Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Những bài học cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc để có thể phòng chống dịch

 

Chống dịch không chỉ dựa vào ý chí chính trị mà đòi hỏi khoa học, chiến lược phân bổ nhân lực... Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.

Hẹn trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam tại tổng hành dinh Học viện Quân y trên phố Phùng Hưng (Hà Đông, Hà Nội), cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại, những tin nhắn.

Các nhà báo có thể hỏi thoải mái nhưng tôi buộc phải để chuông điện thoại vì vừa phải chỉ đạo anh em trong đó qua mạng thông tin liên lạc của học viện, vừa trông ngóng từng phút từng giờ thông tin từ Hội đồng Đạo đức về việc đã chấp thuận vacxin Nano Covax đến đâu.

Đấy còn chưa kể thỉnh thoảng cũng phải lướt qua Facebook để check thông tin từ các nhà hảo tâm mà Thiếu tướng bằng tư cách cá nhân đang kêu gọi hỗ trợ cho y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

“Lãnh đạo Học viện cũng vừa mới từ Thành phố Hồ Chí Minh ra, phải vào trong đó, tận mắt chứng kiến tình hình thực tế trong đó mới thấy hết khó khăn, cấp bách và đòi hỏi chúng ta phải có những quyết sách khẩn trương, hành động khẩn trương”, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng mở đầu cuộc đối thoại.

Thưa Thiếu tướng, trước tình thế vô cùng cấp bách, việc đưa lực lượng quân đội vào Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên phía trước vẫn còn những cam go, thách thức, như tinh thần Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã nói: Đây là trận chiến, không thắng không về. Thiếu tướng phân tích ý nghĩa và mục tiêu của việc đưa quân đội vào thành phố là gì?

Có thể khẳng định việc điều động quân đội vào Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm này đã bước đầu đạt được những hiệu quả cả về mặt chính trị, mặt chuyên môn và xã hội.

Chúng ta điều biết, tình hình ở thành phố trước khi có quân đội vào đã trải qua một thời gian chống dịch dài ngày, cường độ cao nên gặp rất nhiều khó khăn cả về nhân lực và vật lực. Tỷ lệ bệnh nhân tăng chóng mặt, hệ thống y tế quá tải, lực lượng y tế đuối sức, không đủ lực lượng để ứng cứu, đáp ứng yêu cầu khi người dân có các dấu hiệu nhiễm bệnh gọi điện thoại đến các số điện thoại cấp cứu và hỗ trợ, rồi khó khăn trong vận chuyển bệnh nhân, cung ứng lương thực thực phẩm...

Đưa bộ đội vào thành phố, thứ nhất, đã giúp chính quyền, người dân vững tin, yên tâm hơn, tuân thủ hơn. Ở đâu có thông tin cần hỗ trợ thì bộ đội có mặt ở đó kịp thời, tham gia vào tất cả các khâu để hỗ trợ chính quyền, lực lượng chống dịch và hỗ trợ người dân.

Thứ hai, bộ đội vào thành phố đúng thời điểm lực lượng y tế cơ sở ở thành phố gần như đã đuối sức do dịch bệnh kéo dài, số lượng người nhiễm bệnh quá lớn. Ngoài ra, do chú trọng phát triển mạnh các cơ sở y tế chuyên sâu, những năm vừa qua y tế cơ sở đảm nhận công tác dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu ít được quan tâm, đào tạo nên bị dường như bị “teo” đi, gặp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã không thể đáp ứng nổi.

Bộ đội vào đã tạo ra nguồn năng lượng mới rất kịp thời để hỗ trợ họ. Bằng lực lượng sung sức, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản đã góp phần giảm tải cho lực lượng chống dịch, giảm tải cho các  bệnh viện, F0 được sàng lọc, hỗ trợ điều trị và kiểm soát tốt ngay tại nhà.

Thứ ba, giữa bối cảnh năng lực xét nghiệm của thành phố không đáp ứng được khi chủ trương mở rộng xét nghiệm, bộ đội vào đã góp phần hỗ trợ thực hiện xét nghiệm toàn thành phố, xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến... Điều đó đã góp phần giúp tiên lượng tình hình dịch bệnh và thực tế có chiều hướng tốt lên. Người dân thấy rằng, trong lúc nguy khốn nhất thì quân đội có mặt để hỗ trợ tận nơi, động viên, tư vấn trực tiếp, cùng với nhân dân chống dịch. Có thể nói đó là sự điều động hỗ trợ hiệu quả, kịp thời, đúng thời điểm cần thiết và góp phần thay đổi tình hình. Cục diện chống dịch đã đi theo chiều hướng tốt hơn.

Với tinh thần đây là trận chiến và buộc phải thắng, bởi nếu kéo dài sẽ nhiều hệ luỵ phức tạp có thể xảy ra, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tất nhiên không ai dám chắc chắn điều gì, nhưng theo tôi nếu áp dụng triệt để thì khoảng 15/9 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ổn. Tất nhiên là chưa thể trở lại bình thường ngay mà có thể kiểm soát được và nới dần.

Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh thì Bình Dương, Long An, Đồng Nai...và một số tỉnh khác cũng cần phải áp dụng các biện pháp triệt để, nếu không có thể gây ra các hệ luỵ xấu về kinh tế, xã hội.

Chỉ mới vừa trở về từ các ổ dịch Bắc Ninh, Bắc Giang thì gần như ngay lập tức Học viện Quân y đã chi viện hơn 1.800 quân cùng với vật lực hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, tinh thần lên đường của cán bộ chiến sĩ là gì, thưa Thiếu tướng?

Đúng là rất nhiều anh em mới vừa từ Bắc Giang, Bắc Ninh về chưa hết thời gian cách ly đã lại lên đường. Trước khi anh em đi chúng tôi thống nhất với nhau đây là nhiệm vụ chiến đấu của thời bình, không thể chần chừ hay lơ là được, gian khổ đến mấy cũng phải làm.

Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ lần này, kỷ luật quân đội thôi cũng là chưa đủ. Còn tình yêu thương đồng bào, đồng chí, nhân dân. Không có tình yêu thương thì không thể có trách nhiệm được. Và phải xác định tư tưởng tình quân dân không có thể hiện nào tốt hơn bằng thời điểm này.  

Vào cùng với dân để đồng cảm, chia sẻ chứ không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ, giúp đỡ. Như chúng ta biết, cũng có những trường hợp bệnh rất nặng, lực lượng y tế, quân đội có nỗ lực hết sức vẫn không cứu được, nhưng sự có mặt của quân đội, của lực lượng y tế cho thấy không có ai bị bỏ rơi. Người dân luôn cảm thấy thực sự được quan tâm, được hỗ trợ kịp thời. 

Tinh thần quan trọng nữa là phải có sự hi sinh cá nhân. Thời chiến tranh chúng ta nói đến sự hi sinh có khi còn dễ, bây giờ cuộc sống khác, khó đòi hỏi hi sinh hơn, tuy nhiên các đoàn công tác Học viện Quân y đã rất sẵn sàng, không một ai kêu ca dù biết lên đường là vất vả, khó khăn, nguy hiểm.

Ở góc độ chuyên môn chúng tôi nghĩ không có một trải nghiệm nào tốt hơn với những người làm công tác quân y như lúc này. Về tổ chức lực lượng, phân tuyến điều trị… là những bài học đắt giá nhưng có một trải nghiệm thực tế có ý nghĩa nhất đó chính là y đức, là tình cảm những người thầy thuốc, những y bác sĩ, những học viên quân y với nhân dân. Làm nghề y mà không có tình cảm với nhân dân thì không thể được. Đây là thời điểm thể hiện tình cảm tốt nhất. Còn anh vô cảm nghĩa là anh hỏng.

Tinh thần sẵn sàng đó đã giúp Học viện Quân y điều chừng ấy quân và hàng trăm tấn vật tư, thiết bị vào miền Nam chỉ trong một hai ngày chuẩn bị. Hoạt động đào tạo nhiều lúc phải tạm dừng, huy động cả học viên từ năm thứ ba đến năm thứ sáu để cùng với cán bộ chiến sĩ lên đường.

Lãnh đạo học viện đã trực tiếp vào Thành phố Hồ Chí Minh mấy hôm trước và hiện tại chúng tôi cũng thấy Thiếu tướng liên tục cập nhật thông tin, báo cáo, vậy tình hình anh em trong đó hiện giờ ra sao?

Ngay sau khi vào đến nơi, chúng tôi đã thiết lập trung tâm xét nghiệm công suất lớn mỗi ngày có thể xét nghiệm tới hơn 10.000 mẫu, hỗ trợ nhân lực cho bệnh viện dã chiến 5D tại Bình Dương, thành lập bệnh viện dã chiến 5G điều trị bệnh nhân vừa, nặng, rất nặng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, chúng tôi đã thành lập 500 nhóm y tế cơ động cùng với y tế cơ sở của thành phố để hỗ trợ cho hầu hết các phường xã, khu phố của các quận huyện Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Các nhóm y tế cơ sở và cơ động này có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn bà con cách ly, tự chăm sóc theo dõi, thăm khám, điều trị các F0 không triệu chứng hoặc nhẹ tại nhà, động viên tinh thần cho bà con, phát hiện, cấp cứu và vận chuyển các bệnh nhân diễn biến nặng vào các bệnh viện để điều trị, thậm chí hỗ trợ cả những công việc khác không liên quan tới y tế khi người dân cần.

Các tổ cơ động này làm việc rất vất vả, gần như anh em chạy liên tục từ sáng đến tối, chỉ được nghỉ ngơi vài giờ lúc ăn cơm, việc ăn uống cũng khó khăn, chủ yếu là cơm hộp, mỳ tôm, thức ăn làm sẵn, đặc biệt việc tắm giặt, vệ sinh vô cùng hạn chế, khó khăn, nhất là với các chị em phụ nữ. Nếu không quan tâm chu đáo sẽ khó đảm bảo sức khỏe để chống dịch dài ngày.

Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là công tác bảo hộ, đảm bảo an toàn cho anh em. Lực lượng này nếu không may bị nhiễm, bị ảnh hưởng đến sức khoẻ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chống dịch trước mắt và lâu dài. Theo quy định của Bộ Y tế, khi tiếp xúc với F0, phải sử dụng khẩu trang y tế, kính che giọt bắn, găng tay, bộ đồ bảo hộ chống dịch cấp 4…

Mặc dù các trang bị bảo hộ đã được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương quan tâm đảm bảo, tuy nhiên vì số lượng quân lớn hơn 1.800 người, hoạt động liên tục, thường xuyên phải tiếp xúc với F0… nên khối lượng vật tư tiêu hao rất lớn, có những thời điểm các vật tư chống dịch cũng bị thiếu, không kịp thời.

Do đó ngoài việc trông chờ vào công tác đảm bảo, Học viện đã chủ động mua sắm, trang bị và rất nhiều cá nhân trong học viện đã kêu gọi cộng đồng cùng chung sức đóng góp hỗ trợ chi viện cho tuyến đầu.  

Thưa Thiếu tướng, từ thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, để chống dịch Covid-19, vacxin vẫn là giải pháp triệt để nhất. Tuy nhiên, vấn đề vacxin hiện cực kỳ khó khăn. Với tư cách là  một Phó Giáo sư, Tiến sĩ và Học viện Quân y lại là đơn vị đánh giá, khảo nghiệm vacxin Nano Covax, vacxin "made in Việt Nam", Thiếu tướng đánh giá như thế nào về tình hình này?

Có thể khẳng định, đối với tình hình phòng chống dịch Covid-19, Học viện Quân y luôn là đơn vị dẫn đầu trên tất cả các khía cạnh từ chẩn đoán đến điều trị , từ công tác dự phòng đến hỗ trợ thực địa. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng xác định, trong chiến tranh Quân y là lực lượng bảo đảm, còn trong cuộc chiến chống dịch bệnh thì quân y phải là lực lượng chủ lực để “đánh nhau” với bệnh tật.

Chính vì lẽ đó, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên chủ động nghiên cứu bộ Kit chẩn đoán Covid-19. Hiện nay bộ Kit này đang được dùng rộng rãi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Ngoài ra Học viện cũng đã nghiên cứu thêm bộ Kit chẩn đoán với công suất lớn đã được Bộ Y tế thẩm định và đưa vào sử dụng tại Bắc Giang, Bắc Ninh trước đây và bây giờ là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam rất hiệu quả.

Cùng với đó là nghiên cứu sản xuất khẩu trang tiêu chuẩn, thuốc điều trị, các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn cộng đồng… chúng tôi cũng đã phát minh, cải tiến  những phương pháp chẩn đoán đơn giản hơn, giúp người dân có thể tự lấy mẫu, và sắp tới có thể phối hợp nghiên cứu, sản xuất vacxin, kháng thể dùng bằng nhỏ mũi...

Ngoài Nano Covax, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế  cũng đã giao học viện thử nghiệm, đánh giá vacxin RCT 154 của Mỹ chuyển giao Tập đoàn Vingroup. Israel cũng đang đặt vấn đề thử nghiệm đánh giá thử nghiệm vacxin bằng đường uống...

Là đơn vị đánh giá, thử nghiệm vacxin Nano Covax, có thể nói, từ đầu năm 2020 đến nay Học viện Quân y cùng với các đơn vị bạn đã rất tích cực, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá lâm sàng vacxin Nano Covax qua ba giai đoạn, với gần 15.000 tình nguyện viên tham gia.

Mặc dù việc nghiên cứu, thử nghiệm đánh giá lâm sàng vacxin gặp rất nhiều khó khăn vất vả nhưng Học viện Quân y đã hết sức nghiêm túc và nỗ lực cùng với các đơn vị bạn, với mong muốn sớm nhất có được vacxin “made in Việt Nam” an toàn, hiệu quả và giá thành phù hợp để góp phần chống dịch.

Hiện nay, công trình này đã được Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế thông qua kết quả nghiệm thu giữa kỳ giai đoạn 3, chuyển hồ sơ đánh giá sang Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế để chờ phê duyệt cấp phép khẩn cấp có điều kiện. Hy vọng chúng ta sẽ có vacxin của chính người Việt Nam được sử dụng chống dịch trong thời gian sớm nhất.

Bởi vì chúng ta đều biết rằng, với đại dịch Covid -19 thì vacxin vẫn là giải pháp cuối cùng, triệt để nhất, toàn diện nhất và tiết kiệm nhất. Làm gì thì làm nếu không tập trung vào vacxin thì khó có thể chấm dứt được đại dịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.

Thực tế nguồn vacxin hiện nay trên thế giới vô cùng khan hiếm. Hàng ngày chúng ta tiếp nhận thông tin có nguồn mua, hỗ trợ hàng chục triệu liều, nhưng thực tế vacxin về Việt Nam không nhiều.

Trong khi dịch đang diễn biến phức tạp và có xu hướng lan rộng với biến chủng Delta, tỷ lệ tiêm vacxin trên thế giới đang còn rất thấp, chỉ tập trung vào mấy nước giàu, nguồn vacxin khan hiếm, nhu cầu lại rất lớn, không chỉ Việt Nam mình mà tất cả các nước đều cần.

Chưa kể đến những nước giàu sản xuất được vacxin đã chủ trương tiêm mũi thứ 3 cho người dân của họ, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục khuyến cáo, kêu gọi chia sẻ vacxin… nhưng rõ ràng chẳng dễ dàng gì. Những yếu tố đó càng cho thấy tầm quan trọng và cấp bách của chiến lược vacxin.

Mặt khác, các nghiên cứu khoa học cho thấy, vacxin chỉ thực sự hiệu quả khi chúng ta tổ chức tiêm nhanh, tập trung dứt điểm, nếu chờ đến vài năm mới xong thì e rằng quá muộn. Chu kỳ bắt đầu và kết thúc phải thật nhanh để đề phòng những biến thể mới nữa.

Chưa có công bố chính thức nào nhưng chúng tôi đánh giá thì có thể từ 8-10 tháng là phải tiêm lại, nếu chúng ta chậm trễ vấn đề vacxin thì không thể sớm đạt miễn dịch cộng đồng và cứ mãi chạy theo để chống dịch như hiện nay. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ tính mạng của người dân mà chúng ta sẽ đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn xã hội và thua thiệt kinh tế.

Thiếu tướng đánh giá thế nào về tiến độ, độ an toàn, hiệu quả của vacxin “made in Việt Nam”?

Theo quan điểm của tôi, trong khi đa phương hoá trong vấn đề tìm nguồn cung vacxin, thì cơ bản nhất, bền vững nhất, chủ động nhất và khả thi nhất vẫn là phát triển vacxin trong nước với hai sự ưu tiên: Nghiên cứu sản xuất vacxin trong nước (như Nano Covax, Novivax…) và tiếp nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vacxin trong nước (như RCT 154; Sputnik V…), chỉ như vậy chúng ta mới có thể đảm bảo được vấn đề an ninh vacxin.

Với vai trò, trách nhiệm được giao thử nghiệm, đánh giá vacxin Nano Covax và các loại vacxin khác, Học viện quân y sẽ hết sức nghiêm túc, tích cực và khẩn trương để góp phần sớm có vacxin Việt Nam, đưa vào phòng chống dịch bệnh trước mắt và lâu dài.

Thông thường để ra đời được một loại vacxin đạt tiêu chuẩn thì phải mất ít nhất 5-10 năm, thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên do tính chất dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp và gây thiệt hại lớn như Covid 19 thì thế giới đã khẩn trương cho ra đời nhiều loại vacxin chỉ sau 1-2 năm.

Hiện nay hầu hết các loại vacxin phòng chống Covid - 19  trên thế giới đều dưới dạng cấp phép khẩn cấp có điều kiện và đang cần phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện. Thực tế nhiều loại vacxin được cấp phép có điều kiện ở cuối gia đoạn 2 hoặc giữa giai đoạn 3 tương tự Nano Covax của Việt Nam.

Là những người trực tiếp tham gia đánh giá thử nghiệm, tôi cho rằng Nano Covax hiện nay đã có đủ điều kiện để được xem xét cấp phép khẩn cấp để tham gia phòng chống dịch. Tuy nhiên nhà sản xuất và các cơ quan nghiên cứu đánh giá vẫn phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện theo đúng đề cương ban đầu đã được phê duyệt.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, với công suất 8-10 triệu liều/tháng và có thể nâng lên 20 -30 triệu liều/tháng, nếu được cấp phép sớm vào đầu tháng 9, hy vọng Nano Covax cùng với các loại vacxin khác, chúng ta đang có sẽ góp phần đưa Việt Nam sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Từ câu chuyện vacxin, xét tổng thể, dù công cuộc chống dịch của chúng ta đã rất nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên không tránh khỏi còn bộc lộ những hạn chế, Thiếu tướng nghĩ sao?

Có thể nói công tác phòng chống dịch của chúng ta đến nay là hết sức nỗ lực, hết sức cố gắng và thành công. Tuy nhiên, nhìn nhận lại theo tôi thấy vẫn còn những bài học cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc để có thể phòng chống dịch tốt hơn:

Bài học thứ nhất, chúng ta phải có một kế hoạch, một kịch bản chống dịch bài bản, dài hơi, dựa trên các dữ liệu về khoa học và ý kiến tham mưu của các nhà khoa học, không thể chỉ dùng ý chí chính trị tinh thần đơn thuần trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt với các đại dịch như Covid-19.

Bài học thứ hai, cho dù có một kịch bản chống dịch tốt từ đầu thì kịch bản đó vẫn cần phải được thay đổi, điều chỉnh một cách chính xác, khoa học và linh hoạt theo thực tiễn, theo diễn biến của dịch bệnh. Kẻ thù virus liên tục thay đổi thì kế hoạch đánh địch của chúng ta cũng phải thay đổi cho phù hợp, không thể lấy mọi kinh nghiệm thành công của giai đoạn trước để áp dụng cho giai đoạn sau mà cần phải có sự điều chỉnh kịp thời. Thực tế có những lúc chúng ta còn lúng túng hoặc say sưa với chiến thắng, với kinh nghiệm mà thiếu đi sự linh hoạt, quyết đoán.

Bài học thứ ba, phải có kiến thức, có chiến lược về sử dụng lực lượng vì trong y học khẩn cấp, y học thảm hoạ thì vai trò của việc tổ chức và sử dụng lực lượng nhiều khi có tính quyết định đến kết quả chứ chưa hẳn yếu tố chuyên môn, mặc dù yếu tố chuyên môn cũng rất quan trọng. Thực tế cũng cho thấy các cấp các ngành chúng ta còn có những lúng túng, bị động, chưa hợp lý trong tổ chức, sử dụng lực lượng, đặc biệt lực lượng y tế tuyến đầu, dẫn đến còn lãng phí nguồn lực, sớm suy yếu nguồn lực và có thời điểm rơi vào khủng hoảng cục bộ nhất là vấn đề điều trị, phân loại, vận chuyển bệnh nhân…

Bài học thứ tư, là bài học về chiến lược phát triển vũ khí có tính quyết định trong cuộc chiến mà cụ thể ở đây là chiến lược vacxin, phần này tôi đã nói ở trên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: Chiến lược vacxin cần phải sớm, phải rõ ràng, nhất quán, phải giải quyết cho tức thì trước mắt và đảm bảo an ninh vacxin lâu dài. Lấy nghiên cứu, sản xuất hoặc nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vacxin trong nước là chính.

Bài học cuối cùng, đây là bài học rất khó khăn, có phần nhạy cảm và không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận. Đó là bài học về quy chuẩn, về tiêu chuẩn và những giá trị được gọi là “chuẩn hoá” trong khoa học, trong nghiên cứu khoa học trong đó nghiên cứu và sản xuất vacxin là một ví dụ điển hình.

Tôi nhắc lại, trong điều kiện bình thường để có được một loại vacxin đạt chuẩn, phải mất 5-10 năm thâm chí lâu hơn. Thực tế các vacxin phòng chống Covid 19 hiện nay ra đời sau 1-2 năm. Nói như vậy không có nghĩa là các vacxin này không dựa trên khoa học, không tuân thủ quy trình và không đạt chuẩn.

Khoa học vị nhân sinh, đó là quan điểm lớn nhất của khoa học. Khoa học phải quay về phục vụ cuộc sống, phục vụ thực tiễn sinh động và sống động, phục vụ lợi ích của cộng đồng, của con người.

Những quan điểm khoác áo khoa học, khoác áo các “quy trình chuẩn” theo kiểu lý thuyết, hay tư duy “chấm luận án” để áp dụng cho các tình huống khẩn cấp, nguy cấp…  là thiếu thực tế, thiếu linh hoạt, thiếu quyết đoán, thiếu dũng cảm và thiếu trách nhiệm.

Không thể tìm sự hoàn hảo trong điều kiện thảm hoạ và khẩn cấp, quan trọng là chúng ta được gì và mất gì trong việc lựa chọn, phải lựa chọn. Điều đó không chỉ đòi hỏi tài năng, kiến thức mà còn đòi hỏi kinh nghiệm, sự dũng cảm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Sắp tới đây, khi chúng ta phải tăng cường tiêm vacxin cho đa số người dân, với một chiến dịch tiêm chủng lớn như vậy, đòi hỏi trong một thời gian khẩn trương, nếu chỉ trông chờ vào các nhân viên y tế đã đạt chuẩn có chứng chỉ tiêm chủng mới tham gia thì sẽ rất khó khăn và không khả thi.

Việc đào tạo, huấn luyện tiêm chủng, an toàn tiêm chủng cho tất cả lực lượng y tế (thậm chí có quốc gia họ huấn luyện cho cả người tình nguyện không phải là nhân viên y tế tham gia tiêm chủng) là điều cần thiết, là không phản khoa học, đây cũng là một ví dụ nữa cho bài học này.

Theo Thiếu tướng, kịch bản chống dịch của chúng ta trong giai đoạn tới sẽ thế nào? Đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh?

Tôi cho rằng kịch bản đầu tiên vẫn là phải tập trung kiểm soát tình hình ở những thành phố lớn, đông dân, những đầu tàu kinh tế, công nghiệp... Còn các tỉnh miền núi, thưa dân có thể sẽ chậm hơn.

Vacxin là giải pháp căn cơ nhất, bằng mọi nguồn lực, ngoại giao, thúc đẩy cấp phép sản xuất vacxin trong nước để làm sao khoảng gần cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có ít nhất 70% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ vacxin là tốt nhất. Không chỉ chúng ta mà cả thế giới cũng chỉ có con đường đó. Thế giới đã chúng minh rõ ràng: Vacxin góp phần giảm lây nhiễm, giảm triệu chứng và tình trạng bệnh nặng, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong.  

Thúc đẩy để sớm có đủ vacxin và có chiến lược tiêm vacxin hiệu quả (có loại nào tiêm loại đó, bảo đảm sớm, nhanh, an toàn, ưu tiên theo từng nhóm đối tượng) là những điều cơ bản trong chiến lược vacxin.  Kịch bản đẹp nhất của Hà Nội bây giờ là tranh thủ thời gian giãn cách đẩy thật mạnh tiêm vacxin bằng mọi giá. Chỉ cần khoảng 50% dân Hà Nội tiêm vacxin là đã có thể tạm thời yên tâm.

Ngoài ra, cũng cần có giải pháp hồi sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ròng rã suốt hai năm trời họ căng mình chống dịch, sức khoẻ, tình cảm… đều bị ảnh hưởng, chúng ta cần có chế độ chính sách để động viên, bù đắp cho lực lượng này.

Nếu thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp, tôi tin tưởng chậm nhất là đầu năm tới Việt Nam sẽ có thể miễn dịch cộng đồng.

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện.

 
Hoàng Anh
 
Trọng Toàn
 
Tùng Đinh - Nguyễn Thủy - HVQY