(KTSG Online) – Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn có thể được xem là một nhân chứng lịch sử khá đặc biệt, người giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn cũ tham gia vào cuộc bàn giao lịch sử cho chính quyền cách mạng. Ông cũng là một trong những người tham gia đặt nền móng cho việc cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam tiệm cận với thế giới. Rạng sáng nay (3-6-2022), người kết nối đặc biệt của nền kinh tế đổi mới đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 77.
Ông Huỳnh Bửu Sơn (sinh năm 1946 tại Vũng Tàu) là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng. Ông được đánh giá là một chuyên gia lỗi lạc và tận hiến với chính sách, luôn trăn trở để chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh.
Theo nhiều người, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn không chỉ là người giữ chìa khóa của kho vàng của Ngân hàng quốc gia Sài Gòn mà những năm tháng về sau ông cũng chính là người “mở khóa” cho những vấn đề hóc búa của nền kinh tế Việt Nam thông qua những đề xuất, ý tưởng, lẫn công trình nghiên cứu của mình.
Thời mở cửa, có một Nhóm Thứ Sáu chuyên tụ hội các chuyên gia kinh tế để thực hiện các “đơn đặt hàng” từ lãnh đạo TPHCM cũng như cả nước về các vấn đề “kinh bang tế thế” một cách hiệu quả. Họ đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi tư duy làm kinh tế thị trường trong buổi chập chững đầu tiên sau đổi mới. Ông Huỳnh Bửu Sơn – một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu, thành viên của Nhóm Thứ Sáu.
Năm 1985, nhà nước thực hiện chính sách giá – lương – tiền, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, tiền mặt khan hiếm… Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, Thành ủy và UBND TPHCM đặt hàng Nhóm Thứ Sáu nghiên cứu biện pháp kéo giá xuống và khắc phục hậu quả của chính sách này. Ông Huỳnh Bửu Sơn đã từng làm ở Ngân hàng quốc gia và đang công tác ở một công ty xuất nhập khẩu của thành phố, có điều kiện tiếp cận số liệu nên được bầu làm chủ nhiệm đề tài.
Chia sẻ với KTSG Online, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, một thành viên của Nhóm Thứ Sáu hồi tưởng: “Lúc bấy giờ, hơn 20 chuyên gia kinh tế của Nhóm cùng tích cực thảo luận và kết quả là ý kiến của anh Huỳnh Bửu Sơn đã được mọi người đồng thuận. Theo anh, nhìn từ kinh tế vĩ mô thì giá cả không phải đang tăng, mà ngược lại đã giảm đến độ nền kinh tế đang tan rã, dẫn đến mọi ngành sản xuất đều thua lỗ, không tái tạo được đồng vốn”.
Quan điểm phản biện này lập tức được soạn thảo kịp thời bằng một đề án và các anh em đại diện cho Nhóm Thứ Sáu được Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt mời ra trình bày trước nhiều bộ trưởng và chuyên gia hàng đầu của chính phủ.
“Có thể nói, đó là một trong những yếu tố giúp Trung ương có những chính sách mới, chẳng hạn như xóa bỏ “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá được lưu thông xuyên suốt cả nước, cùng với các chính sách tài chính và tín dụng tiền tệ được ban hành, đã đưa nền kinh tế từng bước bình thường trở lại trong những năm kế tiếp”, ông Phan Chánh Dưỡng cho hay.
Từ tiền đề đó, những đề án của Nhóm Thứ Sáu như: Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế; Đổi mới hệ thống ngân hàng; Xây dựng chính sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam; Quy hoạch vùng để phát triển kinh tế… đã góp phần hiệu quả trong việc giúp kinh tế – xã hội ổn định lại và sẵn sàng những đường băng để cất cánh.
Đến tháng 3-1987, công trình nghiên cứu “Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế” hoàn thành, Nhóm trực tiếp báo cáo với lãnh đạo TPHCM. Sau đó, ông Huỳnh Bửu Sơn và 3 chuyên gia khác trong nhóm Thứ Sáu đã được tham gia vào Nhóm Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.
Những năm sau này, khi có những yêu cầu của lãnh đạo TPHCM về việc góp ý kiến hay tham gia xây dựng các công trình kinh tế trên địa bàn thành phố như thành lập Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công Thương, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước… đều có sự đóng góp của chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn.
Nhiều năm qua, ông đã đúc rút kinh nghiệm và trí tuệ của mình để viết nên những cuốn sách có giá trị – “Giấc mơ hóa rồng”, “25 năm theo dòng kinh tế Việt Nam”, gửi gắm ước mơ đất nước ngày mai sẽ hóa rồng! Đây được xem là giá trị tinh thần của một một trí thức lớn – người đã chủ động chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Như trong lần chia sẻ gần đây nhất với báo chí, ông bộc bạch: “Bất cứ người dân nào khi có cơ hội được đóng góp cho đất nước mình, dù nhỏ, cũng đều sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Những điều tôi làm cũng bình thường như tất cả những người dân Việt, không có gì đặc biệt. Tôi nghĩ rằng một người tự nhận mình là người trí thức thì ít nhất phải có tư duy độc lập, trong ý nghĩa là mình suy nghĩ và hành động theo điều mình biết và tin là đúng”.
Với nhóm báo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã có nhiều đóng góp tích cực qua các nội dung liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân.
Thông qua các bài viết, góp ý của mình, ông bộc bạch niềm mong mỏi khu vực kinh tế tư nhân được hỗ trợ đầy đủ và đúng lúc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc dân càng được khẳng định và ngày càng được coi trọng.
Ông từng chia sẻ ngoài chính sách, doanh nghiệp rất cần thêm sự chân thành trong quá trình thực thi, họ muốn được các lãnh đạo chia sẻ và biết lắng nghe để đồng hành cùng họ. Nếu làm được như thế, sẽ tạo động lực để khối tư nhân cống hiến nhiều hơn và Việt Nam sẽ sớm “hóa rồng”, thực sự trở thành một quốc gia cường thịnh.
Đến hôm nay, sứ mệnh của “Ánh tà dương” Huỳnh Bửu Sơn, một trí thức chọn thái độ cống hiến trước bao giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, đã hoàn thành!
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - một ánh tà dương của nhóm Thứ Sáu - vụt tắt
TTO - Sáng sớm nay (3-6), chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã từ biệt cuộc đời trước sự bàng hoàng của gia đình, bè bạn.
'Vậy là lại thêm một ánh tà dương nữa của nhóm Thứ Sáu vụt tắt', ông Phan Chánh Dưỡng ngậm ngùi tìm tấm ảnh cuộc họp mặt gần nhất của nhóm dịp Tết vừa rồi.
Trong ảnh - chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn - như thường lệ vẫn luôn là người "phong độ" nhất. Tóc đen. Áo hồng. Nụ cười hài lòng của chủ nhà.
Từ đó đến nay mới vừa tròn bốn tháng.
Lâm bệnh bất ngờ, trở nặng không ngờ, và sáng sớm nay ông Huỳnh Bửu Sơn đã ra đi.
"Vừa mới hôm qua, nghe anh từ viện về nhà, tôi đến thăm, mang theo tấm hình này. Anh xem, cười rất vui, bảo mấy hôm nữa qua cơn bệnh, phải tụ họp một cuộc lớn hơn nữa, đông đủ hơn nữa. Nhóm Thứ Sáu trong hình này vẫn còn thiếu mấy người… Vậy mà anh ấy đã vội đi, rời xa chúng tôi để đoàn tụ với Trần Bá Tước, Lâm Võ Hoàng", ông Dưỡng xót xa nói tiếp.
Nhóm Thứ Sáu của các ông đã họp những cuộc họp vào ngày thứ sáu gần 40 năm. 40 năm những người bạn bắt tay nhau vì tình yêu lớn với đất nước, vì mong ước lớn với nền kinh tế nước nhà, và họ đã cùng làm được những việc thật lớn.
Năm 1986, nền kinh tế bắt đầu đi vào đổi mới, mở cửa với bao nhiêu ngổn ngang của 10 năm bao cấp. Đây cũng là lúc nhóm Thứ Sáu chính thức hoạt động với sự đồng ý và đặt hàng của Thành ủy TP.HCM.
Những đề án của nhóm: Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế; Đổi mới hệ thống ngân hàng; Xây dựng chính sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam; Quy hoạch vùng để phát triển kinh tế… đã góp phần hiệu quả trong việc giúp kinh tế - xã hội ổn định lại và sẵn sàng những đường băng để cất cánh.
"Anh Huỳnh Bửu Sơn là chuyên gia kinh tế lỗi lạc vào bậc nhất của nhóm, ai ai cũng biết đến. Đóng góp của anh trong các đề án ấy là rất lớn. Phần tôi, tham gia vào những đề tài ấy như vừa được học xong đại học kinh tế", ông Phan Chánh Dưỡng khẳng định.
Đối với Sài Gòn - TP.HCM, ông Huỳnh Bửu Sơn không chỉ nổi tiếng là một chuyên gia kinh tế, tư vấn hay một nhà quản trị hiệu quả. Ông còn được biết đến là người đã giữ và bàn giao kho vàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa cho những người chủ mới không suy suyển một ly, một cắc trong những ngày đầu của chế độ mới.
Ông từng thuật lại cuộc kiểm kê - bàn giao ấy trên Tuổi Trẻ với lời kết thật cảm động: "Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất.
Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia".
Ông đã tiếp tục hồ hởi mà kiên nhẫn cùng với đồng nghiệp, bè bạn của mình, nhân dân của mình đi trên con đường xây dựng lại đất nước ấy với những "Giấc mơ hóa rồng" (tên một tác phẩm của Huỳnh Bửu Sơn - PV). Sứ mệnh của một trí thức yêu nước, hôm nay ông đã hoàn thành.
Ông Huỳnh Bửu Sơn sinh năm 1946, từ trần lúc 4h29 ngày 3-6-2022, thọ 77 tuổi.
Tang lễ tổ chức tại tư gia - hẻm số 9 đường Tên Lửa, quận Bình Tân, TP.HCM.
Lễ viếng từ 11h ngày 3-6. Lễ động quan lúc 6h ngày 5-6. Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Người giữ chìa khóa kho vàng
TT - Người giữ chìa khóa kho vàng lúc đó là ông Huỳnh Bửu Sơn - làm việc trong ban lãnh đạo Nha Phát hành Ngân hàng Quốc gia. Dưới đây là hồi ức của ông về cuộc kiểm kê kho vàng lần cuối cùng trước khi bàn giao cho chính quyền cách mạng.
Khi lịch sử sang trang Sài Gòn ngày 30-4-1975. Đó là những giờ phút mà sau này tôi mới thấy hết ý nghĩa trọng đại của nó đối với lịch sử dân tộc, nhưng vào lúc đó tôi vẫn còn chưa hết bàng hoàng.
Những ngày đầu tháng 5-1975, tôi vào trình diện tại Ngân hàng Quốc gia ở 17 Bến Chương Dương cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người.
Chúng tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại cơ quan.
Phải nói đó là những ngày rất thảnh thơi đối với tất cả anh em chúng tôi, hầu hết ở độ tuổi trên dưới ba mươi.
Chúng tôi vui vẻ, yên tâm. Thái độ của các anh cán bộ trong Ban Quân quản rất lịch sự, đúng mực nhưng khá xa cách.
Vào thời điểm đó, nhiều người trong chúng tôi chưa nghĩ đến tương lai như thế nào. Mong muốn của tôi cũng như những người khác vào lúc đó là an ninh trật tự sẽ được vãn hồi, mỗi người sẽ có một vị trí làm việc trong chế độ mới và tiếp tục đóng góp theo khả năng của mình cho xứ sở.
Cuối tháng 5-1975, chúng tôi được lệnh trình diện tập trung đi học tập cải tạo tại Trường nữ trung học Gia Long (bây giờ là Trường Nguyễn Thị Minh Khai).
Nhóm viên chức Ngân hàng Quốc gia được xếp vào mấy tổ, tôi thuộc tổ 32. Trong ba ngày tập trung tại Trường Gia Long, chúng tôi được phục vụ ăn uống khá chu đáo.
Chiều ngày thứ ba, sau khi dùng cơm chiều xong, vào khoảng 6 giờ, loa phóng thanh đọc danh sách những người phải thu dọn đồ đạc và tập trung tại sân cờ nghe lệnh. Tên tôi có trong danh sách đó.
Lúc đó tôi cảm thấy rất lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là khi thấy danh sách người được gọi tên chiếm không đến 10% sĩ số.
Nhưng khi đến tập trung tại sân cờ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe ban chỉ huy trại thông báo là do số người trình diện quá đông nên một số được cho về nhà vào tối đó, hôm sau đến để nhận giấy tờ tùy thân và trình diện cơ quan đang công tác, chờ lệnh tập trung mới. Bảy giờ sáng hôm sau, tôi quay trở lại Trường Gia Long, thấy ngôi trường vắng lặng như tờ.
Như vậy là trong đêm trước mọi người đã di chuyển. Một lần nữa số mệnh đã cho tôi ở lại. Tôi đến trình diện tại Ngân hàng Quốc gia và được phân công tác tại Vụ Phát hành và kho quĩ.
Những ngày tiếp theo, Ban Quân quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh.
Sau này, vào cuối tháng tám, khi có lệnh gọi tập trung lần thứ hai cho những người được trả về đợt trước, tôi có đến gặp và hỏi ý kiến anh Ba Sáng, cán bộ Ban Quân quản. Sau khi tham khảo ý kiến Ban Quân quản, anh thông báo cho tôi biết trường hợp của tôi đã được Ban Quân quản xem xét, tôi được bố trí tham gia chiến dịch đổi tiền Sài Gòn cũ và cải tạo tư sản nên không phải đi trình diện học tập tập trung.
Lần kiểm kê cuối cùng
Vào đầu tháng 6-1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân hàng Quốc gia tiến hành kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng của Ngân hàng Quốc gia thuộc quyền quản lý của Nha Phát hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh giám đốc Nha Phát hành đã đi cải tạo tập trung, do đó trong số người còn ở lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa và anh Lê Minh Kiêm - chánh sự vụ - là người giữ mã số của các hầm bạc.
Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên cảm thấy không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho chính quyền mới. Tôi không lo âu gì cả vì biết chắc rằng số tiền và vàng nằm trong kho sẽ khớp đúng với sổ sách.
Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân hàng Quốc gia vẫn được chúng tôi quản lý một cách tuyệt đối an toàn.
Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cửa nặng trên 1 tấn.
Đại diện Ban Quân quản là một cán bộ đứng tuổi, khoảng 50. Cùng tham gia với ông trong suốt quá trình kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai và rất thân thiện.
Anh hay nắm tay tôi khi trò chuyện. Sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt - chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân hàng Quốc gia.
Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân hàng Quốc gia vào thời điểm đó gồm vàng thoi và các loại tiền vàng nguyên chất.
Có ba loại vàng thoi: vàng thoi mua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED); vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi - Công ty Montagu; và vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.
Tất cả những thoi vàng đều là vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12-14kg, trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998).
Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng.
Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi.
Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19 bởi nhiều quốc gia khác nhau...
Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó.
Tất cả số vàng thoi và tiền vàng cổ đều được theo dõi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng và hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập tồn kho.
Chúng tôi thực hiện công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Thật ra công việc cũng khá đơn giản. Số giấy bạc dự trữ giữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng.
Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa là biết khớp đúng ngay.
Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc xêri mới phát hành, có in hình các con thú hoang dã trong rừng rậm Việt Nam.
Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo, mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó (nếu tôi nhớ không lầm) khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam vào thời điểm giải phóng.
Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có khớp đúng với sổ sách hay không.
Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền vàng kiểm kê đều khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho chính quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản lý nghiêm túc của những người đã từng làm việc tại Ngân hàng Quốc gia.
Bảng kê thoi vàng đựng trong các tủ sắt
Tổng cộng: 1.234 thoi vàng (Nguồn: Nha Phát hành, tháng 4-1975) |
__________________________________________________
Hôm trước nghe một hacker đánh sập một trang web. Hôm sau lại nghe một hacker thâm nhập kho thông tin ăn cắp tài khoản…
Thế giới hacker ra sao? Có phải hacker chỉ là những kẻ chuyên đi phá rối?
Hãy cùng phóng viên Tuổi Trẻ một lần xâm nhập thế giới của hacker.
Đón đọc số tới: Xâm nhập thế giới hacker