Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 4: Thành phố trí thức và sáng tạo

Nhan sắc Đà Lạt nằm ở khung cảnh thiên nhiên và kiến trúc độc đáo. Nhưng điều giúp Đà Lạt ưu trội so với những đô thị khác của miền Nam trước 1975, đó là: sự bình yên như “vô nhiễm” trước những xáo trộn thời loạn để có thể triển khai các chính sách tiếp nối coi trọng văn hóa, tạo nên một thiên đường của trí thức và sáng tạo.
» Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 1: Di sản của khí trời!
» Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 2: Di chỉ của thời gian đã mất
» Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 3: Bản sắc không gian “kiểu Đà Lạt”
Phòng đọc sách Thư viện Viện Đại học Đà Lạt năm 1965 (Ảnh tư liệu)
Đặc khu giáo dục 
“Vườn ươm giáo dục”, “một đặc khu giáo dục” là điều được người Pháp tính toán từ rất sớm, bên cạnh chức năng nghỉ dưỡng. Trường học công và tư ở cấp phổ thông dạy tiếng Việt, Pháp, Hoa… được xây dựng cùng với biệt thự, cơ sở lưu trú cao cấp.  
Trước 1954, có thể liệt kê một số trường công: Trường Trung học Pháp đệ nhị cấp thành lập từ ngày 16.7.1927 (chính thức mang tên Trung học Yersin từ 10.5.1935, gồm hai cơ sở: Grand Lycée và Petit Lycée ), Trường Trung học Việt Nam (thành lập năm 1952), Trường Trung học Bảo Long, Trường Thiếu sinh quân… Trường tiểu học, bổ túc Việt Nam, có: Đa Nghĩa, Đa Thành, Xuân An, Tây Hồ, Đa Phước, trường dành cho nam sinh, nữ sinh Việt Nam… Hệ thống trường tư rất mạnh, nhất là những trường thuộc các tổ chức tôn giáo: Nazareth, Domaine de Marie, Counvent des Oiseaux, Adran, Tuệ Quang, St. Marie, Trung Hoa, Nguyễn Văn Tố… 
Đà Lạt đã manh nha trở thành đặc khu đại học thông qua hai sự kiện: Trường Kiến trúc cuộc Cao đẳng Đông Dương (Hà Nội) được dời vào Đà Lạt năm 1944 (đến 1950 thì chuyển xuống Sài Gòn) và đến năm 1950, Trường Sĩ quan Việt Nam, đóng tại An Cựu (Huế) chuyển lên Đà Lạt dưới tên gọi Võ bị Liên quân Đà Lạt (1959, trường đổi tên chính thức thành Trường Võ bị Quốc gia Việt Nam). Đại học Chiến tranh Chính trị thành lập năm 1967. 
Nhưng một đặc khu đại học chính thức hình thành từ cuối thập niên 1950; được “dự báo” chỉ bằng một câu rất ngắn, nhưng đầy xác quyết, ghi trong Địa chí Đà Lạt 1953 của Tòa thị chính: “Đà Lạt phải là trung tâm đại học của Việt Nam”. 
Với sự ra đời của Viện Đại học Đà Lạt vào năm 1958, Viện Đại học Đà Lạt như một mô hình tổ chức giáo dục tư nhân (thuộc Hội Đại học Đà Lạt, do các vị Giám mục đứng tên), đi vào hoạt động từ niên khóa 1957-1958. Năm năm sau, đây là nơi hoàn thiện về các chương trình, quy chế, chuyên ngành giáo dục và trở thành một đại học uy tín. Sinh viên viện đại học này có thể liên thông với chương trình các đại học, viện đại học khác trong nước dễ dàng, cử nhân sư phạm Viện Đại học Đà Lạt có thể được nhận dạy các trường uy tín trong và ngoài nước.  
Một trung tâm giáo dục nghiên cứu khác rất uy tín đương thời cũng ra đời: Giáo hoàng Học viện thánh Piô X (thành lập 1957, nằm trong Viện Đại học Đà Lạt, đến 1964 thì có cơ sở riêng). Đây là cái nôi đào tạo thần học, triết học lớn của châu Á, thu hút nhiều học giả quốc tế đến nghiên cứu. 
Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học cũng phát triển, thu hút nhiều nhân tài cả nước, sau du học chọn làm việc: Viện Pasteur (thành lập 1936), Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam tại Đà Lạt (thành lập 1955)(1), Trung tâm nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt (xây dựng: 1961, vận hành: 1963). 
Cùng với sự lớn mạnh uy tín của hệ thống đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu, thì nhiều trường phổ thông của người Việt là nơi lý tưởng, khai phóng để những gia đình khá giả miền Nam, kể cả trong khu vực Đông Nam Á gửi con em đến học, như: Việt Anh, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân, Văn học, Bồ Đề, Minh Đức, bán công Quang Trung. Trường hướng nghiệp: Trung tâm sư phạm Hùng Vương, Franciscaines, Lassan Dalat… 
Như một đặc khu giáo dục, Đà Lạt từng là đô thị của những tàng thư đồ sộ. Năm 1971, thư viện thành phố Đà Lạt có 25.000 cuốn sách, thư viện Viện Đại học Đà Lạt có 20.000 cuốn, thư viện Giáo hoàng học viện có 35.000 cuốn, thư viện Abraham Lincoln có 7.909 cuốn, thư viện Trường Võ bị có 36.169 cuốn. Sách đa ngôn ngữ, đa dạng lĩnh vực chuyên ngành đến phổ thông(2). Ngoài ra, nguồn báo chí trao đổi học thuật, thông tin mở rộng liên thông với thế giới Sài Gòn và quốc tế. Ngoài ra, từ 1963, chi nhánh Văn khố Quốc gia Đà Lạt được thành lập, lưu giữ, bảo tồn nhiều tài liệu châu bản, mộc bản nhà Nguyễn vô cùng quý giá phục vụ nghiên cứu và bảo tồn di sản ngôn ngữ tiền nhân. 
Năm 1954, Đà Lạt có tờ tuần báo riêng lấy tên Đà Lạt (nhà in Lâm Viên in ấn). Trước đó, cuối thập niên 1940, nhà thơ, ký giả Nguyễn Vỹ từng chủ biên 3 tờ báo đặt tòa soạn ở Đà Lạt: Dân-chủ, Dân ta và những số đầu của tờ Phổ-thông (tòa soạn đặt ở số 2, Khải Định trước khi dời về Sài Gòn). 
Thiên đường sáng tạo 
Đà Lạt từng là đất để nhiều nghệ sĩ tìm đến mạch nguồn sáng tạo. Trong khoảng hơn 20 năm, từ 1954-1975, có nhiều nhân vật tên tuổi đã chọn Đà Lạt làm nơi ẩn dật và sáng tạo. Năm 1955-1958, Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam đến Đà Lạt hưởng nhàn, sưu tập, nuôi lan sau những thất bại trên con đường chính trị. Ngoài để lại một bảng danh mục hoa lan thì thời gian nhàn dật ở Đà Lạt, Đa Mê (Phi Nôm), ông viết được (dù còn dang dở) cuốn trường thiên tiểu thuyết có tựa Xóm Cầu Mới.  
Đầu thập niên 1960, không khí văn nghệ Đà Lạt sôi động với nhóm Trịnh Cung, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn(3), những chàng trai tuổi hai mươi yêu tự do và nuôi bầu nhiệt huyết sáng tạo. Họ thuê một căn phòng trên đường Hoa Hồng (nay là Huỳnh Thúc Kháng làm studio, vẽ tranh). Họa sĩ Đinh Cường có cuộc triển lãm tháng 12/1965 tại Alliance Francaise de Dalat gây tiếng vang.  
Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Hoàng Anh Tuấn, Vũ Khắc Khoan, Đỗ Long Vân, Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh,... và nhiều trí thức nghệ sĩ hàng đầu miền Nam cũng từng chọn Đà Lạt làm nơi dạy học, sáng tác, nghiên cứu.  
Trong âm nhạc, môi trường phòng trà tuy ít, nhưng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật cao của công chúng trí thức đã sinh ra một Khánh Ly (hát ở Night Club), Kim Vui (hát ở cà phê Kivini) hay đôi uyên ương Lê Uyên-Phương hát ở lữ quán, đại học và tự mở quán cà phê Lục Huyền Cầm để giao lưu văn nghệ, sáng tác và hát nhạc của mình.  
Nhiều tên tuổi lớn trong âm nhạc, từ Hoàng Nguyên, Hồng Vân, Minh Kỳ-Dạ Cầm, Nguyễn Ánh 9, Đức Huy… ít nhiều có gắn bó với Đà Lạt, để lại nhiều ca khúc bất tử viết về thành phố này. Rồi cũng từ môi trường văn nghệ cởi mở, trí thức đã xuất hiện một vài tên tuổi cho tân nhạc Việt Nam. Bước ra từ Đài Phát thanh Đà Lạt một thời, Sỹ Phú, Từ Công Phụng, Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc nhanh chóng gây được sự chú ý ở Sài Gòn hoa lệ. 
Nhìn lại để thấy, không gian một đô thị tri thức đã thúc đẩy bầu khí văn hóa, thu hút giới tinh hoa tìm đến và để lại nhiều giá trị sáng tạo. Đó là một nguồn di sản lớn của ngày hôm qua, làm nên đời sống nhân văn Đà Lạt.  
Thế còn ở thời quá khứ gần, hôm nay và tương lai, thì sao? 
Nguyễn Vĩnh Nguyên 
Theo Báo Lâm Đồng
 (1) Tiền thân là Sở Địa dư Đông Dương do chính quyền thuộc địa Pháp thiết lập tại Hà Nội vào tháng 7 năm 1899; dời vào Gia Định năm 1940; chuyển đến Đà Lạt năm 1944, nhưng ngày 20/4/1955 mới chính thức mang tên Nha Địa dư Quốc gia Việt Nam. 
(2) Theo tập san Đà Lạt Văn hóa do Nguyễn Bảo Trị chủ trương và tham vấn, một nhóm bạn trẻ J.U.C - Y.C.S Dalat thu thập tư liệu thực hiện vào mùa hè năm 1970, có tái bản vào năm 1974. 
(3) Trịnh Công Sơn thời kỳ 1961 đến 1965 dạy học ở Bảo Lộc; thường xuyên lên Đà Lạt gặp gỡ bạn bè vào mỗi cuối tuần. Nhiều tình ca ra đời trong thời gian này. Tư liệu ghi chép khá rõ trong cuốn Thư tình gửi một người (Trịnh Công Sơn, NXB Trẻ, 2011). 
Đón đọc kỳ tới: Nếp sống và ký ức cộng đồng
» Đi tìm di sản Đà Lạt - Kỳ 3: Bản sắc không gian “kiểu Đà Lạt”