Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Phỏng vấn Nhà thơ Nguyễn Duy: "Tôi nặng duyên nợ với thơ..."

Phạm Hoàng và Đỗ Quyên thực hiện
Lời dẫn:
Để làm lời phi lộ, xin mượn đôi điều sau của nhà báo Lương Châu Phước (Canada) nói về nhân vật chính của chúng ta:
"Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ ở lứa tuổi 40-50 được mến mộ nhất ở Việt Nam. Anh (đang) được mời sang Mỹ để thuyết trình, triển lãm thơ Việt Nam và đọc thơ trong nhiều trường đại học. Anh là tác giả nhiều tập thơ, bút ký, trong đó có tập thơ song ngữ Distant Road / Đường Xa, xuất bản ở Mỹ. Anh có nhiều bài thơ nhiều người đặc biệt ưa thích như: Năm Vòng Đi Ra Biển, Thơ Gửi Người Xa Xứ, Đánh Thức Tiềm Lực, Bán Vàng, Mười Năm Bấm Đốm Ngón Tay, Pháo Tết, v.v... Trong vài năm gần đây, anh có thêm những hoạt động sáng tạo mới lạ: viết lời bình cho một số vở ballet của Ea Sola, tổ chức những cuộc triển lãm thơ, xuất bản những tấm lịch thơ rất dễ thương. Anh có trí nhớ rất tốt, thuộc nhiều bài thơ của mình và của nhiều tác giả khác, có cách đọc thơ độc đáo và nhất là "hát xẩm", hát "tiếu lâm vỉa hè" không thể bắt chước được. Ngoài ra, anh còn là còn là người am hiểu tình hình văn học, thời sự. Và lại còn có tài... nấu ăn "hết sảy"!"
Chúng tôi xin bổ sung: Nhà thơ Nguyễn Duy sinh năm 1947 ở Thanh Hóa, đã được xuất bản 13 tập thơ, 3 tập sách; năm 1982, lần đầu tiên, được giải Quốc gia về thơ với tập Cát Trắng; là người đầu tiên ở Việt Nam phát hành thơ theo cách mới qua các cuộc triển lãm thơ, viết thơ trên thúng, mùng, tranh giấy dó, lịch đề thơ...
Tháng 7-2001, Nguyễn Duy được mời sang Đức và có một buổi nói chuyện thơ, có phòng triển lãm thơ. Chúng tôi đã tới dự và có ghi chép buổi nói chuyện, ngoài buổi trò chuyện riêng với anh. Để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về cuộc gặp gỡ này, xin trích dẫn phần nói chuyện xen kẽ những câu hỏi của chúng tôi với nhà thơ Nguyễn Duy về thơ với cuộc sống của anh, cũng như những suy nghĩ của anh về thời cuộc.
Nguyễn Duy - Thơ lục bát
+ Nguyễn Duy: Tôi quê ở cái vùng "ăn rau má, phá đường tàu, đục ống dẫn dầu, cắt dây điện thoại", là cái vùng "khu Bốn đẩy ra khu Ba đẩy vào". Tôi sinh ra ở nông thôn, làm ruộng từ bé, đằm mình trong đất cát, rơm rạ, cua ốc và ngôn ngữ của nhà quê. Lớn lên thì đi lang thang nhiều nơi, nhưng mà cái thần hồn của làng quê trong tôi nó cứ nhập vào như lên đồng ấy. Chính thế mà sau này tôi rất thích làm thơ lục bát. Đã một thời người ta bỏ thơ lục bát không làm nữa, nhất là ở cuối những năm 60 ít người còn làm thơ lục bát. Tôi thấy tội nghiệp cho cái thể loại thơ này, người ta bỏ đi thì mình lại nhặt vào. Tôi mài, tôi dũa, tôi thổi vào cái thể thơ lục bát ấy một cái hồn vía của thế hệ tôi. Và cứ thế là tôi làm thơ lục bát và đã có lúc phải tuyên ngôn:
Ta dù lếch thếch lôi thôi
Mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng
Cứ chìm nổi với đám đông
Riêng ta xác định ta không là gì
Cứ bèo bọt bước thiên di
Đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng
Cứ nòi lẩn thẩn nghìn năm
Vu vơ động cỡn tâm thần tâm linh
Cứ là rượu của chúng sinh
Cho ta nhấm nháp cho mình say sưa
Cứ như cây cỏ bốn muà
Giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy
Thơ ơi ta bảo thơ này
Để ta đi cấy đi cày nuôi em
Và cứ đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng mãi như vậy thôi, nên trong thơ của tôi, số lượng thơ lục bát tương đối nhiều. Kể cả đối với những đề tài hiện đại, đề tài mới của những năm 70, 80 và những năm 90, tôi cũng đều dùng thơ lục bát để thể hiện.
Thí dụ như cách đây mấy năm tôi làm bài Cơm bụi ca. Đây là bài thơ viết về Hà Nội. Những ai lang thang ở thành phố trong chục năm trở lại đây rất thích ăn cơm bụi. Cơm bụi vừa ngon vừa rẻ và tại đó người ta lắng nghe được những từ ngữ mới, được đẻ ra từ các quán cơm bụi. Thí dụ như là: "hơi bị"
Giọt rơi hơi bị trong veo
Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi
Chân mây hơi bị cuối trời
Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu
Hay là những từ rất là trang nghiêm, sử dụng trong các cuộc hội nghị Thượng đỉnh chẳng hạn được đưa ra ngoài hàng cơm bụi và ngược lại những từ dùng ở ngoài đời, không được đứng đắn, cũng được người ta đưa vào các cuộc họp trang nghiêm. Thí dụ, trong một cuộc mặc cả về một món hàng nào đó, chị bán hàng nói: "Bây giờ ông anh phát biểu đi, để cho em quyết!" Và khi trả giá với nhau, người bán hàng nói thách giá cao lên, thì ông anh nói: "Gớm bà chị làm gì mà cao bá Quát thế, thôi nguyễn bỉnh Khiêm đi, em bây giờ cũng đang đội Cấn lắm. Này qua cái thời võ văn Kiệt rồi nhưng chưa phải là nông đức Mạnh đâu nhé, làm gì cũng phải lưu ý đến trần đức Lương, chứ đừng có mà lê khả Phiêu đâu nhé!" Cho nên là mỗi lần về Hà Nội tôi rất thích đi cơm bụi, còn mấy cái nhà hàng khách sạn tôi rất ngại vào.
Xa nhau cực nhớ cực thèm
Ai về Hà Nội gửi em đôi nhời
Cô đầu thời các cụ chơi
Ta nay cơm bụi bia hơi tà tà
Lò mò Cấm Chỉ, Bắc Qua
Mà coi giai gái vặt quà như điên
Tiết canh Hàng Bút, Hàng Phèn
Bún xuôi Tô Tịch, phở lên Hàng Đồng
Cháo lòng Chợ Đuổi, Hàng Bông
Nhật Tân, Âm Phủ mênh mông thịt cầy
Bánh tôm hơ hớ Hồ Tây
Cơm đầu ghế, bát ngát ngay vỉa hè
Cực kỳ gốc sấu bóng me
Cực ngon, cực nhẹ, cực nhoè em ơi!
Đừng chê anh khoái bụi đời
Bụi dân sinh ấy bụi người đấy em
Xin nghe anh nói cực nghiêm
Linh hồn cát bụi ở miền trong veo
Rủ nhau cơm bụi giá bèo
Yêu nhau theo mốt nhà nghèo, vô tư.
"Vô tư" là một từ của cơm bụi và rất nhiều những tữ ngữ mới được sinh ra ở trong những lớp người mới.
Có nhiều người nói một cách khoác lác là nhà thơ là người sáng tạo ra ngôn ngữ; nhưng tôi làm thơ mấy chục năm rồi và cũng nghiên cứu rất nhiều nhà thơ khác, thì tôi thấy là không phải như vậy. Nhà thơ chính là một nô lệ của ngôn ngữ. Gom nhặt ngôn ngữ trong đời sống, mài dũa, lựa chọn và nâng cao nó lên, truyền bá rộng ra. Trong cái thời đại mới này cũng có nhiều từ mới được nhân dân sản xuất ra rồi nhà thơ nhặt lấy, ứng dụng vào trong tác phẩm của mình.
Ở Việt Nam trong khoảng chục năm gần đây có một cái phong trào, đó là phong trào Thi Hoa Hậu: Hoa Hậu Tiền Phong, Hoa Hậu Thể Dục Thể Thao; Hoa Hậu Học Đường, Hoa Hậu Khóm, Hoa Hậu Phường... Tôi có làm một bài về cuộc thi Hoạ Hậu đầu tiên ở Việt Nam, cuộc thi Hoa Hậu Tiền Phong, chủ yếu để tặng hai ông bạn được mời làm giám khảo cuộc thi, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và anh Hoàng Thiệu Khang, một người dạy về mỹ học. Bài thơ đùa diễu hai ông bạn giám khảo nhưng lại được nhiều anh em trẻ thích thú.
Hoa Hậu vuờn nhà ta
Ta dán mắt vào lỗ lồi lõm mỹ học
Nét đẹp sinh thành từ đường cong
Nhan sắc phô phang cái lý luận của nó
Tài năng đừng hòng mà chen ngang
Cả vô thức, ý thức đều bị loại
Cuộc thi dành cho những gì Trời cho
Người thi người còn ta thì thi nhìn
Khán giả buông lơi cái nhìn thành thực
Ban giám khảo có vẻ nhìn nghiêm túc
Nhà giáo dục nhìn hé hé mắt
Nhà chức sắc nhìn nghiêng
Nhà phê bình nhìn xiên
Nhà thơ lơ mơ nhìn cuốc hoá ra gà
Nhà nhiếp ảnh nhìn vằn vặn vèo vẹo
Nhà báo nhìn lươn lươn lẹo lẹo
Nhà buôn nhìn lắt la lắt léo
Nhà quê nhìn em bằng con mắt lá mắt vui vui, khúc ruột lại buồn buồn
Ta dán làm sao hết lỗ thủng định mệnh,
Em thoát làm sao khỏi cơ chế thị trường
Hậu Hoa Hậu còn gập gềnh lắm
Thua cũng thương mà thắng cũng thương
Hồng nhan ạ, giá ta làm chủ khảo
Để em thi với cỏ nội, hoa vườn
Nguyễn Duy - Chiến tranh và hoà bình
- Phạm Hoàng: Hôm nay là lần đầu tiên tôi được nghe chính nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ của mình, còn lúc trước tôi được biết về thơ Nguyễn Duy qua các báo chí.Có một bài thơ mà tôi rất thích và tâm đắc mà quên tựa đề, hình như nói về một người lính biệt động quân. Và điều thứ hai, được biết không phải lần đầu tiên nhà thơ Nguyễn Duy tới Đức, tới Berlin, vậy anh có làm bài thơ nào ở Đức hay không và nếu có xin mời anh đọc để tặng cho mọi người?
+ Nguyễn Duy: Thứ nhất là tôi xin đọc bài thơ mà anh vừa nhắc, đó là bài thơ Đứng Lại. Bài này tôi viết ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 và cũng rất là phiền khi bài thơ này được đọc ở trường đại học Tổng Hợp Hà Nội thì cũng bị phê phán. Ông Hà Xuân Trường, khi đó là Trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương, có viết phê bình trên báo rằng đây là bài thơ theo tinh thần chủ nghĩa nhân đạo chung chung. Trong bài thơ nói về một anh lính: là tôi, đuổi theo một anh lính đối phương. Tôi có thể, có quyền bắn anh hoặc bắt anh đó. Trong hai chiến thắng đó thì tôi chọn chiến thắng cao hơn là bắt chứ tôi không bắn. Bài thơ như sau:
Đứng lại
- Đứng lại!
hắn vẫn chạy trước tôi ba buớc
cái thằng biệt động quân non choẹt
chính cái thằng bắn sượt thái dương tôi
Ngón tay tôi căng thẳng trên nấc cò
băng đạn AK va bụng tôi tấm tức
chỉ cần nửa tích tắc
Không! Một phần mười tích tắc
ngón tay tôi khẽ nhích nửa li
thì hắn không được làm người nữa
- Đứng lại!
Hắn vẫn cắm cổ chạy
tôi vẫn lăm lăm khẩu súng rượt theo
đuổi bắt thật vất vả hơn nhiều
So với ấn nấc cò một phần mười tích tắc
 
Điều đó tôi rất biết
cũng như chẳng may có đảo ngược
tôi tay không - phía trước
hắn lăm lăm khẩu M16 - đuổi sau
có thể tôi đã hết làm người
chỉ cần một phần mười tích tắc
Băng đạn đầy đập bụng tôi tấm tức
đập mạnh hơn là ý nghĩ trong tôi:
"Giết chết hẳn dễ thôi
cứu hắn sống đời người - mới khó..."
Ý nghĩ đó nâng tôi vượt lên
vượt lên...
vượt lên
với tất cả sức mình
bắt được hắn
đứng lại!
Đó là bài thơ của 30 năm trước. Còn bài thơ của 10 năm trước ở Đức là bài thơ ngắn tôi viết tặng bé Hải Anh, bé hôm nay đang ngồi ở đây. Tôi từ Tiệp Khắc qua bên này thì phát hiện ra ở Dresden có rất nhiều rau muối và bè Hải Anh dẫn tôi đi hái rau muối.
Nắng hoa đồng nội chói chang
Mùi hoang dại cỏ gợi hoang vu người
Rau muối là rau muối ơi
Không dưng cuối đất cùng trời theo nhau
Hồi đó tôi có viết phóng sự về những người Việt Nam ở Đức, phóng sự Đông Âu du ký, đăng 10 kỳ ở báo Lao Động, trong đó có những chương viết về nước Đức. Thật ra vấn đề của nước Đức lúc đó tôi muốn viết lắm, nhưng hoàn cảnh viết chưa được. Chỉ có bài Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng nhân dân đều bại, tôi đã bị làm phiền rất là ghê. Lúc đó tôi muốn viết là viết về Bức tường thành Berlin, sự hình thành ra nó, sự phá vỡ nó và biểu tượng của nó trong thế giới hiện đại, nhưng mà thú thật là chưa viết được. Nó vẫn còn là một món nợ mà đến một lúc nào đó tôi sẽ phải trở lại cái đề tài này.
- PH: Tôi không có tài năng gì về thơ cả nhưng xin kể một câu chuyện nhỏ. Cách đây khoảng vài năm, hai người bạn làm thơ của tôi có gặp tôi và chị Đoàn Thị Lam Luyến. (Chắc là anh Duy có biết chị Luyến?) Hai người bạn làm thơ đã đưa thơ của mình để chị Luyến xem và góp ý, thì chị Luyến có phê: "Thơ của anh thật thà quá!", và nói với người kia là "Thơ anh rất hay và có cái giọng của Nguyễn Duy". Quả thật trước đó tôi biết rất ít về anh và sau đó tôi có để tâm tìm hiểu. Theo tôi cái nhận xét là "có phong cách Nguyễn Duy" là một lời khen và một trong những đỉnh cao của thơ Nguyễn Duy là bài Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc mà anh mới đọc.Tôi nghĩ, anh để rất nhiều cái tâm vào đó. Vừa rồi anh cũng nói là muốn mài dũa, muốn theo đuổi thơ lục bát, nhưng tôi thấy những bài đánh vào lòng của anh, cho dù có thể không phải chủ ý của anh mà là do người đọc, lại nằm ở những bài không phải lục bát chút nào hết. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trước đây khoảng một vài năm cũng có những bài phê bình ở trong nước hành hạ anh cả về mặt đặt câu thơ.
Tôi muốn hỏi tò mò một chút là anh bắt đầu cách viết thơ không có vần vào thời điểm nào, có thể anh thích một thể loại thơ nào đó, hoặc một thần tượng nào đó, hay là do một thôi thúc nào đó làm anh kiểu viết thơ như vậy?
+ ND: Thực ra cái lúc mà tôi đi học ở trường Lam Sơn - Thanh Hoá, lúc đó khoảng 14-15 tuổi, tôi cũng làm thơ và gửi nhiều báoDạo đó tôi rất thích kiểu thơ gọi là hiện đại hoá và có làm một bài thơ tựa đề là Người vợ của tôi
Tôi hình dung người vợ của tôi
da thịt bằng gang, tim gan bằng chì và ruột bằng cứt sắt
cái mặt nửa đỏ nửa đen, răng lợn lòi nhọn hoắt
đôi mắt đèn pha phòng không sáng quắc
khi trợn lên mắt thiên hạ nhắm nghiền
nụ cười dịu hiền ngoác ra như hố bom
khi xuất hiện là miệng đời méo xệ
và giọng nói là xe tăng gầm xé
khi cất lên tất cả phải im hơi
Bởi rất yêu người vợ của tôi
nên tôi phải hình dung như thế
Và cứ kiểu ấy tôi làm rất nhiều, rồi gửi mãi mà chả có ai in cả. Sau, thấy người ta đua nhau làm hiện đại hoá thơ, bỏ lục bát thì tôi lại nghĩ: Mình nhặt lại cái lục bát đó mình làm. Đi tìm lòng vòng như vậy rồi tôi lại trở về điểm xuất phát. Tôi còn nhớ một bài thơ viết vào năm 1957, khi đó tôi đang học lớp hai ở trường Đò Lèn, bài Trên sân trường:
Đứa chơi đáo đứa nhảy vòng
còn tôi ngắm nhìn dòng sông
tôi không chơi đáo vì không có tiền
Có tiền tôi cũng không chơi
vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền
Tôi vui tôi ngắm tôi nhìn
Con sông có bóng con thuyền thả câu
Những bài thơ mà tôi thích nhất vẫn là những bài lục bát. Còn những bài thơ mà tôi gọi là thơ hạng nặng như vừa đọc thực ra nó được nhiều người quan tâm bởi vì nó đi thẳng vào những chuyện của ngày hôm nay, tâm tình của thời cuộc, mối quan tâm, mối liên hệ rộng với rất nhiều người, liên hệ sâu với nhiều lĩnh vực xã hội. Thật ra, nếu nói riêng về thơ thì những bài thơ đó không phải là những bài tôi thích. Tôi thích vẫn là những cái nhỏ nhỏ:
Giọt rơi hơi bị trong veo
Mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi
Chân mây hơi bị cuối trời
Em hơi bị đẹp anh hơi bị nhầu
Lơ ngơ hơi bị ấm đầu
Mù mờ hơi bị ngu lâu tàn đời
Thần kinh hơi bị rối bời
Người hơi bị ngợm ta hơi bị gì
Đấy đại loại là như thế, những cái nho nhỏ mà tôi nghĩ là nó sẽ có sức sống dài hơn những bài thơ dài mà tôi vừa đọc xong, bạn ạ!
- PH: Thưa anh, ở đây ai cũng gọi anh là nhà thơ Nguyễn Duy và anh đọc thơ của mình cũng rất hấp dẫn, triển lãm thơ của anh cũng rất hay, nhưng tôi có nghe nói rằng, anh tuyên bố sẽ không làm thơ nữa. Vậy mà qua những câu chuyện anh vừa kể ở đây, tôi thấy anh vẫn còn những cái bức xúc, những cái xúc động về những vấn đề buộc anh vẫn phải làm thơ. Nay muốn hỏi "câu tuyên bố" đó có đúng không và khi nào anh sẽ làm thơ trở lại?
+ ND: Cái lời tuyên bố đó là đúng và tôi đã thực hiện đúng điều tôi nói từ năm 1997. Tôi làm triển lãm kỷ niệm tôi 50 tuổi đời và 30 năm làm thơ (kể từ lúc in bài thơ đầu tiên năm 1967). Bài thơ gần đây nhất là Bài ca phiêu lưu viết vào đêm Giao thừa (dương lịch) ngày 31.12.1996 tặng cho cô Esola.
Xin em đừng nản lòng yêu
Tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời
Xin em đứng ngán cuộc chơi
Phiêu lưu đã nhất trần đời là mơ
Xin em đừng mỏi mong chờ
Phiêu lưu tới bến tới bờ còn xa
Xin em đừng vội vã già
Hiểu cho nhau sống đã là phiêu lưu
Có thể kể đó là bài thơ mà đến đó tôi ngừng. Sỡ dĩ như vậy là vì sau 30 năm làm thơ, nhìn lại từ cái thơ nho nhỏ cho đến cái thơ lơn lớn, nhè nhẹ cho đến nằng nặng, loại gì tôi cũng có làm, kể cả thơ trào phúng, hài hước. Bây giờ tôi thấy mình làm gì cũng lặp lại mình. Cái đó là tôi nói thực. Chuyện nhỏ mình cũng lặp lại, chuyện lớn mình cũng lặp lại, mình không vượt qua được những cái mà mình đã làm, không vượt qua được chính mình nữa thì nếu tiếp tục nữa, nối dài nữa sẽ rất phí thì giờ. Thì thôi mình ngừng lại đó để làm việc khác. Mấy năm vừa rồi tôi làm một loạt các hoạt động triển lãm, làm lịch, mở ra một cái lối phát hành cho thơ ca. Cho đến bây giờ cũng có nhiều người bắt đầu làm theo cái cách của tôi. Và tôi muốn dành thì giờ để viết sách. Trong bụng tôi hiện nay có rất nhiều những cuốn sách về số phận những người thân, của bạn bè, và của bản thân tôi. Một tuổi thơ; một làng quê; một cuộc chiến tranh như thế, một cuộc vận động xã hội khủng khiếp mà tôi đã trải qua, rồi về cộng đồng người Việt, số phận những người Việt ở nước ngoài, những người lao động ở Liên Xô, Tiệp Khắc, ở Đức mà tôi đã chứng kiến; cộng đồng người Việt ở Bắc Âu, ở Thụy Điển; ở Pháp; ở Mỹ...
- PH: Là người phụ trách tuần báo Văn Nghệ ở miền Nam, anh cho biết qua về nền thơ mới của Việt Nam cũng như thơ ca Việt Nam hiện nay ra sao?
+ ND: Dù làm trong bộ phận của tuần báo Văn Nghệ ở miền Nam, vì mấy năm nay không làm thơ nên mối quan tâm của tôi với thơ, với những anh em đang làm thơ cũng không được đầy đủ lắm. Tôi nghĩ bây giờ cũng chưa có một cái gì đặc biệt hay về thơ. Còn thơ là ngôn ngữ của hồn người thì lúc nào con người còn thơ nó còn, từng giai đoạn thơ có trào lưu, có thoái trào. Hiện nay người ta đang tìm một lối cho thơ mới, tuy cái cũ thì không ai muốn làm nhưng cái mới lại chưa ai tìm ra đó là cái gì, cho nên anh em làm thơ còn lúng túng nhiều thứ lắm. Tôi đọc thơ của anh em người Việt ở Mỹ, ở các nơi khác cũng vậy thôi. Lúng túng lắm, như bây giờ mình cũng rất lúng túng là sống như thế nào. Sống đã còn lúng túng huống hồ là làm thơ.
- PH: Lúc nãy anh có nói thấy buồn khi những bài thơ của anh gặp trắc trở không đến ngay được với bạn đọc. Vậy anh có thấy là may mắn không khi anh không phải "tuẫn tiết"(cách nói của anh lúc nãy) về những câu thơ của mình, như là một số nhà thơ Việt nam đã từng gặp phải?
+ ND: Tôi vẫn thích những bài thơ nho nhỏ, những câu lục bát bình dị, còn những bài thơ thế sự mang đậm cái tình cảm, tinh thần công dân có một tiếng nói với đất nước vào cái thời mà mình sống. Tôi nghĩ là nó ở trong những cơn bực dọc, phẫn nộ, bất bình, cáu kỉnh... mà mình lớn lối đại ngôn. Nó giống như là quát lên, la lên, bức xúc... Chứ còn thật tình là tôi không muốn làm những bài thơ như vậy.
Nguyễn Duy: Thơ và thời cuộc
+ Nguyễn Duy: Tôi xin kể câu chuyện sau về một bài thơ, bài Nhà thơ và cảnh nghèo. Sau này khi được in tên bài thơ được đổi là Thơ tặng người ăn mày. Đây là bài thơ tôi viết trong vụ lụt năm Quý Sửu, 1973 tại Thanh Hoá, một trong những bài thơ phá cách hồi đó, vì lúc đó người ta thường làm những bài thơ kiểu tụng ca, minh hoạ, còn những điều nói thẳng nói thật về thực trạng xã hội rất khó phổ biến. Không những không được thông cảm mà đôi khi còn bị tai hoạ nữa. Bài này là một trong những thí dụ. Thanh Hóa quê tôi có rất nhiều vua, có tới 5 đời vua, 2 đời chúa... Có thể nói là nhiều đời vua nhất trong lịch sử Việt Nam, nhưng đồng thời ở quê tôi cũng là nhiều ăn mày nhất. Cũng không hiểu tại sao lại có những nghịch lý như vậy, chỉ ghi nhận thế thôi. Ngày xưa người ta có nói: Thái Bình đẹp lắm ai ơi/ Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành, nhưng về sau thì chính người dân Thái Bình còn phải đón tiếp ăn mày của Thanh Hoá ra. Những đoàn đi ăn xin rất hùng hậu, có xe ô-tô chở, có trưởng đoàn, có giấy giới thiệu để đi: Tự túc lương thực. Hồi tôi đi làm vở múa Hạn hán và cơn mưa, tôi có về Thái Bình, nằm ở Quỳnh Phụ mấy tháng, nghe người dân ở đây kể lại rằng "Dân Thanh Hoá nhà ông ra đây tàn phá quê tôi ghê gớm lắm!" Tôi lại nhớ tới vụ lụt năm 1973, người ăn xin đầy đường, nhiều người đem con đi cho... Lúc đó tôi là một người lính nghèo, bản thân không có tiền, đi tầu từ Hà Nội về Thanh Hoá cũng phải lậu vé, mà chữ nghĩa thì chả giúp gì được người đói cả. Đó là xuất xứ của bài Thơ tặng người ăn mày.
Sau này tôi cứ bị ám ảnh mãi vì cảm giác gặp những người ăn mày hồi đó và tôi tự nghĩ nếu mà mình viết được cái gì với một tâm trạng thực, tấm lòng thực, chia sẻ được với tình cảnh thực của mọi người thì thú vị hơn là làm một công việc của một anh hề, một anh bồi bút. Vì nỗi ám ảnh như vậy, tôi nghĩ rằng mình làm thơ bằng những xúc cảm, thích thú của mình, chứ không phải vì những đồng nhuận bút, để viết, để in... Về sau, khi tôi làm lịch, làm các tập tuyển thơ khi phát hành lại bán được, phóng viên báo Lao Động có hỏi tôi: "Tại sao thơ của anh bây giờ lại bán được? Anh có thể giải thích một chút và anh có nghĩ gì về chuyện ấy không?" Thời tôi bảo là có lẽ vì cái lúc mà tôi làm thơ tôi không nghĩ đến chuyện tôi bán nó, bây giờ qua nhiều năm những cái gì còn, lại có người cần tìm. Nếu tôi làm được chữ nào lại đem bán ngay chữ đó thì chắc bây giờ tiêu cũng hết rồi, chả còn lại gì cả.
Ngoài những bài thơ về tình yêu, về đồng đội... tôi còn viết nhữngbài thơ về làng quê tôi, về những người thân như mẹ tôi, bà tôi, cha tôi... Đó là những tình cảm mà nhiều người cùng chia xẻ. Rồi tôi viết về những tình cảm thực của chính mình, thí dụ như năm 1980 - cái thời Hậu chiến gian khổ - khi vợ tôi sinh cháu thứ 3, tôi phải làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống. Sau đó tôi làm một bài thơ tên gọi là Bán vàng (1980).
Có một bài thơ trở thành một kỷ niệm của giai đoạn lịch sử ấy. Đó là bài Đánh Thức Tiềm Lực. Tôi viết nó trong 2 năm, từ 1980 đến năm 1982 mới xong và khi bài thơ viết xong thì cũng không in ở đâu được. Bài thơ được truyền bá, lúc đầu bằng cách tôi đọc vào băng ghi âm và sau đó thì người in lại, phát hành lan truyền cái băng đó. Mãi đến năm 1986, tờ Tuổi Trẻ của thành phố Hồ Chí Minh mới in bài thơ này. Trước đó đúng ra đã được in một lần vào tháng 12.1984 ở một tờ báo địa phương, tờ Văn Nghệ Đông Nai của nhà thơ Xuân Sách, nhưng hầu như không có ai đọc. Bây giờ tôi nhớ về bài thơ đó và nghĩ rằng, vào thời điểm đó nếu bài thơ được in sớm hơn thì có lẽ nó sẽ có đóng góp tốt hơn.
Và tôi vẫn cứ âm thầm với ý nghĩ, mình viết một cái gì đó mà tâm tư được với người nghe, chia xẻ từ những tình cảm rất nhỏ đến tình cảm với cả một cộng đồng dân tộc, thì chỉ có mỗi một cách thôi: Là phải chân thành! Tôi cũng chưa thấy ai nói dối có hiệu quả cả. Khôn và ngu đều có tính mức độ.
Về bài Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc, năm 1988, tôi viết ở Học viện Gorky, Mạc-tư-khoa. Tôi đưa bài thơ này cho ông Nguyên Ngọc, lúc đó là Tổng biên tập báo Văn Nghệ, thì ông Nguyên Ngọc bảo chưa in được. Tôi đưa cho chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và chị Kim Hạnh cũng nói: Chưa in được. Thế rồi ông Tô Nhuận Vỹ, lúc đó là Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, mang về Huế in, nhưng in xong thì tạp chí Sông Hương bị đình bản. Lúc đó là rất căng đối với bài thơ này. Ít năm sau bài thơ mới được công nhận. Và tôi cũng tiếc mãi, vì cái lúc nó cần được phổ biến ngay thì không được phổ biến, để lâu khi bài thơ được chấp nhận thì những vận động xã hội đúng như mình trình bày đã phần nào bị muộn. Nhưng tôi cho là để tác động vào ý thức hệ thì chả có lúc nào muộn cả. Ngay bây giờ tôi thấy nó vẫn còn có thú vị về tính thời sự của nó. Bây giờ đọc lại thấy các cái thứ nghị quyết thực ra trong bài thơ này đã nói từ lâu rồi. Sau, tôi có viết một bài ở báo Văn Nghệ, Nói và nghe sự thật, bởi vì mình viết được ra sự thật đã là khó nhưng nghe được sự thật lại còn khó hơn. Tôi muốn đọc lại bài thơ này với các anh, các chị vì tôi nghĩ là các anh, các chị có thể có sự đồng cảm với tôi; và để các anh, các chị tự xác nhận xem những suy nghĩ của tôi có đúng không hay nó đã trật trìa mất rồi.
Năm 1979 biên giới Lạnh Sơn có chiến tranh, tôi có mặt ở đó từ những ngày đầu tiên và một trong những người rút lui cuối cùng khỏi mặt trận Lạng Sơn. Rồi đến năm 1989, kỷ niệm 10 chiến thắng biên giới tôi được mới trở về dự lễ kỷ niệm ấy. Lúc đó tôi thấy trên đống gạch đổ nát ngày xưa đã mọc lên những quán xá, người Việt người Hoa ngồi uống rượu nhậu nhoẹt với nhau rất là vui, hàng nông thồ sản được gùi sang Trung Quốc, rồi bia Vạn Lực từ Trung Quốc lại được gùi qua bên này. Lúc đó tôi chạnh nghĩ giá 10 năm trước đừng có đánh nhau, mà cứ nhậu nhoẹt như thế này thì có khi cuộc đời hay hơn. Tôi cứ tiếc mãi. Hồi đó tôi có làm một bài thơ là Lạng Sơn 1989, tặng một cô giáo ở trường Đông Kinh Phố, trong tổ giáo viên chốt trụ lại trường khi xảy ra chiến tranh và khi chúng tôi rút lui thì cũng họ rút về xuôi. Tôi hình dung cái cuộc đánh nhau năm 1979 là cuộc đánh nhau của hai anh A.Q và Chí Phèo, mà rồi cuối cùng chả anh nào thắng cả, anh nào cũng thua.
Lạng Sơn 1989
(Tặng một người dưng)
Ta về thăm chiến trường xưa
Em - hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân
gió đi để lại mưa dầm
người đi để buốt dấu chân trên đường
Đồng Đăng... Aỉ Khẩu... Bằng Tường...
chợ trời bán bán buôn buôn tít mù
ta đầy một bị ưu tư
giá như cũng bán được như bán hàng
Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan
giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo
A Qui túm tóc Chí Phèo
để hai bác lính nhà nghèo cùng thua
Nỗi Tô Thị xót xa chưa
giá như đừng biết ngày xưa làm gì
giá như đá chả vô tri
để ta hỏi lối trở về thiên nhiên
Giá như ta chớ gặp em
để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng
giá như em đã có chồng
để bòng bong khỏi rối lòng người dưng
Rồi cũng năm 1989 (tôi nhớ là ngày 29.08.1989) tôi có mặt ở đợt rút quân cuối cùng của quân đội Việt Nam khỏi Campuchia. Tôi nhìn những người dân Campuchia đen đúa, đói khổ và nghĩ: Sau khi bộ đội Việt Nam rút đi, quân của Polpot, Hunsen, Ranahdit... phe này phe kia đánh nhau lung tung beng cả lên thì những người dân đói khổ kia sẽ ra làm sao? Tự nhiên tôi thấy xót lắm. Cái lúc mà mình ở trong một cuộc chiến tranh mình không cảm thấy hết, bằng khi mình đứng ở ngoài nhìn vào cuộc chiến tranh của một dân tộc khác. Tôi làm bài thơ Đá ơi
Ta mặc niệm trước Ăng-co đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình!
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Bài thơ này tuy ngắn nhưng như một lời chúc tụng của tôi với hoà bình. Trong các cuộc đọc thơ của tôi ở Việt Nam hay cũng như ở nơi nào đó tôi đều đọc bài thơ này. Năm ngoái nhân kỷ niệm 25 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam, một tờ báo ở Mỹ đã dùng câu thơ:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
làm một cái tiêu chí cho đợt kỷ niệm của bang Connecticut, vì ngay cả người Mỹ cũng có những tổn thất rất lớn trong chiến tranh Việt Nam nên họ cảm thông về câu thơ này. Có người nói rằng cần phải phân biệt chiến tranh chính nghĩa hay chiến tranh phi nghĩa, tôi nghĩ chính nghĩa hay phi nghĩa lại là một việc khác, nhưng còn tổn thất của bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, kể cả chính nghĩa, kể cả phi nghĩa, thì đều rơi lên đầu người dân hết. Cho nên bài thơ này đối với tôi là một cái lời cầu nguyện:
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại...
Tôi nói điều đó với tư cách của một người từ trong cuộc chiến tranh đi ra, đã chết hụt không dưới 10 lần, và tôi nghĩ rằng mình còn sống được ngày nào thỉ đã là có lãi rồi. Lời lãi của mình là những ngày đang sống cho nên nếu có nói một điều gì, viết một điều gì thì phải hết cái lòng chân thành của mình, không thể khác được.
Lúc nhỏ tôi sống ở Đò Lèn, là vùng đất phát tích của nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn ở Thanh Hoá và phát tích ỡ xã Hà Long huyện Hà Trung, đó là quê của tôi. Năm 1993 vợ tôi bị sụt cột sống, tôi phải chăm vợ và lo cho các con một năm. Tôi thấy thật là vãi linh hồn. Nên tôi viết tặng vợ tôi bài thơ này:
Vừa một xuân lại một xuân
Vợ ơi đại hạn đã gần một năm
Một nhà là sáu mồm ăn
Một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ
Cái lưng em sụm bất ngờ
Tứ chi anh lõng thõng quơ rụng rờ
Thông thường thượng giới rong chơi
Trần gian choang choác sự đời tùy em
Nghìn tay nghìn việc không tên
Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng
Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh sất bất sang bang sao đành
Cha con chúa chổm loanh quanh
Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
Việc thiên việc địa việc nhà
Một mình anh vãi cả ba linh hồn
Thế hệ những người làm lính của chúng tôi cho đến bây giờ, tôi nghĩ rằng, họ vẫn đang ấp ủ cái mơ ước làm cho đất nước này nó đẹp lên. Vừa rồi tôi có tới một cái làng, gọi là "làng Việt cộng" ở Boston, bang Massachusetts. Một khu vực của những người Việt Nam mà toàn là bộ đội vượt biên, họ cụm lại với. Đây là một buổi mà tôi được trò chuyện với những người Việt ở nước ngoài một cách chính thức, còn như ở Mỹ thì hoàn toàn chưa có những buổi như vậy. Tôi có chừng độ quãng 40-50 buổi đọc thơ ở Mỹ vào năm 1995, 2000 và 2001, nhưng toàn là trong các trường đại học của Mỹ, hay với một vài người Việt Nam mà tôi quen biết ở Sài Gòn trước khi họ vượt biên. Chứ còn với cộng đồng người Việt ở Mỹ thì xin thưa là tôi chưa được một may mắn nào để tiếp xúc chính thức. Bởi bì những cái mặc cảm chính trị của cộng đồng người Việt ở Mỹ còn khá phức tạp. Như vừa rồi nhóm ca sĩ như Phương Thanh, Lam Trường, Lam Phương và một vài người nữa dự định biểu diễn tại 6 thành phố ở Mỹ, nhưng đi đến đâu cũng bị cộng đồng người Việt tẩy chay, biểu tình rất đông với khẩu hiệu hô chống tuyên truyền cộng sản. Có hai ông nhà nghiên cứu là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi đến đại học Massachusetts nghiên cứu về văn hoá của cộng đồng người Việt di tản cũng bị biểu tình chống đối. Vì thế mà tôi chưa có dịp được tiếp xúc với người Việt Nam của mình ở Mỹ.
Để viết một bài thơ dài tôi thường mất vài năm, tôi phải viết lặp đi lặp lại mất nhiều công, còn ý tứ để dồn lại thì phải mất từ nhiều năm trước đó. Bài Đánh thức tiềm lực nhanh nhất cũng mất hai năm; bài Nhìn từ xa... Tổ quốc tôi làm mất 4 đến 5 năm. Bài thơ tôi sắp đọc, bài Kim Mộc Thủy Hoả Thổ, bài này tôi viết xong năm 1991, năm 1992 thì in ở tạp chí Cửa Việt do anh Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng biên tập. Vừa in xong thì tạp chí Cửa Việt cũng bị đình bản và ông Hoàng Phủ Ngọc Tường mất việc từ hồi đó vì bài thơ này. Và cũng phải sau 5 đến 7 năm thì mới có một cách nhìn nhận bình thường về bài thơ và cho đến bây giờ thì một phần nào đó những điều mình muốn trình bày lại bị lỗi thời rồi, nhưng cũng còn đôi điều có thể nói lại với nhau được.
- Phạm Hoàng: Thưa anh Nguyễn Duy, có thể nói anh là một nhà thơ "đi Tây" nhiều nhất trong những nhà thơ ở Việt Nam. Qua những lần anh đi như vậy anh có cảm nghĩ gì về đồng bào ta ở ngoài nước và đặc biệt là anh em văn nghệ sĩ, những người làm thơ, những người sáng tác ở nước ngoài?
+ Nguyễn Duy: Tôi gặp gỡ người Việt ở nước ngoài nhiều, tôi đi nhiều và có một cái thú là đi bằng... thơ. Tôi rất mừng là như vậy. Tôi chả là quan chức gì, không phe phái nào tôi chỉ có là phe... phe làm thơ thôi. Tôi đi như thế và tôi đọc thơ, bán thơ, bán lịch rồi tôi đi tiếp. Tôi thấy một điều như thế này, con người ở đâu cũng là con người, đã dính líu đến hoạt động chính trị thì con người nó bị lưu manh hoá đi. Những cái hoạt động chính trị cực đoan thì ở phía nào cũng đều không tốt. Trong một diễn đàn về Đông Dương của trường đại học Conlombia, Nữu Ước, năm 1995, tôi cũng đã có nói những điều này. Người ta quan tâm đến văn học Việt Nam hiện đại, đôi khi người ta quan tâm đến việc chống đối chính phủ ở cái khu vực chính trị thuần túy, tôi không đồng ý cái đó. Văn chương là văn chương. Nhà văn có thái độ của chính trị nhưng nhà văn không phải là cái đuôi của chính trị. Mà nếu anh là cái đuôi của chính trị thì anh ở thái cực nào cũng tầm thường như nhau hết. Tôi không muốn sa vào nó, nên khi nhiều người gọi chung một số phản ứng của các nhà văn ở Việt Nam là Văn học phản kháng, tôi đã bảo như vậy là không phải. Phản kháng vẫn là một hoạt động cực đoan của chính trị thôi, điều quan trọng hơn cái phản kháng mà tôi thấy, tôi làm và tôi đánh giá: Đó là dòng văn học thức tỉnh, một nền văn học đã có từ hàng nghìn năm nay và tôi là người theo cái mạch đó chứ không phải là ở những thái cực chính trị.
- - PH: Anh vừa nói đến nhà văn với chính trị thì tôi nhớ đến hiện nay ở hải ngoại, trên mạng Internet cũng có cuộc tranh luận về trí thức-văn nghệ sỹ Việt Nam với thời cuộc. Đã có nhiều anh em ở trong nước tham gia với những ý kiến xác đáng. Xin hỏi anh một câu ngắn về thái độ của người trí thức-văn nghệ sĩ với thời cuộc của đất nước?
+ ND: Là một nghệ sĩ mà anh đã đứng về phe Nhân Dân, Dân Tộc thì trong bất kỳ thời đại nào anh phải có thái độ chính trị của mình. Nhưng để nhảy ra làm một cái thứ chính trị manh mún, lặt vặt, tẹp nhẹp thì cái đó không là công việc của những nghệ sĩ lớn.
- PH: Khi anh sang Berlin lần đầu vào đúng thời điểm cổng thành mở, hai miền Đông-Tây Đức thống nhất, vô tình anh đã chứng kiến một thời điểm lịch sử của nước Đức. Thế khi đó cảm tưởng của anh như thế nào?
+ ND: Thứ nhất là tôi mừng cho nước Đức, cho dân tộc Đức thống nhất, sống với nhau hoà thuận mà không phải trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu. Và, tôi nghĩ rằng tôi sẽ trở lại cái đề tài này vào một lúc nào đó.
- PH: Tôi cũng từng là một người lính và anh cũng là một người lính làm thơ, chúng ta đều trải qua cuộc chiến ở Việt Nam. Bây giờ, gần 30 năm trôi qua, tâm trạng của anh về cuộc chiến đó ra sao?
+ ND: Lúc nãy tôi có nói, những người lính gần với cái chết cho nên không ai hơn họ về sự khát khao với sự sống. Họ nằm trong lò lửa chiến tranh nên không ai hơn họ cái khao khát hoà bình. Cho đến giờ những người lính làm văn chương, không phải là tất cả, nhưng phần lớn đều giữ được niềm khao khát từ cái lúc còn làm lính.
- PH: Bài thơ "Nhìn Từ Xa... Tổ Quốc" sau một thời gian bị dừng lại cuối cùng cũng được in ra, đến với độc giả. Nhưng những dằn vặt cuả anh trong bài thơ đó cho đến nay vẫn còn chứ?
+ND: Nó vẫn còn chứ, chưa hết được nhưng có điều bây giờ nhiều người cũng nói ra được cái dằn vặt của tôi khi đóThú vị nữa là ngay trong giới cầm quyền người ta cũng cảm được những nỗi trăn trở và thật sự có một sự chuyển động. Nó chậm nhưng mà có chuyển động, tốt hơn lên.
- PH: Anh có nói người Việt ở ngoài nước cũng như trong nước khó cộng tác với nhau ngay cả trong làm ăn chứ không là trong chuyện chính trị. Và nhiều người nói cái đó là bản tính của người Việt, do đó khó hy vọng vào người Việt. Anh có tin rằng người Việt sẽ sửa được bản tính đó để dân tộc mình đi lên được không?
+ ND: Cách đây 11 năm trong thiên bút ký Đông Âu du ký, tôi cũng đã nói thẳng vấn đề nàyTừ người ở trong nước cho đến người ở ngoài nước, người Việt có rất nhiều nhược điểm mà chúng ta cần phải nhìn thẳng đó. Bây giờ nếu có người nào đó nói về những nhược điểm của người Việt thì rất dễ bị vu cho cái tội là nói xấu dân tộc mình. Tôi muốn có một cuộc "Tổng kiểm thảo toàn dân tộc" về cái hay, cái tốt, cái dở, cái xấu của chính mình và nếu không nhận thức được sự thật về mình thì đừng nói đến chuyện phát triển. Tôi muốn có một cuộc nói chuyện nói thẳng nói thật với nhau một cách sòng phẳng và đừng ai buộc tội ai hết. Tôi nghĩ cái dân chủ hiện nay cần phải có trước tiên là dân chủ nhận thức sự thật, chứ không phải là dân chủ hành động. Người Việt ta có thể nói là dân chủ về hành động có thừa. Từ cái ăn, cái nói, cái làm việc đến cái... phóng uế bậy: Có thể nói chúng ta là loại người "tự do" nhất thế giới! Những hành động dân chủ vô chính phủ chúng ta có thừa, nhưng nhận thức về dân chủ, trình độ trí tuệ về dân chủ thì lại đang còn thiếu.
- PH: Rất cảm ơn anh và một lần nữa tôi vẫn mong muốn vào lúc nào đấy thì anh sẽ quay trở lại với thơ, lại có những bài thơ mới, hay, hấp dẫn như anh vừa đọc. Vì, người ta không thể gọi anh bằng một cái danh xưng nào khác, ngoài danh xưng là nhà thơ Nguyễn Duy.
+ Nguyễn Duy: Tôi nặng duyên nợ với thơKhông làm được những bài thơ hay thì tôi ngừng, tôi không làm nữa, nhưng không có nghĩa như thế là mình đoạt tuyệt với thơ...

Berlin, tháng 7-2001