiểu về Bác bao nhiêu đó chưa đủ. Tôi quyết định tiếp tục tự học, nghiên cứu sâu về Hồ Chí minh.
Ở Trường Đảng, chỉ mở lớp theo kế hoạch, không phải liên tục. Thời gian rỗi, tôi dành cho việc sưu tầm, đọc sách báo của Bác Hồ và sách báo, tư liệu viết về Bác Hồ. Cứ một hai tuần, tôi qua các nhà sách để mua những cuốn cần thiết, nhưng tập trung mua sách để nghiên cứu Hồ Chí Minh. Thường đến các ngày lễ kỷ niệm, các báo đăng nhiều bài viết về các ngày truyền thống phục vụ lễ. Tôi đọc, lưu giữ lại những bài cần thiết. Ngày qua ngày, sách báo và tài liệu nghiên cứu Hồ Chí Minh tôi tích lũy được ngày càng dày thêm.
Thời gian ở Ban Tuyên giáo và Trường Đảng huyện, tôi còn được học tập rất nhiều các đồng chí đồng nghiệp ở tỉnh, nhất là học tập ở các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ). Học về nhiệt huyết đối với công tác tuyên giáo, về kiến thức kinh nghiệm, về nghệ thuật diễn giảng, về nhân cách, phẩm chất. Mỗi người đều có nét hay nổi trội để tôi học tập. Người mà tôi học tập nhiều nhất, trọn vẹn nhất là đồng chí Tô Bửu Giám, ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang lúc đó.
Năm 1994, tôi được điều động về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ. Tính chất công việc càng quan trọng, yêu cầu chất lượng công việc càng cao, đối tượng phục vụ càng đa dạng. Tôi tự thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề. Về tỉnh, tôi có điều kiện dự nhiều hội nghị do trung ương tổ chức, nhiều buổi nghe Tổng Bí thư nói chuyện, tiếp nhận được nhiều thông tin từ các đồng chí lãnh đạo và giảng viên ở trung ương; được đi tham quan và học tập các tỉnh thành trong cả nước. Đầu óc, tầm nhìn như được mở rộng ra, hiểu biết - cả tri thức, lý luận thực tế - nhiều thêm.
Tôi được phân công báo cáo các nghị quyết của Đảng, các bài lý luận chính trị, các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối tượng mà tôi phục vụ có nhiều đồng chí là cán bộ lão thành cách mạng, có trình độ cao, kinh nghiệm nhiều. Tôi tự thấy mình chưa đủ sức báo cáo nhưng vì trách nhiệm phải làm. Tôi chuẩn bị thật chu đáo mỗi bài báo cáo. Trên cơ sở tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, tôi tham khảo thêm sách báo và tài liệu có liên quan, bổ sung những chi tiết cần thiết, làm phong phú thêm bài. Nhờ kết quả nhiều năm chú tâm nghiên cứu về Bác cùng với việc chuẩn bị bài chu đáo, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong đợt triển khai học tập các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh hồi năm 2003. Ngoài ra, tôi cũng tham gia viết một số bài về Bác Hồ trên tập san Thông tin Công tác Tư tưởng của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Theo đà đổi mới của đất nước, thị trường sách báo cũng dần dần đổi mới: đề tài đa dạng phong phú hơn, có mảng sách trước đây bị hạn chế nay được xuất hiện, trình bày đẹp hơn và tất nhiên giá cũng ngày càng…cao hơn. Tôi vẫn tiếp tục mua, đọc sách báo như một nhu cầu không thể thiếu được. Ngoài các sách cần thiết, các sách nghiên cứu Hồ Chí Minh, tôi chú ý mua các loại sách Hán Nôm để khi có điều kiện thời gian sẽ học sâu thêm nền văn hóa cổ này.
Năm 2004, tách tỉnh Cần Thơ, tôi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang. Buổi đầu công việc rất bề bộn. Năm 2005, mừng kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị Tỉnh tổ chức hội thảo chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng”. Tôi nghiên cứu và góp phần vào hội thảo bài tham luận: Đức cần kiệm trong tư tưởng và cuộc sống thường ngày của Bác Hồ. Sau hội thảo, cuối năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập hợp các bài tham luận, bổ sung một số bài mới, in thành cuốn Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, phát hành tặng các đại biểu dự đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XI. Hai năm sau, nhờ thôi làm thường trực, hội họp và sự vụ giảm bớt nhiều, ngoài công việc của Trung tâm Thông tin, tôi dành hết thời gian cho tự học, đọc sách, giảng bài và viết báo. Các công việc này trên thực tế nó liên quan và bổ sung cho nhau.
Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, đặc biệt tập "Ngục trung nhật ký" là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp văn hóa của Người. Tôi mua được các cuốn: Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh của Hoàng Tranh, Nhật ký trong tù của Viện Văn học, cuốn sau có chụp nguyên bản thủ bút toàn văn Ngục trung nhật ký của Bác. Thật là quí, trước đây bản gốc này bị “độc quyền”. Mấy năm trước, tôi đọc bản dịch Nhật ký trong tù, nguyên bản chữ Hán đọc chưa quá 20 bài. Tôi bắt tay vào học hết 169 bài thơ chữ Hán của Bác, trong đó có 133 bài trong Nhật ký trong tù. Tôi đọc, chữ nào không biết tra tự điển, phiên âm và dịch nghĩa. Tôi còn đọc một số bài bình của các nhà phê bình văn học để lãnh hội hết cái hay trong thơ chữ Hán của Bác. Tôi kiên trì học, chỉ hơn một tháng, tôi học hết 169 bài thơ chữ Hán của Bác. Tôi cũng tập dịch một số bài. Phần lớn các bài dịch trước đây của Viện Văn học đều đạt, hay. Tôi là kẻ hậu học, chỉ tập dịch để ghi lại kỷ niệm của mình khi học thơ chữ Hán của Bác mà thôi. Thí dụ, tôi dịch bài Nguyên tiêu như sau:
Nguyên tiêu vằng vặc trăng soi
Xuân sông nước tiếp xuân trời lung linh
Bàn trong khói sóng việc binh
Nửa đêm về cứ trăng linh láng thuyền
Từ năm 2007, Đảng ta phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là dịp để tôi tiếp tục học tập về Bác, đem những kết quả nghiên cứu và học tập được ở Bác để góp phần tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong Đảng và nhân dân. Ngoài việc tham gia tuyên truyền miệng, đến nay, tôi viết 30 bài về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đăng trên Thông tin Công tác Tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Báo Hậu Giang. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, tôi viết hai bài: Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất.
Tinh hoa văn hóa phương Đông cũng là một trong những nhân tố hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây, tôi có đọc một số sách về Nho giáo, như cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim (Sài Gòn 1971); nhưng thường chỉ qua “lăng kính” của tác giả chứ chưa đọc trực tiếp Tứ thư, Ngũ kinh. Mấy nam nay, tôi mua được các bản dịch có kèm theo nguyên văn chữ Hán: Tứ thư do Đoàn Trung Còn dịch, Ngữ văn Hán Nôm Ngũ Kinh của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Khổng Phu Tử và Luận Ngữ của Phạm Văn Khoái… Tôi đọc nguyên tác chữ Hán và bản dịch chú của tác giả này trước hết là để hiểu nội dung của Tứ thư, Ngũ Kinh; sau đó và chủ yếu là tìm hiểu xem Bác Hồ đã tiếp thu tinh hoa văn hóa Nho giáo như thế nào, một số câu nói của Bác kế thừa từ luận điểm của Nho giáo nằm ở chương sách nào. Thí dụ Bác nói: “Nước lấy dân làm gốc”  “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” là lấy ý từ câu “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên) trong Kinh thư. Câu Bác nói:“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên” được kế thừa từ một câu trong Luận ngữ: “Khâu dã văn hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an” (Khâu ta từng nghe nói người có nước có nhà không lo của ít mà sợ phân phối không đều, không sợ nghèo mà chỉ sợ không yên). Còn nhiều chỗ nữa. Nhưng có điều cần lưu ý rằng những ý tưởng Bác kế thừa thường được bổ sung, phát triển cho phù hợp với thời đại và mục tiêu cách mạng.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi học được nhiều điều bổ ích, trong đó có tấm gương học tập suốt đời của Người. Từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Năm 1956, nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa 1 trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục học suốt đời”. Người phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Năm 1957, Người nói với lớp lý luận chính trị khóa 1 trường Nguyễn Ái Quốc:“Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
Bác dạy chúng ta học tập suốt đời thì Bác thực hành đúng như vậy. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã học lớp trung đẳng tại trường Quốc học Huế và lớp cao đẳng ở trường Tiểu học Qui Nhơn. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người từng học ở trường Đại học Phương Đông (1923), Đại học Quốc tế Lênin (1934), nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (1937). Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học và trên thực tế cả cuộc đời Bác vẫn tự học là chính. Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình: Trình độ học vấn: tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc.
Bác học mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trong nước và trên thế giới. Người biết và sử dụng thông thạo trên 10 ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo nào. Tự học và suốt đời xả thân vì sự nghiệp cách mạng, Người là nơi hội tụ hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đỉnh cao là chủ nghĩa Mác Lênin, là biểu tượng của nền văn hóa mới của nhân loại như tiên đoán của nhà văn Manđenxtam từ năm 1923 khi lần đầu tiên gặp Người tại nước Nga:“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Theo tấm gương tự học suốt đời của Người, mấy mươi năm qua, dù có lúc cực kỳ khó khăn, công việc bề bộn, tôi cũng không quên việc học. Ngoài nhà trường, tôi học trong sách báo, học từ thực tiễn. Học mọi nơi, mọi lúc. Học ở nhân dân, học ở mọi người. Học văn hóa, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, văn học, triết học, chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Bác Hồ, cách mạng; trong đó, trọng tâm suốt 20 năm qua của tôi là học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thư phòng nho nhỏ của tôi đến nay có được trên 3000 cuốn sách, trong đó có gần 300 cuốn sách về Bác. Có những bộ sách quan trọng như: Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (đến nay 9 tập), Hồ Chí Minh tiểu sử, Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc của Giáo sư Song Thành, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (Võ Nguyên Giáp chủ biên), Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công 1931-1933 của Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Bốn mươi năm tự học, tôi tâm niệm nhiều điều: Học ở nhà trường, bằng cấp nhiều và cao cỡ nào đi nữa cũng chưa đủ; phải học, tự học suốt đời như lời dạy và tấm gương của Bác. Làm công tác tuyên giáo càng phải học. Học phải có trọng điểm, theo nhu cầu hiểu biết và phục vụ công tác của mình. Tận dụng mọi thời gian, hoàn cảnh để học. Học có hiệu quả nhất là kết hợp đọc, nói, viết, nghe, nhìn; trong đó, đọc sách - giảng bài - viết báo là mối liên hệ tác động cốt lõi nhất. Học  mới thấy mình càng phải học. nhiều hơn. Học không phải chỉ là thu thập kiến thức để khoe khoang với đời mà: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích đó thì phải: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” như Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta./.
 
Các từ khóa theo tin:
Phạm Minh Khải, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Gian


Xem them: Lý Chánh Trung. Nói chuyện với người đã khuất.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Công Ơn Cha Mẹ

Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
Đến gần tối mà cô bé vẫn còn lang thang trên phố. Nhìn vào nhà ở hai bên vệ đường, thấy mọi người quây quần bên bữa cơm tối, tiếng cười nói vui vẻ khiến cho cô càng buồn bã thêm. Bữa cơm gia đình đủ mặt những người thân thật ấm cúng biết chừng nào. Giá như không bỏ nhà ra đi thì giờ này cô đang ngồi ăn tối ở nhà cùng ba mẹ và anh chị em. Nghĩ đến đây cô bật khóc.
Cô bé đi ngang qua một xe mì gõ, nghe mùi thơm phưng phức, bụng cô càng đói cồn cào, chân đang bước bỗng chùn lại. Bác bán mì thấy cô bé mặt mũi tèm lem đứng trước xe mì trông có vẻ đang thèm thuồng lắm. Bác gọi cô lại và hỏi:
- Cháu muốn ăn mì phải không?
Cô bé e dè đáp:
- Vâng, cháu đang đói lắm. Nhưng cháu không có tiền.
Bác bán mì tỏ ra thông cảm:
- Không sao đâu. Bác đãi cháu, cháu hãy vào ngồi đi.
Bụng đang đói, cô bé bưng tô mì ăn ngấu nghiến một cách ngon lành. Ăn xong, cô đứng lên cúi đầu chào bác bán mì và nói lời cảm ơn. Không kiềm được xúc động, cô bé khóc tức tưởi:
- Cháu cảm ơn bác! Bác thật là một người tốt. Bác với cháu không quen biết mà bác lại đối xử với cháu tốt như thế, chẳng như mẹ cháu là người thân của cháu mà lại không thương cháu.
Bác bán mì xoa đầu cô bé nói:
- Cháu không nên nói như thế. Bác chỉ cho cháu một tô mì thôi mà cháu đã cảm kích đến như vậy, trong khi đó mẹ cháu đã cho cháu cả cuộc đời mà cháu không biết ơn của mẹ. Mẹ đã sinh ra cháu, nuôi dưỡng và dạy dỗ cháu, công lao ấy to lớn biết chừng nào, vậy mà chỉ vì một lúc dỗi hờn cháu đã bỏ mẹ mà đi.
Nghe đến đây cô bé bật khóc nức nở:
- Cháu thật vô tâm! Cháu có lỗi với mẹ nhiều lắm.
Cô bé nghĩ, chắc mẹ đang tìm kiếm cô khắp nơi, không gặp cô chắc mẹ lo lắng lắm. Cô vội chào bác bán mì và chạy mau về nhà để nói với mẹ lời xin lỗi.
Về đến nhà, cô đã thấy mẹ đứng trước cổng chờ cô. Vừa trông thấy con, bà hết sức mừng rỡ chạy đến ôm cô vào lòng và khóc:
- Từ sáng đến giờ con đi đâu để mẹ tìm khắp nơi mà không gặp. Con có biết mẹ lo lắng lắm không?
Cô bé òa lên khóc và nói lời xin lỗi mẹ:
- Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Từ nay con sẽ vâng lời mẹ.


(Kể theo Cửa sổ tâm hồn)
 

Cha mẹ là người có công ơn to lớn đối với chúng ta, là người gần gũi, thân thiết và yêu thương chúng ta hơn ai hết. Cha mẹ đã sinh thành, nuôi khôn lớn và dạy dỗ chúng ta nên người, biết bao công lao khó nhọc không thể kể hết. Nếu không có cha mẹ làm sao chúng ta có mặt trên cuộc đời này.
Thế mà vì những giận hờn nông nổi, có người đã phủi ơn cha mẹ một cách mau chóng, hoặc vì chạy theo bóng sắc, tiền tài mà lắm người quên bỏ cha mẹ của mình. Không ít những đứa con chỉ vì không được cha mẹ chìu lòng hoặc bị cha mẹ rầy la quở trách mà tự vẫn hay bỏ nhà đi hoang, ôm niềm oán hận cha mẹ. Không ít những đứa con vô tâm chỉ biết làm cho cha mẹ lo lắng, buồn khổ bằng những hành vi sai trái như lười biếng học hành, tập tành ăn chơi hưởng thụ, sống đua đòi theo chúng bạn… Nhưng dù con ngoan hay hư hỏng thì cha mẹ vẫn dành cho con sự bao dung và thương yêu vô bờ.
Khi có ai đó dành cho ta tình cảm tốt đẹp hoặc giúp đỡ ta điều gì, ta hết sức cảm kích và tỏ lòng biết ơn. Nhưng công ơn cha mẹ đối với ta như trời cao biển rộng thì ta lại không để ý. Mấy ai tự xét lại mình đã làm được những gì để đáp đền công ơn cha mẹ. Mình đã làm gì cho cha mẹ được vui? Mình đã làm gì để cha mẹ tự hào? Mình đã quan tâm chăm sóc cha mẹ chu đáo về đời sống vật chất lẫn tinh thần hay chưa?
Chỉ khi làm cha mẹ, chúng ta mới hiểu hết tình thương yêu và những vất vả nhọc nhằn của cha mẹ. Cho nên Đức Phật dạy, muốn báo hiếu cho cha mẹ đầy đủ và ý nghĩa nhất thì ngoài việc kính yêu, hết lòng chăm lo phụng dưỡng cha mẹ, chúng ta cần phải biết hướng cha mẹ làm điều lành, kính tin Tam bảo, tu tập Chánh pháp để tạo an lạc, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, có như thế mới mong đáp đền công ơn cha mẹ.

PHAN MINH ĐỨC


Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Hạn hán lịch sử tại California

image
Dramatic Photos of California's Historic Drought .
Hình ảnh khủng khiếp về hạn hán lịch sử tại California, Hoa Kỳ (3/9/2014).
According to the U.S. Drought Monitor, 82 percent of the state of California currently falls in the "Extreme Drought" category. The years-long dry spell has tapped groundwater reserves and left reservoirs at record lows. Shasta Lake and Lake Oroville are both down to 30% of full capacity, exposing steep shorelines that were formerly under hundreds of feet of water.

image
Marinas are crowding into ever-smaller coves as the water recedes, and ramps and roads no longer reach the shoreline. Getty Images photographer Justin Sullivan traveled to a number of these reservoirs last month and captured dramatic images, evidence of the severity of the water crisis in California.

image
Theo Sở Đo Đạc Hạn Hán của Mỹ, 82 phần trăm của Tiểu bang California hiện đang ở mức độ "đại hạn hán". Các đợt khô hạn kéo dài nhiều năm đã rút cạn nguồn dự trữ nước ngầm và để lại các hồ chứa ở mức thấp kỷ lục. Hồ Shasta và Hồ Oroville đều giảm chỉ còn 30% trữ lượng, lộ ra bờ dốc nơi trước đây nằm dưới hàng trăm thước nước. Bến du thuyền đang tràn ngập vào vịnh nhỏ càng nhỏ hơn khi nước rút đi, đường dốc và đường đi không còn sát gần với bờ biển. Getty Images: Nhiếp ảnh gia Justin Sullivan đi du lịch đến một số các hồ chứa vào tháng trước đã chụp được những hình ảnh bi đát, bằng chứng về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nước ở California.

image
1/ A section of Lake Oroville is seen nearly dry on August 19, 2014 in Oroville, California. As the severe drought in California continues for a third straight year, water levels in the State's lakes and reservoirs are reaching historic lows. Lake Oroville is currently at 32 percent of its total 3,537,577 acre feet.
1/ Một phần của hồOroville được thấy gần khô cạn vào ngày 19 tháng tám năm 2014 ở Oroville, California. Khi hạn hán nghiêm trọng ở California tiếp tục diễn ra đến năm thứba, mực nước trong các hồ, và hồ chứa của Nhà nước đang đạt mức thấp lịch sử. HồOroville hiện đang ở mức 32 phần trăm của tổng số 3.537.577 mẫu Anh

image
2/ Low water levels are visible in the Bidwell Marina at Lake Oroville on August 19, 2014 in Oroville, California.
2/ Mực nước thấp có thể nhìn thấy trong Marina Bidwell tại hồ Oroville vào ngày 19 tháng tám năm 2014 ở Oroville,. California

image
3/ Dry cracked earth on the banks of Shasta Lake at Holiday Harbor in Lakehead, California, on August 30, 2014. Shasta Lake is currently near 30 percent of its total capacity, the lowest it has been since 1977.
3/ Đất khô nứt trên bờ hồ Shasta tại cảng Holiday ở Lakehead, California, vào ngày 30, năm 2014. HồShasta hiện nay chỉ còn gần 30 phần trăm tổng sức chứa của nó, là mực thấp nhất kể từ năm 1977.

image
4/ Rings on the banks of Lake Oroville that used to be under water on August 19, 2014 in Oroville, California.
4/ Những vòng trên bờhồ Oroville, nơi trước đây thường ở dưới nước, vào ngày 19 tháng tám 2014 ởOroville,.

image
5/ A buoy sits on dry cracked earth on a dry inlet of Shasta Lake on August 30, 2014 in Lakehead, California.
5/ Một cái phao nằm trên mặt đất nứt khô ở hồ Shasta vào ngày 30 tháng 8, 2014, tại Lakehead,. California

image
6/ (1 of 2) For a before-and-after comparison, first an image from a wetter time: the Green Bridge passes over full water levels at a section of Lake Oroville near the Bidwell Marina on July 20, 2011. (Paul Hames/California Department of Water Resources
6/ ( 1 trong 2) So sánh trước và sau, đầu tiên là hình của thời ẩm ướt hơn. cầu Green Bridge bắc qua mực nước đầy đủ tại một phần của hồ Oroville gần bến du thuyền Bidwell Marina vào ngày 20 tháng 7, 2011 (Paul Hames / Sở Tài nguyên Nước vùng California

image
7/ (2 of 2) Seen from the same location as the previous image, the Green Bridge passes over low water levels at a section of Lake Oroville on August 19, 2014.
7/ (2 trong 2) Nhìn từ cùng một vị trí như hình ảnh ở trên, cầu Green Bridge bắc qua mực nước thấp tại một phần của hồ Oroville vào ngày 19 tháng 8, 2014.

image
8/ (1 of 2) Full water levels in the Bidwell Marina at Lake Oroville on July 20, 2011. (Paul Hames/California Department of Water Resources
8/ (1 trong 2) Mức nước đầy đủ nơi bến Bidwell Marina tại hồ Oroville vào ngày 20 tháng 7, 2011. (Paul Hames / Sở Tài nguyên Nước ở California

image
9/ (2 of 2) Low water levels in the Bidwell Marina at Lake Oroville on August 19, 2014.
9/ (2 of 2) Mực nước thấp nơi bến Bidwell Marina tại hồ Oroville trên 19 tháng 8, 2014.

image
10/ (1 of 2) Before: full water levels in the Bidwell Marina at Lake Oroville on on July 20, 2011. (Paul Hames/California Department of Water Resources
10/ (1 trong 2) Xưa: mực nước đầy đủ nơi bến Bidwell Marina tại hồ Oroville vào ngày 20tTháng 7, 2011 (Paul Hames / Sở Tài nguyên Nước ở California

image
11/ (2 of 2) After: low water levels in the Bidwell Marina at Lake Oroville on August 19, 2014.
11/ (2 of 2) Nay: mực nước thấp nơi Bến Marina Bidwell tại hồ Oroville vào ngày 19 tháng 8 năm 2014

image
12/ (1 of 2) Before: the Enterprise Bridge passes over a full Lake Oroville on July 20, 2011. (Paul Hames/California Department of Water Resources
12/ (1 trong 2) Hình chụp cầu Enterprise Bridge bắt qua hồ Oroville đầy nước vào ngày 20 tháng 7, 2011 (Paul Hames / Sở Tài nguyên nước ở California

image
13(2 of 2) After: the Enterprise Bridge passes over a nearly dry Lake Oroville on August 19, 2014.
13(2 of 2) Nay: cầu Enterprise Bridge bắt qua hồ Oroville gần như khô cạn ngày 19 tháng 8, 2014

image
14/ Deer walk on ground that used to be the bottom of Shasta Lake near Digger Bay Marina on August 30, 2014 in Redding, California.
14/ Nai bước đi trên mặt đất nơi từng là đáy của hồ Shasta gần vịnh Digger Marina Bay vào ngày 30 tháng 8, năm 2014 tại vùng Redding, California

image
15/ Animal tracks in dry cracked earth on the banks of Shasta Lake on August 30, 2014 in Lakehead, California.
15/ Dấu chân động vật in trên đất khô nứt trên bờ hồ Shasta vào ngày 30 tháng 8,2014 tại vùng Lakehead,California

image
16/ The Digger Bay marina sits in the low waters of Shasta Lake far away from the boat ramp on August 30, 2014 in Redding, California.
16/ Các bến du thuyền vịnh Digger Bay nằm nơi mực nước thấp ở hồ Shasta, xa khỏi con dốc dành cho thuyền, ngày 30 tháng 8, 2014 tại vùng Redding,California

image
17/ Water lines are visible in steep banks of Shasta Lake at Bridge Bay Resort in Redding, California, on August 30, 2014.
17/ Những đường vòng chỉ mực nước có thể nhìn thấy nơi các bờ dốc của hồ Shasta tại khu nghỉ mát Bridge Bay tại vùng Redding, California, ngày 30 tháng 8, 2014.

image
18 The Oroville Dam spillway stands dry at Lake Oroville on August 19, 2014.
18 Các đường ống xảlũ của đập Oroville khô cằn tại hồ Oroville vào ngày 19 tháng 8, 2014.

image
19/ A houseboat is dwarfed by the steep banks of Shasta Lake on August 30, 2014 in Redding, California.
19/ Một ngôi nhà nổi trông tý hon so với các bờ dốc của hồ Shasta vào ngày 30 tháng 8, 2014 tại vùng Redding, California

image
20/ Shasta Lake's Bailey Cove is seen completely dry on August 31, 2014 in Lakehead, California.
20/ Vịnh Bailey Cove của hồ Shasta nhìn khô hoàn toàn, ngày 31 tháng 8, 2014 tại vùng Lakehead, California

image
21/ A paddleboarder floats on the waters of Shasta Lake near the Shasta Marina Resort on August 30, 2014 in Lakehead, California.
21/ Một "người chèo trên ván" nổi trên mặt nước nơi hồ Shasta, gần khu du lịch Bến Shasta Marina ngày 30 tháng 8, 2014 tại vùng Lakehead, California

image
22/ House boats are dwarfed by the steep banks of a shrinking Lake Oroville on August 19, 2014 in Oroville, California. As the severe drought in California continues for a third straight year, water levels in the State's lakes and reservoirs is reaching historic lows. Lake Oroville is currently at 32 percent of its capacity.
22/ Các nhà nổi trông nhỏ bé so với những bờ dốc cao của hồ Oroville đang dần khô cạn, vào ngày 19 tháng 8, 2014 tại vùng Oroville, California. Hạn hán nghiêm trọng ở California tiếp tục ba năm liên tiếp, mực nước trong các hồ, và hồ chứa nước ngọt của Tiểu bang đang đạt đến mức thấp lịch sử. Hồ Oroville hiện đang ở mức 32 phần trăm sức chứa của nó.

image

image

image

image