Văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP đã được 12 nước thành viên công bố chiều nay - 5/11 (theo giờ Hà Nội).
Văn bản gồm 30 chương vừa được Bộ Công Thương Việt Nam và các cơ quan phụ trách TPP của 11 nước còn lại công bố chiều nay, đúng một tháng sau khi quá trình đàm phán kết thúc. Văn bản gồm đầy đủ thông tin chi tiết về các cam kết và các điều khoản áp dụng với tất cả các nước thành viên.
Một trong những điểm được quan tâm nhất trong văn bản này là điều khoản áp dụng. Theo đó, TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ khi tất cả các thành viên thông báo đã hoàn tất trình tự thông qua về mặt pháp lý trong nước. Trong điều kiện một số điều khoản hoặc toàn bộ hiệp định không được một hoặc một số nước thành viên thông qua, TPP vẫn có hiệu lực nếu có ít nhất 6 trên 12 thành viên, chiếm tối thiểu 85% GDP toàn khối chấp nhận.
Với Việt Nam, biểu thuế tại Hiệp định cho thấy thuế xuất - nhập khẩu với nhiều mặt hàng sẽ được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực như hàng dệt may, giày dép, cá ngừ, thịt động vật thuần chủng...
Ngược lại, lộ trình dỡ bỏ thuế quan dài nhất sẽ lên kéo dài 16 năm, thuộc về những hàng hóa như dầu thô, trứng... Một số mặt hàng khác lại có lộ trình giảm thuế quan từng nấc theo năm, ví dụ như khoai tây (hiện có mức thuế 24%, giảm về 12% trong năm thứ 2, 6% vào năm thứ 3 và miễn thuế trong năm thứ 4)...
Tương quan kinh tế 12 nước trong TPP (Chi tiết)
|
Trao đổi với VnExpress, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết đây là văn bản được các bên thống nhất sau khi hoàn tất đàm phán ngày 5/10 tại Atlanta (Mỹ). Tuy vậy, các chi tiết trong hiệp định vẫn trong quá trình rà soát pháp lý tại các nước và có thể thay đổi. Riêng văn bản tiếng Việt đã được Bộ Công Thương chuẩn bị và sẽ sớm được công bố.
Ngoài các nội dung cam kết trong hiệp định, trong quá trình đàm phán các nước TPP cũng đạt được một số thỏa thuận song phương. Các thỏa thuận này sẽ được các bên ký kết công bố riêng, có hiệu lực cùng thời điểm với TPP.
Sau khi công bố toàn văn hiệp định, mỗi nước sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức.
"Thời điểm ký kết chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I/2016", Bộ Công Thương cho biết. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Trao đổi tại cuộc họp báo tháng 10/2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho biết dự kiến mất 1,5-2 năm để hiệp định được thông qua.
TPP chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 5/10/2015 và được xem là hiệp định thương mại thế kỷ, mang tính lịch sử, lớn nhất trong vòng 20 năm qua. TPP có sự tham gia của 12 nước gồm: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo, khuyên khích sự minh bạch, hiệu quả điều hành cũng như cải thiện việc bảo vệ người lao động, môi trường. Hiệp định cũng được xem là bước quan trong việc tiến gần tới mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. |
Phương Linh - Chí Hiếu
Công bố toàn văn Hiệp định TPP
Việt Nam đồng ý để người lao động có thêm nhiều quyền, như tự do lập công đoàn và đình công để đổi lại lợi ích giao thương với Mỹ, theo phân tích của tờ New York Times về TPP.
Văn bản bằng tiếng Anh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP đã được 12 nước thành viên công bố chiều 5/11.
Theo bài của New York Times, thỏa thuận đòi hỏi Việt Nam thay đổi luật hoặc ra luật mới cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập.
Công nhân sẽ được phép đình công không chỉ vì lương và giờ làm, mà còn vì điều kiện làm việc và các quyền khác.
Các nhóm công đoàn không phải gia nhập công đoàn của chính phủ Việt Nam, mà có thể hợp tác với nhau, tìm giúp đỡ của bất kỳ “tổ chức lao động quốc tế” như Liên đoàn lao động và hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ (AFL-CIO).
Ông Tom Malinowski, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Đặc trách Dân chủ,Nhân quyền, và Lao động nói với New York Times:
“Đây là cơ hội tốt nhất từ nhiều năm để khuyến khích cải tổ thể chế sâu sắc ở Việt Nam mà sẽ thúc đẩy nhân quyền, và nó sẽ chỉ xảy ra nếu TPP được thông qua.”
Quốc hội Mỹ sẽ có nhiều tháng xem xét văn bản và tranh luận.
Dự kiến việc bỏ phiếu ở hạ viện và thượng viện Mỹ sẽ diễn ra trong năm sau, trong bối cảnh Mỹ có bầu cử tổng thống.
Hoa Kỳ sẽ theo dõi việc tuân thủ của Việt Nam theo một thỏa thuận riêng.
Ngoài ra, một ủy ban gồm ba chuyên gia của Mỹ, Việt Nam và ILO, cũng sẽ có báo cáo.
Năm năm sau khi TPP có hiệu lực, Mỹ có thể ngừng lợi ích giao thương nếu cho rằng Việt Nam không tuân thủ yêu cầu.
Nhưng John Sifton, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho rằng hiệp định sẽ không thể thực thi “trên thực tế”.
Ông này nói lịch sử của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) không chứng tỏ họ sẽ bắt buộc thực thi các điều khoản.