Cách đây hơn mười năm, cũng vào một ngày mùa Thu ở Hà Nội đẹp như thế này, chính xác là ngày 15/9/2008, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận được tin CNN, kênh truyền hình nổi tiếng bậc nhất nước Mỹ đã lựa chọn bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của mình để đưa vào danh sách 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại do họ lựa chọn.
Hẳn nhiên đó là một niềm vui sướng tột bậc với vị đạo diễn lúc ấy vừa tròn tuổi bảy mươi, dù trước đó rất nhiều lần quốc tế đánh giá đây là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Nhưng rồi lại có cả cảm giác bâng khuâng, khó hiểu. Đất nước gì mà lạ. Đài truyền hình cũng lạ nốt. Một sự kiện điện ảnh trọng đại như thế, mang tầm vóc quốc tế như thế mà làm giản đơn đến thế à. Không thấy bình xét cũng chẳng thấy yêu cầu trình hồ sơ hay đăng ký thủ tục tham gia gì, chỉ vỏn vẹn vài ba dòng thông báo. Lại còn nghe, đến cả cái giải thưởng điện ảnh danh giá toàn cầu họ cũng tổ chức theo cái kiểu lạ lùng như thế thì phải.
Vì sao "Bao giờ cho đến tháng Mười" được chọn? Là vì phim ấy rất Việt Nam, không thể lẫn được vào đâu với phim Trung Quốc, phim Hàn, phim Nhật như vô số nhà phê bình điện ảnh trên thế giới vẫn thường đánh giá? Hay là nhờ Roger Ebert? Ông ta là nhà phê bình điện ảnh lừng danh, người đầu tiên nhận giải Pulitzer hạng mục phê bình, nhà bình luận quyền lực nhất nước Mỹ năm 2007, người mà khi mất vào năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã viết: “Với một thế hệ người Mỹ, đặc biệt là người Chicago, Roger chính là điện ảnh. Khi không thích một bộ phim, ông chỉ trích rất thẳng thắn. Khi ông thích, ông bày tỏ tình cảm rất dạt dào”.
Cách thời điểm CNN vinh danh "Bao giờ cho đến tháng Mười" khá lâu, trong quãng lịch sử người Mỹ vẫn còn cấm vận Việt Nam cực kỳ quyết liệt, tại một Liên hoan phim ở Hawai ban tổ chức đã mời đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà nghiên cứu Đình Quang và Cục trưởng Cục Điện ảnh Bùi Đình Hạc sang đó để tham dự một cuộc hội thảo về đề tài chiến tranh Việt Nam trong điện ảnh.
Cuộc hội thảo vốn dĩ sẽ không thể thu hút được sự quan tâm lớn đến thế nếu không phải vì có sự xuất hiện của Roger Ebert. Giới điện ảnh lúc đó đã có một thứ nguyên tắc tưởng chừng như rất chủ quan nhưng vô cùng chuẩn xác: Roger Ebert khen thì hay, còn như làm phim mà để ông ta chê thì đạo diễn chỉ có nước đóng máy đi tìm việc khác. Ngày hôm đó, trên quần đảo Hawai, nơi có tỷ lệ người dân gốc Á cao nhất nước Mỹ, sau khi xem từ đầu đến cuối "Bao giờ cho đến tháng Mười", Roger đã “bày tỏ tình cảm rất dạt dào”, rất hay và rất Việt Nam.
CNN đã không giải thích gì thêm về quyết định lựa chọn "Bao giờ cho đến tháng Mười", nhưng cho đến bây giờ, mà có lẽ còn phải mất thêm nhiều năm sau nữa mới có một ông đạo diễn người Việt được xếp ngồi chung mâm với những Akira Kurosawa (Nhật Bản), Trương Nghệ Mưu, Giả Chương Kha (Trung Quốc), Vương Gia Vệ (Hong Kong), Bong Joon-ho (Hàn Quốc), Apichatpong Weerasethakul (Thái Lan), những tượng đài của điện ảnh châu lục lớn nhất thế giới.
Tôi thì vẫn nghĩ là người ta đánh giá cao vì phim ấy mang đậm văn hóa Việt Nam, thuần Việt Nam. Bao nhiêu năm qua đạo diễn họ Đặng vẫn ngồi đó ngẫm ngợi. Sáng hôm nay cũng vậy. Buổi sáng mà nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh dẫn đám phóng viên trẻ là chúng tôi đến thăm ông trong một khu chung cư trên phố Lò Đúc. Đạo diễn 82 tuổi khoe, những ngày này ông đang cùng với ê kíp làm nốt hậu kỳ cho bộ phim "Hoa nhài" để sớm trình làng trong thời gian tới. Đó cũng là buổi sáng của ngày kỷ niệm 66 năm giải phóng Thủ đô. Giống như mọi năm, Đài Truyền hình Hà Nội lại cử nhóm phóng viên đến phỏng vấn vị đạo diễn vài câu và chiếu lại phim "Hà Nội mùa đông năm 46".
Thật trân quý, thật tự hào. Hơn 36 tuổi của "Bao giờ cho đến tháng Mười", gần 25 năm kể từ khi "Hà Nội mùa đông năm 46" xuất phẩm, những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn còn rất nhiều người xem, đâu đó ở các liên hoan phim quốc tế, các nước vẫn chiếu đi chiếu lại nhiều lần. Quả thật là những điều vô giá.
Nếu nói thuần Việt thì em thấy phim nào của anh cũng là thuần Việt cả. Đâu chỉ riêng Bao giờ cho đến tháng Mười mà còn cả Thương nhớ đồng quê, Cô gái trên sông, Mùa ổi... Việt Nam và không thể nào lẫn được với điện ảnh của các nước có văn hóa tương đồng như phim Trung Quốc, phim Hàn, phim Nhật chứ đừng nói đến phim Tây, phim Mỹ anh ạ. Em thấy dòng chảy trong phim anh là dòng chảy của độc thoại, vốn dĩ rất khó làm, nếu làm lại rất khó hay, vì nó ít xung đột, ít gay cấn, ít chất xúc tác của điện ảnh. Phải chăng cái hay của anh chính là những thứ thuần Việt, hay vì cái chất nông không lẫn được với ai? Nhà báo Trịnh Bá Ninh mở chuyện.
Mình bắt đầu làm phim ở vào giai đoạn mà bối cảnh văn nghệ nước nhà đúng như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” đăng trên báo Văn nghệ năm 1987. Văn chương thế mà điện ảnh cũng thế. Đều là minh họa cả. Một nền văn nghệ theo mô típ quen thuộc là các nhà văn, nhà biên kịch đi về các địa phương thực tế để phục vụ công tác tuyên truyền. Sản xuất và chiến đấu. Sau khi cơm bưng nước rót chán chê thì nghe các điển hình kể và lắp ráp thành văn chương, thành kịch bản điện ảnh. Xuất bản rất nhanh mà phát hành cũng rất nhanh bởi luôn được ưu tiên, chọn lựa.
Mình nhớ, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam trong giai đoạn đó từng phân loại phim đối nội và phim đối ngoại để có sự phân bổ việc làm phim màu hay phim đen trắng. Phim đối ngoại được ưu tiên phim màu để phục vụ tuyên truyền, phải là thành phố hoa lệ, quần loe ăn chơi, khách sạn nhà hàng, phải là sản xuất giỏi giang, chiến đấu anh hùng... Còn những thứ như là Thương nhớ đồng quê, Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông... của mình chẳng có phim nào được xếp vào đối ngoại cả. Đối ngoại gì một chị nông dân mặc áo đen quần nâu. Đối ngoại gì với nhà tranh vách đất chứ. Chỉ là những thứ đầu thừa đuôi thẹo, người ta duyệt cho làm đã là may mắn lắm rồi. Nhưng mình luôn nghĩ, phúc tổ bảy mươi đời nhà mình là được làm phim đen trắng. Những bộ phim không có đấu tranh giai cấp, không có gì ngoài lòng nhân ái, ngoài tính nhân văn, mà có lẽ nhờ như thế mới đến được với nhân loại hay chăng.
Bản thân chúng tôi cũng đã từng đọc cuốn "Hồi ký điện ảnh" xuất bản vào năm 2005 của ông, trong cuốn sách đó đạo diễn Đặng Nhật Minh đã kể khá chi tiết về một thời làm phim như thế. Cái thời “các nhà quản lý văn hóa của chúng ta buồn cười lắm”.
Vẫn là chuyện của "Bao giờ cho đến tháng Mười". Vào cái ngày người ta tổ chức duyệt kịch bản phim, sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, các nhà quản lý đã dặn dò rất kỹ lưỡng đạo diễn bộ phim rằng muốn làm thì cho làm nhưng nhất quyết không được để thầy giáo Khang yêu cô Duyên đâu đấy. Ông đạo diễn bên ngoài răm rắp dạ vâng nhưng trong bụng thì lại nghĩ, nếu không có mối tình cao thượng, đẹp đẽ, nhân văn đó thì còn gì là phim nữa. Cũng may hôm chiếu duyệt, các nhà quản lý xem từ đầu đến cuối không thấy cảnh nhạy cảm gì nên thống nhất, ờ có khi không yêu thật. Thế là ổn, thế là tốt. Duy chỉ có cảnh tái diễn phiên chợ Âm Dương thì phải xem xét vì nó có vẻ mê tín dị đoan. Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam căng thẳng: Phải cắt bỏ đi thôi.
Mấy chục năm rồi mà ông Minh còn nhớ rất rõ, tổng cộng mất khoảng 13 lần kiểm duyệt, cũng có thể xem là một kỷ lục của nền điện ảnh nước nhà. Tâm linh vốn là đặc điểm của người Việt, người sống và người chết không tách rời, nhưng một số nhà quản lý đã không nhận ra điều đó nên đạo diễn của bộ phim đã thấy mình chẳng khác gì một tên tội phạm bị phiên tòa kiểm duyệt lôi ra xét xử. May thay vẫn còn đó những người thấu hiểu. Ví như ông Đình Quang, Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ông Quang nói đại ý rằng chừng nào trong gia đình người Việt Nam còn có bàn thờ thì chừng ấy đoạn chợ Âm Dương trong phim vẫn còn đứng được.
Ngày phán quyết bộ phim diễn ra ngay tại nhà riêng của một lãnh đạo cấp cao trong Đảng, sau khi xem xong người ấy đã không nói gì mà tiến lại phía nữ diễn viên Lê Vân đang hồi hộp chờ, bắt tay cô và chỉ nói ngắn gọn hai từ thương lắm. Đến lúc ấy "Bao giờ cho đến tháng Mười" mới được tha.
Có một thực tế rất khác với quá trình thai nghén và sinh nở, những bộ phim “khó làm” của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã giống như một cánh diều chở văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, tâm linh Việt Nam bay đi khắp thế giới.
Nghe nói rằng, trong mấy chục năm qua, hầu hết các khoa văn hóa châu Á trong những trường đại học ở nước Mỹ đã sử dụng "Bao giờ cho đến tháng Mười" như một giáo cụ trực quan để dạy cho các thế hệ sinh viên của họ cả về điện ảnh lẫn những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Có những giáo viên trong những ngôi trường như thế từng nói với ông Minh rằng tôi đã thuộc làu lời thoại của phim anh rồi đấy. Thử hỏi có sự trân trọng nào lớn lao hơn những câu chuyện như thế, đủ để thấy thế giới họ đánh giá những tác phẩm điện ảnh thuần Việt của chúng ta cao đến mức độ nào.
Một ông giáo sư người Sri Lanka, giảng dạy lâu năm ở các trường Đại học Mỹ đã nhìn thấy triết lý của đạo Phật ở trong "Bao giờ cho đến tháng Mười". Lại có một ông đại sứ Việt Nam khi xem "Thương nhớ đồng quê" ở Nhật đã quên luôn cả những nghi thức ngoại giao để chạy đến ôm chầm lấy đạo diễn bộ phim mà xúc động: Tôi là thằng Nhâm đây anh Minh ơi. Một thằng nông dân như là thằng Nhâm trong phim của anh đây. Sao cái làng trong phim anh nó giống hệt cái làng của tôi như thế.
Riêng chuyện này không phải là nghe nói nữa, chính bản thân đạo diễn Đặng Nhật Minh đã không cầm được nước mắt khi "Đừng đốt", bộ phim được xem là “lên gân lên cốt” nhất của ông làm về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và hai cuốn nhật ký của chị đã lấy nước mắt của nhiều quốc gia trên thế giới. Công chiếu ở Pháp người Pháp khóc, chiếu ở Nhật người Nhật khóc, ở Ấn Độ, ở Mỹ hay ở quốc gia nào thì người xem phim cũng đều khóc như thế.
Trong quá trình làm bộ phim này, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng gặp Frederic Whitehurst, luật sư người Mỹ, người giữ những cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm trước khi trao lại cho gia đình chị vào tháng 4/2015. Khi vị đạo diễn Việt Nam hỏi ông ta ấn tượng gì về những cuốn nhật ký, Frederic Whitehurst chỉ đọc hai câu thơ được trích từ chính trong những cuốn nhật ký đó: "Và ai có biết chăng ai - Tình thương đã chắp cánh dài cho ta". Ra thế, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này, phàm là con người cũng đều xúc động trước tình người, tình yêu đồng đội, tình yêu quê hương, thương nhớ gia đình, đều rung cảm trước thiên nhiên. Đặc biệt, những thứ tình cảm đó xuất phát từ một người ở trong hoàn cảnh như bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Mình là người chỉ thích làm chứ không thích nói. Người ta nói Đặng Nhật Minh làm phim này chắc lại kiểu ca ngợi anh hùng mình cũng kệ người ta. Khi chuyển thể "Thương nhớ đồng quê" nhiều người đã từng thắc mắc, sao bao nhiêu chuyện khác anh không làm lại đi làm chuyện đó, khó lắm đấy. Ừ thì khó mà vẫn làm được mới hay chứ. Đặng Nhật Minh này không bao giờ làm phim kiểu lai căng mà lựa chọn con đường đi vào lòng người bằng tình cảm, bằng lòng nhân ái của chủ nghĩa nhân văn.
Chủ nghĩa nhân văn trong phim Đặng Nhật Minh đôi khi đến từ những chi tiết được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh rất mộc mạc, đơn giản. Một anh nông dân đi bắt ếch trong đêm, gặp một cặp ếch đang làm tình với nhau, anh ta đứng đó nhìn một lúc rồi rời đi mang theo tiếng cười của anh nông dân Việt Nam có tấm lòng nhân ái.
Nhưng mộc mạc như thế không có nghĩa là đơn giản, đôi khi chất chứa những thông điệp của những tấm lòng mang giá trị lớn lao. Vào một hôm họ, sau buổi chiếu "Bao giờ cho đến tháng Mười", có một khán giả người nước ngoài hỏi thẳng ông Minh, liệu có phải phim ông từ xưa đến nay bị kiểm duyệt nhiều quá mà ông phải đưa hình ảnh lá cờ vào cảnh cuối để tuyên truyền hay không? Ừ thì cứ cho là thế. Nhưng với lá cờ đỏ sao vàng tôi tuyên truyền cho Tổ quốc tôi. Nghe không khác gì tuyên ngôn nghệ thuật đanh thép.
Ở một sự kiện khác, trong tuần lễ người Pháp tổ chức chiếu tám bộ phim của Đặng Nhật Minh, sau khi xem xong "Hà Nội mùa đông năm 46", khán giả bên ấy nói rằng, chúng tôi chưa bao giờ được xem một bộ phim Việt Nam nhân văn đến vậy. Những bức thư Cụ Hồ đã viết, những góc nhìn của Bác về người Việt, người Pháp, về chiến tranh sao mà nhân ái đến thế. Có những nhà phê bình đánh giá, đây là bộ phim về Bác mà họ thấy hình ảnh Người nhân văn, nhân ái nhất.
Mình từng viết một kịch bản phim có tên là "Huyền nhiệm" với ý định làm một bộ phim về cha mình - giáo sư - anh hùng - liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, nhưng khi gửi lên Cục Điện ảnh kịch bản đó đã không được duyệt. Thì ra cái tạng phim của mình vẫn “khó làm” như mấy chục năm nay vậy. Đấy là khát khao cháy bỏng nhưng cũng là trách nhiệm mà mình thấy cần phải làm điều gì đó về cuộc đời của một thế hệ trí thức tiểu tư sản đi theo cách mạng, điều mà văn chương hay điện ảnh từ trước đến giờ mình nghĩ đang còn ít sự quan tâm.
Kịch bản "Huyền nhiệm" của Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Nhật Minh có nhiều chi tiết mà trong cuốn Hồi ký của mình ông đã viết về người cha cực kỳ xúc động: Cha tôi là người Huế, thành phần tiểu tư sản trí thức. Mẹ tôi là người Huế, thành phần quan lại phong kiến. Cả hai đều đi theo Cách mạng. Khởi đầu do cha tôi trong những ngày du học ở Nhật tình cờ đọc được Lời kêu gọi toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bèn từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học để về nước tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc. Cha tôi đã từ Nhật Bản đáp tàu thuỷ về Thái Lan, tìm gặp đại diện của Chính phủ ta ở Bangkok để xin về nước tham gia Kháng chiến, chẳng có một tổ chức nào giới thiệu, móc nối.
Biết bao vinh quang và khổ ải trên con đường đi theo lý tưởng của một người trí thức yêu nước. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những người như cha mẹ tôi đã phải tự kiểm điểm những gì trong những cuộc chỉnh huấn trên Việt Bắc vào năm 1953? Không biết họ có phải ân hận về xuất thân thành phần giai cấp của mình và điều đó có nhọc nhằn lắm đối với cha mẹ tôi không? Tôi chỉ được nghe kể rằng mẹ tôi chỉnh huấn rất thành khẩn, được biểu dương trong lớp, còn cha tôi thì chỉ im lặng, ít nói. Không lâu sau khi tham dự lớp chỉnh huấn đợt một thì mẹ tôi đột ngột qua đời. Khi bà hôn mê, cha tôi đang tham dự lớp chỉnh huấn đợt hai. Mẹ tôi hôn mê ba ngày ba đêm liền, chờ cha tôi về mới trút hơi thở cuối cùng. Là bác sĩ nhưng ông đành bó tay bất lực vì đã quá muộn. Cha tôi nằm bên xác mẹ tôi suốt một đêm, rồi sáng hôm sau chôn mẹ tôi ngay trên nền nhà trước khi rời Việt Bắc để về tiếp quản thủ đô...
Cha tôi nằm trên Trường Sơn lặng lẽ suốt hai mươi năm cho đến khi tình cờ một người tiều phu phát hiện được mộ ông với gói vải dù bọc hài cốt cùng một tấm biển nhôm khắc vỏn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ 1 - 4 - 1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ vô danh nào đó nên đã đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mãi năm năm sau anh em chúng tôi mới tìm được để đưa cha mình về nghĩa trang họ Đặng trên núi Ngự Bình...
Đất nước suy cho cùng ở giai đoạn nào thì trí thức cũng là “vàng ròng”, hiền tài cũng là nguyên khí quốc gia cả. Điều cốt lõi là sử dụng những giá trị đó như thế nào. Như thế hệ giáo sư Đặng Văn Ngữ, giáo sư Hồ Đắc Di, giáo sư Tôn Thất Tùng, ba người sáng lập Trường Đại học Y khoa kháng chiến tại Việt Bắc. Người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng tài năng của họ, nhưng trong tâm niệm của mỗi người, mình là người Việt Nam, cần phải làm điều gì đó cho Tổ quốc Việt Nam. Họ đã từ bỏ cuộc sống cá nhân để đi theo Cách mạng như một lẽ tự nhiên, chỉ vì một động cơ duy nhất: Lòng yêu nước...