LTS. Trước tuyên bố của Lào sẽ xây dựng đập thủy điện thứ ba Pak Beng trên dòng chính Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh - tác giả nhiều cuốn sách và bài viết liên quan tới môi sinh và phát triển lưu vực sông Mekong - đã có một bài viết dành riêng cho Người Đô Thị.
BS. Ngô Thế Vinh
Mekong không còn là vấn đề song phương giữa hai nước Lào - Việt Nam, mà cốt lõi là một sách lược Việt Nam đối với Trung Quốc trong toàn cảnh địa - chính trị hiện nay. Sự sống còn của Việt Nam, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải là ưu tiên số một trong mọi nghị trình của Bộ Chính trị, của Quốc hội và của cả Chính phủ.
Tin chấn động
Theo Thông tấn xã Lào ngày 14.7, đập thủy điện Pak Beng dự trù được khởi công năm 2017. Viraphon Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Hầm mỏ Lào phát biểu, Pak Beng là một trong năm dự án thủy điện dòng chính trong vùng Bắc Lào, thuộc huyện Pak Beng, tỉnh Oudomsay.
Theo Daovong Phonekeo, Tổng giám đốc Bộ Năng lượng và Kế hoạch Lào, Pak Beng là kiểu đập dâng (run-of-river dam), cách trung tâm huyện Pak Beng 14km hướng thượng nguồn, với công suất 912MW, sản xuất điện trung bình một năm là 4.775GWh.
Trong cuộc họp báo từ Đài truyền hình Paxason thủ đô Vạn Tượng, với giới truyền thông, với báoVientiane Times, Thông tấn xã Lào và các cơ quan chức năng, Daovong đã phát biểu: “Mục đích của dự án này là dùng nguồn thủy điện để sản xuất điện cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.
Công trình xây cất dự trù hoàn tất vào năm 2023 và bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm 2024. Lợi nhuận từ dự án này sẽ tăng cường cho ngân sách và góp phần thăng tiến quốc gia Lào còn trong tình trạng kém phát triển. Hơn thế nữa, dự án này sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tức thời và dài hạn tiến trình kỹ nghệ hóa và hiện đại hóa nước Lào.
Cũng theo Thứ trưởng Viraphon Viravong, dự án thủy điện Pak Beng trên sông Mekong sẽ tuân thủ những nguyên tắc của Hiệp định Mekong 1995, đặc biệt là bước tham vấn trước (prior consultation) sẽ đòi hỏi ít nhất 6 tháng trước khi có quyết định chung cuộc.
Con đập made in China
Pak Beng được thiết kế bởi công ty Trung Quốc Datang Overseas Investment Co., Ltd. qua một thỏa thuận ký kết giữa Lào và Trung Quốc tháng 8.2007, với trị giá ban đầu 1,8 tỉ USD. Đến tháng 3.2014, Công ty Datang nhận được giấy phép môi trường từ chính phủ Lào trước khi trải qua các bước PNPCA: thủ tục thông báo, tham vấn trước và chuẩn thuận. Và từ 2015, Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR) đã thấy nhộn nhịp các công trình xây cất cầu đường dẫn tới khu xây đập Pak Beng.
Các con đập dòng chính Mekong: vòng đen - hoàn tất, vòng trắng - dự án, vòng đỏ - khởi công(nguồn: Stimson 2010, cập nhật 2016)
Không có gì gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi nghe tin dự án Pak Beng sẽ được khởi công đầu năm 2017, sau hai con đập Xayaburi và Don Sahong đang xây. Khi mà Xayaburi, con domino đầu tiên đã đổ xuống mà không gặp trở ngại gì, lại được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bắc Kinh thì không lý do gì Lào không mạnh dạn tiếp tục triển khai toàn bộ 9 dự án đập thủy điện dòng chính trong những năm tới.
Những ảnh hưởng tích lũy chuỗi đập hạ lưu
Với 14 con đập bậc thềm Vân Nam và 12 con đập hạ lưu, tổng số 26 con đập dòng chính trên suốt chiều dài hơn 4.800km sông Mekong, với thời gian là những hủy hoại tích lũy không thể đảo nghịch. Vừa qua một ĐBSCL, cùng với hiện tượng El Nino lịch sử, tình trạng không còn mùa nước nổi và bị hạn hán khốc liệt là hậu quả nhãn tiền.
Theo Đánh giá môi trường chiến lược về thủy điện dòng chính sông Mekong, do Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường (International Center for Environmental Management - ICEM) thực hiện năm 2010, những con đập dòng chính hạ lưu sẽ gây ra những tác hại dây chuyền nghiêm trọng:
Biến đổi dòng chảy và bản chất của dòng sông: con sông sẽ không còn giữ được “nhịp đập” theo mùa, là yếu tố sinh tồn của con sông Tonlé Sap và Biển Hồ.
Ảnh hưởng tới nguồn cá và an toàn thực phẩm: những con đập sẽ ngăn chặn các đoàn di ngư (migratory fishes), thu hẹp diện tích các vùng đất ngập, làm biến đổi và hủy hoại sinh cảnh thiết yếu của các loài cá sông Mekong.
Đe dọa tính đa dạng của hệ thủy sinh: do những thay đổi làm biến dạng con sông, gây rối loạn dòng chảy và cả môi trường nước, tính phong phú và đa dạng của hệ thủy sinh sông Mekong bị đe dọa, với hơn 100 loài cá bị lâm nguy.
Thay đổi hệ sinh thái: với gần nửa diện tích đất đai trồng trọt và các khu rừng hạ lưu được công nhận là vùng đa dạng sinh thái chủ yếu; trong đó 5% là khu bảo tồn quốc gia và các vùng đất ngập được bảo vệ theo Quy ước Ramsar. Những con đập sẽ gây lũ lụt nhận chìm những vùng đất ngập gây ảnh hưởng trên hệ sinh thái động vật và thực vật.
Tổn thất nông nghiệp: sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do ngập lụt từ các con đập, do mất phù sa vì bị giữ lại trong các hồ chứa làm tăng nhu cầu xử dụng phân bón hóa học; mất nguồn canh tác vườn tược ven sông gây thất thoát về kinh tế.
Giảm trữ lượng phù sa: nồng độ phù sa giảm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong tiến trình chuyển tải các dưỡng chất thiết yếu như phốt phát và đạm chất (nitrogen) cho các rẻo đất ven sông và cho hai vùng châu thổ Tonlé Sap, ĐBSCL, ảnh hưởng sút giảm trong sản xuất nông nghiệp. Giảm lượng phù sa cũng làm mất cân bằng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, các vùng ven biển.
Đe dọa cuộc sống văn hóa ổn định của 70 triệu dân cư ven sông: do phải di rời ra khỏi vùng xây đập, phải tái định cư, và cuộc sống bất ổn do đe dọa nguồn thực phẩm nguồn cá nguồn lúa gạo vốn phong phú của con sông Mekong; những con đập có thể làm thay đổi vĩnh viễn nếp sống văn hóa cổ truyền dân cư trong vòng mấy thập niên tới.
Do những bất trắc chưa lường được của các dự án thủy điện dòng chính hạ lưu, nhóm SEA đã đề xuất: tạm hoãn xây đập 10 năm (2010 - 2020) để có thời gian nghiên cứu thêm, bổ sung những khiếm khuyết và tìm cách triển khai một cách tối ưu các dự án thủy điện trong phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường trong lưu vực.
Một đề nghị thận trọng với những lợi ích hiển nhiên như vậy, cho hệ sinh thái sông Mekong và cho ngay cả chính người dân Lào, đã không được chính phủ Lào lắng nghe và tôn trọng.
Quy trình ba giai đoạn tham vấn
Cho dù theo Hiệp định Mekong 1995, không quốc gia nào có quyền phủ quyết nhưng các dự án sông Mekong vẫn phải trải qua thủ tục tham vấn (viết tắt là PNPCA) bao gồm: Giai đoạn 1 thủ tục thông báo: Ủy hội Sông Mekong (MRC) sẽ được chính phủ liên hệ thông báo chính thức về dự án. Giai đoạn 2 tham vấn trước: với khoảng thời gian 6 tháng, nhưng nếu các nước thành viên chưa đạt được sự đồng thuận thì khung thời gian này có thể được gia hạn. Giai đoạn 3 chuẩn thuận: dự án sẽ khởi công khi đạt được sự chuẩn thuận của các nước thành viên.
Khúc sông Mekong, nơi sẽ xây cất đập thủy điện Pak Beng. Ảnh International Rivers
Xayaburi là con đập dòng chính đầu tiên của Lào. Trên nguyên tắc dự án Xayaburi phải trải qua cả 3 giai đoạn của tiến trình PNPCA, nhưng Lào đã đơn phương tự thẩm định rằng tác động xuyên biên giới của đập Xayaburi đối với các quốc gia hạ lưu là “không chắc sẽ xảy ra” nên không cần thiết phải kéo dài thời gian tham vấn trước. Và Lào đã bỏ qua giai đoạn 3 và cứ cho tiến hành làm lễ động thổ xây con đập Xayaburi trước sự ngỡ ngàng của các quốc gia Mekong.
Rõ ràng, tinh thần Hiệp định Mekong 1995 ngay từ bước đầu đã bị Lào phá vỡ. Để rồi, sau Xayaburi, Don Sahong là quân cờ domino thứ hai đổ xuống. Cách đây hơn ba năm (3.10.2013), Lào thông báo cho MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập rất nhỏ nhưng có tác hại vô cùng lớn lao, gây lo ngại cho các tổ chức bảo vệ môi sinh.
Và vẫn cứ theo một “mẫu ứng xử thiếu nhất quán” của nhà nước Lào: không nghe, không hồi đáp, vẫn tiến hành với tất cả sự thiếu minh bạch. Con đập Don Sahong, tuy với danh nghĩa Công ty Mã Lai MegaFirst đứng thầu nhưng đứng sau lại là một công ty xây đập Trung Quốc SinoHydro, Don Sahong thuần túy là một con đập made in China.
Ủy ban Quốc gia Mekong Việt Nam, từ bao năm nay vẫn tọa lạc tại Hà Nội, cách xa ĐBSCL hơn 1.600km. Ảnh Lưu Ngọc Hà
Cho đến nay, những khuyến cáo của MRC đã tỏ ra là vô hiệu. Điều đáng nói hơn nữa, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam vẫn cứ an nhiên tọa lạc tại 12 phố Hàng Tre Hà Nội, chưa hề có một đường lối nhất quán ngăn chặn, chống lại chuỗi những con đập thủy điện dòng chính của Lào, và vì ở xa họ đã không nghe hoặc không muốn nghe những “hồi chuông báo tử”, những tiếng “đóng đinh trên nắp ván thiên” vẫn vang dội lên từ một ĐBSCL đang tan rã và chết dần.
Sông Mekong: chiến lược “nắm trọn gói” của Trung Quốc?
Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ. Tiềm năng thủy điện của sông Mekong lên tới 60.000 MW.
Về phía Trung Quốc, nơi thượng nguồn, Bắc Kinh đã hoàn tất 6 con đập dòng chính, trong đó có hai con đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ (Nuozhadu 5.850MW) và con đập mẹ Tiểu Loan (Xiaowan) 4.200MW. Về tổng thể, Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thủy điện của họ trên sông Lancang, tên Trung Quốc của sông Mekong; và theo Fred Pearce, Đại học Yale, con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. Nhưng không dừng lại ở đó, ai cũng thấy Trung Quốc có tham vọng chiếm đoạt nguồn năng lượng điện và cả những tài nguyên hầm mỏ phong phú chưa khai thác của toàn lưu vực sông Mekong.
Nhắc tới sự kiện Trung Quốc mới đây cho thành lập Khối hợp tác Lancang - Mekong, một cơ chế bao gồm 6 nước cùng sử dụng sông Mekong, nhưng đó chỉ là một bước chiến lược trong đại kế hoạch One Belt One Road (OBOR) của Trung Quốc, vừa tạo cho mình một hình ảnh hữu nghị nhưng thực tế là nhằm tăng thêm ảnh hưởng đưa tới khống chế toàn bộ lưu vực sông Mekong.
Phải thấy rằng Trung Quốc có cả một chiến lược “nắm trọn gói” không phải chỉ riêng con sông Mekong, mà cả khối tài nguyên của toàn lưu vực. Với nguồn thủy điện dồi dào, họ sẽ khai thác tất cả những vùng hầm mỏ khoáng sản để phục vụ cơn khát năng lượng và nguyên liệu của họ.
ĐỂ VIỆT NAM KHÔNG LẶP LẠI THẤT BẠI
Việt Nam, cụ thể là Chính phủ, Ủy ban Mekong Việt Nam cần cấp thiết di chuyển Ủy ban Quốc gia Mekong Việt Nam từ Hà Nội về ĐBSCL để cùng bắt tay hình thành một phân khoa Mekong của Đại học Cần Thơ, giúp phái đoàn Việt Nam có một hồ sơ Mekong mang tính chiến lược nhất quán, có cơ sở pháp lý để từng bước đương đầu với những vấn nạn trong “phát triển không bền vững” lưu vực sông Mekong, trong đó có Lào và đứng sau là Trung Quốc.
Phải thấy rằng, sông Mekong không chỉ là vấn đề song phương giữa hai nước Lào và Việt Nam, mà cốt lõi là một sách lược Việt Nam đối với Trung Quốc trong toàn cảnh địa - chính trị hiện nay: từ Biển Đông tới lưu vực sông Mekong, và còn phải kể tới “đạo quân thứ năm” là tràn ngập những công nhân Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam.
Đại hạn nơi ĐBSCL, rồi thảm họa hủy diệt môi trường sống từ những bướu ung thư như Formosa Vũng Áng, bauxite Tây Nguyên là những vấn đề sinh tồn của cả một dân tộc.
Nhìn thấy được trước mắt là một trận chiến môi sinh không tuyên chiến của Trung Quốc, nhưng thâm hiểm hơn là tiềm ẩn một cuộc “chiến tranh sinh học” với sự đầu độc tích luỹ, từ chén cơm tới tô cá, có thể đưa tới hậu quả biến thể gene, với khả năng làm triệt tiêu sức đề kháng của giống nòi Việt Nam.
Nhìn thấy được trước mắt là một trận chiến môi sinh không tuyên chiến của Trung Quốc, nhưng thâm hiểm hơn là tiềm ẩn một cuộc “chiến tranh sinh học” với sự đầu độc tích luỹ, từ chén cơm tới tô cá, có thể đưa tới hậu quả biến thể gene, với khả năng làm triệt tiêu sức đề kháng của giống nòi Việt Nam.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện (nguyên Trưởng nhóm Tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mekong, chuyên gia độc lập Mekong):
ĐẬP PAK BENG SẼ GIA TĂNG KHÔ HẠN VÀ XÂM NHẬP MẶN Ở ĐBSCL
Pak Beng là đập phía trên nhất của chuỗi 9 đập dòng chính Mekong ở Lào. Về kích thước, đập Pak Beng có chiều dài 943m, chắn ngang toàn bộ dòng sông, chiều cao 76m từ đáy sông đến đỉnh đập, chiều dài dòng sông phía trên đập dùng làm hồ chứa là 130-145km với tổng diện tích 87km2, lưu lượng xả thiết kế 7.250m3/s, dung tích hoạt động 442 triệu m3. Đập này là kiểu đập dâng (run-of-river dam) có chế độ vận hành theo ngày, dự kiến hoạt động khoảng 8-12 giờ/ngày. Tuy nhiên theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược do ICEM thực hiện năm 2010, đối với những năm khô hạn, đập này có khả năng lưu nước đến 1,5 ngày, có nghĩa là đối với những năm khô hạn, chỉ riêng đập này sẽ làm nước chậm về hạ lưu đến 1,5 ngày. Lưu ý thêm, 10 đập còn lại đều có khả năng lưu nước, ít nhất là 3 ngày, nhiều nhất là 18 ngày. Như vậy trong những năm khô hạn, đập Pak Beng cùng với các đập khác sẽ làm nước chậm về ĐBSCL từ một đến vài tháng, gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô ở ĐBSCL.
Trước đây đập Pak Beng được thiết kế có mực nước cao nhất 345m trên mực nước biển, sau đó được điều chỉnh lại còn 340m để tránh gây ngập ở Thái Lan tại Keng-Phadai. Mức nước 340m trên mực nước biển này vẫn cao hơn mức lũ cao nhất lịch sử trong 80 năm là 10m. Điều này có nghĩa nhiều diện tích ven sông trước đây chưa từng bị ngập sẽ bị dìm ngập vĩnh viễn.
BS. Ngô Thế Vinh