Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

"MẤT DÂN LÀ MẤT ĐẢNG, MẤT CHẾ ĐỘ"

"Nhìn thẳng vào sự thật để thấy thực tế đau lòng là tình trạng xa dân, vô cảm với dân… đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ" - ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam tha thiết.
Tham gia thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, phát biểu của ông Nam về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị đã gây sự chú ý của hội trường.
Hệ thống chính trị phải tôn trọng quy luật thị trường
Ông Nam không quên nhấn mạnh: giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng… đối với quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một vấn đề có tính nguyên tắc.
Khẳng định lại quan điểm của ĐH X về đổi mới chính trị, ông Nam vẫn cho rằng, trong 25 năm qua, những đổi mới này chưa đồng bộ nên đang là lực cản của sự phát triển.
"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường, quan tâm đến sự bình đẳng về cơ hội phát triển và nâng cao năng lực để đón bắt các cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân và mọi vùng của đất nước, gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tôn trọng sự bình đẳng và tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả các chủ thể kinh tế đều phát triển, hợp tác. Nền kinh tế này cũng đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tham nhũng, thất thoát và lãng phí các nguồn lực phát triển của xã hội", ông Nam đề xuất.
Theo ông, trong hệ thống đó, cán bộ các cấp phải trong sạch, bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, đoàn kết, trí tuệ và có tư duy đổi mới.
Đảng cầm quyền phải theo Hiến pháp và pháp luật
Khẳng định đổi mới chính trị không phải là thay đổi hệ thống chính trị đang có bằng một hệ thống chính trị khác, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội nói vấn đề then chốt, quyết định thắng lợi 25 năm Đổi mới là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Đỗ Hoài Nam: Phải đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ...
Tuy nhiên, ông Nam khẳng định, để cầm quyền và lãnh đạo lâu dài, "Đảng phải vì dân và dựa vào dân".
"Nhìn thẳng vào sự thật để thấy một thực tế đau lòng là hiện nay, tình trạng xa dân, vô cảm với dân, mất dân chủ với dân, hành dân, sách nhiễu dân đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này đang làm một bộ phận nhân dân giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ", ông Nam ưu tư.
Do đó, ông đề nghị Đảng phải tiếp tục tự đổi mới toàn diện, đồng bộ và hài hòa cả nội dung lẫn phương thức lãnh đạo.
Nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, toàn cầu hoá có nhiều điểm mới và chưa có tiền lệ đối với Đảng, đòi hỏi Đảng phải tự giải đáp từ tổng kết thực tiễn đổi mới, nâng cao tầm nhìn và tư duy khoa học, chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm đã có.
"Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền và lãnh đạo" - ông nói.
Tập trung luận giải một số vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, ông Đỗ Hoài Nam cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trước hết là lãnh đạo về mặt chính trị, đảm bảo cho Quốc hội giữ vững định hướng chính trị của Đảng về phát triển đất nước trong các quyết định của Quốc hội. Đảng cũng cần tạo điều kiện để các tổ chức Quốc hội và đại biểu Quốc hội có nhiều cơ hội và khả năng xem xét, thảo luận dân chủ trong việc lựa chọn các phương án để quyết định tốt nhất theo thẩm quyền mà vẫn bảo đảm sự lãnh đạo, định hướng của Đảng.

Ảnh: Hoàng Long
Đối với Chính phủ, Đảng phải tôn trọng chức năng quản lý và điều hành đất nước của Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ cần tập trung ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện những đột phá tư duy về sở hữu, đất đai, tài nguyên, lao động, kinh tế nhà nước và dân doanh… để hoàn tất bước chuyển sang nền kinh tế thị trường đầy đủ và tạo ra những động lực mới cho đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta.
Công khai, dân chủ lựa chọn cán bộ
Ông Đỗ Hoài Nam khẳng định dân chủ, công khai, công bằng trong công tác cán bộ đang đòi hỏi phải đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo của hệ thống chính trị.
Từ đó, ông đề xuất cụ thể hoá tiêu chuẩn cán bộ vì phần lớn những tiêu chuẩn này còn dừng lại ở mức độ định tính, chưa phù hợp với từng loại chức danh, cương vị, nhiệm vụ được giao.
"Thực hiện cơ chế lựa chọn ứng viên có số dư cho việc tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ. Các ứng viên phải trình bày đề án, trả lời các câu hỏi có liên quan. Trên cơ sở đó, những người có thẩm quyền bỏ phiếu đánh giá, lựa chọn", Chủ tịch Viện Khoa học xã hội kiến nghị.
Thảo Lam - Hạ Anh


THẢO LUẬN DÂN CHỦ, CÔNG KHAI TẠI ĐẠI HỘI XI

Đại biểu Võ Hồng Phúc nói lời tâm huyết

Đề nghị biểu quyết đặc trưng xã hội XHCN có phải dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất.
Chiều 13-1, Đại hội XI đã có phiên thảo luận cởi mở, dân chủ tại hội trường. Tám đại biểu từ các đoàn - đảng bộ khác nhau đã trình bày bài tham luận của mình. Trong số này, duy nhất ông Võ Hồng Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nói vô, chi tiết, sâu sắc hơn văn bản chuẩn bị sẵn gửi đại hội.

Bài học thành công, sao lại bỏ?
Ông Phúc dẫn lại cuộc tranh luận về mô tả đặc trưng xã hội XHCN để đưa vào Cương lĩnh 2011. Cuộc tranh luận ấy, trong Trung ương khóa X có hai luồng ý kiến: Giữ nguyên như Cương lĩnh 1991 là dựa trên “chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”, hoặc kế thừa Nghị quyết Đại hội X, tức dựa trên “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”.
Cuộc tranh luận ấy, Bộ trưởng Phúc và nhiều ủy viên trung ương khác ở nhóm thiểu số - theo luồng ý kiến thứ hai - nhưng phía đa số cũng chỉ chiếm tỉ lệ 55,06%. Văn kiện mà các đại biểu đại hội đang cầm trong tay theo quan điểm công hữu tư liệu sản xuất.
Tuy nhiên, ông Phúc vẫn muốn nêu ra để thảo luận: “Nhận định đó của Đại hội X là kết quả tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới. Thảo luận tại đoàn đại biểu Thanh Hóa hôm qua, có đồng chí cho rằng dự thảo “công hữu tư liệu sản xuất” là dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng tôi xin nói, Mác dạy rằng lý luận phải được thực tiễn kiểm chứng. Thực tiễn là gì: Liên Xô, Đông Âu theo mô hình ấy đã thất bại; Việt Nam rút ra bài học và đã thành công. Giờ sao lại bỏ đi?”.
Ông Võ Hồng Phúc (Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa) tham luận về vấn đề “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020”. Ảnh: TTXVN
Ông Phúc phân tích: Quá trình phát triển sau Cương lĩnh 1991, Đảng đã rút ra là phải xây dựng một nền kinh tế trên cơ sở đa sở hữu. Giờ bỏ đi, tư nhân ai dám đầu tư nữa? Nhà máy điện, đường sá, hạ tầng cơ sở là những nút thắt cổ chai của nền kinh tế, ta đang thiếu, có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu không? Hay ta kêu gọi tư nhân đầu tư vào để rồi khi hoàn tất giai đoạn quá độ, vỗ béo xong là thịt?
“Có quan điểm cho rằng cái gốc của CNXH là sở hữu. Nhưng tôi cho rằng gốc đó phải là công bằng xã hội, là điều tiết thu nhập. Coi sở hữu là gốc, ta sẽ vấp lại sai lầm trước đây, đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu” - Bộ trưởng Phúc, người đã ở tuổi gần 70, thuộc diện ngoại lệ ở lại Trung ương khóa X, bày tỏ lo ngại. Và ông đề nghị: “Tôi là thiểu số nhưng tôi mong tại đây, chúng ta thảo luận cho ra nhẽ, và đề nghị đại hội đưa ra biểu quyết. Vấn đề lớn vậy, cần tìm tới đồng thuận thì mới thực hiện được”.

“Giữ gìn sự đoàn kết như con ngươi của mắt mình”
55,06% là số % đồng ý với phương án mô tả đặc trưng xã hội XHCN là “có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” để đưa vào Cương lĩnh 2011. Cuộc biểu quyết được thực hiện tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 vào trung tuần tháng 12-2010.
Là ủy viên Trung ương Đảng ba khóa liên tiếp (VIII-IX-X), ông Võ Hồng Phúc rất thấm thía bài học về “đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”. Ông Phúc dẫn lại kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong khủng hoảng kinh tế 2008, khi khó khăn ập đến, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị; Bộ Chính trị thảo luận kỹ và báo cáo Trung ương. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã trực tiếp sang làm việc với Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, tạo đồng thuận, thống nhất trong Đảng và cả xã hội. Việt Nam nhờ đó đã có chính sách kinh tế phù hợp, kiềm chế được lạm phát, ổn định vĩ mô, giữ được tăng trưởng khá, được quốc tế công nhận. “Kinh nghiệm là hệ thống chính trị, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương phải là một thể thống nhất, cả trong tư tưởng và hành động. Bác Hồ dạy: “Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như con ngươi của mắt mình”. Tôi rất thấm thía” - ông Phúc đúc kết.
Theo ông Phúc, muốn đoàn kết phải có đấu tranh phê bình, phải có dân chủ. Dân chủ - tập trung. Trung ương khóa X đã kiểm điểm trước đại hội về nội dung này. “Các đồng chí hãy xem chúng ta thực sự đoàn kết, thống nhất chưa? Bác răn dạy “vừa đấu tranh, vừa thương yêu, giúp đỡ đồng chí mình”, ta có làm không? Tôi mong các đồng chí cùng suy nghĩ, thảo luận” - ông Phúc nói.
Phát biểu của Bộ trưởng Phúc được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, người chủ trì điều hành phiên thảo luận, hoan nghênh. Ông Trọng cũng đề nghị đại hội phát huy dân chủ, có thêm những tranh luận qua lại với những vấn đề có ý kiến khác nhau, như chuyện ông Phúc nêu chẳng hạn.
Hôm nay (14-1), Đại hội XI tiếp tục thảo luận về văn kiện tại hội trường.

Xóa “xin-cho” trong quản lý tài nguyên

Cần kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực nội sinh sử dụng và phát triển công nghệ tiết kiệm tài nguyên, nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường. Đây là động lực chủ yếu, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình cải cách và tái cấu trúc kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta.
Quyết liệt chuyển từ “bao cấp”, “xin-cho”, nặng kiểm soát hành chính trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường sang cơ chế thị trường. Hạn chế đầu tư vào các ngành khai thác tài nguyên, sử dụng nhiều đất, nhiều năng lượng; không chấp nhận dự án có công nghệ thấp, gây ô nhiễm. Thực hiện nghiêm pháp luật và có giải pháp đồng bộ để có thể xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm.
Bộ trưởng TN&MT PHẠM KHÔI NGUYÊN

Tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương

Cần đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng: Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ tự quyết, tự quản đối với công việc được giao. Không trùng lắp nhiệm vụ do trung ương thực hiện và nhiệm vụ được giao cho địa phương, cũng như công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau, nhằm tránh đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong chỉ đạo điều hành. Khi đã tạo chủ động cho chính quyền cấp dưới thì nhiệm vụ của chính quyền cấp trên là ban hành các quy định theo thẩm quyền và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ của cấp dưới.
Đây là điểm khác biệt căn bản giữa mô hình phân cấp hiện hành với mô hình tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương. Việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một nhà nước đơn nhất nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực, phát triển tinh thần thi đua của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị.
Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền đô thị theo hướng làm rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo đã được đề ra từ Nghị quyết Đại hội X.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN ĐUA

Dân chủ thực sự để tạo đồng thuận

Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo với MTTQ và các đoàn thể; tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức, hoạt động của MTTQ; tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe đóng góp của MTTQ và các đoàn thể; thực hiện tốt vài trò “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên của MTTQ Việt Nam”.
Trước yêu cầu đổi mới, chỉ có mở rộng dân chủ XHCN thực sự mới có đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự, bền vững. Cần thực hiện dân chủ và đại đoàn kết từ trong Đảng ra toàn xã hội. Đồng thời, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định để MTTQ và các đoàn thể thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam HUỲNH ĐẢM

GIA NGUYÊN (Lược ghi tham luận các đại biểu tại Đại hội XI ngày 13-1)

Nhiệm kỳ tới sẽ rất khó khăn
Làm bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư liền ba nhiệm kỳ, chứng kiến những giai đoạn thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dự báo nhiệm kỳ của Trung ương khóa XI sẽ rất khó khăn khi mà tăng trưởng 2010 chỉ còn 6,8%, lạm phát lên 11,75%, dự trữ ngoại tệ còn hơn 10 tỉ USD (so với tăng tưởng 8,05%, lạm phát 7%, dự trữ ngoại tệ hơn 20 tỉ USD của 2006 - năm triển khai Nghị quyết Đại hội X).
Vì vậy, để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, nhất là 2011, ông Phúc mong Đại hội XI bầu ra một BCH Trung ương mới trong sạch, vững mạnh và đoàn kết, thống nhất, giữ vững được vị trí lãnh đạo của Đảng với dân tộc. Mỗi đảng viên xác định đúng vị trí của mình, chịu sự phân công của Đảng thì toàn tâm toàn ý với sự nghiệp…

NGHĨA NHÂN

Đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có tham luận:
Những đặc trưng thể hiện tính ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng

Blog Phamvietdaonv: Cũng một vị trí tương đương nhau, nhưng hai ông Lê Hữu Nghĩa Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và ông Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam qua tham luận lại có cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về hiện tình đất nước.
Ông Đỗ Hoài Nam thì tỏ ra suy tư, lo lắng về một nguy cơ mà nếu không có những quyết sách mang tính đột phá sẽ dẫn tới thảm cảnh: mất dân là mất Đảng và mất chế độ ?!
Còn qua những lời véo von của ông Lê Hữu Nghĩa, người nghe thấy đất nước chẳng làm gì phải “lo bò trắng răng”… cứ kê cao gối mà ngủ, tuần tự như tiến, mọi thứ đều êm đẹp và đang tiến triển trên cả tuyệt vời…
Liệu ông Lê Hữu Nghĩa có sắm vai " Đại thần Hòa Thân " còn ông Đỗ Hoài Nam vào vai "Tể tướng Lưu Gù " trong bộ phim dã sử Trung Quốc: Tể tướng Lưu Gù " không ?!

Diễn viên Thạch Bảo Điền trong vai Tể tướng Lưu Gù...
Diễn viên Vương Cương trong vai Đại thần Hòa Thân...
Báo Akahata sẽ đưa tin kịp thời, chính xác về Đại hội XI

Trưởng Phân xã báo Akahata tại Hà Nội trả lời phỏng vấn báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

(ĐCSVN)- Trực tiếp theo dõi và đưa tin về Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Omokawa Mokoto, Trưởng Phân xã báo Akahata - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Nhật Bản- tại Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
- Xin đồng chí cho biết cảm nghĩ của mình về mô hình chủ nghĩa xã hội được vạch ra trong các văn kiện trình ĐH XI Đảng Cộng sản Việt Nam?
- Chưa có quốc gia nào trên thế giới từng thành công trong việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa gắn với nền kinh tế thị trường. Tôi cho rằng, thông qua những kế hoạch cụ thể được vạch ra tại Đại hội XI này, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến những bước đáng kể để đi tiên phong trên con đường này.
Đảng Cộng sản Nhật Bản hiện nay có 406.000 đảng viên và 22.000 chi bộ. Báo Akahata (Cờ Đỏ) có số phát hành 1.450.000 tờ (gồm cả báo hàng ngày và báo Chủ nhật). Phát hành, quảng bá phổ biến báo Akahata là một trong những hoạt động chính của hoạt động xây dựng Đảng. Đảng Cộng sản Nhật Bản từ chối quyên góp của doanh nghiệp và hỗ trợ của nhà nước bằng tiền thuế. Nguồn tài chính của Đảng thu từ đảng phí, quyên góp của người ủng hộ, doanh thu của báo Akahata và các hoạt động kinh tế khác. Báo Akahata hiện có phóng viên tại 6 thành phố trên thế giới là Hà Nội, Oa-sinh-tơn, Bắc Kinh, Luân Đôn, Cai-rô và Mê-xi-cô Xi-ty.
Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn và đạt được những thành công hết sức to lớn trong 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa.
Xã hội XHCN gắn với nền kinh tế thị trường mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi cũng là một con đường mới đầy thử thách trong lịch sử thế giới. Đồng thời con đường đó cũng là một thách thức với chúng tôi khi muốn thay đổi xã hội tư bản phát triển tại Nhật Bản.
- Xin đồng chí cho biết cảm nghĩ của mình về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới?
- Việt Nam gia nhập ASEAN và trở thành Chủ tịch ASEAN 2010 đã chứng tỏ sự đổi mới trong chính sách đối ngoại của nhà nước Việt Nam. Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) của ASEAN là một cam kết tiến bộ nhất vì hòa bình ở khu vực. Các cuộc đối thoại về an ninh và hợp tác trên diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cũng giúp làm giảm tình hình căng thẳng ở khu vực. Tôi nghĩ chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cùng với sự hợp tác của các nước thành viên ASEAN.
Với quan điểm lịch sử thế giới hiện nay, nhà nước Việt Nam đã đóng góp vào những nỗ lực vì hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã có mối quan hệ rộng với các đảng chính trị nước ngoài, không chỉ với đảng cộng sản, đảng cảnh tả và đảng cầm quyền, mà còn với cả các chính đảng có tại các nghị viện, nhằm tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước Đông Á, trong đó có Nhật Bản.
- Nội dung gì liên quan đến Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam mà báo Akahata sẽ thông tin đến các đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản và nhân dân Nhật Bản?
- Chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng và đưa đất nước Việt Nam tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất tại Đại hội lần này là đường lối chiến lược mà Đại hội đề ra đối với sự phát triển của Việt Nam và đối với hoà bình và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Làm thế nào để đạt được sự phát triển bền vững, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào nền hoà bình khu vực và thế giới như xoá bỏ vũ khí hạt nhân, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam… cũng là những vấn đề rất đáng được quan tâm.
Báo Akahata sẽ đưa tin kịp thời, chính xác về Đại hội XI.
- Xin cám ơn đồng chí!
Xuân Nguyễn

Blog Phamvietdaonv: Trong bài trả lời phỏng vấn Báo điện tử ĐCSVN dưới đây, Trưởng Phân xã báo Akahata tại Hà Nội đã khuyến cáo:” Chưa có quốc gia nào trên thế giới từng thành công trong việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa gắn với nền kinh tế thị trường. Tôi cho rằng, thông qua những kế hoạch cụ thể được vạch ra tại Đại hội XI này, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến những bước đáng kể để đi tiên phong trên con đường này…”


ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI LẠI VỚI ÔNG NGUYỄN VĂN ĐUA: ĐB TP HỒ CHÍ MINH

Chăm chú theo dõi ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư thường trực Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh, tại Diễn đàn Đại hội XI, xin được trao đổi lại với ông một số vấn đề, luận điểm mà ông đã nêu ra mà theo tôi là vô cùng bảo thủ, nếu không muốn nói là cản trở tiến hóa...
Về ý kiến thứ nhất của ông NVĐ:” Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự can thiệp vào thị trường bằng sức mạnh vật chất của Nhà nước. Do đó, vấn đề tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty, chính là tái cấu trúc lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hóa và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững…” ( 1 )
Ý kiến này của ông theo tôi không mới, không có gì đột phá nều không muốn nói là cổ lỗ và cực kỳ bảo thủ, cản trở tiến hóa; rất nhiều chuyên gia cho rằng can thiệp của nhà nước theo cách này, theo mô hình vừa không hiệu quả mà còn làm hư các doanh nghiệp, làm lãng phí nguồn tài lực của đất nước. Chúng ta đã có bài học Vinashin nhãn tiền ? Vậy thì ông có kế sách, cao kiến gì trong việc tái cơ cầu gì hay xin ông nêu ra để giúp Chính phủ giải bài toán Vinashin ? Hay ông đứng ra nhận cái chức Tổng Giám đốc Vinashin để giải cái khoản nợ vay ngợp trời đi ? Ồng phát biểu rồi ông bắt tay vào làm thử coi có hiệu quả như ông hô không ?
Xin đưa một số liệu do ông Võ Hồng Phúc BT Bộ KHĐT đưa ra trong tham luận của mình tại Đại hội XI: “Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, hoạt động có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 39,5% (năm 2009) trong tổng đầu tư xã hội, tạo ra 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo ra 90% chỗ làm việc mới. Khu vực kinh tế tư nhân, tập thể và các hộ gia đình đã tạo ra 45% GDP.”
Trong khi đó, khi phát biểu về khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ông Võ Hồng Phúc không đưa ra số liệu mà chắc chắn Bộ KH-ĐT có, xin trích ý kiến của ông Võ Hồng Phúc :” Kinh tế nhà nước được tăng cường, doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đổi mới, cơ cấu lại mà trọng tâm là cổ phần hóa, tự chủ trong kinh doanh và hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn, đã góp phần quan trọng để Nhà nước điều tiết nền kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng có bước phát triển đa dạng, nhất là các tổ hợp tác. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, góp phần nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…”
Tại sao khu vực kinh tế tư nhân ông Võ Hồng Phuc đưa ra số liệu cụ thể, khu vực kinh tế nhà nước lại không đưa ra ? Có gì uẩn khúc đây, nếu cái đó là các số liệu sáng chói ? Bộ KH-ĐT là Bộ quản lý chuyên ngành các nguồn vốn đầu tư và hiệu quả của nó ? Theo những thông tin từ nguồn khác mà người viết bài này nắm được: Nguồn vốn đầu tư của nhà nước chiếm tới 40 %, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 20 %. Thế nhưng chỉ đóng góp cho GDP có 55 %; chắc chắn sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ rất lớn ? Theo một vài thông tin thì các doanh nghiệp nhà nước đóng góp cho GDP 40 %; đây là một con số mà hiện nay nhiều chuyên gia còn nghi ngờ…
Xin thưa với ông Nguyễn Văn Đua, các tổ chức kinh tế nhà nước, sử dụng nguồn vốn nhà nước, bỏ ra 40 % nguồn vốn đầu tư, ngoài ra còn có nhiều lợi thế như cấp đất đai, trụ sở, được vay với lãi suất ưu đãi; còn khu vực kinh tế tư nhân, cá thể, sử dụng hoàn toàn vốn tự có mà lại làm lợi, đóng gọp cho GDP nhiều hơn thì xin hỏi ông một cơ thể yếu, bệu như các tổ chức kinh tế nhà nước làm sao mà: “làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hóa và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ?”
Đó là chưa kể các chỉ số khác?
Chưa kể, cái mô hình các tập đoàn kinh tế nhà nước là một mô hình quản lý kinh tế trái Hiến pháp và pháp luật; điều này tôi đã viết trong 2 kỳ với tiêu đề: Mô hình các Tập đoàn kinh tế nhà nước thành lập theo Nghị định 101/2009/NĐ-CP: Một mô hình quản trị trái Hiến pháp, pháp luật; Thủ phạm gây ra sự rối loạn, suy sụp của Vinashin…(3 )
Tôi rất tán thành ý kiến của ông Võ Hồng Phúc phát biểu tại Đại hội:” Nhiều người nói cái gốc của CNXH là sở hữu. Nhưng tôi cho rằng gốc của CNXH là công bằng xã hội, điều tiết thu nhập. Nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm là gốc của chủ nghĩa xã hội là sở hữu thì sẽ vấp vào sai lầm những năm trước đây…” Chính cái món sở hữu tập thể, của chung về làm ăn thì “cha chung không ai khóc” đã đành mà nó còn là cái nôi, mảnh đất đẻ ra tham nhũng, quan liêu, tiêu cực nghiêm trọng nhất.
Ở các nước tư bản phát triển, tham nhũng thường phát sinh ở các khu vực: Dịch vụ công và các bộ phận ban hành chính sách; Ở Việt Nam , ngoài khu vực đó ra còn có thêm các tổ chức kinh tế nhà nước, một mảnh đất vô cùng màu mỡ cho tham nhũng, cho quan liêu. Hiện rất nhiều chuyên gia cho rằng: Các tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam hiện nay vẫn ngang nhiên tồn tại là do chúng là sân sau của các nhóm lợi ích? Vì tham ô tập thể nên để phát hiện, trừng phạt, đưa ra ánh sáng là chuyện không dễ dàng…
Xin thưa với ông Nguyễn Văn Đua: một khu vực kinh tế chứa chấp những căn bệnh trầm kha không thuốc chữa; Với một mô hình hiệu quả kinh tế thấp như vậy so với các tổ chức kinh tế khác; điều này thực tế đã nhãn tiền thế mà ông là đảng viên đại diện cho một địa bàn có tốc độ tăng trưởng và năng động nhất cả nước, tại diễn đàn Đại hội Đảng, ông lại phát biểu như rứa, liệu ông có ngủ mơ giữa ban ngày không, thư ông ?!

P.V.Đ
1/ http://tuoitre.vn/Kinh-te/420391/Tai-cau-truc-doanh-nghiep-nha-nuoc.html
2/ http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=442852
3/ http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=7184
4/http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=7185