Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Nghề điêu khắc gỗ Bình Dương

Nghề điêu khắc gỗ là một nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm qua trên vùng đất Bình Dương và hiện vẫn được các thế hệ nghệ nhân nơi đây truyền lại cho con cháu.
Theo các tư liệu địa chí, nghề làm gỗ là một nhóm nghề chính phổ biến trong nhóm cư dân đầu tiên sinh sống trên vùng đất Đông Nam Bộ xưa. Thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) được coi là cái nôi của nghề mộc gia dụng đất Nam Bộ bởi nơi đây có nhiều gỗ quý. Từ thế kỷ 16-17, lớp thợ làm gỗ đầu tiên đã hình thành khi họ bắt đầu biết chặt cây, xẻ gỗ để khẩn hoang; sau đó biết cách biến gỗ thành nhà, xây dựng các công trình dân dụng đầu tiên, tạo dấu ấn nghề nghiệp trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

Với rất nhiều loại gỗ quý như: sao, gõ, huỳnh đàn, giáng hương, trai, dầu…, người thợ đã tìm cách sử dụng, trang trí, tạo dáng nghệ thuật để cung cấp sản phẩm gỗ không chỉ cho địa phương mà còn cho các vùng trong cả nước. Nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ đã xuất hiện với các hình thức đóng thuyền, đẽo cột, làm hòm xiểng, bàn ghế, vật dụng… và dần hình thành nên các làng nghề điêu khắc nổi tiếng của Bình Dương. Trong đó, có những xóm thuộc vùng An Thạnh, Phú Thọ, Lái Thiêu chuyên điêu khắc trang trí trong các công trình kiến trúc đình, chùa, nhà cổ, các sản phẩm mỹ thuật như tủ thờ, tranh tượng… Chính ở các vùng đất này đã sản sinh ra những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài hoa, tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao.


Điêu khắc gỗ -  nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển hơn 200 năm qua trên vùng đất Bình Dương.
Ảnh: Thông Hải


Để chạm trổ được những bức tượng có nghệ thuật thẩm mỹ cao, người thợ mộc phải có tay nghề cao
 và thâm niên trong nghề. 
Ảnh: Thông Hải


Những sản phẩm điêu khắc chất lượng cao đang dần hình thành từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ. 
Ảnh: Thông Hải


Sản phẩm thô chưa hoàn thiện của làng nghề điêu khắc gỗ Bình Dương. Ảnh: Thành Đạt


Một người thợ mộc trong vùng đang tạc tập trung chạm, khắc pho tượng từ gỗ nguyên liệu... 
Ảnh: Thông Hải


... và có khoảng 200 loại dùi, đục được sử dụng để tạo nên các sản phẩm điêu khắc gỗ ở Bình Dương. 
Ảnh: Thông Hải

Nghề điêu khắc gỗ ngày càng phát triển ở Bình Dương đã khắc họa phần nào thị hiếu thẩm mỹ của cư dân trong vùng cũng như cả nước, và hình thành nên một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Bình Dương. Đến năm 1891, Bình Dương đã có trường mỹ nghệ thực hành dạy các nghề mộc, chạm và trang trí, sơn mài. Đây là nền tảng cho ngành điêu khắc phát triển từ nghề dân gian sang chính quy.

Hiện tại, các ngành nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề điêu khắc gỗ đang có đóng góp khá quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế tỉnh Bình Dương. Các cơ sở sản xuất điêu khắc của tỉnh hiện phân bố tập trung ở phường Phú Thọ và phường Chánh Nghĩa, Tp. Thủ Dầu Một với khoảng hơn 200 hộ làm nghề. Thực tế, những nghệ nhân điêu khắc gỗ không chỉ lưu giữ nghề truyền thống hay để mưu sinh, mà sản phẩm họ làm ra còn nhằm mục đích làm giàu và quảng bá chính văn hóa của con người và mảnh đất Bình Dương.

Sản phẩm điêu khắc gỗ mỹ thuật Bình Dương hiện cung cấp cho thị trường trong nước, phần lớn là các sản phẩm mỹ nghệ do du khách mua làm kỷ niệm, bày bán trong khách sạn, các điểm văn hóa du lịch. Ngoài ra, sản phẩm điêu khắc gỗ Bình Dương với giá trị văn hóa và kinh tế cao còn rất được khách quốc tế ưa chuộng và được xuất khẩu khắp nơi trên thế giới, mang lại lợi nhuận đáng kể cho tỉnh Bình Dương. Mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ Bình Dương theo đó là khá đa dạng và phong phú được các nghệ nhân sáng tạo hoặc bảo lưu các phong cách cổ như: các tượng Phật, tượng Di Lặc, mục đồng, tiều phu, ngư phủ, chim ưng, sư tử hí cầu… Ngoài ra là một số mẫu mã làm theo các tượng cổ châu Âu như các tượng khỏa thân, vệ nữ… và cả những mẫu mã do người đặt hàng từ nước ngoài yêu cầu. Điều đặc biệt, sản phẩm điêu khắc gỗ Bình Dương cũng luôn nổi tiếng về chất lượng cao nhờ có nguồn gỗ tốt và được làm nguyên khối, không ghép, pha gỗ tạp, tháo lắp thuận tiện.

Chúng tôi đến làng nghề điêu khắc gỗ phường Phú Thọ, Tp. Thủ Dầu Một khi những tiếng đục đẽo vẫn rộn ràng vang lên giữa phố phường thời đô thị hóa. Anh Nguyễn Văn Bình, nghệ nhân điêu khắc gỗ có hơn 20 năm trong nghề chia sẻ: “Nghề này cần có đam mê, lòng kiên nhẫn mới có thể thành thạo và sáng tạo được. Hiện với khả năng, kinh nghiệm của mình, tôi làm được bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng, có thể yên tâm đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình”. Theo anh Bình, với thợ mới ra nghề, thu nhập cũng được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, nếu tiếp tục gắn bó, say mê nghề thì tay nghề theo thời gian sẽ được nâng lên, sản phẩm làm ra cũng sẽ đẹp và có chất lượng tốt hơn. Điều này sẽ góp phần vào việc gìn giữ uy tín cho thương hiệu sản phẩm điêu khắc gỗ Bình Dương./.


Một số sản phẩm điêu khắc gỗ Bình Dương:
















Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Thông Hải, Thành Đạt