Thứ Hai, 1 tháng 11, 2021

100 NĂM KHOÁ BÁC SĨ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM-ĐÔNG DƯƠNG

Hoàng Hưng 

Hôm nay sinh nhật bố (31/10/1902 – 2021), tính tuổi âm thì bố được 120 tuổi. Trùng hợp 100 năm khoá bác sĩ (Docteur en Medecine) đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương. Khoá bác sĩ đầu tiên (1921-1927) có 2 người là Hoàng Thuỵ Ba và Đặng Vũ Lạc. Lần đầu tiên có tiểu sử chi tiết của BS Đặng Vũ Lạc

(Bài vừa đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 5 /2021)
Ảnh: - Các giảng viên đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương
Hàng đầu, từ trái, các BS: Lê Văn Chỉnh, B. Capus, Degorce, Le Roy Des Barres
(Nguồn ảnh: Internet)
- Sinh viên Hoàng Thụy Ba (hàng đầu, thứ 4 từ trái sang) và Đặng Vũ Lạc (hàng thứ 2, thứ 3 từ trái sang) và các học sinh y sĩ tại Trường Y khoa Đông Dương
- Bằng Bác sĩ Y khoa của ông Hoàng Thụy Ba (bảo vệ luận án năm 1927)
- Gia đình BS Hoàng Thuỵ Ba sau khi ông ở Pháp về (người mặc Âu phục bế con gái đầu lòng). Ảnh chụp lại trên VTV 5 chương trình: BA TRÍ THỨC TIÊU BIỂU CỦA HÀ NỘI (Dương Quảng Hàm, Phạm Huy Thông, Hoàng Thuỵ Ba
- Bệnh viện Tim Hà Nội nguyên là BV của BS Đặng Vũ Lạc (BV tư nhân đầu tiên của HN)
KHÓA BÁC SĨ ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM
Hoàng Văn Sơn
Cách đây 100 năm, Trường Y khoa Đông Dương đã đào tạo khóa bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam và cũng là ở Đông Dương (Việt Nam, Cao Mên, Lào). Khóa đào tạo bác sĩ 1921 – 1927 chỉ có 2 sinh viên.
Ngày 1/3/1902, Trường Y khoa Đông Dương khai giảng ở ấp Thái Hà, Hà Nội, Hiệu trưởng là bác sĩ Alexandre Yersin đến năm 1904 , tiếp đến bác sĩ Cognacq làm Hiệu trưởng tới năm 1921. Sáu thầy người Pháp là các bác sĩ Le Roy des Barres, Degorce, Bertin Capus, dược sĩ Duveigne, các cử nhân Jacquet, Gallois. Người Việt duy nhất là thầy Lê Văn Chỉnh làm phụ giảng. Trong 20 năm 1902 – 1921, trường chỉ đào tạo y sĩ. Học sinh học 3 năm, từ cuối năm 1902 kéo dài thành 4 năm. Khóa đầu tiên có 29 học sinh, gồm 15 người ở Bắc kỳ, 5 ở Trung kỳ, 8 ở Nam kỳ, 1 người ở Cao Mên. Cuối năm 1902, trường chuyển về phố Bobillot (nay là Lê Thánh Tông).
Nghị định ngày 7/1/1919 quy định học sinh phải có chứng chỉ Lý- Hóa- Sinh (Sciences physiques, chimiques et naturelles, PCN) thì mới được vào Đại học Y. Do đó, hai người đã đỗ tú tài toàn phần và đã có chứng chỉ PCN là hai người đầu tiên được vào Trường Y khoa Đông Dương niên khóa 1921-1922 để học bác sĩ là các ông Đặng Vũ Lạc và Hoàng Thụy Ba. Theo sắc lệnh ngày 30/8/1923, Trường Y khoa Đông Dương được nâng lên thành Trường Y Dược toàn cấp Đông Dương giống như ở Pháp. Cùng với việc đào tạo bác sĩ, còn có các khoa đào tạo y sĩ vốn có từ khi khai giảng, dược sĩ Đông Dương,…Trường được coi là chi nhánh của Đại học Y khoa Paris tại Đông Dương, bằng tốt nghiệp bác sĩ giá trị như bằng của nước Pháp. Thời kỳ đó không có giáo sư ở Pháp sang Việt Nam hướng dẫn sinh viên làm luận án, nên sinh viên học hết năm thứ tư phải sang Pháp học hai năm nữa rồi bảo vệ luận án tốt nghiệp bác sĩ tại Pháp. Từ năm 1935 mới bảo vệ luận án tại Hà Nội. Nhiều bộ môn mới trước chưa có đã được giảng dạy như: mô học, giải phẫu bệnh học, phẫu thuật thực hành, y hóa học, vi trùng học, ký sinh trùng, sinh lý học. Các bộ môn y học cơ bản này đã nâng cao trình độ của sinh viên. Từ cuối năm 1920, giảng viên là các bác sĩ: Degorce (ngoại lâm sàng), Le Roy des Barres (sản-phụ khoa), Henri Coppin (nội khoa), Naudin (lâm sàng cơ sở), Casaux (nhãn khoa), De Raymond (bệnh ngoài da và hoa liễu)… Sinh viên năm thứ ba thi ngoại trú, năm thứ năm thi nội trú. Chỉ có sinh viên đã đỗ nội hoặc ngoại trú mới có thể điều trị bệnh nhân. Việc này đã nâng cao chất lượng sinh viên rõ rệt. Cơ sở thiết yếu của trường y là bệnh viện thực hành cho sinh viên. Khi đó, ở Hà Nội có 2 bệnh viện của người Pháp là Bệnh viện Lanessan (nay là Bệnh viện 108) và Bệnh viện Saint Paul (nay gọi là Bệnh viện Xanh Pôn). Bệnh viện Nhà Chung của Công giáo năm 1904 đổi tên thành Bệnh viện Bản xứ, sau đó gọi là Bệnh viện Bảo hộ (Bệnh viện Việt Đức hiện nay). Bệnh vện thực hành của trường xây dựng đầu tiên ở ấp Thái Hà, rồi chuyển từ ấp Thái Hà về phố Armand Rousseau (Lò Đúc hiện nay). Dến năm 1923, sinh viên thục hành tại Bệnh viện Bảo hộ, do bác sĩ Le Roy des Barres làm giám đốc. Bệnh viện có đủ các khoa: ngoại, phụ-sản, nội, nội nhi, ung thư, ngoài da và hoa liễu, tâm thần, điện quang và điện trị liệu, phòng khám đa khoa, khoa dược, các phòng xét nghiệm hóa sinh, vi sinh… Khu bệnh truyền nhiễm ở Cống Vọng, năm 1932 trở thành Bệnh viện René Robin, mở rộng, hoàn chỉnh năm 1941 thành Bệnh viện Bạch Mai hiện nay.
Khóa bác sĩ y khoa đầu tiên ở Việt Nam cách đây 100 năm chỉ có hai sinh viên là Đặng Vũ Lạc và Hoàng Thụy Ba.
Ông Đặng Vũ Lạc là một trong những nho sinh đầu tiên chuyển sang Tây học. Ông đã vào đến tam trường tại kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ năm 1915, rồi lại đi học các trường Puginier, trung học Bảo hộ (trường Chu Văn An hiện nay), Albert Sarraut và đỗ tú tài toàn phần. Ông sinh ngày 15/5/1902, là con cụ Đồng Tri phủ Đặng Cao Chí, quê ở Hành Thiện, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định và là con rể cụ Tuần phủ Nguyễn Đạo Tấn. Được học bổng sang Pháp học tiếp, ông đã bảo vệ luận án bác sĩ “Góp phần nghiên cứu lâm sàng và bệnh căn bệnh beriberi” tại Đại học Y khoa Paris, được Hội đồng mà chủ tịch là GS Bezancon khen rất xuất sắc, cho điểm tối ưu và luận án được thưởng. Ông trở về Việt Nam ngày 7/1/1928, làm bác sĩ tập sự tại nhà thương Bảo hộ, Hà Nội (Bệnh viện Việt Đức hiện nay). Tháng 5 năm 1928, làm giám đốc Bệnh viện Hòa Bình, rồi giám đốc Bệnh viện tỉnh Hà Nam năm 1930. Tháng 5 năm 1932, ông từ chức, mở phòng khám tư ở 48 phố Richaud (Phủ Doãn hiện nay). Tháng 7 năm 1932, mở bệnh viện tư tại 40-42 phố Duvillier (Nguyễn Thái học) Hà Nội. Tháng 4 năm 1934, ông xây mới một Bệnh viện lớn nhất Bắc Kỳ và Trung Kỳ thời đó ở 92 đại lộ Gambetta (Trần Hưng Đạo) Hà Nội, đặt tên thầy dạy mình ở trường Y Đông Dương là Bệnh viện Henri Coppin. Thời gian đó, Hà Nội chỉ có 4 bệnh viện : Lanessan, Saint Paul của người Pháp, bệnh viện Bảo hộ, bệnh viện René Robin. Do đó, rất thiếu cơ sở chữa bệnh cho người Việt. Bệnh viện của bác sĩ Đặng Vũ lạc đã góp một phần bổ khuyết cho sự thiếu thốn đó. Bệnh viện tư này khá hiện đại, có 60 phòng, trên 100 giường bệnh, có phòng xét nghiệm máy móc tối tân, điểm mới thời đấy. Phụ tá bác sĩ Đặng Vũ Lạc là bác sĩ Phạm Hữu Chí giỏi giang, cựu nội trú và cựu trưởng phòng tại Paris.
Bác sĩ Lạc chữa bệnh giỏi, có tài kinh doanh, có xe hơi loại sang, nhà nghỉ mát tại Đồ Sơn, du thuyền tại vịnh Hạ Long. Ông lập ra Câu lạc bộ thể thao Việt Nam tại Hà Nội mà ông là Hội trưởng. Ông có nhiều bạn Việt và Pháp trong giới trí thức và kinh doanh lớn. Chính quyền Pháp rất nể vì, ngày 19/10/1943 đã tặng ông đệ ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh. Ông có tên trong sách “Những người danh tiếng và quý tộc ở Đông Dương” do Phủ Toàn quyền xuất bản. Ông được bầu làm hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội suốt từ 1935 đến 1945. Ông giàu tinh thần dân tộc, bênh vực mạnh mẽ quyền lợi dân nghèo khi làm ở Hội đồng thành phố. Trong cuộc họp ngày 22/11/1937 của Hội đồng bàn về ngân sách, Đốc lý (Thị trưởng) Hà Nội Henri Virgitti đề nghị đánh thuế cư trú và thuế dùng nước máy, bác sĩ đã phản đối, bị Đốc lý bảo đuổi ra. Ông cùng 5 hội viên Việt Nam khác ra khỏi phòng họp và đồng loạt từ chức, đòi Thống sứ Bắc Kỳ Yves Châtel bãi bỏ thứ thuế vô lý đó. Để mị dân, Thống sứ giải tán Hội đồng vì không thể để Hội đồng không có người Việt Nam. Bầu Hội đồng mới thì cả 6 người Việt lại trúng cử. Ông giúp đỡ nhiều đồng hương học hành, làm việc. Khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, bác sĩ Lạc bị kẹt ở Hà Nội. Năm 1947, ông mở lại Bệnh viện tư Henri Coppin, đổi tên thành Bệnh viện Đặng Vũ Lạc, có bác sĩ Trịnh Xuân Trụ phụ tá. Trong thời kỳ 1947-1954, nhiều bác sĩ giỏi đã làm việc ở đây như các bác sĩ Đinh Văn Thắng (sản khoa), Phạm Khắc Quảng (bệnh phổi), Trần Ngọc Ninh (xương khớp), Võ Tấn (tai mũi họng), Nguyễn Đình Cát (nhãn khoa), Đặng Văn Chung (tim mạch), Phạm Văn Diễn (nội khoa), Lý Hồng Chương (điện quang)… Sau khi bác sĩ Lạc qua đời, bác sĩ Trịnh Xuân Trụ làm giám đốc, rồi bác sĩ Phạm Văn Diễn làm giám đốc Bệnh viện từ năm 1950. Hiện nay, Bệnh viện Đặng Vũ Lạc là Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bác sĩ Đặng Vũ Lạc tạ thế ngày 1/10/1948 tại Hà Nội, ở tuổi 46 đầy nghị lực, nhiệt huyết. Ông mất đi quá sớm, khi chưa thực hiện được dự định mở rộng và hiện đại hóa cơ sở Bệnh viện tư lớn nhất thời đó. Ông ra đi trong sự thương tiếc của nhiều bệnh nhân nhớ ơn “Ông đốc Lạc” tài giỏi, nhân hậu. Đồng nghiệp, những người làm việc với ông mất đi một người đứng đầu quyết đoán, năng động, chân tình. Ông đã mở đầu hệ thống bệnh viện tư nhân, góp phần rất quan trọng phục vụ sức khỏe nhân dân. Ông có con và cháu nối nghiệp bác sĩ chữa bệnh cho người.
Ông Hoàng Thụy Ba sinh ngày 31/10/1902, là con cụ Tổng đốc Hoàng Thụy Chi, quê ở Phù Lưu, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, và là con rể bác sĩ Lê Văn Chỉnh, người thầy Việt Nam duy nhất khi thành lập Trường Y khoa Đông Dương. Sau khi đỗ tú tài toàn phần tại trường Albert Sarraut và học 4 năm ở Trường Y khoa Đông Dương, ông được học bổng sang Pháp học tiếp 2 năm và bảo vệ xuất sắc luận án “Góp phần nghiên cứu u nội mạc trực tràng-âm đạo “ ngày 24/12/1927 tại Đại học Y khoa Paris thuộc Hàn lâm viện Paris.
Ông về nước ngay đầu năm 1928, làm giám đốc Bệnh viện tỉnh Tuyên Quang, rồi giám đốc Bệnh viện Hưng Yên. Thời đó, mỗi tỉnh chỉ có một bác sĩ, điều trị đủ các loại bệnh từ bệnh nội khoa (tiêu hóa, tim mạch…) đến mổ, đỡ đẻ, chữa trẻ em, bệnh tâm thần… Sau Cách mạng tháng tám năm 1945, ông làm việc tại bệnh viện Đồn Thủy, Hà Nội. Năm 1946, ông được bổ nhiệm làm giám đốc y tế Khu XI (tức Hà Nội), là người Việt đầu tiên đứng đầu ngành y tế ở Hà Nội đến năm 1947. Kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946, ông được cử làm Trưởng ty y tế Hà Nội-Hà Đông từ năm 1947 đến 1950. Từ tháng 6 năm 1950, làm giám đốc Trường Nữ hộ sinh trung cấp liên khu III-IV, trường đào tạo nữ hộ sinh đầu tiên của nước Việt Nam tại tỉnh Thanh Hóa. Thời gian đó, trong ngành y giảng dạy từ chuyên môn bằng tiếng Pháp, bác sĩ Ba đã tự đặt ra các từ sản khoa bằng tiếng Việt để dạy. Thầy Ba bỏ tiền riêng thuê thợ làm mô hình, tranh vẽ. Những năm 1949- 1950 là thời kỳ gian khổ nhất của kháng chiến chống Pháp. Có thời gian suốt 3 tháng không có tiếp tế của chính phủ, học sinh không có gạo ăn, nhà trường nợ rất nhiều. Thầy Ba phải bán 3 lạng vàng và một số đồ dùng của gia đình lấy tiền cho học sinh ăn học và nhà trường hoạt động. Sau này, học sinh ca ngợi đó là “Bát cơm Phiếu mẫu” (1), đến 50 năm sau vẫn không ai quên. Học sinh rất yêu quý và kính trọng thầy, coi như người cha. Cách giảng dạy, cách học “dựa vào dân”, “tự lực cánh sinh”, phương châm bảo vệ thai nghén, “đem con trả cho mẹ” là những hình mẫu đẹp của nền y tế nhân dân mới mẻ. Thời gian này, ở nông thôn, đa số người dân đẻ tại nhà hoặc nhờ bà mụ vườn, cắt rốn trẻ bằng dao, kéo, liềm. Tử vong sơ sinh rất cao. Hai khóa 59 nữ hộ sinh trung cấp ra trường về 18 tỉnh, đã cải thiện việc sinh đẻ, giảm tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh rõ rệt.
Năm 1952, được chính quyền đồng ý, bác sĩ Ba về Hà Nội chăm sóc mẹ già ốm nặng, bị liệt nửa người. Ông từ chối làm việc với chính quyền Bảo Đại, mở bệnh viện ở 167 Phùng Hưng. Đồng nghiệp đã bầu ông làm Chủ tịch Hội Y sĩ Bắc Việt đầu tiên của nước Việt Nam, tổ chức nghề nghiệp của các thầy thuốc công và tư có uy tín trong xã hội. Hội viên có nhiều người nổi tiếng, tài giỏi như các bác sĩ: Đặng Văn Chung (Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam sau này), Đinh Văn Thắng (Chủ tịch Hội Sản-phụ khoa Việt Nam sau này), Vũ Công Hòe (Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh-y pháp học Việt Nam sau này), Phạm Khắc Quảng (Chủ tịch Hội Chống lao Việt Nam sau này)… Trước ngày giải phóng Thủ đô, chính quyền Bảo Đại mời ông vào Sài Gòn, chính phủ Pháp tặng vé máy bay cho cả gia đình sang Paris sinh sống, nhưng ông đều từ chối. Đầu năm 1955, ông cũng không nhận lời mời làm việc của chính quyền Miền Nam khi ông được Nhà nước đồng ý cho vào Sài Gòn chịu tang mẹ, ông trở về Hà Nội tích cực hoạt động văn hóa, khoa học, xã hội. Ông là ủy viên Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, ủy viên Ban Chấp hành Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Hà Nội, ủy viên Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội các khóa I, II, III. Tháng 1/1959, ông đóng cửa bệnh viện tư, hiến toàn bộ thiết bị bệnh viện cho Nhà nước, mở phòng khám bệnh đến tháng 4/1960. Tháng 5/1960, ông vào làm trưởng phòng điều trị tại Bệnh viện C (nay là Bệnh viện Phụ-sản Trung ương). Khi Mỹ ném bom miền Bắc năm 1964, dù đã quá tuổi nghỉ hưu, ngành y tế vẫn giữ ông làm việc cho tới sau ngày đất nước thống nhất, cuối năm 1975 mới nghỉ khi đã sang tuổi 74. Trong gần 50 năm làm thầy thuốc, ông đã cứu sống nhiều bệnh nhân, nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh. Cả khi tuổi đã cao, có những đêm mưa gió, bệnh nhân mời ông vẫn đến với họ. Ông là ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Y Dược học Việt Nam và Hội Hồng thập tự Việt Nam. Bác sĩ Hoàng Thủy Ba được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba.
Ông ra đi thanh thản trong giấc ngủ ngày 22/10/1994 tại Hà Nội, thọ 93 tuổi. Báo chí gọi là” đám tang của người Thầy”: “… người ta thấy một đoàn dài các cụ bà tóc bạc phơ,các cựu học sinh Trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III-IV của cụ đi sau linh cữu dọc theo phố Đường Thành…” GS Hoàng Đình Cầu (Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế) : “Vô cùng thương tiếc Cụ Hoàng Thụy Ba, bác sĩ, một vị cán bộ y tế lão thành, đã có mhiều đóng góp lớn cho ngành Y tế Việt Nam, ngay từ các ngày đầu của chính quyền Nhà nước Việt Nam, và tiếp tục trong nhiều năm đóng góp cho ngành.”. Nhà thơ Hoàng Cầm: “Cụ đã để lại cho đời, cho con cháu một chữ TÂM đẹp vĩnh cửu”. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Trường Đại học Y khoa Hà Nội (1902 – 2002) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh bác sĩ Hoàng Thụy Ba (1902 – 2002), nhiều tờ báo đã viết về ông. Đài Truyền hình Việt Nam đã phát cuốn phim “Người thầy thuốc giàu lòng nhân ái” ngày 28/3/2003 về bác sĩ Hoàng Thụy Ba.
Ông là khởi đầu của ba gia đình ba đời làm nghề Y: 3 người con, 8 cháu nội, ngoại là bác sĩ, dược sĩ.
CHÚ THÍCH
1.”Bát cơm Phiếu mẫu”: ở Trung Hoa, Hàn Tín rất nghèo, được bà Phiếu mẫu (làm nghề giặt vải, cũng rất nghèo) hàng ngày đem cho bát cơm để sống. Khi được Hán Cao tổ phong làm Sở Vương, Hàn Tín đã trả ơn bà bằng nghìn lạng vàng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban lịch sử Đại học Y Hà Nội (2003). Lịch sử Trường Đại học Y Hà Nội, giai đoạn 1902 – 1945. Trường Đại Học Y Hà Nội.
2. Bộ Y tế (2002). Người chiến sĩ áo trắng trên những nẻo đường đất nước, tập 3, Bộ Y tế, Hà Nội, 119 – 123.
3. Hoàng Ngọc Bính (2016). Những bông hoa đời thường. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 22 – 25.
4. Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây (2002). Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh bác sĩ Hoàng Thụy Ba.
5. Vân Long (2013). Sống nhiều hơn một đời. NXB Phụ nữ, Hà Nội, 100 – 105.
6. Các báo, tạp chí:
- Nhân Dân, các ngày 25/8/2002, 14/11/2002.
- Lao Động, ngày 5/10/2002.
- Sức khỏe và Đời sống, các ngày 13/4/2002, 25/7/2002, 10/10/2002.
- Xưa và Nay, số 119, tháng 7/2002.
- Thế giới mới, số 492, ngày 24/6/2002
- Phụ nữ Thủ Đô, số 41, tháng 10/2002.
- Bắc Ninh, số Tết Quí Mùi, 2003.
- An ninh thế giới, số 66, tháng 1/2007.
- Y học cộng đồng, các số 94, tháng 7/2014, số 15+16, tháng 1+2/2015.
- Tinh hoa Việt, ngày 25/4/2019.