NVTPHCM- Người ra đi nhưng đã làm cho cả dân tộc xích lại gần nhau và nâng cao tính tự tôn. Chỉ có bậc Thánh Nhân mới có thể làm được điều đó…
Từ xưa, người ta đã nói chỉ có bậc Thánh Nhân mới có thể cảm hóa được mọi người.
Trong chiết tự chữ Thánh thì trên chữ Vương là "vua" là chữ "nhĩ" và chữ "khẩu" - nghĩa là Thánh còn hơn cả vua là biết nghe và có lời nói để dân theo. Xưa nay, vua thì nhiều lắm nhưng có mấy ai được nhân dân tôn là "Thánh".
Ngày nay lãnh đạo thì cũng có nhiều, nhưng lãnh tụ thì xem ra ngày càng hiếm và bậc Thánh Nhân thì lại càng ít.
Trong lịch sử, đã có nhiều sự ra đi của một cá nhân mà tác động đến cả xã hội.
Nhưng những người mà sự ra đi làm cho cả dân tộc xích lại gần nhau, làm cho mỗi người đều cảm thấy rằng mình cần phải sống tử tế hơn để không làm buồn lòng người đã mất, thì lịch sử cận đại Việt Nam chỉ có hai người là Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong những ngày này ở Hà Nội, dòng người tưởng như bất tận lặng lẽ chờ đợi đến lượt vào viếng Đại tướng.
Để được bái biệt Đại tướng, nhiều người đã đi từ 2, 3 giờ sáng, nhiều người đứng hàng tiếng đồng hồ dưới cái nắng gay gắt... Đến tiễn biệt Đại tướng, có từ các cháu chưa đến tuổi cắp sách tới trường tới các cụ già sắp gần đất xa trời.
Các đội viên thanh niên tình nguyện đưa từng cốc nước cho các cụ, các ông, các bà, rồi đi phát mũ tai bèo, quạt giấy cho mọi người; mang bánh mỳ đến đãi bà con. Và một cảnh tượng thật kỳ lạ, ấy là những người đã viếng Đại tướng xong, khi quay ra, thì để lại chiếc quạt cho người sau che nắng...
Dòng người đến viếng Đại tướng mà không ai bảo ai, không phải có vận động, chỉ định đi viếng... Mọi người đến viếng Đại tướng bằng tất cả tấm lòng kính yêu của mình.
Dòng người viếng Đại tướng không chen lấn, xô đẩy, không ồn ào…
Quả thực đây là cảnh tượng rất hiếm có ở Hà Nội, đặc biệt là từ khi chúng ta bắt đầu công cuộc đổi mới nền kinh tế, xây dựng đất nước.
Bao nhiêu năm qua, người Hà Nội có thói quen rất xấu là chen lấn, xô đẩy, coi nhờn luật pháp… Cái nếp rất xấu này có từ thời bao cấp, và "di chứng" của nó vẫn còn đến bây giờ, căn bệnh "chen lấn" này xem ra lại ngày càng trầm trọng.
Tiếng là "người Hà Nội thanh lịch" nhưng rõ ràng trật tự giao thông của Hà Nội xếp vào loại kém nhất cả nước, trật tự đô thị cũng vào nhóm bét nhất nước, thanh thiếu niên chửi càn, chửi bậy, hỗn láo có lẽ cũng nhiều nhất cả nước...
Người ta cứ nói Hà Nội thanh lịch, nhưng điều đó đã là xa vời lắm rồi. Buồn thế đấy!
Ấy vậy mà từ hôm Đại tướng mất, trật tự giao thông ở Hà Nội bỗng nhiên tốt hơn hẳn: Số vụ tai nạn giao thông giảm đến 2/3, các vụ việc liên quan đến trật tự an toàn xã hội và phạm pháp hình sự cũng giảm đáng kể.
Người ta nhận thấy rằng, bỗng dưng người Hà Nội lại tử tế hơn, điềm tĩnh hơn.
Thế mới biết, sức cảm hóa của Đại tướng to lớn đến nhường nào.
Mấy năm nay, sức khỏe Đại tướng yếu dần theo quy luật Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Biết Đại tướng yếu, và cứ mỗi dịp đến ngày lễ, khi nhắc đến Đại tướng, ai cũng cầu mong cho Đại tướng sống lâu muôn tuổi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi thiền
Nhiều năm nay, Đại tướng vẫn là chỗ dựa tinh thần cho quân và dân ta.
Đại tướng mất, nước nhà mất đi một cây cột cái, còn lực lượng vũ trang mất đi người Anh Cả.
Từ lâu nay, chúng ta luôn nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Người Cha của các lực lượng vũ trang", còn Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là "người Anh Cả". Cha ông ta có câu rằng "Làm anh khó lắm ai ơi". Bây giờ càng ngẫm, càng thấy sao mà đúng thế và Đại tướng đúng là người Anh Cả.
Với một cá nhân, có lẽ chỉ khi người đó về cõi vĩnh hằng mới đánh giá được một cách chính xác nhất công lao, đức độ và tầm ảnh hưởng của một cá nhân đối với dân tộc.
Có rất nhiều người giỏi, có những đóng góp to lớn cho đất nước, cho dân tộc, nhưng họ chỉ là những nhà lãnh đạo giỏi, chứ không phải là lãnh tụ, và càng không được người dân phong Thánh trong lòng mình.
Người dân thể hiện lòng kính yêu Đại tướng không chỉ là kính yêu một con người vĩ đại, có tài năng thiên bẩm, có công lao to lớn đối với đất nước, dân tộc, mà vượt lên tất cả là kính yêu một nhân cách lớn và một con người có đức độ hiếm có.
Trong những ngày này, nhiều tờ báo cũng đã nói về một số năm tháng Đại tướng không được như ý, đặc biệt là giai đoạn Đại tướng được phân công phụ trách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình. Thời ấy, cũng đã có câu vè chua chát về việc này.
Ngày ấy, tôi là người lính, nhưng không thể hiểu nổi tại sao một vị Đại tướng cầm quân tên tuổi lẫy lừng khắp năm châu và ở đâu cũng nói đến cụm từ "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp" nay lại phải đi làm một công việc mà không thể nói rằng xứng với một Đại tướng.
Nói công việc ấy "tầm thường" thì cũng chẳng phải, nhưng giao công việc ấy cho một Đại tướng thì thật là "xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"?
Xưa có câu "điểu tận cung tàng" nghĩa là chim hết thì cung bị xếp xó, và vận vào công việc mới của Đại tướng ngày ấy mới thấy đúng làm sao. Vậy mà, Đại tướng vẫn lao vào công việc với tất cả trách nhiệm của mình. Trong tâm niệm của Đại tướng luôn luôn có lời dạy của Bác Hồ: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…" và phải biết "Dĩ công vi thượng". Ngày xưa, khi cầm quân đánh giặc, Đại tướng đã theo lời dạy này và bây giờ khi sang một công việc không liên quan gì đến binh nghiệp nữa, Đại tướng vẫn thực hiện theo đúng lời dạy của Bác.
Lại nữa, vào năm 1984, khi Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chẳng hiểu vì lý do gì mà người ta không mời Đại tướng lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm. Đại tướng phải lên thăm lại chiến trường xưa và bà con Tây Bắc với tư cách cá nhân. Rồi trong các hội thảo tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên, người ta còn "ngại" không dám nói về vai trò của Đại tướng...
Có một thời kỳ, khu vườn ở 30 Hoàng Diệu nom như vườn hoang, với lá cây rụng đầy, ít người quét dọn và những bức tường cỏ mọc rêu phong.
Không thể nói rằng những năm tháng đó đối với Đại tướng là "thoải mái", và càng không thể nói rằng công việc mới mà Đại tướng được giao là vừa ý đối với Người... Nhưng tuyệt nhiên không có nửa lời bất đắc chí, không có một lời than thân, trách phận, không có nửa lời trách cứ... Thế mới biết, sức chịu đựng của Đại tướng thật phi thường và đúng là chỉ có bậc Thánh Nhân mới chịu được như thế.
Trong những năm tháng ấy, Đại tướng đã tập Thiền. Nhưng nếu như ai đó tập tu Thiền để trốn tránh sự đời, thì Đại tướng tập Thiền là để giữ cho tâm tỉnh táo, tập trung, nhìn thế giới hiện hữu rõ ràng và trau dồi tấm lòng nhân đạo, biết mình là ai và ở đâu.
Trong bối cảnh kinh tế nước nhà đang có những khó khăn, lòng dân đang ly tán, niềm tin của người dân vào Đảng giảm sút, những nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng đã được nhìn nhận... Nhưng người dân vẫn đoàn kết một lòng xung quanh Đại tướng.
Người ra đi nhưng đã làm cho cả dân tộc xích lại gần nhau và nâng cao tính tự tôn.
Chỉ có bậc Thánh nhân mới có thể làm được điều đó.
Nhiều năm nay, Đảng ta đã mở cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cuộc vận động đã có những tác động tích cực, dù còn rất khiêm tốn vào xã hội.
Và bây giờ chúng ta đã thấy sức cảm hóa của Đại tướng lớn đến chừng nào, tài năng và đức độ của Đại tướng vĩ đại đến như vậy.
Nên chăng, phải thêm vào là "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp"?!
NGUYỄN NHƯ PHONG
PETROTIMES
Thời gian ‘chịu đựng’ của Tướng Giáp
Tại Việt Nam sau vài ngày có nhiều bài tập trung vào các chiến tích quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013), nay bắt đầu có các bài viết trên báo chí nói về giai đoạn ông bị thất sủng.
Trên trang PetroTimes, bài mới nhất của Đại tá nhà báo Nguyễn Như Phong thuộc ngành công an nói về “một số năm tháng Đại tướng không được như ý, đặc biệt là giai đoạn Đại tướng được phân công phụ trách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình."
Tác giả nhắc lại rằng "thời ấy, cũng đã có câu vè chua chát về việc này”.
Đại tá Phong còn bình luận:
“Xưa có câu ‘điểu tận cung tàng’ nghĩa là chim hết thì cung bị xếp xó, và vận vào công việc mới của Đại tướng ngày ấy mới thấy đúng làm sao”.
“Lại nữa, vào năm 1984, khi Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chẳng hiểu vì lý do gì mà người ta không mời Đại tướng lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm,”
“Đại tướng phải lên thăm lại chiến trường xưa và bà con Tây Bắc với tư cách cá nhân. Rồi trong các hội thảo tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên, người ta còn "ngại" không dám nói về vai trò của Đại tướng...”
Nhà báo Nguyễn Như Phong cũng nhắc lại rằng “có một thời kỳ, khu vườn ở 30 Hoàng Diệu nom như vườn hoang, với lá cây rụng đầy, ít người quét dọn và những bức tường cỏ mọc rêu phong”.
Một giai đoạn khác
Các nhà nghiên cứu bên ngoài đã viết nhiều về thời gian quan điểm của Tướng Giáp không được các lãnh đạo toàn quyền như Tổng Bí thư Lê Duẩn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Đức Thọ chấp nhận.
Nhưng tại Việt Nam, các bài viết chính thống vẫn chỉ nhằm nêu bật các điểm son trong sự nghiệp của ông Giáp.
Nay, một số cây viết bắt đầu nhắc đến những giai đoạn này.
Chẳng hạn, từ tháng 1 năm 1980, Tướng Giáp không còn làm Bộ trưởng Quốc phòng dù vẫn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh mô tả tâm lý người dân quê Tướng Giáp giai đoạn này trên trang giaoduc.net:
“Ngày ông không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, người Quảng Bình buồn, có người lặn lội ra Hà Nội gặp ông để hỏi cho ra mọi nhẽ “Vì sao Bác lại bị thôi chức?” “Vì sao Bác nghỉ” – “Vì sao Bác không có ý kiến?”. Đó là sự thật.”
“ Và ông mỉm cười hiền từ: "Mình vẫn đang làm việc cho cách mạng đấy chứ. Bác Hồ nói, Dĩ công vi thượng”.
Nhưng các cây bút này cũng nhấn mạnh về tính chịu đựng cao của vị tướng có chiến công lừng lẫy.
Ông Nguyễn Như Phong viết:
“Không thể nói rằng những năm tháng đó đối với Đại tướng là "thoải mái", và càng không thể nói rằng công việc mới mà Đại tướng được giao là vừa ý đối với Người...
“Nhưng tuyệt nhiên không có nửa lời bất đắc chí, không có một lời than thân, trách phận, không có nửa lời trách cứ... Thế mới biết, sức chịu đựng của Đại tướng thật phi thường và đúng là chỉ có bậc Thánh nhân mới chịu được như thế.”
Còn ông Nguyễn Quang Vinh chi sẻ cái nhìn từ góc độ một người Quảng Bình:
“Để làm được thế, như ông, có một chữ NHẪN, nhẫn mà không hạ mình, nhẫn mà không hèn, nhẫn không cho cá nhân mình mà cho cả giang sơn.”
Dù đa số các bài báo vẫn tiếp tục ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dùng cả từ 'Người' chữ viết Hoa vốn thường dùng cho cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số bài báo cũng nhắc đến các chi tiết 'thật' hơn về Tướng Giáp.
Chẳng hạn như chuyện ông không có tài diễn thuyết như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Lê Trọng Tấn hay ăn nói hấp dẫn kiểu bình dân như Thượng tướng Đinh Đức Thiện.
Bài của tác giả Đỗ Tuyết, cũng trên giaoduc.net có viết:
"Viết đến đây, tôi lại nhớ chuyện vài người viết rằng Cụ không phải người hùng biện. Cụ có thể nói rất sắc sảo, khi cần. Nhưng Cụ đâu có cần thành người hùng biện,"
"Các vị Đại Tướng thực thụ trong lịch sử ít khi giỏi khoa hùng biện. Họ nhường cho người khác cái tài này."
Riêng về giai đoạn gây ra bàn tán trong sự nghiệp của Tướng Giáp là làm Phó Thủ tướng kiêm phụ trách mảng dân số, kế hoạch hóa gia đình, báo Lao Động có đăng bài kể lại lời người thư ký của ông, Đại tá Nguyễn Văn Huyên như sau:
"Sự thực là thế này, thời đó Thủ tướng Chính phủ là anh Phạm Văn Đồng. Trong một buổi họp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt vấn đề 'Trước đây tôi kiêm phụ trách mảng Dân số, kế hoạch hóa gia đình, nay anh Văn phụ trách mảng khoa học kỹ thuật, thì có lẽ anh Văn phụ trách luôn về Dân số - kế hoạch hóa gia đình?'.
“Tất cả chỉ có thế, không có bất kỳ quyết định nào về việc này, không có phân công công tác... Tôi cũng biết sau đó dân đồn um lên, đàm tiếu, chê trách này kia… Tôi nghĩ anh Văn cũng nghe được dù không thấy anh nói gì với tôi,” theo Đại tá Huyên kể lại.
Chữ 'Nhẫn'
Cũng trong ngày 10/10, Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho đăng bài “Chữ nhẫn của đại tướng” của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Ông Doanh nhắc lại những thăng trầm trong đời Tướng Giáp.
“ Trong chiến dịch Quảng Trị 1972, ý kiến của ông về chiến lược và chiến thuật bị bác bỏ. Tổn thất to lớn trong chiến dịch Quảng Trị là một bài học đau xót.”
“Năm 1982, ông được cử làm Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật và Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình, những lĩnh vực rất xa lạ với cuộc đời binh nghiệp của ông.”
Tác giả nói tiếp: “Nhưng, việc nào ông cũng làm một cách rất nghiêm túc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Những đóng góp của ông về chính sách khoa học - công nghệ được tất cả nhà khoa học ghi nhận.”
Tiến sĩ Doanh cũng thừa nhận: “Ông đã trải qua nhiều thử thách vô cùng khó khăn, bất ngờ.”
“Trong tất cả những trường hợp đó, ông luôn thể hiện thái độ rất bình tĩnh, tự tin, gương mẫu thực hiện đúng kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của dân tộc và đất nước lên trên hết.”
“Trong suốt thời gian dài được biết ông, làm việc, trao đổi về rất nhiều lĩnh vực, tôi chưa bao giờ nghe ông than phiền một lời nào về anh A, anh B hay về cách đối xử đối với cá nhân mình.”