Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Thư Paul Bert gửi Trương Vĩnh Ký (Trích )- KA dịch

Paul Bert (1833-1886): nhà sinh vật học, sinh lý học và chính trị gia Pháp. Paul Bert có bằng bác sĩ năm 1863  và tiến sĩ khoa học năm 1866. Ông có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về sinh vật học và y học. Năm 1875 có một công trình của Paul Bert nhận được giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa Học.
Sau Công xã Paris (1870) ông tham gia chính trị và trở thành Bộ trưởng Giáo dục trong nội các Gambetta. Chủ trương của Paul Bert là giải phóng nền giáo dục quốc gia ra khỏi tôn giáo cũng như thiét kế hệ thống giáo dục sao cho mọi người đều có thể tiếp cận được. Bản thân ông là một người có tư tưởng chống giáo quyền(giáo sĩ trị) và chống các hoạt động của các nhà truyền giáo. Ông cũng được bầu vào Quốc hội Pháp. Đây là thời gian ông làm quen với Petrus Ký khi ông này đến Pháp. Trong các thư từ trao đổi với Paul Bert, Petrus Ký thường gọi ông là ngài Bộ trưởng.
Năm 1886 ông được bổ nhiệm làm Tổng trú sứ Annam (Trung Kỳ) và Tonkin (Bắc Kỳ). Đây là giai đoạn rất căng thẳng. Năm 1885, do não trạng hiếu chiến của các sĩ quan Pháp, đặc biệt là tướng Courcy ở Huế thiếu tôn trọng nhà vua, Tôn Thất Thuyết đã bất ngỡ tấn công đồn Mang Cá của Pháp. Nhưng khi Pháp phản công thì quân Nguyễn để quân Pháp chiếm kinh thành. Tôn Thất Thuyết đã phải mang vua Hàm Nghi đã xuất bôn và ra chiếu Cần Vương, không khí Bình Tây Sát Tả lan rộng trong nước.
Trong vỏn vẹn hơn nửa năm làm việc tại Việt Nam Paul Bert đã đặt nền tảng cho việc phối hợp công tác giữa hải quân Pháp và triều đình Huế. Quyết định đưa trí thức công giáo Petrus Ký vào Viện Cơ Mật được coi là một bước đi sáng suốt của Paul Bert. Paul Bert cũng có ý định lập Hàm Nghi làm vua bốn tỉnh Nam Bắc Kỳ nhưng Hàm Nghi từ chối, không chịu cúi đầu làm vua nô lệ.
Cuối năm 1886 Paul Bert chết ở Hà Nội do mắc bệnh lỵ.
Bức thư dưới đây Paul Bert gửi Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) khi hai người đang cộng tác với nhau ở Nam Kỳ và Trung Kỳ.

Ngày 29/6/1886.
Kính Tiên sinh,
Những ý kiến cao thượng mà tiên sinh đã tỏ bày qua bức thư vừa rồi không hề làm tôi kinh ngạc. Tôi vốn biết tiên sinh thường ngồi trên cao để nghị luận tôn giáo, là vấn đề xưa nay thường phân rõ, thường gây nên mối ác cảm tầm thường nơi con người. Tôn giáo nào cũng vậy, ấy là nhà trường lớn chuyên dạy luân lí, nhưng lại bị ô uế bởi kẻ đại diện cho quyền uy thánh thần. Bởi vậy, nếu có sai quấy thì phải trách thầy tu, chứ không phải do đạo.
Tuy nhiên hãy gạt những suy tư triết học đó sang một bên để chú tâm vào chuyện chính sự và vấn đề tôn giáo ở An Nam. Tôi lấy làm vui lòng vì giờ này, tiên sinh và tôi có chung một cách nhìn sự việc. Tuy nhiên tôi cũng muốn nhân đây bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình.
Thuở xưa nước Pháp tin rằng mình có trách nhiệm bảo hộ cho các tín đồ Thiên chúa giáo bởi lẽ nước Pháp tin rằng đạo Thiên chúa là cao thượng hơn các đạo khác của dân ngoại quốc nên mới dùng thế lực của cường quốc mà giúp cho đạo Thiên chúa bành trướng ra. “Phận con gái đầu lòng “ của Thiên chúa giáo, họ giúp đạo thu phục toàn cầu, khiến cho đức tin Công giáo và các tín đồ phục vụ cho lợi ích của họ, cả về quyền uy tinh thần lẫn khí giới vật chất, sao cho hành động của họ cũng chính là hành động của Đức Chúa trời: Gesta Del per Francos.
Cuộc cách mạng năm 1789 đã từ bỏ cái lý thuyết ấy rồi. Nước Pháp không cần phải tin rằng mình có quyền truyền đạo nữa, cũng không công nhận một tôn giáo nào đại diện cho quốc gia, và Công giáo chỉ được hỗ trợ tiền cũng như Tin Lành, Do Thái giáo và đạo Hồi. Vậy nên ở ngoại quốc, nước Pháp tôn vinh tôn giáo của Đức Chúa cũng không hơn gì tôn giáo của Mahomet. Nhưng họ lại được giao phó một nhiệm vụ lớn lao hơn. Nước Pháp trở nên người canh gác và bảo hộ cho quyền tự do tín ngưỡng, không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh trong địa phận của họ hay trên những xứ sở có sự hiện diện của họ lại một người nào bị hành quyết, bị trừng phạt bởi đức tin tôn giáo của người đó. Họ sẽ can thiệp, nhưng không phải là đòi hỏi được thiên vị, mà là quyền bình đẳng và công lý dưới sự bảo trợ của nước Pháp,
Đó chính là những nguyên tắc của tôi trong thời đại này, những nguyên tắc chi phối nền pháp chế của nước Pháp. Tôi biết rằng trên thực tế, phải bỏ rất nhiều công sức mới khiến chúng được thi hành, nhất là ở xứ của ông, khi mà cho đến gần đây những người Thiên Chúa giáo vẫn cho rằng họ được tôn lên một địa vị riêng và được hưởng những quyền đặc biệt, như là người không theo đạo đã từng lo ngại chuyện quyền hành chính thống sẽ dần bị lấn lướt.
Nhưng tất cả những sự ấy đã đổi thay rồi, đổi thay rõ ràng và đổi thay vĩnh viễn! Sự lên ngôi của nền Cộng hòa tại Pháp đã đưa các nguyên tắc của Cách mạng năm 1789 vào áp dụng. Chính phủ mà tôi đang đại diện, cũng như chính tôi đây, chúng tôi tuân theo những điều ấy.
Nước Pháp sẽ không từ bỏ những xứ sở này, xin hãy kìm các kỳ vọng lại, những lợi ích ràng buộc tại đây quan trọng đến nỗi, không kể đến danh dự quốc gia, chỉ một cuộc chiến ở châu Âu cũng không thể nào khiến chúng tôi lùi bước được. Chúng tôi chỉ có thể bị buộc phải thu hẹp phần chiếm đóng và ngay khi hòa bình lập lại, chúng tôi sẽ tấn công lại, còn dữ dội hơn.
Vả lại, giả dụ như có một vận hội bất khả nào đó xảy ra khiến cho nước Pháp phải từ bỏ vị thế hiện nay, thì liệu các ngài có tin rằng nước An Nam có thể giành lại được độc lập tự chủ như dưới thời Gia Long và Minh Mạng? Nhầm to! Người Anh hay người Tây Ba Nha, hay đúng hơn là người Đức sẽ nhảy vào cuộc ngay, và lúc đó người An Nam sẽ cân đong xem họ được thua những gì! Các ngài sẽ biết thế nào là cái tính bạo tàn của quân lính nước Đức!
Nếu 400 năm trước khi Đức Chúa giáng sinh, tổ tiên chúng tôi còn hái trái cây dại trong rừng xứ Gaule để tồn tại, khi mà Khổng Phu tử còn đang viết bộ “ Kinh Thư” thì một đạo chiến thuyền của người Trung Hoa đã tràn lên bờ cõi chúng tôi, mang đến cho những bộ tộc mông muội một nền văn minh uyên bác, của khoa học và nghệ thuật tiến bộ, một thứ bậc xã hội phân hóa sâu sắc, cùng nền tảng lễ nghĩa, ảnh hưởng của Trung Hoa đã khẳng định được vị trí chính thống trong một khoảng thời gian rất dài. Đến ngày nay, đại cục đã lật ngược hoàn toàn. Các cường quốc phương Đông, sớm hưng thịnh nay chững lại, các nền văn minh Ấn Độ, Xiêm La, An Nam và Trung Hoa dừng bước ở 2000 năm trước. Còn chúng tôi, chúng tôi đã tiến lên, tuy chậm trễ nhưng chúng tôi đã vượt lên hẳn, ít nhất là về mặt khoa học và kỹ nghệ. Những nền văn minh kia thụt lùi dần, từ nhiều thế kỷ nay, họ chỉ còn biết ngắm nghía những dấu tích của vinh quanh xưa mà ngạc nhiên cảm thán.
Đó chính là cái lẽ tự nhiên của lịch sử: đã đến lượt chúng tôi đem đến chiến thuyền, khí cụ, dẫn dắt hòa bình và chiến tranh, chúng tôi cáng đáng trọng trách chiếm trị ấy. Trong vòng bao lâu, tôi không biết. Nhưng tôi tin rằng các dân tộc Á Đông đã chỉ đường cho chúng tôi, sẽ gần gũi với chúng tôi, rồi đây họ cũng tỉnh giấc và vẫy vùng. Chẳng ai đoán trước được tạo tác đẹp đẽ gì sẽ được sinh ra từ một nền văn minh hợp nhất, trong sự tiếp xúc và cạnh tranh những phẩm chất khác biệt và độc đáo giữa các chúng tộc châu Âu và châu Á.
Dù chúng ta có muốn hay không, vòng quay biến chuyển ấy đang ngày một nhanh thêm. Ấn Độ đã chịu sự chiếm trị của người Anh, Miến Điện cũng vậy, nước Xiêm La đang cần một người chi huy, Nhật Bản thì đang sửa soạn cải cách lấy mình, Trung Hoa thời phải chịu để cho tư tưởng Âu Tây tràn vào. Các quốc đảo nhỏ phải chịu ảnh hưởng của người Hà Lan. Tôi vẫn biết chắc việc này không lẽ bền vững đời đời được, nhưng buộc phải kinh qua: An Nam không thể nào tránh khỏi số mạng ấy.
Trân trọng!
Paul Bert

https://vi.wikipedia.org/wiki/Paul_Bert