Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

'Con nhớ Mẹ quá chừng' (Viết về The Sympathizer )

Giá trị của một cuốn sách, với tôi, nằm ở chất lượng và chiều sâu của những đối thoại mà cuốn sách có thể khơi gợi lên cho độc giả.
Trong mấy năm gần đây, tôi để ý tìm đọc để xây dựng một tủ sách cho trẻ con trong nhà. Sách có nội dung liên quan đến VN là một phần trong tủ sách đó. Đối thoại về đề tài VN là một trong những cuộc đối thoại với trẻ con trong nhà mà tôi rất mong được có. Con gái gần 10 tuổi bắt đầu tò mò về lai lịch gia đình, và về bản sắc cá nhân. Con đến từ đâu, điều gì đã xảy ra trước đó để lúc này con ở vị trí mà con đang ở? Dù con không có đủ ngôn ngữ để diễn đạt những câu hỏi một cách rõ ràng, nhưng những thắc mắc nho nhỏ càng ngày càng trở nên hóc búa hơn, và tôi nhận ra mình đã bắt đầu lúng túng không trả lời được.

Tôi đọc cuốn The Sympathizer trong tâm thế đó, và thấy cuốn sách là một tiền đề cho những cuộc đối thoại (nếu diễn ra) rất khó chịu. Nhiều sách khác -- cả văn và thơ -- của người Mỹ gốc Việt mà tôi từng đọc là những tiền đề hoặc "mềm" hoặc "khó ưa" (chứ không phải "khó chịu"). Những chủ đề như tìm về cội nguồn, văn hoá gốc, ngôn ngữ, mối dây vô hình giữa họ hàng xa nhau vạn dặm... là chủ đề "mềm" mà các câu trả lời mang nhiều cảm tính. Những chủ đề "khó ưa" theo kiểu chửi bới thẳng thừng hoặc kết tội rành rành thì luôn có thể tìm một đối trọng tương đương và tính thuyết phục cũng tương đương. Trong bối cảnh đó, điều mà The Sympathizer đặt ra gai góc hơn rất nhiều. Nếu một ngày con gái đọc xong rồi hỏi tôi, thế ông bà ngoại nghĩ gì về câu hỏi "Điều gì quí hơn độc lập tự do?", và mẹ nghĩ gì về tính song nghĩa của cái chữ "không có gì" đó, tôi biết mình không có câu trả lời cụ thể. Nhưng tôi cũng hình dung, khi đọc sách và đối thoại cùng tôi, con bé sẽ phải đào bới trong mớ cảm xúc và suy nghĩ của nó để tự tìm cho ra câu trả lời cho câu hỏi mà hồi mới lớn tôi vẫn hỏi ba mẹ, là "tất cả những điều đó có đáng không?" (điều đó chứa đựng mọi điều trong lịch sử mà ba mẹ chứng kiến, trải nghiệm, và tham gia).
Theo góc nhìn của tôi về cuốn sách, dường như tác giả đến gần với chấp nhận số phận lịch sử, và nhận ra rằng cuối cùng những điều đó là đáng hoặc là có thể chịu đựng được, vì bằng một cách nào đó, những người đã trải nghiệm lịch sử cuối cùng đã tồn tại được. Hoặc là thế, hoặc là mặc dù trải qua mọi thứ đó, họ vẫn tồn tại được, và đó là "chiến thắng cuối cùng" của sức sống con người. Đọc xong mấy trăm trang sách, cuối cùng tôi tìm được cách hiểu đó để bấu víu vào khi đối thoại với con -- với cá nhân tôi, một phần giá trị cuốn sách nằm ở đây. Không giống như nhiều cuốn sách "gốc Việt" khác hoặc là cố đẩy cho được ai đúng-ai sai, hoặc là cố đi đường vòng qua con voi trong phòng để "về nguồn" theo chiều văn hoá, cuốn sách này đặt câu hỏi khác và dường như khơi gợi câu trả lời khác.
Nói như thế không có nghĩa là cuốn sách không có "tính hiện thực phê phán" (ai đã sống qua thời học bình văn ở nhà chắc sẽ mỉm cười về cụm từ thông dụng trong công thức bình văn này). Người đọc trên thế giới nói chung sẽ rất khoái góc nhìn Ruồi trâu của tác giả (tinh thần "phản hệ thống" và tự trào chuyện thiên tả của chính mình của tác giả mang nhiều dấu ấn của thành phố và đại học Berkeley, môi trường học đường mà tác giả trải qua nhiều năm từ lúc đại học đến khi lấy bằng tiến sĩ). Người Việt hải ngoại vùng Tiểu Sài Gòn thế hệ trước có lẽ sẽ ức vì tác giả mang nhiều chuyện trong nhà ra khoe ngoài ngõ, nhất là những chi tiết về tha hoá nhân cách mà (theo như sách giải thích) là nhiều người trong cộng đồng cho rằng hoặc không phải lỗi của họ, hoặc họ có quyền làm thế vì những gì họ đã phải chịu đựng trước đó.

Nguyễn Thanh Việt- tác giả The Sympathizer giành  giải Pulitzer 2016, hang mục tiểu thuyết. 
Trong những "cú đấm" mang tính hiện thực phê phán đó, nặng ký nhất là so sánh mang tính biểu tượng giữa chuyện tra tấn kiểu Chiến dịch Phượng Hoàng, thậm chí cưỡng hiếp thể xác tù nhân, mà tác giả viết rõ ràng là có sự chứng kiến của đại diện cho CIA của Mỹ, với chuyện "cưỡng hiếp" trí não, tinh thần, và lương tâm của tù nhân (trong mấy chương cuối cùng) của chương trình cải tạo. Người đọc không thể đọc xong chương sách này mà không tự hỏi, suy cho cùng, cái nào man rợ hơn? Để gây ấn tượng cho so sánh biểu tượng này, tác giả dùng đối trọng rất "độc" (độc đây không có nghĩa xấu) -- đối trọng đặc tả hài nhi nhiễm chất độc Da cam với đặc tả tình trạng trí não và tâm thần của nhân vật trong quá trình "cải tạo" đã bị vặn xoắn méo mó không khác gì hài nhi, đến mức không còn biết thật-giả, đúng-sai là đâu nữa. Tác giả miêu tả nhân vật bị cưỡng hiếp thể xác cuối cùng vẫn cực kỳ tỉnh táo vì biết mình là ai và mục đích của mình là gì, vẫn dùng đôi mắt đốt cháy người đối diện. Trong khi đó, nhân vật bị cải tạo tinh thần cuối cùng gần như rơi vào trạng thái méo mó vĩnh viễn. So với biểu tượng này, nằm ở cuối cuốn sách, những biểu tượng trước đó về tính hai mặt của giá trị Mỹ hoặc sự nhập nhằng về đạo đức của cả hai phía trong một cuộc chiến chỉ là mấy cái tát yêu cho vui mà thôi.
Có lẽ nhiều người VN sẽ đọc cuốn sách này với cặp mắt tương tự như những người đi qua thế chiến hoặc sống sót qua thời Hitler hay thời Khmer đỏ, và chuyện săm soi các tiểu tiết lịch sử là không tránh khỏi. Tuy nhiên, không tác giả nào dù siêu đến đâu có thể làm vừa lòng mọi người đọc có biết (hoặc nghĩ là mình biết nhiều) về sự thật lịch sử. Nếu đọc cuốn sách để tìm đến mục đích cuối cùng, tức thông điệp của cuốn sách là gì, tôi tin nhiều người sẽ đồng ý đây là cuốn sách nặng ký hơn rất nhiều cuốn sách khác về đề tài Việt Nam. (Tôi cũng đánh giá cao khi tác giả không cố tình "quốc tế hoá" những chi tiết liên quan đến cộng đồng người Việt để khoác cho cuốn sách tấm áo mang tính phổ quát cao hơn. Những đoạn tả về một số người Việt hải ngoại trong các quán bia, quán phở, đi làm lấy tiền mặt, đi xe cà tàng, tụ tập ca hát hút thuốc phì phèo, mặc đồ "hàng chợ", nói tiếng bồi, những người đàn ông từng hét ra lửa giờ cay đắng vì không còn uy với con cái, ... chắc chắn làm nhiều người Việt mình đọc mà đau điếng).
Sợi dây mềm mại và ngọt ngào duy nhất -- mà tôi tin là chứa đúng cốt lõi "thiện" của tác giả, và khiến tôi mềm lòng nhất -- là những đoạn miêu tả về người mẹ Việt Nam. Đây là những miêu tả mang tính biểu tượng cho một Việt Nam thật sự nếu loại bỏ hết được những bi kịch xung quanh. Ngôn ngữ của tác giả khi đặc tả quan hệ giữa "mẹ Việt Nam" và "đứa con Việt chưa từng thuần Việt" mang đầy tình mẫu tử và lòng chở che vô điều kiện hoàn toàn khác ngôn ngữ sắc, đắng, cay, chua, và thông minh trải dài trong sách. Chi tiết người dẫn chuyện làm bia mộ giả cho người mẹ Việt của mình -- đặt trong nghĩa địa do Hollywood dựng làm phim trường như một dấu nhấn bi hài -- rồi lặng lẽ ngồi xuống và"Mơi, tôi gi, da trán mình vào bia m. Mẹ ơi, con nh m quá chng" là chi tiết nhân bản và trong veo mà tôi giữ lại như ký ức cuối cùng về cuốn sách.
Cam Ly