Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Ghi chép cuối năm

GS NGUYỄN VĂN TUẤN

Ghi chép cuối năm 1:
Những người bạn


Hơn 3 tuần ở Việt Nam, tôi có dịp quan sát và lắng nghe những chuyển động trên quê hương. Trong những entry sau đây, tôi cố gắng ghi lại những gì mình thấy và cảm nhận được ...

6/12. Tôi lên đường đi Hà Nội. Những ngày tháng cuối năm và đầu năm luôn là những thời điểm bận rộn đối với tôi. Chẳng hiểu vì lí do gì mà ở Việt Nam có rất nhiều hội nghị, hội thảo, seminar, workshop, v.v… thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Tôi được vinh hạnh đóng góp một phần nhỏ của mình cho vài hội thảo, tập huấn và seminar từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tiên là 2 workshop về “getting papers published in academic journals” (cách thức công bố bài báo khoa học trên các tập san học thuật) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở Hà Nội (14/12) và TPHCM (16/12). Kế đến là một tập huấn 5 ngày cho một nhóm y tế phi chính phủ ở Hà Nội. Sau đó là hội thảo về “physical activity and non-communicable diseases” (vận động thể lực và các bệnh không lây nhiễm) do WHO tổ chức ở Hà Nội (21/12). Tiếp theo và xen kẽ là một workshop 10 ngày về ứng dụng thống kê học trong nghiên cứu khoa học (nằm trong chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Ngân hàng Thế giới) của Đại học Quốc gia TPHCM. Ngoài ra, còn có những buổi seminar tại Đại học Tôn Đức Thắng, Viện Phát triển bền vững (một cái tên khá nực cười, mà thực chất là Viện khoa học xã hội ở phía Nam), vài bệnh viện, và một buổi trao đổi với vài anh chị trong Đại học Quốc gia TPHCM. Chỉ có 4 ngày về thăm nhà dưới quê. Nói chung là một chuyến đi bận rộn, bận từ ngày đặt chân xuống Việt Nam cho đến ngày lên máy bay về Sydney.
Điều may mắn là tôi “sống sót” qua những ngày làm việc bận rộn như thế. Mấy năm trước, tôi thường đi chung với một cộng sự của tôi để tiếp giảng bài, nhưng lần này chỉ có một mình tôi … lãnh đủ. Với hơn 50 bài giảng, và 4 bài lecture, tôi lo lắng không biết mình còn sống sót được bao lâu, bởi vì kinh nghiệm trước đây cho thấy chỉ nói đến ngày thứ 4 hay cao lắm là ngày thứ 5 thì giọng tôi bắt đầu có vấn đề. Có khi các học viên thương tình cho uống nước giá (vì họ nói các ca sĩ uống nước giá mà hát được lâu!) Lần này thì chẳng có cộng sự viên và cũng chẳng có nước giá, nhưng nhờ trời [sanh voi sanh cỏ] nên tôi chẳng hề hấn gì cho đến ngày cuối cùng rời Việt Nam. Như vậy là một sự sống sót rất đáng kể!
Trong chuyến đi này tôi đã có dịp làm quen với nhiều bạn Việt Nam và Úc. Một trong những người tôi từng nghe qua và thỉnh thoảng có đọc bài là anh LQT, từng là vụ trưởng Vụ Đại học của Bộ GDĐT, người đã có nhã ý mời tôi về giảng trong workshop về “getting papers published in academic journals”. Tôi cũng có dịp quen với 3 giáo sư người Úc nhưng nặng lòng với giáo dục Việt Nam. Chúng tôi bàn luận về nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, những câu chuyện mà hình như không có hồi kết. Ai cũng muốn làm gì đó để gây tác động tích cực đến giáo dục, một lĩnh vực có thể đưa Việt Nam lên một tầm cao hơn nữa trên trường quốc tế, nhưng hình như ai cũng cảm thấy … bó tay. Thôi thì mỗi người đồng ý với nhau là làm hết mình trong khả năng có thể để góp một tay vào việc chung.
Những ngày ở Hà Nội cũng là những ngày kỉ niệm, vì tôi có dịp gặp các bạn mà xưa nay chỉ biết qua các bài viết. Đó là các anh PĐC, ĐHC, TQB (và bà xã là BTN), và một vài bạn bên Đại học Bách khoa mà tôi rất tiếc không nhớ hết tên. Chúng tôi đã có một buổi trao đổi vui vẻ, ý hợp tâm đầu về những vấn đề khoa học, những vấn đề mà Tia Sáng đã và đang nêu từ những 10 năm qua. Hôm đó còn có một người khách đặc biệt của Bộ Khoa học và Công nghệ là anh PHS. Tôi nói “đặc biệt” vì vai trò của anh trong Quĩ Nafosted, một chương trình đang gây tác động tích cực đến nghiên cứu khoa học trong nước. Có một bạn trẻ ở TPHCM nói với tôi là từ ngày đi du học về nước đến giờ, lần đầu tiên anh xin được tiền tài trợ cho nghiên cứu một cách công minh và không có “bôi trơn” gì cả, nhờ vào Quĩ Nafosted. Cách đây vài tháng tôi có viết một bài trên Tuổi Trẻ, phân tích nêu lên sự mất cân đối trong việc phân phối tài trợ của Quĩ Nafosted mà tôi đoán là anh PHS đã phải rất vất vả với giới báo chí. Tôi nghĩ gặp tôi chắc anh ấy sẽ hầm hầm nhắc đến chuyện “ân oán” đó (như một quan chức y tế từng làm như thế với tôi). Nhưng hoàn toàn không, anh PHS vui vẻ chuyện trò với tôi, và nói về những khó khăn và bất cập trong việc tài trợ cho nghiên cứu một cách rất cởi mở. Anh ấy nói rằng đã đi từ Bắc chí Nam để quảng bá cho Quĩ Nafosted, cũng từng có người ủng hộ nhưng cũng gặp vài chống đối. Trong một buổi nói chuyện ở Viện phát triển bền vững (TPHCM), anh viện trưởng cũng có nói rằng anh PHS từng vào Sài Gòn để nói về Nafosted, nhưng chẳng hiểu tại sao rất ít nhóm nghiên cứu ở phía Nam xin tài trợ. Điều làm tôi thấy “ấm lòng” từ anh PHS là một “quan chức” trong Bộ có tầm nhìn tốt, tư cách trong sáng, và cách ứng xử văn minh khoa học. Có thể người của Bộ Khoa học và Công nghệ có khoa học tính hơn các Bộ khác chăng?
Lần đầu tiên tôi có dịp làm quen với các bạn trong nhóm CHIP ở Hà Nội do Bs THM lãnh đạo. Đây là một nhóm y tế phi chính phủ, chuyên thực hiện những dự án nghiên cứu do nước ngoài “đặt hàng” hoặc tài trợ. Đó là một nhóm bạn trẻ, có học thức cao, có kinh nghiệm thực tế dồi dào, và rất năng động. Lần đầu tiên gặp các bạn ấy tôi có cảm tình ngay, vì phong cách làm việc rất Tây và hữu hiệu (tức là không có những màn “hành là chính”). Tôi đã có suốt 5 ngày làm việc với nhóm về các vấn đề phương pháp nghiên cứu rất hào hứng và thú vị.
Tôi cũng đã có dịp gặp nhiều bạn từ Bắc chí Nam, một số bạn mà trước đây chỉ biết tôi qua website cá nhân. Ngày đầu tiên đến Hà Nội, việc đầu tiên của tôi là tìm đường đi từ khách sạn Melia đến khu bán sách Tràng Tiền. Đây là khu phố có nhiều tiệm sách, nhưng tôi thất vọng về hàm lượng sách vở trong các tiệm này. Vào nhà sách nào cũng “hoành tráng”, nhưng sách thì chẳng có bao nhiêu. Những cuốn sách mình cần thì họ không có; ngược lại, những cuốn sách họ có thì mình chẳng cần, thậm chí chẳng thèm nhìn đến. Tôi lang thang hết nhà sách này sang nhà sách khác mà không thể nào tìm được cuốn “Một thởi để mất” của Bùi Ngọc Tấn và “Văn hóa Việt Nam - tự ngấm mình” của Nguyễn Hoàng Đức. Thất vọng ê chề.
Hết các tiệm sách lớn của Nhà nước, tôi lang thang vĩa hè với nhiều tiệm sách nhỏ tư nhân. Trong số này tôi ấn tượng một tiệm sách của một anh tên là Đức. Anh chắc ở độ tuổi đầu 60, tóc hoa răm kiểu nghệ sĩ, và phong cách bán sách cũng rất … văn nghệ. Nếu cần và tùy vào khách hàng (chẳng hạn như tôi), anh ấy tặng sách mà không lấy tiền. Thấy anh ấy đang ngồi uống bia hơi và bàn chuyện văn học với một anh (mà sau này tôi biết là một nhà thơ tên là Sơn ở Melbourne), tôi chú ý đến người chủ tiệm sách. Anh ấy cũng chú ý đến tôi, có lẽ vì tôi nấn ná tìm sách cũ và quyết chí hỏi đến nơi đến chốn những gì tôi muốn biết. Anh mời tôi uống bia hơi, và thế là chủ và khách trò chuyện rơm rả. Một lúc sau thì có một người khách khác đáp xe Honda đến: đó là Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Việt kiều Đức, nhưng hình như đã hồi hương hay lưu lại ở Việt Nam một thời gian dài). Chuyện trò một hồi câu chuyện lan sang Nam Phong tạp chí, Tự Lực Văn Đoàn, và cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Anh Đức chỉ tay lên căn gác của tiệm sách và cho biết cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng làm việc ở trên đó. Hà Nội đúng là nơi có nhiều dấu vết lịch sử.
Từ tiệm sách của anh Đức tôi dạo phố Tràng Tiến và gặp một bạn đọc. Trong khi chờ đèn giao thông để băng qua đường, thì một anh nhìn tôi và nói gì đó tôi nghe không rõ vì xe cộ quá ồn ào. Tôi xin lỗi anh và hỏi lại anh nói gì. Hóa ra, anh ấy hỏi “Anh có phải là thầy Tuấn không?” Một chút ngỡ ngàng! Tôi nói vâng, và hỏi làm sao anh biết tôi tên Tuấn. Anh ấy nói anh là là một độc giả trang web của tôi. Anh còn cho biết rằng đã download tất cả những bài về kĩ năng mềm trong trang web. Tối hôm đó, anh sẽ bay đi Nhật để theo học PhD về chất độc da cam. Tôi bán tín bán nghi, và hai chúng tôi qua đường thì gặp 2 phụ nữ Nhật, một người là người cô hướng dẫn tương lai của anh và một người khác có lẽ là chuyên gia gì đó. Anh giới thiệu tôi với chị người Nhật, và thêm rằng tôi quan tâm đến vấn đề dioxin. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa: anh ta là một nghiên cứu sinh chứ không phải […:-)]. Thế là chúng tôi đứng ngay góc đường đó, bên cạnh siêu thị Tràng Tiền, nói chuyện sôi nổi về đề tài này. Tôi đề nghị một số mô hình nghiên cứu cho hai người. Chúng tôi tiêu ra gần 20 phút, đến nỗi chị người Nhật kinh ngạc nói “không bao giờ nghĩ rằng chúng ta bàn chuyện khoa học ở cái nơi trớ trêu này”. Chia tay hai người mà tôi quên hỏi tên, nhưng anh bạn hứa sẽ liên lạc qua email. Thế giới này thật đúng là là một vòng tròn!
Trong chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội ngày 6/12 tôi lại có thêm một tình cờ. Trong khi loay hoay tìm chỗ ngồi, thì một nam tiếp viên tươi cười nói với tôi từ phía sau lưng “Anh Tuấn có thể ngồi bất cứ đâu, vì hôm nay chỉ có 5 khách trong khoan này thôi”. Tôi kinh ngạc vì tưởng những đề nghị “personalized greeting” của mình đã được ghi nhận, nhưng thật ra thì không phải. Tôi hỏi làm sao anh biết tên tôi, thì anh nói rằng anh nhận ra tôi vì đã thường xuyên đọc trang web của tôi. Tôi đoán thầm chắc là đọc những bài tôi viết về các hãng hàng không và VNA. Anh còn nhận xét dạo cuối năm tôi có vẻ viết ít đi, và tôi chỉ cười nói vì phải lo chuyện cơm áo gạo tiền ... Rất tiếc là tôi quên tên anh, nhưng tôi chỉ nhớ đó là chuyến bay VN782 từ Sài Gòn đi Hà Nội, 6PM ngày 6/12/2010.
Hôm ở Sài Gòn, tôi cũng gặp một anh bạn trong tình huống khá đặc biệt. Hôm đó, tôi đang ăn ở quán bún bò Huế trên đường Cao Thắng, thì có một nhóm người gồm 2 Việt Nam và 2 Tây đi ngang. Hai anh người Việt nhìn tôi một hồi và hỏi tên tôi. Nhận ra ngay vì biết qua ... trang web cá nhân. Đó là anh HBH và hai giáo sư người Hà Lan trong nhóm EYECare Foundation. Anh H cho biết đã đăng kí lớp học, nhưng chắc không tham dự được vì phải đi công tác xa. Còn hai người Hà Lan thì sẽ bay về nước hôm đó. Thế là chúng tôi chụp chung một bức hình lưu niệm.
Tương tự, hôm đi Bến Tre, mới ghé qua quán hủ tíu Mỹ Tho, đã có hai người đang uống cà phê vỉa hè nhận ra tôi. Hai anh bạn này hỏi tài xế lái xe có phải là tôi vừa ghé quán, và anh tài xế hỏi tôi. Rồi khi ghé qua nhà của Má của M ở Tiền Giang cũng thế, hai anh bạn bên cạnh nhà cũng nhận ra tôi, nhưng chúng tôi không có dịp trò chuyện vì phải đi Bến Tre ngay. Những người bạn dọc đường như thế đôi khi làm cho tôi thấy mình ấm lòng ...
Hội thảo và seminar cũng là dịp tôi biết được những người bạn mới, nhưng là những bạn đọc của trang web. Hai buổi hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là dịp tôi gặp những người bạn đã biết tôi qua những bài viết trên trang web cá nhân và báo chí. Có người nói (và làm tôi cảm động) rằng phải lái xe cả trăm cây số đến đây để trước là tham dự hội thảo, và sau là gặp mặt tôi cho biết. Chẳng hạn như trong hội thảo về “physical activity and non-communicable diseases” ở Khách sạn Fortuna hôm 21/12, có một chị bác sĩ trẻ đến tự giới thiệu là người đã liên lạc tôi qua email và quyết đến tham dự vào buổi hội thảo, và chị ấy nhận xét rằng tôi nói cũng như viết. Chị ấy còn cho biết cách đây vài tuần Bộ Khoa học và Công nghệ có tổ chức một buổi tập huấn về cách viết bài báo khoa học và sử dụng nhiều tài liệu cũng như những bài viết của tôi trên trang web cá nhân. Chị ấy còn kể hôm đó, thầy giảng hỏi học viên có ai từng ghé qua trang web thì khoảng 2/3 dơ tay là từng ghé thăm. Ngoài các bạn trên, tôi còn có dịp gặp nhiều bạn khác ở các đại học và trung tâm nghiên cứu. Điều làm tôi cảm động là các bạn ấy nói đã từng biết tôi qua trang web cá nhân, và có nhiều lời khuyên rất thiết thực.
Mười ngày tập huấn ở Đại học Bách khoa TPHCM cũng là dịp tôi gặp lại nhiều bạn cũ và mới. Gặp gỡ và trao đổi với các bạn ấy (rất nhiều là giảng viên đại học hay chuyên viên trong các công ti lớn) tôi thấy nhu cầu về khoa học thống kê ở VN cực kì lớn, nhưng không có một đại học nào có bộ môn này. Thật ra, có đại học trên danh nghĩa là có bộ môn xác suất thống kê, nhưng chương trình dạy thì quá cổ điển, chẳng ăn nhập gì với thực tế. Nếu có thể lấy một bộ môn để làm ví dụ tiêu biểu về sự kém thích ứng của giáo dục đại học Việt Nam thì bộ môn thống kê là một ví dụ tuyệt vời. Những gì nhà trường dạy không đáp ứng được nhu cầu thực tế; ngược lại, những gì cần được dạy thì trường không có giảng viên để đảm trách. Hi vọng rằng trong tương lai gần một đại học sẽ đứng ra đảm nhiệm và lấp vào khoảng trống này. Tôi đã có dịp quen biết (hay “phát hiện”) vài bạn mà theo tôi là giỏi và có tiềm năng rất tốt cho nghiên cứu thống kê học, nếu gặp đúng thầy cô định hướng đúng cho họ.
Buổi nói chuyện ở ĐH Tôn Đức Thắng cũng là một vinh hạnh cho tôi. Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, nên tôi không ngờ ĐH TDT có qui mô khá lớn (trên 25 ngàn sinh viên) và có một khuôn viên đẹp như hiện nay ở Quận 7. Mới vào đại học, tôi thấy ngay lối kiến trúc “khoa bảng”, khác hẳn lối kiến trúc của ĐHQG TPHCM (rất u ám, đe dọa kiểu Liên Xô, và bên trong thì giống như một siêu thị hơn là một đại học). Hôm đó, tôi cũng nói về các vấn đề liên quan đến khoa học và công bố kết quả nghiên cứu (mà Thanh Niên đã có phỏng vấn), và có một trao đổi thú vị với các giảng viên trẻ từ nước ngoài về. Một số giảng viên là cựu nghiên cứu sinh của anh Nguyễn Đăng Hưng hay trong chương trình du học Bỉ của anh ấy. Tôi phải ghi thêm rằng các bạn ở đó đã rất chuyên nghiệp trong việc thể hiện lòng “hiếu khách”, một điều tôi rất hiếm thấy ở các đại học VN.
Những ngày ở Việt Nam luôn là những ngày bận rộn nhưng ấm lòng. Xin mượn entry này để nói lời cám ơn chân thành đến các bạn đã dành cho tôi lòng "hospitality" trong thời gian qua. Hi vọng lần sau sẽ gặp lại một số bạn mà lần này chưa gặp được do thời gian eo hẹp (và tôi phải xin lỗi).


Ghi chép cuối năm 2:
Vietnam Airlines

http://vietnamjump.vncnus.net/2007/images/website/vietair_logo.jpg
Có lẽ nhiều bạn đọc đã quá quen với những nhận xét và góp ý của tôi về phong cách phục vụ và dịch vụ của Vietnam Airlines (VNA), hãng hàng không mang cờ Việt Nam ra nước ngoài. Trong entry này, tôi tiếp tục ghi lại những cảm nhận của tôi về VNA. Có tiến bộ, nhưng vài vấn đề vẫn còn tồn tại ...

Như thường lệ, tôi chọn Vietnam Airlines (VNA) để đi Việt Nam. Chuyến bay VN782 (Boeing 777) khởi hành từ Sydney lúc 11:45 đúng giờ. Lần này, do một ưu ái nào đó (có thể tôi là hội viên Bông Sen Vàng) tôi được sắp xếp tôi ngồi ghế 1A tương đối thoải mái. Nhìn chung quanh chỉ thấy có khoảng 10 khách hạng thương gia. Cơ trưởng là một người Việt tên là Hoàng Xuân Dự (nếu tôi nghe không lầm), và tiếp viên trưởng có tên rất đẹp: Hương Giang (làm tôi nhớ đến biên tập viên của tờ Hoạt động Khoa học có tên là Trần Thị Hương Giang). Đi máy bay về quê nhà, với người của mình điều khiển máy bay và phục vụ thì còn gì hay hơn. Tôi nghĩ thế nên lúc nào đi Việt Nam cũng đều chọn hãng hàng không có logo rất ý nghĩa: đem văn hóa Việt Nam đến thế giới - bringing Vietnamese culture to the world.
Chuyến bay nói chung êm xuôi, chẳng có gì đáng chú ý, nhưng điều thú vị tôi muốn đề cập ở đây là cuộc trò chuyện giữa tôi và chị Hương Giang. Chị Hương Giang chắc ở độ tuổi 30, người Bắc nói giọng gần gần với giọng Hà Nội. Nhân một câu hỏi về chuyển hành lí, chẳng hiểu sao câu chuyện chuyển sang phong cách phục vụ của VNA. Tôi cũng không dấu diếm với chị ấy rằng tôi chính là người từng viết một loạt bài về phong cách phục vụ của VNA, cũng như đề nghị hàng loạt biện pháp để nâng cao phẩm chất phục vụ cho tốt hơn. Chị Hương Giang vui vẻ bàn chuyện với tôi về rất nhiều đề tài. Chị hỏi tôi chất lượng phục vụ trong chuyến bay này ra sao, và tôi cũng thành thật nói ra những cảm nghĩ của mình, chỉ ra những bất cập trong chuyến bay.

Trước hết là cách chào khách vẫn còn nặng tính bao cấp và công thức. Khi khách lên máy bay, tiếp viên chỉ đơn giản cười và cho chúng tôi cái khăn giấy (rất tầm thường) và lựa chọn nước trái cây (đóng hộp) hay một li rượu champagne, chẳng thấy chào hỏi gì cả. Tôi nói cho chị ấy biết rằng các hãng hàng không khác người ta phục vụ theo phong cách rất “personalized”, có nghĩa là chú ý đến cá nhân của khách. Chẳng hạn như trước khi khách lên máy bay thì tiếp viên đã biết tên khách là gì, danh xưng, sở thích ăn uống, thậm chí ngày tháng năm sinh. Do đó, tiếp viên chào khách bằng danh xưng và tên một cách thân mật, kèm theo một món trái cây hay li nước lịch sự theo sở thích của khách, chứ đâu phải theo kiểu bao cấp của VNA! Nếu biết sinh nhật, tiếp viên có thể chúc mừng luôn. Chị Hương Giang ghi lại những góp ý đó, nhưng không biết trong tương lai sẽ có thay đổi gì hay không.
Thứ hai là vấn đề vệ sinh toilet. Nhìn qua toilet của VNA tôi phải nói là … chưa đạt yêu cầu. Phòng ốc thiếu sự ấm cúng. Khô khốc. Không có hoa. Sàn thì có khi ướt (chắc do khách trước rửa mặt). Không có đồ vệ sinh cá nhân. Giấy serviette thì khi có, khi không, và chất lượng giấy cực kì thấp. Giấy đi cầu thì thuộc loại chất lượng quá thấp, không xứng đáng có mặt trên chuyến bay quốc tế. Tôi không khỏi phì cười khi thấy xà phòng dùng để rửa tay trong toilet được mua từ siêu thị (mà cũng là hàng rẻ tiền). Từng đi máy bay của rất nhiều hãng trên thế giới, tôi phải nói là cái toilet của VNA thuộc vào hàng tệ nhất.
Viết đến đây tôi chợt nhớ ví đồ cá nhân (tôi hay nói đùa là “hành trang” cho khách hạng thương gia) của VNA. Trước đây hành trang cho khách là một cái ví nhỏ có dụng cụ vệ sinh cá nhân (như kem, bàn chải đánh răng, vớ, v.v…) mà phía ngoài có logo của VNA, nhưng cái bag quá nhỏ giống như đồ chơi cho con nít. Nay thì cái bag lớn hơn chút, nhưng logo VNA biến mất dành cho nhãn hiệu Clarins! Không hiểu sao họ không đặt các hãng sản xuất và để nhãn hiệu VNA? Đáng lẽ lên VNA thì tất cả phải là của VNA, chứ sao lại đi mua từ siêu thị như thế?

Thứ ba là thức ăn. Trong suốt chuyến bay đi và về, tôi không thể nào có can đảm để ăn thức ăn của VNA. Hôm tôi đi, nghe nói món ăn do đầu bếp Úc nấu. Nhìn qua thì ôi thôi rất ư là nhếch nhác. Hôm về thì có tô phở gà mà khi dọn ra tôi phải nói với tiếp viên là nên dọn vào cho khuất mắt tôi (nhìn hình). Tô phở gì mà chẳng thấy soup đâu cả, toàn là bún mà cũng thuộc loại (xin lỗi bạn đọc) dành cho heo ăn, chứ không phải dành cho người. Đó là chưa kể đến cái mâm dọn ra trông rất ư là “bao cấp”, với những món ăn cứ chồng chéo lên nhau trông không thể nào ăn được. Chẳng hiểu sao các bạn trong VNA không có cặp mắt tinh tế hay thẩm mĩ một chút để nhận ra những loại thức ăn và cách dọn bữa ăn rất ư là nhếch nhác và vô văn hóa như thế. Tôi chắc chắn rằng đó không phải là văn hóa ăn uống của người Việt mà VNA muốn giới thiệu cho thế giới.

Đó là chưa nói đến cách rót rượu của tiếp viên. Rót theo kiểu hà tiện. Chưa bao giờ thấy tiếp viên VNA rót rượu “đong đầy”, mà chỉ phân nửa li. Ngoài ra, tôi chưa bao giờ thấy tiếp viên VNA rót rượu đúng cách. Họ cũng chẳng có kiến thức về rượu, nên không thể nói gì với khách. Chỉ có 2 loại rượu (trắng và đỏ) mà chất lượng thì thuộc vào hạng bét, giá chắc khoảng 9-10 đôla một chai mua ngoài siêu thị (mà có lẽ tiếp viên cũng chẳng biết đó là rượu hạng bét). Nhiều khi họ cũng chẳng biết dùng li loại gì cho rượu gì! Sau khi ăn thì chẳng có trái cây gì cả, chẳng có cracker, chẳng có cognac để làm món "finale" gì cả.

Thứ tư là sự nhiệt tình trong phục vụ. Tôi để ý thấy tiếp viên VNA phục vụ theo công thức: dọn bữa ăn, thức uống, cà phê hoặc trà, và sau đó là dọn mâm cơm. Họ làm rất nhanh bước thức uống và cà phê, hình như để tiết kiệm thời gian. Sau chu kì đó họ … biến mất. Tôi thường tò mò tìm hiểu xem họ làm gì sau chu kì phục vụ thì thấy họ tụm nhau ngồi tán dóc hoặc … ngủ. Trong khi đó đi với các hãng khác, tiếp viên liên tục luân phiên đi để xem hành khách có nhu cầu gì và phục vụ; họ phục vụ tận tình đến nỗi có khi khách không có thì giờ làm việc! Sau bữa ăn là đĩa trái cây; sau đĩa trái cây là cognac; sau cognac là bánh gì đó; và sau bánh là thức uống kèm theo một bịt snack, v.v… Còn di với VNA thì sau bữa ăn là … ngủ. Tại sao người ta phục vụ tận tình như thế, mà VNA thì không làm theo được?
Chị HG ghi chép cẩn thận những gì tôi chỉ ra, chị ấy cũng đồng ý với tôi, hứa là sẽ phản ảnh với cấp trên để cải tiến phục vụ.
Nếu bạn đọc còn nhớ, tôi từng phàn nàn rằng bay với VNA là chấp nhận mù thông tin, và tôi có đề nghị cơ trưởng nên cung cấp thông tin về chuyến bay cho hành khách. Tôi có thể vui lòng để báo cho các bạn biết rằng trong chuyến bay này, VNA đã làm như thế. Tuy nhiên, thay vì cơ trưởng nói, thì tiếp viên trưởng lại là người xướng ngôn. Hiện nay, họ chỉ nói máy bay đang bay ở cao độ nào, thời tiết ra sao, và ... hết. Đáng lí ra họ phải nói thêm về chuyến bay qua vùng đất nào, về hành khách, hay quảng cáo Việt Nam một chút chứ, hay có vài câu pha trò để làm bớt căng thẳng trong chuyến bay dài. Theo tôi, cách nói hiện nay của tiếp viên VNA ... chưa đạt. Tôi có nói với chị HG rằng những thông tin chị cung cấp cũng ok, nhưng chị có thể làm tốt hơn nữa. Tôi đề nghị chị có thể scan hành khách để biết ngày sinh của họ, và nếu ngày sinh trùng vào ngày bay, chị nên nói lời chúc mừng sinh nhật đến hành khách. Chị ấy có vẻ thích thú với đề nghị này, nhưng hiện thời thì chưa thể nói thế được, bởi vì còn phải … chờ cấp trên cho phép. Hình như ở Việt Nam, nhân viên không có độc lập trong công việc, cái gì cũng chờ cấp trên và cái gì cũng làm theo công thức. Do đó, muốn cải tiến dịch vụ VNA thì cần đến sự tác động của cấp trên.
Tôi còn có dịp bay nhiều chuyến với VNA trong các chuyến đi công tác quốc nội. Bay từ Sài Gòn ra Hà Nội (và ngược lại), hoặc từ Sài Gòn về Rạch Giá. Nói chung những chuyến bay ngắn thì tôi thấy dịch vụ VNA tốt. Chỉ có vấn đề trễ giờ, gần như trở thành một cái "bệnh" của VNA. Tôi cố tình nhớ lại và hình như không có chuyến bay nào là đúng giờ cả. Hôm 20/12 bay từ Sài Gòn ra Hà Nội, tôi được báo rằng chuyến bay trễ 3 giờ đồng hồ. Vì sợ trễ hẹn với các đồng nghiệp ngoài đó, tôi phải năn nỉ họ mới chuyển sang chuyến bay kế tiếp, nhưng vẫn trễ hơn 1 giờ. Ngồi trong lounge, tôi cũng gặp vài nạn nhân người ngoại quốc. Có một ông khách ngoại quốc gọi điện thoại cho ai đó cằn nhằn rằng VNA cứ trễ hoài. Quay sang tôi, ông ta hỏi bằng tiếng Anh giọng lơ lớ: "Ông cũng là nạn nhân hả?" Tôi gật đầu. Ông khách bức xúc hỏi tôi rằng có biết hãng này tên là gì không, rồi không đợi tôi trả lời, ông nói "Sorry Airlines". Rồi ông gật gù coi rất khó ưa. Vì trễ chuyến bay hoài nên nhân viên phải nói "xin lỗi" (sorry) và giới thương gia đặt VNA cái tên Sorry Airlines. Tôi là người Việt, cũng thấy chạm tự ái, nên lợi dụng lợi thế tiếng Anh của mình giảng cho ông ta một mạch: Tao nghĩ mày nói hơi oan cho VNA. Ừ thì họ chưa tốt như mình muốn, nhưng sự thật là hãng nào trên thế giới cũng bay trễ cả, có khác nhau là tần suất trễ mà thôi. Tao đi mấy hãng bên Mĩ hoài, có khi chúng nó còn cho tao ngủ bờ ngủ bụi ở phi trường nữa kìa, mà chúng nó có xin lỗi gì bọn tao đâu. Ông khách nhìn tôi kinh ngạc hỏi: Mĩ mà còn thế à? Tôi hỏi lại thì mới biết ông này là khách người Nga! Hèn gì tiếng Anh của ông ta tệ quá. Nga mà còn làm phách chê VNA trễ ?! Đúng là chuyện ngược đời!
Nói tóm lại, tôi nghĩ VNA đã cải tiến rất nhiều về phục vụ và dịch vụ, nhưng còn rất rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Tôi hi vọng rằng những nhận xét và góp ý chân tình trên đây sẽ giúp cho VNA nhìn lại phong cách phục vụ của mình để cải tiến tốt hơn và cạnh tranh với các hãng hành không quốc tế khác.


Ghi chép cuối năm 3:
Anh là Việt kiều hay Việt Nam?

http://est.congdulich.com/uploads/hanhtrinh/hatr24_050209170014.jpg
Tựa đề trên cũng chính là câu hỏi của một anh tiếp tân của một khách sạn lớn ở Cần Thơ. Câu hỏi thoạt đầu làm tôi sốc, nhưng bình tĩnh nghĩ lại thì đó chính là một kiểu làm du lịch rất phản cảm và là một trong những nguyên nhân cho du khách đến Việt Nam không muốn quay lại ….

Đã lâu lắm rồi tôi không có dịp ghé qua Cần Thơ. Thật ra, nói vậy cũng không đúng, vì mới năm ngoái tôi đã có dịp đến và lưu lại ở Cần Thơ 2 ngày dự hội nghị. Nhưng hai ngày đó tôi chẳng đi đâu được, vì suốt ngày chỉ loanh quanh trong hội trường, còn ban đêm thì có bạn rủ nhau đi … nhậu. Điều mà tôi muốn là đi ra ngoài Cần Thơ để nhìn thấy tận mắt những người làm nghề nông đồng hương của tôi bây giờ ra sao. Dịp đó đã đến hôm 27/12 khi một người bạn mời đi dự tiệc ở Ô Môn. Thế là chỉ một vài giờ từ Sài Gòn về đến nhà ở Giồng Riềng, tôi lại khăn gói lên đường đi Cần Thơ.

Cái nghèo đeo đuổi những vùng cách mạng
Chuyến đi từ Giồng Riềng đến Cần Thơ là một chuyến đi đầy kỉ niệm. Từ làng tôi, xe băng ngang qua Bến Nhứt, đến Vị Thanh (tức Chương Thiện ngày xưa), và từ đó trực chỉ đi Cần Thơ. Đây là đoạn đường khá chông gai thời trước 1975, bởi vì vùng Vị Thanh nổi tiếng là vùng “xôi đậu” trong thời chiến. “Xôi đậu” ở đây có nghĩa là cả hai phía “Quốc gia” và “Cách mạng” đều làm chủ vài địa bàn, hay thậm chí trong cùng một địa bàn. Có nơi, ban ngày là Quốc gia, còn ban đêm là Cách mạng. Đi xe đò ngang vùng này ai cũng ngán vì sợ bị trúng đạn.
Nhưng ngày nay thì khác lắm rồi. Con đường từ Giồng Riềng đi Vị Thanh được làm lại chỉnh chu hơn và êm ru so với ngày xưa. Nhưng đường vẫn còn hẹp, vì chỉ có 2 làn xe mà thôi. Thỉnh thoảng cũng rất nguy hiểm, vì xe gắn máy lẫn lộn với xe ôtô chen nhau từng tất đường để được … đi trước! Tuy nhiên, con đường này theo tôi là đẹp vì hai bên đường là đồng ruộng xanh rì. Đồng ruộng đang mùa xạ lúa. Mở cửa xe còn ngửi được mùi mạ non rất đặc biệt. Ôi, cái mùi mạ non này nó thơm dìu dịu và ngọt làm ngây ngất người ta chứ không phải chơi đâu nhé. Tôi bây giờ mới cảm nhận và trân quí nó qua một ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn. Phải đi trên con đường này mới thấy quê mình đẹp, đẹp mộc mạc theo cách riêng của vùng Đồng bằng Nam Bộ.
Nhưng con đường đẹp đó chẳng kéo dài bao lâu thì đến khu vực làm cho tôi chùng lòng. Đó là vùng Ngọc Chúc, cũng thuộc Giồng Riềng. Đi ngang đây, tôi mới thấy cái nghèo vẫn còn đeo theo người dân ở đây. Rất nhiều nhà tranh, vách lá, xiêu vẹo như có thể sập bất cứ lúc nào. Rất hiếm thấy nhà tường. Nhiều căn nhà mà từ ngoài nhìn vào chẳng thấy tài sản nào đáng kể. Trống trơn. Phía ngoài là vài cái khạp đựng nước mưa, bên cạnh là cái giếng chắc bị ô nhiễm từ lâu vì toàn là rác rưởi. Người dân thì có vẻ lam lũ lắm, chỉ nhìn mặt cũng thấy họ không vui, không hạnh phúc, ánh mắt tỏ ra lo lắng, thiếu năng lượng. Có lẽ vì lo toan cho cuộc sống đã làm hao mòn năng lực của họ. Đây là vùng của Cách mạng ngày xưa. Tôi đi nhiều và rút ra một “qui luật” rằng những vùng nào từng là căn cứ của cách mạng ngày xưa thì đó cũng là những vùng nghèo khó nhất. Từ đó, có thể nào rút ra nhận xét rằng những người từng cưu mang cách mạng đã và đang bị bỏ quên?
Tôi bảo thằng em dừng xe để vào xin nước mưa uống và cũng là dịp để trò chuyện với chủ nhà. Vào nhà một người nông dân tuổi khoảng 60, đen đúa, khắc khổ, mùa nóng nên ông ở trần chỉ cái quần xà lỏn, đang hì hụt đào mương. Tôi hỏi xin nước uống, ông vui vẻ chỉ cho cái lu đựng nước mưa bên mái hiên, rồi dừng tay hỏi vài ba câu xã giao. Coi chú em chắc hổng phải người địa phương hả? Ông hỏi. Tôi nói rằng tôi là người huyện Giồng Riềng, nhưng khác xã, và nay thì sống ở nước ngoài. Không cần tôi hỏi, ông nói về cái nghèo ở đây như thế nào. Quanh năm suốt tháng chỉ sống nhờ vào 5 công đất. Tôi hỏi ông có biết nhà cô Hùynh Mai ở đâu không, thì ông cho biết cũng chẳng xa đây lắm đâu. Đây chính là quê hương của cô Huỳnh Mai, người con gái đi lấy chồng Hàn Quốc để có vài trăm đôla cho gia đình và để rồi phải chết thảm nơi đất khách quê người (và tôi từng có một bài viết trên báo Người lao động). Nghĩ đến thảm cảnh này máu trong người tôi như nóng dần lên. Chưa bao giờ người Việt Nam nhục như hiện nay, bị ngoại bang vào xem mắt như xem hàng hóa, bị người ngoại bang sát hại hàng trăm (hay hàng ngàn người ?)

Vị Thanh: thành phố ruộng
Khoảng 1 giờ sau tôi đến Vị Thanh. Vị Thanh ngày xưa chỉ là một thị xã nhỏ, nhưng bây giờ là thành phố cấp 2, một “thủ đô” của tỉnh Hậu Giang. Cần nói thêm rằng Hậu Giang và Cần Thơ được tách ra từ tỉnh Hậu Giang cũ, và nay thành phố Cần Thơ trở thành thành phố cấp 1 trực thuộc trung ương. Có thể nói rằng Vị Thanh là một thành phố ruộng, bởi vì chung quanh là ruộng, và thực chất thì tỉnh Hậu Giang cũng là tỉnh ruộng. Tuy là thành phố ruộng, nhưng Vị Thanh có cái duyên dáng của vùng sông nước, với con sông chảy qua thành phố (xuất phát từ một nhánh của sông Hậu) rất đẹp. Ngày nay, chính quyền làm bờ kè hai bên sông, và đại lộ chính của thành phố cũng chính là con đường dài chạy dọc theo bờ sông, với mé sông là hàng ghế để người dân hóng mát. Tuy nhiên, chắc vì cái nắng gay gắt và con đường thiếu cây xanh, nên tôi chẳng thấy một bóng người nào ngồi mấy cái ghế đó cả.
Chúng tôi ghé vào một quán cơm để ăn dằn bụng và cũng là dịp để ngồi lại cảm nhận những thay đổi của thành phố ruộng này. Quán rất đông khách. Thực khách nam nữ mặt đỏ bừng bừng đang cầm lon bia chúc tụng nhau “dzô dzô” tưng bừng. À, thì ra hôm nay là ngày gần cuối năm, nên các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp kéo nhau ra nhà hàng … chơi xả láng. Dân miền Tây mà! Tôi chọn một cái bàn nhỏ ở góc quán, nhưng có thể nhìn ra đường lộ và bờ sông. Kêu vài món đặc sản vùng sông nước, như gỏi xoài khô cá sặc, cá rô kho tộ chấm rau luộc, cá lóc nướng … Mấy loại cá này thật ra là cá nuôi, con nào con nấy lớn ơi là lớn, lớn đến nổi mất đi cái bình thường của con cá rô đồng tôi từng biết. Tôi nghĩ thầm trong đầu biết đâu họ dùng hormone tăng trưởng để nuôi cá, nhưng thôi thì cứ thưởng thức một món cho xong, chứ tối ngày cứ nghĩ vẩn vơ như thế thì còn ăn với uống gì ở quê hương mình.
Một góc Vị Thanh - Ảnh: Thanh Triều
Trong khi chờ đồ ăn, uống một lon bia Sài Gòn đỏ. Ngon. Tôi nhìn ra bờ sông Vị Thanh thấy tàu bè qua lại tấp nập, phần lớn là những chiếc ghe tam bản chở lúa và xà lan chở đất cát. Lâu lâu có dịp nhìn những chiếc ghe tam bản lớn trên sông, tôi thấy thú vị về cách người ta “trang trí” cho ghe. Ghe nào cũng có cái mũi ghe sơn màu đỏ và lúc nào cũng có 2 con mắt tròn xoe, còn phía sau thì có cái mui cho tài công. Chẳng hiểu truyền thống vẽ mắt cho ghe xuất phát từ đâu, nhưng chắc chắn đó là một nét văn hóa của những nước có văn hóa sông nước. Tôi thấy bên Thái Lan người ta cũng có những cái ghe được sơn như thế. Đối với nhiều gia đình, cái ghe không chỉ là phương tiện kinh doanh mà còn là một nhà lưu động. Cả gia đình sinh hoạt trên ghe, ăn uống, tắm rửa, học hành … tất tần tật đều diễn ra trong cái ghe. Nhìn toàn cảnh, có thể nói Vị Thanh hay Chương Thiện giờ đây đã khá nhiều so với trước đây, không còn là vùng mà chỉ nghe cái tên người ta đã ngán đi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng thấy mấy em bé lang thang bán vé số tôi nghĩ sự phát triển của Vị Thanh (hay miền Tây nói chung) vẫn chưa xóa được cái nghèo vẫn còn đeo đuổi một số không ít những người kém may mắn trong xã hội. Ước gì một ngày nào đó những em bé này không còn bán vé số mà cắp sách đến trường như mọi người và có cùng ước mơ như người viết bài này.
Xong bữa ăn trưa, chúng tôi tiếp tục hành trình đi Cần Thơ. Chỉ còn khoảng 1 giờ nữa thì sẽ đến Cần Thơ, dù khoảng đường từ Vị Thanh đến Cần Thơ chỉ khoảng 50 hay 60 km gì đó mà thôi. Thằng em họ và cũng là tài xế cho tôi không dám chạy nhanh, vì sợ công an “bắn tốc độ” và bị phạt rất nặng. Những ngày cuối năm này cảnh sát giao thông làm việc rất hăng, nên tài xế rất ngán. Dù thấy bất tiện một chút, nhưng tôi thì ủng hộ việc kiểm tra tốc độ và phạt những tài xế lài xe ẩu và nguy hiểm. Ở đâu thì tài xế có thể “bôi trơn” cho cảnh sát giao thông, chứ ở miền Tây thì nói chung là không có chuyện đó. Có hôm ở Sài Gòn, nghe những câu chuyện của tài xế taxi mà tôi không biết nên cười hay nên méo. Có tài xế của Mai Linh kể rằng ngày 24/12 em lái xe taxi bình thường, chợt bị cảnh sát thổi còi. Em đậu xe và đến cảnh sát giải trình “Ơ, em đâu có lỗi gì đâu anh, sao thổi em?” Anh chàng cảnh sát cười nói “Ừ, em có lỗi gì đâu, nhưng em không biết hôm nay là ngày gì sao, anh cũng cần lì xì chứ”. Một trăm ngàn đồng lì xì. Kể xong câu chuyện, anh tài xế gốc Nam Định chửi thề. Lại có chuyện anh tài xế của Vinasun kể rằng hôm đó anh bị phạt vì chạy quá tốc độ, anh chủ động bôi trơn, nhưng cảnh sát không chịu vì chê số tiền “mỏng” quá. Anh tài xế nói, “Chú biết không, anh chỉ vào cái đồng phục cảnh sát và hỏi con ‘mày biết để mặc được bộ đồ này tao tốn bao nhiêu không?’.” Hết nói. Tài xế có rất nhiều chuyện về cảnh sát giao thông mà tôi nghĩ viết thành sách sẽ rất thú vị.
Con đường từ Vị Thanh đi Cần Thơ càng lúc càng hẹp (chỉ có 1 làn xe mỗi bên), nhưng xe cộ thì càng lúc càng nhiều. Xe gắn máy chen lẫn xe bốn bánh, cộng với xe ngược chiều, và nhà cửa dân hai bên đường, cực kì nguy hiểm. Tuy tôi thấy nguy hiểm, nhưng tài xế và người địa phương thì chẳng thấy gì là nguy hiểm cả. Hình như người ta đã đối diện với cái chết và tai nạn hàng ngày nên cảm thấy chai lì chăng? Có khi một chiếc xe đạp nghênh ngang đi qua đường với xe bốn bánh chạy cả 60-70 km/giờ. Phải nói rằng ý thức người dân về an toàn giao thông còn kém lắm. Nhà nước cũng cố gắng vận động nâng cao ý thức an toàn giao thông, nhưng cách làm thì rất … bao cấp. Vẫn là những khẩu hiệu nền đỏ chữ trắng kiểu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”. Đọc cái khẩu hiệu có thể nói là hết sức vô duyên và vô nghĩa này, tôi thấy nó chẳng giúp gì cho người dân cả. Vận động bằng khẩu hiệu là một cách vận động lười biếng, vì người ta chỉ treo khẩu hiệu một thời gian rồi thôi. Chính vì làm theo phong trào và lười biếng nên hiệu quả chẳng có bao nhiêu. Đã đến lúc học cách làm của nước ngoài để nghiên cứu về thái độ và hành vi cũng như nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông.

Cầu Cần Thơ và bức tranh phát triển
Đi Cần Thơ mà không đi cầu Cần Thơ là một thiếu sót. Tôi bảo thằng em quầy xe đi lên cầu Cần Thơ để biết sự tình ra sao trước khi quay vào trung tâm thành phố. Đây là cây cầu bắc ngang qua sông Hậu, dài gần 16 km (toàn tuyến, còn cầu chính chỉ dài 2.57 km), tốn đến gần 343 triệu USD để xây. Cái giá của cây cầu này cao gấp 3.5 lần giá cầu Mỹ Thuận do Úc xây. Cầu chính do nhà thầu Nhật xây, còn đường dẫn lên cầu thì do nhà thầu Việt Nam và Trung Quốc xây. Cầu Cần Thơ được khánh thành ngày 24/4/2010, tức là chỉ khoảng 8 tháng trước đây, và nay thì xe cộ qua lại rất đông.
Đi suốt chiều dài 16 km, tôi thấy rõ ràng chất lượng rất khác nhau giữa đường do Trung Quốc và VN xây với cây cầu chính. Tuyến đường dẫn do Trung Quốc xây thì gập ghềnh, lên xuống cứ như là vợn sóng, nếu tài xế không quen đường mà chạy nhanh thì dễ bị … xuống ruộng như bỡn. Có nhiều nơi đường bị hư, ổ gà nhỏ. Xin nhắc lại rằng đường chỉ mới đưa vào sử dụng chưa đầy 8 tháng. Khó có thể chấp nhận chất lượng xây đường xá như thế. Lên cầu thì thấy sự nhếch nhác của người mình. Người ta vô tư dừng xe gắn máy giữa cầu để … ngắm sông. Tôi còn nghe tài xế nói cây cầu này cũng là nơi mà vài cặp nam nữ yêu nhau trong nghịch cảnh nắm tay nhau nhảy xuống sông … tự tử. Đó là chưa kể đến lực lượng bán thức ăn dạo, bán vé số quanh quẩn trên cầu để tìm khách hàng. Rác rưởi thì tha hồ vứt xuống đường, hay có người “tử tế” hơn là vứt xuống sông. Thật là buồn khi thấy cảnh tượng này trên cầu. Một cây cầu hiện đại mang tầm vóc quốc tế mà rất “tiểu thương” như thế! Chẳng biết các nhà quản lí ở đâu và làm gì.
http://www.autotv.vn/upload/2010/09/02160448_ktxh33.jpg
Cầu Cần Thơ
Xuống cầu qua miệt Vĩnh Long thì đã thấy nhà cửa bắt đầu mọc hai bên đường, chắc là chờ cơ hội kinh doanh. Vẫn những căn nhà vách lá, mái tranh rất ư là tạm bợ, nhếch nhác. Có những hàng rào đường bị phá. Đó cũng là tình trạng tôi thấy trên đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. Nói là “cao tốc” cho oai thế thôi, chứ thật ra thì tiêu chuẩn chưa phải cao tốc như mình hiểu ở Mĩ. Đường cao tốc đó chỉ bằng hay thấp hơn đường cao tốc dỏm của Úc mà thôi (thật ra, có thể nói Úc không có đường cao tốc), chứ không thể so với Mĩ được. Nhìn cây cầu hoành tráng, nhìn đường xá cao tốc (từ xa) cũng bóng loáng lắm, nhưng nhìn qua những căn nhà này tôi thấy toát lên một bức tranh thu nhỏ của tình trạng phát triển ở nước ta. Đó là sự phát triển không đồng bộ, chẳng khác gì khoác một cái áo veston rất thời trang và đắt tiền cho người nông dân đen đúa, mà chính người nông dân cũng chưa biết mặc cái áo đó ra sao.

Cần Thơ
Cuối cùng thì tôi cũng đến Cần Thơ. Đến nơi tôi mới thấy tính chủ quan của mình về nơi ăn ở có vấn đề. Tìm khách sạn ở Cần Thơ hôm đó (27/12) không dễ chút nào. Có lẽ đó là ngày gần cuối năm, du khách nhiều, nên nhiều khách sạn lớn đều không còn phòng trống. Những khách sạn trung thì giá đắt hơn so với ở Sài Gòn, còn những khách sạn nhỏ thì có vấn đề về vệ sinh và phòng ốc. Chúng tôi lái xe vòng vòng khu trung tâm thành phố gần 1 giờ mới tìm được một nơi hội đủ hai điều kiện (sạch sẽ và giá cả phải chăng) có thể lưu lại qua đêm. Đó là một khách sạn ở bến Ninh Kiều, nhìn ra bờ sông rất hay. Từ khách sạn có thể đi dạo các khu phố gần đó cũng vui, chỉ có điều là không có những nhà hàng hay quán ăn coi cho được.
Nhưng trong số những khách sạn mà tôi ghé qua, có một khách sạn gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất: đó là khách sạn Hoàng Cung. Khách sạn, nhìn từ bề ngoài, cũng kha khá, trang trí coi cũng được (nhưng chưa đạt). Hình như khách sạn này còn có tên là “Sài Gòn – Cần Thơ”. Khi biết khách sạn có phòng trống, tôi hỏi giá bao nhiêu, thì nhận được một câu hỏi của anh tiếp viên: “Anh là người Việt Nam hay Việt kiều?” Tôi bị sốc và ngỡ ngàng trước câu hỏi mà tôi nghĩ là không thích hợp cho thế kỉ 21. Anh tiếp viên khoảng 30 tuổi không nhìn tôi, tiếp tục nhìn xuống tài liệu gì đó mà anh đang đọc. Thái độ này cho thấy anh không cần khách. Thấy anh không cần khách, tôi cũng không có ý định sẽ ở đây, nhưng vẫn phải hỏi một câu cho chắc ăn: Tại sao anh cần biết tôi là người trong hay ngoài nước? Vẫn không nhìn tôi, anh nói: Việt kiều thì giá phòng phải cao hơn Việt Nam.
Saigon_cantho_hotel_1
Khách sạn Hoàng Cung (Sài Gòn - Cần Thơ) của Saigon Tourist
“Anh là người Việt Nam hay Việt kiều” Câu hỏi đó và cách dùng chữ cho thấy anh ta không phân biệt được “Việt kiều” cũng là người Việt Nam, hoặc anh ta xem “Việt kiều” là những kẻ có tội: tội sống ở nước ngoài. Vì có tội đó, nên người Việt ở nước ngoài bị phạt, bị kì thị. Chúng ta còn nhớ đến qui định giá cả cho người Việt ở nước ngoài vào những năm đầu thập niên 1990s cao hơn so với người Việt ở trong nước. Người ta có khi xem “Việt kiều” ở ngoài hái tiền trên cây. Do đó, người ta sẵn sàng chặt chém “Việt kiều”. Chặt chém cho chúng nó cháy túi. Nhưng đó là những gì xảy ra gần 20 năm trước, nay thì Việt Nam không còn kì thị người Việt ở nước ngoài nữa. Ấy thế mà tôi không ngờ rằng ở đây, ngay tại miền Tây quê tôi, có một khách sạn có cái tên cao sang là Hoàng Cung còn cái qui định kì thị mang tính chặt chém như thế. Điều này cho thấy Cần Thơ tuy là “thành phố” nhưng cách hành xử đâu đó vẫn chưa văn minh, chưa theo kịp chính sách của Nhà nước. Đó cũng có thể chính là lí do tại sao người ta không muốn đi du lịch ở miền Tây. Ai dại gì chui vào đó để bị chặt chém? Thật ra, số tiền mà họ chặt chém để có chút thêm thu nhập chẳng là bao, nhưng tự nó nói lên một kiểu làm du lịch dã man.
Dù trải qua một cái sốc với khách sạn Hoàng Cung, tôi đã có hai ngày vui và đẹp ở Cần Thơ. Buổi sáng tôi đi bộ dọc theo bến đò Ninh Kiều, để thấy cảnh sinh hoạt náo nhiệt và năng động của thành phố sông nước này. Từng đoàn xuồng ghe từ Vĩnh Long và một số địa phương lân cận tấp nập cập bến với hành khách và nông sản. Nhìn cảnh này tôi nhớ đến thời còn nhỏ ở trong quê. Thời đó, để đi Rạch Giá, tôi phải thức rất sớm, ra bến đò xã để tìm được chỗ ngồi vốn rất nhỏ. Đến 4 giờ sáng thì đò chạy và mãi đến 6 hay 7 giờ sáng mới đến Rạch Giá. Tôi lúc đó cũng như những hành khách này đây, cũng lỉnh kỉnh đủ thứ đồ ăn thức uống và rau cỏ để đi học ở tỉnh. Nhưng ngày nay thì đò chạy nhanh hơn thời đó rất nhiều, vì họ dùng toàn bo bo hay tàu cao tốc. Chẳng những nhanh hơn mà còn tiện nghi hơn nữa. Mỗi sáng tôi tạt vào quán sát mé sông để uống cà phê nhìn sông nước. Quán cà phê này nằm ở một nơi rất lí tưởng, nhưng cà phê thì dở không tưởng được! Tôi đến đây chủ yếu là để đọc báo, hóng gió, và nhìn cảnh mà thôi, chứ cà phê thì chịu, không thưởng thức được. Tôi phát hiện ra quán này là của … Nhà nước. Đã từng ăn uống trong nhiều nhà hàng và ở trong các khách sạn do Nhà nước quản lí, tôi đi đến một kết luận: họ làm kinh doanh rất dở. Tất cả các doanh nghiệp Nhà nước có 2 mẫu số chung: họ chiếm những khu đất rất đẹp, rất đắt tiền; nhưng chất lượng phục vụ thì quá kém
Cảnh chợ đêm ở bến Ninh Kiều
Ở bến Ninh Kiều có chợ tối mỗi đêm. Nhưng cách tổ chức và buôn bán thì vẫn còn rất … tiểu nông, và có cái đặc tính rất Việt Nam. Đó là khu chợ chật hẹp, manh mún, tủn mủn, nơi mà người ta bán tạp nhạp. Từ quần áo đến thức ăn uống. Quần áo thì toàn là đồ nhái, đồ dỏm, phần lớn là nhập từ Trung Quốc. Nhưng cái dỏm của chúng nó thô đến nổi chỉ nhìn qua bề ngoài là thấy, chứ chẳng cần đến nhìn phía trong một cách cẩn thận làm gì cho tốn thì giờ. Còn hàng quán ăn uống thì có vấn đề về vệ sinh, nước nôi tràn ra lề đường lênh láng, chẳng ai quan tâm. Ấy thế mà các nam thanh nữ tú thản nhiên xì xụp với những tô bún nước và vô tư bàn tán như chỗ không người! Tôi chỉ đi cho biết “sự tình”, chứ cũng chẳng mua được gì. Có điều tích cực ở đây là người ta không có chặt chém, không có phân biệt “Việt Nam” và “Việt kiều”. Tôi thấy những người bán hàng ở đây có vẻ thật thà hơn người bán hàng ở Sài Gòn. Đó là điều an ủi khi tôi ghé qua Cần Thơ.
Ở bến Ninh Kiều, chính quyền cho xây tượng cụ Hồ rất lớn. Tượng cụ Hồ mặc áo khoác hờ, dơ tay như chào và mắt nhìn ra sông. Nghe nói tượng này được xây theo tấm hình nổi tiếng mà một nhà báo Nhật đã chụp được khi cụ Hồ vẫy tay chào ai đó. Không có gì để nói, ngọai trừ đây là khu vực … dễ bị té. Tôi đi ngang qua đó và suýt bị té vì quá trơn. Định thần nhìn kĩ thì tôi mới thấy rằng người ta dùng toàn đá cẩm thạch, bóng loáng để làm nền chung quanh tượng. Với loại đá này, vì quá trơn tru, nên chỉ cần có chút nước là người qua lại té ngay. Tôi hỏi chủ khách sạn trong quá khứ đã có ai té chưa, thì bà chủ cười nói: ôi, ngày nào cũng có người té, trời mưa thì té nhiều nữa, nhất là khách không để ý, chứ người địa phương thì cẩn thận hơn và ít bị té. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc biến sự kính trọng thành một gánh nặng y tế!
Tượng cụ Hồ (Ảnh Dân Trí) ở bến Ninh Kiều
Tôi thấy hình như cách làm du lịch miệt vườn ở Cần Thơ chưa có hệ thống. Bất cứ lúc nào tôi tản bộ vòng bến Ninh Kiều, tôi đều được hàng tá người đến chào hàng đi du lịch trên những chiếc bo bo hay vỏ tắc ráng. Tôi đã từng đi “du lịch” kiểu này năm ngoái, nên nay không muốn đi thêm, và đành phải từ chối. Nói cho ngay, họ không có chèo kéo hay hung hãn như ở Huế. Về khoản kinh doanh du lịch Người miền Tây coi bộ vẫn hiền lành hơn người Huế. Tuy nhiên, kiểu làm du lịch hiện nay theo tôi vẫn rất đơn điệu và nghèo nàn về hình thức. Khách đi một vòng chợ Cái Răng, lên bờ ăn uống, nghe đờn ca tài tử, rồi lại đi về thành phố. Tôi đã đi du lịch kiểu này và thấy không hứng thú chút nào cả, vì rất chấp vá và thiếu tính chuyên nghiệp. Tôi tự hỏi tại sao miền Tây không ứng dụng mô hình du lịch tại chỗ mà tôi thấy ngoài Hội An họ đã làm. Theo mô hình nay, du khách đến tá túc nhà của một nông dân vài ngày, họ sẽ theo chủ nhà ra làm việc đồng áng như xạ lúa, cấy lúa, cày bừa, tát đìa, hay đập lúa, còn nữ thì ở nhà lo việc nội trợ. Nói tóm lại, đó là mô hình du lịch mà khách có cơ hội làm người nông dân vài ngày, mà tôi tin chắc rằng sẽ rất thành công nếu được tổ chức chu đáo và an toàn.
Hai ngày ở Cần Thơ cho tôi một dịp “cưỡi ngựa xem hoa” những phát triển chung quanh thành phố. Cần Thơ bây giờ là thành phố cấp 1, trực thuộc trung ương, sánh vai cùng Đà Nẵng và Huế. Cần Thơ lại là Tây Đô như ngày xưa. Đã có đường bay trực tiếp từ Hà Nội vào Trà Nóc. Hôm tôi đến Cần Thơ nghe nói người ta đang chuẩn bị khánh thành sân bay quốc tế Trà Nóc. Một tin mừng. Đáng lẽ hai ngày ở Cần Thơ sẽ gặp vài anh bạn trong trường y, nhưng vì họ đều bận việc cuối năm nên chẳng có dịp hàn huyên tâm sự. Người thì đi phản biện luận án gì đó ngoài Vũng Tàu, người thì về quê ăn tết Tây, người thì đi du lịch bên Campuchea. Do đó, tôi không có dịp đi thăm các đại học ở đây. Bây giờ ở Cần Thơ có quá nhiều đại học mà tôi không thể nào nhớ hết tên. Tôi chỉ có dịp đi xe và để ý đến Đại học Tây Đô ngoài ngoại ô TP Cần Thơ. Đại học to đùng, được thiết kế theo mô hình Tây cổ điển, trông cũng được lắm. Chung quanh thì toàn là ruộng. Nhìn tổng thể thấy một quần thể building cao to và ruộng chung quanh cũng là lạ mắt lắm. Nó cũng giống như bức tranh phát triển mà tôi đề cập trên.
Tôi đã có những kỉ niệm vui và buồn ở Tây Đô. Vui là vì thấy quê mình bây giờ phát triển hơn trước, nhất là nhìn thấy Vị Thanh ngày nay “ngon lành” quá và Cần Thơ bây giờ văn minh hơn xưa nhiều. Vui nhiều mà buồn cũng không ít. Buồn nhất là bị kì thị ngay giữa vùng quê của mình. Nói gì thì nói, du khách Tây có thể “một đi không trở lại”, chứ tôi thì vẫn quay lại Cần Thơ vì đó là láng giềng của quê tôi. Tôi vẫn tin tưởng rằng tương lai miền Tây sẽ tốt hơn, chỉnh chu hơn, và sẽ xanh hơn như màu xanh muôn đời của ruộng vườn.


Ghi chép cuối năm 4:
Chuyến xe miền Tây

http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2010/06/Cong-tam-quan-Rach-Gia.jpg
Tôi yêu xe đò. Nhất là xe đò miền Tây. Chỉ cần nghe – và chỉ nghe – những câu chuyện hành khách thổ lộ cũng là những nhiệt kế thời sự rất đáng suy ngẫm. Lần này tôi chẳng những nghe mà còn gặp một vài hành khách rất vui, trong đó có mẹ của cầu thủ Lê Công Vinh.

Chuyến đi từ Cần Thơ về Kiên Giang hôm cuối năm 2010 là một chuyến đi rất vui với tôi. Thay vì đi xe bao, tôi chọn đi xe đò của hãng Mai Linh. Đã nghe dịch vụ xe đò của Mai Linh từ lâu, nhưng đây là lần đầu tôi có dịp thử nghiệm qua cho biết. Khỏi nói thì ai cũng biết Mai Linh là một thương hiệu taxi uy tín nhất ở Việt Nam, nhưng Mai Linh còn là hãng xe đò uy tín số 1 ở miền Tây. Cần nói thêm rằng bây giờ Mai Linh đang gặp một đối thủ lợi hại: đó là hãng Phương Trang. Dù ra đời sau Mai Linh, nhưng dịch vụ của Phương Trang cũng chẳng kém gì [thậm chí có người còn cho là hơn cả] Mai Linh. Riêng tôi thì thấy hài lòng với dịch vụ của Mai Linh trong chuyến đi từ Cần Thơ về Rạch Giá.

Nhiệt kế thời sự
Đi xe đò lần này nhớ xe đò ngày xưa. Hồi đó, tức là thời bao cấp, đi xe đò là một cực hình. Tôi còn nhớ những chuyến xe từ Rạch Giá về quê tôi nó cực khổ biết bao. Những chiếc xe từ thời trước 1975 còn để lại nhưng thiếu phụ tùng nên người ta phải chế ra để phục vụ cho việc đi lại của người dân miền quê. Những xe đò cọc cạch, chạy chậm rì, thậm chí có khi hành khách trai trẻ như tôi phải nhảy xuống xe để đẩy lên dốc. Đó là những chiếc xe mà hàng ghế hoàn toàn làm bằng gỗ (chứ không phải nệm êm như bây giờ), còn khách thì đông nghẹt từ trong xe đến mui xe. Trên mui xe còn lỉnh kỉnh bao nhiêu gà, vịt, thịt, cá, trái cây. Trong xe thì hành khách đứng ngồi đông nghẹt. Mùi dầu cù là, mùi mồ hôi, mùi thức ăn … hòa quyện thành một cái mùi rất đặc sắc chuyến xe miền Tây. Thời đó, xe không có cục đề (starter) như bây giờ; người lơ xe phải đem cái cần quay bằng sắt nối vào đầu máy và quay một mạch để khởi động máy xe. Có lẽ nhiều bạn đọc trẻ ngày nay không tưởng tượng nổi kiểu khởi động xe như thế đâu. Thời đó, mua được vé xe liên tỉnh là cả một vấn đề. Thuở ấy, tôi là nhân viên Nhà nước, và mỗi khi đi công tác ở Sài Gòn hay các tỉnh lân cận, tôi phải có giấy phép (gọi là “giấy giới thiệu”), và dùng giấy giới thiệu đó để đi mua vé xe. Cũng phải trầy trật lắm mới có một vé xe. Có khi người tài xế thương tình thấy tôi thư sinh (hồi đó tôi ốm tong teo vì ăn bo bo quá lâu) nên cho ngồi ghế gần tài xế. Còn bây giờ, thời buổi kinh tế thị trường, thì sướng quá. Các hãng xe đò bây giờ cần khách, chứ đâu phải khách cần xe như hồi xưa nữa. Tôi chỉ cần điện thoại cho Mai Linh hẹn ngày đi. Thế là sáng sớm đã có xe trung chuyển của hãng đến đón tôi từ khách sạn để tập trung tại bến xe Cần Thơ, và chỉ chưa đây 10 phút ở bến xe, tôi đã lên xe đi Rạch Giá. Xe khởi hành đúng giờ. Không có tình trạng đón khách dọc đường. Tiếp viên vui vẻ và lịch sự với khách. Tài xế ăn mặc lịch sự, thắc càravát rất chỉnh chu. Xe có máy lạnh chạy khè khè, nhưng nhiều khách không chịu máy lạnh. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhịp nhàng, đâu ra đó, đúng là “danh bất hư truyền”.
http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/253/296253.jpgMột cảnh ở bến xe đò
Lên xe tìm ghế ngồi (đã định sẵn) tôi thấy chuyến xe này cũng đông khách. Thật ra, không có ghế trống. Chỉ có điều tôi phàn nàn là hàng ghế của tôi đáng lẽ chỉ có 2.5 người (tức là 2 ghế chính và một ghế phụ khi cần), nhưng lại bị nhét thành 3 người. Thôi thì mình nên nhường nhau để mọi người cùng có phương tiện về thăm nhà trong những ngày cuối năm. Xe chạy một hồi tôi mới nhận ra xe này chạy theo tuyến đường ngã ba lộ tẻ, xuyên qua Tân Hiệp, rồi Rạch Giá (chứ không đi theo ngã Vị Thanh, Giồng Riềng, Rạch Giá). Cũng chẳng sao. Chắc là nhu cầu thị trường mà hãng phải đáp ứng thôi. Hành khách thì đủ tầng lớp cả. Đa số là người Kiên Giang đi thăm bà con Cần Thơ về, một số là học sinh hay sinh viên từ Cần Thơ về nhà nhân dịp cuối năm, một vài người là công tư chức. Anh ngồi bên cạnh tôi là kĩ sư đang làm một công trình xây dựng ở Tân Hiệp; anh kia ngồi phía trên tôi là chuyên viên về tiếp thị, có vẻ rất bận rộn, điện thoại reo liên tục, anh lúc thì bàn về chiến lược chiếm thị trường cùng đồng nghiệp, lúc thì chỉ hướng dẫn “quân” đi bán hàng hóa ở khắp miền Tây; còn 4 hành khách ngồi phía sau ghế của tôi là nữ, trong đó có 2 người nói tiếng Nghệ An.
Khoảng nửa giờ sau xe chạy, câu chuyện trên xe bắt đầu rôm rả. Người ta hỏi han để biết nhau, cũng là một cách tự giới thiệu rất … Việt Nam. Đại khái những câu hỏi anh/chị/em ở đâu, làm gì, đi Rạch Giá có chuyện gì, thậm chí làm lương bao nhiêu, v.v… Không ai cảm thấy bị “xâm phạm” vì những câu hỏi về “nhân thân” như thế, ai cũng vui vẻ trả lời. Tôi cũng thế. Tôi nói tôi là người đi thăm bà con ở Ô Môn về (sự thật là thế). Nhưng có người nói “Chắc anh ở ngoài về”, nên tôi đính chính ngay rằng “Tôi công tác ở Sài Gòn, chứ không phải ở nước ngoài” :-). Tôi chứng minh kiến thức về quê của mình, và dứt khoát không chen vào mấy tiếng Anh tiếng U để cho bà con thấy tôi là dân địa phương thứ thiệt. Tôi muốn nói như thế để hòa đồng cùng bà con, để sống lại những ngày đi xe đò miền Tây trong thời bao cấp ...
Sau phần tự giới thiệu như thế, đến phần chính là giải bày tâm tư của hành khách. Những câu chuyện làm ăn cực khổ ở các hãng xưởng Cần Thơ để có đồng tiền gửi về quê. Một chị ở U Minh đang bồng bế đứa con còn nhỏ nói chồng chị làm công nhân mỗi tháng chỉ có 1,5 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà và ăn uống, chỉ còn trên dưới 500 ngàn để gửi về nhà. Chị than thở ở miệt U Minh bây giờ chẳng biết làm gì ra tiền, vì ruộng thì bị nước mặn xâm nhập, còn việc làm thì không có vì đâu có ai đầu tư công nghiệp ở đó. Những câu chuyện thời sự cũng được đem ra bàn tán xôm tụ. Anh công chức ngồi cạnh tôi thì than về tình trạng hối lộ tràn lan trong ngành xây dựng. Vụ Vinashin và những vụ tương tự, vụ PMU18 xa xưa, vụ Đại lộ Đông Tây, v.v… được nhắc tới nhắc lui và cuối cùng vẫn chỉ là những lời than thở, bó tay. Câu chuyện không thể nào thiếu đại hội Đảng khi mà hai bên đường cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm treo đầy phố. Những lá cờ đỏ chói hai bên phố trong cái nắng chói chang hình như làm cho nhiệt độ mùa hè càng nóng hơn. Tôi đang nghĩ nếu mình là nhà thơ tôi sẽ sáng tác một vài câu thơ để mô tả cái cảm giác lúc đó, cũng giống như câu thơ của Trần Dần chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ ngày xưa. Không có mưa sa ở đây, chỉ có cái nóng bức của miền Tây hòa nhập cùng màu cờ đỏ. Một anh hành khách có dáng dấp nông dân ngồi ghế trên khơi màu câu chuyện về đại hội Đảng và hỏi có ai có ý kiến ai sẽ là tổng bí thư (TBT). Người thì nghĩ đương kim thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành TBT; người cãi lại rằng chức đó chưa bao giờ dành cho người miền Nam; người thì đoán ông Nguyễn Phú Trọng sẽ lên chức TBT; lại có người cho rằng người có vinh dự đó là ông Trương Tấn Sang. Có người thì thở dài rằng ai lên TBT thì cũng thế thôi, tình hình sẽ chẳng có gì thay đổi. Kinh tế phát triển sẽ vẫn phát triển. Tham nhũng thì vẫn tham nhũng. Giáo dục thì vẫn sẽ bê bết như hiện nay thôi. Điều đáng nói là chẳng ai hay biết vấn đề bauxite, cũng chẳng ai biết chuyện bọn “nước lạ” nó hành hung và giết ngư dân mình như thế nào, có lẽ do thiếu thông tin. Tôi nhìn quanh xe thấy chỉ có duy nhất một người đọc báo, mà là báo ... Công an Nhân dân! Thật ra, những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, hay SGTT chỉ đến thành thị, chứ không có trong quê hay thị trấn. Ngay cả thị trấn Minh Lương (gần xã tôi) mà tìm được một tờ báo đọc cũng đỏ mắt. Người dân thiếu thông tin kinh khủng. Thay vào đó là những cái loa phát thanh những thông tin mang tính tuyên truyền (một chiều) của chính quyền. Mà, tôi phải nói cách thức tuyên truyền của họ cũng rất thấp, chỉ làm cho người ta chán mà thôi. Có người nói đùa rằng đó là những cái loa làm ô nhiễm không khí, vì cứ "đến hẹn lại lên" nó phát ra những âm thành rè rè, nhão nhoẹt, và nội dung thì không nghe cũng biết. Thật ra, báo chí Nhà nước cũng ít khi nào nhắc đến những vấn đề "nhạy cảm" như bauxite hay vụ bọn sát nhân mang tên "nước lạ" nó đang giết dân mình. Tôi cũng chẳng muốn nói đến những chuyện đó làm gì, khi mà bà con chẳng có thông tin. Tôi có cảm giác người dân, ít ra là những người hành khách ở đây, có vẻ cam chịu những bất cập hiện nay và hi vọng cho một ngày mai tốt hơn. Hi vọng như thế nhưng họ không biết gì để biến hi vọng thành hiện thực. Họ chấp nhận tình trạng tham nhũng hối lộ như là “sống chung với lũ”. Họ cũng chẳng có thông tin để quan tâm đến sự sống còn của đất nước, bởi vì thông tin đó chỉ nằm trong tay những người có học hay những người có địa vị trong xã hội hay ở thị thành.
Từ chuyện xa đến chuyện gần hơn ở tỉnh tôi. Có người so sánh sự phát triển kinh tế giữa An Giang, Kiên Giang, và Cần Thơ. Điều thú vị là chị này chỉ ra sự khác biệt rất đáng chú ý mà làm tôi có khi thấy nhói lòng: Kiên Giang có nhiều điều kiện hơn An Giang để phát triển, nhưng Kiên Giang lại thua An Giang quá xa. Thật ra, trước đây nhân dịp Tết, trong một buổi họp mặt người Việt gốc Kiên Giang đang ở nước ngoài tại quán Năm Nhỏ (Rạch Giá), tôi cũng có phát biểu ý này và được đài truyền hình Kiên Giang thu lại (nhưng chẳng biết có phát sóng hay không). Tôi nói rằng Kiên Giang có ruộng, cò rừng, có biển, là một Việt Nam thu nhỏ, nhưng tốc độ phát triển kinh tế của Kiên Giang thì còn thấp hơn so với các tỉnh lân cận. Tôi có dịp đi Vĩnh Long và thấy rõ ràng rằng Kiên Giang còn kém hơn Vĩnh Long. Hôm đó có lãnh đạo cao cấp tỉnh ủy và ủy ban nhân dân ngồi dưới, và tôi đoán ý kiến của tôi chắc làm cho các vị ấy không vui. Nhưng tôi nghĩ thà mình nói thật còn hơn là nói những gì các vị ấy muốn nghe. Quay lại câu chuyện của chị hành khách, chị chỉ ra rằng đến Kiên Giang, người ta chỉ thấy hàng quán ăn nhậu, chẳng thấy gì khác; còn ở An Giang người ta có hãng xương công nghệ lớn, có chăn nuôi phát triển nhanh, có đại học đàng hoàng. Cần Thơ thì có vài đại học hoành tráng (chưa biết phía trong ra sao). Ngay cả Trà Vinh, Vĩnh Long mà cũng có đại học. Kiên Giang chẳng có gì cả. Kiên Giang đánh cá xong giao cho An Giang sản xuất, xuất khẩu, và thậm chí còn bán lại cho … Kiên Giang! Chị ấy còn chỉ ra một điều thú vị ở Rạch Giá là có 2 khu lấn biển, một khu mà người ta gọi là 16 ha (lấn biển trước 1975) và khu lấn biển mới. Khu 16 ha ngày xưa trước 1975 là sân vận động, là nơi dành cho công chúng, nhưng bây giờ bị biến thành khu “Trần Dư”. Là dân địa phương, tôi rất ngạc nhiên hỏi chị cái tên Trần Dư này xuất phát từ đâu, thì chị cười ha hả nói: Ủa, anh không biết hả, Trần Dư tức là Trừ Dân, tức là khu không có dân ở, chỉ có quan ở. À, thì ra là vậy! Tôi thì chỉ nghe cái tên này lần đầu, chứ trước đây thì người ta dùng chữ để phân biệt một khu lấn biển “nhiều quan” (tức 16 ha) và khu lấn biển “nhiều quán” (tức khu mới). Thật vậy, nhìn qua khu lấn biển 16 ha cũ bây giờ nhà cửa xây lên sát nhau, trông không đẹp chút nào cả, làm mất mĩ quang của thành phố biển; còn khu lấn biển mới thì toàn là nhà hàng, quán nhậu, karaoke, đêm đêm nhạc xập xình đinh tai nhức óc, chịu không nỗi. Còn An Giang? Nhìn qua cách người ta thiết kế đường xá, khu hành chính, khu thương mại, đâu ra đó, tôi phải nói là đồng ý một cách ngậm ngùi với chị hành khách. Kiên Giang tôi thua An Giang xa quá.

Đặc sản xứ Nghệ: làm cách mạng
Câu chuyện lan dần sang 2 người nữ hành khách nói tiếng Nghệ ghế sau. Dù không phải là người địa phương, nhưng 2 chị này rất vui vẻ tham dự những câu chuyện của hành khách khác. Điều tôi chú ý là có một chị chắc tuổi trên 50, có vẻ rất informed, đọc nhiều, và … thích thơ. Thỉnh thoảng chỉ đọc một câu thơ hay một câu ca dao để minh họa cho vấn đề đang bàn, làm nhiều người cười thoải mái. Chuyện trò một hồi, tôi mới biết chị đi từ Sài Gòn vào Cần Thơ thăm bà con bằng máy bay, rồi từ Cần Thơ đi Rạch Giá bằng xe đò này để ghé thăm thông gia của chị. Chị cứ nhắc đi nhắc lại rằng thông gia của chị ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Rạch Giá, và có vẻ sợ xe chạy qua địa chỉ. Tôi trấn an rằng chị cứ yên tâm, Rạch Giá nhỏ lắm, dù cho xe có chạy qua thì vẫn có thể tìm địa chỉ dễ như trong lòng bàn tay thôi. Chị cho biết chị làm nghề giáo nhưng đã nghỉ hưu rồi, và đây là lần đầu tiên chị vào miền Tây. Xe đến đâu chị cũng trầm trồ nói “Đúng là miền sông nước”. Chị vui vẻ kể ra có mấy đứa con, bao nhiêu tuổi, đang làm gì. Có khách hỏi tiếp thì chị nói chị có một thằng con cũng khá nổi tiếng, và hỏi qua lại thì mới biết “nó” là Lê Công Vinh, cầu thủ bóng đá trong đội tuyển quốc gia. Chuyến đi này chính là ghé thăm ông bà già vợ của Vinh ở Rạch Giá. Vợ của Vinh là ca sĩ Thủy Tiên. Bây giờ tôi mới biết Thủy Tiên là người gốc Rạch Giá. Thú thật, tôi chẳng theo dõi bóng đá nên cũng chẳng biết ai là ai, cũng chẳng hạp với loại nhạc cô Thủy Tiên ca, nhưng vẫn thấy thú vị khi gặp một người khách vui tính như chị. Cũng như hôm tôi đi từ Sydney về Sài Gòn tôi gặp Chí Tài (và chuyến trước thì gặp Đàm Vĩnh Hưng ngồi bên cạnh tôi), nhưng không có dịp làm quen. Nói chung, tôi thấy những người nổi tiếng ở Việt Nam ngoài đời họ rất khiêm cung và vui vẻ. Tôi hỏi chị có thích loại nhạc mà con dâu của chị ca không, thì sau khoảng 1 phút ngần ngừ, chị nói "không". Ai cũng cười. Tôi cũng nói thật rằng tôi không phải là fan của những loại nhạc mà giới trẻ đang mê mẩn ngày nay. Tôi cũng giả bộ hỏi chị về quê hương và dòng dõicủa cụ Hồ Sĩ Tạo ở Nghệ An, và thấy rằng chị tỏ ra khá rành câu chuyện mà sử gia Trần Quốc Vượng từng viết trong cuốn Trong cõi. Tôi đoán câu chuyện về Hồ Sĩ Tạo chắc chỉ có chị ấy và tôi là hiểu, chứ các hành khách khác thì chẳng hiểu chúng tôi đề cập đến chuyện gì.
Chị làm cho hành khách xe nhộn nhịp hẳn lên với câu hỏi rất hay: Đặc sản của Kiên Giang là gì? Không ai tìm ra được câu trả lời, và chính tôi cũng hơi bất ngờ khi gặp câu hỏi này. Mỗi câu trả lời đều bị khách khác bác bỏ (phản biện). Lúa gạo và cá? Chả có gì gọi là đặc sản cả, vì tỉnh nào ở miền Tây mà chẳng có. Nghĩ một hồi, tôi đề nghị “Nước mắm Phú Quốc”, ai cũng cười ồ lên nói nước mắm thì có gì là tự hào. Nhưng tôi cãi lại vấn đề không phải là tự hào mà là “đặc sản”, đâu có nơi nào trên đất nước này sản xuất nước mắm ngon như Kiên Giang. Anh hành khách giám đốc tiếp thị nói thế còn nước mắm Phan Thiết thì sao, họ cũng nói sản phẩm của họ ngon. Tôi thì nghĩ nước mắm Phan Thiết không ngon bằng và qui trình sản xuất cũng không như ở Phú Quốc. Thế là mọi người có vẻ chấp nhận nước mắm Phú Quốc là đặc sản của Kiên Giang, và tôi không quên kèm theo câu: chị nhớ mua vài lít về Nghệ An làm quà nhé! Sẵn dịp, tôi hỏi chị vậy chứ đặc sản của Nghệ An là gì. Chị cũng lúng túng, và sau vài phút suy nghĩ, chị nói chắc đặc sản của Nghệ An là …. làm cách mạng. Nghệ An là quê hương của rất nhiều nhà cách mạng. Hành khách ai cũng cười ngất ngư với câu trả lời này.
Lâu lâu nghe giọng Nghệ An làm tôi nhớ đến một người bác dưới quê mà tôi xem như người trong nhà. Tôi không bao giờ biết họ, chỉ biết bác ấy tên là Cực. Bác là người từ Nghệ An vào Nam kháng chiến (tức như Ba tôi) trong thập niên 1940 hay 1950s. Không biết làng quê của bác ngoài ấy là gì, vì bác cũng ít khi nào nói đến. Sau hiệp định Geneve, bác không đi tập kết, mà ở lại Nam và định cư ở Kinh B trong một cái nhà nhỏ. Bác là người Nghệ duy nhất trong cái kinh toàn là người Nam và Bắc di cư, nhưng bác sống hòa đồng với mọi người, xem kênh B là nhà, là quê hương của mình. Căn nhà của bác nằm giữa đồng không hiu quạnh, tường làm bằng bùn, và mái nhà lợp lá. Phía sau nhà bác có cái đìa để nuôi cá, phía trước là con rạch nước lúc nào cũng màu nâu. Tôi còn nhớ nhiều lần đi kinh B, tôi ngủ ở nhà bác, trong cái căn buồng nhỏ nhưng mát mẻ lắm. Bác sống một mình với con cháu, vì bác gái qua đời đã lâu. Căn nhà của bác là nơi nuôi nấng cán bộ cách mạng. Tôi còn nhớ hoài những đêm tôi ngủ ở đó, có những cán bộ vào ăn uống xong hay được tiếp tế hàng hóa, sáng sớm thì đi mất. Những người này sau trở thành quan chức lớn của tỉnh. Nhưng tiếc một điều là ít ai còn nhớ đến bác Ba Cực của tôi, nên bác nghèo vẫn hoàn nghèo. Ấn tượng còn đọng lại trong tôi về bác là một người nhỏ, thấp, bàn chân chính tông Giao Chỉ, khuôn mặt khắc khổ với nhiều vết nhăn trên trán của người có tuổi, nhưng lúc nào bác cũng yêu đời. Bác hay mặc bộ đồ bà ba đã ngã màu bùn phèn, trên đầu lúc nào cũng quấn cái khăn sọc ca rô đen trắng đã bạt màu. Tôi không thể nào quên nụ cười lạc quan của bác. Ngay cả cái tên của bác là Cực, mà có người đọc đùa thành … Cức nhưng bác xem ra chẳng quan tâm, mà còn lấy đó làm chuyện vui. Bác xem Ba tôi như là em, thường xay bơi xuồng xuống nhà tôi đàm đạo, bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chiếc xuồng của bác nhỏ lắm, vậy mà mỗi lần xuống nhà tôi, bác đem theo đủ thứ quà cáp cho bọn tôi. Cứ mỗi lần như thế bác nói huyên thuyên, chẳng cần người đối diện có hiểu tiếng Nghệ của bác nói gì hay không. Những lúc hứng, bác đọc thơ và giảng dạy truyện Kiều, cũng giống như mẹ của Công Vinh vậy. Cũng như cái chất giọng trọ trẹ khó nghe, trong tiếng cười của bác tôi cũng nghe được cái trọ trẹ, nghe được chất thuốc lào trong đó. Những lúc đó tôi chỉ ngồi bên cạnh để nghe. Bác hay vò đầu tôi rồi nói với Ba tôi “Tao coi số rồi, thằng này có số làm quan nay mai,” rồi quay sang tôi bác nói đùa “Này, mai mốt mày làm quan thì nhớ về giúp bác Ba đỡ nghèo nhé.” Tôi nhớ hoài cái câu sau đó, nhớ hoài cái giọng nói dấu sắt thành dấu nặng đó, nhớ giọng cười có âm hưởng Nghệ An pha trộn với thuốc lào. Bẵng đi một thời gian lâu tôi ra ngoài định cư, đến khi có dịp về thăm nhà thì nghe tin bác ba Cực qua đời ở độ tuổi 76 trong cái nghèo, cái nghèo đã đeo đuổi bác đến ngày bác chết. Bà con hàng xóm hùn nhau mua cho bác cái hòm và chôn đâu đó phía sau nhà. Sau 1975, mấy con cháu của bác lưu lạc khắp nơi, và chẳng có đứa nào khá giả cả. Tôi dự định một ngày sẽ quay lại và tìm ngôi mộ của bác để xây lại cho đàng hoàng hơn.
Miên man nghĩ ngợi một hồi thì xe đến khu ngã ba lộ tẻ. Tài xế dừng xe để bà con làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng. Tôi cũng vào quán Bảy Minh kêu một tô hủ tíu và một li cà phê. Hủ tíu dở quá, ăn không được. Cà phê thì tàm tạm để đánh thức mình trong chuyến đi tương đối dài. Đang ngồi ăn uống, có 2 hành khách chung chuyến mon men đến làm quen. Hai anh này quả quyết rằng thấy tôi quen quen và hỏi có phải báo Tuổi Trẻ có lần đăng hình của tôi, và nếu thế thì chắc chắn tôi là người định cư ở nước ngoài. Tôi nói có lẻ hai anh lầm tôi với ông nào trên Tuổi Trẻ, chứ tôi đích thị là người địa phương, làm ở Sài Gòn. Hai anh cười tỏ vẻ không tin, và nói người trong nước không ai đụng chút là nói “cám ơn”! Thì ra, đây là một điểm cần phải để ý, nếu muốn đóng vai người Việt. Qua nhận xét của hai anh bạn khách, tôi chợt nhớ đúng là ở VN người ta đối xử nhau không mấy lịch sự. Vào quán ăn hay quán nhậu, dễ bắt gặp những câu khách nói với tiếp viên như “Ê mày, bữa nay có gì đặc biệt”, “Nói cho tao nghe hôm nay mày có gì”, “Tao thấy bực mình với mày rồi đó, nãy giờ nói mà vẫn chưa hiểu hả, ông chủ đâu rồi”, v.v… Những câu nói rất kẻ cả, như là ông chủ nói với người làm thời phong kiến hay sao ấy. Có lần đem nhận xét này nói với một người bạn, anh ấy thản nhiên trả lời rằng ở đây phải thế, chứ không nó leo lên đầu ông nó ngồi đấy. Tôi vẫn chưa thấy thuyết phục với kiểu biện minh như thế.
Xe chạy một hồi đến trạm thu phí Tân Hiệp. Ở Việt Nam bây giờ đi đâu cũng thấy người ta dựng nên những trạm thu phí. Sân bay, cầu, khu giải trí, xa lộ, v.v… đều có trạm thu phí. Cái trạm thu phí Tân Hiệp này đã tồn tại cả 20 năm nay, và nó vẫn tồn tại. Người dân không ngại đóng phí, nhưng người ta thắc mắc: tiền thu phí đi đâu? Câu hỏi này hoàn toàn hợp lí, bởi vì chính quyền chẳng bao giờ cho người dân biết tiền thu phí được chi tiêu như thế nào, và đường xá thì vẫn rất kém. Nếu thu phí để nâng cấp hay bảo tồn đường xá thì tại sao những con đường có thu phí vẫn còn ổ gà, gập ghềnh? Có bài báo phản ảnh rằng chính quyền địa phương có khi đơn phương dựng lên những trạm thu phí mà không có lí do gì thuyết phục. Tôi cho rằng trạm Tân Hiệp cũng là một trạm như thế, bởi vì lí do tồn tại của nó không ai biết. Có hành khách cho biết rằng cái trạm này cho Cần Thơ dựng lên, và bao nhiêu tiền thu được thì Cần Thơ nắm hết, Kiên Giang chẳng có một đồng nào. Nói gì thì nói, những trạm thu phí ở VN càng ngày càng nhiều, nhiều đến nổi nó làm nghèo người dân, mà hình như chẳng có ai chịu khó suy nghĩ hay đứng về người dân một chút.
Nhân một chuyến xe miền Tây làm tôi lan man nhớ bao nhiêu chuyện xưa, và liên tưởng đến chuyện đổi đời thời nay. Tôi nghiệm ra một điều hiển nhiên rằng trong đời người, cái khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa có và không có rất mong manh, và nó xảy ra có khi rất nhanh. Nhớ trước đây khi còn lưu lại bên Florence (Ý), đi máy bay hạng first class, ở khách sạn 5 sao, đi đâu cũng có người mở cửa khách sạn hay mở cửa xe, vậy mà chỉ 1 giờ sau đó sang Paris thì phải tự mình xách hành lí khệ nệ đi lên lầu 5 (khách sạn không có thang máy) mệt ná thở, lên đến phòng nằm ngay xuống để mắt thấy ... ngàn sao. Cũng có khi ở khách sạn 7 sao bên Ả Rập cả tuần, ăn uống cái gì cũng sang nhưng ... không có bia, và chỉ 3 ngày sau thì đã có mặt ở miệt quê Kiên Giang, ăn cá lóc nướng trui và thưởng thức rượu đế đến say nằm ngủ ngay bên bờ ruộng. Tôi thường nói đùa rằng cuộc đời này chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên chút nào cả. Cực khổ, có khi cùng cực, cũng đã trải qua, và cái sang trọng thì không mới. Hôm nay cũng thế, mới 2 tuần trước đây, còn đi đây đi đó toàn bằng máy bay, và khi xuống máy bay thì có người đưa kẻ đón, nay đến lúc mình đi xe đò, cũng lỉnh kỉnh hành lí như ai, cũng ổ bánh mì cầm tay như mọi người, và cái quần short áo thun ngả màu phong trần như người dân địa phương. Ấy vậy mà tôi thích như thế, thích được trải nghiệm sự đổi đời đột ngột như vậy để xem mình thích ứng ra sao. Từ Cần Thơ đi Rạch Giá chỉ là một đoạn đường trên dưới 100 km, ấy thế mà phải tốn đến gần 3 tiếng đồ hồ. Tôi ước gì phải chi Nhà nước xây đường cao tốc thì việc đi lại của bà con tiện lợi biết bao. Có thể nhìn những chuyến xe miền Tây ngày nay như là một thước đo về sự phát triển kinh tế ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một cuộc đổi đời, từ bao cấp sang dịch vụ tư nhân, từ nghèo khổ sang thoải mái một chút. Đó là những chuyến xe càng ngày càng trật tự nề nếp hơn (cũng như kinh tế đang dần dần sắp xếp lại), nhưng đường xá còn quá xấu (hệ thống hạ tầng cơ sở còn quá kém), và người dân vẫn chưa chuẩn bị kịp cho một cuộc đổi đời đang diễn ra ngay trên quê hương mình.


Ghi chép cuối năm 5:
Sài Gòn bây giờ

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/c/c4/Ho_Chi_Minh_City.JPG
Tôi phân vân hoài cái tiêu đề cho entry thứ 5 về những ghi chép cuối năm. Bởi vì nói “Sài Gòn bây giờ” chỉ một vài trang viết thì đúng là chuyện … đùa
giỡn.Làm sao nói hết được những thay đổi mà thành phố số 1 của Việt Nam đã trải qua. Thôi thì tôi chỉ ghi lại những cảm nhận rất cá nhân trong một thời gian “cưỡi ngựa xem hoa” vậy …

Chợt nhớ một ca khúc cũng xưa xưa rồi, mà tôi không còn nhớ tựa đề. Chỉ nhớ vài câu như Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng / Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau / Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu / Sài Gòn bóng nghiêng, Sài-gòn đứng đợi / Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau. Đó là ca khúc mà tác giả viết lúc ông rời Sài Gòn đi định cư ở nước ngoài. Lời ca buồn, ray rức. Giai điệu chậm và buồn. Với tiếng hát của Khánh Ly và Elvis Phương thì ca khúc còn buồn hơn nữa.
Sài Gòn dĩ nhiên là đã “đổi họ thay tên”. Tên thành phố và nhiều tên đường đã thay đổi. Dù đã thay tên, nhưng người dân vẫn quen gọi là “Sài Gòn”. Tôi cũng thế. Những chuyến bay quốc tế cũng lấy SGN làm kí hiệu cho Thành phố Hồ Chí Minh. Có điều vui vui là dân miền Tây khi đi Sài Gòn chỉ nói ngắn là “Đi thành phố”. Tôi cũng đi thành phố nhiều lần, và lần nào cũng trải nghiệm những đổi thay đến chóng mặt.
Những địa điểm danh tiếng của Sài Gòn đang dần dần mất. Quán Givral (góc đường Lê Lợi và Tự Do), nơi ông Phạm Xuân Ẩn thu thập thông tin, nay không còn nữa. Trước đó thì “đồng môn” của Givral là La Pagode (góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do) cũng ra đi. Khu tứ giác vàng Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Tự Do và Lê Lợi đang là bãi chiến trường xây dựng, nghe nói là sẽ trở thành một trung tâm mua bán thương mại gì đó. Dù biết rằng không ai bước vào một dòng sông hai lần, và thay đổi là qui luật chung, nhưng tôi vẫn thấy tiếc cho những địa điểm quen thuộc đó.
Sài Gòn càng ngày càng kẹt xe. Hình như xe cộ càng ngày càng nhiều hơn, và tần số kẹt xe càng gia tăng theo cấp số nhân. Năm ngoái thì còn kẹt xe ở những giao lộ lớn và xảy ra vào những giờ cao điểm, nhưng năm nay thì tình trạng kẹt xe xảy ra hầu như mọi nơi và sau 8 giờ sáng là bắt đầu kẹt xe. Kẹt xe kinh niên. Nhiều lúc tôi thấy người ta lấn luôn lề đường dành cho người đi bộ, và rất nguy hiểm cho người đi bộ. Có thể nói rằng ở Sài Gòn ngày nay, đi bộ cũng không an toàn, vì nguy cơ bị xe gắn máy tông rất cao. Những khi mưa xuống, chỉ cần 5 phút sau là đường xá ngập nước thê thảm. Ngồi trong khách sạn nhìn ra ngoài thấy đồng hương mình lầy lội trên đường lộ đã thành sông mà nhói lòng, và cảm phục cho sự kiên nhẫn chịu đựng của người Việt Nam. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi tình trạng kẹt xe đến mức báo động như hiện nay mà hình như chẳng thấy giới chính quyền có ý kiến gì hay biện pháp gì.
http://media.thethaovanhoa.vn/2010/08/25/07/28/xe.jpgMột cảnh kẹt xe ở Sài Gòn
Có nhiều khi tài xế lượn lách để qua những ngã tư, ngã năm, ngã sáu có vòng xoay, với một rừng xe gắn máy và xe bốn bánh mà tôi thán phục cho anh tài xế. Chẳng những thán phục mà còn thông cảm cho nỗi khổ của anh phải đương đầu với rừng xe sao cho tối thiểu hóa nguy cơ xe bị trầy hay tai nạn. Ai thì sao tôi không biết, chứ tôi thì đầu hàng trong cái môi trường xe cộ như thế. Sài Gòn bây giờ kẹt xe nghiêm trọng đến nỗi đài radio cũng có chương trình tường thuật những chỗ có vấn đề, giống như ở nước ngoài vậy. Nhưng thú thật, tôi không thể nào nghe được cái giọng nói của các cô các cậu xướng ngôn viên, cái giọng nói và cung cách nói sến làm sao, vô cùng cảm tính, và nó có cái gì đó như ẻo lả bắt chước giọng nói người miền Bắc. Thà nói giọng Bắc hay giọng Nam thì còn nghe được; đằng này Bắc thì chẳng ra Bắc, Nam chẳng ra Nam, Huế cũng chẳng phải là Huế, mà nó là một thứ pha trộn lai căng rất vô duyên của các cô cậu xướng ngôn viên. Người ngợm gì mà quái đản quá. Tôi không thể nào chịu nổi, cho nên cứ mỗi lần lên taxi mà nghe những cái giọng đó, tôi yêu cầu tắt ngay trong vòng 1 giây, chứ không thì tôi xuống xe. :-)
http://www.locvungdep.com/dtool/thumb/data/img206_081005002447-202-792_400x306.jpgNgập nước là chuyện thường ngày ở Sài Gòn
Cố nhiên, Sài Gòn cũng thay tên đường sau 1975. Thay đổi nhiều lần. Vì thế, nhiều khi quen với tên đường cũ, mà không để ý thì rất dễ bị lạc. Rất nhiều tài xế taxi trẻ lớn lên sau 1975 chẳng biết gì những tên đường cũ, nên nói chuyện với họ chẳng khác gì nói chuyện với người ngoại quốc. Sẵn đây, tôi sưu tầm những tên đường trước và sau 1975 để các bạn nào ít về Việt Nam có thể biết được.

Hiện nay                         Trước 1975
Đồng Khởi                       Tự Do
Nam Kỳ khởi nghĩa          Công Lý
Cách Mạng Tháng 8         Lê Văn Duyệt
Nguyễn Thị Minh Khai    Hồng Thập Tự
Lê Văn Sỹ                       Trương Minh Ký
Võ Văn Tần                    Trần Quý Cáp
Nguyễn Đình Chiểu         Phan Đình Phùng
Phạm Ngọc Thạch           Duy Tân
Lý Chính Thắng              Yên Đỗ
Trần Quốc Thảo             Trương Minh Giảng
Nguyễn Trãi                    Võ Tánh
Tôn Thất Tùng                Bùi Chu
Điện Biên Phủ                 Phan Thanh Giản
Hồ Tùng Mậu                 Võ Di Nguy
Lý Tự Trọng                   Gia Long
Nguyễn Văn Cừ              Cộng Hòa
Lê Thị Riêng                   Ngô Tùng Châu
Ngô Gia Tự                     Minh Mạng
Châu Văn Liêm              Tổng Đốc Phương
Trần Phú                        Nguyễn Hoàng
Trương Định                  Đoàn Thị Điểm
Hoàng văn Thụ              Võ Tánh

Tiệm sách nhiều, nhưng ít sách
Sài Gòn ngày nay có rất nhiều tiệm sách. Kể ra chắc không hết được, nhưng vài nhà sách lớn như Nguyễn Huệ (có tên dị hợm là Fahasa = phát hành sách!), Cửu Long, Phú Thọ, Minh Khai, v.v... Tôi lang thang trong hầu hết tất cả các nhà nhà sách lớn kể trên và ngay cả khu bán sách cũ. Tiệm sách nhỏ cũng nổi lên như nấm. Dọc theo đường 3/2 và Nguyễn Thị Minh Khai, tôi thấy nhan nhản tiệm sách lớn có, nhỏ có, có khi bên cạnh nhau. Thậm chí trong siêu thị cũng có bán sách, sách học hẳn hoi! Ngoài ra, họ còn bán văn phòng phẩm, tranh ảnh và nhạc (CD, tape và video).
Ở những nhà sách lớn, có nhiều khu sách riêng biệt như văn học, ngoại ngữ, kĩ thuật, trẻ em, v.v... Tôi thấy sách về văn chương, trẻ em và ngoại ngữ là khá phong phú, còn sách về kĩ thuật, y khoa, khoa học và kinh tế thì quả là QUÁ nghèo nàn. Phần đông các sách về những nghành này là dịch từ tiếng Anh. Cũng có vài cuốn được dịch từ tiếng Nga. Mà, nhìn qua thì chất lượng dịch cũng không tốt mấy. Có nhiều sách y khoa tuy đề tác giả là người Việt, nhưng chỉ cần đọc qua vài biểu đồ thì biết ngay đây là sách dịch!
Phần đông các nhà sách đều bán nhiều sách trùng nhau. Điều này không ngạc nhiên, vì thật ra ở VN cũng chẳng có bao nhiêu nhà xuất bản lớn. Các nhà xuất bản ở tỉnh cũng đua nhau in sách, phần đông là sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các sách mà đã bị cấm trong thời "bao cấp". Nhìn qua thì nhiều, nhưng phần đông sách (có thể nói cả 90%) chỉ in có 1000 bản! Ngay cả cuốn "Từ Điển Việt Nam" mà cũng chỉ in có 7000 bản. Có những cuốn chỉ in 500 bản! Chẳng biết đây có phải là hình thức trốn thuế hay không? Ngay cả sách của tôi, tuy đề là 800 bản, nhưng trong thực tế thì chắc cỡ 3000 bản, đó là chưa kể những bản photocopy.Tôi để ý thấy quầy sách tiếng Anh được nhiều người chiếu cố nhất. Sách tiếng Anh được dịch ra từ các tủ sách nổi tiếng ở nước ngoài như Oxford, Longman, Collins, Webster cũng có rất nhiều. Nhưng chất lượng còn quá thấp, tạm bợ, thiếu cẩn thận. Ấy thế mà thằng em tôi nói là sách in thế là "khá hơn trước nhiều" rồi đó. Khu sách "Văn học" cũng có rất nhiều sách, nhưng nhìn kĩ hơn thì chả có gì là nhiều. Phần đông vẫn là những sách có tính cách giáo khoa. Tác phẩm mới rất hiếm hoi. Còn các sách cũ (xuất bản 5-10 năm trước) thì hầu như không có. Tôi tìm cuốn "Một thời để mất" của Bùi Ngọc Tấn, và hỏi mua, nhưng không có. Tìm khu sách cũ cũng không có. Có lẽ người ta không mặn mà với sách của tác giả này chăng?
Tuy nhiên, khu bán sách cũ có rất nhiều sách và khá phong phú. Tôi thấy rải rác đây đó có sách của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, v.v… Ngay cả những cuốn xuất bản trước năm 1975, sách in ở nước ngoài cũng có. Sách về kĩ thuật in từ những năm 1960s, 70s ở miền Nam cũng có luôn. Tuy nhiên, sách cổ (>100 năm) thì không thấy ở đâu cả. Chỉ kẹt là người mua phải bỏ công và thì giờ lục lọi ở những khu nhỏ hẹp.
Nhiều sách có nội dung chấp vá và có vẻ như lừa độc giả. Những cuốn bình giảng thơ văn của các tác giả nổi tiếng đều được in thành một cuốn sách riêng cho từng tác giả. Thành ra, phê bình văn của bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương, Lý Thái Tổ, v.v… đều được in riêng rẻ. Ngay cả trong từng cuốn như thế, nói là phê bình, nhưng kì thực là những bài viết về nhận định của các nhà nghiên cứu văn học được in rải rác trong các tạp chí như Kiến Thức Ngày Nay, Thế Giới Mới ... Nhiều khi tựa đề một cuốn sách không nói lên được nội dung. Chẳng hạn như cuốn "Bình Luận Văn Chương" của Hoài Thanh. Nhìn qua, người ta nghĩ ngay cuốn sách này là một công trình phê bình văn chương do Hoài Thanh viết. Nhưng lật vài trang thì lại là một tập hợp nhiều bài viết của HT đã được đăng trên các báo thời 1930s và 1940s, thậm chí lời mỡ đầu trong cuốn Thi Nhân VN cũng được "nhét" vào quyển sách này
http://img.vncdn.net/d/nha_sach_nguyen_hue--15446/oc/0/0/68/70043_Nha_sach_Nguyen_Hue_2.jpg
Nhà sách Nguyễn Huệ (FAHASA): coi hoành tráng nhưng ... ít sách
Ở VN, người ta có thói quen hay tách rời một pho sách thành hai ba quyển, mà đáng lẽ chỉ nên in một quyển là vừa đủ. Chẳng hạn như bộ "Nhà Văn Hiện Đại" của Vũ Ngọc Phan, bộ "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim mà họ cũng in hai quyển khác nhau, thay vì một. Có lẽ đây là hình thức tống tiền độc giả?
Giá cả sách tương đối rẻ so với đồng lương của dân VN sống ở nước ngoài, nhưng không rẻ chút nào đối với sinh viên học sinh ở VN. Một cuốn từ điển Anh-Việt giá khoảng 200,000 đồng trở lên, có cuốn cả 500,000 đồng, một số tiền khổng lồ cho giới học sinh. Sách kĩ thuật dịch từ tiếng Anh cũng đắt đỏ không kém. Chỉ có sách tiếng VN là rẻ tiền: những cuốn sách phê bình, tiểu thuyết giá chỉ 10,000 tới 40,000 đồng; cuốn Từ điển VN giá chỉ ~100,000 đồng; nguyên bộ Nhà Văn Hiện Đại thì khoảng 100,000 đồng. Tôi thấy nhiều học sinh chỉ dám nhìn các sách đắt tiền, chứ chưa dám mua. Nói đâu xa, hai đứa cháu tôi chỉ mân mê quyển sách trên tay, nhưng không dám hỏi tôi mua cho nó (tất nhiên là tôi mua). Còn nhiều em học sinh ở tỉnh lẻ hay không có thân nhân ở nước ngoài, thì chỉ đứng nhìn chứ làm gì dám mua.

Đến cung cách phục vụ
Cung cách phục vụ của nhân viên ở đây thì chỉ có thể chê, chứ không khen được. Nhà sách có nhiều nhân viên lắm, nhưng họ hình như chẳng làm gì. Tiếng Anh gọi là “busy of doing nothing” = bận rộn không làm gì cả. Họ đứng ở các góc nhà sách, đưa mắt nhìn khách chọn sách, như là nhân viên bảo về sợ khách ăn cắp sách hay sao ấy. Một thái độ có thể nói là rất phản cảm ở một nơi mang có tính văn hóa. Họ không hề biết phục vụ khách là gì. Hỏi cái gì họ cũng hoặc là không biết, hoặc là “hết rồi”. Nói chung là một thái độ rất thụ động. Có lần tôi vào hỏi mua cuốn sách (của chính tôi), sau khi nói tên sách, em phục vụ thản nhiên nói “Hết rồi chú ơi!” Em không hề cố gắng đi tìm hay hỏi ai cả, làm như em thuộc lòng tất cả các sách. Tôi giả bộ hỏi thêm một cuốn khác, và lần này thì câu trả lời là “em cũng không biết nữa”. Tôi thấy cô này có vẻ không muốn bán sách, nên tự mình đi tìm. Sau vài phút tôi cũng tìm được hai cuốn sách mình tìm, đến khi ra quầy tính tiền, gặp cô ta đứng đó đưa mắt nhìn tôi và 2 cuốn sách, nhưng cô ta không hề cảm thấy mắc cỡ hay ăn năn gì cả. Đúng là vô cảm!
Thái độ phục vụ này ở VN làm tôi nhớ đến cung cách phục vụ bên Mĩ. Hôm ở Seattle, tôi vào nhà sách tìm mua một cuốn sách xuất bản cũng trên 10 năm rồi. Nhà sách không có. Thế là cô nhân viên bán hàng nhấc điện thoại gọi hết nhà sách này đến nhà sách khác, đến khi cô ta tìm được một nơi có bán sách, cô ta cẩn thận ghi lại địa chỉ, số điện thoại, và còn nói với tôi rằng cô ấy đã dặn nhà sách đó để cuốn sách ra ngoài để tôi đến nhận. Ôi, tuyệt vời. Đó mới là cách phục vụ khách hàng. Tôi có thể nói rằng cung cách phục vụ khách hàng của người Mĩ hơn VN cả trăm năm ánh sáng, hơn Úc cả 50 năm ánh sáng (Úc cũng thuộc vào loại tồi tệ trong phục vụ, nhưng còn hơn VN gấp nhiều lần).
Tuy nhiên, tôi phải thêm một phụ chú ở đây là ở Sài Gòn và VN nói chung đang có một thế hệ 8X hay 9X rất chuyên nghiệp. Tôi đã có dịp vào siêu thị, từ nhỏ đến lớn, và gặp những nhân viên bán hàng, quản lí, phục vụ, mà nhìn qua tôi nghĩ chúng chỉ cỡ tuổi 18 đến 25, tức là hàng cháu tôi. Điểm rất đáng chú ý và khen là những nhân viên này có cung cách làm việc rất Tây, nhanh nhẹn, không chèn ép khách hàng, sòng phẳng, đâu ra đó, chẳng khác gì siêu thị hay các shop bên Mĩ. Tôi vào những shop loại 7-Eleven (bán hàng chạp phô, mở của suốt ngày đêm) và gặp toàn nhân viên trẻ, các cháu ấy rất lịch sự, nói năng lễ phép, sẵn sàng giúp đỡ khách chọn hàng, tính tiền chính xác, và nếu có bonus thì cũng đưa ngay chứ không chờ khách hỏi. Họ làm việc hết sức chuyên nghiệp. Tôi đoán là họ đã được huấn luyện, nên cách phục vụ hoàn toàn khác với nhân viên của Nhà nước. Tại sao cũng là một con người đó, mà khi làm cho Nhà nước thì trở nên ù lì, quan liêu, lười biếng, còn làm cho các cơ sở quốc tế và tư nhân thì nhanh nhẹn, tháo vác, lịch sự, và cần mẫn?

Nghe nhạc ở bar Carmen
Ở Sài Gòn ngày nay có một số phòng trà lịch sự. Tôi cũng từng ghé qua hầu hết những phòng trà này, nhưng trong chuyến đi vừa qua thì có một bar nhạc rất thú vị mà tôi muốn ghi lại ở đây. Đó là Carmen, nằm ngay trung tâm thành phố, số 8 đường Lý Tự Trọng (tức đường Gia Long cũ). Tôi chỉ có thể nói đây là một địa điểm độc đáo, một nơi dành riêng cho những bạn nào thích nhạc Pháp, nhạc Flamanco, và nhạc nhẹ Việt Nam. Đi đến Sài Gòn mà không/chưa ghé qua Carmen là một thiếu sót. Có lẽ tôi quảng cáo quá nhiều cho Carmen chăng? Tôi không nghĩ như thế.
http://www.reachvietnam.com/FCKUploadedFiles/image/Carmen_Bar-Ho_Chi_Minh_City(2).jpgBar Carmen, một địa chỉ cho những ai thích nhạc Latin và Pháp
Đến Carmen, tôi phải đi xuống tầng hầm bằng bậc thang tam cấp làm bằng đá [mới] nhưng thiết kế như rất cũ. Thế giới của Carmen là thế giới cổ xưa. Nhớ phải khom lưng nhé, kẻo đụng đầu đấy! Tôi bước vào một không gian tương đối chật hẹp, tường đá (như thời trung cổ), trang trí bằng đèn cầy và chai malibu! Khán giả ngồi chung quanh những bàn ghế cao, thiết kế cho các quán bar. Tiếp viên nam và nữ ăn mặc đồng phục bận rộn phục vụ khách. Anh bạn tôi cho biết chủ quán bar là một người còn trẻ lắm, từng là tiếp viên của Vietnam Airlines. Tôi cũng có cơ duyên gặp anh chủ, khi anh ta đi chào khách từng bàn. Đến bàn chúng tôi, vì là chỗ quen biết với anh bạn tôi, và vì tôi quan tâm đến Vietnam Airlines nên chúng tôi có một cuộc trò chuyện ngắn và vui vẻ. Trông anh trong cái quần tây đen, áo trắng, tay cầm điếu thuốc, tôi thấy anh giống một người quản lí, chứ không phải chủ quán bar. Biết tôi đến từ Úc, anh cho biết đêm nay có một ca sĩ trẻ gốc Việt từ Melbourne trình diễn ở đây. Nghe nói anh này lớn lên ở Melbourne và sống ở đó hơn 20 năm, nhưng nay là thường trú nhân ở Sài Gòn, vì anh cho rằng ở Sài Gòn vui hơn Melbourne (và tôi đồng ý). Nhìn chung quanh tôi đoán khoảng phân nửa khán giả là người ngoại quốc, phân nửa là người địa phương. Nhìn qua cách ăn mặc casual của khách (quần jean, áo sơ mi cao) tôi đoán họ là những người thuộc giai cấp “up market” hay loại “well to do”, đến đây nghe nhạc nghiêm túc chứ không phải để nhậu nhẹt hay hò hét theo kiểu “hát cho nhau nghe”. (Hát cho nhau nghe cũng là một phong trào mới ở Sài Gòn, thường hay thấy trong các quán nhậu bình dân, nơi mà thực khách có thể đóng vai ca sĩ và được thực khách khác tặng hoa kèm theo tiền, nhưng số tiền này được tặng cho ban nhạc. Ban nhạc chỉ gồm có 3 người và chính là bầu sô của chương trình ca nhạc. Tôi đã từng ghé qua những quán này và thấy cũng vui vui).
http://cache.virtualtourist.com/1470627-Carmen_Bar-Ho_Chi_Minh_City.jpg
Đèn cầy và malibu
Carmen chỉ mở cửa từ 9 giờ tối đến nửa đêm. Chương trình nhạc bắt đầu với những ca khúc Latin, sau đó đến phần nhạc Pháp thời thập niên 60s, 70s và 80s, nhạc Việt, và nhạc do khán giả yêu cầu. Các sĩ đến từ Phi Luật Tân và Việt Nam luân phiên trình diễn. Dĩ nhiên, tất cả ca sĩ đều trình diễn nhạc sống (chứ không phải ca nhép rất đáng ghét). Ca sĩ nào ca cũng có chất giọng tuyệt vời và kĩ thuật theo tôi là điêu luyện. Ban nhạc chơi nhạc rất điệu nghệ. Tất cả đều nói tiếng Anh lưu loát. Tôi rất ấn tượng với một anh người Việt, tuổi chắc cỡ tôi, độc tấu guitar và đơn ca những bài nhạc Pháp nổi tiếng một thời. Nhìn cách anh nói chuyện với khán giả bằng tiếng Pháp và tiếng Anh lưu loát và tự tin, cách chơi đàn rất nghệ sĩ, tôi như thấy lại một hình ảnh Sài Gòn của một thời có văn hóa.
Thức uống và thức ăn cũng phong phú, ngon miệng, giá cả tương đối hợp lí. Tuy giá này có thể xem là đắt đối với người địa phương, nhưng với người nước ngoài thì rất hợp lí. Tiếp viên nam và nữ còn trẻ, cũng nói tiếng Anh rất tốt. Nói chung, bước vào không gian của bar Carmen, chúng ta có cảm giác như vào một không gian nhạc thời xa xưa, nơi mà khách và ca sĩ có thể cùng nhau thưởng thức những ca khúc một thời vang bóng. Riêng tôi, tôi đã có một buổi tối thật ý nghĩa, được bay bổng theo những ca khúc mình từng một thời yêu thích sau những ngày làm việccăng thẳng và trần thế. Cám ơn ông chủ Carmen và các ca sĩ đã làm được một việc rất có ý nghĩa để đưa Sài Gòn lên bản đồ du lịch thế giới.

PS. Hồi đáp của bạn đọc
Đây là một thư của một bạn đọc mà tôi nghĩ ông chủ bar Carmen nên lưu ý. Biết rằng hơi khó, vì hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn phổ biến, nhất là trong các quán bar, nhưng tôi cũng thấy như anh bạn này viết. Chuyện an toàn (safety) ở Việt Nam đúng là ... xa xĩ.
"Cám ơn bài viết của anh nhắc lại kỷ niệm của em nhiều năm trước tại quán Carmen, nơi em gặp vợ em sau này.
Lần đó đi theo thằng bạn học, cũng là ông mai mới biết bar Carmen. Quán này không có gì phải chê ngoài 2 thứ mà có lẽ ở VN còn hơi xa xỉ: cửa thoát hiểm và khu dành cho người không hút thuốc. Nếu anh Tuấn về SG và có dịp gặp ông chủ quán thì nhờ anh góp ý giùm.


Ghi chép cuối năm 6:
linh tinh chuyện

http://www.vietnamopentour.com.vn/images/news/1248109207-aDuong_pho_rop_bong_hoa(1).jpg
Lại kể chuyện Việt Nam. Lần này, xin hầu chuyện hải quan Việt Nam và Sydney, và vài cảm nhận của tôi về chuyện tuyên truyền ở Việt Nam ...


Hải quan
- Anh là Nguyễn Tuấn Văn, hay Nguyễn Văn Tuấn?
Anh nhân viên hải quan họ Nông (tôi quên tên) hỏi câu trên, sau khi đã scan tờ passport, đưa mắt nhìn tôi (để xem có phải là người trong hình). Tôi nói đùa rằng từ ngày sống ở ngoài người ta đã đảo ngược cách viết tên của tôi, thay vì Nguyen Van Tuan, bây giờ thì Tuan Van Nguyen. Anh ta cười, không nói gì. Thấy máy computer có vẻ chạy hơi chậm, tôi bắt chuyện với câu hỏi: Anh có bà con gì với ông Nông Đức Mạnh không. Anh ta cười lớn hơn và nói: Ối giời ơi, ông ấy ngồi tuốt trên cao kia, tôi với làm sao tới, mà bà và chả con; không phải đâu, tôi chẳng có quan hệ gì với ông ấy. Tôi hỏi sao máy computer chạy chậm quá mà hải quan không thay để tiện cho khách và cho cả anh, thì anh nói hải quan còn nghèo lắm. Hải quan mà nghèo thì thật là đáng ngạc nhiên! Câu chuyện của tôi chấm dứt khi anh làm xong thủ tục và trên màn hình máy hiện dòng chữ cho khách vào. Từ lúc đến xếp hàng, trình passport và xong thủ tục chỉ trong vòng 10 phút. Đó là một tiến bộ rất đáng kể.
Thật vậy, hải quan Việt Nam bây giờ đã có tiến bộ. Tiến bộ hiển nhiên nhất là ở khâu thủ tục đơn giản hơn và nhanh hơn. Hành khách vào Việt Nam bây giờ không còn điền vào tờ giấy trắng có logo của ASEAN và Việt Nam. Đó là một tinh giản thủ tục hành chính rất đáng hoan nghênh. Khách chỉ vào trình passport cho nhân viên hải quan (hay công an cửa khẩu?) và ra ngoài lấy hành lí. Hành lí vẫn phải chạy qua cái máy scan, nhưng nói chung là rất nhanh (nếu không có mang theo những thứ quốc cấm).
Tôi thấy nhân viên hải quan ngày nay cũng bắt đầu có nụ cười với khách. Tuy nhiên, tôi có cảm giác họ không thạo tiếng Anh, cho nên có những cử chỉ có thể xem là mất lịch sự. Chẳng hạn như thay vì nói cho khách xếp hàng có trật tự, thì họ lại múa máy tay chỉ bảo như là ra lệnh hay như là xua đuổi. Tôi đoán rằng họ không thạo tiếng Anh, nên đành phải sử dụng ngôn ngữ … tay. Cũng có vài trường hợp họ tỏ ra rất cứng nhắc với khách, rất vô cảm với những khó khăn của khách. Vấn đề xuất phát từ sự thiếu qui định cụ thể, và do đó, mỗi người có thể diễn giải qui định theo ý và cách hiểu của mình.
Nói đến hải quan Việt Nam thì cũng nên so sánh với hải quan Úc cho công bằng. Trước đây, tôi từng phàn nàn tình trạng kì thị người Việt Nam của giới hải quan Úc vì họ nghi rằng người Việt Nam có tiềm năng tội phạm ma túy. Cho đến nay, tình trạng kì thị này hình như vẫn chưa suy giảm, mà ngược lại còn có xu hướng gia tăng! Lần nào về Úc tôi cũng đem theo quà cáp của người thân và bạn bè Việt Nam tặng, như khô cá, hàng mĩ nghệ làm bằng gỗ, và những dịp gần Tết thì có cả mứt. Nhưng lần này tôi không đem theo gì cả, như là một thử nghiệm xem cách hành xử của hải quan Úc ra sao. Do đó, trong cái form hải quan, tôi hoàn toàn “trắng”, hoàn toàn không có đem theo bất cứ một loại hàng hóa nào mà hải quan cần phải xét. Nếu tôi là người Úc da trắng mắt xanh mũi lõ, tôi phải ra phi trường nhanh hơn những lần trước. Nhưng tôi lầm, tôi phải tốn gần 20 phút để qua khỏi cái cổng hải quan, trong đó có đến 15 phút xếp hàng rồng rắn và 5 phút “ăn thua đủ” với hải quan.
Đang đứng chờ hành lí, mấy chú chó chạy loanh quanh ngửi hành lí xem có mùi gì đáng nghi ngờ. Trong khi chó đang ngửi, nhân viên hải quan điều khiển mấy chú chó yêu cầu khách, dĩ nhiên là kể cả tôi, xuất trình form hải quan và passport để họ xem. Nhìn passport họ biết mình là công dân nước nào. Nhìn cái form hải quan họ biết mình đáp máy bay từ đâu. Tôi đoán rằng họ nhìn passport để đánh giá xem “có phải là phe ta” (tức là công dân Úc), và nhìn cái form để quyết định có nên xoi mói hành lí hay không. Trường hợp của tôi, họ đánh dấu T, chẳng hiểu là kí hiệu có ý nghĩa gì (nhưng tôi biết dấu Q có nghĩa là quarantine tức phải xoi mói). Đến khi lấy hành lí xong, đứng xếp hàng một hồi, họ lại chỉ tôi sang cái cổng có quarantine! Tôi phản đối nói rằng tôi chẳng có gì phải khai báo, sao lại đi cổng này. Nhưng có lẽ vì nhân viên hải quan quá bận và các cổng đều đầy người, nên họ nói kiểu an ủi rằng vì bên này quá tải nên tạm qua cổng kia, cũng nhanh thôi, đừng thắc mắc! Đến nơi, gặp anh chàng hải quan tuổi độ 40, người Úc, với mặt không mấy thân thiện. Anh ta nhìn vào cái form và hỏi bâng quơ rằng tôi đi Việt Nam có vui không (tôi cũng làm mặt lạnh trả lời là đi công việc chứ không phải đi chơi), rồi anh ta rất lịch sự xin phép mở hành lí để xem. Anh ta nhìn một đống sách chẳng thấy gì đáng nói, nhưng đến hộp thuốc dùng cho bệnh gout, anh ta nhìn qua nhìn lại có vẻ phân vân, và thấy vậy tôi nói thuốc điều trị bệnh gout chứ chẳng có gì đâu. Sao nhiều thế? Vì thuốc này ở VN rẻ hơn. Đáng lẽ ông phải biết rằng ông không nên đem nhiều như thế. Chà, muốn lên lớp hả - tôi nghĩ thầm, nhưng tôi lí giải rằng tôi cũng chính là bệnh nhân, nên phải chuẩn bị đó thôi. Anh ta để lại và nói ok.
Nhưng tôi thì không ok. Chờ anh ta để vào hành lí xong, tôi hỏi: tôi có thể hỏi ông 1 câu không? Sure, chắc chắn rồi. Ông và đồng nghiệp ông có kì thị người Việt Nam không? Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng tôi không nên quá nhạy cảm và bực mình vì chuyện xét hành lí. Tôi nói ông vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi, và hỏi lại nữa đùa nữa thật: ông hãy trả lời cho tôi là yes hay no. Và tôi nói một mạch về những nhũng nhiễu của hải quan Úc đến người Việt nói chung, chứ không phải cá nhân tôi (mà thật ra là chưa lần nào bị nhũng nhiễu), và tôi diễn giải cũng như hiểu rằng đó là thái độ kì thị, trịch thượng, và không thích hợp. Anh nhân viên hải quan nhìn tôi một hồi rồi nói: đó là cách ông hiểu, nhưng tôi chỉ làm việc của tôi, ông không hài lòng thì ông có quyền phàn nàn đến cấp trên và đây là địa chỉ, còn cá nhân tôi thì khẳng định là không có kì thị. Thôi, tôi còn làm việc với người khác, chúc ông một ngày đẹp nhé. Ra khỏi phi trường, nhìn đồng hồ, mới biết là mình đã tốn 20 phút trong phi trường! Còn ở VN, tôi chỉ tốn khoảng 10 phút, 5 phút xếp hàng hải quan, và 5 phút xếp hàng để ra ngoài. Ở VN không ai soi mói hành lí tôi như ở Sydney.
Sự đơn giản của hải quan VN rõ ràng là hơn Úc, nơi mà tôi cho rằng hệ thống hải quan đứng vào hạng tồi tệ nhất, dã man nhất, kì thị Á châu nhất, mất lịch sự nhất trên thế giới. Chưa có một nơi nào tôi đi qua mà hải quan mất lịch sự và kì thị như ở Úc. Đã vài lần tôi “trực diện” với cách làm kì thị của hải quan Úc, nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì. Viết thư phàn nàn thì họ cũng nhã nhặn trả lời, nhưng họ vẫn khẳng định đó là … qui định. Qui định kì thị chăng? Rất nhiều người Việt Nam ở Úc xem Úc là “thiên đàng” hay phàn nàn về sự nhũng nhiễu của hải quan VN, nhưng họ không dám phàn nàn về cách hành xử kì thị của hải quan Úc đối với người Việt. Đúng là có hiện tượng “khôn nhà dại chợ” ở đây.

Khẩu hiệu và tuyên truyền
Có lẽ nói không ngoa rằng Việt Nam là một xứ sở của khẩu hiệu, của tuyên truyền (propaganda). Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu treo đầy đường. Ngay tại Hà Nội, người ta căng biểu ngữ giữa những cây đại thụ hai bên đường, hay giữa những cột đèn. Dọc đường đi các tỉnh lẻ cũng thấy biểu ngữ chen lẫn những quảng cáo. Giữa những giây điện rối như màng nhện mà cộng thêm những biểu ngữ như thế thì thật là khó coi, vì nó càng làm cho đường xá thêm rối rắm.
Về nội dung thì biểu ngữ hoàn toàn mang tính tuyên truyền. Nào là phòng ngừa bệnh AIDS, là kế hoạch hóa gia đình (mỗi nhà chỉ có 2 con hay đại khái thế), là đừng có ác ôn giết thai nhi nữ (con gái cũng như con trai đều là con), là kêu gọi người dân đóng thuế, là an toàn giao thông, v.v… Có điều đáng chú ý là hoàn toàn không có biểu ngữ nào chống tham nhũng, chống việc mua quan bán chức, chống nạn quan liêu, v.v… Như vậy người ta chỉ chọn những chủ đề liên quan đến người dân, chứ những gì liên quan đến quan chức thì người dân không được biết (hay không có quyền biết?)
Có lẽ chính vì thiết kế để nói với người dân, nên những biểu ngữ này thường có lời lẽ trịch thượng. Đọc qua tôi có cảm giác như là cha mẹ lên lớp cho con cái, hay như thầy giảng cho trò nghe, hay thực tế hơn là như quan chức dạy cho thường dân. Hàm ý trong cách nói đó là một giả định rằng người dân còn ngu ngơ, dốt nát, không hiểu gì về đạo lí xã hội và sức khỏe.
Mặc dù nội dung và văn phong trịch thượng như vậy, nhưng tôi vẫn thấy những biểu ngữ này chúng cũng phản ảnh một phần nào tình hình xã hội hiện nay. Chẳng hạn như nhìn qua biểu ngữ nói về sự quí trọng con trai và con gái, chúng ta biết rằng ở VN đang có tình trạng mất cân đối giới tính và giết thai nhi. Tôi có đọc đâu đó rằng ở Việt Nam ngày nay, tỉ lệ thiếu nữ vị thành niên phá thai thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Đó là một con số chẳng ai lấy làm tự hào. Hay như nhìn qua biểu ngữ về kế hoạch hóa gia đình, chúng ta có thể đoán rằng dân số VN đang tăng một cách đáng ngại.
Tôi đoán rằng những biểu ngữ này xuất hiện trên đường phố chắc là sản phẩm của một cuộc vận động hay một phong trào nào đó. Nhưng có nhiều cách vận động, vậy tại sao người ta chỉ dùng biểu ngữ? Tôi nghĩ đó là cách tuyên truyền đơn giản nhất và là một cách làm lười biếng nhất. Cứ giăng biểu ngữ để đó, rồi sau khi phong trào chìm xuống thì cũng là lúc những tấm vải kia phai màu và đến lúc … nghỉ hưu
http://img.tintuc.vietgiaitri.com/2010/8/2/VietGiaiTri.Com-570543e8.jpg
Biểu ngữ treo trên đường phố Hà Nội
Nhưng câu hỏi đặt ra là những tuyên truyền như thế có hiệu quả không? Chẳng biết người ta có làm nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả của những cuộc vận động, của những biểu ngữ như thế hay không. Tôi nghĩ chắc không, vì chưa thấy một tài liệu hay nghiên cứu nào cả. Tôi thì nghi ngờ hiệu quả của cách tuyên truyền như thế. Lí do đơn giản là tôi thấy rất ít ai để ý đến những biểu ngữ đó. Có lẽ tôi chỉ là một trong những người lẩm cẩm hay để ý chung quanh, chứ tôi thấy người dân địa phương đang phải mệt mỏi đương đầu với nạn kẹt xe hàng giờ thì hơi đâu mà để ý đến những biểu ngữ đó. Mà, có lẽ đối với họ cũng chẳng có gì mới (nhưng với tôi thì có cái gì đó … mơi mới, và vui vui).
Chẳng có gì sai trong việc tuyên truyền và giáo dục công chúng. Giới chức y tế phương Tây vẫn làm hàng ngày. Nhưng nghệ thuật tuyên truyền trong thế kỉ 20 và 21 đã tiến bộ rất nhiều. Cứ hỏi những ông tổ tuyên truyền của Mĩ thì biết cách thức họ làm như thế nào để những thông điệp chính trị - xã hội đi vào người dân một cách nhẹ nhàng, vui nhộn, và nhất là bình đẳng. Điều đáng tiếc là ở VN ta thì hình như chưa biết đến những tiến bộ đó, và cách tuyên truyền hiện nay rất trịch thượng, phản cảm, vô duyên, và có khi vô nghĩa. Do đó, tôi nghĩ đã đến lúc các chuyên gia (ủa quên, quan chức) tuyên truyền VN nên học kĩ thuật tiếp thị (marketing) của giới tư bản để làm tuyên truyền bình đẳng hơn, tốt hơn, và có hiệu quả.

Chính trị hóa
Ở Việt Nam có một nghịch lí: chính trị bàng bạc khắp nơi, nhưng rất ít người bàn chuyện chính trị. Đi đường nhìn những biểu ngữ ca ngợi Đảng vinh quang, ở đại học có hàng chục môn học chính trị cho sinh viên, nơi làm việc đều có chi bộ của Đảng, nhà sách thì đầy những sách có hai chữ “chính trị”. Nhưng trong thực tế thì trong cộng đồng chẳng có mấy người bàn chuyện chính trị, ngay cả báo chí cũng chỉ đi những bản tin mà hàm lượng chính trị chẳng là bao. Đó là một nghịch lí rất khó giải thích.
Có lẽ VN là một trong vài nơi trên thế giới mà bất cứ sinh viên nào cũng phải học chính trị. Nhìn qua các chương trình đào tạo cấp cử nhân và cao học, dễ dàng thấy những môn học như triết học Mác – Lênin, kinh tế chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v… Tôi tò mò làm thử một con toán thì thấy năm đầu tiên, sinh viên (bất cứ ngành nào) phải tiêu ra gần 30% để học những môn học này. Nếu là sinh viên ngành chính trị thì chẳng có chuyện gì để bàn, nhưng sinh viên y khoa hay kĩ thuật mà cũng học những môn này thì quả là chuyện lạ. Chẳng có trường đại nào ở các nước phương Tây bắt sinh viên ngành y phải học những môn chính trị. Ấy thế mà gần đây có người phàn nàn rằng hàm lượng chính trị trong chương trình đào tạo cử nhân vẫn còn thấp, và theo đó, cần phải tăng cường giảng dạy chính trị cho sinh viên! Lí do người ta phàn nàn là vì tình trạng suy đồi đạo đức trong sinh viên ngày càng trầm trọng, và chẳng hiểu từ một phép suy luận thần thánh nào đó, người ta cho rằng nguyên nhân là do chương trình giảng dạy chính trị học chưa đủ. Nói như thế có nghĩa là giả định rằng có một mối liên hệ giữa hàm lượng chính trị trong đào tạo đại học và đạo đức xã hội, nhưng hình như chưa thấy ai chứng minh có mối liên hệ như thế ở Việt Nam. Do đó, thật là phi khoa học nếu tăng thời lượng chính trị học trong chương trình đào tạo đại học.
Chẳng những trong học đường, mà ngay cả huấn luyện tài xế lái xe người ta cũng chen vào nội dung chính trị. Nhớ hôm đi xe Mai Linh, qua nói chuyện với anh tài xế, tôi mới biết rằng ngay cả tài xế cũng phải học chính trị trước khi lái xe. Tôi tò mò hỏi anh học gì, thì được biết học về lịch sử Đảng, tư tưởng bác Hồ. Nhưng khi hỏi anh còn nhớ những ý chính của mấy môn học đó, thì anh cười hề hà rất dễ thương nói: nhớ chết liền.
Không biết nội dung giảng dạy trong các môn học chính trị là gì, nhưng tôi có cảm giác những người học chỉ có thông tin một chiều hoặc thông tin phiến diện. Hỏi họ về kiến thức triết học ngoài hệ thống Mác Lê, hay hỏi họ về sử Việt Nam, thậm chí về những thông tin liên quan đến sử đương đại (như chuyện Lê Văn Tám, Hoàng Sa, Trường Sa, hay xa hơn chút những chuyện thời trước 1975) thì họ tỏ ra mù tịt. Thật ra, việc tiếp thu thông tin một chiều cũng chẳng gây ngạc nhiên cho những người theo dõi thời sự trong nước. Nhưng nếu học mà chỉ được thu nhận thông tin một chiều thì đó không phải là học nữa, mà là tuyên truyền, là chính trị hóa giáo dục.

Tin tức mà không có tin ...
Báo chí Việt Nam trong những ngày trước đại hội Đảng thật là … nhạt. Mở tờ bào nào cũng toàn là những tin mình không quan tâm; ngược lại những tin mình quan tâm thì không có. Thật khó tưởng tượng một tờ tầm cỡ như Thanh Niên mà chạy cái tít “Tỉ phú sắp hết tiền … “ ngay trên trang đầu! Có buồn không, khi thấy một tờ báo số 1 (mà tôi hay cộng tác) là tờ Tuổi Trẻ mà chạy cái tít “TP HCM chú trọng chất lượng tăng trưởng”, “yêu cuồng”, “đốt lửa chống rét”, “nhất kinh tế, nhì công nghệ”, v.v…. Tôi gọi đây là những tờ báo “hết lửa”. Và, tôi cũng nói suy nghĩ đó cho các bạn Tuổi Trẻ. Trả lời tôi, các bạn ấy nói đều biết những khen chê của người đọc (và đều đúng) nhưng họ cần … giữ cái thẻ nhà báo để kiếm cơm. Thông cảm.
Tin tức báo chí đã thế, còn tin tức truyền hình thì vẫn chưa thay đổi gì so với thời kì bao cấp, cả nội dung lẫn cách trình bày. Tôi vẫn thấy cả 70% các bản tin tựu trung quanh các lãnh tụ đi thăm vùng này, địa phương kia, nhà máy nọ, v.v... Các vị lãnh tụ vẫn thường phát biểu, tuyên bố những câu nói chung chung, vô thưởng, vô phạt, trừu tượng; vẫn tươi cười (có khi gượng gạo) cho các ống kính. Hầu như các ông lớn này, bà lớn nọ ở các nước khác viếng thăm VN đều được tường trình một cách cặn kẽ. Phần còn lại là các tin tức về sản lượng, buôn bán của các nhà máy quốc doanh, mà đáng lẽ phải dành cho một chương trình tin tức về kinh tế hay thương mại thì hợp lí hơn. Phóng viên VN đã trở thành ông bà công chức thống kê từ hồi nào; họ đọc những con số thống kê về sản lượng một cách vanh vách và chính xác đến 0.001! Tất nhiên, đối với một người dân thường và kẻ viết bài này, những con số này không có một ý nghĩa gì cả. Những tin tức có liên quan đến đời sống hàng ngày hay ngay tại địa phương người xem đang cư ngụ hầu như là không có.
Một đặc thù nữa của TV Việt Nam là họ loan toàn những tin tốt, tin "positive", chứ không có tin nào mà có thể gọi là xấu cả. Rất là khó tin trong một thành phố cả 10 triệu dân mà lại không có tin tiêu cực. Thật ra, báo chí vẫn loan tin hàng ngày, nhưng đài TV thì không. Thành ra, tin tức có mà cũng như không.
Cách trình bày tin tức cũng là một điều khác với các đài truyền hình ở nước ngoài. Ở các nước phương Tây, người đọc tin (newsreader) chỉ giới thiệu bản tin và sau đó chuyển qua cho chính phóng viên trình bày. Nhưng ở VN, tôi ít thấy người phóng viên ở đâu, mà chỉ toàn thấy cái miệng nhép nhép của cô xướng ngôn viên trên đài. Cô ta đọc tin một cách cứng nhắc như người máy, cô ta không hề có một nụ cười tươi chút nào (chỉ thỉnh thoảng có nụ cười huyền bí của Elisa). Hình như ở VN, người ta thích người đọc tin có ngoại hình đẹp, chứ không quan tâm đến tri thức của người đó!?
Tin tức thế giới ở VN cực kì nghèo nàn. Báo chí chỉ dành đúng 1 trang cuối cho phần tin thế giới. Toàn những tin … chán phèo. Còn truyền hình thì phần lớn được chuyển qua bởi hệ thống CNN, mà người đọc tin nói là tin tức chuyển qua "hệ thống vệ tinh." Tuy nhiên, mỗi bản tin đều có logo của hãng CNN, nên nguồn gốc của nó không thể nào chối được đối với người hay xem tin tức.
Internet ở Việt Nam có nhiều người sử dụng, nhưng không phong phú mấy. Các website “lề trái” như BBC, RFI, VOA, v.v… đều bị chặn. Một số website khác dành cho khoa học và chuyên môn thì vào được nhưng rất chậm.
Do đó, những ngày ở VN, tôi cảm thấy như mình đói thông tin. Cứ mỗi một bản tin quốc tế hay quốc nội đăng trên báo chí hay đài truyền hình Việt Nam, tôi đều tự đặt câu hỏi “có thật vậy không?” Chẳng hạn như câu chuyện “Một nhân viên sứ quán Mĩ gây rối trật tự” (Thanh Niên 7/1/2011 đăng ở trang 4), tôi đọc xong mà vẫn phân vân, tự hỏi chẳng lẽ một nhân viên ngoại giao Mĩ mà vụng về như thế sao. Nhưng không cách gì kiểm chứng được, và cũng chẳng có thì giờ đâu mà suy nghĩ. Đến khi về Sydney thì mới biết câu chuyện đằng sau của vụ việc, và thấy rằng báo chí Việt Nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa. Nói thế nghe trịch thượng quá. Trong thực tế, phóng viên Việt Nam chẳng thua kém đồng nghiệp nước ngoài, nếu họ có được một môi trường tác nghiệp tốt và được phép viết những gì họ thấy và nghe.
TB1. Có 2 bạn đọc ở TPHCM cho biết vẫn vào trang web của BBC, VOA và RFI thoải mái. Riêng tôi thì chẳng hiểu sao không vào được những websites này.
TB2: Và đây là thư của một bạn khác: "Chú muốn vô internet các trang lề trái ở Việt Nam là phải leo tường. Một nhân viên của Viettel trả lời câu hỏi của con về chuyện internet bị rớt : các trang BBC, VOA... bị cấm. Chú không tin cứ gọi đến tổng đài Viettel thì biết ..."


Ghi chép cuối năm 7:
Ăn uống ở Việt Nam và xu hướng ngọt hóa

Hôm nay, tiếp tục loạt bài "ghi chép cuối năm", tôi ghi lại đây vài cảm nhận về xu hướng ăn uống ở Việt Nam. Tôi sẽ tập trung nói về xu hướng ngọt hóa và tầm thường hóa món ăn Việt Nam.

Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn, có rất nhiều quán ăn ngon, và con số này càng ngày càng nhiều. Đủ loại nhà hàng phục vụ các món ăn Bắc, Trung, Nam, Âu, Á, Latin, thậm chí cả món ăn Trung Đông. Đi quanh Sài Gòn chúng ta thấy nhà hàng và quán ăn nhiều hơn rạp hát hay rạp chiếu bóng, và chắc chắn nhiều hơn các tụ điểm bán sách báo, băng nhạc, và tranh ảnh gộp lại. Đành rằng "có thực mới vực được đạo", nhưng sự có mặt có quá nhiều quán ăn có thể diễn giải rằng dân ta ... ham ăn. Tôi thì muốn nhìn hiện tượng một cách tích cực hơn: sự hiện diện của nhiều quán ăn là một dấu hiệu cho thấy món ăn Việt Nam ngon. Phải ngon thì nhà hàng và quán ăn mới hấp dẫn được thực khách và tồn tại như thế. Vậy thì sao không quảng bá Sài Gòn như là "kitchen of the world" (nhà bếp của thế giới) như có chuyên gia Mĩ từng đề nghị?
Nói ra thì có vẻ “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng một cách công bằng và nghiêm chỉnh, tôi nghĩ có thể nói rằng: món ăn Việt Nam ngon. Cũng có thể nói là “rất ngon”. Phở, một món ăn “quốc hồn, quốc túy”, được khắp thế giới đánh giá rất cao. Ngay cả những món như bánh xèo, chả giò, bì cuốn, hay ngay cả những món dân dã hơn như cá kho và canh chua cũng là những món ăn chẳng những ngon miệng và còn giàu dinh dưỡng. Bởi vậy không ngạc nhiên chút nào khi người ngoại quốc đến Việt Nam lần đầu đều nhất trí nhận xét rằng món ăn Việt Nam là ngon. Một anh đồng nghiệp người Úc của tôi, là một giáo sư về nội tiết học, sang Việt Nam giảng lần đầu, tôi hỏi anh thấy Việt Nam ra sao, thay vì trả lời câu hỏi tôi, anh nhiệt tình nói “món ăn tuyệt vời”. Anh còn nói thêm trong cuộc đời đi khắp thế giới, chưa bao giờ anh thấy món ăn Việt Nam ngon như thế, và không ngần ngại nói rằng “ngon nhất thế giới”! Tôi thì không dám nói như thế, nhưng có lí do để nói rằng những món ăn Việt Nam là một trong những món ăn ngon nhất thế giới.
http://kitchentoworld.com/wp-content/uploads/2009/10/banh_xeo-300x224.jpg
Bánh xèo: tôi không thấy nơi nào trên thế giới có món ngon này!
Cái ngon của ẩm thực Việt Nam không chỉ ngon miệng, mà còn ở tính cách văn hóa. Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều nhận xét tinh tế về văn hóa ẩm thực Việt Nam, trong đó ông cho rằng các món ăn Việt Nam có một sự cân đối âm dương. Theo cách hiểu này, những món mặn là thuộc tính dương, còn ngọt và chua thuộc tính âm. Do đó, người Việt chúng ta pha chế nước mắm với đường và chanh, hay dưa cải phải nhận trong khạp mắm thì mới quân bình âm dương. Có lẽ chính vì sự cân bằng âm dương mà món ăn Việt Nam có một sức hấp dẫn rất cao, đến nổi có quán tự tin đặ tên quán là “Ăn là ghiền”. Tôi biết có người Việt sống xa quê khi về Việt Nam, việc đầu tiên ngay sau khi xuống máy bay là đi ngay đến một quán ăn để … ăn cho đã.
http://upload.sao.vn/123/huyen/1209/29/nuocmam1-tapchiamthuc.vn.jpgNước mắm ớt: cân bằng âm dương
Món ăn Việt Nam không chỉ ngon miệng, có văn hóa, mà còn có tính toàn diện. Toàn diện ở đây hiểu theo nghĩa món ăn được thưởng thức bằng thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác, và vị giác. Chẳng hạn như nhìn món bánh xèo màu vàng rụm, được “trang trí” với rau xanh, bên cạnh chén nước chấm màu đỏ có chút ớt, cải trắng, cải cà-rốt được xắt nhỏ, chúng ta cảm thấy đẹp mắt. Cắn một miếng bánh xèo nghe rôm rốp, cộng với mùi rau chát, thơm, cay, và nước chấm âm-dương, tất cả hòa huyện nhau tạo nên một món ăn tuyệt vời, một kinh nghiệm ẩm thực rất đáng nhớ đời mà không nơi nào trên thế giới có được.

Xu hướng “ngọt hóa”
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây tôi thấy có hai xu hướng đáng đáng tiếc đang xảy ra trong ẩm thực Việt Nam: đó là xu hướng ngọt hóa nhiều món ăn, và xu hướng tầm thường hóa món ăn Việt Nam trong các quán ăn.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến tình trạng “ngọt hóa” các món ăn ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, như hiện nay. Nấu canh chua, người ta có xu hướng pha chế để nước súp ngọt. Cá kho tộ, bản chất là một món ăn mặn và cay, mà cũng bị làm cho ngọt. Mắm thái là món “favorite” của tôi ngày nào, nhưng bây giờ về Việt Nam thì không dám ăn nữa vì nó quá ngọt. Món mắm tép ngày nào có vị chua và mặn nay trở thành quá ngọt. Lẩu mắm cũng ngọt. Khô cá thiều cũng trở thành món khô ngọt. Món nước mắm ớt chua mặn có khi trở thành … nước đường. Tôi nói không ngoa đâu. Chưa một nhà hàng nào chế biến món nước mắm hợp khẩu vị của tôi. Tất cả những dĩa nước mắm phục vụ cho các món như cơm tấm và gỏi đều quá ngọt, có khi ngọt cứ như là đường và tôi phải trả lại cho quán. Rất nhiều lần vào một số nhà hàng, tôi phải yêu cầu chế biến lại hay gọi một món khác vì món ăn quá ngọt.
http://files.myopera.com/mietvuon/blog/DUAMAMCAY.jpg
Món dưa mắm: coi chừng ... ngọt!
Ngay cả món dưa mắm, một trong những món ăn tôi rất thích, cũng bị “ngọt hóa”. Để chế biến món này, vỏ dưa hấu, dưa leo, đu đủ được nhận trong một cái khạp mắm khoảng vài tuần, sau đó lấy ra trộn với chanh, ớt, và tỏi. Đó là món ăn không thể nào vắng mặt trong bữa ăn của người miền Tây. Hay như món dưa điên điển cũng rất tuyệt vời, nhưng món này thì tùy thuộc theo mùa điên điển (mùa nước nổi). Nhưng tôi đã nhiều lần thất vọng với những món ăn này trong các quán ăn vì cái ngọt giết chết món ăn dân dã vốn cân đối âm dương (có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt). Hơn 10 năm qua, chưa một lần tôi hài lòng với những món ăn này ở các quán trên khắp các tỉnh thành miền Tây và Sài Gòn. Tôi thất vọng đến nổi phải cảnh giác. Hầu hết khi kêu những món này, tôi ra điều kiện rằng nếu ngọt quá, tôi trả lại.
Nhiều người miền Bắc nhận xét rằng người miền Nam thích ăn ngọt. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng trước 1975 và sau 1975 vài năm, người miền Nam không có xu hướng ăn ngọt như hiện nay. Ăn ngọt dĩ nhiên là thiếu lành mạnh. Tuy rằng sự liên đới giữa hàm lượng đường từ thức ăn và nguy cơ tiểu đường không nhất quán mấy, nhưng ở Việt Nam rất có thể chính vì xu hướng ngọt hóa này làm cho gần 10% dân số bị bệnh tiểu đường chăng? Đó là chưa kể hệ quả các bệnh tim mạch. Thật ra, ăn nhiều đường cũng có thể làm giảm tuổi thọ. Tôi nhớ cách đây không lâu, có một nghiên cứu chỉ ra rằng người ăn nhiều đường có nguy cơ tử vong cao hơn và chết sớm hơn so với người ăn ít đường.
Rất khó giải thích tại sao người miền Nam có xu hướng ăn ngọt, nhưng tôi chợt nghĩ đến giả thuyết “thrifty genotype”. Rất có thể trong thời bao cấp, người miền Nam quá thiếu thốn về mặt dinh dưỡng, nhất là đường và mỡ, vì thời đó những thực phẩm này có khi được xem là xa xỉ. Đến khi mở cửa, kinh tế khá lên, người ta phải ra sức tích lũy những thứ “xa xỉ” đó để thỏa mãn nhu cầu, và có lẽ cũng để phòng ngừa cho những bất trắc trong tương lai. Chỉ là một suy nghĩ vẩn vơ …

Cái muỗng
Một xu hướng khác rất đáng quan tâm là “tầm thường hóa” món ăn. Điều tôi phàn nàn nhiều nhất, bực mình nhất là vấn đề cái muỗng. Muỗng không phải là cái gì quá mới trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Theo tôi biết, một vài cái muỗng đẹp, được chạm trổ cầu kì với hoa văn tinh tế đã được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Đông Sơn. Điều này chứng tỏ từ thưở xa xưa, cha ông chúng ta đã biết dùng muỗng cho các bữa ăn. Do đó, có thể nói muỗng là một dụng cụ ăn uống cổ truyền. Nhìn muỗng Đông Sơn thấy lòng muỗng sâu hơn muỗng theo mô hình Trung Quốc ngày nay.
photoMuỗng Đông Sơn
Muỗng có chức năng dùng làm công cụ nêm nếm khi nấu ăn (như để đo lường và trộn thức ăn). Nhưng trong văn hóa Á Đông, muỗng còn được sử dụng để ăn cơm và những món ăn nhẹ như kem, cơm, trứng. Cũng có khi muỗng được sử dụng cho súp, nhưng phải là muỗng có dung lượng thích hợp.
http://lh3.ggpht.com/_5qPjaVdMU8A/TTex9RxOqnI/AAAAAAAAGQo/SbpkZidIGSw/s720/Eetrite1.jpgQuán ăn bày biện muỗng như thế này (thật ra tồi hơn những muỗng này) để ... ăn phở!
Điều đáng buồn ngày nay là các quán ăn Việt Nam dùng muỗng một cách tùy tiện và có thể nói là vô văn hóa. Vào các quán ăn ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng thấy cái muỗng làm bằng nhôm hay inox rất mỏng (loại rẻ tiền) và quan trọng hơn là rất … cạn. Có loại muỗng cạn đến nổi chỉ như một tấm tole bằng phẳng. Ấy thế mà người ta dọn cái muỗng như thế cho thực khách để ăn phở, hủ tíu, bún bò huế, thậm chí để húp súp. Chỉ cần múc một muỗng nước, nếu may mắn lắm giữ cho muỗng thăng bằng thì thực khách chắc có được vài mil nước súp! Còn nếu múc nhanh thì chẳng có nước súp nào để thưởng thức. Ấy thế mà nhà hàng nào, quán ăn nào cũng có những cái muỗng như thế. Tôi thật sự không hiểu trong đầu những người chủ quán hay người sản xuất ra những cái muỗng đó để làm gì. Nếu để làm cảnh thì khỏi phải bàn, nhưng nếu để ăn uống thì chắc đó là một trò đùa vô văn hóa nhất, vô duyên nhất, và … dã man nhất mà tôi từng biết.

Giấy đi cầu tiêu trên bàn ăn
Một trong những nỗi khổ của thực khách khi vào các quán ăn và nhà hàng ở Việt Nam là không có khăn giấy. Ở những quán ăn, người ta không có giấy serviette cho thực khách lau miệng. Thay vào đó, quán ăn bày biện trên mỗi bàn một cuốn giấy toilet (dùng đi cầu tiêu) để thực khách sử dụng! Thử tưởng tượng bạn kêu một món ăn như phở hay hủ tíu, hay món cơm tấm, mà trước mặt là một cuộn giấy đi cầu tiêu! Ôi, tục tĩu làm sao! Có nơi người ta cắt những tờ báo nhật trình thành những tấm giấy vuông khoảng 3x3 cm để cho khách … lau miệng, trông cực kì phản cảm. Ấy vậy mà thực khách vẫn dùng và không hề có phàn nàn gì. Và, cái “văn hóa” dùng giấy đi cầu để lau miệng này rất phổ biến từ Bắc chí Nam. Nhiều khi tôi tự hỏi chẳng lẽ người Việt mình kì cục như thế. Khách nước ngoài sẽ nghĩ gì khi thấy cái cảnh tượng như thế?
http://ttnn.com.vn/ImageHandler.ashx?f=~/App_Data/News/Images/1235869374.img.jpg&w=450&h=305&c=%23FFFFFFNhững cuộn giấy đi cầu như thế dùng để ... lau miệng trong quán ăn!
Ngay cả ở những nhà hàng sang trọng, người ta cũng rất tiết kiệm giấy serviette. Tiếp viên chỉ dọn bữa ăn kèm theo một tờ giấy duy nhất (thường là loại rẻ tiền, có thể mua từ Trung Quốc) cho mỗi thực khách. Cố nhiên, chẳng ai dám đụng vào những cái khăn ướt bằng vải vì không ai có thể đoán người ta đã dùng những hóa chất gì trong đó và bao nhiêu vi khuẩn đang trực chờ khách. Nói đến đây tôi chợt nhớ rằng nhiều khách sạn 4 sao ở Sài Gòn (nhất là khách sạn do Nhà nước quản lí) cũng không có một hộp giấy serviette cho khách sử dụng. Xin lặp lại: khách sạn 4 sao mà không có giấy servitte cho khách. Tôi chẳng hiểu tiêu chuẩn 4 sao gì mà lạ lùng thế!

Ăn cơm tấm không có dao
Một đặc điểm “văn hóa” ăn uống ngày nay ở Việt Nam rất đáng chú ý là: ăn cơm tấm không có dao. Tôi đã từng đi qua nhiều tỉnh thành, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng (cố nhiên là chưa đi hết), và “khám phá” ra không một nhà hàng và quán ăn nào cung cấp cái dao cho thực khách ăn cơm tấm cả. Không có. Người ta dọn ra một dĩa cơm tấm nhỏ (chắc chỉ bằng 1/5 dĩa cơm tấm bên Little Saigon), bên cạnh đó chỉ có hai lát dưa chua (nhưng rất ngọt như đường phèn, thường tôi phải gạt bỏ đi), hai lát dưa leo khô khốc, một miếng sườn nướng, một cái nỉa, một cái muỗng mỏng tanh, và một đôi đũa. Không có dao. Ngay cả quán TK (khá nổi tiếng) cũng như thế: không có dao cho khách ăn cơm tấm. Quán “Cơm tấm Cali” rất uy tín và sạch sẽ, chẳng hiểu sao cũng bắt chước theo “truyền thống không dao”. Phải mở ngoặc để nói thêm rằng quán này (Cơm tấm Cali) cũng có xu hướng ngọt hóa món nước chấm, nước mắm mà ngọt cứ như là đường đông đặc. Không hiểu cái “phong tục” này bắt đầu từ lúc nào, nhưng tôi biết rằng trước 1975 không có phong tục này.
http://www.dinhduong.com.vn/files/u22/com-tam-suon-bi-trung.jpgMột dĩa cơm tấm như thế này mà không có dao!
Cứ mỗi lần như thế tôi phải hỏi người tiếp viên vậy làm sao ăn sườn nướng, thì họ thường chỉ vào cái … nỉa. Hình như tiếp viên chưa bao giờ được huấn luyện cách ăn nói với khách, hay cách ăn uống và sử dụng công cụ ăn uống sao cho thích hợp. Có lần vào quán TK, tôi hỏi xin một cái dao, tiếp viên thản nhiên nói … không có. Tất nhiên là em này nói dóc. Nói dóc một cách trắng trợn và không biết ngượng. Tôi đành phải để lại bữa cơm, trả tiền sòng phẳng, và bình thản bỏ đi trong cái nhìn ngạc nhiên của mọi người chung quanh. Dĩ nhiên, xác suất tôi quay lại quán này lần thứ 2 trong đời có lẽ bằng 0!

Vấn đề
Tôi vẫn tự hỏi tại sao một đất nước có văn hóa ẩm thực như Việt Nam ngày nay lại có thể duy trì những cách phục vụ ăn uống tùy tiện như mô tả trên. Trước hết, nó thể hiện sự thiếu tinh tế trong cách trình bày món ăn. Cái ngon là một khía cạnh quan trọng, nhưng hình thức trình bày cũng không kém phần quan trọng, bởi vì nó có thể làm tăng giá trị của món ăn. Tôi đã từng vào một nhà hàng Thái, món salad bắp chuối của họ được trình bày với rau xanh cực kì bắt mắt và nước chấm (nhưng “nội dung” chính chỉ là phân nửa cái bắp chuối) mà họ tính giá 15 đôla Mĩ. Nói như thế để thấy cái “added value” của món ăn có khi còn quan trọng hơn cả cái ngon của món ăn.
Sự thiếu tế nhị trong việc không cung cấp dao hay dùng giấy đi cầu làm giấy lau miệng chỉ có thể nói là vô văn hóa. Và, tính vô văn hóa đó khó có thể biện minh được. Có thể nó thể hiện cái văn hóa tiểu nông mà nhiều người nhắc đến (tức là làm qua loa, làm cho có, tủn mủn), nhưng tôi lại nghĩ nó thể hiện sự lười biếng trong suy nghĩ. Người ta không chịu đầu tư thì giờ để suy nghĩ về sự tinh tế trong cách trình bày món ăn.
Tôi có cảm giác rằng một số món ăn truyền thống đang bị biến tướng thành những món ăn quá ngọt, mất cân đối âm dương, thiếu lành mạnh, và có hại cho sức khỏe.
Món ăn Việt Nam rất ngon và xứng đáng có một chỗ đứng trang trọng trong ẩm thực thế giới. Để có chỗ đứng đó, món ăn Việt Nam cần được bày trí một cách đẹp mắt, hài hòa. Không cần bày trí một cách cầu kì, phức tạp; cần đơn giản nhưng phải lịch sự và tinh tế. Ngoài ra, cần phải đảm bảo mỗi công cụ ăn uống (thực cụ) phải thích hợp với từng món ăn.

Ghi chép cuối năm 8:

http://www.tainguyenmoitruong.com.vn/quoc-te/111ong-bang-song-cuu-long-sap-201cbien-mat201d/imageHôm nay là ngày mồng Bốn. Hết tết rồi! Tôi sẽ tiếp tục loạt bài ghi chếp cuối năm. Lần này tôi muốn ghi lại một số cảm nhận cá nhân về nông thôn miền Tây nam.
Nói đến nông thôn, chúng ta thường hay nghĩ đến một vùng đất đồng ruộng và cây trái xanh tươi, gió mát trăng thanh, những con đường làng mơ mộng, dòng sông lửng lờ, những con người hiền lành mộc mạc, v.v… Nhưng bức tranh nông thôn mà tôi cảm nhận được trong những năm gần đây thì hoàn toàn tương phản với những hình ảnh mà chúng ta từng có trong tâm tưởng hay kí ức của một thời xa xăm.
http://www.onlinetravelvietnam.com/images/uploads/Product/Mekong-Delta.jpg
Đẹp như tranh!
Phát triển theo hướng thiếu qui hoạch
Tình trạng bùng nổ dân số dẫn đến mật độ dân số càng ngày càng cao. Theo một thống kê gần đây thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long có một dân số lên đến 17 triệu, tăng gần gấp 2 lần so với 20 năm trước đây. Trong khi đó thì (dĩ nhiên) diện tích đất cố định, hay thậm chí diện tích đất cho cư dân càng ngày càng giảm. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy mật độ dân số ở các tỉnh miền Tây tăng một cách chóng mặt. Nhà cửa ở vùng nông thôn mà san sát nhau, giống y chang như mật độ nhà cửa ở thành phố.
Ngày xưa ở làng tôi, xa xa mới có một căn nhà, nhưng ngày nay thì nhà cửa san sát nhau. Nhớ ngày còn đi học trường làng, cứ đến chân cầu là tôi phải dớn dác nhìn quanh, rồi ba chân bốn cẳng … chạy. Số là khu đầu voi gần cầu này có một bụi tre già, và người lớn tuổi trong làng hay kể nhau rằng nhiều khi có con ma mặc bộ đồ trắng ra nhát. Đám trẻ nhỏ chúng tôi nghe được câu chuyện, nên cứ mỗi lần đến đây là phải nhìn quanh rồi chạy, vì sợ ma nhát. Nay thì bụi tre không còn nữa, và thay vào đó là 6 căn nhà lớn nhỏ, thêm một quán cà phê vườn, trông rất … sầm uất.
Ở quê tôi, tình trạng nhà cửa xây dựng một cách vô qui hoạch tạo nên một khung cảnh nông thôn cực kì nham nhở, xấu xí. Chẳng nói đâu xa, gia đình của chị Hai D có 4 đứa con, và chúng lớn lên thì có gia đình; và thế là khu đất của chị được cắt thành 4 mảnh cho 4 gia đình mới. Tùy theo khả năng tài chính, có đứa thì xây nhà gạch, có đứa xây nhà gỗ, và có đứa nghèo hơn thì chỉ nhà tranh vách lá. Gia đình của chị Hai D chính là một bức tranh thu nhỏ của làng tôi. Có năm tôi về nhà tìm đường qua sông (vì nhà tôi ở bên kia sông) mà tôi không tìm ra được bến để xuống xuồng qua sông vì hai căn nhà mới mọc lên sát mé sông đã làm mất bến xuồng của tôi.

Ô nhiễm
Nhìn một cách tổng quan, một trong những vấn nạn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không chỉ ở thành thị, mà còn nghiêm trọng hơn là ở các vùng nông thôn. Dân số tăng, cơ sở hạ tầng còn kém và chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Cơ sở hạ tầng tôi muốn nói ở đây là phương tiện xử lí rác. Không có một làng quê nào có phương tiện xử lí rác. Ngày xưa, khi còn nghèo, rác chủ yếu là rác hữu cơ và thường thường là tan rã sau vườn hay dưới sông, nên cũng chưa hẳn gây ô nhiễm trầm trọng. Còn bây giờ, người dân khá lên và dùng bao plastic thay cho tre hay lá chuối, nên tình trạng ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng. Ở những thành phố lớn như Cần Thơ, chỉ có 60% rác được xử lí. Ở nông thôn, chưa biết con số này là bao nhiêu, nhưng tôi nghĩ chắc không đầy 10%.
Vì không có phương tiện xử lí rác, nên rác hữu cơ và vô cơ không vứt ngoài vườn, ngoài ruộng, thì cũng xuống sông. Có thể nói không ngoa rằng những con sông rạch ở miền Tây là những bãi rác khổng lồ. Ngày nay, đi bất cứ con sông nào trong vùng, tôi cũng thấy đủ thứ bao plastic và đồ ăn thức uống trôi lềnh bềnh. Đó là chưa kể đồ dùng trong nhà, từ chiếu giường đến lò bếp cũng có mặt trên sông. Thậm chí, xác gia cầm cũng vứt xuống sông! Con sông còn là bãi rác hóa học. Tất cả những thuốc trừ sâu và diệt cỏ sử dụng trên ruộng cũng đều theo nhau xuống sông. Trong những mùa lúa, dễ dàng thấy nước sông có những vệt nước giống như dầu (mà thực chất là thuốc hóa học trừ sâu). Ở quê tôi ngày nay không ai dám tắm sông. Tôi nghĩ rằng những con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long là những con sông hoặc đang hấp hối hoặc đã chết.
http://xttm.agroviet.gov.vn/ASPXBackend/uploads/sxuat2.jpg
Gặt lúa
Nước sông ô nhiễm dẫn đến thiếu nước sạch. Những con số làm cho chúng ta phải quan tâm: chỉ có trên dưới 30% các hộ nông thôn có cầu xí đạt tiêu chuẩn vệ sinh; chỉ có 50% hộ gia đình có nguồn “nước sạch”. Bởi vì không ai dám dùng nước sông cho sinh hoạt hàng ngày, nên người ta phải đào giếng. Nhưng ngay cả nước giếng cũng hàm chứa nhiều hóa học độc hại, kể cả arsenic. Không biết Việt Nam đã có nghiên cứu nào chưa, nhưng tôi đọc đâu đó thấy bên Thái Lan, việc đào giếng dẫn đến tình trạng đất bị lún, đến nổi chính quyền cấm không cho đào giếng nữa. Còn ở nước ta, hình như giải pháp đào giếng vẫn được chính quyền xem là thực tế nhất. Tại sao không suy nghĩ đến việc xây dựng những cây nước cho từng ấp như bên Mĩ vẫn làm?
Người Việt Nam chúng ta có văn hóa vào chứ không có văn hóa ra. Lo ăn uống mà không quan tâm đến đầu ra. Chúng ta xây nhà cửa, tòa nhà hoành tráng, nhưng đằng sau là một bãi rác khổng lồ. Nhà hàng phía trước thì rất trang trọng, nhưng phía sau thì toilet ôi thôi không tưởng tượng nổi. Hình như người Việt chỉ chú trọng bề ngoài, chứ phía sau thì rất bê bối. Tôi nghĩ có thể chính vì không có văn hóa đầu ra, nên người ta không ý thức được vấn đề vệ sinh và ô nhiễm, và dẫn đến tình trạng môi sinh bi đát như hiện nay. Hi vọng là tôi sai.

Vấn đề an ninh
Nói đến miền quê, chúng ta hay nghĩ đến một nơi an bình, nơi mà chòm xóm đùm bọc nhau khi có hoạn nạn. Có thể bức tranh đó chỉ đúng trong quá khư, chứ ngày nay, thật ra thì hình ảnh đó chỉ đúng một phần. Khi mật độ dân số tăng, tội phạm cũng tăng theo. Ở miền quê, khi thanh thiếu niên lớn lên và không có việc làm, họ quay sang ăn trộm, ăn cắp. Chẳng những nạn trộm cắp hoành hành, tình trạng bạo lực cũng càng ngày càng đáng ngại.
Thật vậy, nạn trộm cắp hoành hành khắp nơi ở quê tôi. Tất cả tài sản đều là đối tượng của trộm cắp. Gà, vịt, chó, thậm chí cả heo đều có thể bị trộm. Em tôi bỏ tiền ra nuôi vài trăm con cá điêu hồng trong cái ao sau nhà, nhưng cá chưa lớn thì đã bị ăn trộm câu sạch. Cây mít sau vườn không khi nào có trái để chủ nhà ăn, vì bọn ăn trộm đã hái trước khi bất cứ trái mít nào chín. Chuối, xoài, cam, quít, mận, bưởi, v.v… tất cả đều chịu chung số phận. Có nhà bực mình quá, nên phải bày một cái giường ngoài vườn để ngủ đêm, phòng ăn trộm!
Thủ phạm ăn trộm dưới quê thường là người làng bên, nhưng gần đây thì có xu hướng người Khmer bên Cambodia sang Việt Nam ăn trộm. Hôm nọ, nhà cậu tôi bị ăn trộm, nhưng vì nhà có nhiều người nên thủ phạm bị bắt. Hai tên trộm là người Khmer nhập cư bất hợp pháp (thật ra, họ đi từ biên giới Hà Tiên), không nói được tiếng Việt. Nhưng khi đến đồn công an có người nói tiếng Khmer thì hai anh chàng nói là … câm điếc. :-) Tình trạng trộm cắp ở miệt vườn đã trở nên quá phổ biến, đến nổi người dân chấp nhận sống chung như sống với lũ.
Ăn trộm chưa nguy hiểm bằng đâm chém. Chưa bao giờ làng quê của tôi có những băng đảng đâm chém nhau như ngày nay. Người dân làng vẫn còn nhớ những trận đánh nhau kinh hoàng và đẩm máu mà công an xã cũng không dám can thiệp, phải “cầu viện” lực lượng cảnh sát cơ động để giải quyết. Phần lớn những băng đảng này là nhưng thanh thiếu niên mới lớn, có khi là con các … quan lớn. Chúng dùng xe gắn máy đi gây sự với những ai chúng không ưa thích. Vũ khí chúng thường dùng là súng, dao, kiếm, có thể gây tác hại tối đa cho nạn nhân. Lễ Nobel vừa qua, vị linh mục làng tôi không dám tổ chức lễ khuya như mọi năm, vì có tin các băng đảng sẽ lợi dụng lễ để thanh toán nhau. Thật là khó tưởng tượng nổi một làng quê êm đềm ngày nào mà bây giờ là một nơi có tiềm năng trở thành bãi chiến trường cho bọn côn đồ!
Không biết đã có những nghiên cứu nào về tình trạng bạo lực ở nông thôn hay chưa, nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng. Tình trạng bạo lực và cái ác đang lan tràn là một tín hiệu cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động. Có giả thuyết cho rằng vì vai trò của tôn giáo càng ngày càng mờ nhạt trong xã hội, nên mới dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức xã hội như hiện nay. Trong một thời gian dài, hoạt động tôn giáo bị đàn áp hay hạn chế. Chúng ta không có những đoàn thanh niên Phật tử, không có đoàn thể thanh niên của Công giáo. Ngay cả đoàn thể như Hướng đạo cũng bị cấm một thời gian dài. Trong khi đó, đại đa số thanh niên không thiết tha gì đến việc tham gia (chứ chưa nói sinh hoạt trong) các đoàn thanh niên mang màu sắc chính trị như Đoàn Thanh niên Cộng sản. Hệ quả là thanh niên ngày nay mất định hướng đạo đức xã hội. Tôi nghĩ giả thuyết đó cũng đúng, nhưng tôi nghĩ suy cho cùng, văn hóa là mầm mống của tất cả. (Cố nhiên, văn hóa bao gồm cả tôn giáo, vì tôn giáo là một thành tố làm nên văn hóa). Vì thiếu cái phông nền văn hóa, nên thanh thiếu niên không nhận dạng được lằn ranh giữa cái ác và cái thiện, và cộng với thiếu trình độ văn hóa, họ sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết những xung đột cá nhân.

Giáo dục
Nói về thực trạng giáo dục ở miền Tây, có lẽ bài sau đây (trên Người lado động) cung cấp cho chúng ta vài con số đầy đủ hơn là những nhận xét cá nhân:


Tỉ lệ chưa đi học còn cao
Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, nước ta còn 4 triệu người chưa bao giờ đi học, chiếm 5% tổng số dân. Số người 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ 86,7%. Trong đó, cao nhất là ở ĐBSCL (93,4%) và thấp nhất là ở đồng bằng sông Hồng (80,6%).
ĐBSCL gồm 13 tỉnh, TP từ Long An đến Cà Mau với dân số 17.213.400 người. Tại hội nghị các tỉnh, TP ĐBSCL bàn về nguồn nhân lực tổ chức ngày 4-12-2010 ở TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã báo cáo năm 2010, trong lực lượng lao động của TP trung tâm ĐBSCL này có 4,9% số người chưa bao giờ đi học; 22,5% chưa tốt nghiệp tiểu học. Tổng cộng, tỉ lệ chưa bao giờ đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học là 27,4%.
An Giang có dân số cao nhất vùng ĐBSCL (2.149.200 người) và cũng là tỉnh trọng điểm sản xuất lúa. Theo báo cáo của tỉnh này, năm 2009, trong số người 15 tuổi trở lên có tới 10,3% chưa bao giờ đi học; 31,7% chưa tốt nghiệp tiểu học. Còn tại tỉnh Trà Vinh, trong số lao động đang làm việc có đến 15% chưa bao giờ đến trường hoặc chưa tốt nghiệp tiểu học.
Nếu tổng cộng toàn vùng ĐBSCL thì có đến 6,9% số người từ 15 tuổi trở lên chưa đi học (chiếm gần 1 triệu người) và 26,7% chưa tốt nghiệp tiểu học (gần 3,5 triệu người). Cộng số chưa đi học và số chưa tốt nghiệp tiểu học là 33,6% (4,5 triệu người) - con số khiến chúng ta phải trăn trở.

Trình độ nghề nghiệp thấp
Do tỉ lệ người chưa đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học tại ĐBSCL còn cao nên dẫn đến hậu quả là trình độ nghề nghiệp cũng thấp hoặc không có nghề. Tỉnh An Giang có đến 94,2% số người từ 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo nghề.
Tỉ lệ này ở tỉnh Trà Vinh là 74,5%. Tỉ lệ chưa được đào tạo nghề của toàn vùng ĐBSCL lên đến 93,4%. Số lao động được đào tạo chủ yếu là ngắn ngày (32,8%). Trong đó, trình độ CĐ trở lên chỉ 2,6% và thực tế số người được đào tạo trình độ ĐH, CĐ lại phần lớn là hệ tại chức.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ĐBSCL hiện có 11 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 27 trường CĐ. Năm 2010, toàn vùng có 166.111 sinh viên. Điểm đáng lưu ý là sinh viên hệ tại chức chiếm tỉ lệ rất cao so với hệ chính quy. Cụ thể, ở Trường ĐH Trà Vinh, tỉ lệ này là 177,9%.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, vào thời điểm năm 2009, cứ 1 vạn dân ĐBSCL thì có 71,5 sinh viên ĐH, CĐ. Đây là tỉ lệ thấp nhất khi so với các vùng trong cả nước (đồng bằng sông Hồng là 370 sinh viên/vạn dân, trung du và miền núi phía Bắc: 108 sinh viên/vạn dân, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 169 sinh viên/vạn dân, Đông Nam Bộ là 344 sinh viên/vạn dân).
Từ cơ sở học vấn của người lao động còn thấp nên rất dễ lý giải vì sao năng suất lao động và thu nhập đầu người của ĐBSCL vẫn thấp hơn so với các khu vực khác.”
Những con số được trình bày một cách rối rắm, nhưng đọc kĩ thì thấy vài xu hướng rất đáng lo ngại:
•Gần 7% người trên 15 tuổi (tức gần 1 triệu người) chưa đi học;
•27% (4.5 triệu người) chưa tốt nghiệp tiểu học;
•Tỉ lệ sinh viên trên 10,000 dân là 71.5, thấp nhất nước. Như vậy toàn vùng ĐBSCL chỉ có 121,500 sinh viên.
Như chúng ta biết trên dưới 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, hay làm nghề nông. Trong những năm bao cấp, cuộc sống của người dân ở nông thôn miền Nam hết sức khó khăn, những khó khăn mà – nói theo Nhà văn Bùi Ngọc Tấn – Một thời mà mỗi khi nhớ lại, bỗng nhiên thấy mình đã là những người anh hùng, đã vượt qua một quãng đời tưởng như là bịa đặt, không thể nào tin được. Và thế hệ hôm nay càng chẳng thể quan niệm nổi. Nhưng sau khi có chính sách đổi mới chỉ vài năm, nông thôn Việt Nam phát triển một cách nhanh chóng, nhanh đến nổi chóng mặt. Nói chung là những phát triển theo chiều hướng tích cực, nhưng cũng có vài hiện tượng tiêu cực đi kèm.
Nhưng nói chung đời sống của người nông dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong khi nhiều người khá lên thì cũng có nhiều người khác dậm chân tại chỗ, thậm chí thiếu ăn. Sau thời kì bao cấp hợp tác xã, Nhà nước có chia ruộng cho những gia đình nào chưa có ruộng. Thông thường một gia đình được chia khoảng 3 đến 5 công đất để trồng lúa. Nhưng sau một thời gian, nhiều gia đình không có khả năng tài chính để duy trì ruộng, và phải bán cho những gia đình có tiền của trong xóm. Trắng tay lại hoàn trắng tay. Họ quay sang nghề cũ là làm mướn. Mỗi ngày làm mướn chỉ được 30.000 – 50.000 đồng, tức trên dưới 2-3 Mĩ kim. Với một thu nhập khiêm tốn như thế, họ chỉ sống qua ngày ...
Hai trong những vấn đề lớn nhất của nông dân hiện nay là y tế và giáo dục. Hệ thống y tế nông thôn trước đây gần như là không có, cho nên sau này, xây dựng một hệ thống y tế dự phòng ở nông thôn đòi hỏi một chi phí rất lớn. Ngay cả hiện nay, nhiều làng xã không có cơ sở y tế. Xã tôi may mắn hơn vì có một trạm y tế (do một người Đức, có vợ là một cô gái trong làng, xây và tài trợ) và có bác sĩ, y sĩ chăm sóc những bệnh thông thường cho bà con. Thành ra, khi có vấn đề sức khỏe, người dân phải hoặc là đi bệnh viện huyện hay bệnh viện tỉnh. Cả tỉnh chỉ có một bệnh viện đa khoa duy nhất (khoảng 1000 giường). Tuy số giường không phải là nhỏ so với các bệnh viện Tây phương, nhưng vì dân số liên tục gia tăng, nên bệnh viện này càng ngày càng lâm vào tình trạng quá tải. Có khi, như đề cập ở một bài viết khác, 2, 3 người bệnh phải nằm chung một giường!
Trong khi thu nhập của nông dân hết sức khiêm tốn, thì chi phí chữa trị bệnh tật lại cực kì đắt đỏ. Ngày nay, người dân không bị bệnh truyền nhiễm, mà những bệnh liên quan đến ăn uống và thừa thải thực phẩm. Những bệnh thường hay gặp nhất ở nông thôn ngày nay là: cao huyết áp, tiểu đường, khớp xương, tim mạch và tai biến mạch máu não. Mỗi lần đi khám bệnh, chi phí bác sĩ thì không bao nhiêu, nhưng cái toa thuốc kèm theo mới làm cho nhiều gia đình điêu đứng, méo mặt. Chẳng hạn như dì tôi bị bệnh tiểu đường, mỗi lần đi khám bác sĩ đều có một toa thuốc trị giá 600.000 đồng có thể dùng trong vòng 1 tháng. Đó là chưa kể các dịch vụ thử nghiệm khác, cũng tốn khoảng 100.000 đồng một lần. Một người nông dân làm trung bình 1 tháng chưa chắc đủ tiền để trang trải toa thuốc này. Chính phủ chẳng có tài trợ gì, người dân phải tự lo liệu lấy.
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cứ 10.000 dân số có 18 giường bệnh, trong khi đó chỉ số cho cả nước là 35 giường. Ngoài ra, sự thiếu thốn về dụng cụ y khoa vẫn còn triền miên. Nhưng một vấn đề khó khăn khác là nhân sự trong hệ thống y tế còn thiếu nghiêm trọng.http://img.vietnam.vn/2010/11/22/18/16/LuaL.jpg
Đời sống của người nông dân nói chung là một cuộc đấu tranh liên tục. Đấu tranh chống cái nghèo. Đấu tranh chống lại thiên nhiên. Mấy năm trước đây là họa ốc bưu vàng. Nay thì sâu rầy đang làm bà con khốn đốn. Muốn chống lại sâu rầy, bà con phải tiêu ra hàng nửa triệu đồng (một số tiền không phải là nhỏ) để mua thuốc trừ sâu. Cái khó trong việc trừ sâu là càng dùng thuốc mạnh, thì sâu rầy càng biến hóa đề kháng thuốc, và nông dân càng dùng thuốc mạnh hơn. Mà nếu dùng thuốc quá mạnh thì sẽ làm cho chết cá, một mối nguy cơ đối với người nông dân. Nói như một anh hàng xóm, “Sâu nó cũng như người mình vậy, nó cũng tìm cách thích nghi và sống sót, biết bao giờ mới xóa bỏ được nó.” Nhà nước có chương trình giáo dục về cách dùng thuốc trừ sâu, thậm chí có lệnh cấm dùng những thuốc có hại đến cá và môi trường, nhưng bà con vẫn cứ liều, bị phạt thì chịu, chứ để chết lúa thì chắc là không. Các nhà khoa học nông nghiệp cũng khá thành công trong việc nghiên cứu thuốc trừ sâu mới an toàn cho môi trường, nhưng thường thường họ đi sau con sâu khoảng 1 đến 2 năm! Bài toán trừ sâu thật là nan giải.
Với chi phí sản xuất càng ngày càng tăng, mà sản lượng lúa và giá lúa thì gần như chẳng có gì thay đổi, nên dẫn đến tình trạng thu nhập càng ngày càng ít. Theo một thống kê mà tôi đọc được gần đây, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dẫn đầu về sản xuất lúa gạo, nông sản, hải sản cho cả nước, và có lẽ cũng là một trong những trung tâm sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, nhưng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ở đây nói chung còn thấp so với các vùng khác trong nước. Mỗi, số lượng gạo xuất khẩu từ vùng ĐBSCL là 4 triệu tấn, đem về hàng tỉ USD cho cả nước. Dĩ nhiên, thành tích này là do sự đóng góp từ nông dân vùng ĐBSCL. Nhưng trớ trêu thay, chỉ có 15% số tiền này là đến tay người nông dân, một số lớn (45%) lại nằm trong tay các công ty quốc doanh, và phần còn lại lọt về các tay trung gian buôn bán. Thật là hết sức bất công!
Chả thế mà vùng đất vốn mang tiếng "thừa gạo", nhưng lại bị thiệt thòi hầu như trên mọi mặt, thua kém các vùng khác trên hầu hết mọi chỉ số về kinh tế và xã hội. Thực ra, đối với phần đông bà con vùng ĐBSCL, hai chữ "thừa gạo" là một sỉ nhục. Theo một nghiên cứu gần đây của trường đại học Cần Thơ, khoảng 60% dân số thiếu gạo ăn từ 4 tới 5 tháng. Hơn ba phần tư dân chúng vẫn còn ở nhà tranh vách lá. Thu nhập quân bình của bà con trong vùng cũng thấp hơn cả nước và không theo đuổi kịp lạm phát. Do đó, dù nông thôn ĐBSCL đã phát triển và còn đang phát triển nhanh, đời sống dân khá hơn trước nhiều, trường học phát triển nhiều, hệ thống y tế cũng về đến tận làng xã, v.v…. nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Ghi chép cuối năm 9:
 
http://www.kumuka.com/slideshows/images/ASV11/Rural-Vietnam.jpgChuyến về quê vừa qua tôi gặp lại một gia đình mà internet đã giúp tôi nối kết với một gia đình bên Mĩ. Câu chuyện hơi dài dòng nhưng là một minh chứng cho sự hữu hiệu của internet trong việc gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau …
Có lẽ nói ra cũng thừa, nhưng sự thật thì internet quả là diệu kì. Mới đọc một bài “phấn đấu kí” của bác Tô Hải, thấy bác kể về chuyện nhờ internet mà bác đã tìm lại người thân, bà con, tôi chợt liên tưởng đến trường hợp của tôi. Năm ngoái (2010) là năm internet giúp tôi làm quen với những bạn đọc trang web này ở Việt Nam. Lần trước, tôi đã kể cho các bạn câu chuyện tôi gặp một số người đã nhận ra tôi trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn, Mỹ Tho, và Bến Tre. Tất cả chỉ vì thế giới internet. Cũng chính internet đã giúp tôi tìm lại một người bạn thân sau hơn 30 năm vắng bóng. Chúng tôi quen nhau trong thời còn làm công chức cho Nhà nước sau 1975, và mất liên lạc sau khi mỗi người một phương, và hóa ra cả hai đều rời Việt Nam cùng năm! Gặp nhau thì anh bạn tôi đã thành ông ngoại, nhưng những kỉ niệm của “ngày tháng cũ” thì không thể nào phai nhòa. Nếu không có internet, chắc gì tôi đã gặp lại anh.
Nhưng có một trường hợp internet đã giúp tôi làm cầu nối cho 2 gia đình, một bên Mĩ và một bên Việt Nam, mà tôi xem là kì diệu nhất và một kỉ niệm đẹp nhất trong đời. Chuyến về quê vừa qua tôi gặp lại gia đình đó (bên Việt Nam) và là động cơ để tôi ghi lại vài dòng để gọi là “chứng từ” cho một sự việc rất đáng nhớ, vì câu chuyện tự nó nói lên một khía cạnh xã hội trong vùng quê.
Khoảng 5 năm trước, một email ngắn nhưng mở đầu cho một hành trình thú vị. Hôm đó, tôi nhận một email của một người kí tên tên là Susan Wood ở một vùng ngoại ô thành phố Cincinnati (bang Ohio, bên Mĩ). Trong email, bà hỏi tôi có biết một người tên là Thảo Ly (không có họ) ở xã Bàn Thạch (còn gọi là Tràm Chẹt), huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Một xã ở Việt Nam như Bàn Thạch có đến khoảng 5 ngàn người (có khi 10 ngàn dân), và vì trong quê nên sống rải rác, chứ đâu có tập trung như ở thành thị. Do đó, tôi nghĩ thầm chuyện tìm người có tên là Thảo Ly trong một cộng đồng như thế thì có khác gì “mò kim đáy biển”! Nghĩ thì nghĩ như thế, nhưng tôi vẫn trả lời rằng tôi thật sự không biết người đó vì một phần đã xa nhà quá lâu và xã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Tôi thắc mắc tại sao bà tìm tôi mà không là một người khác. Hóa ra, vì bà dùng internet để tìm tên xã, và đã vào trang nhà cũ của tôi.
Thời đó, tôi có một trang web cá nhân do các bạn bên ykhoanet thiết kế dùm. Trang web đó được thiết kế theo mô hình “web động” ở thời kỳ mới phát triển, rất dễ cho tôi tải bài nhưng không thấy bài của mình ở đâu! Trang web vận hành một thời gian, hình như là chưa đầy 1 năm, thì bị sự cố và mất hết dữ liệu. Tuy nhiên, trước khi “ngủm”, bà SW vẫn vào được và tìm thấy thông tin cho biết quê quán của tôi. Từ đó bà tìm được nơi công tác cũ của tôi. Thoạt đầu, bà liên lạc với trường đại học y khoa bên Ohio (nơi tôi công tác trước khi về Úc) nhưng các bạn bên đó cho biết tôi đã về Úc và cho địa chỉ email mới. Thế là qua internet tôi có thêm một người “đồng hương” Ohio. Khoảng 8 năm trước, bà SW có đến một viện mồ côi ở Rạch Giá xin hai em trai sinh đôi, nay có tên là John và Tom. Nay bà muốn tìm người mẹ của hai đứa bé, và tất cả thông tin bà có được chỉ là cái tên “Thảo Ly”.
Quay lại câu chuyện tìm Thảo Ly. Tôi gọi điện về nhà hỏi đứa em có biết ai trong xã mình tên là Thảo Ly không, mấy đứa em than trời rằng làm sao tìm được trong cái xã mênh mông này, mà lại chẳng có họ (vì có họ thì còn đến ủy ban nhân dân xã để tìm danh sách cư dân). Trao đổi qua lại với SW thì tôi biết thêm một thông tin quan trọng là Thảo Ly có 2 đứa con trai sinh đôi và đã cho một viện mồ côi ngoài Rạch Giá do các tu sĩ công giáo (soeur) quản lí. Với thông tin đó, và chỉ qua hỏi han người trong làng (nhân dịp đi chợ) em gái tôi bên nhà đã nhận ra Thảo Ly. Hóa ra Thảo Ly ở với ba má của cô ta, và chỉ ở cách nhà tôi khoảng 20 căn nhà. Khi biết chắc chắn Thảo Ly hàng xóm của nhà tôi chính là người SW tìm, tôi gọi điện sang Ohio báo tin mừng. Lúc đó là 12 giờ đêm bên Sydney, và tôi có thể cảm nhận được sự vui mừng vô hạn của người bên kia đầu dây điện thoại. Bà SW nói rằng tìm thì cố tìm thế thôi, chứ bà không có hi vọng gì cả, nhưng nhờ vào một cơ duyên độc đáo (chủ yếu là internet) mà tôi đã nối kết được gia đình bà và gia đình mà bà xin con nuôi.
Sự việc làm sống lại câu chuyện trong quá khứ của Thảo Ly. Gia đình của Thảo Ly thuộc nhóm mà nói theo cách nói người dân quê là “nghèo rớt mồng tơi”. Gia đình dọn đến sống trong xóm này độ trên dưới 15 năm. Mảnh đất cất nhà là của một người bà con cho ở tạm. Nhìn căn nhà lá trống huơ trống hoác mà tội nghiệp. Tài sản đáng kể của cả nhà chỉ là cái xuồng để đi ruộng và làm mướn. Gia đình có 3 người con, gồm 2 trai và 1 gái (tức là Thảo Ly). Sau này hai người con trai thì đã ra Rạch Giá làm nghề nấu nướng trong nhà hàng, và nghe nói làm giỏi, còn Thảo Ly thì ở nhà với ba má. Thảo Ly lớn lên cũng chỉ học biết đọc biết viết, rồi nghỉ học đi làm mướn, cũng đi cấy, đi gặt lúa, làm cỏ … như mọi người. Là người con gái út trong một gia đình và cũng có nhan sắc khả ái, cô ta được nuông chiều hết mực và cũng “thu hút” chú ý của đám trai làng. Đến năm 17 tuổi, cô ta dang díu với một thanh niên ở xóm trên, có bầu, và vì sợ ba má quá nên bỏ nhà ra đi. Đến khi sinh 2 đứa con trai, cô ta không cách nào có khả năng tài chính để nuôi con, còn cái anh chàng kia thì đã biến thành “sở khanh” từ lúc nghe tin cô ta có bầu. Thế là cô ta đành gạt nước mắt đem 2 đứa con cho một cô nhi viện ngoài Rạch Giá. Cho xong, cô về quê sống với ba má. Câu chuyện rồi cũng vỡ lở, và dĩ nhiên là cô ta bị một trận đòn nên thân.
Nhà anh Hai: trống trơn! Đây chỉ là một hình ảnh tiêu biểu cho cái nghèo ở vùng quê
Thảo Ly không hề biết hai đứa con đã được bà vợ chồng bà SW xin làm con nuôi và đã ở Ohio bên Mĩ. Do đó, khi em tôi đến cho biết rằng có người bên Mĩ muốn liên lạc, cả nhà Thảo Ly rất ngạc nhiên vì không biết chuyện gì xảy ra. Họ không tin rằng có chuyện đó xảy ra, vì có quen biết ai ở bên Mĩ đâu. Ba của Thảo Ly, người trong xóm quen gọi là “Anh Hai”, cũng bất ngờ một cách thích thú khi biết rằng 2 đứa cháu đã là công dân Mĩ!
Sau khi hai bên nối lại liên lạc nảy sinh vấn đề ngôn ngữ. Một bên chỉ biết tiếng Việt, và một bên chỉ biết tiếng Anh, thì rất khó nói chuyện với nhau. Thoạt đầu, tôi làm người trung gian, dịch từ Anh sang Việt cho anh Hai, và dịch từ Việt sang Anh cho bà SW. Cũng tốn kha khá điện thoại, nhưng không ai tiếc tiền cả. Đến một lúc tôi có “sáng kiến” là dịch những lời nói trên điện thoại của phía Việt Nam sang chữ và gửi đi bằng email cho phía Mĩ. Ấy thế mà sự việc cũng khá trôi chảy. Cùng lúc đó, anh Hai bên VN học vài chữ tiếng Anh để chuẩn bị giao tiếp qua điện thoại.
Trong một chuyến công tác bên Mĩ, tôi có bay đến Ohio để thăm bạn cũ, và cùng anh bạn tôi lái xe đi thăm gia đình bà SW ở Cincinnati. Gia đình bà ở một khu trung lưu ngoại ô Cincinnati trong một căn nhà khá to. Gặp tôi, vợ chồng bà SW quá vui mừng muốn khóc. Tôi cũng mừng vì thấy John và Tom khỏe mạnh, lanh lẹ, và rất … Mĩ. Cố nhiên, chúng nó không biết tôi là ai, vì chúng sang Mĩ khi chưa đầy 2 tuổi. Bà SW cho biết chờ cho 2 đứa bé lên trung học, vợ chồng bà và 2 đứa bé sẽ về quê tôi để nó nhìn mẹ ruột.
Khi biết gia đình Thảo Ly quá nghèo, bên Mĩ “viện trợ” hàng tháng cho bên Việt Nam, dưới danh nghĩa là quà. Qua nhiều tháng nhận viện trợ thường xuyên, gia đình anh Hai giờ đã khá lên. Mua một cái máy đuôi tôm và cái vỏ tắc ráng để đi lại. Một cái đầu máy video và tivi cũng có mặt trong phòng khách. Số tiền tài trợ đủ để gia đình mua vài công đất làm ruộng, và trong tương lai sẽ không nhờ phía Mĩ nữa. Năm nay, gia đình ăn Tết thoải mái hơn những năm trước. Câu chuyện hi hữu được cả làng biết đến. Ai cũng mừng cho gia đình anh Hai. Nhưng hình như chính quyền địa phương thì dè dặt, đặt câu hỏi về mối liên hệ! Mỗi lần anh Hai nhận thư từ bên Mĩ đều phải đi trình cho ủy ban nhân dân xã! Có lẽ giới an ninh quá lo xa chăng?
Riêng tôi thì từ sau sự việc có kết cục tốt, tôi trở thành “thượng khách” của gia đình anh Hai. Lần đầu tôi về nhà sau sự việc, anh Hai đem một con gà để biếu tôi, và còn hỏi tôi thích ăn gì anh ấy có thể tìm! Những lần sau, năm nào về quê thăm nhà, tôi cũng đều ghé thăm anh, lai rai rượu đế với khô cá lóc rất ngon, và để ý đến tình hình kinh tế gia đình của anh. Trong những buổi trưa, anh đi ruộng về đều tạt ngang nhà tôi để nói chuyện nhân tình thế thái. Tuy là người Khmer và ít học, nhưng tôi thấy những quan điểm hết sức thực tế của anh rất đáng để những ai quan tâm đến sự phát triển nông thôn phải chú ý. Theo anh, những vấn nạn hiện nay ở miệt quê (như nghèo khó, ô nhiễm môi trường sống, thiếu an ninh và gia tăng bạo lực, v.v…) đều xuất phát từ sự mệt mỏi của người dân và thiếu lãnh đạo có tầm và có tâm. Sau thời chiến, người dân đã quá mệt mỏi, nên đối đầu với một vấn đề khó người ta cảm thấy bất lực. Trong khi đó thì người ta sống thực dụng theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”, rất ít quan tâm đến lợi ích chung hay lợi ích cộng đồng. Anh lấy một ví dụ nhỏ là ngay cả một cây cầu bắc ngang con rạch chỉ 4 thước mà cũng chẳng ai chịu làm. Chỉ khi anh đứng ra tình nguyện huy động thanh niên trong xóm thì người ta mới chịu làm. Từ đó, anh đi đến nhận xét rằng một đất nước chỉ có phát triển nếu có người làm đầu tàu và người đó phải gương mẫu, có uy tín để thuyết phục và huy động người dân. Anh nghĩ rằng Việt Nam chúng ta chưa có những người “đầu tàu” như thế.
Người ta nói internet làm cho thế giới gần gũi hơn, và câu chuyện trên là một minh chứng. Chính qua internet và chỉ đơn giản vài câu chữ, mà bà SW tìm đến tôi, và tôi tìm đến gia đình Thảo Ly, để rồi nối kết được hai gia đình với nhau. Câu chuyện thoạt đầu tưởng chừng như “mò kim đáy biển” lại hoàn toàn có thể, và quan trọng nhất là có một kết cục đẹp. Tôi chỉ ước rằng một ngày nào đó không xa, cả làng tôi đều có thể nối kết với thế giới mạng. Thật ra, cơ sở vật chất (qua Viettel, Mobilfone và Vinaphone) thì đã có sẵn, nhưng vì máy vi tính vẫn còn là một cái gì xa xỉ với người dân miệt vườn, nên rất ít ai nối mạng internet. Hệ thống wireless cũng đã về đến quê tôi. Hiện nay, ở dưới chợ, có một quán internet nhưng lũ trẻ con chỉ vào đó chơi game là chính, chứ chẳng ai sử dụng cho mục đích giáo dục hay thông tin cả. Năm ngoái một cuộc điều tra xã hội ở VN cho biết 53% người vào internet là để "chat" và chơi game. Thật là phí phạm! Điều cần thiết hiện nay là làm cho người dân nhận thức được giá trị thực dụng của internet, và điều này đòi hỏi phải có “người đầu tàu” đứng ra chủ xướng.

Ghi thêm. Tên địa phương và tên của người trong cuộc đã được thay đổi để bảo mật.
http://www.symbiosis-travel.com/uploads/490/98905591f15dbd69cd3ca06bd3a42db5.jpg
Ghi chép cuối năm 10:

http://enews.agu.edu.vn/uploads/imgposts/u10834_t1284187561_nyvk5.jpgĐây là entry cuối cùng trong loạt bài ghi chép cuối năm. Chuyến về quê vừa qua, tôi có dịp ở Hà Nội được hơn 1 tuần. Đi và về Hà Nội nhiều lần. Nhưng không bao giờ dám nhận là mình biết Hà Nội. Mỗi lần ghé qua là mỗi lần học hỏi. Do đó, chỉ dám nói là một thoáng Hà Nội mà thôi ...
Không biết có ngoa ngôn chăng nếu nói rằng một trong những thành quả lớn nhất trong lịch sử cận đại là đất nước được thống nhất. Sau 25 năm chia cách, cuối cùng thì Việt Nam cũng thống nhất. Không còn VNCH và VNDCCH nữa; chỉ đơn giản là Việt Nam. Sau 25 năm đánh nhau chí chết và ngăn cách bởi hàng rào chủ nghĩa (ngoại lai), những người Việt hai miền lại gần nhau hơn, biết nhau hơn, và thân nhau hơn. Dù còn vài bất đồng ý kiến, nhưng tôi vẫn nghĩ cái công thống nhất đất nước của các vị cách mạng thì chắc nhiều người đồng ý.
Tôi cũng nằm trong cơn lóc xoáy của lịch sử mà có cơ duyên biết đến Hà Nội từ những năm sau 1975. Tôi đến Hà Nội lần đầu vào năm 1977 hay 1978 (không còn nhớ chính xác nữa). Thuở đó tôi cùng với 3 đồng nghiệp khác đi công tác (thật ra là đi dự lớp tập huấn chuyên môn) ở Hà Nội. Chúng tôi đi bằng chiếc xe Ford Falcon cũ kĩ do “Mĩ Ngụy” để lại, nhưng dưới bàn tay tuyệt vời của người thợ Việt Nam, chiếc xe cũng chở chúng tôi từ Nam ra Bắc. Chuyến đi ngang qua cầu Hiền Lương, ghé qua Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, để các bạn ghé thăm nhà, rồi sau cùng là Hà Nội. Ấn tượng còn đọng trong tôi là thời đó, miền Bắc còn nghèo lắm. Tôi còn nhớ bưu điện Vinh (?) chỉ là một mái nhà lá. Thành phố buồn thiu, trống trơn, chẳng khác gì Bắc Hàn ngày nay. Đến nhà anh bạn ở Thanh Hóa. Đó là một căn nhà nhỏ, chật hẹp, trong nhà chẳng có gì đáng kể cả (theo cái nhìn của tôi lúc đó). Vì thấy tôi là người Nam ra, nên gia đình anh bạn quyết định thiết đãi tôi. Nhưng khổ nỗi nhà nghèo quá, gạo thì không đủ, thậm chí cái nồi nấu cơm cũng chẳng “chỉnh chu” chút nào cả. (Sau này tôi biết được rằng người nhà phải đi mượn cái nồi nấu cơm ở hàng xóm về nấu cho chúng tôi ăn). Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn xúc động mạnh. Đến Thái Bình, xe vào một thị tứ, mấy em bé đen đúa chạy theo xe, vì hình như chúng chưa bao giờ (hay ít) thấy xe hơi trong đời. Có vài em thậm chí còn nhảy lên mui xe làm tài xế méo mặt. Lại có vài em lăn xăn ngửi xăng! Tôi hết sức ngạc nhiên. Không ngờ miền Bắc nghèo khó đến như thế!
Đường phố Hà Nội thời bao cấp
Nhưng cường độ ngạc nhiên của tôi tăng đến điểm đỉnh khi đến Hà Nội. Trước khi đi, tôi háo hức lắm, vì nghĩ mình sẽ ghé thăm một nơi gọi là ngàn năm văn hiến. Tôi sẽ ghé qua Chùa Cầu Đông để xem ngày xưa chàng Tú Uyên và nàng Giáng Kiều gặp nhau ở đâu. Trong tâm tưởng của tôi thời đó, qua Thạch Lam, Hà Nội là nơi thanh lịch, là vùng đất văn hiến, là những tà áo dài thước tha để thi sĩ Quang Dũng phải Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (và nghe nói sau này phải khốn đốn vì mấy câu thơ kiểu này!) Nói chung là ước vọng và ý nguyện thì nhiều lắm, vì các nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ đã gieo cho tôi cái dấn ấn tưởng tượng tuyệt vời về Hà Nội, đã đưa tôi phiêu bồng một nơi chốn huyễn tưởng. Kì vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu. Lần đầu “đối diện” Hà Nội tôi thất vọng hoàn toàn. Đó là một thành phố (hay thị trấn?) thiếu sinh khí. Đó là một Hà Nội cổ kính, loang lỗ, nhếch nhác, và ảm đạm.

Phố xá Hà Nội thời bao cấp, cảnh xếp hàng mua đồ phân phối
Hoàn toàn khác với Sài Gòn. Sài Gòn nhộn nhịp và vui tươi bao nhiêu, thì Hà Nội im lặng và ảm đạm bấy nhiêu. Đường phố Hà Nội dạo đó rất ít xe ôtô, mà có thì toàn là xe khối XHCN rất xấu xí, cục mịch. Xe gắn máy cũng rất ít, và thay vào đó là xe đạp nhiều. Người đi đường có vẻ lầm lủi, không vui. Hiếm thấy những khuôn mặt rạng rỡ. Chẳng thấy “dáng kiều thơm” nào cả; tất cả phụ nữ hình như chỉ có một kiểu mặc duy nhất: quần đen lên mắc cá, áo sơ-mi trắng dài tay, tóc dài, trông rất Tàu và ... rất buồn cười. Nam thì quần fatigue, đội nón cối, dù họ chẳng phải là lính tráng gì cả. Hình như người Bắc thích nón cối. Nói tóm lại, chẳng có cái gì gây ấn tượng đẹp cho tôi cả, ngoại trừ hồ Hoàn Kiếm làm tôi thấy có cảm tình với Hà Nội một chút. Suốt hai tuần ở Hà Nội, tôi chẳng đi đâu, chán ơi là chán, chỉ chờ ngày về Sài Gòn. Lúc đó tôi mới thấm và hiểu cho mấy bác đi tập kết nhất quyết đòi về Nam. Ấn tượng của tôi về Hà Nội thời đó phải nói là rất negative, và tôi bắt đầu nghi ngờ những gì mình đọc trong Tự lực văn đoàn, hay nghe những bài nhạc của các vị nhạc sĩ, tôi cảm thấy như là họ -- nói theo tiếng Anh là – đã take me for a ride (hay nói lịch sự là lường gạt).

Mốt nón cối
Bẵng đi gần 25 năm sau, tôi mới có dịp quay lại Hà Nội. Thành phố bấy giờ khang trang hơn, có nhiều xe auto và xe gắn máy hơn. Đường phố có vẻ sạch sẽ hơn, và con người cũng có vẻ tươi tắn hơn. Sau đó, tôi có dịp ghé Hà Nội nhiều lần, và lần nào cũng thấy cái mới. Nhưng lần nào cũng chỉ ở đó 2 hay 3 ngày, không có dịp đi đây đó để trải nghiệm. Thuở đó tôi có ghi lại cảm nhận của mình qua bài bút kí Một thoáng Hà Nội. Cuối năm ngoái (2010) tôi có dịp ra Hà Nội và ở đó hơn 1 tuần, tuy chưa đủ để hiểu về thành phố này, nhưng cũng đủ có lí do để ghi lại vài cảm nhận cá nhân cho entry Một thoáng Hà Nội 2 này.
http://quangnam.dangkiem.com/wp-content/uploads/2009/12/VHGT25.jpgMột góc của Hà Nội bây giờ

Hà Nội dễ thương
Nói ra câu trên chắc có nhiều người cười và cho rằng tôi nói … thừa. Hà Nội của Thạch Lam 36 phố phường dĩ nhiên là dễ thương rồi, ai lại nói khác đi. Nhưng quả thật, đi một vòng quận Hoàn Kiếm và ra ngoài một chút tôi thấy Hà Nội có duyên và dễ thương. Hồi năm 2008 tôi ở Intercontinental (hình như khu đó gọi là Nghi Tàm), buồn, chẳng đi đâu được cả (ngoài mấy quán thịt chó). Lần này, tôi ở Melia, tức là trung tâm thành phố, nên có dịp cuốc bộ vào mỗi sáng và chiều. Hà Nội vào tháng 12 người ta mặc áo lạnh, nhưng tôi thì áo ngắn tay vì đối với tôi đó là thời tiết mát, dễ chịu. Phụ nữ Hà Nội duyên dáng, mảnh khảnh, trắng trẻo (chắc thiếu vitamin D J), ăn nói nhỏ nhẹ, và ân cần giúp khách. Tôi gặp vài trường hợp bị đàn ông Hà Nội “chém” tiền taxi và ăn uống, nhưng bù vào đó là toàn gặp những người nữ Hà Nội rất lịch thiệp. Nhìn mấy cô Hà thành mặc áo lạnh đi xe vespa hay xe đạp trên những đường phố đầy bóng cây thì quả là quá dễ thương. Dạo một vòng Hồ Hoàn Kiếm thấy những cặp tình nhân tay trong tay ngồi ngắm nước hồ trầm tư cũng có cái đẹp đấy.
http://media.docbao.vn//assets/Nam2008/image_20100210/nong1.jpg
Phụ nữ Hà Nội
Một người bạn Úc của tôi cũng nói Hà Nội “surprisingly nice”. Anh ấy là người gốc Melbourne, một giáo sư rất nổi tiếng trên thế giới và đình đám trong bộ môn loãng xương, và cũng chính là người duyệt luận án của tôi thời xa xưa. Anh ấy đi Hà Nội nói chuyện cho một công ti dược và ở đó chỉ 3 ngày, nhưng khi về Úc, anh khen Hà Nội nức nở, đến nổi tôi nghĩ “hay là tay này … xạo”. Anh khen món ăn Hà Nội ngon, đường phố mát mẻ, và câu kết là surprisingly nice – dễ thương một cách ngạc nhiên. Tôi đoán trong tâm tưởng của anh trước khi đến Hà Nội thì đó là một nơi lạc hậu, chiến tranh, bom đạn tàn phá nát bét. Nhưng khi đối diện thực tế thì hoàn toàn vượt xa những gì anh nghĩ trong tâm tưởng nên khen quá cỡ. Có một vụ việc rất cá nhân làm anh ta mến Hà Nội. Số là anh ta đi may 2 cái áo chemise ở khu phố cổ. Nhưng vì ra sân bay gấp quá nên anh ta … quên lấy áo. Đến khi về Úc, anh ta điện cho tôi hỏi có cách nào lấy 2 cái áo mà anh ấy rất thích không. Tôi than trời, làm sao tao có thể giúp mày, khi mày chẳng biết tên cái nhà may là gì, ở đâu, số điện thoại … Nói thế thôi, nhưng qua liên lạc với khách sạn, và mô tả tiệm may, sau cùng khách sạn cũng tìm ra được 2 cái áo và gửi về Úc cho anh. Anh ta thán phục vô cùng. Anh ta khen người thợ may đó là ”Number 1 in the World” (số 1 trên thế giới), vì chỉ có người thợ may đó may cái áo anh ta ưng ý. Kiểu nào anh ta vẽ ra anh thợ may đều hoàn tất theo ý muốn của thân chủ. Trong chuyến đi vừa qua, anh ta còn nhờ tôi may cho anh ta 5 cái áo chemise do chính anh ta thiết kế ngay tại nhà may đó!
Hà Nội là thủ đô của văn học, nên ra đường rất dễ gặp văn sĩ. Một hôm, tôi cuốc bọ đi quanh bờ hồ, lang thang sang khu Tràng Tiền chuyên bán sách. Đang chọn sách thì tôi chú ý đến anh chủ tiệm sách đang đàm đạo chuyện văn chương với một anh Việt kiều. Hóa ra, anh Việt kiều là một nhà thơ ở Melbourne, mới về VN và ra Hà Nội lần đầu. Cũng như tôi, anh nhà thơ đi tìm sách, và chẳng hiểu sao ngồi lại đàm đạo văn chương với ông chủ tiệm sách bên li bia hơi. Thấy tôi tìm sách của Bùi Ngọc Tấn, hai anh cũng chú ý, và thế là chúng tôi quen nhau. Tôi cũng ngồi xuống bên vỉa hè, nhâm nhi cùng các anh ấy vài li bia hơi và nói chuyện thời sự. Sau này, tôi còn ghé đó thêm một lần để tìm sách và nói chuyện văn nghệ văn gừng với anh chủ tiệm sách. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thấy người Hà Nội cũng thân thiện lắm chứ. Đâu có thấy họ kì thị Bắc Nam gì đâu (hình như cái khoản này thì dân Nam kì thị dân Bắc hơn). Thật tình cờ khi anh chủ tiệm sách chỉ tay lên gác và nói cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng ở và làm việc trên cái gác ấy. Có thể nói không ngoa rằng mỗi tất đất ở Hà Nội đúng là một điểm lịch sử.
http://thanglong.chinhphu.vn/Uploaded_VGP/nguyenthuyduong/20090819/PHOSACH.JPG
Khu Tràng Tiền chuyên bán sách

Hà Nội xoa hoa
Một tuần ở Melia tôi chứng kiến và kinh ngạc sự xa hoa của dân Hà Nội. Đó là nơi người ta đón tiếp các VIP, kể cả nguyên thủ quốc gia. Sáng nào đi ăn sáng tôi cũng gặp các quan lớn nước ngoài, có những người mà tôi đoán chắc là sĩ quan Mĩ đeo lon tá tướng đang bàn chuyện gì đó có vẻ vui lắm. Cũng có khi ngồi gần bàn của vài giáo sư Mĩ đang bàn về lớp học ở Đại học Quốc gia, mà tôi loáng thoáng nghe là họ khen sinh viên Việt Nam giỏi, nhưng họ chê thầy cô lười biếng! Cứ vài ngày khách sạn đón VIP, và các quan chức Việt Nam lăn xăn chuẩn bị thảm để đón khách. Nhìn thấy cách họ làm tôi vừa buồn cười, vừa ngạc nhiên. Buồn cười vì cách họ làm cứ như là việc gì quan trọng trong đời lắm vậy. Ngạc nhiên là vì ở Úc tôi thấy người ta đón Thủ tướng cũng đơn giản lắm, chẳng có thảm đỏ, cũng chẳng có ai đứng thành hàng để bắt tay hay chào đón cả. Kể ra thì kiểu hiếu khách của Việt Nam cũng khác người.
Melia cũng là nơi các đám cưới sang trọng được tổ chức. Chỉ một thời gian ngắn mà tôi có dịp chứng kiến 4 đám cưới tại đây. Nam thanh nữ tú xuất hiện đầy ở đại sảnh khách sạn. Cái gì cũng có vẻ đắt tiền trong những đám cưới này. Quần áo, vật trang sức, kể cả nước hoa cũng đều thuộc loại thượng đẳng. Tôi thấy một khách mời đám cưới đi cùng bạn trai cô ta vào tiệm bán điện thoại trong khách sạn, và họ thản nhiên tiêu ra 8000 USD cho một cái điện thoại hiệu Vertu (hay gì đó)! Có một đám cưới mà khách mời đi bằng 3 chiếc xe hơi hiệu Lamborghini và Ferrari!
Tuy nhiên, cái xa hoa của những người khách vẫn không dấu được cái chất quê ở họ. Dù với những bộ quần áo, vật trang sức và xe hơi đắt tiền, nhưng cốt cách của họ vẫn là người quê. Từ những thái độ kẻ cả, cách ăn nói hống hách, cái nhìn khinh bỉ người thấp hèn, đến dáng đi cho thấy họ xuất phát từ một cái phông nền văn hóa và đạo đức thấp. Tất cả những cái đắt tiền được trang bị phía ngoài hình như chỉ để phô trương, để học làm trưởng giả, chứ không đủ che kín được bản chất nhà quê. Tôi từng chứng kiến một chị mặc đồ đầm rất sang trọng với cái ví Louis Vuitton mà ... ngồi chồm hổm để buộc đôi giày đang bị sứt! Tôi cũng từng thấy một anh chàng lái xe Ferrari mà nói với người phục vụ khách sạn bằng ngôn ngữ mày tao y như phong cách của kẻ giang hồ.
Khách sạn sang trọng cũng là nơi người ta tung tiền mua rượu đắt tiền. Mấy hôm ở Melia tôi làm quen với người quản lí nhà hàng, và nghe người ta tiêu tiền mà kinh. Anh kể rằng tuần nào anh cũng bán được những chai rượu giá tối thiểu 4000 USD. Một hôm tôi đi ăn tối với các anh trong Viện dinh dưỡng ở một khách sạn 4 sao và anh quản lí ở đó cũng nói rằng chuyện các đại gia hàng chục ngàn USD cho một chai rượu là chuyện bình thường.
Nói như thế tôi không có ý chê trách gì. Mỗi người có lựa chọn riêng của mình trong cách tiêu tiền, và những người có khả năng để phô trương thì cũng chẳng có gì phải nói. Chỉ hi vọng rằng đó không phải là những đồng tiền tham ô hối lộ hay ăn cắp của dân. Một trong những mục tiêu của cách mạng là san bằng bất công và xóa bỏ giai cấp, nhưng trớ trêu thay, sau vài chục năm cách mạng thành công thì bất công chẳng những không giảm mà còn tăng. Trong thực tế, chính những người làm cách mạng cho ra đời những qui chế bất công và sản sinh ra bất bình đẳng. Còn nhớ thời bao cấp, trong khi người dân thường chỉ có tiêu chuẩn 150 g thịt, thì cán bộ cao cấp được 6 kg, tức 40 lần tiêu chuẩn người dân! Chưa thấy qui định nào vô lí và dã man như thế! Đó là chưa kể những qui định kiểu quan chức cỡ này thì được điều trị nơi này, còn người dân thì xếp hàng chờ đến chết. Bất công kéo dài cho đến ngày chết! Phải bao nhiêu tuổi Đảng, công thần cấp cao thì mới được chôn cất ở Mai Dịch. Đúng là nói một đường làm một nẻo. Vậy thì có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy bất công ở VN sau thời cách mạng ngày càng tăng. Đành rằng xã hội thì có bất công và bất bình đẳng (chỉ có ai điên mới cho rằng xã hội không có bất công), nhưng sự bất bình đẳng ở Việt Nam quá lớn làm cho chúng ta phải chạnh lòng. Một li cà phê trong khách sạn 5 sao là 87,000 đồng, so với một li cà phê vỉa hè là 5,000 hay 10,000 đồng. Nếu là một đất nước có thu nhập trung bình vài chục ngàn USD thì tôi chẳng có gì phải suy nghĩ, nhưng đây là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nơi mà đại đa số người dân sống bằng thu nhập 50 ngàn đồng một ngày. Khoảng cách giữa người có và người không có quá lớn. Có lẽ tôi hơi lẩn thẩn suy nghĩ mấy chuyện này, những chuyện mà nhiều người ngày nay xem là chuyện nhỏ.

Và những người bạn
Mỗi lần ra Hà Nội tôi đều có dịp gặp bạn bè. Bạn bè có khi chưa biết mặt (vì chỉ trao đổi qua email), nhưng cũng có bạn bè đã quen nhau từ trước. Tôi quen 2 anh bạn tôi quen từ năm 2008. Anh Th là dân học ở Nga về có vợ là bác sĩ, nay đã nghỉ hưu; còn anh M cũng là người đi học ờ ngoài về và cũng đã nghỉ hưu. Hai anh là nhiệt kế thời sự mà tôi chỉ biết ngồi nghe và suy nghĩ. Lần trước anh dẫn tôi đi vòng Hà Nội và chỉ căn nhà của Nhà văn Vũ Thư Hiên, nay là một quán cà phê; lần này anh dẫn tôi đi uống cà phê và nhậu bia hơi. Ngồi hàng quán mà bàn chuyện nhân tình thế thái kể ra cũng rất thú vị. Lần nào hai anh cũng làm tôi rất ngạc nhiên về những quan điểm ”cấp tiến” của hai anh. Có thể nói rằng hai anh suy nghĩ hoàn toàn "ngoài cái hộp" mà giới tuyên truyền đã và đang ra rã nói. Tôi chợt nghĩ nếu như mọi người ngoài Bắc đều suy nghĩ như hai anh thì chắc Nam Bắc đã không có một cuộc chiến tương tàn đến 25 năm.
Lần này, hai anh làm tôi ngạc nhiên về những mối quan hệ chằng chịt trong giới cầm quyền, và hai anh kết luận rằng việc cha truyền con nối đã và đang xảy ra ở nước ta có khác gì bên Bắc Hàn hay thời phong kiến đâu! Hai anh giỏi sử, và đưa ra nhiều bình luận ... ngược đời. Anh M đưa ra nhiều dữ liệu (tôi không chắc mấy, vì không thuộc sử) để chứng minh rằng vua Lý Thái Tổ là một người tàn ác, chứ chẳng phải thánh thiện gì. Còn các vua đời Nhà Trần (ngoại trừ Trần Nhân Tông) cũng ác ôn không kém. Từ đó, anh cho rằng việc các chính quyền hiện đại dùng bạo lực và đàn áp để cai trị dân ở nước ta là có ... truyền thống. Hệ quả của kết luận là phải nhìn lại và kiến trúc lại con người Việt Nam sao cho họ sống tử tế với nhau hơn.
Anh M nói đùa rằng người ta muốn dời đô ra Ba Vì vì Hà Nội có nhiều âm khí quá. Anh M chứng minh rằng ngay dưới tại Tháp Rùa ở Hồ Gươm là mộ của bà mẹ của một đại gia Hà Nội thời Pháp. Anh lưu ý tôi rằng Tháp Rùa được xây theo kiến trúc nửa Tây phương (phần dưới) và nửa Đông phương (phần trên). Anh còn chứng minh thêm rằng lăng cụ Hồ cũng là âm khí. Rồi anh vui vẻ kết luận rằng cần phải dời đô ra khỏi Hà Nội để giảm âm khí! Câu chuyện thật vui, đúng là chuyện trên bàn nhậu, nhưng cũng đủ làm cho tôi suy nghĩ về những gì mình chưa biết về Tháp Rùa (còn chuyện lăng thì tôi ... không bàn).
http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/hientk/5.11_ruanoi_400.jpgTháp Rùa: phía dưới là mộ của một người giàu có ngày xưa ở Hà Nội
Lần ra Hà Nội kì này tôi gặp được vài anh bạn rất thú vị. Chúng tôi gồm một nhóm người quan tâm đến việc nâng cao sự hiện diện của VN trên trường khoa học quốc tế, và thường trao đổi nhau qua email chứ ít gặp nhau ở ngoài đời. Nghe tôi đến Hà Nội các bạn ấy tổ chức một buổi ăn tối để gặp nhau và hàn huyên. Qua đó mà tôi biết mặt mũi của những bạn mình từng bàn việc chung. Trong số các bạn đó, có anh PĐC, một người đã lên tiếng rất nhiều lần về việc cải cách trong quản lí khoa học, và lấy tiêu chuẩn công bố quốc tế làm thước đo đánh giá nhà khoa học. Những bài anh viết rất trực tiếp, và có thể nói là không nhân nhượng. Tôi hỏi anh rằng với những bài như thế anh có gặp khó khăn gì không, thì anh cười nói có thì có chứ, nhưng anh chẳng có gì phải ân hận về quan điểm của mình. Tôi còn gặp một đồng nghiệp của anh PĐC là anh ĐHC. Anh ĐHC là dân Trung kì, nhưng đã định cư ngoài Hà Nội lâu và tự xem mình là dân Hà Nội. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi thú vị cùng một người quan chức cao cấp của Bộ KHCN hôm đó.
Một trong những người bạn tôi lúc nào cũng ghé thăm và hỏi chuyện là anh VT đang công tác tại một tờ báo của Bộ KHCN. Anh VT và tôi quen biết nhau cũng trên 10 năm, ấy thế mà lần nào gặp anh tôi chẳng thấy anh già đi chút nào cả! Tuy là người gốc Huế, nhưng anh nói giọng Hà Nội sang sảng. Là sĩ quan cấp tá trong thời chiến xa xưa, và từng bỏ quân hàm vì lẽ phải, nên anh xem nhiều quan chức cao cấp hiện nay chỉ là ... đàn em. Cũng đúng thôi. Anh cũng thuộc vào týp người sĩ phu Bắc Hà, cũng ao ước cải cách khoa học và giáo dục, cũng đau đáu về tương lai đất nước, cũng nổi giận về vấn nạn mua quan bán tước hiện nay. Anh có một nhận xét rất hay là bấy lâu nay, chúng ta nói nhiều về vấn nạn tiến sĩ (tiến sĩ tràn lan) mà không ai đề cập đến vấn nạn quân hàm. Anh cho rằng ngày nay quân đội và công an có quá nhiều người mang hàm tướng và tá. Anh chỉ ra bằng câu hỏi rằng có thời đại nào ở Việt Nam mà trung tá đi phạt vi phạm giao thông không? Rồi anh liên tưởng đến chuyện phong tướng bừa bãi dưới thời Quang Trung và xem đó như là một tín hiệu không lành mạnh.
Chuyện vấn nạn tiến sĩ làm tôi nhớ đến một kinh nghiệm vui vui. Hôm đó tôi đi nói chuyện trong một hội nghị chuyên đề ở một khách sạn sang trọng tại Hà Nội. Xong hội nghị, tôi ra ngoài đón taxi về khách sạn, mới lên xe anh tài xế taxi vẻ mặt không mấy thân thiện buông câu hỏi "Thế anh cũng là tiến sĩ à?" Thấy nét mặt hằm hằm của anh và câu hỏi vui vui, nên tôi đưa 2 tay lên nói "Ô, không phải, tôi chỉ đi dự hội thảo chứ có phải tiến sĩ tiến siếc gì đâu". Anh ta thay đổi thái độ và cười, rồi nói rằng nãy giờ anh toàn đưa đón mấy người trong hội nghị và tay nào cũng là tiến sĩ, thanh toán tiền rắc rối quá, nên anh ... có ác cảm với tiến sĩ. :-) Trên đường về khách sạn, anh không tiếc lời nguyền rủa cái hệ thống đào tạo ra những tiến sĩ dỏm, tiến sĩ giấy. Anh nói rằng mỗi lần nghe đài, đọc báo, hay xem tivi mà thấy tiến sĩ là anh tắt. Câu chuyện này tôi kể cho nhiều người nghe, và ai cũng ôm bụng cười. Đúng là nước ta có vấn nạn tiến sĩ.
***
Đó là những ấn tượng và cảm nhận của tôi về Hà Nội trong một chuyến đi ngắn. Thật ra, có nhiều điều tôi cũng muốn viết ra, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì thôi J, vì ngại đụng chạm ở đây. Hà Nội được mệnh danh là mảnh đất nghìn năm văn hiến, là trái tim của Việt Nam. Nhưng tôi không chắc điều đó. Những huyễn tưởng của tôi về Hà Nội không còn nữa. Tôi đã ”thực tế” hơn nhiều. Không còn mơ mộng ”tóc thề thả gió lê thê” nữa, và cũng đã tĩnh giấc mộng dáng kiều thơm từ lâu rồi.
Hà Nội ngày nay không phải là Hà Nội thời cuối thập niên 1970s. Xe cộ càng ngày càng nhiều, và nạn kẹt xe là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe ở Hà Nội vẫn chưa nghiêm trọng bằng ở Sài Gòn. Đường phố Hà Nội nói chung vẫn ít xe hơn so với Sài Gòn. Cũng như Sài Gòn, giới chức Hà Nội vẫn chưa tìm ra biện pháp để giải quyết nạn kẹt xe. Trong khi họ chưa (hay không) tìm giải pháp khả thi, thì người dân lãnh đủ. Tình trạng kẹt xe không chỉ làm mất thì giờ, mà còn làm hao tổn tâm trí của người dân. Sống trong môi trường chật chội và nguy cơ tai nạn rình rập như thế, không ngạc nhiên khi biết số người có triệu chứng tâm thần ở Hà Nội lên đến 50%! Nói cho công bằng, trong cái không gian hỗn độn trên đường phố, vẫn còn có những trật tự trong người Hà Nội. Dù có những người Hà Nội mới sẵn sàng chặt chém du khách, vẫn còn nhiều người Hà Nội tử tế. Bên cạnh cái thế giới của những trưởng giả học làm sang một cách lố lăng, vẫn còn nhiều người Tràng An tinh tế và có văn hóa.
Thành thật cám ơn các bạn đã chịu khó theo dõi loạt bài ghi chép cuối năm. Tôi xem đó như là vài chứng từ của một thời để mai sau đọc lại thấy mình đã đi đến đâu và so sánh. Hi vọng rằng những tản mạn, kí sự trong loạt bài đã cho các bạn vài cái nhìn của cá nhân tôi, và có lẽ quan trọng hơn là mua vui cũng được một vài trống canh.

NVT