Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Xem xét phong anh hùng lực lượng vũ trang cho đại tá Bùi Văn Tùng

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng.

Xem xét phong anh hùng lực lượng vũ trang cho đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: Một Thế Giới


Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Phạm Việt Tùng, nguyên phóng viên quay phim chiến trường chống Mỹ của Đài tiếng nói Việt Nam có gửi thư cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị một số nội dung liên quan đến Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203.

Liên quan đến việc này, Chủ tịch nước yêu cầu chuyển thư và toàn bộ tài liệu của ông Phạm Việt Tùng đến Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để nghiên cứu, xem xét cụ thể.

Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ban Thi đua - khen thưởng trung ương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Bùi Văn Tùng.

Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, Đạo diễn Phạm Việt Tùng vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tại Văn phòng Chủ tịch nước, khi ông đến gởi trình kiến nghị Chủ tịch nước xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) cho ông Bùi Văn Tùng - nguyên trung tá Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 – là người đã trực tiếp thảo lời đầu hàng cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc trên Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30.4.1975.

Trung tá Bùi Văn Tùng khi ấy (đến lúc nghỉ hưu ông mang quân hàm đại tá) cũng là người đã tuyên bố trên Đài phát thanh “đại diện lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng. Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh – Tổng thống chính quyền Sài Gòn” vào trưa 30.4 cách đây 47 năm.

Trung tá Bùi Văn Tùng (bên trái) – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức, bên phải) tại sân dinh Độc lập, Sài Gòn trưa 30.4.1975. Ảnh tư liệu, chụp lại.


Đạo diễn Phạm Việt Tùng - đạo diễn các phim tài liệu lịch sử, điều tra liên quan đến sự kiện lịch sử ngày 30.4.1975 tại Dinh Độc lập của chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho biết, ông vừa được lãnh đạo Vụ chuyên môn thuộc Văn phòng Chủ tịch nước thông báo cơ quan này đang lập hồ sơ trình Chủ tịch nước xem xét nội dung kiến nghị của ông về việc đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông Bùi Văn Tùng.

Đó là bản kiến nghị của đạo diễn Phạm Việt Tùng mà ông cùng một nữ đồng nghiệp biên kịch phim Chuyện thật trưa 30.4.1975 đã đến Văn phòng Chủ tịch nước để gởi trình lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 4.4.2022.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp, lắng nghe kiến nghị của ông và chỉ đạo cho lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Văn phòng Chủ tịch nước tiếp nhận đơn kiến nghị đó để xem xét, trình Chủ tịch nước.

Trong đó, đạo diễn Phạm Việt Tùng có nêu kiến nghị Chủ tịch nước chỉ đạo “xét thành tích cống hiến qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của đại tá (1975 là trung tá - PV) – Chính ủy Bùi Văn Tùng, xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho ông Bùi Văn Tùng”.

Chính ủy Lữ đoàn xe Tăng 203 Bùi Văn Tùng được Bác Tôn ôm hôn biểu dương ngay sau ngày miền Nam thống nhất. Ảnh tư liệu chụp lại từ bộ phim Chuyện thật trưa 30.4.1975.


Cũng theo bản kiến nghị đã trình Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đạo diễn Phạm Việt Tùng còn nêu các căn cứ để ông đề nghị xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông Bùi Văn Tùng. Đó là trong bộ chính sử Lịch sử Nam bộ Kháng chiến, do Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến chỉ đạo thực hiện, theo quyết định của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đã xuất bản năm 2010, 2011), có ghi chép rõ ràng: Người thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc phát đi trên Đài phát thanh là trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203; người thay mặt Quân Giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng của Tổng thống chế độ Sài Gòn cũng là trung tá Bùi Văn Tùng.

Sự thật đó, cũng theo bản kiến nghị của đạo diễn Phạm Việt Tùng, hoàn toàn trùng khớp với nội dung các cuốn sử ký và tài liệu khác đã xuất bản trước và các chứng cứ trong bộ phim tài liệu điều tra “Chuyện thật trưa 30.4.1975” do Đài Tiếng nói Việt Nam sản xuất. Đó là bộ phim đã được trình chiếu trên Đài truyền hình VTC – Đài Tiếng nói Việt Nam, tháng 4.2021 và đã được chọn vào vòng chung khảo và trình chiếu tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII, tại Thừa Thiên Huế, tháng 11.2021.

Trong bản kiến nghị trình Chủ tịch nước, đạo diễn Phạm Việt Tùng còn trình bày: “Mặc dù ông Bùi Văn Tùng không màng danh lợi nhưng việc xét tặng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước cho cống hiến vệ quốc của ông Bùi Văn Tùng sẽ thể hiện sự quan tâm công bằng (như đã trao danh hiệu đó cho ông Bùi Quang Thận, ông Phạm Xuân Thệ); đem lại niềm tin cho các thế hệ yêu nước, cũng như các cựu chiến binh”. 

B.T.V tổng hợp