(ĐCSVN) - Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, thích đọc sách từ lúc còn ngồi ghế nhà trường phổ thông. Năm 1971, vào đại học, tôi lại càng mê đọc sách, trước hết là sách chuyên ban Việt Hán mà tôi học. Rồi sách báo chính trị, nói về cuộc chiến tranh ở miền Nam đang diễn ra ngày càng ác liệt. Dưới chế độ Mỹ ngụy, nhà trường và hệ thống tuyên truyền của chúng đều phục vụ chế độ và chủ trương chống cộng; không dễ gì tìm kiếm những thông tin về cách mạng, Đảng, Bác Hồ. Nhưng thời đó ở miền Nam, có nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động chính trị yêu nước viết nhiều sách báo tiến bộ. Tôi bắt đầu tìm đọc và lưu trữ những sách báo đó.
Năm 1969, khi Bác Hồ mất, một số báo công khai ở Sài Gòn đăng tin bài về đám tang và tưởng niệm Bác. Mãi gần 2 năm sau, tôi mới đọc được bài Nói chuyện với Người đã khuất của Giáo sư Lý Chánh Trung trên tạp chí Đất Nước số 14 (tháng 10 năm 1969) do người bạn cho mượn. Bài viết đó nhiều đoạn thật cảm động: “Cụ là một vĩ nhân, hầu hết mọi người đều nhìn nhận như vậy, dầu là bạn hay thù, dầu là khen hay chê cái sự nghiệp mà cụ dựng nên từ hai bàn tay trắng… Tôi khâm phục Cụ đã trung thành tuyệt đối với sự lựa chọn của mình. Và tôi có thể noi gương Cụ để đi tận con đường của tôi, con đường mà tôi đã chọn trước lương tâm tôi như Cụ đã làm 50 năm trước…. Khi tên Cụ được công bố và hình ảnh Cụ được phát hành, người ta đã nói với nhau như một bản năng nào đó: “Đó là một vị anh hùng, đó là người của chúng ta”.
Thời đó, có một số tạp chí tiến bộ như Đất Nước, Trình Bày, nhưng theo tôi, Đối Diện và Chọn là hai tạp chí đặt thẳng nhiều vấn đề và có tinh thần đấu tranh mạnh nhất. Tôi tìm đọc và cất giữ đến ngày giải phóng gần đủ bộ tạp chí Đối Diện (Đồng Dao, Đứng Dậy) và Chọn. Trong đó có nhiều số chuyên đề rất hay như: Bài học cách mạng của Lênin (Đối Diện, 12.1970); Diễn tiến cuộc xây dựng và phát triển chính sách thực dân mới của Mỹ tại Việt Nam (Đối Diện, 8.1971); Khái niệm về Chủ nghĩa thực dân mới (Đối diện, 6.1972); Diễn tiến và ý nghĩa của cách mạng Tháng Tám (Đối Diện, 8.1972); Miền Bắc có gì lạ (Đối Diện, 2.1974); Công giáo kháng chiến Nam bộ của Lê Tiền Giang (Chọn, 2.1972)...
Tôi còn tìm đọc và lưu trữ các cuốn: "Bọt biển và sóng ngầm" của Lý Chánh Trung, "Cho cây rừng còn xanh lá" và "Nước ta còn đó" của Nguyễn Ngọc Lan, Tù chính trị tại miền Nam Việt Nam sau ngày ký Hiệp định Paris của Chân Tín, Tù của đế quốc của Hồ Ngọc Nhuận.
Tôi nhớ hoài kỷ niệm một lần mua các loại “sách cấm” nói trên. Năm 1973, lúc đó tôi đang dạy thực tập ở trung học Thủ Khoa Huân (Vĩnh Long). Đang dạy ở lớp thì có một học sinh trực dẫn một người khách lạ đến cửa lớp, nói: “Thưa thầy, có khách tìm”. Tôi ra cửa chào khách và lo không biết chuyện gì xảy đến. Nhưng khách đưa một gói dán kín và nói: “Linh mục Nguyễn Nghị gửi gói sách và bức thư này cho thầy”. Tôi nhận và cám ơn người khách. Dạy xong, về nhà, tôi mở thư ra đọc. Thư của Linh mục Nguyễn Nghị đề ngày 19.12.1973, nói rằng nhận thư của tôi đã lâu và đã chạy kiếm những tập tài liệu tôi cần, “nhưng vì đây là những tài liệu đặc biệt nên không thể gửi bằng bưu điện, phần vì có thể bị kiểm duyệt và bị tịch thu, phần vì có thể liên lụy tới người nhận”, nên “phải đợi dịp chắc chắn và đó là lý do của sự chậm trễ ngoài ý muốn này”, mong tôi thông cảm. Qua thư tôi mới biết người cầm sách trên đem tới tôi là thầy Tuấn.
Thật ra, dòng sách báo tiến bộ, yêu nước ở miền Nam trước năm 1975 còn nhiều. Nhưng những sách báo và tài liệu nói trên thuộc loại “quốc cấm”, ai mua bán, vận chuyển hoặc tàng trữ có thể bị bắt ở tù. Như trường hợp cô Trần Cẩm Tố, người chuyên bán Đối Diện ở thành phố Cần Thơ trước năm 1975 mà tôi thường đến mua, bị bắt giam 1 năm, giải phóng mới được ra tù.
Trong các nhà văn, trí thức yêu nước ở miền Nam đấu tranh chống Mỹ ngụy, tôi thích và khâm phục Nguyễn Ngọc Lan. Tôi có đủ các tác phẩm của ông: Chứng từ năm năm; Đường hay pháo đài; Cho cây rừng còn xanh lá; Nước ta còn đó. Ông có lập trường chống Mỹ ngụy dũng cảm, dứt khoát, triệt để. Như kết luận bàiChống Mỹ cứu nước, ông viết: “Không một bạo lực đế quốc hay nô lệ nào sẽ bắt giữ nổi cả một dân tộc ngày xưa ngàn năm chống Tàu, mới hôm qua đây chín mươi năm chống Pháp, và hôm nay, bao lâu còn lính Mỹ nện gót giầy trên đất nước này còn chống Mỹ cứu nước. Chống Mỹ cứu nước cách này hay cách khác, ở thành thị hay thôn quê, dưới biển hay trên rừng, nhưng không có chính nghĩa nào khác” (Cho cây rừng còn xanh lá, tr. 309-310). Ông giàu cảm xúc, văn ông trữ tình, dễ đi vào lòng người. Không phải chỉ riêng tôi mà cả trí thức, sinh viên học sinh, những người yêu nước ở miền Nam trước đều kính phục ông.
Năm 1975, sau khi miền Nam được giải phóng, tôi viết thư ra Hà Nội, thăm hỏi và nhờ người cậu ruột tập kết tìm mang về Nam cho tôi một số sách viết về Đảng, Bác Hồ, chủ nghĩa xã hội. Nửa năm sau, cậu tôi mang về cho tôi 8 cuốn sách trong đó có cuốn: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp. Tôi liền dành thời gian trọn một tháng để tìm hiểu, học tập Bác Hồ trong cuốn sách này. Thích quá, lần đầu tiên tôi được nghiên cứu toàn diện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, tóm tắt những mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Cuối năm 1975, tôi còn mua được cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" của Trần Dân Tiên do Nhà xuất bản Thanh Niên Giải phóng in vào tháng 6.1975, có lẽ đây là cuốn sách viết về Bác Hồ được in lại đầu tiên ở miền Nam sau ngày giải phóng. Cuốn sách đã giúp tôi hiểu sinh động hơn nhiều chi tiết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
Từ đó trở đi, với số lương ít ỏi của một cán bộ phụ trách Trường Bồi dưỡng giáo dục huyện (Ô Môn), ăn uống rất thiếu thốn, nhưng tôi vẫn dành dụm tiền để mua sách học. Học để thỏa mãn hiểu biết, nâng cao tri thức cho mình; đồng thời phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên. Sách thời bao cấp rất rẻ, dễ mua. Sách tôi mua đọc tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội: văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học, triết học, Chủ nghĩa Mác Lênin, Bác Hồ, Đảng, cách mạng. Thời gian này, mỗi ngày tôi nhín chút thời gian để học tiếp chữ Hán. Sách học chủ yếu là cuốn Chữ Nho tự học của Đào Mộng Long (Việt Nam văn hiến, Sài Gòn 1970) do một người bạn tặng.
Năm 1982, tôi được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc IX (sau đó nhập với trường Tuyên huấn TW3 thành trường Tuyên huấn TW2). Ba năm (1982-1985) ở trường Tuyên huấn TW2, ngoài việc phải tập trung chương trình học chính khóa, tôi tiếp tục mua sách học thêm, nhất là sách lý luận chính trị. Thời gian này, nước ta nhập khẩu nhiều sách Nhà xuất bản Tiến bộ (Maxcơva) với nhiều thứ tiếng. Sách in giấy trắng, bìa cứng, đẹp, giá rất rẻ. Tôi thực hiện phương châm tự đề ra: học chính trị kết hợp với việc trau dồi thêm tiếng Pháp. Tôi mua các sách kinh điển Mác Lênin bằng tiếng Pháp của Nhà xuất bản Tiến bộ (Maxcơva), đặc biệt là bộ OEuvres choisies (3 tập) của Marx Engels; cuốn Mouvement communiste international của Zangladine. Khi nghiên cứu kinh điển, tôi đối chiếu bản tiếng Việt và bản tiếng Pháp để hiểu nội dung được chính xác, đồng thời có thêm vốn từ tiếng Pháp, nhất là từ ngữ lý luận chính trị.
Cuối năm 1985, học xong cao cấp lý luận, tôi được phân công về Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ô Môn, thay vì trở về ngành giáo dục. Tôi khởi nghiệp công tác tuyên giáo từ đây. Tôi tự nhủ: mình ráng học và ráng làm chắc mọi việc cũng xong. Ngoài các công việc thường xuyên, tôi tham gia giảng bài các chương trình ở Trường Đảng và báo cáo các nghị quyết của Đảng, thời sự trong nước và quốc tế. Mỗi bài giảng và báo cáo, tôi chuẩn bị thật chu đáo, xem đây là cơ hội để mình học tập bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng và nghệ thuật giảng dạy, báo cáo thời sự.
Năm 1989, tôi được phân công về Trường Đảng Ô Môn, sau chuyển thành Trung tâm Giáo dục chính trị Huyện. Tháng 5 năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, huyện Ô Môn tổ chức cuộc tọa đàm học tập Bác Hồ. Tôi được giao nhiệm vụ viết và đọc bài tham luận chính về cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ 10 năm tích lũy tư liệu, trong đó có sách báo, tư liệu về Bác Hồ, bài viết của tôi về Bác có nội dung khá phong phú và chính xác. Cuộc tọa đàm học tập Bác Hồ đạt kết quả tốt đẹp. Mọi người, trong đó có bản thân tôi, hiểu về Bác nhiều hơn. Nhưng tôi tự thấy mình hiểu về Bác bao nhiêu đó chưa đủ. Tôi quyết định tiếp tục tự học, nghiên cứu sâu về Hồ Chí minh.
Ở Trường Đảng, chỉ mở lớp theo kế hoạch, không phải liên tục. Thời gian rỗi, tôi dành cho việc sưu tầm, đọc sách báo của Bác Hồ và sách báo, tư liệu viết về Bác Hồ. Cứ một hai tuần, tôi qua các nhà sách để mua những cuốn cần thiết, nhưng tập trung mua sách để nghiên cứu Hồ Chí Minh. Thường đến các ngày lễ kỷ niệm, các báo đăng nhiều bài viết về các ngày truyền thống phục vụ lễ. Tôi đọc, lưu giữ lại những bài cần thiết. Ngày qua ngày, sách báo và tài liệu nghiên cứu Hồ Chí Minh tôi tích lũy được ngày càng dày thêm.
Thời gian ở Ban Tuyên giáo và Trường Đảng huyện, tôi còn được học tập rất nhiều các đồng chí đồng nghiệp ở tỉnh, nhất là học tập ở các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang (cũ). Học về nhiệt huyết đối với công tác tuyên giáo, về kiến thức kinh nghiệm, về nghệ thuật diễn giảng, về nhân cách, phẩm chất. Mỗi người đều có nét hay nổi trội để tôi học tập. Người mà tôi học tập nhiều nhất, trọn vẹn nhất là đồng chí Tô Bửu Giám, ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang lúc đó.
Năm 1994, tôi được điều động về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ. Tính chất công việc càng quan trọng, yêu cầu chất lượng công việc càng cao, đối tượng phục vụ càng đa dạng. Tôi tự thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề. Về tỉnh, tôi có điều kiện dự nhiều hội nghị do trung ương tổ chức, nhiều buổi nghe Tổng Bí thư nói chuyện, tiếp nhận được nhiều thông tin từ các đồng chí lãnh đạo và giảng viên ở trung ương; được đi tham quan và học tập các tỉnh thành trong cả nước. Đầu óc, tầm nhìn như được mở rộng ra, hiểu biết - cả tri thức, lý luận thực tế - nhiều thêm.
Tôi được phân công báo cáo các nghị quyết của Đảng, các bài lý luận chính trị, các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối tượng mà tôi phục vụ có nhiều đồng chí là cán bộ lão thành cách mạng, có trình độ cao, kinh nghiệm nhiều. Tôi tự thấy mình chưa đủ sức báo cáo nhưng vì trách nhiệm phải làm. Tôi chuẩn bị thật chu đáo mỗi bài báo cáo. Trên cơ sở tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, tôi tham khảo thêm sách báo và tài liệu có liên quan, bổ sung những chi tiết cần thiết, làm phong phú thêm bài. Nhờ kết quả nhiều năm chú tâm nghiên cứu về Bác cùng với việc chuẩn bị bài chu đáo, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong đợt triển khai học tập các chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh hồi năm 2003. Ngoài ra, tôi cũng tham gia viết một số bài về Bác Hồ trên tập san Thông tin Công tác Tư tưởng của Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Theo đà đổi mới của đất nước, thị trường sách báo cũng dần dần đổi mới: đề tài đa dạng phong phú hơn, có mảng sách trước đây bị hạn chế nay được xuất hiện, trình bày đẹp hơn và tất nhiên giá cũng ngày càng…cao hơn. Tôi vẫn tiếp tục mua, đọc sách báo như một nhu cầu không thể thiếu được. Ngoài các sách cần thiết, các sách nghiên cứu Hồ Chí Minh, tôi chú ý mua các loại sách Hán Nôm để khi có điều kiện thời gian sẽ học sâu thêm nền văn hóa cổ này.
Năm 2004, tách tỉnh Cần Thơ, tôi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang. Buổi đầu công việc rất bề bộn. Năm 2005, mừng kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị Tỉnh tổ chức hội thảo chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng”. Tôi nghiên cứu và góp phần vào hội thảo bài tham luận: Đức cần kiệm trong tư tưởng và cuộc sống thường ngày của Bác Hồ. Sau hội thảo, cuối năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập hợp các bài tham luận, bổ sung một số bài mới, in thành cuốn Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, phát hành tặng các đại biểu dự đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XI. Hai năm sau, nhờ thôi làm thường trực, hội họp và sự vụ giảm bớt nhiều, ngoài công việc của Trung tâm Thông tin, tôi dành hết thời gian cho tự học, đọc sách, giảng bài và viết báo. Các công việc này trên thực tế nó liên quan và bổ sung cho nhau.
Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, đặc biệt tập "Ngục trung nhật ký" là bộ phận quan trọng trong sự nghiệp văn hóa của Người. Tôi mua được các cuốn: Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh của Hoàng Tranh, Nhật ký trong tù của Viện Văn học, cuốn sau có chụp nguyên bản thủ bút toàn văn Ngục trung nhật ký của Bác. Thật là quí, trước đây bản gốc này bị “độc quyền”. Mấy năm trước, tôi đọc bản dịch Nhật ký trong tù, nguyên bản chữ Hán đọc chưa quá 20 bài. Tôi bắt tay vào học hết 169 bài thơ chữ Hán của Bác, trong đó có 133 bài trong Nhật ký trong tù. Tôi đọc, chữ nào không biết tra tự điển, phiên âm và dịch nghĩa. Tôi còn đọc một số bài bình của các nhà phê bình văn học để lãnh hội hết cái hay trong thơ chữ Hán của Bác. Tôi kiên trì học, chỉ hơn một tháng, tôi học hết 169 bài thơ chữ Hán của Bác. Tôi cũng tập dịch một số bài. Phần lớn các bài dịch trước đây của Viện Văn học đều đạt, hay. Tôi là kẻ hậu học, chỉ tập dịch để ghi lại kỷ niệm của mình khi học thơ chữ Hán của Bác mà thôi. Thí dụ, tôi dịch bài Nguyên tiêu như sau:
Nguyên tiêu vằng vặc trăng soi
Xuân sông nước tiếp xuân trời lung linh
Bàn trong khói sóng việc binh
Nửa đêm về cứ trăng linh láng thuyền
Từ năm 2007, Đảng ta phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là dịp để tôi tiếp tục học tập về Bác, đem những kết quả nghiên cứu và học tập được ở Bác để góp phần tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong Đảng và nhân dân. Ngoài việc tham gia tuyên truyền miệng, đến nay, tôi viết 30 bài về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đăng trên Thông tin Công tác Tư tưởng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Báo Hậu Giang. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, tôi viết hai bài: Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc và Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất.
Tinh hoa văn hóa phương Đông cũng là một trong những nhân tố hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây, tôi có đọc một số sách về Nho giáo, như cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim (Sài Gòn 1971); nhưng thường chỉ qua “lăng kính” của tác giả chứ chưa đọc trực tiếp Tứ thư, Ngũ kinh. Mấy nam nay, tôi mua được các bản dịch có kèm theo nguyên văn chữ Hán: Tứ thư do Đoàn Trung Còn dịch, Ngữ văn Hán Nôm Ngũ Kinh của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Khổng Phu Tử và Luận Ngữ của Phạm Văn Khoái… Tôi đọc nguyên tác chữ Hán và bản dịch chú của tác giả này trước hết là để hiểu nội dung của Tứ thư, Ngũ Kinh; sau đó và chủ yếu là tìm hiểu xem Bác Hồ đã tiếp thu tinh hoa văn hóa Nho giáo như thế nào, một số câu nói của Bác kế thừa từ luận điểm của Nho giáo nằm ở chương sách nào. Thí dụ Bác nói: “Nước lấy dân làm gốc” và “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” là lấy ý từ câu “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên) trong Kinh thư. Câu Bác nói:“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên” được kế thừa từ một câu trong Luận ngữ: “Khâu dã văn hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an” (Khâu ta từng nghe nói người có nước có nhà không lo của ít mà sợ phân phối không đều, không sợ nghèo mà chỉ sợ không yên). Còn nhiều chỗ nữa. Nhưng có điều cần lưu ý rằng những ý tưởng Bác kế thừa thường được bổ sung, phát triển cho phù hợp với thời đại và mục tiêu cách mạng.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi học được nhiều điều bổ ích, trong đó có tấm gương học tập suốt đời của Người. Từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”. Năm 1956, nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa 1 trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục học suốt đời”. Người phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Năm 1957, Người nói với lớp lý luận chính trị khóa 1 trường Nguyễn Ái Quốc:“Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”.
Bác dạy chúng ta học tập suốt đời thì Bác thực hành đúng như vậy. Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã học lớp trung đẳng tại trường Quốc học Huế và lớp cao đẳng ở trường Tiểu học Qui Nhơn. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người từng học ở trường Đại học Phương Đông (1923), Đại học Quốc tế Lênin (1934), nghiên cứu sinh Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa (1937). Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học và trên thực tế cả cuộc đời Bác vẫn tự học là chính. Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lý lịch của mình: Trình độ học vấn: tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc.
Bác học mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trong nước và trên thế giới. Người biết và sử dụng thông thạo trên 10 ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo nào. Tự học và suốt đời xả thân vì sự nghiệp cách mạng, Người là nơi hội tụ hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đỉnh cao là chủ nghĩa Mác Lênin, là biểu tượng của nền văn hóa mới của nhân loại như tiên đoán của nhà văn Manđenxtam từ năm 1923 khi lần đầu tiên gặp Người tại nước Nga:“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa không phải văn hóa châu Âu mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
Theo tấm gương tự học suốt đời của Người, mấy mươi năm qua, dù có lúc cực kỳ khó khăn, công việc bề bộn, tôi cũng không quên việc học. Ngoài nhà trường, tôi học trong sách báo, học từ thực tiễn. Học mọi nơi, mọi lúc. Học ở nhân dân, học ở mọi người. Học văn hóa, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, văn học, triết học, chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Bác Hồ, cách mạng; trong đó, trọng tâm suốt 20 năm qua của tôi là học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thư phòng nho nhỏ của tôi đến nay có được trên 3000 cuốn sách, trong đó có gần 300 cuốn sách về Bác. Có những bộ sách quan trọng như: Hồ Chí Minh toàn tập (12 tập), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (đến nay 9 tập), Hồ Chí Minh tiểu sử, Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc của Giáo sư Song Thành, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (Võ Nguyên Giáp chủ biên), Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công 1931-1933 của Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Bốn mươi năm tự học, tôi tâm niệm nhiều điều: Học ở nhà trường, bằng cấp nhiều và cao cỡ nào đi nữa cũng chưa đủ; phải học, tự học suốt đời như lời dạy và tấm gương của Bác. Làm công tác tuyên giáo càng phải học. Học phải có trọng điểm, theo nhu cầu hiểu biết và phục vụ công tác của mình. Tận dụng mọi thời gian, hoàn cảnh để học. Học có hiệu quả nhất là kết hợp đọc, nói, viết, nghe, nhìn; trong đó, đọc sách - giảng bài - viết báo là mối liên hệ tác động cốt lõi nhất. Học mới thấy mình càng phải học. nhiều hơn. Học không phải chỉ là thu thập kiến thức để khoe khoang với đời mà: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích đó thì phải: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” như Bác Hồ kính yêu đã dạy chúng ta./.
|
Các từ khóa theo tin:
|
Phạm Minh Khải, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Gian
Xem them: Lý Chánh Trung. Nói chuyện với người đã khuất.
|
Trang blog này nhằm lưu lại những bài viết của chính tác giả hoặc của những tác giả khác đã viết và công bố trên các ấn phẩm chính thức, trên phương tiện truyền thông đại chúng, và trên mạng Internet, về những vấn đề Kinh Tế, Văn hoá, Xã hội, Y tế & Giáo dục đang cần tìm hiểu...lúc tuổi già. Không biết nói gì hơn, ngoài lời được xin phép và trân trọng cám ơn các bạn có bài đăng lại trên Blog này.