Trong bối cảnh ngày càng nhiều người muốn giảm cân, trên thị trường liên tục xuất hiện các chất hữu hiệu mới. Theo các chuyên gia một kỷ nguyên mới về điều trị bệnh quá cân đã xuất hiện.
Tiêm thuốc Tirzepatid một tuần một lần chống béo phì. Ảnh: Getty Images/Guido Mieth
Nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ Lilly mới đây đã công bố một kết quả nghiên cứu, nhưng mãi gần đây công chúng mới hiểu về tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu này. Hơn 2.500 người, nặng trung bình trên dưới 100 kg, đã dùng hoạt chất mới phát triển tirzepatid mỗi tuần một lần trong 72 tuần. Họ được tiêm thuốc giống như các bệnh nhân tiểu đường. Tất cả những người tham gia đều được giám sát chặt chẽ, tư vấn về chế độ ăn uống và tập thể dục. Cuối cùng, những người tiêm giả dược giảm bình quân 2 kg, những người tiêm tirzepatid giảm trung bình 24 kg.
Kết quả này gây ngạc nhiên với giới bác sỹ và các nhà nghiên cứu về bệnh béo phì. Họ coi đây là “tiến bộ y học quan trọng” và chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi cách điều trị bệnh béo phì.
Cứ 4 người trưởng thành ở Đức thì có 1 người bị coi là béo phì, tức là chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ trên 30. Tỷ lệ này trên toàn thế giới là 13% và xu hướng này đang tăng lên. Béo phì liên quan đến nhiều loại bệnh, bao gồm tiểu đường, rối loạn lipid máu, huyết áp cao, bệnh tim mạch, tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, gan nhiễm mỡ, tổn thương khớp gối và vô sinh. Người ta ước tính có khoảng năm triệu người chết sớm mỗi năm vì thừa cân.
Cho đến nay để giảm cân người ta thường phải thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động, tập thể dục nhiều hơn. Tuy nhiên dù tập luyện đến mấy, mọi người thường chỉ giảm được tối đa 10 kg, nhưng sau ít năm cơ thể hay bị béo phì trở lại. Do đó bác sỹ Blüher, chuyên gia về bệnh béo phì, khuyên những người quá béo nên có can thiệp về phẫu thuật, chẳng hạn như thu nhỏ dạ dày. Lựa chọn thứ ba, nhẹ nhàng hơn là liệu pháp điều trị bằng thuốc, hầu như ít được sử dụng. Trong những thập niên vừa qua đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này.
Điều này gần đây có thay đổi. Đầu tháng 11 năm ngoái, nhà sản xuất dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk đã công bố một nghiên cứu, theo đó những đối tượng thử nghiệm thừa cân nghiêm trọng sử dụng hoạt chất semaglutide đã giảm trung bình 15 kg. Đầu năm nay, semaglutide đã được phê duyệt ở châu Âu để điều trị bệnh béo phì, nhưng loại thuốc tương ứng vẫn chưa có sẵn. Với tirzepatid, kết quả hiện đã được thông qua và dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2022.
Cả hai hoạt chất này đều bắt chước cấu trúc hóa học và tác dụng của các hormone tự nhiên được thải ra từ ruột sau khi ăn. Các hormone đường ruột này, được gọi là “incretins”, liên kết với các thụ thể phù hợp chính xác ở nhiều nơi trong cơ thể và gây ra nhiều hiệu ứng khác nhau. Trong não, chúng ngăn chặn sự thèm ăn, trong dạ dày, chúng làm chậm quá trình rỗng, và trong tuyến tụy, chúng thúc đẩy việc giải phóng insulin.
Cả semaglutide và tirzepatide đều thực sự là những loại thuốc điều trị tiểu đường mạnh. Tuy nhiên, ngay từ đầu, chúng đã tiết lộ một tác dụng thứ hai rất được nhiều người hoan nghênh: bệnh nhân tiểu đường giảm được vài kg ngay cả khi dùng liều thấp. Cả hai thành phần hoạt tính cũng có thể được sử dụng bởi những người không mắc bệnh tiểu đường, vì chúng không làm giảm thêm lượng đường trong máu bình thường.
Hơn 50 tuyến tín hiệu điều chỉnh sự thèm ăn
Ý tưởng về một phân tử có chức năng kép như vậy ban đầu đến từ nhà nội tiết học người Đức Matthias Tschöp, hiện là giám đốc của Trung tâm Helmholtz ở Munich. Một kinh nghiệm quan trọng đối với Tschöp là việc phát hiện ra hormone leptin vào năm 1994: “Điều đó đã thay đổi mọi thứ.” Các tế bào mỡ trong cơ thể giải phóng Leptin, báo hiệu lên não cảm giác no.
Tschöp sau đó đã giải mã tầm quan trọng của ghrelin, một loại hormone gây đói khác. Đây là lần đầu tiên người ta xác định được phân tử truyền tín hiệu trong cơ thể thôi thúc con người ăn nhiều. Tuy nhiên việc hấp thụ thực phẩm trong cơ thể con người được điều chỉnh bằng vô số tuyến tín hiệu phức tạp, cho đến nay đã xác định được trên 50 tuyến tín hiệu như vậy.
Tschöp cộng tác với chuyên gia về hóa học Richard DiMarchi thuộc Indiana University, một nhà nghiên cứu hàng đầu về các phân tử nhân tạo giống hormon. Thách thức đầu tiên là các hoạt chất mới này không được có tác dụng phụ xấu và phải có độ bền vững cao hơn hormon có trong tự nhiên. Bởi vì trong khi các hormone được cơ thể tiết ra liên tục thì các biến thể đã được sửa đổi, chỉ cần tiêm chúng vào máu mỗi tuần một lần là đủ.
Năm 2009, thời điểm đã đến: Tschöp và DiMarchi lần đầu tiên giới thiệu một phân tử có tác dụng kép làm giảm đáng kể tình trạng béo phì ở động vật và giảm đáng kể lượng đường trong máu. Bốn năm sau, họ công bố một khám phá mang tính đột phá, một phân tử tương tự. Nó bắt chước tác động của các chất inkretin GIP và GLP-1 của cơ thể.
Hoạt chất GIP / GLP-1 đầu tiên có tên tirzepatid hiện đã mang lại cho Lilly một bước đột phá đáng kinh ngạc. Quá trình phát triển vẫn chưa kết thúc. Các biến thể phân tử từ các công ty dược phẩm khác, cũng được phát hiện bởi Tschöp và DiMarchi, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. Chúng bao gồm các thành phần hoạt tính thậm chí bắt chước ba loại hormone đường ruột cùng một lúc và dường như còn mang lại hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị béo phì mới có một số tác dụng phụ khó chịu. Nhiều bệnh nhân thời gian đầu có cảm giác buồn nôn, một số nôn mửa. Có cảm giác đầy bụng và tiêu chảy. Ở hầu hết người bệnh sau vài ba tuần các cảm giác này mất đi, tuy nhiên khoảng 6% người bệnh phải ngừng điều trị bằng tirzepatide vì các tác dụng phụ.
Bên cạnh đó, hiện tại chi phí điều trị quá tốn kém, mỗi tháng hết trên 1000 euro.
Xuân Hoài dịch