NẠN DỊCH TẢ 1832
Dịch thổ tả phát khởi từ Bengal, Ấn Độ lan truyền sang khắp Á châu rồi Trung quốc và tới Nga vào mùa hè 1831. Báo chí Canada bắt đầu loan tin sự lan truyền của bệnh này tại Âu châu. Tại St. Petersburg trong vòng bốn tháng nó đã cướp đi 4,696 mạng người, tại Moscow 2,908 người đã bị tử thần lôi đi trong vòng sáu tuần lễ theo tin của báo Montreal Canadian Courant.
Thần thổ tả đặt chân lên nước Anh bắt đầu tại Sunderland ngày 26.10, gieo rắc kinh hoàng khắp nước, cũng theo tin báo Courant số ngày 4.1.1832. Báo Montreal Vindicator ngày 23.3. loan báo tại Scotland đã có 44 người chết, cho tới 24.1. báo Niagara Gleaner số ngày 31.3 viết những người bị chết tại Edinburgh và Glasgow phần lớn thuộc lớp người nghèo khó và cảnh sát đã đứng chặn các lối vào hai thành phố này để ngăn chặn những kẻ ăn xin và đồng lọai còn trong thành phố đã có lệnh bắt giữ người này để cách ly vào một nơi riêng biệt. Khoảng một tháng sau, báo Gleaner số ngày 29.4 tường thuật tại Paris số người chết vì bệnh dịch nhảy vọt lên khoảng 20,000-30,000. Theo lệnh chính phủ những xác chỉ được đem đi ban đêm, trên xe ngưạ kéo của quân đội rồi vứt tập thể vào các hố đào sẵn. Các bài tường thuật của báo chí làm dư luận sôi nổi và lo sợ về các cuộc di dân từ Anh sang Canada dự trù vào cuối xuân.
Cuộc phòng dịch
Thống đốc Canada Thượng và Hạ, Nam tước Matthew Whitworth Aylmer biết bệnh dịch tả đã xuất hiện tại Anh qua báo chí. Trước đó đã có nhiều tàu chở gỗ sang Anh và đang sắp trở về và sẽ chở các người di dân. Những người di dân này trong các chuyến trước thường được dồn chật cứng dưới hầm tàu ngoại trừ một số ít hiếm hoi được xếp trên boong.
Nước Anh khi đó đã chuẩn bị phòng dịch bằng thành lập các ban y tế địa phương và sẽ gửi những người này tới các thuộc địa. Thống đốc Aylmer qua Quốc hội đã ra luật ngày 25.2 thành lập một trại kiểm dịch tại đảo Grosse, trên hạ lưu sông St. Lawrence, cách Quebec 50 km, cùng các Ban y tế Quebec và Montreal. Đạo luật cung cấp 10,000 đồng bảng Anh cho mỗi ban y tế và trại kiểm dịch. Vào tháng 3.1832 lại có thêm đạo luật khác bắt mỗi di dân phải đóng 5 shillings để góp vào việc trợ giúp người bệnh hoạn chở tới nơi định cư, thường là Canada Thượng với một số ít đi Mỹ.
Báo Quebec Gazette mô tả đảo Grosse với bến tàu là một trong những địa điểm đẹp của sông St. Lawrence. Bến tàu với chiều dài ba mi và chiều rộng 400-600 yards, bao bọc bởi đảo Grosse và ba đảo nhỏ khác có thể làm chổ cập bến cho 100 chiếc tàu. Quân đội đã tới để dựng trại và tạm chiếm luôn một trang trại duy nhất trên đảo đã khiến chủ trại và gia đình sửng sốt và kinh ngạc. Trại kiểm dịch còn thiết lập một bệnh viện với ba bác sĩ và nhiều y tá, chưa kể một một sĩ quan hải quân, nhiều quân lính, thư ký và lao công.
Tất cả các tàu bè từ Đại tây Dương tới và đi ngược sông đều phải dừng lại tại trại kiểm dịch. Nếu qua cuộc kiểm tra mà không có hành khách hay nhân viên trên tàu nào đau ốm suốt cuộc hành trình thì tàu mới được phép đi ngược lên Quebec. Nếu trên tàu có người bị bệnh, tàu sẽ bị giữ lại từ 3 tới 30 ngày tùy bệnh trạng. Những hành khách trong hầm tàu bị đưa đi tắm gội, xịt thuốc cùng với hành lý và cả tàu cũng bị xịt thuốc nữa. Những hành khách có phòng riêng, nếu không ai bị bệnh thì được ở nguyên tại chỗ.
Tại Quebec và Montreal nhiều biện pháp được áp dụng, tại mỗi quận đều có một uỷ viên y tế – Quebec lúc đó có 14 quận – người này có toàn quyền cưỡng bách mọi người phải tuân theo các biện pháp y tế đề ra, mỗi nhà đều bị khám xét mỗi tuần ba lần, nhà cửa phải lau chùi sạch sẽ, chỗ dơ bẩn phải xịt thuốc hoặc rắc vôi trắng.
Tuy nhiên số tàu cập bến nhiều quá, số di dân liên tiếp tới cả hàng trăm, có khi hàng ngàn nên hệ thống phòng dịch hầu như ngày thêm lỏng lẻo, có tàu đi thẳng luôn tới Quebec, nhiều người bệnh không được báo cáo, không khám phá ra và nhiều khi họ còn tìm cách trốn tránh sự kiểm tra vì thời đó người ta chưa hiểu bệnh dịch từ đâu mà có và nó được truyền nhiễm ra sao. Ngay cả các chuyên viên y tế cũng không đồng ý là bệnh thổ tả có truyền nhiễm hay không. Mọi người có vẻ đồng ý hơn với ý kiến cho rằng bệnh dịch là do muà hè nóng nực, thức ăn dễ thiu thối, cái mà họ gọi chung là
“ chướng khí/miasma””
Tình hình trại kiểm dịch
Sau khi trại kiểm dịch được thiết lập, chuyến tàu đầu tiên chở di dân cập bến đảo Grosse ngày 28.4.1832 đó là tàu Constantia chở theo 141 người Irish từ Limerick. Trong chuyến hải hành đã có 29 người chết vì bệnh dịch.
Khoảng sáu tuần sau, 400 tàu vào sông St. Lawrence chở tổng cộng 20,000 di dân trong đó có tàu không dừng lại trại kiểm dịch. Chỉ trong bốn ngày từ 2.6-5.6 có tới 7,151 người đã đi qua trại kiểm dịch nhưng không phải tất cả đều được kiểm tra. Tới cuối thu số người tới Quebec lên tới 52,000 di dân hầu hết từ Ireland.
Không ai rõ là tàu nào đã mang thần dịch tả tới Canada và từ lúc nào, riêng các sử gia thì cho là Thần Dịch đã ngụ trên chiếc tàu Carricks khởi hành từ Dublin và tới đảo Grosse ngày 3.6 chở theo 104 hành khách và trong số đó 43 người đã chết trước khi cập bến.
Ngày 6.6 cả Quebec giật mình khi được tin do báo Vindicator cho biết tại Grosse hai di dân mới chết vì bệnh dịch. Bác sĩ Cao uỷ Y tế Quebec Joseph Morin và tổng giám đốc y tế T.A. Young vội tới thanh tra và sau đó báo cáo rằng “cái sốt nóng” tại Grosse cũng là cái sốt bình thường và không phải do bệnh dịch gây ra. Căn cứ theo báo cáo này ngày hôm sau báo Gazette viết rằng những tin đồn người chết hay mắc bệnh dịch tả đều vô căn cứ. Ngày hôm sau 7.6, tàu Europe chở 371 di dân Irish, không dừng lại tại Grosse mà chạy thẳng tới Quebec. Uỷ viên Y tế Quebec lên tàu khám, được báo cáo có vài người chắc đang bị bệnh đậu mùa thôi, bèn cấp giấy phép cho tàu cập bến và khách được lên bờ. Các hành khách của tàu Carricks ngày 8.6 được tàu hơi nước Voyageur chở một số ít đi Quebec còn hầu hết đi Montreal. Ngay ngay hôm đó, hai người tới Quebec bị chết và bệnh viện xác nhận lần đầu tiên là do bệnh thổ tả.
Ngày 10.6 bác sĩ John Skey, Giám đốc Quân Y Canada-Hạ sau khi đi khám các bệnh nhân mới di cư tới tuyên bố họ bị bệnh dịch tả. Ngày 8.6 mới có hai người chết vì dịch tả, ngày 11 số người chết là 12 và trong vòng một tuần số tử vong lên tới 161.
Bệnh dịch hoành hành
Sau khi bác sĩ Skey công nhận có bệnh dịch tả, tờ báo Gazette khuyên nhủ moị người tắm rửa sạch sẽ, lau chùi nhà cửa, bớt uống rượu, ăn chừng mực, mặc quần áo ấm và chuẩn bị tinh thần cho cái tồi tệ nhất có thể xảy ra...
Tàu Voyageur – BS Cao uỷ Y tế Montreal Robert Nelson gọi là con tàu “ mắc dịch” vẫn tiếp tục chở người đi từ Quebec tới Montreal. Ngày 10.6 khi tàu cập bến, một hành khách vừa lên bờ là chết, xác bỏ cả ngày tại bến, mọi người còn xúm xít lại xem. Báo Gazette cho tin trong ba ngày liền đó có 23 người chết nhưng lại quy nguyên do là uống whiskey và quá lo sợ tới mất tinh thần. Chỉ trong vòng hai tuần sau đó, tại một nhà trọ có 56 người chết và số người chết trong thành phố lên tới vài trăm người.
Chỉ một ngày sau khi thần chết xuất hiện tại Montreal, tử thần đã bay tới Prescott, Canada-Thượng cướp đi 16 mạng.
Ngày 16.6 Thần dịch xuất hiện tại York tức Toronto sau đó có mặt tại hầu hết các thành phố Canada Thượng lẫn Hạ rồi theo gót chân di dân tới thăm Vermont và tung hoành tới tận miền vịnh Mexico. Tử thần chiếu cố nhiều nhất Canada-Hạ, Quebec chỉ trong vòng ba tuần phải nộp 440 mạng, Montreal còn nhiều hơn thế nữa. Các bệnh nhân không được nhận vào các bệnh viện mà phải vào các “bệnh xá cho người di dân” được cấp tốc thành lập. Các xác được đem chôn cấp tốc trong hố tập thể có khi tới 200 xác chồng chất lên nhau.
Các nhân viên y tế là khổ cực nhất, cả Montreal với 32,000 dân chỉ có 15 bác sĩ. Bác sĩ chết đầu tiên vì bị lây bệnh dịch là BS C.N. Perrault phục vụ tại Sở Y tế Quebec. Sở Y tế Brockville cũng mất BS Robert Gilmour. Tại Montreal kẻ thiệt mạng đầu tiên trong ngành y khoa là một sinh viên y khoa 19 tuổi tên John Grant Struthers. BS Daniel Tracey, chủ nhiệm báo Vindicator cũng chết ngày 18.6.
Tổng số tử vong
Tổng số người tử vong vì dịch tả 1832 cho toàn Canada không có con số chính thức là bao nhiêu. Sở Y tế Quebec có hồ sơ của 3,451 người chết nhưng hẳn còn thiếu sót nhiều. BS Nelson cho con số là 4,000 tại Montreal, Linh mục John Strachan ước lượng con số 40 tại York. Các tỉnh miền duyên hải đều may mắn không bị dịch thần thăm viếng, chỉ riêng thành phố Saint John, New Brunswick có số tử vong là 32.
Tổng kết số tử vong do trận dịch tả 1832 gần với chính xác nhất là 9,000. Sau đó tại Canada còn vài trận dịch tả nữa vào các năm 1834, 1849, 1851, 1852 và 1854 nhưng không hung hãn bằng trận dịch 1832 và tổng số tử vong là vào khoảng 20,000 người.
NẠN DỊCH SỐT CHẤY RẬN 1847
Theo thống kê 1841 nước Ireland có dân số ít nhất là 8.2 triệu. Trước khi nạn đói 1847 xảy ra, theo cuốn sách The Great Hunger của sử gia Cecil Woodham Smith, trong khi dân số đang tăng thì hoàn cảnh xã hội lại không được tốt đẹp, ba phần tư lực lượng lao động bị thất nghiệp, tình trạng gia cư xuống cấp, mức sống tụt xuống một cách thảm hại. Hai phần ba người Irish, phần lới là tá điền, chỉ sống bằng trông cậy vào khoai tây vừa để nuôi người vừa để nuôi gia súc, gia cầm. William Courtenay, bá tước Devon,trong một tường trình năm 1845 nói về gia cư của tá điền, “...với họ một cái giường và một cái nệm đã là một thứ đồ xa xỉ rồi.”
Nạn đói coi như là thông thường, nhất là về mùa hè, khoai dự trữ đã hết, mùa khoai mới chưa tới. Lại thêm nạn mất mùa thường xảy ra: trong thời gian 118 năm có tới 23 vụ mất mùa. Nhưng nạn đói tệ hại nhất là từ tháng 9.1845 với cao điểm vào 1847. Khoai đang có lá tươi tốt bỗng nhiên chỉ qua một đêm héo úa hết.
Thủ tướng Anh Robert Peel ngay năm đầu tiên vội mua ngay 100,000 bảng Anh bắp, đồng thời tìm việc cho nửa triệu người và nạn đói chưa nên nỗi. Chỉ thời gian 1846-1852 dưới thời thủ tướng John Russell nạn đói mới trở nên khủng khiếp khiến hai triệu rưởi người Irish hoặc bị chết đói hoặc phải di cư đi nước khác. Người Irish phải đem cầm họăc bán tất cả cái gì họ có, quần áo chỉ giữ lại một bộ, rách rưới, hôi hám, ngay cả giường nệm cũng bán hoặc cầm đi luôn. Sử gia John Gallagher viết, “ Họ chết khắp ngả đường, với cỏ còn ngậm đầy miệng.”
Vậy mà trong suốt thời gian người Irsih bị đói, cả lượng khổng lồ thực phẩm vẫn được chở từ Ireland sang Anh quốc! Woodham Smith viết, “ Họ chết đói vì không có tiền. Bắp vẫn đầy rẫy trong nước trong khi dân chúng chết. Bắp được đem bán ra nước ngoài để trả nợ ”
Chính phủ Russell giải quyết nạn đói bằng cách di dân, mở rộng các nông trại và thị trường hoàn toàn tự do. Chính sách này được áp dụng triệt để, bỏ lơ các vấn đề nhân quyền, các kỳ thị chủng tộc và tôn giáo - người Irish theo công giáo, thường bị người Anh khinh rẻ là lười biếng – các áp bức của điền chủ người Anh với tá điền người Irish. Ngay cả người phụ trách thi hành là Charles Trevelyan cũng khinh miệt rõ ràng người Irish, nói rằng, “ Cái tồi tệ mà chúng ta phải đối phó không phải là nạn đói, mà là một bọn người ích kỷ, du thủ du thực. Thượng đế đã gây ra nạn đói để dạy họ một bài học.”
Trong khi đó chính phủ Russell lại còn bãi bỏ chương trình thuê người làm và phân phối thực phẩm mà thay vào đó bằng cách thành lập các trại tạm trú và nuôi bằng soup. Chỗ tạm trú chứa từng gia đình, tình trạng không khả quan gì hơn một trại tù và chương trình cho ăn soup cũng chỉ kéo dài 18 tháng rồi chấm dứt vào hè 1847. Mọi người trông chờ vào mùa khoai khi mùa thu tới nhưng năm ấy sự thu hoạch chỉ bằng 1/7 của mùa năm 1844.
Thần Chết bắt đầu ra tay. Đã thế chính phủ lại còn ra luật cho các trại chủ ngoài việc phải trả tiền cho tá điền thuê đất, phải đóng thuế 10 triệu bảng Anh khiến chính các trại chủ phần lớn muốn như bị phá sản vì không lấy được tiền tô. Chính phủ lại còn phái quân lính tới giúp các trại chủ với huấn thị, “ Bắt giữ, làm bất cứ cái gì có thể làm ” để thu thuế. Tổng giám đốc ngân khố Anh và Thống đốc Anh tại Ireland đều đồng ý với chính sách này. Các nhân viên thu thuế đã đi tịch thu đồ đạc, gia súc ngay cả quần áo nhưng cũng chỉ đáng giá dưới một triệu bảng Anh.
Chính phủ còn khuyến khích và giúp đỡ các trại chủ tống xuất các tá điền ra nước ngoài. Một trong những người đầu tiên thi hành chính sách này là thiếu tá kỵ binh Denis Mahon, chủ đất 9,000 trên đó có 28 thôn nhỏ tại quận Roscommon. Mahon bỏ ra 4,000 Bảng để gửi 800 tá điền đi Canada. Họ được hứa hẹn sẽ gặp đại diện của chủ điền tại Canada để giúp họ tiền bạc, y phục và các thứ trợ giúp khác nhưng thật ra chỉ là những điều nói dối cũng như các trại chủ khác vậy. Những ai không chịu xuất ngọai thì Mahon tống ra khỏi nông trại chừng 3,000 tá điền và gia đình.
Thế là trong đợt đầu gần nửa triệu người sống lang thang, không cửa nhà, quần áp cắp nách, phải đào đất làm hố để trú ngụ, mái che bằng cách cành cây hay củi nhặt được. Ngay cả nghị viện cũng bênh vực hành động của các trại chủ này.
Các người Irish vô gia cư vô nghệ nghiệp này bị chính phủ bỏ rơi, chỉ còn có cách sống duy nhất là trông vào lòng từ thiện cá nhân.
Khắp Ireland, mọi người hoặc là tự bố thí hoặc là góp tiền cho quỹ từ thiện. Một nhà thờ cung cấp hàng ngày nửa lít soup cho 1,149 người, một uỷ ban tại Belfast tặng soup cho 12,000 mỗi ngày. Nữ hoàng Victoria, tổng thống Hoa Kỳ, giáo hoàng đều gửi đồ tặng. Nữ hoàng Victoria còn hô hào góp qũy cứu trợ được 200,000 bảng. Quân nhân Irish tại Calcutta quyên tặng 14,000 bảng. Quốc vương Ottoman Sultan Abdulmecid tặng 1,000 bảng và ba tàu chở thức ăn. Các thổ dân Choctaw tại Oklahoma, từng bị chết đói 16 năm về trước tặng $710. Viện trưởng Irish College tại Rome bán ngựa để lấy tiền gửi tặng. Các linh mục công giáo và các cộng đồng tôn giáo cũng đua nhau gửi khá nhiều tiền cứu giúp.
Tổ chức cứu trợ đắc lực nhất là hội thân hữu Quakers, không những đóng góp 200,000 bảng mà còn đứng ra trực tiếp điều hành việc cung cấp soup và trong công việc nhân đạo này, 15 người Quakers đã chết vì nhiễm bệnh typhus. Tuy vậy mọi sự cứu trợ vẫn như muối bỏ biển, người Irish kiệt lực dần rồi do ý muốn của Thượng đế, họ chết theo lời viết của một viên chức Irish.
Coffin Ships/ Tàu Quan Tài
Vào thời đó các tàu chạy bằng hơi nước đã thay thế các tàu buồm vượt Đại Tây Dương. Các tàu chở gỗ từ Bắc Mỹ sang Anh, khi về thường chở hành khách, khoảng 600 người với giá rẻ, tuy vẫn có một số ít có tiền mua phòng. Những hành khách dưới hầm này thường chết vì các bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, thiếu dinh dưỡng nhưng nhiều nhất là typhus/ bệnh chấy rận. Thời đó những người mắc bệnh này thường chết một nửa số. Những tàu cá hộp này vì vậy còn có tên là tàu quan tài.
Trường hợp điển hình trong vụ này là tàu Elizabeth&Sarah. Tàu này, 85 tuổi, trọng tải 300 tấn, giới hạn số người là 212 đã chở thêm 64 hành khách khởi hành từ Killala, Ireland tới Quebec. Tàu theo luật lệ phải chở theo 12,532 gallon nước nhưng chỉ chở có 8,700. Mỗi hành khách theo luật lệ phải được cung cấp hàng tuần 7 pound bánh mì, biscuits, bột mì hay oatmilk nhưng không bao giờ được đủ như vậy cho mọi tàu. Dưới hầm tàu điều kiện vệ sinh luôn luôn thấp kém, không có quạt hơi, đèn đóm tù mù. Trong hành trình, 40 hành khách bị chết. Khi vào cửa sông S. Lawrence, tàu chết máy phải kéo vô bến Grosse để kiểm dịch. Tại Quebec một doanh nhân tên Buchanan thường tới đây để trợ giúp các di dân, chỉ dẫn các điều cần thiết, hoặc cung cấp đồ ăn hay bỏ tiền mua vé cho họ đi Montreal, Kingston hay Toronto.
Các tàu chở hàng nhiều khi còn bị đắm chẳng hạn như tàu Exmouth chạy từ Londonderry tới Quebec với thuỷ thủ đoàn 11 người cùng 240 di dân đã bị chìm sau khi đụng đảo Islay, tất cả chỉ ba người sống sót, trường hợp tàu Crofton bị đắm ngay ngoài khơi Scotland làm chết 400 di dân. Còn trường hợp tàu Swatara thật hi hữu, bị gẫy cột buồm tới ba lần trong một chuyến hải hành khiến nhiều hành khách bị chết.
Cuộc di cư
Các người Irish di cư tránh nạn đói 1846-49 phần lớn chọn tới Hoa Kỳ vì họ đã chán ngấy nước Anh. Trong bốn năm đó, 632,076 đã tới Mỹ so với 225,552 tới Canada và các tỉnh miền duyên hải, trong số đó khoảng 15,000 người được tàu lái thẳng tới St. John, New Brunswick còn 85,000 đi qua đảo Grosse, Quebec, nhưng dù là tới New Brunswich hay Quebec chỉ ít lâu sau họ cũng tìm đường sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các người công giáo Irish cũng không được đối đãi tốt gì hơn là tại Canada cũng bởi lý do chủng tộc, tôn giáo, tranh giành công ăn việc làm và tại Philadelphia một nhà thờ, một nhà tu công giáo và nhiều nhà người Irish bị đốt năm 1844. Chính phủ Mỹ sau đó cũng tìm biện pháp làm giảm số di dân tới Hoa Kỳ bằng cách hạn chế số hành khách trên mỗi tàu cặp bến, chưa kể còn không cho lên bộ những người già hoặc bệnh tật. Sau đó người Mỹ còn cấm lên bộ những hành khách trên tàu tới từ St John hay từ Quebec qua lối hồ Champlain. Tại Lewiston, New York một viên chức Mỹ vì cho đổ bộ những người Irish mà bị tống giam. Tuy vậy vẫn rất có nhiều người vượt biên sang được Mỹ từ Canada vì biên giới quá dài không kiểm soát nổi.
Đảo kiểm dịch Grosse
Ngay từ đầu năm 1847 người dân khắp Quebec và Montreal đã lo lắng trước viễn tượng các đợt sóng người tỵ nạn với bệnh dịch nhất là typhus do họ mang lại. Vào tháng 3.1847 Quebec đã gửi kiến nghị cho bộ trưởng Thuộc địa Công tước Grey tại London yêu cầu tìm các biện pháp chuẩn bị đối phó với việc này. Báo Montreal Gazette cảnh cáo rằng Canada sắp phải đối phó với sự tràn ngập các ngườ di cư nghèo khổ và xơ xác này nhưng chính phủ cũng không làm gì để cải thiện trại kiểm dịch tại đảo Grosse.
Bác sĩ Giám đốc trại George Melis Douglas ngày 19.2.1847 gửi thư cho Thống đốc Lord Elgin xin 3,000 bảng để cải thiện nhưng chỉ được 300, ngoài ra Elgin chỉ cấp một chiếc tàu nhỏ St. George đễ làm phương tiện di chuyển giữa Grosse và Quebec và cho phép thuê một tàu buồm không được quá 25 bảng.
Chuyến tàu đầu tiên cập bến tại Grosse là tàu Syria từ Liverpool tới chiều 14.5.1847 với 241 người Irish, trong số đó 9 người đã chết trên tàu. Douglas khám thấy có 84 người bị bệnh typhus chưa kể còn khoảng 20-24 đang lên cơn sốt. Trong khi bệnh viện tại Grosse có năng lực tối đa trị khoảng 150 bệnh nhân thì từ 3.4 tới 17.4, đang có 34 tàu chuẩn bị rời bến tới Quebec với 10,636 hành khách, tất cả các tàu này ngọai trừ chiếc Favourite rời bến Glasgow, đều rời bến Glasgow hay Liverpool như tàu John Bolton với số khách trên mỗi tàu từ 80 trở lên – tàu Favourite tới 580 .
Quả vậy tới cuối tháng 5.1847 có tới 40 chiếc tàu cập bến Grosse với 13,000 hành khách. Theo báo cáo của BS Douglas ngày 2.6 thì có tới 1,100 bệnh nhân nằm chật ních các bệnh viện, trường học, nhà thờ và lều trong khi chỉ có 6 nhân viên y tế. Số người chết là 116 để lại nhiều trẻ mồ côi, tuy nhiên khẩu phần ăn là một pound mỗi người nên về dinh dưỡng không tới nỗi tệ, ngoài ra nhà từ thiện Buchanan còn giúp cả một tàu tiếp tế oatmeal, bánh mì, biscuit, trà, đường và thịt heo.
Tình trạng đảo Grosse vẫn ngày một tệ hơn vì số di dân ngày tới một đông, lên tới 25,000 người tại trại trong khi đoàn tàu tại bến ngày càng dài thêm vì tàu nhiều khi bị giữ lâu tới ba tháng. Số người chôn tại đảo Grosse lên tới 5,424 chưa kể nhiều xác bị quẳng thẳng xuống biển. Vì số người quá đông tới 25,000 nên trại kiểm dịch không thể giữ bệnh nhân lâu đúng luật lệ là bốn tuần nên thường tháo khoán sớm, cho nên có ngày cho ra trại tới 4,000 người dù BS Douglas không đồng ý. Tàu cuối cùng tới đảo Grosse năm 1847 là tàu Richard Watson tới ngày 7.11 với 398 di dân. Tổng kết thì có tới 43 chiếc tàu không ghé trại kiểm dịch Grosse cho nên kế họach kiểm dịch cũng không thành công là bao nhiêu.
Ngược sông St. Lawrence
Từ đảo Grosse, tàu chạy ngược sông lên hồ Ontario chở theo cả hàng chục ngàn người Irish trong đó cả hàng ngàn người đã chết tức tưởi trên hành trình tại Quebec, Montreal, Kingston, Toronto, Niagara và nhiều nơi khác nữa.
Tại Quebec người di dân bị bệnh nằm chật hết bệnh viện tới nỗi người Quebec khi bị bệnh không có bệnh viện để tới trị bệnh nữa, khiến chính phủ và quốc hội, cùng thị trưởng và các bác sĩ đồng ý lấy trụ sở quốc hội làm bệnh viện tạm thời. Tuy nhiên Thống đốc Bruce quyết định dùng trại binh trong chu vi đồi Abrahams làm bệnh viện tạm thời cho người dân Quebec.
Tại Montreal có khoảng 80,000 người Irish đặt chân tới. Họ được thu xếp tới ở một trại trước kia đã dùng làm chỗ ở cho những người bị bệnh dịch tả năm 1832 sau được di chuyển tới Point St. Charles gần đó. Một sản phụ sau khi sinh ra con bị kiệt lực, các y tá đem đứa hài nhi vào sống chung phòng với 18 trẻ mồ côi, đứa bé bị sốt và kết qủa 10/19 trẻ bị chết. Theo thống kê thì số gười Irish bị chết tại Montreal là 3,579 nhưng số thực sự chắc là cao hơn rất nhiều vì sau đó người ta tìm thấy mồ chôn tập thể tại Windmill Point, ngay gần trại định cư Point St. Charles. Số tử vong chính xác hơn là 6,000 người Irish.
Tại Toronto, dân số lúc đó khoảng 20,000 đã tiếp nhận từ tháng 5 tới tháng 11.1847 số di dân Irish là 38,560 tại cảng Reese nhưng sau đó họ phân tán đi Hamilton, London, Niagara nhiều nhất là Hoa Kỳ trong số đó có ông nội của nhà sản xuất xe hơi Henry Ford. Chỉ chừng 3,000 chọn ở lại Toronto thì 1,100 người sau đó vô nghĩa địa nằm. Toronto thành lập một uỷ ban Phòng dịch với các biện pháp các xe cộ không được chở người bệnh vào thành phố, các tư gia, bệnh viện, khách sạn không được chứa những người bệnh này, thiết lập một bệnh viện riêng cho người di cư và 12 nhà tạm trú 22m X 7.5m tại góc King và John Streets.
Tàu đầu tiên cập bến Toronto ngày 23.5.1847 là Jane Black khởi hành từ Limerick. Ngày 8.6 tàu City of Toronto chở tới 700 hành khách. Ngày 6.7 tàu Sovereign chở tới 1,000. Bệnh viện cho người di cư với khả năng chữa trị 700 bệnh nhân phải mở rộng thêm.
Trong vô số các câu chuyện thương tâm của đám di dân Irish, chuyện sau đây được McGowan và Chard tường thuật được nhắc nhở nhiều nhất, đó là chuyện gia đình Willis.
Hai vợ chồng cùng năm con lên tàu Jessie tại bến Limerick, Ireland ngày 18.4. Trước khi tàu nhổ neo, một đứa con trai bị bệnh phải để lại rồi chết. Trong hành trình vượt Đại Tây Dương 56 ngày, một con trai 18 tuổi và một con gái 10 tuổi lăn ra chết. Tại trại kiểm dịch Grosse thêm một đưá con gái từ giã cõi đời. Tại trại định cư Brandford cách Toronto 90 km, ông bố và đứa con trai duy nhất còn lại cũng không được biết đất hứa ra làm sao, sống sót chỉ còn bà mẹ trơ vơ xứ khách quê người.
Trong cuộc kiểm tra tại Toronto năm 1848 người Irish chiếm 39% trong tổng số dân 23,505, nhiều hơn cả người Anh lẫn người Scot cộng lại. Một số những người Irish sau khi tản mác bốn phương tìm cách quay lại Toronto vì có đông người đồng hương nhưng cũng không được cư dân hoan nghênh cho lắm trong đó có George Brown, một chính khách người Scot, sáng lập viên báo The Globe, đã viết trên báo, chê người Irish là lười biếng vô ơn bạc nghĩa, sống chật các nhà tù và các nhà nuôi thí, cuồng tín như bọn Ấn Độ giáo. (Người Irish theo đạo công giáo).
Tại Kingston
Năm 1847 thành phố Kingston tiếp nhận hàng ngàn người di dân Irish tỵ nạn đói trên những chuyến tàu đóng hộp như quan tài nên bị nhiễm bệnh dịch sốt chấy rận khi tới Kingston. Thần Dịch đã kết liễu tính mạng khoảng 1,200-1,500 di dân và bị chôn tập thể gần bệnh viện Kingston. Năm 1966 các thi thể được đem đi chôn cất tại nghĩa trang Mary.
Tại Ottawa
Ottawa cũng không thóat khỏi nạn dịch vì tiếp nhận khoảng 3,000 di dân và hơn 200 người bị chết mặc dầu được các bà sơ dòng Grey Nun tận tình săn sóc không kể nguy hiểm cho bản thân.
Tại Saint John
Trong số 15.000 người Irish tới thẳng Saint John thì 800 người bỏ mạng trong cuộc hải hành, 600 người vùi thân tại trại kiểm dịch đảo Partridge và 595 người chết tại các nhà nuôi thí.
Khi chiếc tàu đầu tiên Elisa Liddell cập bến vào tháng 7.1847 thì các di dân được chào đón bằng các cuộc biểu tình phản đối dữ dội. Tàu cuối cùng Aeolus tới tháng 11.1847 và là một trong chín chiếc tàu chở tá điền bị tống xuất bởi trại chủ Lord Palmerston, sau trở thành thủ tướng nước Anh. Hội đồng thành phố sau đó gửi cho Palmerston một bức thư phàn nàn ông đối xử tàn tệ , đã gửi tới Brunswich, vùng đất lạnh giá một đoàn người quần áo rách tả tơi tựa như trần truồng. Tuy nhiên Woodham Smith cho rằng có thể ông Palmerston không biết rõ tình trạng của những người này vì việc tống xuất này là do các nhân viên thừa hành làm mà thôi.
Những người đã hi sinh trong công cuộc cứu trợ
Rất nhiều người đã có tấm lòng bác ái, vị tha, sẵn sàng tới cứu trợ các di dân bị bệnh dù biết công việc rất nguy hiểm cho bản thân. Người hi sinh đầu tiên là bác sĩ Benson tại Dublin, Ireland đã tình nguyện tới trại kiểm dịch để chữa bệnh cho đồng bào của ông. Mặc dầu ông được có phòng riêng trên tàu Wandworth khởi hành ngày 21.5.1847 nhưng ông đã chết sáu ngày sau đó. Người hi sinh tiếp là linh mục W. Chaderston tình nguyện làm việc 12 tiếng một ngày tại bệnh viện cho người di cư tại Quebec và lây bệnh chết ngày 16.7.
Ngày hôm sau tới lượt bị tử thần tới Montreal lôi đi là BS McGale. Sử gia John Gallagher kể trong số 44 linh mục và 17 mục sư phục vụ tại đảo Grosse thì bảy người chết. Tại Montreal 3 linh mục và 17 bà sơ làm việc tại nhà thương bị thiệt mạng. Tử thần cũng không chừa thị trưởng Montreal là John Mills thường đến thăm bệnh viện.
Tại Kingston một tu sĩ và một bà sơ cũng không thoát khỏi bàn tay tử thần. Những người có danh tiếng tại Toronto bị tử thần quật ngã gồm có linh mục Michael Power, bác sĩ giám đốc bệnh viện di cư George Grassett, Edward McElderry người tiếp đón các di dân tại bến tàu Reese. Còn bao nhiêu là thuỷ thủ cũng bị lây bệnh qua đời trong đó có ít nhất là hai thuyền trưởng tàu Sisters và Paragon, chưa kể phu nhân của bác sĩ tàu Goliath cũng tránh không khỏi số phận.
Tổng kết
Trong trận dịch sốt chấy rận hơn 20,000 bị Tử thần lôi đi, lưỡi dao vung lên mãnh liệt nhất là tại Montréal đã chém khoảng 4,000-6,000 di dân từ Ireland tới. Họ được nhốt vào 22 nhà tạm trú mới được dựng lên dài 46m, rộng 15m trong khi số di dân đưa tới cả hàng ngàn. Quân đội được gửi tới canh gác không cho ai trốn ra ngoài, số bà sơ thuộc dòng Grey Nuns tới chăm sóc các bệnh nhân khoảng 40 người, nhiều bà bị lây bệnh, 7 bà chết. Các bà thoát khỏi Tử thần lại tiếp tục trở lại làm việc, thường phải bồng ãm các trẻ mắc bệnh cũng không quản ngại gì. Thị trưởng Montréal John Eaton Mills cũng tới giúp người bệnh, thay giường cho họ và ông bị lây bệnh chết. Tòa giám mục kêu gọi các tín đồ tới cứu trợ, nhiều người từ vùng xa xôi cũng kéo tới và đem các trẻ mồ côi về nuôi.
Trách nhiệm của chính phủ Anh
Nhiều người, không cứ riêng gì người Irish, kể cả các sử gia Hoa Kỳ va các nước khác, quy trách nhiệm cho chính phủ Anh và còn kết tội là diệt chủng. Tuy nhiên nếu so với cách đối xử của chính phủ Hoa Kỳ đối với các thổ dân thì tôị diệt chủng của các di dân người Mỹ cũng chẳng kém phần ác liệt từ thế kỷ XVIII tới thế kỷ XXI.
Dân số Ireland năm 1841 là 8.2 triệu sau mười năm bị nạn đói, bệnh dịch hoành hành và các đợt di dân tụt xuống còn 6.5 triệu. Những người này đi tìm Đất Hứa nhưng vừa tới đã gục ngã. Thương thay!
Nhiều đài tưởng niệm được dựng lên để ghi nhớ trận dịch khủng khiếp này và nhắc nhở loài người “ Thương người như thể thương thân / Gặp người họan nạn lại càng thương hơn.” Câu phương châm “Je me souviens” rất thích hợp trong trường hợp này.
Trại Kiểm Dịch tại đảo Grosse, Quebec: 1832-1937
Quebec chống nạn dịch tả 1832: đốt các nơi u ám, dơ bẩn
Bảng tưởng niệm trận dịch Typhus 1847 tại Kingston
Tượng tưởng niêm người Irish: bị chết vì dịch sốt
chấy rận 1847 tại Bathurst Quay, Toronto
Tượng đài tưởng niệm người di dân bị chết trong nạn dịch tại đảo Grosse, Quebec - 1909
Người di dân Irish
Khách sạn tại đảo Grosse 1912
CHÚ GIẢI
Đảo Grosse tại Quebec, diện tích 7,7 km2 trong lưu vực sông St. Lawrence đã được dùng làm trại Kiểm dịch một thời gian dài 1832-1937. Tại đây hơn 4 triệu di dân đã đi qua với ước mơ để tìm một Đất Hứa, tuy nhiên nhiều người đã an giấc ngàn thu ngay tại hòn đảo nhỏ bé này.
Năm 1937 trại Kiểm dịch đóng cửa vĩnh viễn và trong Thế Chiến II, đảo Grosse bí mật trở thành trung tâm nghiên cứu chiến tranh vi trùng.
Từ năm 1957 tới năm 1984 một trại kiểm dịch lại được thành lập tại đảo nhưng chỉ để kiểm dịch các thú vật.
Năm 1993 đảo Grosse trở thành một Công viên Quốc gia, thu hút mỗi muà hè khoảng 20,000 du khách, ông nhất là năm 1997 kỷ niệm 150 năm nạn dịch typhus với các chương trình ca nhạc ngoài trời đã lôi kéo được 42,000 du tử.
Từ khi đảo trở thành công viên, một khách sạn tạm thời đã được dựng lên, sau được thay thế bởi một khách sạn với đầy đủ tiện nghi vào năm 1912.
Năm 1909 một đài tưởng niệm được dựng lên tại đây bởi một người Irish tên Jeremish và năm 1974 đảo Grosse được Tổ chức Văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận là một Di Sản Thế Giới.