Kỳ 1: Chiến dịch X1 và X2
TP - Sau 20 năm, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Để có được thành quả đó, chúng ta đã có một “Cuộc xé rào” lịch sử. Nhưng có những khoảnh khắc, xuất phát từ nhiều nguyên do mà cho tới hôm nay, nhà báo mới chuyển tải thông tin tới bạn đọc.
Chúng ta đang nói tới sự kiện xảy ra đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi ông Mai Chí Thọ – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc CA TP. Hồ Chí Minh – bị “triệu tập” gấp, mặc dù ông đang nằm điều trị tại bệnh viện. Những điều gì đã xảy ra xung quanh “sự kiện” ấy? Xin mời quý độc giả theo dõi loạt phóng sự do nhóm phóng viên báo Tiền phong vừa thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh.
Nhưng đến nửa chừng rà soát lại gần 2.000 “đối tượng X2”, thì chỉ đúng có… 3 đối tượng ! Chủ trương duy ý chí này đã làm sa sút ghê gớm, biến dạng diện mạo cũng như nội lực của thành phố, xóa đi hết những ưu thế, cơ sở vật chất sẵn có của “Hòn ngọc Viễn Đông”…
Kỳ II: Xé rào
TP - Thời hạn hoạt động theo giấy phép là 15 năm, song, mới chỉ được vỏn vẹn 2 năm, hoạt động “vượt rào”, Cholimex đã phải rẽ sang một hướng khác, chia tay với bao kế hoạch, dự định từng ấp ủ, trong nỗi suy tư khôn nguôi…
Bác Tám Cao cười hóm hỉnh, hỏi chúng tôi rằng: “Chắc mọi người còn nhớ chuyện Trạng Lợn?”. Không đợi chúng tôi trả lời, bác nói tiếp: “Ngày xưa có anh chàng đi buôn lợn, khi vào cửa nhà quan thì ông quan nọ vừa ngủ dậy dụi mắt, vuốt râu rồi vuốt hai bên mép râu. Chẳng nói chẳng rằng anh ta xin ông quan 18 quan tiền rồi định lỉnh.
Kỳ III: Hành trình gian nan của một phương án đổi mới
Kỳ IV: Dẹp loạn!
TP - “Sặc mùi Nam Tư!” (ý muốn nói “mùi” tư bản chủ nghĩa). Câu nhận xét của một vị Bộ trưởng vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn được lưu truyền trong giới doanh nhân TPHCM cho tới hôm nay, sau hơn 20 năm.
Kỳ V: Những lùm cây xanh trên sa mạc
Trước khi xuất phát từ TPHCM lên Đà Lạt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã nói với các thành viên được Thành ủy lựa chọn, rằng: “Hiện nay có các đồng chí trong Bộ Chính trị đang ở Đà Lạt. Thành phố chúng ta đã đăng ký xin được báo cáo về những việc đã làm của chúng ta trong thời gian qua, cũng như những khó khăn tồn tại để Bộ Chính trị có thêm cơ sở thực tế mà đề ra đường lối chính sách mới.
Kỳ cuối: “Ông già căn cơ”
TP - Người ta còn gọi ông là Mười út, Mười Cúc hoặc chỉ đơn giản là “NVL”. Để bạn đọc hiểu thêm về “ông già căn cơ”, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn ký ức của ông Võ Trần Chí – Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.
TP - Sau 20 năm, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành quả vô cùng to lớn. Để có được thành quả đó, chúng ta đã có một “Cuộc xé rào” lịch sử. Nhưng có những khoảnh khắc, xuất phát từ nhiều nguyên do mà cho tới hôm nay, nhà báo mới chuyển tải thông tin tới bạn đọc.
Hàng chục ngàn quần chúng xuống đường đả đảo tư sản mại bản (1976) ảnh: Tư liệu
|
Ở tuổi 85, lại đang mắc bệnh tiểu đường, song bác Tám Cao- biệt danh thân mật của nguyên ủy viên Bộ Chính trị Mai Chí Thọ - vẫn ngồi chuyện trò với chúng tôi nhiều giờ đồng hồ với trí nhớ tuyệt vời. Bữa trước, khi phóng viên báo Tiền phong nhắc lại “chuyện cũ” và ngỏ ý xin gặp, bác Tám Cao vui vẻ nhận lời ngay, và khi bắt đầu câu chuyện, bác còn nhắc chúng tôi nhớ bật máy ghi âm…
“Đó là thời kỳ rất khó khăn, phức tạp – Bác Tám Cao nhớ lại – Nếu tính mốc ngày chiến thắng 30/4/1975, Sài Gòn thực chất mới chỉ hưởng hòa bình vỏn vẹn được 3 ngày thì tiếng súng nơi biên giới Tây Nam đã nổ. Không một dòng, mẩu tin trên báo chí.
Một cuộc chiến kéo dài tới 14 năm (1975-1989) mới chấm dứt. Nhưng lúc đó, bạn bè quốc tế không hiểu, ngay một số người của ta lúc đầu cũng chỉ ý thức được đó là một “mâu thuẫn nội bộ”. Chúng ta thì nín nhịn cho mãi tới khi địch còn cách Sài Gòn hơn 42 km đường chim bay, thì buộc lòng mới phản công (năm 1979).
Thời điểm đó, Sài Gòn đã phải điều động nhân dân, kể các các linh mục, sư sãi… để làm chiến tuyến phòng thủ ở Tân Sơn Nhất mà báo chí trong và ngoài nước vẫn chưa lên tiếng… Cuộc chiến này đã gây cho đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng những tổn hại vô cùng lớn…”.
Trầm ngâm một lát, bác Tám Cao đúc kết: “Sau chiến thắng 30/4/1975 với chủ trương “Tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, ngay sau khi giải phóng, TW đã giao nhiệm vụ cho TP. HCM phải bắt tay ngay vào chiến dịch mang bí số X1 và X2 với nội dung “Cải tạo kinh tế tư bản chủ nghĩa” vẫn được quen gọi là “Đánh tư sản mại bản”.
Chiến dịch X1, thì tạm được bởi chúng ta thực hiện cải tạo những tư sản có liên quan tới đế quốc, dù trong số họ không ít người chỉ thuần túy “làm kinh tế”.
Nhưng đến chiến dịch X2 thì sự sai lầm đã bộc lộ rõ: Vì “chỉ tiêu” được giao cao hơn, nên trong suốt một thời gian dài, hàng chục vạn lượt nhân dân lao động, thanh niên, sinh viên, học sinh rầm rộ xuống đường với khẩu hiệu, biểu ngữ, loa tay, loa phóng thanh, nắm tay hô vang khẩu hiệu “Đả đảo tư sản mại bản” khiến cho lớp “người giàu” thuộc chế độ cũ kinh hồn bạt vía.
Đại tướng Mai Chí Thọ |
Không khí cải tạo ồ ạt, tịch thu, tịch biên tài sản của các đối tượng “X1, X2”, đem về đổ dồn, chất đống đầy các kho không chứa xuể, phải tấp táp đâu đó, sau một thời gian ngắn, những tài sản này phần thì biến mất, số còn lại hư hỏng trở thành một đống đổ nát khổng lồ…
Từ một thành phố hưởng thụ, một Trung tâm công nghiệp lớn nhất, vậy mà chỉ sau mấy năm khi “Chiến dịch X1, X2” đi qua, toàn bộ nền sản xuất công nghiệp của thành phố bị tê liệt tới mức cạn cùng: Nguyên vật liệu không còn, viện trợ từ các phía bị cắt đứt, cơ sở vật chất xuống cấp nhanh chóng, máy móc phương tiện “đắp chiếu” ngủ triền miên hết năm này sang năm khác.
Nền kinh tế của thành phố như thoi thóp, lạm phát gia tăng chóng mặt từ 15,3% đến 31% vào năm 1979; từ 20% năm 1980 đến 40% năm 1981, cộng với thiên tai, mất mùa, tăng viện cho cuộc chiến phía Tây Nam, số người thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Rồi dịch bệnh tràn lan, phương tiện, thuốc men thiếu thốn đủ thứ khiến cho đời sống người dân ngày càng lâm vào cảnh cùng cực. Có nhiều người không chịu đựng nổi phải vượt biên.
Nhiều gia đình, thân nhân người làm việc trong chế độ cũ lúc đầu rất tin tưởng vào chính sách hòa hợp dân tộc, họ lại quen sống dựa vào đồng lương của chồng nay suốt ngày nhai bo bo. Lòng người dân bắt đầu rối loạn, những cảnh di tản rất bi thương diễn ra hàng ngày…
Chợt nhớ, trước lúc tới gặp bác Tám Cao, chúng tôi đã ghé thăm khá nhiều “nhân chứng” của thời kỳ “5 năm khổ hạnh”. Chưa nói gì tới dân thường, dân nghèo, mà ngay đến cuộc sống của những gia đình cán bộ có “cỡ” của thành phố lúc đó cũng lao đao, khốn đốn tột cùng.
Anh Ba Châu – con trai cả của cố quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ, nhớ lại: “Sau giải phóng, vốn là cán bộ Đoàn, tôi ở chung khu tập thể với anh Sáu Phong (tức đồng chí Nguyễn Minh Triết, hiện là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM) lúc đó là Bí thư Thành Đoàn TP.
Gia đình anh Sáu Phong cũng cực khổ lắm, nên phải nuôi heo để tăng thêm thu nhập, còn tôi, suốt 5 năm trời, sáng nào cũng vậy, phải dậy từ 3 giờ sáng đi xếp hàng cùng các cháu 13-14 tuổi để lấy bánh mỳ đi bỏ kiếm thêm phụ vào bữa ăn gia đình.
Thành phố lúc đó dấy lên phong trào “tự túc lương thực” nhà nhà trồng rau, nuôi heo, làm đủ mọi việc để kiếm sống. Trước đó không lâu, còn là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nay, TP HCM như trở thành một khu chăn nuôi, trồng trọt khổng lồ, thậm chí có nhiều đoạn vỉa hè bị đào xới lên để trồng khoai lang, rau cải…”.
Nhắc tới chuyện này, bác Tám Cao cười đau xót: “Ngay như gia đình tôi đây, hồi đó, làm Chủ tịch thành phố, anh em họ thương, phân cho ở một ngôi nhà rất rộng và đẹp kiểu château của Pháp ngày xưa. Biệt thự nằm trên khuôn viên rộng mấy ngàn mét vuông, có thảm cỏ xanh mượt rất đẹp mắt, những dãy hoa càng tô điểm thêm cho vẻ sang trọng lộng lẫy của khu biệt thự.
Phía trước nhà có bể bơi nước trong xanh phía sau có sân tennis. Thế mà chỉ sau một thời gian, bể bơi lúc đầu thả cả rô phi, sau chẳng lấy đâu ra thức ăn cho cá, vả lại cũng không có người chăm sóc nên trong bể đầy nòng nọc; thảm cỏ thì biến thành ruộng trồng khoai lang để nuôi heo.
Còn sân tennis bỏ hoang vì lúc đó ai mà còn tâm trí chơi các môn thể thao quí tộc ấy, dù có muốn cũng chẳng tìm đâu ra được bóng với vợt… Nhiều sáng đi làm, tôi cũng chỉ lót dạ mấy củ khoai lang luộc. Dạo ấy, từ Bí thư đến Chủ tịch thành phố, lúc nào cũng nghĩ cách kiếm gạo cho dân.
Khó khăn tới mức, mấy anh em công an phải dùng xe mang biển số CA, mặc sắc phục CA để xuống miền Tây chở gạo về cho anh em. Công nhân thì tới buổi cơm phải đem cân chứ không chịu bới ra chén sợ không đồng đều. Khi nhận được suất ăn, ai cũng chỉ ăn một nửa, còn một nửa mang về cho gia đình, tội lắm!
Có một hôm chú xuống thăm anh em thương binh, bệnh binh mà không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh anh em vừa đói bụng, đói thuốc men, mà chỉ cần mấy chục chiếc xe lăn mà cũng không sao lo nổi được cho anh em… Nhiều đêm, tôi đi từ Sài Gòn xuống Chợ Lớn, lòng đau thắt khi nhà cửa, hiệu buôn đóng cửa im ỉm, thành phố như đang chết dần…”.
Kỳ II: Xé rào
TP - Thời hạn hoạt động theo giấy phép là 15 năm, song, mới chỉ được vỏn vẹn 2 năm, hoạt động “vượt rào”, Cholimex đã phải rẽ sang một hướng khác, chia tay với bao kế hoạch, dự định từng ấp ủ, trong nỗi suy tư khôn nguôi…
Quá ngạc nhiên, vị quan nọ cho người giữ lại cật vấn, thì anh chàng buôn lợn liền nịnh rằng quan lớn là người hay chữ, không cần nói, chỉ làm cử chỉ dụi mắt, vuốt râu là chữ “Thập”, vuốt sang hai mép nữa là chữ “bát” vì thế, con mới xin 18 quan tiền. Quan lớn bật cười mà cho qua…
Quay lại chuyện của thành phố, các em biết đó, đứng trước thực trạng thành phố sau 5 năm giải phóng, Thành ủy và thường trực UBND TP ngày đêm lo lắng, trăn trở để làm sao tìm được lối thoát.
Cũng đã có đôi ba lần chúng tôi tranh thủ báo cáo miệng với một số đồng chí lãnh đạo TW, có người thì gật gù, “vuốt râu”, có người thì im lặng, chả còn cách nào khác, đành phải bắt chước ông Trạng Lợn ngày xưa.
Sau rất nhiều cuộc họp bàn, Thành ủy quyết định chọn “đột phá khẩu” là “xuất- nhập khẩu”, tập hợp một số chuyên viên, thương gia người Hoa hoạch định sách lược cụ thể, vì số đông các thương gia Hoa kiều rất có kinh nghiệm, năng lực kinh doanh XNK, đồng thời, họ lại có rất nhiều mối quan hệ với khách hàng quốc tế, họ hàng ở Hồng Công, Đài Loan, Singapore… và cuối cùng, Thành ủy đã “bật đèn xanh” cho một số cơ sở mạnh dạn “xé rào”. Cụ thể việc “xé rào” ra sao, các em nên gặp lại những người tham gia trực tiếp…”.
* * *
Trong buổi bình minh của thời kỳ “tiền đổi mới”, nổi lên một số gương mặt từng được cả nước biết tới như: Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), Bùi Văn Long – Tổng giám đốc Liên hiệp dệt, Nguyễn Thị Đồng – Phó giám đốc Dệt Thành Công, Lê Thị Lý– Giám đốc Dệt Phước Long…
Song, người đầu tiên chúng tôi muốn nêu danh lại xuất phát từ nghề cầm phấn, như ông tự nhận “một giáo viên bình thường” và sau một “sự cố gia đình”, ông phải “chuyển ngành” “mất dạy, đi buôn”…
Tại thời điểm đó, không ai ngờ được rằng, ông “mất dạy” ấy, không những xé rào thành công, mà sau này còn trở thành tác giả của khu chế xuất đầu tiên của cả nước – khu chế xuất Tân Thuận (TP HCM).
Ông là Phan Chánh Dưỡng – Người Việt gốc Hoa, một trong những người gắn bó với Cty Cholimex (Cty xuất nhập khẩu Chợ Lớn), đột phá khẩu đầu tiên về hướng “xuất- nhập khẩu trực dụng”.
Giám đốc đầu tiên của Cholimex là Hồng Tôn Như - người có năng lực bẩm sinh về kinh doanh XNK. Ngày 15/4/1981, Cy Cholimex được thành lập thì chỉ sau nửa tháng, ngày 1/5/1981 đã thực hiện trót lọt thương vụ đầu tiên:
Con tàu mang tên Weily với trọng tải 200 tấn, xuất phát từ Hồng Công cập cảng Sài Gòn chở theo 70 tấn nhựa PE, sợi Polyester, bột ngọt, phèn chua để đổi lấy 70 tấn đậu phộng của Cty Cholimex.
Đây là phát súng đầu tiên đột phá vượt rào cơ chế bao cấp lúc đó. Ông Phan Chánh Dưỡng đã kể lại trong “Trưởng thành theo năm tháng” rằng: Cuối năm 1982, Cty Cholimex tiến hành xây dựng XN Đông lạnh và XN Điện tử.
Trước đó, chỉ trong vòng 9 tháng, Cty đã nhập khẩu được 1.250 tấn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xây dựng đảm bảo cho 42 cơ sở sản xuất hoạt động ổn định tạo việc làm cho gần 6.000 lao động…
Để dựng lập hai XN Đông lạnh và điện tử, Cty cần huy động thêm vốn ngoài xã hội, mặc dù Cty đã tích lũy được nguồn vốn khá lớn. Việc huy động vốn ngoài xã hội lúc đó là một việc hết sức mới mẻ (một hình thức Cty cổ phần sau này), nhưng theo cách tính toán của Cholimex, việc này sẽ tạo cho Cty có được sự phát triển vững chắc về mọi mặt, nhất là trong việc sử dụng tay nghề chuyên môn và mối quan hệ thị trường của các cổ đông tư nhân.
Đáp lại, các thương gia, tư nhân cũng rất nhanh nhạy, chỉ trong vòng 1 tuần, đã có trên 2.000 người tham gia với mệnh giá góp vốn là 20.000 đồng.
Nhìn lại bước đi của “đứa con đầu lòng” Cholimex của TP HCM, có thể thấy, Cty này đã báo hiệu sớm hàng thập kỷ những hình thái kinh tế của đất nước sau này…
Cùng với một số Cty , xí nghiệp khác, Cholimex đã bước đầu tạo ra được một diện mạo khởi sắc cho TPHCM. Có thể nói trong những năm 81-82, khắp thành phố đâu đâu cũng thấy bật lên một không khí mới, những tia sáng đầu tiên lóe lên về đời sống kinh tế thay da đổi thịt từng ngày. Xôn xao đầu ngõ, cuối phố người dân bàn chuyện làm ăn, đổi hàng, mua sắm, nhiều cửa hàng bách hóa, điện máy, hàng tiêu dùng lần lượt ra đời.
Hàng hóa như bột ngọt, bột giặt, kem đánh răng, vải, quần áo (toàn những thứ “xa xỉ” cuối thập kỷ 70) được bày bán tại nhiều nơi; ngay cả những mặt hàng “cao cấp” như radio, tivi – cassette… được lắp ráp tại Việt Nam cũng xuất hiện.
Cũng chính Cty Cholimex là nơi đầu tiên đưa máy vi tính vào quản lý Cty dưới hình thức “Trung tâm điện toán Cholimex”. Đáng tiếc thay, sự phát triển của Cholimex đang như “diều gặp gió” thì bị “lưỡi kéo cơ chế” cắt phựt dây diều.
Số là, năm 1983, Cty đã khai thác được khách hàng mua sắn lát khô với giá 98 USD/tấn. Khi cán bộ của Cty lên Pleiku thì phát hiện ra một hiện trạng là dân không chịu nhổ sắn bán cho Nhà nước vì giá thu mua của Nhà nước quá thấp: 2 đ/kg.
Chỉ tính riêng công nhổ lên và xắt ra phơi khô cũng đã gần 2 đ/kg. Nắm được tình hình, Cty chủ động bàn với lãnh đạo địa phương nâng giá mua sắn khô lên 4,5 đ/kg trên số lượng vài ngàn tấn.
Trên cơ sở tính toán giá mua đối với dân, cộng hết các chi phí giao xuống tàu thì 1kg sắn sẽ có giá là 4,9 đồng. Kết quả là, mỗi tấn, nông dân sẽ được thêm 2.500 đồng, còn Cty lời khoảng 1.960 đồng, còn đối với tỉnh, Cty cung cấp trở lại cho tỉnh những mặt hàng khan hiếm lúc đó như vỏ ruột xe tải, xi măng, vải, bột ngọt… với giá trị tương đương với giá trị giao sắn của Pleiku.
Như vậy là cả 3 bên: người trồng sắn – tỉnh – Cty đều có lợi. Thế nhưng, thương vụ này đã bị lên án là “hành vi phá hoại kinh tế” vì Cty đã dám mua giá sắn lát cao hơn so với quy định, để rồi sau đó, các đoàn kiểm tra của TW vào “kiểm tra tài chính” Cty Cholimex.
Kết quả là, dù thời hạn hoạt động theo giấy phép là 15 năm, song, mới chỉ được vỏn vẹn 2 năm, hoạt động “vượt rào”, Cholimex đã phải rẽ sang một hướng khác, chia tay với bao kế hoạch, dự định từng ấp ủ, trong nỗi suy tư khôn nguôi…
Kỳ III: Hành trình gian nan của một phương án đổi mới
TP - Trong cuộc xé rào tại TP HCM, không thể không nhắc tới một phụ nữ với dáng vẻ hết sức bình dị, nhưng lại thuộc diện “Vua biết mặt, Chúa biết tên”. Đó là bác Nguyễn Thị Đồng, được gọi thân mật là Mười Đồng.
Công nhân nhà máy VyKyno thuộc khu CN Biên Hòa (tháng 5/1975). Ảnh: Quang Khanh |
Tuy chỉ là Bí thư Đảng ủy một nhà máy có quy mô tầm tầm, nhưng bác Mười Đồng đã vinh dự được đón tiếp, giãi bày với các cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đương kim Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Bác Mười Đồng sinh ra trong một gia đình có thể nói là tiêu biểu điển hình trong cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Kể từ năm 1859, ông cố của bác Mười Đồng đã cầm súng chống lại thực dân Pháp vừa đặt chân lên Gia Định. Nếu tính “thâm niên” chống ngoại xâm thì các thế hệ trong gia đình này có tới 400 tuổi quân và có mặt trên khắp các chiến trường Nam – Trung – Bắc.
Mới 13 tuổi khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Mười Đồng đã tham gia làm giao liên, liên lạc đưa thư, chở vũ khí cho cách mạng. Và năm 1954 tập kết ra Bắc làm công tác tổ chức tại Xí nghiệp Giày da xuất khẩu trực thuộc liên hiệp Dệt.
Giải phóng miền Nam, Mười Đồng trở về Sài Gòn, sau một thời gian, được giao làm Bí thư chi bộ một cơ sở dệt vốn trước đây là của một nhà tư sản hiến cho Nhà nước.
Bác Mười Đồng bồi hồi nhớ lại những ngày đầu đầy gian nan, vất vả: “Đó vốn là một cơ sở dệt của một nhà tư sản có tên gọi là “Tài Thành kỹ nghệ Dệt” với hơn 400 công nhân. Quang cảnh ban đầu khi tiếp quản thật thảm hại. Cơ sở như một bãi tha ma với những máy móc “ngủ” im lìm tựa những xác chết. Nguyên vật liệu thì cạn kiệt, hầu hết công nhân, kể cả những thợ tay nghề cao, phần thì sợ liên lụy do có thân nhân là người trong chế độ cũ, phần thì có “phốt” đối với chủ cũ, nên bỏ việc tràn lan.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của cuộc “Đả đảo tư sản mại bản”, nên sản xuất bị đình trệ, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, công nhân không có việc làm. Bởi vậy, nhà máy mới có “sáng kiến” xin “mượn” đất để chăn nuôi bò, heo, trồng rau, trồng lúa…
Khốn khổ thay những người quen đứng máy làm sao quen được với việc đồng áng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời? Vả lại lấy đâu ra thức ăn để chăn nuôi, phân bón để trồng rau, cấy lúa? Vậy là đói vẫn hoàn đói…
Đúng lúc nhà máy đang trên bờ vực thẳm thì Thành ủy bật tín hiệu cho xé rào ở lĩnh vực xuất – nhập khẩu. Bí thư Mười Đồng cùng Giám đốc Hà đã trải qua bao ngày đêm vắt óc tính toán, bàn thảo, xây dựng được một “Phương án đổi mới” (PAĐM) về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cốt lõi của PAĐM là tìm mọi biện pháp tạo ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu rồi xuất khẩu thành phẩm để thu ngoại tệ, rồi lại quay vòng. Muốn thực hiện được PAĐM, Bí thư chi bộ và Giám đốc thống nhất phải kiện toàn công tác tổ chức của nhà máy.
Trước hết phải phát triển đảng viên ngay từ những công nhân có tay nghề giỏi, phẩm chất tốt, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đây là một hướng đi đúng. Bởi khi mới thành lập, chi bộ chỉ có duy nhất 6 đảng viên trên tổng số 440 công nhân.
Sau này, nhà máy đã phát triển thành một Đảng bộ vững mạnh trên 80 đảng viên. Tiếp đó, lãnh đạo nhà máy đã đích thân đi mời những công nhân giỏi trước đây bỏ nhà máy, trở lại làm việc, kể cả những người có thân nhân liên quan tới chế độ cũ và những người trước đây bị chủ cũ đuổi việc.
Kể lại thì nhanh và dễ, nhưng để thực hiện được những việc trên, lãnh đạo nhà máy đã gặp muôn trùng khó khăn vì phải vận động, khuyên giải, vạch rõ cái lợi cho từng công nhân khi bắt tay vào thực hiện PAĐM. Có công nhân, chỉ vì nhà xa, ngại đạp xe nên xin nghỉ.
Đích thân Bí thư Mười Đồng phải dỗ dành và nói rằng: “Ngày trước, khi con chị còn nhỏ xíu chưa cai sữa, mà chị vẫn phải vừa đạp xe đi học, vừa chăm lo cho con, lại vừa phải đảm nhiệm công việc cơ quan. Nay đang lúc nhà máy khó khăn, nỡ lòng nào mà em lại bỏ nhà máy, bỏ chị mà ra đi…”. Cảm động trước tình cảm và nhiệt huyết của lãnh đạo, anh chị em công nhân đã hết lòng ủng hộ PAĐM.
Để thể hiện quyết tâm, Giám đốc Hà và Bí thư Mười Đồng chọn tên “Thành Công” cho nhà máy của mình, để rồi sau này, thương hiệu “Dệt Thành Công” đã vang dội khắp cả nước. Nhưng đó là sau này, còn khi chưa ra đời, PAĐM của Dệt Thành Công đã va phải một sức ỳ ghê gớm, mà nếu không bình tĩnh, kiên trì sẽ bị vỡ vụn trong thời kỳ trứng nước.
Số là, sau khi bản PAĐM hoàn thiện, lãnh đạo nhà máy cho thông qua lấy biểu quyết trước toàn thể công nhân. Đúng bữa đó, một vị Bộ trưởng đến thăm nhà máy.
Bí thư Mười Đồng được phân công tiếp đón và báo cáo sơ bộ PAĐM cho ông Bộ trưởng nghe. Vừa nghe xong, ông đã gạt phắt, lên lớp cho Mười Đồng một trận liên kỳ hồi.
Nhớ lời dặn dò của đồng chí Võ Văn Kiệt, muốn thực hiện đổi mới thành công, phải luôn luôn bình tĩnh, nhẫn nại, Bí thư Mười Đồng dù lúc đó rất tự ái vì đã bị xúc phạm, nhưng vẫn khéo léo xin lỗi để ra điều hành tiếp cuộc họp nội bộ rồi xả giận bằng mấy ly nước lọc và giấu kín không cho anh em biết về phản ứng của vị lãnh đạo nọ, sợ ảnh hưởng đến tâm lý chung. Ngược lại, cũng chính từ sự “khởi đầu nan” ấy mà càng củng cố ý chí quyết “Thành Công” như tên đã chọn đối với lãnh đạo nhà máy.
Sự gian nan trên hành trình của PAĐM không chỉ dừng ở đó. Khi Giám đốc Hà cầm bản PAĐM đó ra Hà Nội chầu trực hơn nửa tháng trời mà vẫn không được lãnh đạo Bộ chủ quản phê duyệt vì lý do là phương án này ở “dạng đặc biệt” bởi khi nghe nhà máy đề cập đến chuyện dám vay hơn 1,5 triệu USD để nhập khẩu nguyên vật liệu thì ai cũng ngán, bởi đó là một khoản ngoại tệ rất lớn đối với ngay cả bây giờ chứ chưa nói gì đến thuở ban đầu.
Chờ mãi không thấy Giám đốc Hà về, sốt ruột quá, Bí thư Mười Đồng liền lặn lội ra Hà Nội. Khi nghe Giám đốc Hà kể về sự gian truân “bám đuổi” các vị lãnh đạo Bộ, Mười Đồng liền bàn với Giám đốc Hà tìm cách “đi tắt”, xin gặp một cán bộ cao cấp.
Sáng kiến này có hiệu quả ngay. Vị lãnh đạo đó đồng ý nghe lãnh đạo Nhà máy Dệt Thành Công báo cáo trực tiếp phương án. Trong buổi gặp mặt đó, có sự hiện diện của Thứ trưởng một ngành.
Khi nghe Mười Đồng trình bày PAĐM với sự khẳng định sẽ thu được 2,5 triệu USD mỗi năm (Thực ra theo PAĐM là 3 triệu USD, nhưng Mười Đồng “bớt” đi 500 ngàn USD cho chắc ăn). Vị lãnh đạo cao cấp đó rất thích thú, liền quay sang hỏi vị Thứ trưởng rằng, mỗi năm, ngành của anh thu được bao nhiêu ngoại tệ. Chần chừ mãi, cuối cùng vị Thứ trưởng nọ đành “khai” thật: “Thưa anh, mỗi năm ngành chúng tôi thu được có… 2 triệu USD. Mấy hồi trước, tụi tui giấu anh, chẳng dám nói thật!”.
Sau buổi gặp mặt đó, mặc dù đã được vị lãnh đạo cao cấp bật đèn xanh, song phải cạy cục mãi, PAĐM của Dệt Thành Công mới được một vị Thứ trưởng “liều mình” phê duyệt. “Đầu đã xuôi” nhưng “đuôi” vẫn chưa thể lọt, bởi vào thời điểm đầu thập kỷ 80, chuyện vay ngoại tệ của Ngân hàng Ngoại thương không hề đơn giản, mà lại vay với số lượng lớn, lên tới 1,7 triệu USD lận.
Giám đốc Hà và Bí thư Mười Đồng bàn bạc, thống nhất phát động toàn thể công nhân thực hành tiết kiệm, làm thêm giờ, thêm ca, tận dụng không bỏ sót một sợi tơ rối nào rồi chịu khó gia công để nhà máy chuyển nhượng cho bên Thương nghiệp, thu được hơn 80 ngàn USD, dùng số tiền này nhập nguyên vât liệu, dệt thành phẩm và bảo quản hết sức cẩn thận trong các kho hàng.
Do số ngoại tệ vay lớn, nên đích thân Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP HCM lúc đó đã xuống nhà máy, tận mắt kiểm tra những kiện hàng thành phẩm đang chờ xuất khẩu. Ông Giám đốc NHNT TP rất vui nói với Mười Đồng rằng: “Ký cho các anh chị vay, tôi rất tin tưởng và an tâm”. Có được ngoại tệ trong tay, nhà máy liền sử dụng tất cả cho việc nhập khẩu nguyên, vật liệu lo đủ cho sản xuất hàng năm trời.
Do chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ về phương thức sản xuất, khai thác khách hàng từ trước, nên việc kinh doanh xuất – nhập khẩu của Dệt Thành Công đã “Thành Công” mỹ mãn: Năm đầu tiên, nhà máy thu được trên 3 triệu USD, trả hết cho ngân hàng vốn vay và lãi suất 8%, còn lãi hơn 1 triệu USD, tiếp tục đầu tư nhập khẩu nguyên vật liệu.
Năm thứ hai, thu được 3,6 triệu USD; nguyên vật liệu đầy ắp, tiếng máy không hề ngừng nghỉ, đời sống công nhân được ổn định và nâng cao rõ rệt, nộp ngân sách Nhà nước không thiếu một xu…
Song, cũng như Cholimex, “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, giữa lúc toàn thể công nhân, lãnh đạo Dệt Thành Công đang hừng hực một khí thế mới, thì liên tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra từ TW gõ cửa nhà máy. Có người trong đoàn kiểm tra sau này còn rỉ tai chị Mười Đồng: “Tụi tôi được lệnh vào đây, nếu phát hiện ra sai phạm thì bắt ngay!”.
Chẳng riêng gì Dệt Thành Công, Cholimex, mà tất cả những đơn vị, nhà máy xé rào đều bị “sờ gáy, day trán” tới tấp. Cũng đúng lúc đó, tin một đồng chí lãnh đạo một nhà máy dệt đã bị CA ra lệnh bắt tại chỗ, khiến cho toàn ngành dệt TP HCM bị choáng váng, tê tái. Số phận của vị lãnh đạo nhà máy dệt kia, cùng với Cholimex, Dệt Thành Công… sẽ ra sao đây?
Kỳ IV: Dẹp loạn!
TP - “Sặc mùi Nam Tư!” (ý muốn nói “mùi” tư bản chủ nghĩa). Câu nhận xét của một vị Bộ trưởng vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn được lưu truyền trong giới doanh nhân TPHCM cho tới hôm nay, sau hơn 20 năm.
Vào khoảng giữa năm 1982, TPHCM đang trong cơn “chuyển dạ”, diện mạo TP đã bớt “xanh xao, hao gày” so với những năm cuối thập niên 70; kết quả của sự xé rào bước đầu đã đưa TP vượt qua được thời kỳ “thập tử, nhất sinh”.
Song, tiếc thay, đúng vào lúc TP như một người vừa thoát khỏi “bạo bệnh”, đang tập đi, thì có vô số thông tin trái chiều bay ra Hà Nội rằng lãnh đạo TP đang đi “chệch hướng XHCN” tạo điều kiện cho “chủ nghĩa tư bản ngóc đầu dậy!”…
Ngay lập tức, hàng chục đoàn thanh, kiểm tra từ Hà Nội, khăn gói lên đường đi “dẹp loạn!”. Cho đến nay, các vị lãnh đạo chủ chốt của TPHCM đều chưa quên được cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra liên tục 10 ngày, từ 10 đến 19/8/1982.
Người dân bình thường của TP có lẽ không để ý, còn tất cả các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị xé rào đều nín thở, hồi hộp chờ đợi, kết quả của Hội nghị này.
Nhớ lại cuộc họp này, bác Tám Cao (nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Mai Chí Thọ) vừa cười vừa kể: “Có đồng chí vừa từ Hà Nội vào, liền hỏi ngay: “Tám Cao đâu? – Anh em báo cáo: Dạ thưa, anh Tám đang bệnh, nằm điều trị trong bệnh viện! – Triệu tập về ngay! ốm cũng phải họp!”. Sau này, đồng chí đó còn nói thẳng với tôi và một đồng chí lãnh đạo khác của TP là: “Nếu không làm được thì nghỉ!”.
Một cán bộ cũ của TP còn thốt lên rằng, dạo ấy, có vị “mặt sát khí đằng đằng, chẳng ai dám tới gần!”.
Tiếp đó, ngày 14/9/1982, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 01/NQ-TW “Về công tác của TP. HCM”. Sau khi nêu rõ đặc điểm và những “thành tích là căn bản”, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng chỉ ra một số khuyết điểm của Đảng bộ TPHCM như “Nhận định về Cách mạng XHCN, về thời kỳ quá độ lên CNXH chưa thật rõ…”; “Có phần buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận phân phối, lưu thông…”; “Công tác cải tạo XHCN đối với thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp chưa được tiến hành tích cực đúng mức…”.
Trong khi lãnh đạo TPHCM tổ chức các cuộc họp để thảo luận, học tập Nghị quyết của Bộ Chính trị, thì ở khắp các đơn vị xé rào phải đương đầu với hàng chục lượt đoàn thanh, kiểm tra.
Một nữ doanh nhân kể lại cho chúng tôi nghe, giọng nghẹn ngào: “Không ai có thể thấu hiểu hết nỗi tủi khổ của chúng tôi. Dạo ấy, do nguyên vật liệu quá khan hiếm. Hàng hóa lại càng ít ỏi. Các chị em công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp không có băng vệ sinh, phải tận dụng tơ, sợi, vải đầu thừa đuôi thẹo để dùng.
Nói chuyện các anh bỏ quá cho, đến lượt tôi phải đi lượm những đồ chị em dùng xong vứt đi ấy, đem ra đầm ngâm nước rồi đi mua loại xà phòng bán thành phẩm để giặt cho sạch. Con thì còn nhỏ chưa cai sữa, vậy mà tôi phải hì hục một mình suốt đêm mới se được 5 chục ký sợi đến 7 giờ sáng hôm sau vừa xong thì công an ập vào lập biên bản”…
Còn tại Trụ sở của Cholimex, Giám đốc đang ngồi chờ đoàn thanh tra tới. Đoàn gồm 5 thành viên, vừa bước chân vào phòng giám đốc một lát thì có người bưng lên 6 ly cà phê sữa. Ông trưởng đoàn liền cự nự: “Đúng là thói tư bản chủ nghĩa! Sao anh biết chúng tôi đến 5 người, ai đã báo trước cho các anh?”.
Giám đốc ngoan ngoãn: “Dạ thưa, lúc các anh vào có thấy quán giải khát bên đường không? Tôi đứng trên lầu giơ 6 ngón tay là có liền 6 ly à!”.
Trưởng đoàn tiếp tục, giọng vẫn chưa bớt gay gắt: “Trong khi các nơi khác giám đốc lương chỉ trung bình từ 75-85 đồng, mà ở đây, lương giám đốc tới những 285 đồng/tháng?”.
Chủ nhà lại ngoan, nhũn như con chi chi: “Dạ thưa, nhưng công nhân của chúng tôi ở đây bình quân lương đã là 93 đồng rồi…”.
Riêng bác Mười Đồng, trong lúc chuyện trò với chúng tôi, thi thoảng bác lại dừng, tay đưa lên day day nơi thanh quản, rồi cười:
“Di chứng của các đoàn thanh, kiểm tra để lại đó. Dạo ấy, suốt mấy tháng trời, hàng chục đoàn vô, ra. Nhà máy lại giao hẳn việc tiếp đón giải trình cho tôi. Liên tục mấy tháng liền, suốt cả ngày, tôi phải báo cáo, giải trình, đấu lý, nói ra rả cả ngày khiến cho thanh quản bị ảnh hưởng nặng cho tới nay thì thành tật rồi không khỏi được nữa…”.
“Còn việc lãnh đạo đơn vị bạn có lệnh bắt thì sao thưa bác?” - “Chuyện này bác biết từ đầu, nhưng để cho khách quan, các chú tìm đến gặp bác Bùi Văn Long, nguyên Tổng Giám đốc Liên hiệp Dệt thì rõ!”.
Trước khi tiếp xúc, chúng tôi cũng đã nhiều lần nghe tiếng vị Tổng Giám đốc này với “biệt danh” là Long – Calo. Sở dĩ có tên gọi như vậy xuất phát từ việc ông đã “chiến đấu” kịch liệt với một cán bộ to vào thanh tra xung quanh việc đảm bảo đủ lượng ca-lo cho bữa ăn của công nhân và việc xóa bỏ tem phiếu, khi vị cán bộ nọ chất vấn vì sao dám cho công nhân ăn 1 bát phở tới 1 đồng(?!)
Mặc dù đã qua tuổi “bát thập”, nhưng bác Long-Calo vẫn còn rất lanh lẹn, minh mẫn và kể cho chúng tôi nghe những chuyện cũ rất rõ ràng, sôi nổi: “Tôi đã nhẩm tính rất cặn kẽ, không dưới 26 đoàn thanh, kiểm tra quần tới bến những đơn vị trong TP do tôi quản lý.
Họ hạnh họe, hạch sách chúng tôi đủ điều, từ việc bán vải, sợi tơ vụn, bán phá giá sợi, chuyện lương bổng, chuyện ăn trưa của công nhân, chuyện hạch toán 2 sổ. Tất tần tật, chỉ thiếu mỗi một điều là họ chưa dùng tới còng số 8 để “nói chuyện” với cấp dưới của tôi… Ngày đó, có tờ báo ngành còn “đánh” chúng tôi suốt 3 tháng trời không nghỉ!”.
- Nghe nói đã có lần Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng gọi điện trực tiếp “xạc” cho bác một trận?
- Đúng là bác Phạm Hùng có gọi điện cho tôi khi được tin tôi cho bán sợi với giá cao hơn giá Nhà nước quy định. Bác ấy còn chất vấn về việc vì sao bỏ thương nghiệp cấp I (thành phố) mà đưa thẳng hàng hóa xuống cấp II (huyện) và việc vì sao lại bỏ chế độ tem phiếu (thời điểm đó là năm 1980 – PV).
- Thế bác trả lời ra sao?
- Sau này, trong những lần làm việc với các đoàn từ Hà Nội vào thanh tra và trong các cuộc gặp, báo cáo với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, bác đã phân tích rất rõ: Việc bán sợi với giá cao vì nếu cứ bán theo giá quy định thì chắc chắn sẽ lỗ. Hiện trạng ngành dệt trong thời điểm đó luôn luôn trong tình trạng “lỗ thật lãi giả”.
Việc bỏ cấp I, thì Nhà nước có lợi, người tiêu dùng cũng có lợi vì Nhà nước không phải bỏ tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên của cấp I vốn chỉ ngồi chơi xơi nước mà lại được hưởng phần trăm của hàng hóa. Chịu mãi cảnh vô lý ấy sao?
Nếu giao thẳng cho cấp II, giá cả hàng hóa sẽ giảm, tất yếu, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Còn việc dám xóa bỏ tem phiếu như quy định của Nhà nước, không phải bỗng dưng bác muốn thế, mà mỗi lần xuống thăm công nhân, bác thấy thương họ quá, làm việc quần quật, hết ca, lại phải rồng rắn xếp hàng mua lương thực, thực phẩm.
Vậy là bác mời các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cùng cán bộ của Tổng Công đoàn từ Hà Nội vào khảo sát và đưa ra một định lượng ca-lo tối thiểu đảm bảo cho công nhân tái sản xuất sức lao động. Từ đó, tính toán chi li số lượng lương thực, thực phẩm rồi thanh toán trọn gói một lần vào lương cho công nhân, chấm dứt tình cảnh xếp hàng… Sau này, khắp cả nước mới xuất hiện khái niệm “bù giá vào lương” đó!
Trở lại chuyện vị cán bộ dưới quyền có “trát” bắt giam, bác Long chép miệng: “Chuyện thì bé mà xé ra to! Khi chị Đồng thông báo tin ấy, tôi giật mình, chạy hộc tốc lên Thành ủy đến nỗi quên cả dép, rơi cả cặp, cùng chị Đồng báo cáo lãnh đạo TP.
Thật ra, đồng chí đó chỉ giao việc gia công ống sợi cho người ngoài nhà máy làm, thế mà cũng bị khép vào tội “cố ý làm trái”. Chúng tôi phải chạy ngược chạy xuôi, đồng chí đó mới thoát khỏi còng số 8…”.
Tuy vị cán bộ nọ không bị bắt nữa, nhưng một bầu không khí nặng nề bao trùm lên khắp giới doanh nhân trong thành phố. Mặc dù, một số đồng chí lãnh đạo TP động viên, an ủi: “Nếu ai đó ở tù, chúng tôi sẵn sàng đi đưa cơm!”.
Tuy nhiên không ít giám đốc không chịu nổi sự o bế từ các đoàn, các cuộc thanh kiểm tra triền miên, đã viết thư tay gửi lãnh đạo thành phố, bày tỏ nỗi chán chường, thất vọng của mình: “…Thú thật, chúng tôi không dám tìm tòi làm theo cách mới nữa. Trên bảo sao, làm vậy cho yên. Nếu làm khác, may thì bị thanh tra phê bình lập trường quan điểm. Nặng, có thể vào tù vì tội cố ý làm trái…”.
Cho dù qua tất cả các cuộc thanh, kiểm tra, không hề phát hiện được bất cứ một giám đốc hay đơn vị nào tư túi hoặc tiêu cực, song, những tia sáng đổi mới vừa mới lóe lên đang có nguy cơ bị dập tắt. Lãnh đạo Thành ủy TPHCM, dù hết sức trăn trở, suy tính, nhưng vẫn chưa tìm ra được một lối thoát khả dĩ, có thể “vượt cạn” trong cuộc đổi mới sinh tử này!
TP - Người dân Đà Lạt, khách du lịch đến thăm Dinh III Đà Lạt, không một ai có thể ngờ rằng tại căn phòng họp của Dinh III, cách nay đúng 23 năm, từ ngày 13 đến 19/7/1983 đã diễn ra cuộc họp mang tính lịch sử, ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp đổi mới của TPHCM và cả đất nước.
Không một tấm hình, không một dòng tin nào trên báo chí phản ánh về cuộc họp mang tính quyết định lịch sử cho vận mệnh của TPHCM nói riêng và sự nghiệp đổi mới của dân tộc nói chung; chỉ có những người trong cuộc năm ấy mới thấu hiểu hết ý nghĩa lịch sử của cuộc họp này.
Như đã biết, cuối năm 1982, đầu năm 1983, một bầu không khí chính trị nặng nề bao phủ lên diện mạo TPHCM.
Lãnh đạo TPHCM, sau bao nhiêu lần họp “rộng” họp “hẹp” cuối cùng thống nhất rằng phải bằng mọi cách thông tin, báo cáo đầy đủ, tỉ mỉ với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về hướng đổi mới đã xuất hiện từ thực tiễn tại TPHCM để cho Bộ Chính trị hiểu và nắm rõ những gì đang xảy ra tại TPHCM hoàn toàn không như một số thông tin hoặc phản ánh sai lệch trước đó. Hoàn cảnh lúc đó rất thúc bách, nếu kéo dài thêm, những nhân tố mới nảy sinh sẽ nhanh chóng bị thui chột…
Nhớ lại thời điểm đó, bác Tam Cao kể: “Vào dịp nghỉ hè năm 1983, anh Ba Duẩn đi Liên Xô, còn anh Năm (Chủ tịch HĐNN Trường Chinh), anh Tô (Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng) và anh Võ Chí Công – Thường trực Ban Bí thư vô Đà Lạt.
Nhân cơ hội này, anh Mười Cúc (Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Linh) đã xin ý kiến ba anh trong Bộ Chính trị, mỗi ngày để ra 1 giờ đồng hồ để gặp gỡ, nghe các đồng chí ở dưới cơ sở báo cáo chi tiết những việc đã làm trong thời gian qua. Các anh ấy đều vui vẻ nhận lời…
Thường vụ Thành ủy và tôi cử các đồng chí là những người trực tiếp lãnh đạo cơ sở lên Đà Lạt báo cáo. Sứ mệnh của các đồng chí rất nặng nề”.
Nghe tới đó, mọi người trong đoàn tỏ ra băn khoăn, lo lắng, Bí thư Thành ủy động viên: “Các đồng chí đừng lo, mà phải coi đây là niềm vinh dự của thành phố mình. Các đồng chí đã làm rất tốt, rất năng động. Những việc làm cụ thể của các đồng chí, Trung ương Đảng không thể nào biết rõ hết được, bởi vậy, chúng ta phải trực tiếp báo cáo… Đây chính là các đồng chí tự cứu mình trước khi Trời cứu đấy…”.
Trong đoàn đại biểu của TPHCM, ngoài các đồng chí lãnh đạo TP: Nguyễn Văn Linh, Võ Thành Công, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Quýnh… còn có một số lãnh đạo cơ sở như Trực Tựu-Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2-9, Bùi Văn Long (Long calo) - Tổng giám đốc Liên hiệp Dệt, Lê Thị Lý - Giám đốc Xí nghiệp Dệt Phước Long… Sáng ngày 12/7/1983, 5 chiếc xe ô tô xuất phát từ TPHCM, chạy thẳng hướng Đà Lạt. Sáng hôm sau, bắt đầu cuộc họp mà sau này được coi là “Sự kiện Đà Lạt – Cái mốc của công cuộc đổi mới”.
Ba vị lãnh đạo cao cấp của Đảng chăm chú lắng nghe rất kỹ từng báo cáo của các lãnh đạo cơ sở. Việc trình bày, báo cáo của các đơn vị cơ sở diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16/7/1983. Chiều hôm đó, các đại diện cơ sở trở về TP HCM. Các đồng chí lãnh đạo TP tiếp tục ở lại báo cáo riêng với các đồng chí trong Bộ Chính trị.
Đến chiều 18/3/1983, sau khi báo cáo xong, các đồng chí Võ Thành Công, Nguyễn Văn Nam, Lê Văn Quýnh trở về TP HCM, riêng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh còn ở lại làm việc riêng với 3 đồng chí trong Bộ Chính trị. Sáng 20/7/1983, đồng chí Nguyễn Văn Linh lên đường trở về TP HCM…”.
Trong khi chuyện trò cùng chúng tôi về cố Tổng Bí thư Trường Chinh, bác Tám Cao nhận xét: Nhờ công rất lớn của anh Năm thì những đổi mới từ thực tiễn của TPHCM và các địa phương khác mới được đúc kết đưa vào Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Anh Năm là một nhà lãnh đạo cực kỳ nguyên tắc, nếu chỉ nghe báo cáo thì anh ấy vẫn chưa tin. Chỉ khi nào đi thị sát trực tiếp tại cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng, thì anh ấy mới tin tưởng”.
Quả nhiên như vậy, sau 1 tuần lắng nghe báo cáo của lãnh đạo TPHCM và các cơ sở, Chủ tịch Trường Chinh yêu cầu thành phố tổ chức để Chủ tịch tới thăm hàng loạt các nhà máy, đơn vị xé rào. Tại những nơi này, Chủ tịch đã đến tận các phân xưởng, tổ sản xuất, hỏi han rất kỹ lưỡng từng công nhân về ngày công lao động, cơ chế khoán sản phẩm, tiền lương, đời sống gia đình.
Trong chuyến đi thăm và khảo sát thực tế này, Chủ tịch TPHCM Mai Chí Thọ là người tháp tùng Chủ tịch HĐNN Trường Chinh. Kết thúc chuyến đi thực tế này, một bữa, Chủ tịch HĐNN Trường Chinh nói nhỏ với Chủ tịch TPHCM Mai Chí Thọ rằng: “Hóa ra, ở Hà Nội, tôi toàn được nghe những thông tin sai lệch!”.
“Sự kiện Đà Lạt” và chuyến đi thực tế của Chủ tịch HĐNN Trường Chinh tại TPHCM chẳng những như một luồng gió mát xoa dịu nỗi ấm ức, bi quan của những đơn vị, những người xé rào, mà còn tạo tiền đề tối quán trọng cho công cuộc đổi mới của dân tộc và được Nghị quyết hóa trong Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Cho đến hôm nay, 23 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra “Sự kiện Đà Lạt”, khi nhớ lại thời điểm ấy, bác Lê Thị Lý – Giám đốc Dệt Phước Long – vẫn còn bồi hồi, nghẹn ngào không cầm nổi nước mắt: “Mấy bữa đầu rất căng thẳng.
Trong bữa ăn không ai nói điều gì cả. Khi tôi báo cáo xong, đến giờ ăn trưa, Chủ tịch Trường Chinh tươi cười nói: “Như thế là trên ốc đảo của sa mạc, đã có những chùm cây xanh! Tôi còn đang ngơ ngác thì bác Phạm Văn Đồng bảo : “Chủ tịch Trường Chinh khen cô đấy!”. Tôi mừng bật khóc. Hôm ấy là bữa cơm ngon chưa từng có trong đời tôi!”.
Nói đến đổi mới không thể quên được một người với biệt danh là “ông già căn cơ”. Ông là ai?
TP - Người ta còn gọi ông là Mười út, Mười Cúc hoặc chỉ đơn giản là “NVL”. Để bạn đọc hiểu thêm về “ông già căn cơ”, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn ký ức của ông Võ Trần Chí – Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.
“Tôi biết anh Mười Cúc không nhiều, mãi đến cuối năm 1967 tôi mới có dịp gặp và làm việc với anh Mười Cúc.
Hồi đó tôi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Long An.Khoảng tháng 10,11/1967, anh Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt) xuống Long An phổ biến kế hoạch của TW Cục chuẩn bị chiến dịch Tết Mậu Thân đánh vào Sài Gòn…
Ngay sau lần làm việc đó, anh Sáu Dân thấy tôi nên cùng với anh về TW Cục trực tiếp báo cáo với các đồng chí Thường trực TW Cục, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đó là lần đầu tiên tôi biết và được tiếp xúc với anh Mười Cúc.
Trong những năm tháng công tác tại chiến trường Long An, tôi có quen biết một số đồng chí, lúc này đang làm việc tại Văn phòng TW Cục. Những ngày ở Văn phòng tôi nghe các đồng chí ấy gọi anh Út (tức anh Mười Cúc) là “ông già căn cơ”.
Tôi nghe cảm thấy có ấn tượng. Về sau, qua mấy lần làm việc, tôi nhận thấy anh là người rất ít nói, nhưng rất chịu khó lắng nghe; thỉnh thoảng anh chỉ hỏi một đôi câu nhưng hàm ý rất sâu làm cho người được hỏi phải suy nghĩ, nhưng về thái độ thì anh rất chân thành, không làm cho mình phải sợ sệt, mà ngược lại rất quý mến anh…
Sau ngày Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi xin trở về Long An là nơi địa bàn hoạt động quen thuộc, nhưng Trung ương Cục lại quyết định bổ sung tôi vào Thành ủy thành phố Sài Gòn – Gia Định.
Được tham gia Thành ủy mà người đứng đầu là Bí thư Nguyễn Văn Linh, người phụ trách chính quyền là Chủ tịch Võ Văn Kiệt, tôi cho đó là hết sức tuyệt vời vì được làm việc dưới sự lãnh đạo của “ông già căn cơ” và người chỉ đạo “tác chiến” là anh Sáu Dân thì tôi cảm thấy thật không có gì “đã” cho bằng! Mặc dù bản thân tôi về môi trường cũng mới, mà công việc cũng hoàn toàn mới lạ. Có thể nói tất cả phải bắt đầu từ a,b,c.
Nhưng không lâu sau, Đại hội IV của Đảng đã bổ sung anh vào Bộ Chính trị và rút lên Trung ương luôn. Anh Sáu Dân lên thay thế. Cũng phải thôi, làm sao mà giữ mãi anh ấy ở đây cho được.
Nhưng, một loạt sự phân công thay đổi liên tục đối với anh Mười Cúc sau đó làm cho chính tôi lại thắc mắc mà không biết hỏi ai. Ban đầu là phụ trách cải tạo XHCN các tỉnh phía Nam; kế đó không lâu là phụ trách dân vận; rồi phụ trách công đoàn, cũng không được nữa, cuối cùng là đi kiểm tra các tỉnh phía Nam chung chung. Và đến Đại hội V, anh xin rút ra khỏi Bộ Chính trị. Thật không thể nào hiểu nổi?
Tình hình như vậy, nhưng mãi sau này, không nghe anh nói với ai, hoặc buồn phiền hay thắc mắc điều gì, mặc dù tôi có một nhận xét là thần kinh của anh bấy giờ hết sức căng thẳng, không phải ưu tư cho cá nhân mà về tình hình chung của đất nước.
Sau khi được Trung ương phân công trở về làm Bí thư Thành ủy (thay anh Sáu Dân được bổ sung Bộ Chính trị và rút ra Trung ương), có lần tôi hỏi anh: “Tại sao lúc đó anh xin rút ra khỏi Bộ Chính trị?”. Anh trả lời gọn hơ: “Bởi vì mình thấy các anh ấy không muốn mình ở đó nên mình xin rút…”.
Trong thời gian anh về làm Bí thư Thành ủy, nhiều đoàn kiểm tra Trung ương vào làm việc hết sức căng thẳng. Có đồng chí phát biểu: “Để tình hình thành phố như thế này thì Bí thư (Nguyễn Văn Linh – PV), Chủ tịch (Mai Chí Thọ – PV) nên từ chức”.
Gần như các mô hình kinh tế cho làm thử dù rất có hiệu quả và không tìm ra được một chứng cớ tiêu cực nào cũng đều phải ngưng lại, không cho làm tiếp vì trái với cơ chế “hành chính bao cấp”. Tình hình hết sức căng thẳng và bế tắc.
Thành phố lúc này gạo không đủ ăn, nhân dân phải ăn độn bo bo. Các nhà máy hết nguyên liệu; không có bông, không có sắt thép, thiếu xăng dầu, không biết lấy gì để sản xuất.
Sau đó tôi nhớ có một cuộc họp hẹp định bàn các biện pháp làm sao vừa chấn chỉnh vừa tháo gỡ tiếp, nhưng anh Mười Cúc ngồi mãi không nói một lời nào. Cuối cùng, anh chỉ nói mấy tiếng: “Phải cố gắng tranh thủ các anh” (tức muốn nói Bộ Chính trị), hoàn toàn không ai biết phải tranh thủ làm sao cả.
Lần nghỉ năm ấy tại Đà Lạt (1983), anh Mười Cúc xin phép dẫn một số giám đốc xí nghiệp TW và của thành phố lên trực tiếp báo cáo với các anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng), anh Năm (đồng chí Trường Chinh), đồng chí Võ Chí Công về cách làm ăn đổi mới có hiệu quả.
Sau lần nghỉ đó, anh Năm Trường Chinh xuống TPHCM, trực tiếp đến một số công ty, xí nghiệp quốc doanh của TW và TP, nghe báo cáo trực tiếp, tỉ mỉ, cụ thể của từng giám đốc, của đại biểu công nhân, của công đoàn các xí nghiệp. Đồng chí còn gặn đi gặn lại nhiều lần, nhiều chỗ, để nắm thật rõ, thật chắc các vấn đề mà đồng chí muốn nghe, muốn biết…
Chính sự gặp gỡ trực tiếp, rộng rãi này đã làm cho anh Năm Trường Chinh có một sự suy nghĩ mới; có thể xem đây là một sự kiện quan trọng trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Trong thời gian này, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lâm bệnh nặng kéo dài và sau đó đã qua đời.
Trung ương đã bầu đồng chí Trường Chinh làm quyền Tổng Bí thư. Thời gian tiếp sau đó, anh Mười Cúc được nhiều lần Ban Bí thư mời ra để báo cáo, trao đổi tình hình liên tục, và gần cuối nhiệm kỳ V, anh được bổ sung vào Bộ Chính trị trở lại.
Chính trong thời gian chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, những quan điểm thực tiễn cách mạng ấy đã được Bộ Chính trị đúc kết, là nội dung cơ bản cho Nghị quyết Đại hội đổi mới có tính bước ngoặt mà hai đồng chí Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh là người đóng góp phần quan trọng nhất.
Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ làm cố vấn Ban chấp hành TW. Một Đại hội sáng suốt về nội dung, lại sáng suốt cả về tổ chức đã làm tràn đầy phấn chấn và lòng tin trong khi đất nước vẫn còn ngổn ngang những khó khăn chồng chất.
Hệ thống lại từ những quan điểm thực tiễn cách mạng của anh được thể hiện trong Nghị quyết 24/TW (khóa III) sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất đến khi anh vào Bộ Chính trị (khóa IV), rồi rút ra khỏi Bộ Chính trị (khóa V), trở về cương vị Bí thư Thành ủy TPHCM, và được bổ sung trở lại vào Bộ Chính trị từ cuối khóa V, cho đến khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban chấp hành TW (khóa VI), trước sau về cơ bản là hoàn toàn nhất quán.
Đồng thời với những quan điểm chiến lược phù hợp với thực tiễn cách mạng ấy, anh còn kiên trì đấu tranh có nguyên tắc trong nội bộ Đảng. Dù phải trải qua những lúc thăng trầm, tâm tư rất căng thẳng, nhưng suốt thời gian ấy không hề bao giờ thấy anh biểu lộ thắc mắc đối với ai, không hề tranh thủ cá nhân nào, không hề tiết lộ vấn đề gì ra ngoài tổ chức… Đó là một tinh thần Đảng “bằng thép”.
Nhưng thực tế cũng phải nói rằng, phải đến lúc đó, đến một thời điểm mà tình hình kinh tế– xã hội đất nước đến cùng cực, gần bên miệng hố rối loạn, nguy hiểm, thì những quan điểm thực tiễn cách mạng ấy mới được chấp nhận, chớ không phải dễ dàng…
Về sau này, tôi suy nghĩ lại mấy tiếng ngắn gọn mà anh đã nói tại cuộc họp hẹp của thường trực Thành ủy sau các đợt kiểm tra căng thẳng của Trung ương: “Phải cố gắng tranh thủ các anh”.
Ý anh muốn nói rằng, nếu ở địa phương ta cứ xé rào tháo gỡ, bung ra làm ăn, dù cho có hiệu quả nhưng nếu cấp cao nhất chưa có chủ trương thống nhất thì không thể được. Bởi vì nếu cứ phải làm tới sửa lui, tình hình cứ căng thẳng lộn xộn thì đất nước vẫn cứ không ổn định, không thể phát triển đi lên được.
Đó chính là những suy nghĩ, những trăn trở ở tầm vĩ mô, vì rằng dù quan điểm thực tiễn cách mạng có đúng đắn đi nữa mà không đặt nó vào vị trí toàn cuộc, nghĩa là không tranh thủ có được quyết định thống nhất của cấp lãnh đạo cao nhất thì việc lớn cũng sẽ không thể đi đến thắng lợi hoàn toàn được.
Đúng là một “ông già căn cơ” như lời tôn vinh của các đồng chí ở Văn phòng TW Cục trước đây. Anh chẳng những đúng về quan điểm thực tiễn cách mạng, đúng cả về nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng mà còn đúng cả về quan điểm toàn cuộc nữa.
Thiếu một tất sẽ không thành. Đây là điều không dễ tâm đắc! Tất nhiên, anh Mười Cúc - Đồng chí Nguyễn Văn Linh của chúng ta vẫn không tránh khỏi một số ít cá tính không có lợi. Âu đó cũng là “Nhân vô thập toàn” như người xưa đã nói vậy”.
Lời những người viết: Xin chân thành cảm ơn các bác Mai Chí Thọ, Võ Trần Chí, nhà giáo Phan Chánh Dưỡng, đạo diễn Văn Lê, cùng một số lãnh đạo TPHCM và các doanh nhân đã giúp chúng tôi thực hiện loạt bài viết này.
Do hạn chế về khả năng và thời gian, không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, chúng tôi rất mong nhận được sự bổ sung, đóng góp ý kiến từ bạn đọc và những người trong cuộc.
Trân trọng cảm tạ!
|
Phóng sự của Trần Hiếu - Mạnh Việt
_____________
Tham khảo thêm cau chuyện liên quan:
ÔNG ĐỖ MƯỜI "ĐẺ RA" LÝ MỸ
* MINH DIỆN
BVB - Chiều 21-3-1978, Hội trường của trường đảng Nguyễn Ái Quốc II, Thủ Đức, như nghẹt thở. Mấy trăm cán bộ cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố phía Nam được triệu tập về đây từ hai, ba ngày trước. Ăn, ngủ ngay tại đây, nội bất xuất, ngoại bất nhập, công an giám sát chặt chẽ. Tôi là phóng viên báo Tiền Phong, Trung ương Đoàn trưng dụng làm “nhiệm vụ đặc biệt” cũng nằm trong số đó. Nhiệm vụ đặc biệt gì không ai được biết. Qua vài thông tin rò rỉ, các “quân sư quạt mo” nhận định chuẩn bị đánh tư sản thương nghiệp, mật danh X-3, dưới sự chỉ huy của “Bàn tay sắt” Đỗ Mười và giờ G đã điểm! Khi đó, ông Đỗ Mười là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam.
Hôm đó, ông Đỗ Mười mặc chiếc quần Kaki màu cà phê đậm, chiếc áo Sơ mi ngắn tay cùng màu, chân đi dép. Ông có khổ người khệnh khạng, mặt chữ “nãi”, trán ngắn đầy nếp nhăn, miệng cá trê, bờm tóc dựng trông rất dữ. Tôi đã được nghe nói nhiều về tính bốc đồng, nóng nảy của ông Đỗ Mười, hôm đó được giáp mặt, quả đúng vậy.
Đúng như mọi người dự đoán, chiến dịch X-5 đã bắt đầu.
Ông Đỗ Mười đọc Quyết định của Thủ tướng, đọc Chỉ thị 100 - CP, và triển khai kế hoạch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Ông nói: “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ…
“Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chế, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta. Vừa qua kẻ nào vơ vét mì chính (bột ngọt), vải vóc, đường, sữa đầu cơ trục lợi, rồi lại đổ tội cho nhà nước ta chuyển ra Bắc nên thị trường khan hiếm? Chính là bọn tư sản thương nghiệp! Kẻ nào tích trữ thóc gạo để dân ta đói? Chính là bọn đầu nậu lúa gạo. Tôi hỏi các đồng chí, kẻ nào cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức phản động trên Lâm Đồng chống phá cách mạng? Kẻ nào? Chính là bọn tư sản đấy! Bọn gian thương đầu cơ, phá hoại, bọn ngồi mát ăn bát vàng, rút rỉa máu xương đồng bào ta, ngăn cản con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của đảng ta ...”.
Ông Đỗ Mười nói say sưa, hùng hồn, quyết liệt. Mép ông sủi bọt. Tay ông vung vẩy. Mồ hôi trán đầm đìa.
Lúc đầu ông mặc quần áo nghiêm chỉnh, sau một hồi diễn thuyết khoa chân múa tay, ông bật nút áo sơ mi phanh ngực ra. Cuối cùng cởi phăng cái áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi, trên người ông chỉ còn mỗi chiếc áo may ô ba lỗ.
Ông vẫn hăng nói: “Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn ...”.
Bầu không khí ngột ngạt và kích động muốn nổ tung hội trường. Sức nóng từ Đỗ Mười truyền đến từng người. Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng cười tiếng nói hả hê. Những gương mặt hừng hực khí thế "xung trận".
Xin đừng ở vị trí hôm nay phán xét những người trong cuộc ba mươi lăm năm trước, thời điểm đó tư duy của mọi người khác bây giờ, nhất là tư duy của những cán bộ đảng viên vốn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính sách của đảng. Những người mà Đảng bảo sao cứ làm đúng phắc như vậy. Hãy bình tĩnh nhìn lại một cách trung thực, khách quan, để thấy một phần nỗi đau của mình, bạn bè mình, dân tộc mình, nỗi đau từ sự ấu trĩ, nóng vội, làm ào ào, đặt trái tim không đúng chỗ ngay từ khởi đầu!
Ông Đỗ Mười kết thúc buổi triển khai chiến dịch X-3, bằng một mấy cái chém tay như có 'thượng phương bảo kiếm': “Anh nào, chị nào nhụt ít chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn - sê- vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!”.
Chúng tôi ra về với một tâm trạng nặng nề, mag theo lời cảnh tỉnh “Tuyệt đối bí mật”.
Nhưng hình như linh tính đã báo điềm chẳng lành cho thành phố Sài Gòn. Đó là cảm giác của tôi khi chạy xe máy từ cầu Công Lý lên cảng Bạch Đằng vòng qua Chợ Lớn. Người dân đổ ra đường nhiều hơn, vội vã, tất tưởi, gương mặt thất thần, nhiều tốp người tụm nhau bàn tán. Người ta nháo nhào đi mua từng cân muối ký gạo, như sắp chạy càn. Người dân thành phố vốn nhạy cảm và đó lại là cảm giác đúng: Thủ tướng nào thì chưa biết, nhưng trước hết phải lo thủ lấy miếng ăn!
Bảy giờ sáng hôm sau, ngày 23-3-1978, tất cả các cửa hàng kinh doanh to nhỏ, đủ mọi ngành nghề, ngóc ngách, đóng cửa, án binh bất động theo lệnh của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Một bản thông báo ngắn gọn do ông Vũ Đình Liệu thay mặt UBND thành phố ký được ban hành ngay sau đó, xác nhận “Chiến dịch X-3”, bắt đầu ở thành phố mang tên Bác.
Tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, cửa hàng, kho tàng, trung tâm dịch vụ bị niêm phong. Danh sách đã được lên từ trước. Họ làm bí mật lâu rồi. Như một trận đánh giặc đã được trinh sát, điều nghiên tỉ mỉ, chính xác. Các tổ công tác ập vào từng điểm bất ngờ, nhanh chóng niêm phong tài sản, khống chế mọi người trong gia đình nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi điểm niêm phong có tối thiểu một tổ ba người, không cùng cơ quan, không quen biết nhau. Họ là thanh niên xung phong, thanh niên công nhân các nhà máy, sinh viên các trường đại học, cả những thanh niên các phường được huy động vào chiến dịch.
Ngay buổi chiều hôm ấy một cuộc mít tinh tuần hành từ Nhà văn hóa thanh niên do Thành đoàn tổ chức. Hàng ngàn học sinh, sinh viên rầm rộ xuống đường, diễu hành khắp các phố chính Sài gòn, Chợ Lớn, hoan nghênh chính sách cải tạo công thương nghiệp của đảng, đả đảo bọn gian thương. Suốt đêm Câu lạc bộ thanh niên vang lên bài ca “Tình nguyện”, “Dậy mà đi”. Khi chống Mỹ sinh viên học sinh hát những bài hát ấy, giờ cũng hát những bài hát ấy để tăng bầu nhiệt huyết đánh tư sàn!
Ngày 26-3-1978, cô công nhân Nguyễn Thị Bé B. ở nhà máy dệt Phong Phú được kết nạp đoàn vì từ chối nhận một món quà của một cơ sở kinh doanh mà cô canh giữ. Tiếp theo một trường hợp tương tự, anh thanh niên Vũ Ngọc Ch. ở nhà máy dệt Thắng Lợi.
Mấy ngày sau tiếng trống ở trường Trần Khai Nguyên quận 5, vang lên, như trống trận. Đó là nơi tập trung của 1.200 thanh niên học sinh người Hoa xuống đường ủng hộ chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, người dẫn đầu là cô học sinh lớp 11, có gương mặt búp bê, mái tóc cắt ngằn: Lý Mỹ.
Lý Mỹ là con gái một gia đình kinh doanh buôn bán, có một cửa hàng ở đường Cách mạngTháng Tám, quận 10. Khi X-3 nổ ra, Lý Mỹ mới 17 tuổi, được tổ chức đoàn tuyên truyền giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, được kết nạp đoàn khóa 26-3, được nghe đích thân ông Đỗ Mười nói chuyện về chính sách cải tạo công thương nghiệp. Trái tim non trẻ của cô học sinh mười bảy tuổi như sôi sục bầu máu nóng đấu tranh giai cấp, cô đã chọn đối tượng để đấu tranh, đó chính là cha mẹ mình.
Lý Mỹ vận động thuyết phục cha mẹ kê khai tài sản, cha mẹ chần chừ, cô trực tiếp đứng ra kê khai. Cô theo dõi bố mẹ cất giấu vàng bạc, của cải, báo cho tổ kê khai moi móc ra bằng hết. Lý Mỹ phát biểu trên báo: “Tinh thần Pavel Corsaghin sáng chói trong trái tim tôi! Tôi không cần vàng bạc, của cải, cha mẹ tôi bóc lột của nhân dân. Từ hôm nay tôi từ bỏ giai cấp bóc lột, bước sang cuộc sống mới, hòa vào dòng người lao động vinh quang xây dựng xã hội chủ nghĩa” (Báo Tiền Phong số 40 ,1978).
Khi cha mẹ vật vã than khóc, và dọa ra nước ngoài, Lý Mỹ tuyên bố nếu cha mẹ xuất cảnh, cô sẽ ở lại một mình, chấp nhận cuộc sống cô đơn để cống hiến cho lý tưởng cộng sản !
Không phải chỉ có một Lý Mỹ, mà hàng trăm “Lý Mỹ” như vậy. Những “Lý Mỹ” được sinh ra nóng hổi dưới lá cờ Đoàn thanh niên cộng sản Hổ Chí Minh.
Khi cải cách ruộng đất ở miền Bắc tôi là đứa trẻ sáu tuổi đi xem đấu tố như xem hội hè, khi cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, tôi ba mươi tuổi, là người trong cuộc. Trước con mắt tôi, cuộc cách mạng sau chỉ khác cuộc cách mạnh trước là không bắn giết, còn giống hệt nhau. Cũng con tố cha mẹ, vợ tố chồng, bạn bẻ tố nhau. Những cán bộ từng hoạt động bí mật trong chiến tranh, được những gia đình buôn bán , giàu có bao bọc, giờ quay ngoắt lại tịch thu tài sàn ân nhân của mình. Những tính từ bọn, đồng bọn, “tên tư sản”, “con buôn” thay danh từ ông, bà, anh, chị. Gần ba chục năm trước, người bị quy là địa chủ, phú nông xấu xa thế nào, thì 1978, người bị gọi là tư sản, con buôn xấu xa như vậy. Người ta đã phủ nhận một tầng lớp tiên tiến của xã hội, nhục mạ tầng lớp đó, đào hố ngăn cách giữa các tầng lớp nhân dân, và kéo lùi sự phát triển của đất nước, đó là một sự thật lịch sử cần ghi nhận.
Chiến dịch X-3 thành phố Hồ Chí Minh, đã đánh gục 28.787 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Linh nói: “ Khi tôi làm Trưởng ban cải tạo trung ương, tìm hiểu và dự kiến Sài Gòn, Chợ Lớn có khoảng 6.000 hộ kinh doanh buôn bán lớn. Khi anh Đỗ Mười thay tôi, anh ấy áp dụng theo quy chuẩn cuộc cải tạo tư sản Hà Nội từ năm 1955, nên con số mới phồng to lên như vậy” (Nguyễn Văn Linh, Những trăn trở trước đổi mới).
Ông Đỗ Mười đưa hàng ngàn hộ tiểu thương, trung lưu vào diện cài tạo, gộp luôn những hộ sản xuất vào đối tượng đó.
Ông Nguyễn Văn Linh nói: “Anh Mười không trao đổi với chúng tôi. Anh ấy có 'thượng phương bảo kiếm' trong tay, toàn quyền quyết định” (Nguyễn Văn Linh trăn trở cuộc đổi mới).
Ông Đỗ Mười thay ông Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban cải tạo ngày 16-2-1978. Trong chiến dịch X-3, Đỗ Mười không sử dụng người cùa Nguyễn Văn Linh, mà đưa hầu hết cán bộ từ miến Bắc vào nắm giữ những vị trí quan trọng. Đồng thời ông bố trí cán bộ các ngành thương nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp nhẹ, kho hàng vào tiếp quản. Ông đóng đại bản doanh ở Thủ Đức, trực tiếp chỉ đạo, không tham khảo bất cứ ý kiến ai trong cơ quan lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả X-3, với “công lao to lớn” của Đỗ Mười, thu được khoảng hơn 4.000 kg vàng, gần 1.200.000 đô la, và một khối lượng hàng hóa không thống kê hết. Từ chiếc xe hơi, TiVi, tủ lạnh, đến bịch bột giặt, quả trứng gà đều khê khai và tịch thu chất trong các kho, để rồi không cánh mà bay, hoặc biến thảnh phế thải.
X-3, cú đòn trời giáng cuối cùng, biến “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “Thành phố chết”, đẩy thêm dòng người bỏ đất nước ra đi bất chấp hiểm nguy, bao nhiêu số phận đã rã rời trên biển sâu. Năm 2005, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận: “Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế".
Có lần chúng tôi hỏi nhà báo Trần Bạch Đằng: “Hình như trong 63 năm tham gia cách mạng và làm lãnh đạo, ông Đỗ Mười không đề lại một tác phẩm nào?”. Ông Trần Bạch Đằng chớp mắt nhếch cái miệng méo xẹo: “Cha ấy để lại cho đời tác phẩm cải tạo công thương nghiệp !” .
Ông Đỗ Mười sinh ngày 2-2-1917 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông làm rất nhiều chức vụ quan trọng, từng làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam 1991-1997.
Tôi không muốn viết chân dung ông bởi chẳng có gỉ đáng viết, chỉ ghi lại vài dòng những người đồng chí của ông, nhận xét về ông.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ kề: “Một lần anh Mười xuống Hải Phòng, tôi và anh Nguyễn Dần dẫn anh ấy đi thăm nhà máy đóng tàu. Đi ngang Quán Toan thấy cái nhà hai tầng, anh Mười hỏi: “Nhà ai đây?” tôi trả lời: “Dạ nhà anh Bút lái xe”, anh Mười nói: “Nếu tôi mà là bí thư , chủ tịch thành phố tôi sẽ tịch thu ngay cái nhà này làm nhà mẫu giáo!” .
Ông Đỗ Mười là người đố kỵ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không biết vì ghen ghét tài năng hay nguyên nhân gì. Ông Đoàn Duy Thành kể: “Chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, anh Mười gọi tôi tới, nêu vấn đề anh Văn năm 16 tuổi được thực dân Pháp cho sang Pháp học 6 tháng. Rồi anh Mười bảo, về nói cho đoàn đại biểu Hải Phòng biết, và những ai quen biết ở các đoàn khác cũng nói cho các đồng chí ấy biết. Tôi hỏi anh Trường Chinh, anh Trường Chinh bảo: “Võ Nguyên Giáp năm 1941-1942, kể cả việc làm con nuôi Martin trùm mật thám Đông Dương là chuyện bịa hết!... Anh Mười, anh ấy rất võ biền. Các cuộc họp tôi nói, anh ta thường chặn lời tôi..." (Làm người là khó).
Ông Nguyễn Văn Linh trong một lần hội nghị ở T78 đã nói thẳng với ông Đỗ Mười: “Anh Mười tưởng rằng làm Uỷ viên Bộ chính trị là to lắm, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn phê bình ai cũng được... Anh Mười đứng dậy nói: “Tôi nói đó là tinh thần Bôn-sê-vich” (Làm người là khó).
Ông Đoàn Duy Thành kể tiếp: “Có lần tôi hỏi anh Tô (Phạm Văn Đồng): “Còn Đỗ Mười thì sao?”. Anh Tô suy nghĩ hai ba phút rồi nói: “Chỉ có phá !”.
Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rất đúng với trường hợp cải tạo công thương nghiệp.
Năm nay ông Đỗ Mười hơn chín chục tuổi rồi. Nghe nói ông vẫn phải nuôi con mọn. Tôi không biết có đúng không, và nếu đúng, tương lai nó sẽ ra sao? Cầu trời, nó đừng như những “đứa con” sinh ra từ cuộc cải tạo công thương nghiệp 1978 như Lý Mỹ!
MD
* MINH DIỆN
BVB - Chiều 21-3-1978, Hội trường của trường đảng Nguyễn Ái Quốc II, Thủ Đức, như nghẹt thở. Mấy trăm cán bộ cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố phía Nam được triệu tập về đây từ hai, ba ngày trước. Ăn, ngủ ngay tại đây, nội bất xuất, ngoại bất nhập, công an giám sát chặt chẽ. Tôi là phóng viên báo Tiền Phong, Trung ương Đoàn trưng dụng làm “nhiệm vụ đặc biệt” cũng nằm trong số đó. Nhiệm vụ đặc biệt gì không ai được biết. Qua vài thông tin rò rỉ, các “quân sư quạt mo” nhận định chuẩn bị đánh tư sản thương nghiệp, mật danh X-3, dưới sự chỉ huy của “Bàn tay sắt” Đỗ Mười và giờ G đã điểm! Khi đó, ông Đỗ Mười là Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp XHCN tại miền Nam.
Hôm đó, ông Đỗ Mười mặc chiếc quần Kaki màu cà phê đậm, chiếc áo Sơ mi ngắn tay cùng màu, chân đi dép. Ông có khổ người khệnh khạng, mặt chữ “nãi”, trán ngắn đầy nếp nhăn, miệng cá trê, bờm tóc dựng trông rất dữ. Tôi đã được nghe nói nhiều về tính bốc đồng, nóng nảy của ông Đỗ Mười, hôm đó được giáp mặt, quả đúng vậy.
Đúng như mọi người dự đoán, chiến dịch X-5 đã bắt đầu.
Ông Đỗ Mười đọc Quyết định của Thủ tướng, đọc Chỉ thị 100 - CP, và triển khai kế hoạch cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Ông nói: “Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ…
“Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chế, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta. Vừa qua kẻ nào vơ vét mì chính (bột ngọt), vải vóc, đường, sữa đầu cơ trục lợi, rồi lại đổ tội cho nhà nước ta chuyển ra Bắc nên thị trường khan hiếm? Chính là bọn tư sản thương nghiệp! Kẻ nào tích trữ thóc gạo để dân ta đói? Chính là bọn đầu nậu lúa gạo. Tôi hỏi các đồng chí, kẻ nào cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức phản động trên Lâm Đồng chống phá cách mạng? Kẻ nào? Chính là bọn tư sản đấy! Bọn gian thương đầu cơ, phá hoại, bọn ngồi mát ăn bát vàng, rút rỉa máu xương đồng bào ta, ngăn cản con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của đảng ta ...”.
Ông Đỗ Mười nói say sưa, hùng hồn, quyết liệt. Mép ông sủi bọt. Tay ông vung vẩy. Mồ hôi trán đầm đìa.
Lúc đầu ông mặc quần áo nghiêm chỉnh, sau một hồi diễn thuyết khoa chân múa tay, ông bật nút áo sơ mi phanh ngực ra. Cuối cùng cởi phăng cái áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi, trên người ông chỉ còn mỗi chiếc áo may ô ba lỗ.
Ông vẫn hăng nói: “Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn ...”.
Bầu không khí ngột ngạt và kích động muốn nổ tung hội trường. Sức nóng từ Đỗ Mười truyền đến từng người. Tiếng vỗ tay rào rào, tiếng cười tiếng nói hả hê. Những gương mặt hừng hực khí thế "xung trận".
Xin đừng ở vị trí hôm nay phán xét những người trong cuộc ba mươi lăm năm trước, thời điểm đó tư duy của mọi người khác bây giờ, nhất là tư duy của những cán bộ đảng viên vốn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chính sách của đảng. Những người mà Đảng bảo sao cứ làm đúng phắc như vậy. Hãy bình tĩnh nhìn lại một cách trung thực, khách quan, để thấy một phần nỗi đau của mình, bạn bè mình, dân tộc mình, nỗi đau từ sự ấu trĩ, nóng vội, làm ào ào, đặt trái tim không đúng chỗ ngay từ khởi đầu!
Ông Đỗ Mười kết thúc buổi triển khai chiến dịch X-3, bằng một mấy cái chém tay như có 'thượng phương bảo kiếm': “Anh nào, chị nào nhụt ít chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn - sê- vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!”.
Chúng tôi ra về với một tâm trạng nặng nề, mag theo lời cảnh tỉnh “Tuyệt đối bí mật”.
Nhưng hình như linh tính đã báo điềm chẳng lành cho thành phố Sài Gòn. Đó là cảm giác của tôi khi chạy xe máy từ cầu Công Lý lên cảng Bạch Đằng vòng qua Chợ Lớn. Người dân đổ ra đường nhiều hơn, vội vã, tất tưởi, gương mặt thất thần, nhiều tốp người tụm nhau bàn tán. Người ta nháo nhào đi mua từng cân muối ký gạo, như sắp chạy càn. Người dân thành phố vốn nhạy cảm và đó lại là cảm giác đúng: Thủ tướng nào thì chưa biết, nhưng trước hết phải lo thủ lấy miếng ăn!
Bảy giờ sáng hôm sau, ngày 23-3-1978, tất cả các cửa hàng kinh doanh to nhỏ, đủ mọi ngành nghề, ngóc ngách, đóng cửa, án binh bất động theo lệnh của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Một bản thông báo ngắn gọn do ông Vũ Đình Liệu thay mặt UBND thành phố ký được ban hành ngay sau đó, xác nhận “Chiến dịch X-3”, bắt đầu ở thành phố mang tên Bác.
Tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, cửa hàng, kho tàng, trung tâm dịch vụ bị niêm phong. Danh sách đã được lên từ trước. Họ làm bí mật lâu rồi. Như một trận đánh giặc đã được trinh sát, điều nghiên tỉ mỉ, chính xác. Các tổ công tác ập vào từng điểm bất ngờ, nhanh chóng niêm phong tài sản, khống chế mọi người trong gia đình nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi điểm niêm phong có tối thiểu một tổ ba người, không cùng cơ quan, không quen biết nhau. Họ là thanh niên xung phong, thanh niên công nhân các nhà máy, sinh viên các trường đại học, cả những thanh niên các phường được huy động vào chiến dịch.
Ngay buổi chiều hôm ấy một cuộc mít tinh tuần hành từ Nhà văn hóa thanh niên do Thành đoàn tổ chức. Hàng ngàn học sinh, sinh viên rầm rộ xuống đường, diễu hành khắp các phố chính Sài gòn, Chợ Lớn, hoan nghênh chính sách cải tạo công thương nghiệp của đảng, đả đảo bọn gian thương. Suốt đêm Câu lạc bộ thanh niên vang lên bài ca “Tình nguyện”, “Dậy mà đi”. Khi chống Mỹ sinh viên học sinh hát những bài hát ấy, giờ cũng hát những bài hát ấy để tăng bầu nhiệt huyết đánh tư sàn!
Ngày 26-3-1978, cô công nhân Nguyễn Thị Bé B. ở nhà máy dệt Phong Phú được kết nạp đoàn vì từ chối nhận một món quà của một cơ sở kinh doanh mà cô canh giữ. Tiếp theo một trường hợp tương tự, anh thanh niên Vũ Ngọc Ch. ở nhà máy dệt Thắng Lợi.
Mấy ngày sau tiếng trống ở trường Trần Khai Nguyên quận 5, vang lên, như trống trận. Đó là nơi tập trung của 1.200 thanh niên học sinh người Hoa xuống đường ủng hộ chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, người dẫn đầu là cô học sinh lớp 11, có gương mặt búp bê, mái tóc cắt ngằn: Lý Mỹ.
Lý Mỹ là con gái một gia đình kinh doanh buôn bán, có một cửa hàng ở đường Cách mạngTháng Tám, quận 10. Khi X-3 nổ ra, Lý Mỹ mới 17 tuổi, được tổ chức đoàn tuyên truyền giáo dục lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, được kết nạp đoàn khóa 26-3, được nghe đích thân ông Đỗ Mười nói chuyện về chính sách cải tạo công thương nghiệp. Trái tim non trẻ của cô học sinh mười bảy tuổi như sôi sục bầu máu nóng đấu tranh giai cấp, cô đã chọn đối tượng để đấu tranh, đó chính là cha mẹ mình.
Lý Mỹ vận động thuyết phục cha mẹ kê khai tài sản, cha mẹ chần chừ, cô trực tiếp đứng ra kê khai. Cô theo dõi bố mẹ cất giấu vàng bạc, của cải, báo cho tổ kê khai moi móc ra bằng hết. Lý Mỹ phát biểu trên báo: “Tinh thần Pavel Corsaghin sáng chói trong trái tim tôi! Tôi không cần vàng bạc, của cải, cha mẹ tôi bóc lột của nhân dân. Từ hôm nay tôi từ bỏ giai cấp bóc lột, bước sang cuộc sống mới, hòa vào dòng người lao động vinh quang xây dựng xã hội chủ nghĩa” (Báo Tiền Phong số 40 ,1978).
Khi cha mẹ vật vã than khóc, và dọa ra nước ngoài, Lý Mỹ tuyên bố nếu cha mẹ xuất cảnh, cô sẽ ở lại một mình, chấp nhận cuộc sống cô đơn để cống hiến cho lý tưởng cộng sản !
Không phải chỉ có một Lý Mỹ, mà hàng trăm “Lý Mỹ” như vậy. Những “Lý Mỹ” được sinh ra nóng hổi dưới lá cờ Đoàn thanh niên cộng sản Hổ Chí Minh.
Khi cải cách ruộng đất ở miền Bắc tôi là đứa trẻ sáu tuổi đi xem đấu tố như xem hội hè, khi cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, tôi ba mươi tuổi, là người trong cuộc. Trước con mắt tôi, cuộc cách mạng sau chỉ khác cuộc cách mạnh trước là không bắn giết, còn giống hệt nhau. Cũng con tố cha mẹ, vợ tố chồng, bạn bẻ tố nhau. Những cán bộ từng hoạt động bí mật trong chiến tranh, được những gia đình buôn bán , giàu có bao bọc, giờ quay ngoắt lại tịch thu tài sàn ân nhân của mình. Những tính từ bọn, đồng bọn, “tên tư sản”, “con buôn” thay danh từ ông, bà, anh, chị. Gần ba chục năm trước, người bị quy là địa chủ, phú nông xấu xa thế nào, thì 1978, người bị gọi là tư sản, con buôn xấu xa như vậy. Người ta đã phủ nhận một tầng lớp tiên tiến của xã hội, nhục mạ tầng lớp đó, đào hố ngăn cách giữa các tầng lớp nhân dân, và kéo lùi sự phát triển của đất nước, đó là một sự thật lịch sử cần ghi nhận.
Chiến dịch X-3 thành phố Hồ Chí Minh, đã đánh gục 28.787 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ buôn bán.
Ông Nguyễn Văn Linh nói: “ Khi tôi làm Trưởng ban cải tạo trung ương, tìm hiểu và dự kiến Sài Gòn, Chợ Lớn có khoảng 6.000 hộ kinh doanh buôn bán lớn. Khi anh Đỗ Mười thay tôi, anh ấy áp dụng theo quy chuẩn cuộc cải tạo tư sản Hà Nội từ năm 1955, nên con số mới phồng to lên như vậy” (Nguyễn Văn Linh, Những trăn trở trước đổi mới).
Ông Đỗ Mười đưa hàng ngàn hộ tiểu thương, trung lưu vào diện cài tạo, gộp luôn những hộ sản xuất vào đối tượng đó.
Ông Nguyễn Văn Linh nói: “Anh Mười không trao đổi với chúng tôi. Anh ấy có 'thượng phương bảo kiếm' trong tay, toàn quyền quyết định” (Nguyễn Văn Linh trăn trở cuộc đổi mới).
Ông Đỗ Mười thay ông Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban cải tạo ngày 16-2-1978. Trong chiến dịch X-3, Đỗ Mười không sử dụng người cùa Nguyễn Văn Linh, mà đưa hầu hết cán bộ từ miến Bắc vào nắm giữ những vị trí quan trọng. Đồng thời ông bố trí cán bộ các ngành thương nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp nhẹ, kho hàng vào tiếp quản. Ông đóng đại bản doanh ở Thủ Đức, trực tiếp chỉ đạo, không tham khảo bất cứ ý kiến ai trong cơ quan lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả X-3, với “công lao to lớn” của Đỗ Mười, thu được khoảng hơn 4.000 kg vàng, gần 1.200.000 đô la, và một khối lượng hàng hóa không thống kê hết. Từ chiếc xe hơi, TiVi, tủ lạnh, đến bịch bột giặt, quả trứng gà đều khê khai và tịch thu chất trong các kho, để rồi không cánh mà bay, hoặc biến thảnh phế thải.
X-3, cú đòn trời giáng cuối cùng, biến “Hòn ngọc Viễn Đông” thành “Thành phố chết”, đẩy thêm dòng người bỏ đất nước ra đi bất chấp hiểm nguy, bao nhiêu số phận đã rã rời trên biển sâu. Năm 2005, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận: “Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế".
Có lần chúng tôi hỏi nhà báo Trần Bạch Đằng: “Hình như trong 63 năm tham gia cách mạng và làm lãnh đạo, ông Đỗ Mười không đề lại một tác phẩm nào?”. Ông Trần Bạch Đằng chớp mắt nhếch cái miệng méo xẹo: “Cha ấy để lại cho đời tác phẩm cải tạo công thương nghiệp !” .
Ông Đỗ Mười sinh ngày 2-2-1917 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông làm rất nhiều chức vụ quan trọng, từng làm Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam 1991-1997.
Tôi không muốn viết chân dung ông bởi chẳng có gỉ đáng viết, chỉ ghi lại vài dòng những người đồng chí của ông, nhận xét về ông.
Ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ kề: “Một lần anh Mười xuống Hải Phòng, tôi và anh Nguyễn Dần dẫn anh ấy đi thăm nhà máy đóng tàu. Đi ngang Quán Toan thấy cái nhà hai tầng, anh Mười hỏi: “Nhà ai đây?” tôi trả lời: “Dạ nhà anh Bút lái xe”, anh Mười nói: “Nếu tôi mà là bí thư , chủ tịch thành phố tôi sẽ tịch thu ngay cái nhà này làm nhà mẫu giáo!” .
Ông Đỗ Mười là người đố kỵ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không biết vì ghen ghét tài năng hay nguyên nhân gì. Ông Đoàn Duy Thành kể: “Chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, anh Mười gọi tôi tới, nêu vấn đề anh Văn năm 16 tuổi được thực dân Pháp cho sang Pháp học 6 tháng. Rồi anh Mười bảo, về nói cho đoàn đại biểu Hải Phòng biết, và những ai quen biết ở các đoàn khác cũng nói cho các đồng chí ấy biết. Tôi hỏi anh Trường Chinh, anh Trường Chinh bảo: “Võ Nguyên Giáp năm 1941-1942, kể cả việc làm con nuôi Martin trùm mật thám Đông Dương là chuyện bịa hết!... Anh Mười, anh ấy rất võ biền. Các cuộc họp tôi nói, anh ta thường chặn lời tôi..." (Làm người là khó).
Ông Nguyễn Văn Linh trong một lần hội nghị ở T78 đã nói thẳng với ông Đỗ Mười: “Anh Mười tưởng rằng làm Uỷ viên Bộ chính trị là to lắm, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn phê bình ai cũng được... Anh Mười đứng dậy nói: “Tôi nói đó là tinh thần Bôn-sê-vich” (Làm người là khó).
Ông Đoàn Duy Thành kể tiếp: “Có lần tôi hỏi anh Tô (Phạm Văn Đồng): “Còn Đỗ Mười thì sao?”. Anh Tô suy nghĩ hai ba phút rồi nói: “Chỉ có phá !”.
Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rất đúng với trường hợp cải tạo công thương nghiệp.
Năm nay ông Đỗ Mười hơn chín chục tuổi rồi. Nghe nói ông vẫn phải nuôi con mọn. Tôi không biết có đúng không, và nếu đúng, tương lai nó sẽ ra sao? Cầu trời, nó đừng như những “đứa con” sinh ra từ cuộc cải tạo công thương nghiệp 1978 như Lý Mỹ!
MD
http://bvbong.blogspot.com/2013/01/ong-o-muoi-e-ra-ly-my.html
_____________