Vũ Ngọc Quỳnh
Tôi cùng anh Quang, người bạn cố tri, rủ nhau đi viếng thăm các tiệm sách ở Khu la-tinh (tiếng Pháp là "quartier latin", (1)) mà chúng tôi đã quen biết trong gần nửa thế kỷ, để xem những biến đổi trong thời gian đó. Chúng tôi dành hai ngày ghé ngang những tiệm sách này
Khu la-tinh
"Quartier latin" là cái nôi văn hoá của sinh viên Paris, nằm ở quận 5, Paris.
Từ đại học "La Sorbonne" cho đến những Đại học Luật, Đại học Y khoa, Trường Bách Khoa ("École polytechnique"), Cao đẳng Sư phạm ("École normale supérieure"), hay những trường trung học có tiếng như Louis-le-Grand, Saint-Louis, Henri IV, collège Sainte-Barbe, rồi điện Panthéon, Collège de France, Thư viện Sainte-Geneviève đều nằm trong khu này và đều là những nơi có truyền thống lâu đời.
La Sorbonne được Robert de Sorbon xây năm 1253 và được Hồng y giáo chủ Richelieu khuếch trương vào thế kỷ XVIII, sau được tu sửa thành một đại học hiện đại đón tiếp 10.000 sinh viên.
Và chúng ta còn nhớ Tháng năm 68, cuộc nổi dậy của sinh viên Pháp cũng khởi đầu tại đây trước khi lan tỏa khắp nước Pháp.
Chúng tôi lần lượt đi thăm viếng các tiệm sách theo từng khu của Quartier latin.
Xuôi theo đại lộ ("boulevard") Saint-Michel
Boul’Mich như sinh viên thường gọi, là đại lộ vua của khu này.
Những tiệm sách lớn cũng như các tiệm cà phê danh tiếng tập trung ở đây trước khi một số đã biến mất với thời gian.
Tiệm sách Joseph Gibert và Gibert Jeune
Hai tiệm sách này có chung một nguồn gốc.
Năm 1886 nhà giáo Joseph Gibert từ Saint-Étienne lên Paris sáng lập tiệm sách đầu tiên mang tên Gibert, tọa lạc ở 23 "Quai" Saint-Michel. Ông có một sáng kiến độc đáo: Tiệm sách ông chuyên mua và bán những sách giáo khoa cũ, gọi là livres d’occasion, cho học trò tiểu học, trung học. Ông làm việc liên tục trong bốn mươi năm trời, thời gian không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã đến tiệm sách đầu niên học để mua sách và đến cuối năm để bán lại. Tục này thành nếp chung cho học trò.
Ông Joseph Gibert mất năm 1915 và năm 1925 công ty Gibert ra đời.
Người con cả giữ tên Joseph Gibert và mở tiệm ở 30 boulevard Saint-Michel, người con út kế nghiệp cha ở Quai Saint-Michel với tên Gibert Jeune và phát triển thành công; ông mua lại toà nhà lớn ở Place Saint-Michel và hoạt động ở đây.
Gibert Jeune khai thác triệt để những thương mại khác ngoài mua bán sách cũ.
Năm 2001, nhóm mở chuỗi Cửa hàng Thế giới Sách ("Magasins de l’Univers du Livre") ở Évreux, Chalon, Mâcon, Orgeval, Saint-Germain-en-Laye. Ba mươi tiệm sách lớn được mở ra trong mười hai thành phố nước Pháp.
Đà phát triển của Joseph Gibert suy yếu dần trước cạnh tranh mạnh của dịch vụ mua sách qua mạng mà Amazone là tiêu biểu.
Gibert Jeune đã đóng cửa năm 2021, nhường cho Thành phố Paris tiếp tục hoạt động.
Một số tiệm sách khác ở Quartier latin cũng chịu số phận này.
Tiệm sách Boulimier
20 boulevard Saint-MichelTiệm sách lớn này nằm ở góc hai đại lộ Saint-Michel và Saint-Germain, chỉ cách một tiệm cà phê.
Tiệm sách được sáng lập năm 1938, mang tên người sáng lập.
Một mức mành lớn màu đỏ treo trước cửa tiệm viết:
“ Livres – DVD – Achat et vente – Paiement comptant » (mua bán sách, đĩa hát, trả tiền mặt)
Những quầy sách lớn trước cửa tiệm trưng bầy đủ loại sách, từ tiểu thuyết đến sách trinh thám, từ sách nấu ăn đến sách du lịch, phần lớn là sách tiếng Pháp, nhưng có một quầy đựng sách tiếng Anh.
Lúc nào khách cũng nườm nượp đến xem, chọn, mua một lô sách- giá một cuốn tiểu thuyết cũ có 0,20 đến 0,50€, không thể có ai cạnh tranh được.
Quảng trường La Sorbonne
Khu này rất đẹp, ở phía trước cổng chính của đại học La Sorbonne (2), có quảng trường hình chữ nhật bao quanh bởi những tảng đá dài, suối nước tuôn trong bể nước, với tượng Auguste Comte, tổ sư của chủ nghĩa thực chứng (positivisme), ngự tọa gần boulevard Saint-Michel, phía bên kia là tiệm cà phê - thuốc lá "Tabac de la Sorbonne", thân thiết với nhiều thế hệ sinh viên.
Tiệm sách đại học PUF ( les Presses Universitaires de France)
Nằm ở góc Place de la Sorbonne và boulevard Saint-Michel,
PUF là nhà xuất bản và là tiệm sách uy tín hàng đầu của những tác giả lớn của nhiều đại học chuyên về khoa học xã hội và nhân văn (bộ sách Quadrige nổi tiếng) và một ít khoa học tự nhiên.
Nhà xuất bản cũng nổi tiếng với bộ sách nhỏ Que sais-je (chỉ khoảng 150 trang) phổ biến tri thức thuộc đủ các ngành với mấy ngàn tựa, nay còn thấy bán.
Năm 2006, ban quản trị của PUF thông báo là tiệm sách lịch sử này đóng cửa, nhường cho một tiệm bán quần áo, sau tiệm này nhường cho tiệm ăn Prêt-à-Manger hiện nay.
Tác giả chụp trước tiệm PUF hiện nay
PUF dọn đến một tiệm nhỏ ở rue Monsieur-Leprince và năm 2016 tiệm dọn đến số nhà 60, một tiệm khang trang trình bầy những tựa sách mới trong các quầy sách mỹ thuật.
Ông tiếp khách cho tôi biết là khách có thể đặt mua những sách cũ của PUF đã được số hoá, họ in tại chỗ, khách ngồi uống cà phê ngay trong tiệm và khoảng một tiếng sau khách sẽ có cuốn sách trong tay. Đó là khái niệm librairie-café.
Tiệm sách J.Vrin
6 place de la Sorbonne
Tiệm này chuyên bán sách triết, nhưng cũng bán một số tiểu thuyết cũ.
Tôi đã mua ở đây cuốn Rivage des Syrtes của Julien Gracq.
Người tiếp khách nhã nhận cho tôi biết là tiệm sách tổ chức những buổi gặp gỡ những triết gia, những nhà văn, những giáo sư đại học với những độc giả. Đây là điểm đặc biệt của tiệm sách.
Tiệm sách Jean Maisonneuve
3 bis, place de la Sorbonne
Tiệm này sơn màu xanh lá cây, kín đáo nằm sau mấy cái bàn ăn của tiệm Écritoire sát bên cạnh.
Tiệm sách ra đời vào cuối thế kỷ XIX, chuyên về văn hoá, đạo giáo cổ của Mỹ, Đông Âu.
Hôm chúng tôi đi qua thấy tiệm trưng bầy một cuốn sách chữ Hán có tranh Tàu thế kỷ thứ XVIII trông lạ mắt.
Phố các Trường học (rue des Écoles)
Rue des Écoles chạy dài từ boulevard Saint-Michel đến rue Jussieu.
Đây là một phố có La Sorbonne, Collège de France, tượng Montaigne, tượng Claude Bernard, tượng Champollion, tượng Ronsard.
Các tiệm sách lớn nhỏ nằm hai bên phố này.
Tiệm sách Compagnie
58 rue des Écoles
Đây là một tiệm sách lớn, quầy hàng trưng bầy những sách mới ra đủ loại, từ tiểu thuyết đến khảo luận, từ chính trị đến lịch sử. Các nhân viên tiệm sách sẵn sàng trả lời độc giả về một cuốn sách và khi nào một cuốn sách không có trong tiệm họ có thể đặt mua cho khách hàng.
Tiệm sách - Nhà xuất bản L’Harmattan
Đây là một nhà xuất bản lớn, thành lập năm 1975 bởi Denys Pryen và Robert Agneneau với mục tiêu xuất bản sách Pháp ngữ về khoa học nhân văn, đặc biệt các sách về "thế giới thứ ba"
Trụ sở L’Harmattan nằm ở số 5 rue de l’École polytechnique.
L’Harmattan có hai tiệm sách ở số 16 và 21 rue des Écoles, cả hai đều sơn màu xanh lá cây.
- Tiệm 16 rue des Écoles :
Trước cửa tiệm treo một bảng lớn nêu rõ địa hạt của nhà xuất bản:
Thế giới Ả Rập- Nước I Pha Nho- Nước Bồ Đào Nha- Nam Mỹ- Á Đông-
Chúng ta vào tiệm sách, có người đón ở mỗi khu sách, trả lời những câu hỏi của khách: loại sách nào nằm ở đâu, tựa sách có hay không, họ tìm trong máy vi tính nhanh chóng.
Chúng ta xuống hầm, sẽ khám phá ra kho sách Á Đông, nào Mông Cổ, nào Trung Quốc, nào Nhật Bản, nào Đại Hàn, nào Việt Nam.
Nhà xuất bản L’Harmattan sẵn sàng in một cuốn sách của một tác giả- theo hình thức tự xuất bản, đây cũng là mô hình hoạt động chính của nhà xuất bản này.
Tác giả đưa bản thảo điện tử cho người trách nhiệm của L’Harmattan, họ sẽ nghiên cứu về cách in cuốn sách và sẽ cho tác giả biết về số tiền phải trả, tuỳ theo số trang sách, nhũng hình và sơ đồ của cuốn sách, số lượng sách in.
Tôi đã có dịp cùng hội Adaly (Những người bạn của Đà Lạt) tái bản cuốn Ngụ ngôn La Fontaine do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, nên biết đôi chút các khâu về xuất bản một cuốn sách.
- Tiệm 21 rue des Écoles
Tiệm này sát với Square Paul Langevin nằm sau École polytechnique.
Tiệm sách chuyên bán về sách khoa học nhân văn. Trước cửa tiệm có quầy bán các sách cũ, có sách mới ra có vài năm trước đã nằm trong quầy này rồi.
Présence Africaine. Éditions
25 bis rue des Écoles
Độc giả nào muốn tìm hiểu về Phi châu thì vào thăm tiệm sách này.
Le Livre Penseur (3)
23 B rue des Écoles
Tiệm sơn màu đỏ từ ngoài đến trong.
Bà chủ tiệm tiếp đón niềm nở khách.
Tiệm sách chuyên về các tác giả danh tiếng trong văn chương, sẵn sàng mua lại các sách loại này.
Một hôm tôi thấy bầy trong tủ kính cuốn
Poésies d’Extrême-Orient của Tran Van Tung, Éditions Grasset- Paris 1946, tôi vào mua ngay và đó là dịp làm quen bà chủ tiệm, sau đó còn có dịp gặp lại.
Tiệm sách Paginaire
16 rue des Écoles
Tiệm này chuyên bán truyện tranh.
Chung quanh Panthéon, rue Soufflot
Đây là khu của Đại học Paris I- Panthéon La Sorbonne chuyên về Luật, Khoa học chính trị và xã hội.
Hai tiệm sách chuyên môn về luật và khoa học chính trị là:
Nhà xuất bản và tiệm sách Pedone
13 rue Soufflot
Nhà xuất bản và tiệm sách này có từ năm 1838 và từ năm 1860 họ nhận và xuất bản những bản thảo và tác phẩm hướng về triển khai luật trong không gian quốc tế.
Hai tiệm sách Lefèvre Dalloz và IGDJ
Nằm cạnh nhau ở số 20 và 22 rue Soufflot, chuyên bán sách về luật. Họ cũng là những nhà xuất bản sách pháp lý lâu đời (từ giữa thế kỷ 19).
Khu vực rue Fossés-Saint-Jacques
Phố nhỏ này nằm cạnh Panthéon, song song với rue Soufflot.
Trước hết chúng tôi đến thăm Association Philotechnique ở 18 phố này, không phải là một tiệm sách mà là một hội giáo dục phổ thông cho người lớn, được sáng lập năm 1848 bởi nhà toán học Eugène Lionnet- ông Auguste Comte là một người đóng góp ngay từ lúc đầu.
Hiện nay hội vẫn hoạt động với những khoá dạy về ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, khoa học, nhạc, vũ, họa.
Vào thập niên 1950, đây là Foyer des étudiants Sainte-Geneviève, một quán ăn bình dân mà sinh viên Quartier latin đều quen biết.
Maison des agrégés-Société des agrégés
8 rue des Fossés-Saint-Jacques
Đây là hội và quán sách của những agrégés (4) de l’université.
Hội giúp đỡ những sinh viên sửa soạn thi agrégation.
Tiệm sách Pensée
10 rue des Fossés Saint-Jacques’
Tiệm sách này thuộc hội Libre Pensée, một hội truyền bá tư tưởng dựa vào lý trí và khoa học, chủ trương trường học thế tục (école laïque), đứng ngoài các đảng phái chính trị và giáo hội.
Gần khu này có
Tiệm sách Maurice Nadaud
3 rue Malebranche
Maurice Nadaud (1911-2013) là một nhân vật có tiếng trong văn chương Pháp. Xuất thân là một nhà giáo tiểu học, ông trở thành một nhà văn, nhà phê bình văn học, một giám đốc của nhiều tạp chí, một nhà xuất bản đã in ra nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Tiệm sách của ông nằm giữa Panthéon và Vườn Luxembourg.
Tiệm sách điện ảnh
La librairie du Cinéma du Panthéon
15 rue Victor Cousin
Tiệm sách này gắn bó điện ảnh với văn chương, điển hình là:
Sách Hitchcock/ Truffaut, của François Truffaut ;
La Voix manquante của Frédérique Berthet ;
Chronique d’un d’été của Jean Rouch và Edgar Morin
Faire un film của Sydney Lumet ;
Le Prix d’excellence của Régis Wagnier, đạo diễn phim Indochine.
Khu Contrescarpe - rue Mouffetard - rue Monge
Place đe la Contrescarpe
Khu tròn này là một khu phố cổ, xây từ thế kỷ XIII bên cạnh thành lũy Auguste Philippe.
Khu này và những khu chung quanh đã được tu bổ từ hai mươi năm qua, nay trở thành một nơi thu hút nhiều khách.
Tiệm cà phê Delmas ngay ở La Contrescarpe chật kín khách những ngày cuối tuần.
L’Arbre du Voyageur
55 rue Mouffetard
Năm 1980, bốn nhà bán sách yêu nghề nghiệp sáng lập tiệm sách này, nay Emmanuel Desmarest làm quản lý.
Khách hàng có thể trao đổi với người tiếp khách về một tác giả, một tác phẩm.
Thư viện Mohammed Arkoun’
74 rue Mouffetard
Đây là một thư viện của Thành phố Paris, sáng sủa, rộng rãi, có nhiều báo chí, tạp chí. Thời sinh tiền, anh Nguyễn Thanh Nhã láng giềng khu này thường hay đến đây đọc báo chí.
Tiệm sách Chloé et Denis Ozanne
21 rue Monge
Đây là tiệm sách dành cho những sách và những hình ảnh hiếm về sách của những kiến trúc, nghệ sĩ, báo chí "tiền phong" (périodique avant-garde).
Vài tiệm sách khác
Tiệm sách Eyrolles
57-61 boulevard Saint-Germain
Toà nhà gạch đỏ có diện tích 1200 m2 chuyên xuất bản và bán sách kỹ thuật.
Thế giới truyện tranh - Bandes dessinées
Đây là thế giới đặc biệt của những người yêu truyện tranh, từ 7 đến 77 tuổi, như Tintin đã quảng cáo.
Éditions Dupuis- Charleroi-Belgique
Là thủy tổ các truyện tranh nổi tiếng như Spirou, Gaston la Gaffe cho đến những truyện tranh hiện đại. Xem Dupuis.com.
Đây là một vài tiệm sách trong lĩnh vực này :
Album Comics, 67 boulevard Saint-Germaim
Album BD, 84 boulevard Saint-Germain
Pulp’s Comics, 9 rue Dante
Tiệm sách tiếng Anh Shakespeare & Co
37 rue de La Bûcherie
Đây là tiệm sách Mỹ rất nổi tiếng được Sylvia Beach (1887-1962), sinh trưởng ở Baltimore, đến Paris sáng lập tiệm sách này ở rue Dupuytren năm 1919, tiệm dọn đến rue de l’Odéon năm 1921, và đến 37 rue de La Bûcherie năm 1951.
Năm 1922, Sylvia Beach xuất bản cuốn Ulysses của James Joyce và ngay sau đó Adrienne Monnier sẽ nhờ Valery Larbaud và Bemoist Mechin dịch ra tiếng Pháp với tựa đề Ulysse (không có S).
Cuối tháng 11 năm 2007, nhà thơ Dương Tường cùng chị Chánh Mouniama có đến tiệm sách này thăm viếng, được ông George Whitman là người quản lý, lúc đó đã 93 tuổi rồi, tiếp đãi ân cần và kể lại sự tích về tiệm sách này, nhà thơ có thuật lại chuyến thăm này trong Carnets du Viêt Nam, số 17, Hiver janvier 2008.
Những văn hào lớn người Mỹ của Beat Generation như Ernest Hemingway quen thuộc chủ nhân và tiệm sách này như ông kể trong
A moveable feast (USA, 1964), Henry Miller, Jack Kérouac cũng đã đến đây.
Nhà xuất bản François Maspero
Tiệm sách La Joie de Lire
Nhà xuất bản La Découverte
1 place Painlevé, Paris 5e
40 rue Saint-Séverins, Paris 5e
François Maspero (1932-2015) là hiện thân của một nhà xuất bản “dấn thân”, ông không ngưng hoạt động trong hai mươi lăm năm liên tục.
Từ năm 1959 đến năm 1961, ông cáng đáng một mình về chọn chữ in, đọc các bản thảo cho nhà xuất bản mang tên ông. Sau đó ông chọn một đội ngũ làm việc cùng ông.
Nhà xuất bản François Maspero đã cho ra đời 30 bộ sách (collections), 8 tạp chí, 1350 tựa sách.
Librairie La Joie de Lire
40 rue Saint-Séverin
Là tiệm sách của Nhà xuất bản François Maspero, với những sách nói về thời chấm dứt thuộc địa Pháp, về chiến tranh giải phóng ở các nước Việt Nam, An Giê Ri, Nam Mỹ.
Trong collection Cahiers Libres 80 có cuốn sách Récits de la résistance vietnamienne (1925-1945) của nhiều nhà cách mạng Việt Năm.
Tiệm sách này đã bị đe dọa khủng bố nhiều lần, có một lần bị đốt cháy trơ trọi. Nhóm khủng bố không phải chỉ là cực hữu mà còn nhũng nhóm cực tả nhân lúc Mai 68 đã đến đây cướp sách và vu khống François Maspero là buôn bán cách mạng.
Năm 1982, ông quyết định ngưng hoạt động, trao trách nhiệm cho François Gèze tiếp tục mục tiêu của ông.
Năm 1983 Édition La Découverte ra đời, thay thế Éditions François Maspero. François Gèze là người quản lý đầu tiên, Hugues Jallon là người kế tiếp cho đến nay.
François Maspero mất ngày 14/04/2015, để lại một tên tuổi lớn.
Vài tiệm sách Việt Nam
Tiệm sách Lê Lợi
3 rue de La Huchette
Chúng tôi biết tiệm sách này từ năm 1954, sách được sáng lập bởi bà Nguyễn Thu Lê và bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, bán những cuốn sách xuất bản ở Hà Nội.
Thời đó có những cuốn sách tiếng Việt để đọc rất là quý.
Sau đó ông Đào Khiết, một Lính Thợ quản lý tiệm sách và tiệm ngừng hoạt động khoảng năm 70/80.
Tiệm sách Sudestasie
17 rue Cardinal Lemoine
Đây là nhà xuất bản và là tiệm sách do linh mục Nguyễn Đình Thi và hội Fraternité Việt Nam sáng lập, nay bà Phạm Thiều Tú là người quản lý. Tiệm sách này có nhiều sách và tạp chí tiếng Pháp về Đông Dương, Việt Nam.
Maison du Viêt Nam
23 rue Cardinale Lemoine
Nhà Việt Nam hoạt động từ mùa thu năm 1985, người quản lý là bà Nguyễn Tuyết Nga, sau là ông Bạch Thái Quốc và sau cùng là ông Cao Xuân Toàn.
Một tiệm sách được mở ra ở đó, chuyên bán sách từ Việt Nam qua.
Nhà Việt Nam ngưng hoạt động vào khoảng cuối thập niên 1990.
Terres Nouvelles
184 Avenue de Choisy, Paris 13
Là một tiệm sách Việt Nam nằm ngoài khu Quarier latin, do ông Vũ Xuân Hiếu quản lý.
Tiệm sách có nhiều revues de L’École française d’Extrême-Orient.và những sách cũ tiếng Pháp về Đông Dương.
Les Bouquinistes des quais de la Seine (5)
Tôi cùng anh Quang dành thì giờ chót đi dạo dọc tả ngạn sông Seine tử Quai Montebello đến Quai Augustin, vừa ngắm cảnh vừa xem những gian hàng bán sách và tranh ảnh bên bờ sông Seine.
Các quầy hàng sách sơn màu xanh lá cây trưng bầy những sách cũ bọc trong các giấy trong suốt hoặc để như vập trong quầy.
Tôi đã mua cuốn hồi ký của con gái Hoàng Hoa Thám. Bà này được một người Pháp thuộc địa đem về Pháp nuôi, sau lấy một người Pháp quý phái và quen với đời sống Pháp.
Chúng tôi thấy cuốn hồi ký của tướng Lyautey khi đánh trận ở Đông Dương nhưng giá mắc nên không mua.
Chúng tôi ngừng chân ở tiệm cà phê Voltaire, nơi đã đón tiếp chúng tôi cách đây bốn mươi năm.
Anh Quang nói:
-Thế là chúng ta đã thăm các tiệm sách ở Quartier latin và tả ngạn sông Seine ngót một nửa thế kỷ. Tôi nhớ khi xưa ta gọi là bát phố nhưng không chừng chúng ta sẽ bị gọi là Bát Sách.
Tôi vỗ vai anh Quang nói:
-Bát Sách như chúng ta, tôi chắc có nhiều người lắm.
Mùa thu Paris năm 2021
Vũ Ngọc Quỳnh
Chú thích của Diễn Đàn
(1) Tác giả quen dùng tiếng Pháp, đôi khi "quên" là mình đang viết bài cho người đọc Việt Nam có thể không biết tiếng Pháp, nhất là với những tên đường phố. Để cho mạch văn không bị ngắt quãng quá, chúng tôi xin ghi dưới đây một số cách gọi đường phố, và giữ lại cách viết của tác giả.
Quartier là một khu dân cư trong một thành phố, "Quartier latin" dịch sang tiếng Việt là Khu la-tinh.
Boulevard, là đại lộ. Nhưng nếu dịch ngược thì có thể sai, vì "một loại đường lớn khác, "Avenue" cũng được dịch sang tiếng Việt là đại lộ. Boulevard vốn là từ gốc Hà Lan chỉ một đường thành, bao quanh một thành luỹ, còn Avenue là một con đường dẫn tới một lâu đài, một địa điểm đáng chú ý, như một quảng trường. Ngày nay, trong các thành phố của Pháp, nếu boulevard đôi khi còn giữ ý nghĩa ban đầu (ví dụ "les boulevards extérieurs" chỉ các đại lộ bao quang nội thành Paris), hai từ có khuynh hướng trở thành đồng nghĩa: những con đường lớn, thường có trồng cây hai bên !
Rue là từ chỉ chung các phố, nếu bạn gặp "ruelle" thì đó là một phố nhỏ.
Quai vốn là một bến cảng (cảng sông hay cảng biển), cũng được dùng để chỉ con đường dọc đi cạnh bến đó, hay đơn giản là đường dọc theo bờ sông, bờ biển, dù chỗ đó không được tạo thành "bến" để đón tàu thuyền. Quai trong bài là một khúc đường dọc bờ sông Seine.
Place là quảng trường.
Square là một công viên nhỏ.
(2) Từ cuối thế kỷ 19, La Sorbonne được xây mới, với cổng chính mở ra "rue des Ecoles".
(3) Le Livre Penseur. Một trò chơi chữ, từ cụm từ quen thuộc "le libre penseur" (người tư duy tự do, nhà hiền triết), người ta đã thay chữ cái "b" thành "v", biến "libre" thành "livre" có nghĩa là quyển sách. Theo văn phạm tiếng Pháp thì không chỉnh, vì một tính từ đổi thành danh từ, nhưng ở đây có lẽ người ta đổi "penseur" từ chỗ là danh từ chính thành một trợ từ, "le livre penseur" có thể hiểu là "quyển sách suy nghĩ".
(4) Ngày xưa ở miền nam dùng từ "thạc sĩ" để chỉ văn bằng này, nhưng nay từ "thạc sĩ" đã bị lấy cho bằng master, phổ biến hơn, trong khi agrégation là một văn bằng "thuần Pháp", trình độ học vấn cũng tương đương như master, nhưng có mục tiêu là đi dạy trung học và phải thi tuyển (mỗi năm có một số chỗ nhất định cho mỗi ngành, người thi đỗ được bộ Giáo dục bổ đi dạy với tư cách công chức), nói chung là khó hơn lấy bằng master. Ngược lại, những người thi agrégation không cần phải bảo vệ một luận văn có tính nghiên cứu, mà phải học và đào sâu những chủ đề sẽ dạy sau này. Riêng trong hai ngành luật và y thì bằng agrégation còn cao hơn bằng tiến sĩ, vì dành cho những người muốn có chức giáo sư đại học trong hai ngành này.
(5) "Bouquin" là tiếng lóng, nghĩa là sách. Bouquiniste nghĩa đen là người bán sách. Ở Paris, từ này chỉ những quầy sách được mở ra dọc theo hai bờ sông Seine, khoảng gần nhà thờ Đức Bà. Mỗi quầy một chủ riêng, có một thùng sắt treo lên bức tường thấp dọc theo sông, màu xanh lá cây nhạt, chuyên bán sách và tranh cũ, thi thoảng cũng có sách mới.