Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

GẶP GỠ TÁC GIẢ TÔN THẤT THÔNG

 GẶP GỠ TÁC GIẢ TÔN THẤT THÔNG

“Trầm cảm tập thể” cần được chữa lành!

Khủng hoảng đa diện mà đại dịch gây ra có thể kéo theo những chấn thương lớn trong tinh thần xã hội.

Ông Tôn Thất Thông, tác giả cuốn Thần kỳ kinh tế Tây Đức từng đoạt giải Sách hay (hạng mục sách Kinh tế, 2020) có những chia sẻ về cách mà người Đức xử lý, giải quyết khủng hoảng hậu chiến và trong đại dịch.

KHÔNG AI BỊ BỎ QUÊN

Sau Thế chiến thứ hai, thế giới đã chứng kiến sự tái thiết, phát triển thần kỳ của kinh tế Tây Đức và Nhật Bản. Ông đã có cuốn sách nghiên cứu về trường hợp Tây Đức giai đoạn bản lề (từ 1949 đến 1969) của tiến trình đó. Thưa ông, yếu tố cốt lõi nào tạo nên sự bứt phá hậu khủng hoảng mà ông gọi là “vươn lên từ vực thẳm”?

Theo tôi, trước hết, họ có vốn con người với trình độ cao trong mọi ngành, từ kỹ thuật đến kinh tế, giáo dục và cả pháp lý, công kỹ nghệ gia xuất sắc. Trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Đức là nước có nhiều người đoạt giải Nobel nhất, bằng cả Anh và Pháp cộng lại và gấp năm lần Mỹ. Nhân lực này sau chiến tranh vẫn còn nhiều và được sử dụng trong chế độ mới. Các chuyên gia đó được lãnh đạo bởi tập thể chính trị gia có tri thức để thiết kế chính sách, có đạo đức để đoàn kết dân chúng, có lòng yêu nước thương dân, phục vụ xã hội mà không màng vật chất, tư lợi.

Ngoài ra, giới lãnh đạo chính trị có ý thức và phương pháp huy động kiến thức chuyên gia để giúp họ định hình chính sách. Phương pháp của họ rất đáng để học hỏi khi một quốc gia rơi vào khủng hoảng.

Cuối cùng, những động thái hòa giải thực tế của giới lãnh đạo đã tạo nên mối quan hệ hàn gắn, liên kết tốt đẹp giữa những người trước đây vẫn còn là thù địch. Trừ một số tội phạm chiến tranh bị tòa án xét xử, còn lại chuyên gia đều được tham gia bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Kỹ nghệ gia, dù trước đây làm việc cho Quốc xã, sau chiến tranh vẫn được trả lại tài sản và chính họ đã đóng vai trò đầu tàu kéo nền kinh tế đi lên.

Theo tôi, có lẽ hai yếu tố sau cùng đóng vai trò quyết định cho sự vươn lên thần kỳ của Tây Đức thời hậu chiến.

Theo ông, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng hậu chiến có được nước Đức rút tỉa hay áp dụng để xử lý cuộc khủng hoảng đại dịch lần này? Những kinh nghiệm nào hữu hiệu có thể thấy rõ mà chính phủ Đức áp dụng trong thời gian qua?

Tôi ở Đức từ cuối thập niên 1960 và quan sát được rằng, suốt 50 năm qua, cách định hình chính sách mọi ngành và xử lý khủng hoảng của họ luôn luôn có một sơ đồ gần giống nhau: lấy ý kiến chuyên gia của các ngành liên hệ làm chất liệu chủ đạo để xây dựng chính sách. Để phục hưng kinh tế thì lấy kinh tế gia và nhà xã hội học làm lực lượng chính. Trong đại dịch thì lấy giới y học, dịch tễ học, xã hội học, tâm lý học là chính.

Sơ đồ của họ đại khái thế này:

Trước hết, hội đồng khoa học của bộ liên quan phác thảo một khung thô sơ, diễn giải rất tóm tắt dự án. Bộ nào cũng có một hội đồng khoa học chuyên ngành như thế.

Thứ hai, chính phủ công bố nay mai sẽ đưa ra một chính sách và dự kiến con đường thực hiện. Truyền thông đại chúng, báo chí sẽ đua nhau đưa tin đến mọi thành phần trong xã hội.

Thứ ba, rất tự nhiên, chuyên gia trong các cơ sở nghiên cứu sẽ tự do lên tiếng trên truyền thông để phê bình, phản biện, hoàn thiện, bổ sung. Dù nhận được thù lao hay không, họ vẫn làm rất nghiêm túc, vì trong cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh, tương lai sự nghiệp của họ tùy thuộc vào ý kiến của họ đúng hay sai, được công luận tán thành hay không, và ý kiến sẽ được tích hợp vào chính sách hay không.

Thứ tư, hội đồng khoa học của bộ tổng hợp lại để đưa ra một phác thảo sau cùng. Ý kiến họ nhận được từ các tài liệu truyền thông không ít, 1.000 trang giấy là chuyện không hiếm. Một cách làm hiệu quả và rất ít tốn kém. Và cuối cùng, cấp bộ liên hệ tích hợp vào khung chính trị chung để đưa ra hội đồng chính phủ quyết định, hoặc trong một số trường hợp quan trọng thì đưa ra quốc hội làm thành luật.

Trong việc phát triển kinh tế hậu chiến hay trong đại dịch Covid-19, họ đều có cách làm tương tự như thế. Có lẽ nhờ vậy mà trong dân chúng, không ai mang cảm giác “bị qua mặt, bỏ quên” trong các chính sách. Trong đại dịch Covid-19, đây đó cũng có biểu tình chống đối, nhưng nói chung mọi người rất hài lòng, tâm thái bình tĩnh, xã hội an bình, không ai sợ hãi mặc dù có lúc cả 20.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Cũng cần nói thêm là, trong đại dịch, Đức đã giải quyết tốt về mặt xã hội, không gây thiệt hại tài chánh và khủng hoảng tâm lý cho giới lao động và các doanh nghiệp nhỏ, nhờ thế xã hội mới bình yên.

Thủ tướng Merkel. Ảnh: Sky.

BỘ NÃO CỦA THỦ TƯỚNG LÀ… NHÀ VI TRÙNG HỌC!

Trong một cuốn sách của mình, ông có nhắc đến khái niệm “trầm cảm tập thể” để nói về tâm thế người Đức sau Thế chiến thứ hai. Theo ông, việc chữa lành cơn “trầm cảm tập thể” – theo hàm nghĩa sự suy kiệt về tâm lý cộng đồng – có vai trò như thế nào trong sự vươn lên của một quốc gia sau khi trải qua những biến cố lớn?

Người Việt Nam dường như coi nhẹ tâm lý học và các liệu pháp trị bệnh tâm lý, trong lúc ở châu Âu thì các lĩnh vực đó đã được nghiên cứu từ hơn một thế kỷ và đã trở thành những bộ phận quan trọng trong y tế, xã hội từ hậu bán thế kỷ 20.

Tình trạng “trầm cảm tập thể” xuất hiện khi hàng triệu người trong xã hội thấy hoang mang với đời sống hiện tại, nhìn tương lai bất định với tâm trạng lo âu không thấy lối thoát, nhất là đối với những người phải vật lộn hàng ngày với miếng ăn. Các vấn nạn xã hội xảy ra là chuyện tất yếu, chí ít là trộm cướp, hành xử liều lĩnh, bạo lực gia đình, bạo lực xã hội v.v…

Nguyên nhân đưa đến trầm cảm tập thể thì nhiều, nhưng tựu trung có ba nguyên nhân nổi bật: người lao động không có nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất thảm hại, bữa đói bữa no; khủng hoảng tâm lý gia đình đưa đến sự đổ vỡ nhiều hơn bình thường; khủng hoảng xã hội gây ra bởi xung khắc với nhà chức trách và xung đột lẫn nhau trong dân chúng.

Cách giải quyết của Đức thời hậu chiến và trong đại dịch Covid-19 có khác nhau, nhưng trọng điểm thì cũng lại gần giống nhau. Trong đại dịch Covid-19, Đức có gói hỗ trợ 150 tỉ EURO, sau đó nâng lên 180 tỉ EURO (khoảng gần 5 triệu tỉ đồng VN). Một phần của gói hỗ trợ đó được dùng để bù đắp thiệt hại tài chính cho giới làm công, buôn bán lẻ và các doanh nghiệp nhỏ, đủ cho họ sống không suy giảm chất lượng trong thời gian giãn cách bị mất thu nhập. Một phần khác khá nhiều để trang trải các phí tổn về công tác xã hội, bao gồm chi phí cho nhân viên bổ sung vào các đội công tác mới được thành lập để xoa dịu khổ đau, cố vấn tâm lý, bù lỗ cho các dịch vụ y tế tâm lý bổ sung không thuộc trách nhiệm của bảo hiểm y tế.

Như bà con Việt Nam, người Đức cũng tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện, nhưng đó chỉ là những hoạt động bổ sung. Nguồn lực chính trong việc xoa dịu ức chế xã hội vẫn phải do chính phủ thực hiện, vì rất tốn kém.

Cũng cần nói thêm, Đức trong 5 năm qua cương quyết không sử dụng thêm nợ công. Nhưng vì Covid-19 với vấn nạn xã hội sẽ không tránh khỏi, họ đành phải lấy nợ công để giải quyết, tính ra là 50% ngân sách, hay là 5% GDP, chuyện chưa hề có trong lịch sử Đức!

Nếu nói đại dịch là một “cuộc chiến” thì rõ ràng, cần hiểu đây là một cuộc chiến lấy y khoa làm trung tâm. Vậy, các nhà khoa học đã đóng vai trò thế nào trong các chính sách ứng phó đại dịch của chính phủ Đức thời gian qua?

Trong giai đoạn dịch đạt đỉnh, tôi chọn chừng 10 chuyên gia đáng tin cậy và theo dõi họ hàng ngày qua báo chí, talk show, podcast của họ, chứ khỏi cần nghe thông tin chính phủ, vì những ý kiến sắc sảo của chuyên gia thường sẽ được phản ánh lại trong chính sách. Khi nào chính phủ ra văn bản thì đọc cho biết để hành xử mà thôi.

Vào cao điểm của dịch bệnh, trong mọi cuộc họp báo quan trọng, Thủ tướng Merkel hoặc Bộ trưởng Y tế Jahn thường đi kèm với hai nhân vật đặc biệt: nhà vi trùng học hàng đầu của Đức GS Christian Drosten, và Viện trưởng Viện Robert Koch GS Lothar Wieler (chức năng như viện Pasteur ở TP.HCM). Khoảng đầu năm 2020, GS Drosten được truyền thông gọi là “tư lệnh chống dịch”, dù ông ta chỉ là chuyên gia của bệnh viện Charité Berlin. Điều đó cũng không cường điệu lắm, và bản thân bà Merkel cũng đùa vui, gọi ông là “bộ não của tôi”.

Nhờ thế mà khi có một quyết định quan trọng của chính phủ, chưa nói đến sự đồng thuận cao trong dân chúng, riêng phản hồi của chuyên gia y tế khắp nơi cho thấy là đa số đều ủng hộ. Cũng có những phản biện gay gắt, nhưng nói chung họ là thiểu số.

Ông nghĩ thay đổi lớn nhất của cộng đồng khi đại dịch đi qua là gì?

Cũng khó đoán là lúc nào đời sống sẽ trở lại bình thường như trước. Nhưng qua quan sát mọi người chung quanh thì tôi thấy dường như phong cách sống sẽ thay đổi: người ta sống chậm hơn, ít bon chen, tiêu pha ít hơn, thôi quan tâm đến những món hàng hiệu đắt tiền, du lịch ít hơn nhưng chọn du lịch có ý nghĩa, và thật đáng mừng, ý thức bảo vệ môi trường dường như được nâng cao ít nhiều.

Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải sống chung với virus corona vài năm nữa. Hy vọng đến đó thì tuy chúng còn tồn tại, nhưng cũng “hiền” như một loại cúm mùa.

Xin cám ơn ông.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN thực hiện

[Một phần bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 12-8-2021. Link: https://tuoitre.vn/tram-cam-tap-the-can-duoc-chua-lanh-20210812100110317.htm]

TÁC GIẢ TÔN THẤT THÔNG: Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn năm 1968 và du học Tây Đức từ năm 1969; làm việc tại Đức và Úc cho đến lúc về hưu; hiện sống ở một thành phố du lịch phía bắc Frankfurt (Đức). Đã xuất bản: Vươn lên từ vực thẳm (Thần kỳ kinh tế Tây Đức sau 1945 – Giai đoạn 1945-1950), Thần kỳ kinh tế Tây Đức (Giai đoạn 1949-1969). Ông cũng là dịch giả của cuốn Adam Smith trong 60 phút (của Walther Ziegler).