Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn


Nguyễn Vĩnh Nguyên

1 2 3 4 5

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn
Không để ai lợi dụng cũng được
https://thanhnien.vn/ban-ho-so-mat-ve-trinh-cong-son-khong-de-ai-loi-dung-cung-duoc-post1473370.html
Từ 'Ướt mi' đến Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn
https://thanhnien.vn/ban-ho-so-mat-ve-trinh-cong-son-tu-uot-mi-den-phong-trao-nhac-trinh-cong-son-post1472977.html
Từ 'dư chấn' Ca khúc Da vàng
https://thanhnien.vn/ban-ho-so-mat-ve-trinh-cong-son-tu-du-chan-ca-khuc-da-vang-post1472636.html

Từ 'dư chấn' Ca khúc Da vàng

LTS: Năm 1969 có thể xem là điểm mốc thời gian đỉnh cao trong sự nghiệp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn . Sức ảnh hưởng của tên tuổi Trịnh Công Sơn qua các bản tình ca, nhạc phản chiến không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn trên các diễn đàn văn hóa, báo chí quốc tế.

Với sức ảnh hưởng đó, đầu năm 1969, GS Tăng Kim Đông, Tổng trưởng Văn hóa - Giáo dục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, có khẩu lệnh thực hiện một cuộc điều tra về Trịnh Công Sơn. Sau hai tuần “móc nối và lôi cuốn”, Bộ Thông tin Sài Gòn có một phiếu trình đóng dấu “Mật” báo cáo về “lý lịch, thân thế sự nghiệp, quá trình hoạt động trong quá khứ, hiện tại cùng xu hướng chính trị của đương sự”.

Tác giả biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên mới tìm thấy bộ tài liệu này tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, TP.HCM (Phông Phủ Tổng thống, Hồ sơ 16689), đã xử lý và khai thác độc quyền cho Thanh Niên; cung cấp một góc nhìn mới, thú vị về Trịnh Công Sơn trong thời điểm bộ phim Em và Trịnh đang gây tranh cãi.

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn: Từ 'dư chấn' Ca khúc Da vàng - ảnh 1

Bìa hai tập nhạc phản chiến gây tiếng vang của Trịnh Công Sơn vào cuối thập niên 1960

T.L

“Bob Dylan của Việt Nam”?

Có những tương đồng đáng chú ý khi Trịnh Công Sơn và Bob Dylan cùng viết những bản nhạc phản chiến, dù cho hai nhạc sĩ này sống ở hai nền văn hóa, bối cảnh và sự liên đới với cuộc chiến tranh khác nhau. Đó là lý do báo chí tại Việt Nam cuối thập niên 1960 đều dùng cách nói “Bob Dylan của Việt Nam” khi nhắc về Trịnh Công Sơn.

Nhà nghiên cứu John C.Schafer trong cuốn Trịnh Công Sơn và Bob Dylan (Cao Thị Như Quỳnh dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2019) có nhắc tới lối ví von này dù chưa thể xác định ai là người phát ngôn đầu tiên. Nhưng dù là ai thì cách so sánh tương đồng cũng khẳng định tiếng vang quốc tế của dòng nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn vào khoảng nửa cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Luận án tiến sĩ về nhạc Trịnh Công Sơn của Michiko Yoshi tại Đại học Paris đã chỉ ra rằng trong 136 bài hát Trịnh Công Sơn viết từ 1959 - 1972 thì có đến 69 bài là phản chiến.

Năm 1969 là thời điểm mà tập nhạc Ca khúc Da vàng(Nhân Bản, 1967) được tái bản. Ngoài những ca khúc như: Gia tài của mẹ, Ngày dài trên quê hương, Đại bác ru đêm hay Người con gái Việt Nam... tập nhạc này được bổ sung thêm hai ca khúc phản chiến còn nóng hổi từ trải nghiệm biến cố tàn khốc vừa đi qua (trận Mậu Thân, 1968): Hát trên những xác người, Bài ca dành cho những xác người.

Cũng phải nhắc tới ảnh hưởng của tập Kinh Việt Nam (Nhân Bản, 1968). Kinh Việt Nam là tiếng cầu kinh mang tình tự của một dân tộc khát khao hòa bình, là viễn cảnh tốt đẹp của sự chung lòng tái thiết đất nước và chữa lành nhân tâm, của dự cảm “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” khi sự phân chia giới tuyến còn khốc liệt. Những ca khúc trong tập “kinh ca” này: Nối vòng tay lớn, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Ta thấy gì đêm nay hay Dựng lại người dựng lại nhà... củng cố, dưỡng nuôi niềm tin rằng những trải nghiệm xót xa trong Ca khúc Da vàng rồi đây sẽ kết thúc, vết thương chiến tranh sẽ khép lại. Kinh Việt Nam nối tiếp liền lạc và nhất quán tinh thần phản-chiến-độc-lập, không phải bằng việc xoáy sâu vào vết thương hay hô hào chọn bên, mà người viết nêu ra một viễn tượng phản đề của chiến tranh: Hòa bình!

Nhưng cũng chính ở thế phản chiến độc lập và tinh thần nhân bản, nên Trịnh Công Sơn vô tình tự đặt mình vào giữa những chiến tuyến; ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) nghi ngờ về “quá trình hoạt động”. Ngay trong nội bộ chính quyền VNCH cũng có những tranh cãi về hiện tượng “tác giả Ca khúc Da vàng”.

Thân thế

Phần đầu bản điều tra của Bộ Thông tin VNCH là một trích yếu lý lịch, xác định Trịnh Công Sơn sinh ngày 10.6.1940 tại phường Phú Nhơn, Thành nội Huế, tỉnh Thừa Thiên; gia cảnh: độc thân; nghề nghiệp: “Trước là học-sinh, nay viết nhạc, đặt bài hát, đặc-biệt, nhạc dân-ca nay đang thịnh hành tại quốc-nội và quốc-ngoại”. Phụ thân của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thanh (đã mất) và mẫu thân là bà Lê Thị Quỳnh, 50 tuổi, ngụ tại nhà số 11/3 đường Nguyễn Trường Tộ, Huế; kèm giấy tờ tùy thân chi tiết của bà Quỳnh. Ba người em của Trịnh Công Sơn được liệt kê trong lý lịch là: Trịnh Quang Hà (thiếu úy Sư đoàn 1, Huế), Trịnh Xuân Tịnh và Trịnh Thị Vĩnh Thúy (đều là sinh viên tại Huế).

Riêng phần “bạn bè thân thích”, chỉ nêu tên hai người: Đinh Văn Cường, sinh viên Sĩ quan Thủ Đức khóa 5 (chính là họa sĩ Đinh Cường - NVN) và Bửu Ý, Giáo sư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Phần này cũng khớp với bản khai (có bút tích và chữ ký) ngày 23.1.1969 tại Sài Gòn của Trịnh Công Sơn.

Phần “quá trình hoạt động” của Trịnh Công Sơn, hồ sơ này ghi nhận: “Năm 1945 trở đi: học sinh tiểu học; Năm 1954 đến 1959: Đỗ trung học đệ I cấp và học hết chương trình đệ II xong bị bệnh ở nhà viết nhạc cho đến nay”.

Một chi tiết quan trọng có trong bản khai của Trịnh Công Sơn nhưng không được đưa vào văn bản báo cáo, đó chính là phần trả lời câu hỏi “Đã gia nhập Hội hay đoàn thể nào?”. Trịnh Công Sơn khai: “Không - ”.

Từ 'Ướt mi' đến Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn

Những mối quan hệ thân tình của Trịnh Công Sơn , sự khởi đầu của con đường âm nhạc từ một phòng trà đã trở thành những manh mối theo dõi, nghe ngóng của mật vụ văn hóa chính quyền Sài Gòn khi mà tên tuổi của nhạc sĩ này đang tạo ra một thứ hấp lực đối với giới trẻ sinh viên học sinh và trí thức Sài Gòn ở các đô thị miền Nam.

Phòng trà Sài Gòn và thời cuộc

Ngoài những chi tiết về gia cảnh Trịnh Công Sơn, tờ phiếu trình của Bộ Thông tin Sài Gòn vào tháng 1.1969 còn thuật lại cuộc gặp gỡ giữa ông với ca sĩ Thanh Thúy và hoàn cảnh ra đời ca khúc Ướt mi - ca khúc làm nên một trong những dấu ấn đầu tiên của nhạc sĩ này trên con đường âm nhạc:

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn: Từ 'Ướt mi' đến Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn - ảnh 1

Trịnh Công Sơn và Đinh Cường tại Huế sau trận Mậu Thân 1968

TƯ LIỆU

“Gia đình cha mẹ Sơn đều gốc ở Thừa Thiên (Huế) nhưng lập nghiệp tại Darlac (Đắk Lắk - NVN), khi cha chết thì mẹ Sơn đưa gia-đình con cái về buôn bán làm ăn tại Huế. Mẹ Sơn trước 1958 có một cửa hàng lớn tại đường Phan Bội Châu, nhưng về sau vì buôn bán lỗ lã nên phải dẹp tiệm ở nhà lo cho các con ăn học. Năm 1959 Sơn nghỉ học vào Sài Gòn. Từ một học-sinh ốm yếu ngây thơ nhưng đã có tính đam mê ca hát, nên khi vào đến Thủ đô hoa lệ, đêm đêm Sơn theo các bạn bè vào các nhà hàng ca-nhạc để nghe hát. Theo lời tâm sự và khi được hỏi trong trường hợp hoàn cảnh nào đã đưa Sơn vào con đường ca nhạc, được Sơn cho biết như sau:

Vào một hôm nọ, trong lúc ngồi nghe nữ ca sĩ Thanh Thúy trình bày một khúc nhạc buồn và sau đó không hiểu vì tâm sự gì Thanh Thúy đã khóc, lòng Sơn như se lại, cảm thấy buồn man mác và bỏ ra về. Suốt đêm hôm đó, không sao Sơn ngủ được, tâm hồn cứ ám ảnh bởi con người ca sĩ xứ Huế ấy bèn lấy giấy đặt một bài thơ để hôm sau trở lại trà thất (phòng trà - NVN) nọ tặng cho Thanh Thúy. Quả thật, khi tặng bài thơ kia cho Thanh Thúy, Sơn đã được Thúy khen ngợi ca tụng”.

Về sau, bài thơ này được phổ nhạc và nổi tiếng nhanh chóng.

Cách giải thích về sự nổi tiếng của Ướt mi đến những bước đi vào sự nghiệp Trịnh Công Sơn được văn bản trên thể hiện khá đơn giản: “Có lẽ vì quá được khích lệ, từ đấy Sơn bắt đầu đi vào con đường đặt thơ, viết nhạc. Từ những ca khúc, tình khúc ướt át, đậm buồn đến những ca khúc táo bạo nói lên thảm trạng xã hội sụp đổ đau thương vì chiến tranh, đặc biệt hơn, gần đây Sơn đã sáng tác thêm Ca khúc da vàng, có những bài như Tôi hát trên xác (có lẽ tên chính xác là Hát trên những xác người - NVN) bài này diễn tả một cảnh tàn sát chết chóc tại Huế hôm tết Mậu Thân”.

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn: Từ 'Ướt mi' đến Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn - ảnh 2

Giấy cam kết về lý lịch do Trịnh Công Sơn khai và ký

NVN CHỤP LẠI TƯ LIỆU TTLTQG II, TP.HCM

Tầm ảnh hưởng quốc tế

Trong hồ sơ “Mật” này, phần phân tích “Những hoạt-động trong quá khứ và hiện tại của Sơn” cho thấy khá rõ quan điểm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước sức ảnh hưởng của nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn. Bộ Thông tin Sài Gòn nhận định sau Mậu Thân: “Ảnh hưởng của Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn đã lên rất cao, không những tại quốc nội mà ngay cả quốc ngoại như tại Mỹ, Pháp, Nhựt, thanh niên sinh viên đang khai thác triệt để thuộc mọi khuynh hướng nhứt là phái tả”.

Ngoài ra, tài liệu còn ghi nhận cả việc phát hành băng nhạc Trịnh Công Sơn không bản quyền tại miền Nam và nước ngoài, cuộc sống nghèo của Trịnh Công Sơn vào thời điểm đó: “Tại trong nước, nhạc của Sơn đang được phổ biến sâu rộng phần lớn do chính tác giả tự đánh đàn trình bày, có khi đồng ca với nữ ca sĩ Khánh Ly, có loại lại hoàn toàn do Khánh Ly hoặc Lệ Thu trình bày. Tất cả những bản nhạc được trình bày đều thâu vào băng nhựa để chuyển cho nhau nghe giữa bạn bè, nhưng về sau này có người đã lợi dụng khai thác thương mãi, họ cho vào băng nhựa nhỏ (cassette) gởi bán tại trong và ngoài nước mà lẽ ra chính tác giả mới là người đứng ra khai thác thụ hưởng mới phải. Cũng vì thế, Sơn chỉ được tiếng nhưng không có miếng, Sơn vẫn nghèo, không có nơi ăn chốn ở, phải sống nhờ bạn bè nhiều hơn gia đình cung cấp. Ý thức được sự thiệt thòi đó, gần đây Sơn đã nhờ một vài bạn bè tổ chức lại việc phát hành, xuất bản tác phẩm để giữ độc quyền”.

Tuy nhiên, tên tuổi cũng làm cho cuộc sống Trịnh Công Sơn bận rộn hơn. Như một bản theo dõi mật vụ, hồ sơ trên thuật lại chi tiết: “Nhìn về cuộc sống hiện tại và những hoạt động hằng ngày của Sơn, như đã trình bày trên, từ sau biến cố tết Mậu Thân và từ khi Phong trào nhạc Trịnh Công Sơn thịnh hành, cuộc sống của Sơn lúc nào cũng bận rộn, nào viết nhạc đặt lời ca, nào dạy hát, tập bài ca cho anh chị em sinh viên, tiếp xúc bạn bè... đặc biệt trong những ngày vừa qua đã có rất nhiều nhà báo, ký giả ngoại quốc như báo NEWSWEEK, TIMES, FIGARO và nhiều nhà báo khác của Nhựt Bổn, Đại Hàn đến tiếp xúc, phỏng vấn, chụp hình...”.

Trong Giấy cam kết đính kèm với bản phiếu trình điều tra, Trịnh Công Sơn điền vào mục nghề nghiệp là: “Viết nhạc”. Ở phần “Xin cam kết” của bản khai này thì có một dấu gạch chéo trên các điều khoản: “Tuyệt đối trung thành với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa”; “Tuyệt đối không cung cấp tin tức cho một cá nhân nào khác ngoài cơ quan mà tôi đang phục vụ trừ khi có lệnh trên”; “Tuyệt đối giữ tất cả những tin tức mà tôi được biết trong khi thừa hành phận sự...”.

Nhiều khả năng đó chính là dấu gạch chéo của người ký tên bên dưới: Trịnh Công Sơn. Thời điểm đó, rất có thể ông đã cân nhắc, không chấp nhận “cam kết” những điều kiện này.

Không để ai lợi dụng cũng được

Xu hướng chính trị trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã bị diễn dịch theo nhiều cách khác nhau.

Những quan hệ của Trịnh Công Sơn với giới văn nghệ, trí thức tiếp tục gây chú ý với giới mật vụ, mong lần tìm ra một manh mối rõ ràng về “lập trường tranh đấu” của ông.

Với Khánh Ly

Mối quan hệ Trịnh Công Sơn với Khánh Ly cũng trở thành chủ đề thu hút dư luận vào thời điểm năm 1969; được đề cập sâu trong tập Phiếu trình nói trên.

Hình ảnh của Trịnh Công Sơn bên Khánh Ly gần như thần tượng của giới trẻ trí thức đô thị: anh chàng nhạc sĩ dáng thư sinh ôm đàn guitar thùng đệm những bản nhạc phản chiến cho cô ca sĩ chân trần có giọng ca quyến rũ bởi sự mộc mạc, tự do cất lên giữa những sinh viên đại học trong bối cảnh cuộc chiến tranh ngày càng leo thang.

Trong tài liệu điều tra của Bộ Thông tin Sài Gòn, mối quan hệ Trịnh Công Sơn với Khánh Ly cũng được “do thám” manh mối và phân tích khá kỹ. Thông tin được nhân viên của Bộ Thông tin thu thập “khi câu chuyện trao đổi tâm tình, khai thác qua khía cạnh tình cảm và liên hệ bạn bè, trong những bữa ăn thân mật, chén rượu mặn nồng, những đêm trò chuyện tâm đầu ý hiệp, Sơn không ngần ngại cởi mở và bộc lộ”.

Bản hồ sơ mật về Trịnh Công Sơn: Không để ai lợi dụng cũng được - ảnh 1

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly biểu diễn tại Quán Văn, 1967

TƯ LIỆU

“Khi cha Sơn mất sớm, mẹ Sơn làm ăn buôn bán thất bại phần không có phương tiện ăn học, phần bị bệnh, Sơn buồn bã, chán nản và đã vào Sài Gòn. Rồi từ câu chuyện thương hại nữ ca sĩ Thanh Thúy, ứng khẩu thành thơ thành nhạc, từ đó Sơn đã mạnh dạn bước vào con đường khảo nhạc. Phần hoàn cảnh chi phối phần bị đau ốm, ngoại cảnh đã làm xúc động cuộc sống của Sơn, thế nên từ những nhạc phẩm tầm thường, Sơn đã mục kích những cảnh tượng của chiến tranh và sáng tác thêm những nhạc phẩm mà hầu hết nội dung đã nói lên thảm trạng đó. Sơn chán ghét cảnh chiến tranh tàn sát lẫn nhau, không chấp nhận một cuộc chiến giữa những người cùng một màu da, chủng tộc. Cũng vì vậy, “theo lời tiết lộ của Sơn”, khi Sơn gặp Khánh Ly, một người con gái mới tuổi đôi mươi mà đã sớm gặp cảnh éo le, Ly lấy một thanh niên lính không quân, được hai con thì mối tình kia bị dang dở, và sau đó Ly lại thầm yêu một sĩ quan không quân đó là trung tá Lưu Kim Cương, nhưng chẳng được bao lâu thì mối tình này cũng bất hạnh vì Kim Cương đã tử trận. Sơn có cơ hội quen Cương, rồi đến quen tướng Kỳ (Nguyễn Cao Kỳ - NVN), tướng Loan (Nguyễn Ngọc Loan - NVN) để hằng đêm Ly đưa Sơn vào câu lạc bộ không quân Huỳnh Hữu Bạc hát cho các vị nầy nghe”, Phiếu trình nói trên viết.

Rời căn phòng khách sạn Catinat

Những mối quan hệ bạn bè và hành tung của nhạc sĩ tại Sài Gòn cũng được ghi chép lại một cách chi tiết như: “Đêm đến Sơn cùng vài bạn bè đến trà thất Đêm Màu Hồng ngồi uống rượu, nghe Khánh Ly, Lệ Thu hát những tác phẩm của mình, cũng có khi chính Sơn lên hát”. Quán (phòng trà) Đêm Màu Hồng là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ sĩ tinh hoa Sài Gòn trước 1975. Vì là chỗ thường xuyên đi lại của Trịnh Công Sơn nên “lai lịch” Đêm Màu Hồng cũng được mật vụ làm rõ: “Quán Đêm Màu Hồng do ban nhạc Thăng Long thuê với sự cộng tác của ca sĩ Joe Marcel (người Việt) một ca sĩ chuyên nhạc ngoại quốc giựt gân, cùng với hai nữ ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu và tọa lạc trong một căn phòng ấm cúng của cửa vào khách sạn Catinat đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Đa số khán giả thuộc giới trẻ, thanh niên, sinh viên”.

Không chỉ Đêm Màu Hồng, quán Gió và Thơ tại đường Võ Tánh và Trần Quang Khải có khách hàng là sinh viên cũng thường có những đêm nhạc Trịnh. Tất thảy được nhắc tên trong bản báo cáo điều tra. Mật vụ văn hóa đã lần theo đến “nhiều quán nhỏ khác không thuần túy dành cho giới trẻ, nhưng họ vẫn dùng băng nhạc của Trịnh Công Sơn để thu hút khách hàng thưởng thức, nhưng về sau này học sinh sinh viên đến nghe cũng đông, đó là quán Yên Đỗ. Ngoài Sài Gòn ra, tại Đà Lạt, Nha Trang, Huế, những loại quán này cũng thịnh hành, thu hút hầu hết giới trẻ” và “Sơn không những sống luôn ở Sài Gòn, mà thỉnh thoảng được bạn bè hoặc các Tổng hội Sinh viên mời lên Đà Lạt, Huế, Cần Thơ...”.

Văn bản cũng tiết lộ một chi tiết, khi cái tên Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng lớn, ông Nguyễn Cao Kỳ đã ra lệnh phụ tá của mình là Đặng Đức Khôi lo cho nhạc sĩ này một chỗ ở sang trọng trong nửa tháng - đó là căn phòng trong khách sạn Catinat do ông Trần Quý Phong làm giám đốc. Sau đó, họ thuyết phục Trịnh Công Sơn đi Paris “làm lợi khí tuyên truyền đấu tranh chính trị cho họ”, nhưng nhạc sĩ “nhờ bạn bè khuyên răn”, đã từ chối. “Gần đây, khi phái đoàn của Phó Tổng thống Kỳ trở lại Paris, chính Khôi đã hớt hải đi tìm Sơn để mời Sơn cùng qua Paris, nhưng đã muộn, Sơn không còn là con cờ để ai lợi dụng cũng được”.

Thời bấy giờ, báo chí Mỹ và phương Tây có đưa tin về việc Trịnh Công Sơn bị cảnh sát Sài Gòn bắt giam. Tuy nhiên, văn bản này cũng thể hiện rằng chính Trịnh Công Sơn đã cải chính “về một số bài báo nói về Sơn bị bắt”. Văn bản cũng hé lộ thông tin rằng, với các chính khách VNCH, thì ngoài Thủ tướng đương thời Trần Văn Hương, một người nữa, “không riêng gì Sơn mà hầu hết thanh niên, sinh viên kỳ vọng” là đại tướng Dương Văn Minh.

(còn tiếp)