Người phụ nữ tên L., trú ở P.Phước Hòa (TP.Nha Trang) không may nhiễm vi rút Zika đã chia sẻ như vậy với PV Thanh Niên vào sáng 6.4. Bà mạnh khỏe, trò chuyện vui vẻ, cởi mở và không một chút lo lắng.
Để làm rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh Zika, tránh gây hoang mang, lo lắng cho cộng đồng trước thông tin VN đã có 2 bệnh nhân nhiễm vi rút, Thanh Niên đã tiếp xúc với nữ bệnh nhân bị nhiễm vi rút và có cuộc trò chuyện về quá trình bà nhiễm bệnh cũng như việc điều trị.
PV: Bà đón nhận tin mình bị nhiễm vi rút Zika như thế nào ?
Bà L: Tôi đọc báo, xem tivi cũng nghe tuyên truyền về vi rút Zika, nhưng thú thật, tôi không nghĩ là mình bị nhiễm bệnh. Vì tôi có đi đâu xa đâu,các thành viên trong gia đình cũng không đi đâu xa. Cách đây khoảng 3 tuần, tôi có cùng đoàn phật tử của nhà chùa tham gia cúng lễ cho một gia đình có người mất; gia đình này có người thân ở nước ngoài về, nhưng về nhà tôi vẫn thấy bình thường. Các thành viên trong gia đình tôi cũng không đi đâu xa, không tiếp xúc với người nước ngoài.
Ngày 26.3, tôi mới thấy mình sốt nhẹ, phát ban. Tôi mua thuốc uống có đỡ nhưng lại thấy sốt lại nên đến Bệnh viện Nhiệt đới khám và điều trị. Thời gian này, tôi thấy sức khỏe mình cũng không đáng ngại, vẫn ăn uống, đi lại bình thường.
Hôm qua, đoàn của Bộ Y tế (do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu -PV) đến thăm tôi và cho biết tôi là một trong hai ca mắc Zika đầu tiên ở VN. Mọi người trong đoàn cho biết bệnh Zika không lây qua đường hô hấp, đường tiếp xúc mà chủ yếu là do muỗi đốt nên tinh thần tôi rất ổn định. Tôi cảm thấy bệnh này còn nhẹ hơn cảm cúm. Cảm cúm còn mệt mỏi, đôi khi phải nằm một chỗ và dễ lây hơn.
PV: Bộ Y tế khẳng định bà nhiễm vi rút Zika là do lây qua đường muỗi đốt. Bà nghĩ mình nên làm gì để bệnh không lây lan ?
Theo tư vấn của các chuyên gia, người bị bệnh không để muỗi đốt thì không phát tán bệnh, người chưa bị bệnh không để muỗi đốt thì phòng tránh được bệnh. Vì thế, tôi thoa kem chống muỗi, ngủ mắc màn; các lọ hoa trong nhà thì luôn để khô và cắm hoa nhựa để lăng quăng không sinh nở.
Tôi có quen một người là phật tử ở chùa gần nhà, thấy người này không sốt nhưng cũng phát ban ở tay, tôi có khuyên họ nên đi khám. Không có gì hoang mang cả. Khám để biết mình có bị bệnh hay không, trước là vì sức khỏe của mình, tiếp nữa, nếu không may có bị thì mình cũng biết để điều trị, phòng tránh sự lây lan. Chứ mình cứ lo sợ, cứ “nín” thì vừa ảnh hưởng cho mình và cho cộng đồng.
KHÔNG LÂY QUA ĐƯỜNG HÔ HẤP
Tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa chiều 5.4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các ngành, các cấp và người dân bình tĩnh trước thông tin có người nhiễm vi rút Zika.
Đối với vi rút Zika, lo ngại nhất là phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu. Đến nay, Bộ Y tế khuyến cáo là không hạn chế đi lại, mà lưu ý những phụ nữ có thai cần cân nhắc khi đi đến vùng có dịch.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết vi rút Zika không lây qua đường hô hấp, đường tiếp xúc mà chủ yếu là do muỗi đốt nên chúng ta không đáng ngại việc đi lại. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân không hoang mang, mặc cảm; cần chủ động phòng chống dịch, để không ảnh hưởng đến du lịch, đến an sinh xã hội của tỉnh.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng đối phó với tất cả diễn biến phức tạp khi dịch bệnh xảy ra. Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm vi rút Zika đầu tiên, tỉnh đã tổ chức khoanh vùng, phun thuốc quanh khu vực bệnh nhân lưu trú. Sáng 6.4, sẽ tổ chức phun hóa chất tại các địa bàn trọng điểm ở TP.Nha Trang, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; tỉnh chỉ đạo các ngành theo dõi, giám sát, phát hiện các ca bệnh có khả năng nhiễm Zika thì có các biện pháp chữa trị, tư vấn, hạn chế tối đa lây lan.
|
Nguyễn Chung
(thực hiện)
(thực hiện)