Triều nhà Nguyễn có thể được chia ra hai giai đoạn riêng biệt: Giai đoạn Độc lập và Giai đoạn bị đế quốc Pháp xâm lăng và đô hộ. Giai đoạn độc lập (1802-1858) là giai đoạn mà các vua nhà Nguyễn đang nắm toàn quyền quản lý đất nước, kéo dài 56 năm và trải qua 4 đời vua, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Gia Long và con trai Minh Mạng (1820-1841) đã cố gắng xây dựng Việt Nam theo khái niệm kiểu Nho giáo. Từ thập niên 1830, giới trí thức Việt Nam (đại diện tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ) đã đặt ra yêu cầu học hỏi phương Tây để phát triển công nghiệp - thương mại, nhưng họ chỉ là thiểu số. Đáp lại, vua Minh Mạng và những người kế tục Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883) chọn chính sách đã lỗi thời là coi trọng phát triển nông nghiệp (dĩ nông vi bản) và ngăn cản Công giáo, tôn giáo từ phương Tây.
Giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ (1858-1945) là giai đoạn kể từ việc quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Tháng 8 năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam kỳ). Sau khi củng cố vị trí vững chắc ở Nam Kỳ, từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở Bắc Kỳ. Giai đoạn này kết thúc khi Bảo Đại tuyên bố thoái vị năm 1945.Chân dung các vị vua triều Nguyễn được khắc họa qua những họa phẩm tuyệt đẹp.
1. Vua Gia Long (1762 – 1820) là vị Hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
2. Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh (1791 – 1841), tức Nguyễn Thánh Tổ, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn, Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán, Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao, trong đó có việc ngăn chặn quyết liệt ảnh hưởng phương Tây đến Việt Nam.
3. Vua Thiệu Trị (1807 – 1847) là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1841 đến 1847. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.
4. Vua Tự Đức (1829 – 1883), là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm hay còn có tên Nguyễn Phúc Thì, là con trai thứ hai của vị hoàng đế thứ 3 triều Nguyễn, Thiệu Trị. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Trong thời gian trị vì của ông, nước Đại Nam dần rơi vào tay quân Pháp.
5. Dục Đức (1852 - 1883), còn được gọi là Nguyễn Cung Tông, là vị hoàng đế thứ 5 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi vua ngày 19 tháng 7 năm 1883, nhưng tại vị chỉ được 3 ngày. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biết nên rất tiếc vua Dục Đức không để lại di ảnh. (Ảnh: Lăng Dục Đức ở Huế).
6. Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883) là vị vua thứ sáu của vương triều nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng, là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận. Ông lên ngôi tháng 7/1883, nhưng bị phế truất và qua đời vào tháng 10 cùng năm.
7. Vua Kiến Phúc (1869 – 1884), tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, thường được gọi là Dưỡng Thiện, là vị vua thứ bảy của vương triều nhà Nguyễn. Ông là con thứ ba của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, được vua Tự Đức chọn làm con nuôi. Kiến Phúc lên ngôi năm 1883, tại vị được 8 tháng thì qua đời khi mới 15 tuổi.
8. Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, là em trai của vua Kiến Phúc. Năm 1884, Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie).
9. Vua Đồng Khánh (1864 – 1889), miếu hiệu Nguyễn Cảnh Tông, là vị Hoàng đế thứ chín của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Tên húy của nhà vua các tài liệu ghi khác nhau, nơi thì ghi là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, Nguyễn Phúc Ưng Thị, Nguyễn Phúc Vua Ưng Biện, Nguyễn Phúc Chánh Mông, ngoài ra còn có tên Nguyễn Phúc Đường. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, được vua Tự Đức nhận làm con nuôi năm 1865.
10. Vua Thành Thái (1879 – 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu). Do chống Pháp nên ông bị đi đày tại ngoại quốc.
11. Vua Duy Tân (1900 – 1945) là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông bất hợp tác với Pháp và bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa Việt Nam. Vì lý do này, ông bị người Pháp đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
12. Vua Khải Định (1885 – 1925), hay Nguyễn Hoằng Tông là vị Hoàng đế thứ 12 nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ 1916 đến 1925. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên là Nguyễn Phúc Tuấn, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục.
13. Vua Bảo Đại (1913 – 1997) là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên là Nguyễn Phúc Thiển , tục danh "mệ Vững" là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu. Đúng ra "Bảo Đại" chỉ là niên hiệu nhà vua nhưng tục lệ vua nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên nay thường dùng như là tên nhà vua.
Theo nguồn BKTM & Hội từ thiện Hồng Ân