Khác với Hà Nội cố đô, Sài Gòn không có khái niệm ngõ nhỏ, phố ngỏ. Sài Gòn - TPHCM là vùng đất mới chỉ 300 năm tuổi, hình thành bởi tính cộng cư của những dòng người tứ xứ tụ về lập nghiệp rồi thành dân cố cựu hay người mới tới ngụ cư.
Sài Gòn phố lớn và hẻm nhỏ dọc ngang, mặt tiền và góc khuất khác nhau rõ rệt, là hai đẳng cấp xa cách đến độ chênh vênh không chỉ về địa thế mà còn là lối sống, đời sống tinh thần, vật chất lẫn văn hóa. Sài Gòn có đến 80% cư dân sống trong hẻm nhỏ, rất nhiều hộ gia đình có đến mấy đời gắn bó với con hẻm quen thuộc của mình. Rất nhiều con hẻm quy tụ những người đồng hương tới sinh cơ lập nghiệp trở thành nét đặc trưng của hẻm người cùng quê, bà con nơi cố xứ. Cũng như không ít những con hẻm quy tụ người cùng nghề rồi trở thành hẻm làng nghề: làm giày dép, dệt nhuộm, lồng đèn, xe nhang, thợ mộc, bán hủ tiếu gõ, vé số, bán báo…
Minh họa: K.T.
Theo quy luật chuyển dịch kinh tế, nhiều người trước đây là dân hẻm nhỏ do làm ăn phát đạt, giàu có lên bán nhà trong hẻm nhỏ mua nhà mặt tiền ngoài phố. Ngược lại cũng không thiếu những người trước đây ở phố mặt tiền nhưng do làm ăn thất bại bán nhà thuộc khu “đất vàng” mua nhà trong hẻm nhỏ trở thành cư dân mới trong góc khuất. Nhưng nói chung hẻm nhỏ Sài Gòn là nét đặc trưng, khá tiêu biểu cho một thành phố đi lên do những bước phát triển từ hẻm ra phố mà hẻm là cái gốc của thời kỳ lưu dân đi khai phá vùng đất mới từ thế kỷ XVII quần cư về đây thành những xóm nhà, xóm người lao động nghèo trong một con hẻm nghèo đèn dầu leo lét rồi tiến lên đèn điện câu, bóng tròn ánh sáng vàng hoe, mờ ảo trong những đêm mưa dầm, ngày hiu hắt nắng.
Sài Gòn - TPHCM có những con hẻm hình thành rất lâu đời không chỉ ở quận 4, quận 8, quận 5 khu vực Chợ Lớn, Bình Thạnh, Gò Vấp mà ngay ở quận 1, quận 3 cũng có rất nhiều con hẻm nổi tiếng. Đặc trưng của hẻm Sài Gòn là “đường ngang, ngõ tắt chằng chịt”, có những con hẻm rất dài mà người ta vẫn nói đùa rằng vừa đi, vừa hát đến trăm lần bản Phố buồn vẫn chưa đi hết. Đồng thời có những con hẻm “liên thông” qua nhiều xóm dân cư, ngoằn ngoèo như một trận đồ bát quái. Người sống trong các con hẻm ấy vẫn còn mang tính cộng đồng tương trợ “tối lửa, tắt đèn” của thời kỳ xóm làng, thôn ấp rất cao. Đó là cái gốc, nền tảng văn hóa người Việt từ thôn quê còn lưu giữ để giờ đây trở thành nét đặc trưng của văn hóa hẻm.
Thật thế, người người ở trong hẻm, nhà nhà sát vách trong hẻm thể hiện tính cộng đồng rất cao trong giao tiếp, ứng xử, quan hệ chòm xóm, láng giềng, trong mọi lễ tục quang hôn, tang tế. Hẻm là nơi ở, đồng thời cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu, tiệc tùng, quần tụ lúc trà dư tửu hậu. Hẻm là sân chơi, giải trí… đồng thời cũng là nơi bày một cửa hàng trong nhà bán tạp hóa, mở một quán cà phê trong sân vườn, đặt một xe nước mía, một quầy bán bánh mì, thậm chí một gánh xôi, gánh chè nơi góc hẻm, dưới chân cột điện. Nhà trong hẻm tuy số nhà còn hơi rối rắm, nhiều lần suyệt nhưng người trong hẻm hầu như đều quen biết nhau cả gốc gác, ngọn ngành. Chuyện vui buồn xảy ra trong xóm hầu như ai cũng biết; cổng nhà, góc hẻm là kênh thông tin, truyền miệng nhanh nhất về mọi vấn đề lớn nhỏ để thành chuyện “trong nhà, ngoài phố”.
Bởi thế nên nhiều người nước ngoài, đặc biệt là các sinh viên du học, các nhà nghiên cứu qua Việt Nam thường đi vào các con hẻm để tìm hiểu, khảo sát, tiếp cận từ con người đến sinh hoạt, lối sống, văn hóa cũng như tín ngưỡng, tâm linh, đời sống tinh thần, thẩm mỹ… Bởi trong hẻm không chỉ có cư dân mà có cả đình, chùa, đền, miếu…, các câu lạc bộ ông bà cháu, câu lạc bộ cờ tướng và câu lạc bộ đờn ca tài tử. Nếu nghiên cứu về văn hóa ẩm thực từ quán xá đến hàng gánh trong hẻm cũng có đủ, nhiều con hẻm có quán phở, quán mì nổi tiếng, quán cà phê ngon. Hẻm nhỏ Sài Gòn không chỉ tự bản thân mang đầy đủ bản sắc văn hóa vùng, miền, đa dạng, đa chiều mà còn là nơi tiếp nhận những giọng rao hàng, nghề nghiệp, bán thức ăn ngày lẫn đêm, thậm chí lúc giữa khuya về sáng như mua ve chai đồng nát, mài dao mài kéo, đấm bóp giác hơi, hủ tiếu mì gõ, bánh chưng bánh giò, chè thưng, tàu hũ thậm chí âm thanh rộn ràng, màu sắc lòe loẹt, nhạc giật tưng bừng của xe bán kẹo kéo.
Theo sự phát triển xã hội, thời gian qua có những con hẻm được mở rộng, bê tông hóa, nhà cửa khang trang, sạch sẽ, đèn sáng choang khi đêm về, giá trị nhà đất tăng lên, tệ nạn xã hội giảm, đạt tiêu chuẩn “khu phố văn hóa”. Đây là điều rất đáng mừng, nhưng giá trị tinh thần, cái chất “hồn vía” của hẻm Sài Gòn có khi lại vì thế mà mất đi. Hẻm mở rộng, bê tông hóa thì nhà nhà ra “mặt tiền hẻm”, tường rào xây cao lên, cổng sắt nặng nề, người trong ngôi nhà kín cổng cao tường “mặt tiền hẻm” ít tiếp xúc với nhà bên cạnh, người ở đối diện. Người ta sống khép kín, ngại mở cửa giao lưu… dần dần nhà ai nấy ở, chuyện “tối lửa tắt đèn” nhà ai nấy lo. Thế là nhà trong hẻm sẽ giống như nhà ngoài phố; tình hàng xóm, láng giềng nhạt phai. Con hẻm dài tráng nhựa thẳng băng trở nên xơ cứng… hồn ví con hẻm xưa không còn, đi đâu, về đâu không ai biết, chẳng ai buồn quan tâm. Văn hóa hẻm mất dần.
Không ở đâu như ở Sài Gòn - TPHCM, tính chất văn hóa hẻm làm nên nét độc đáo của một đô thị lớn mà không ở đâu trên thế giới có được. Rất nhiều hẻm ở Sài Gòn, ngoài người miền Bắc, miền Trung, miền Nam sinh sống… còn cả người Hoa, người Ấn độ, người Chăm, người Khmer trở thành một cộng đồng thân thiết, hàng xóm của nhau. Có người theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, Cao Đài, thậm chí cả đạo Hồi, không ít những con hẻm vừa có chùa, có nhà thờ, có thánh thất Cao Đài lại có đền thờ Hồi giáo. Ngày lễ Phật đản, lễ Giáng sinh trở thành niềm vui chung của cả cộng đồng ít có sự phân biệt.
Theo nhịp sống đô thị hóa, những con hẻm đang dần được mở rộng ít nhất là bề ngang 4m trong khi có rất nhiều con hẻm ở Sài Gòn từ xa xưa bề ngang dưới 3m thậm chí có hẻm rất nhỏ. Việc mở rộng những con hẻm nhỏ là cần thiết để tiện lợi cho lưu thông nhưng người ta đang lo ngại khi bê tông hóa hẻm, biến hẻm nhỏ thành phố mặt tiền kéo theo tất cả sinh hoạt thay đổi, nhất là văn hóa hẻm thì Sài Gòn - TPHCM sẽ mất đi nét đặc trưng, hồn vía của… chính mình!
TỪ KẾ TƯỜNG
- See more at: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2014/9/360406/#sthash.bWQFVWt6.dpuf