Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Biện pháp chống dịch kiểu mới để ứng phó với biến chủng Delta

 

Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, ngành y tế cần thay đổi phương án cách ly, xét nghiệm và tập trung điều trị tại tầng thấp nhằm hạn chế tỷ lệ F0 tử vong tại cộng đồng.

Chiều 14/9, trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và tổ công tác đặc biệt, PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc y khoa Trung tâm hồi sức tích cực tại Bình Dương, chia sẻ một số giải pháp trong điều trị người bệnh Covid-19, góp phần giảm áp lực cho bệnh viện tầng 3 và tỷ lệ F0 tử vong.

PGS Nguyễn Lân Hiếu được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch và xây dựng hệ thống điều trị Covid-19. Đây là tỉnh đứng thứ 2 về số lượng ca nhiễm song công tác cách ly, điều trị F0 đạt nhiều thành tựu, số ca công bố khỏi bệnh nhiều hơn số lượng nhập viện.

Giải pháp giảm tỷ lệ F0 tử vong

Trình bày với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và tổ công tác đặc biệt, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất trong công tác điều trị Covid-19 hiện nay là giảm nguy cơ tử vong.

“Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải thay đổi cách chống dịch, tập trung vào gốc rễ của nguyên nhân gây tử vong”, PGS Hiếu nhận định.

Giai phap giam ty le F0 tu vong anh 1

PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: BSCC.

Ông đánh giá trước đây, ngành y tế triển khai cách ly tập trung với mục đích chính là giảm tỷ lệ F0 tử vong tại cộng đồng và hạn chế lây nhiễm. Hiện nay, tỷ lệ vong đang dần giảm bởi số lượng bệnh nhân ngày càng ít và người dân đã được tiêm vaccine phòng bệnh.

“Trong chiến dịch tiếp theo, ngành y tế cần thay đổi và triển khai cách ly tập trung, không phải trong khu cách ly mà là trong bệnh viện. Các khu cách ly sẽ giải tán và nơi nào đủ điều kiện sẽ trở thành bệnh viện tầng 1, tập trung thêm y bác sĩ và thuốc men, trang thiết bị, oxy. Người bệnh có triệu chứng, có yếu tố nguy cơ sẽ được điều trị sớm và tích cực”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Các trường hợp được cách ly tại nhà bao gồm F0 không triệu chứng, đã tiêm vaccine và người bệnh không có yếu tố nguy cơ.

Về vấn đề xét nghiệm, ông cho rằng vấn đề lượng người nhiễm không đáng quan ngại bằng tỷ lệ dương tính. Nếu tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm tại cộng đồng ở mức trên 1%, đây là tỷ lệ nguy hiểm. Lúc này, điều quan trọng nhất là phải lập tức khoanh vùng, đưa bác sĩ và điều dưỡng đến để kịp thời theo dõi.

Đặc biệt, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lo lắng việc người dân tại vùng xanh nếu lơ là, tình hình sẽ phức tạp khi xuất hiện ca nhiễm. Ngoài ra, trong các đợt xét nghiệm cộng đồng, ngành y tế không nên lựa chọn phương pháp sàng lọc tất cả người dân mà cần có chọn lọc.

Bên trong phòng hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bình Dương. Ảnh từ camera theo dõi tại bệnh viện.
Giai phap giam ty le F0 tu vong anh 2

Bên trong phòng hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bình Dương. Ảnh từ camera theo dõi tại bệnh viện.

“Lựa chọn người đại diện trong gia đình, trong khu vực để test, mỗi ngày chỉ cần test 2-3 người để phân tích. Nếu tỷ lệ dương tính dưới 1% trên tổng số ca nhiễm thì xử lý như bình thường. Nếu trên 1% coi như vùng nguy hiểm, lập tức tổ chức xét nghiệm diện rộng, đưa người có nguy cơ đi điều trị”, ông nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhận định hiện nay, nước ta có quá nhiều khu cách ly. Điều này không thật sự cần thiết cùng với số lượng nhân viên y tế hạn chế, ngành y tế càng không đủ sức để xây dựng thêm bệnh viện tầng 1. Chiến lược tốt nhất hiện nay là chuẩn bị các túi thuốc và cho F0 sử dụng thuốc càng sớm càng tốt.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ mong muốn Chính phủ cần có hướng dẫn trên diện rộng về cách ly tại nhà cho các địa phương. Ông cũng hy vọng Chính phủ ủng hộ phương án này và truyền thông để người dân hiểu tầm quan trọng của việc cách ly tại nhà.

Trong tình huống người bệnh xuất hiện triệu chứng hoặc có dấu hiệu nặng, nhân viên y tế tại các trạm y tế lưu động tại địa phương cần sẵn sàng hỗ trợ.

“Ngay từ bây giờ, chúng ta phải phân bao nhiêu bệnh viện dã chiến ở từng phường, ví vụ bệnh dã chiến số 1 phụ trách 4 phường, bệnh viện dã chiến số 2 phụ trách 5 phường... để những trạm y tế lưu động về từng địa phương, phụ trách theo dõi và sẽ điều trị cho những người yếu tố nguy cơ. Chúng ta triển khai như vậy sẽ không có ca tử vong tại cộng đồng, giảm được nguồn lực khi thực hiện cách ly tập trung”, PGS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Không bỏ quên vùng xanh

Về điều trị, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết thuốc điều trị Covid-19 hiện tại rất thiếu, đặc biệt là thuốc chống đông, kháng viêm. Để đảm bảo điều trị tốt nhất cho người bệnh, các y bác sĩ phải tính toán, cân nhắc từng mũi tiêm, ống thuốc.

Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong giảm phần lớn dựa vào việc sử dụng sớm thuốc kháng viêm, đặc biệt với những ca bệnh nặng, trẻ tuổi và xuất hiện cơn bão cytokine.

Sau khi nghe đề xuất của PGS Nguyễn Lân Hiếu về giải pháp tại vùng xanh, Phó thủ tướng cho biết điều khiến ông lo lắng chính là việc tập trung nhiều vào vùng đỏ và “bỏ quên” bảo vệ vùng xanh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Hiếu cho rằng biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, do đó, không thể lấy địa giới địa phương để ứng phó.

Vì vậy, Phó thủ tướng nhấn mạnh đây chính là chìa khóa trong phòng, chống dịch. Do đó, việc quản lý, phòng ngừa lây nhiễm có thể thực hiện tính toán theo từng đơn vị nhỏ nhất có thể như khu phố, thôn, tổ dân phố và cụm dân cư.

Nếu làm được điều này, chúng ta mới có thể sống chung với Covid-19 một cách linh hoạt.

Hàng trăm người dân phường Tân Bình, TP Dĩ An, đến xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.
Giai phap giam ty le F0 tu vong anh 3

Hàng trăm người dân phường Tân Bình, TP Dĩ An, đến xếp hàng chờ tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Lân Hiếu trăn trở về nguồn nhân lực chống dịch tại địa phương. Hiện tại, lực lượng y bác sĩ tại Bình Dương đang tập trung ở bệnh viện tầng 1 và tầng 2. Tại bệnh viện tầng 3, số lượng bác sĩ, điều dưỡng tại Bình Dương tham gia điều trị chỉ chiếm khoảng 10%. Điều cần thiết là dần đào tạo lực lượng điều trị có chuyên môn để thay thế tầng 3.

“Chúng tôi rất lo nếu chúng tôi rút đi, công tác điều trị sẽ ra sao? Trong khi đó, chiến lược điều trị luôn là mảng cuối cùng, không phải khi thông báo kiểm soát dịch được thì mọi công tác hoàn tất. Việc điều trị có thể kéo dài sau đó một tháng, lúc này bệnh nhân mới dần ra viện, hoặc thậm chí là tử vong”, PGS Hiếu nói.

Thông tin với Tổ công tác đặc biệt, ông cho biết tổng cộng nhân lực tăng cường tại Bình Dương hiện nay khoảng 2.000 người. Trong đó, nhiều đoàn tham gia hỗ trợ rất lâu, điển hình là Phú Thọ (hơn 3 tháng), Đại học Y Hà Nội (2 tháng). Thậm chí, nhiều đoàn nhân viên y tế đã đến lịch về nhưng vẫn xin ở lại. “Chúng ta cứ trông chờ vào lực lượng hỗ trợ là không thể, nhất là khi lực lượng rút quân”, ông lo ngại.

Vấn đề cuối cùng trong cuộc trao đổi với Phó thủ tướng, PGS Lân Hiếu cho rằng Trung ương cần có chính sách rõ ràng cho người tham gia chống dịch. Vừa qua, tỉnh Bình Dương khởi động phong trào đưa F0 khỏi bệnh đi hỗ trợ điều trị, điều này rất tốt. Tuy nhiên, những người này cần có cơ chế trợ cấp, bảo hiểm xã hội… Nhân viên y tế, những người đi chống dịch cũng cần có thêm chế độ phù hợp.