Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Cựu du học sinh Fulbright và những chia sẻ về giáo dục Mỹ

Hoàn thành chương trình thạc sĩ dưới sự tài trợ của học bổng Fulbright từ năm 2006 tại Mỹ, Nguyễn Thị Mai Hoa lại tiếp tục lên đường sang xứ cờ hoa để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình. Hiện chị đang theo học tiến sĩ ngành Y tế công cộng, khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe và hành vi tại Unversity of South Carolina, Arnold School of Public Health, Health Promotion, Education, and Behavior Department.
Những trải nghiệm quý báu tại đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới đã được chị “góp nhặt” để có dịp chia sẻ cùng bạn đọc sinhvienusa.
Chị có thể chia sẻ nhiều hơn về lý do chị quyết định sang Mỹ để theo đuổi con đường học vấn con hơn cũng như việc chọn lĩnh vực Y tế công cộng để nghiên cứu?
Mai Hoa: Trước khi sang Mỹ học chương trình tiến sĩ, mình đã công tác tại Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (Save The Children International) tại Việt Nam, chương trình Nuôi dưỡng và phát triển trẻ nhỏ Alive & Thrive. Đó là một chương trình rất có ý nghĩa nhằm giúp giảm tỉ lệ trẻ em thấp còi của Việt Nam thông qua đẩy mạnh các chính sách, truyền thông và hệ thống phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Quá trình làm việc và những quan sát thực tế khiến mình thấy chúng ta cần nỗ lực rất nhiều để trẻ em có được cơ hội phát triển toàn diện ngay từ những năm đầu đời. Những gì mình và các đồng nghiệp đã làm qua dự án mới chỉ là sự khởi đầu. Vì vậy, mình thấy cần có thêm kiến thức, kinh nghiệm, và kĩ năng để có thể góp phần vào quá trình chuyển đổi tại Việt Nam và các nước đang phát triển nhằm đem lại môi trường phát triển tốt nhất cho mọi trẻ em từ khi còn là bào thai cho đến tuổi đến trường. Mình và các đồng nghiệp tin rằng đầu tư vào trẻ nhỏ là đầu tư sinh lợi tốt nhất cho xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững và mạnh mẽ cho đất nước với một lực lượng lao động tương lai khỏe mạnh về thể chất, tinh thần, tình cảm và trí tuệ.
680500_10151946377831097_1522151215_o
Mai Hoa trong một lần tham dự chương trình iLEAP Southeast Asia Leadership Initiative (2014)
Theo chị, những yếu tố nào giúp sinh viên Việt Nam có thể hoàn thành tốt việc học và nghiên cứu tại Mỹ?
Mai Hoa: Các bạn nên nhớ rằng Mỹ là một đất nước rộng lớn, đa văn hóa, đa sắc tộc, và hệ thống giáo dục ở mỗi bang, mỗi trường sẽ có những đặc điểm riêng. Do vậy, cần phải tìm hiểu thật kĩ các thông tin khi lựa chọn và quyết định nơi nào là phù hợp với mình nhất.
Theo mình, đối với chương trình tiến sĩ, quan trọng nhất là giáo sư hướng dẫn, hướng nghiên cứu của họ và mạng lưới nghiên cứu khoa học và làm việc của họ với các giáo sư, học giả đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu đó. Có thể nói chuyên môn và trải nghiệm của các giáo sư là điểm mạnh của môi trường nghiên cứu ở Mỹ mà chúng ta cần tận dụng và học hỏi khi có cơ hội được học, nghiên cứu, và làm việc ở đây. Trường đại học ở Mỹ nói chung, và cụ thể là ở trường của mình, là một tổ hợp các trường đại học thuộc các chuyên ngành khác nhau, cho nên có thể dễ dàng hơn trong việc học hỏi các kiến thức và thực hiện nghiên cứu liên ngành. Về cơ sở hạ tầng, mình đánh giá cao hệ thống thư viện, nơi mà mình có thể dễ dàng tìm kiếm các tài liệu và cập nhật các nghiên cứu một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, cũng phải chỉ ra một đặc điểm nổi bật khác mà chúng ta cần lưu ý khi cân nhắc lựa chọn môi trường học tập ở Mỹ, nhất là chương trình tiến sĩ. Đó là áp lực học tập và làm việc cực kì lớn, và cạnh tranh cho các trợ cấp tài chính là rất cao. Với chương trình tiến sĩ hiện nay mà mình đang theo đuổi, mỗi kì phải lấy ba lớp và thảo luận khoa học, tương đương khoảng 10 giờ học trên lớp mỗi tuần, và để chuẩn bị cho 10 giờ học này, cần ít nhất gấp 3 lần thời gian tự đọc tài liệu, làm bài tập hoặc nghiên cứu theo yêu cầu của lớp học (thêm khoảng 10*3=30 tiếng/tuần). Thêm vào đó là 20 giờ làm việc cho khoa/trường mỗi tuần với vai trò trợ lý nghiên cứu, hoặc trợ giảng. Ở Mỹ, với thị thực du học F-1, sinh viên được phép làm tối đa 20 giờ/tuần trong trường (không được làm bên ngoài) để kiếm thêm một ít tiền lương, thường chỉ vừa đủ để trang trải cho việc ăn ở. Như vậy, thời gian làm việc trung bình mỗi tuần là 60 giờ/tuần. Áp lực học tập và làm việc như vậy là rất lớn.
1511994_10152319584212674_7397712736834798218_o
Mai Hoa trong một lần tham dự chương trình iLEAP Southeast Asia Leadership Initiative (2014)
Chị đã từng đạt được học bổng danh giá của chính phủ Hoa Kỳ cho chương trình thạc sĩ – Fulbright và giờ là học bổng tiến sĩ của đại học South Carolina. Theo chị, để có được học bổng du học, các bạn Việt Nam nên chuẩn bị những gì?
Mai Hoa: Mình đã học thạc sĩ với chương trình Fulbright từ năm 2006, cho nên không biết kinh nghiệm của mình có cũ quá không (Cười). Fulbright là một chương trình rất có uy tín, mình rất tự hào là một cựu sinh viên Fulbright, và cực kì ủng hộ các bạn tham gia chương trình này. Theo mình, điểm mấu chốt để đạt được học bổng Fulbright (cũng như bất kì học bổng cạnh tranh nào khác) là khả năng chứng tỏ mình là người phù hợp với mục tiêu của chương trình, và là một ứng viên xứng đáng, nổi trội hơn những ứng viên khác. Câu hỏi mà chương trình đặt ra luôn là: Tại sao tôi chọn bạn mà không phải là người khác? Chương trình trước tiên chỉ có thể đánh giá bạn qua bộ hồ sơ bạn nộp, do đó hồ sơ cần được chuẩn bị hết sức cẩn thận, chu đáo. Trong đó cần thể hiện sự hiểu rõ bản thân (điểm mạnh, điểm yếu của mình), có mục tiêu học tập/ phát triển sự nghiệp rõ ràng, có mong muốn và dự định đóng góp cụ thể cho xã hội hoặc lĩnh vực mình theo đuổi, và chỉ rõ tại sao việc học chương trình thạc sĩ là quan trọng và cần thiết cho việc thực hiện những mục tiêu, mong muốn, dự định đó. Để trình bày có sức thuyết phục và nổi bật, mình nghĩ cần học cách viết từ trái tim, tức là bạn phải thực sự mong muốn và khao khát điều đó. Những gì trình bày không thể chung chung, sáo rỗng, mà là câu chuyện của riêng bạn với những mong muốn không chỉ dừng ở phục vụ cho cá nhân bạn. Theo mình, làm được điều này là khó, cần phải có quá trình suy nghĩ nghiêm túc, liên tục rèn luyện các kỹ năng sống, các kĩ năng làm việc cùng với những trải nghiệm thực tế trong học tập, công việc, và cuộc sống nói chung.
Hoàn thành chương trình tiến sĩ, chị sẽ làm việc tại Mỹ hay Việt Nam?
Mai Hoa: Hiện nay mình mới bắt đầu chương trình được 1,5 năm, chắc còn khoảng 3-4 năm nữa mới hoàn tất được chương trình tiến sĩ. Hi vọng là thế! (Cười)
Câu hỏi mà bạn nêu mình rất hay được hỏi từ khi theo học ở Mỹ. Vấn đề không phải là mình có chọn Việt Nam không, mà là Việt Nam có chọn mình không đấy chứ. Nếu có thì sao lại không về nhỉ! (Cười)
Từ câu chuyện của mình, chị có những lời khuyên nào cho những bạn trẻ có ước mơ du học Mỹ?
Mai Hoa: Thực sự mình không chắc là mình có thể chỉ ra tất cả những con đường du họ Mỹ hiện nay. Nơi trả lời tốt nhất cho câu hỏi này chắc là Trung tâm Hoa kỳ ở Đại sứ quán ở Hà Nội hoặc Lãnh sự quán ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc Trung tâm tư vấn giáo dục Hoa kỳ IEE. Nếu các bạn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì nên bắt đầu từ đây để tìm hiểu thông tin một cách đầy đủ nhất. Nếu ở những địa phương khác và không tiên đi lại thì có thể tìm hiểu trước trên trang web của Đại sứ quán, hoặc Lãnh sự quán và viết thư điện tử để tìm hiểu thêm các thông tin cụ thể.
Theo mình thì học bổng chính phủ rất hạn chế. Hầu hết các học bổng này đều được đăng công khai trên trang web của Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán. Ngoài ra có thể có một số học bổng song phương giữa các cơ quan/ tổ chức chính phủ với trường hoặc tổ chức đào tạo, nghiên cứu ở Mỹ. Đối với những học bổng này, bạn phải làm việc ở các cơ quan/tổ chức chính phủ đó, và nếu bạn làm ở đó chắc chắn bạn sẽ có thông tin.
Bên cạnh đó, các bạn có thể chọn con đường tự nộp hồ sơ trực tiếp cho các trường và tìm cơ hội học bổng và/hoặc vị trí trợ lý nghiên cứu hoặc trợ giảng ở trường. Cách này có thể nói cạnh tranh quyết liệt hơn hai cách trước, bởi vì bạn không chỉ cạnh tranh với các ứng viên khác ở Việt Nam mà với tất cả các sinh viên quốc tế ứng tuyển vào trường, khoa đó. Cách chuẩn bị hồ sơ về nguyên tắc vẫn giống như cách mình đã chia sẻ ở trên, nhưng cần chú ý điều chỉnh cách trình bày hướng vào đối tượng đọc hồ sơ và ra quyết định là các giáo sư của khoa, ngành mà bạn ứng tuyển. Các học bổng chính phủ thường có tiêu chí rõ ràng về việc chọn lựa ứng viên, ví dụ như về ngành học/nghiên cứu, và tiềm năng phát triển, đóng góp của bạn vào các lĩnh vực đó. Còn học bổng của trường thường quan tâm đến kĩ năng, kinh nghiệm, và mục tiêu của bạn. Đối với chương trình tiến sĩ, có lẽ sự phù hợp của hướng nghiên cứu của bạn đối với giáo sư ở khoa, ngành mà bạn muốn theo đuổi là quan trọng nhất. Các trường thường ưu tiên hỗ trợ tài chính cho chương trình tiến sĩ hơn là thạc sĩ. Tuy nhiên, mỗi trường có thể có các loại học bổng cho các cấp học khác nhau. Để có thể xin được hỗ trợ tài chính thì cần chủ động tìm hiểu thông tin cụ thể từ khoa, trường mình dự định nộp đơn. Trước hết là qua trang web, và sau đó là viết thư hỏi rõ các thông tin nếu có thắc mắc. Khi làm hồ sơ cần ghi rõ nhu cầu được hỗ trợ tài chính của mình để khoa, trường xem xét. Khi hồ sơ của bạn được chọn và bạn nhận được thư thông báo của trường, họ sẽ nói rõ mức tài chính bạn sẽ được hỗ trợ. Theo đó bạn có thể cân nhắc và có kế hoạch cụ thể cho việc lựa chọn trường và bắt đầu nhập học.
Mình hi vọng các bạn sớm có những lựa chọn tốt nhất và phù hợp với mình nhất để bắt đầu hành trình chinh phục tri thức.
Cảm ơn chị Mai Hoa!
———————————-
Một vài thành tích Mai Hoa từng đạt được:
  • Học bổng tiến sĩ tại Arnold School of Public Health – University of South Carolina,
  • Học bổng của tổ chức Zero to Three, ILEAP, và Fulbright.
Một số hoạt động cộng đồng từng tham gia:
  • Hướng dẫn các em sinh viên trong chương trình VietSeed – Fulbright Passing the Torch,
  • Hỗ trợ tổ chức No Ordinary Journey Foundation giúp trẻ em khuyết tật, và một số hoạt động khác với Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN.
Hạnh Nguyễn thực hiện