Tôi năm nay U60, sinh ra và lớn lên dưới mái trường XHCN, đã du học ở Đông Âu trên chục năm. Luôn tự hào mình là người Việt Nam trong suốt khoảng hơn bốn mươi năm đầu cuộc đời mình. Chưa bao giờ nghi ngờ đạo đức nhân đạo và tính hướng thiện của người Việt, tức của tổ tiên mình. Thời thanh niên bên trời Âu tôi luôn từng tự hào tự gọi mình là Việt Cộng, từng là chủ tịch Hội sinh viên Quốc tế toàn Balan nơi tôi học được khoảng 1 tháng trước khi bị Đại sứ quán VN tại Vacsava gọi lên bắt từ chức xuống thành Phó CT phụ trách Học tập …
Nói thế chỉ để biết gốc gác chính trị của tôi rất cộng sản và trong sáng, bởi vì cha ông tôi cũng rất trong sáng và theo cộng sản suốt đời. Về nước, tôi làm việc cho các tập đoàn nhà nước lớn và tiếp tục có điều kiện đi công tác nước ngoài nhiều, làm việc với người nước ngoài rất nhiều. Được đọc và tiếp xúc nhiều, tôi nhận thấy là nước nào họ cũng có những tác giả và tác phẩm nổi tiếng và được nhân dân quí trọng vì đã nói lên những thói hư tính xấu của dân tộc mình, trong khi người Việt chỉ thích tự khen mình: Người Việt cao quí, Lương tâm Nhân loại …(!), và luôn ép người khác khen mình.
Hôm nay, trên Vietnamnet ông Vũ – một chủ hãng cafe Việt, còn đề nghị: Mỹ và TQ lãnh đạo thế giới về chính trị và kinh tế rồi, còn “lá cờ nhân văn” chưa ai nắm và Việt Nam hãy nắm lấy lá cờ nhân văn đó của thế giới để sánh ngang TQ và Mỹ (!)… thì ngoài sức tưởng tượng và chịu đựng của tôi rồi.
Đấy là lý do trực tiếp làm tôi viết bài này, nên trước khi nói về người Việt như tiêu đề, xin cho tôi có một hai câu về “Lá cờ Nhân văn” thế giới, như sau:
Ông Vũ đã đúng khi nói có Lá cờ Nhân văn thế giới. Nhưng ông đã sai khi nói chưa có ai nắm lá cờ đó, và ông càng sai nữa khi nói Việt Nam có thể nắm lấy Lá cờ đó và lãnh đạo thế giới! Thứ nhất, nếu đã tồn tại một lá cờ nhân văn thế giới, thì nhất định nó cũng đang tồn tại chủ nhân tương xứng, cả hai đều chỉ là khái niệm. Chủ đó phải là dân tộc có tính nhân văn nhất thế giới và được các dân tộc khác công nhận, bởi lá cờ này không thể cướp được, đúng không ạ? Ông Vũ nói nó vô chủ là rất cơ hội (hèn chi ông được tham dự ĐH Đảng X với tư cách doanh nhân, nếu tôi không nhầm?). Nhưng theo tôi, nó đang ở trong tay dân tộc nào, đất nước nào đang có nền văn hóa nhân văn nhất (ở thời điểm này) thu hút được nhân tài và thế hệ trẻ được cả thể giới đến học, làm việc và ở lại sống nhiều nhất, sinh ra nhiều người tài năng và thành công nhất cho thế giới. Theo ông Vũ, đó sẽ là Việt Nam? Nước ta đang và sẽ thu hút được bao nhiêu người nước ngoài đến học? Ông hãy góp ý thế cho ĐH XI nhé! Chúc mừng ông.
Trở lại với tiêu đề chính, cách đây khoảng gần chục năm, trong một cuộc nói chuyện bạn bè thân, tôi đã hỏi một người Anh một câu và yêu cầu trả lời trung thực: “Nếu phải lột tả người Việt trong một hay hai từ, “mày” sẽ nói thế nào?” “Không được rắc complements!”
Biết ý tôi, không ngần ngại, anh bạn nói luôn: “Câu hỏi này người nước ngoài chúng tao ở VN luôn thảo luận với nhau khi không có người Việt, và đều nhất trí có câu trả lời giống nhau, nhưng không bao giờ dám nói ra với người Việt. Mày là người VN đầu tiên hỏi tao câu này không với ý định muốn nghe một lời khen, nên tao sẽ nói thật, đó là: Greedy Vietnamese” Vâng, đó là: “Người Việt tham lam!”
Dù đã chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” với đầu óc cởi mở nhất, tôi đã choáng váng và cứng họng một lúc không nói được gì. Mãi sau, tôi mới thốt lên đau đớn vì biết bạn mình không nói dối: “Greedy? Why?” -“Tham lam? Tại sao?”
Bạn tôi cười: “Thì người Việt chúng mày, trừ mày ra, (nó thương hại tôi!), luôn luôn cái gì cũng muốn được, không nhường cái gì cho ai bao giờ: Hợp đồng thì điều khoản ngon nhất, giá phải rẻ nhất, hàng phải tốt nhất, giao hàng phải nhanh nhất, bảo hành phải vô thời hạn, thanh toán thì chậm nhất, và … hoa hồng thì phải khủng khiếp nhất!” Tôi chết đứng! Tôi biết nó nói đúng hoàn toàn. Nó làm thương mại với người Việt và ở VN gần hai chục năm rồi. Nó (và đa số người nước ngoài cũng vậy) nhìn người Việt qua những gì nó thấy ở những cán bộ nhà nước hàng ngày làm việc (đàm phán thương mại) với nó!
Tôi đã từng đàm phán với nó cách đây hơn hai chục năm, và với rất nhiều người nước ngoài khác, chưa bao giờ biết đòi hỏi ai một cent nào từ vô số hợp đồng ngoại thương tôi đã đàm phán và ký kết, nhưng tôi biết tôi là ngoại lệ, nên tôi biết mình có quyền và có thể nhìn vào mắt mà hỏi nó (bạn tôi) hay bất kỳ ai (thương gia nước ngoài) đã làm việc với tôi, câu hỏi đó mà không sợ bị nó/họ cười khinh cho.
“Vậy, tính từ thứ hai “bọn mày” (tôi đã từng cùng nó có dịp uống bia trong các câu lạc bộ doanh nhân người Singapore, Malaysia, Nhật, Anh, Mỹ, Hàn, Pháp…do các Amcham, Eurocham… tổ chức) miêu tả người Việt là gì?”- Tôi dũng cảm tiếp tục, hy vọng lần này sẽ được nghe lời dễ chịu hơn. Câu trả lời là: “Tricky!”, “Tricky Vietnamese!” – “Gian! Người Việt hay gian!”
Tôi hét lên: “Không thể nào! Mày không đang trêu tức tao đấy chứ?!”
Bạn tôi trả lời: “Mày muốn tao trung thực mà?”
“Vậy tại sao lại là gian?” tôi cố gắng chịu đựng. “Vì chúng mày không bao giờ nói thật, nói thẳng, và có nói rồi cũng tìm cách thay đổi nếu có lợi hơn. Chúng mày luôn nghĩ rằng mình khôn hơn người và luôn luôn xoay sở để hơn người khác…”
Tôi ngồi im lặng, điếng người, muốn khóc, và cố uống tiếp vại bia tự nhiên đắng ngắt. Từ đó tôi ghét uống bia. Nó nhắc tôi buổi tâm sự với phát hiện kinh hoàng trên. “Từ đó trong tôi” “tắt ngấm” “nắng hạ”… là người Việt!
Nhưng nội dung và diễn biến của cuộc nói chuyện thân tình trên thì tôi dù muốn cũng không bao giờ quên được. Sự thực là tôi đã phải trăn trở rất nhiều, dằn vặt rất nhiều với điều này từng ngày từ đó: Đặc điểm bản chất của người Việt là gì so với người nước khác? Tại sao người nước ngoài lại đang nhìn chúng ta tệ hại như thế: Gian và tham?
Tôi đã không thể phản bác được ông bạn người Anh của mình dù tôi với nó “cùng ngôn ngữ”: đều mê The Beatles! Có ăn nhằm gì đâu! Nó vần bảo lưu quan điểm!
Một lần gần sau đó tôi trở lại đề tài với nó: “Tại sao mày nói người Việt rất tham lam, cái gì cũng muốn, và gian, cái gì cũng khôn lỏi hơn người, mà mày vẫn làm ăn với chúng tao?”. Bạn tôi cười bí hiểm trả lời: “Đấy chính là bi kịch của người Việt, ít nhất là của những người Việt đang không có quyền thế hiện nay.” Rồi nó tiếp: “Chính vì người Việt gian và tham nên chỉ có những người gian và tham hơn mới dám làm ăn cùng chúng mày!”
“Ý mày nói đa số thương nhân nước ngoài làm việc với VN là gian và tham?” “Gần như đúng thế!” “Cả mày nữa?” “Gần đúng, vì lúc đầu tao cũng không gian, nhưng tao mất nhiều quá và buộc phải chơi theo cách của người Việt thôi…”
“Vậy mày gian thế nào?”
Bạn tôi lại cười bí hiểm: “Nói mày đừng buồn, đa số người Việt kém tiếng Anh, và hầu hết kém luật pháp thê thảm, nhất là luật thương mại. Càng chức to thì điều này càng đúng, mày là lính quèn nên khá giỏi. Hì hì, mà tiếng Anh là của bọn tao, luật pháp các nước khác cũng đều đi trước VN, nên chúng tao chỉ có cách dùng tiếng Anh kém cỏi vô nghĩa của chính chúng mày để làm hợp đồng thương mại, và luật thương mại quốc tế nữa…thì chúng tao mới bình đẳng được!”
Rồi nó bồi thêm: “Thế mày nghĩ bọn tao có thể cung cấp hàng tốt nhất, giá rẻ nhất, thời hạn nhanh nhất với trách nhiệm vô hạn được thật à?!”
Đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước. Tôi đã kiểm tra độ khách quan của đánh giá đó suốt 10 năm qua với rất nhiều người nước ngoài từ các vùng, miền, đất nước có văn hóa và chính trị khác nhau, mà tôi có thể tiếp cận. Đa số câu trả lời kiểm chứng (không phải tất cả) xác nhận sự khách quan và tính gần đúng của nhận xét của bạn tôi.
Nhận xét đó đã bắt tôi suốt hơn mười năm qua phải tìm hiểu văn hóa và bản chất dân tộc ta là gì? Tại sao chúng ta lại để đến nông nỗi này – để người khác nghĩ và đánh giá mình là dân tộc gian, tham?!
Người Việt gian tham ư?! Đau xót lắm, nhưng tôi vẫn không phản bác được bạn mình, với những gì tôi và chúng ta vẫn thấy xung quanh trên đất nước chúng ta… Nó là cái văn hóa gì ?!
Hôm nay, có lẽ tôi đã trả lời được câu hỏi đó cho mình. Dân tộc ta không phải thế!
Có những hạt sạn đã được vô tình hay cố ý gieo vào đạo đức, lối sống dân ta mà có lẽ người gieo cũng không muốn và không biết mình đã làm gì?
Chúng ta phải đợi đến vụ gieo hạt sau thôi?
( Bài tác giả gửi cho bọ)
GS Mỹ nói về tật xấu trong giao tiếp của người Việt
Tác giả: David Pickus
VNR500) - Một trong những rào cản lớn nhất trong giao tiếp là đối phương không thể biết khi bạn nói "có" thì thực lòng bạn có nghĩ đúng như vậy không.
Bài viết dưới đây được David Pickus - Giáo sư đến từ ĐH Arizona (Mỹ) viết và gửi riêng cho VNR500.
Thông điệp khác nhau đằng sau mỗi nụ cười
Ai đã từng ngắm cảnh bình minh chắc đều nhận thấy một điều là, ban đầu, bạn sẽ không nhìn thấy gì hết. Rồi dần dần mọi thứ mới hiện rõ hơn. Sau khi định thần lại, bạn sẽ thắc mắc tại sao vừa nãy mình lại không nhìn thấy cả những vật ở ngay trước mặt mà chỉ thấy một khối đen đặc và đồng nhất.
Đây cũng chính là cảm giác của tôi, một công dân Mỹ, khi tới Việt Nam - tôi như người đang đứng ngắm cảnh bình minh bắt đầu tỏa rạng.
Xin đơn cử ra đây một ví dụ: lần đầu tiên khi tới đất nước này, đối với tôi nụ cười chỉ đơn thuần là nụ cười, và nó truyền tải thông điệp về sự mừng vui. Nhưng cho tới giờ, dù tổng số thời gian tôi ở Việt Nam chỉ vẻn vẹn có 4 tuần, song kho từ vựng của tôi về các kiểu cười đã được mở rộng đáng kể.
Chẳng hạn, có nụ cười mang ý: "Đúng, anh có thể làm việc đó", nhưng cũng lại có nụ cười như muốn bảo: "Anh không được làm như thế đâu!". Có nụ cười thể hiện rằng: "Tôi rất vui được gặp anh", nhưng cũng có nụ cười hàm ý ngược lại.
Ngoài ra còn một số kiểu cười thể hiện tâm trạng không mấy vui vẻ của chủ nhân như: "Tôi rất thất vọng", "Tôi không hiểu", "Tôi đang bực mình đây", và "Tôi muốn anh xéo đi chỗ khác!"
Trước đây, những nụ cười này chỉ mang một hoặc một vài ý nghĩa dễ hiểu. Thế mà giờ đây chúng lại đan xen biết bao nhiêu lớp nghĩa, khiến tôi không khỏi băn khoăn rồi theo thời gian, sẽ có thêm bao nhiêu ý nghĩa nữa được gán cho nụ cười của người Việt Nam.
Người phương Tây khi tới khu vực Đông Nam Á thường hay bình luận hoặc phàn nàn về những khó khăn trong giao tiếp cũng như về cái "khó hiểu" của người dân sở tại. Tôi không nói rằng người Việt khó hiểu, song để hiểu được họ chắc tôi cũng phải đầu tư kha khá thời gian.
Những khác biệt về của cải
Tôi đã hai lần tới Việt Nam (và hy vọng sẽ được quay lại đây nhiều lần nữa). Dưới đây là một số quan sát của tôi về người Việt, hay chính xác hơn là những quan sát này giúp tôi tìm hiểu rõ hơn về con người Việt.
Cái mà tôi nhận thấy nhiều nhất - cũng là cái "che mắt" tôi nhiều nhất - là những khác biệt về của cải.
Người phương tây chẳng gặp khó khăn gì khi bắt chuyện với người Việt. Nếu bạn tỏ ra thân thiện, lịch sự, và đi một mình, thì hầu như ai cũng sẵn lòng nói chuyện với bạn. Vì tôi không biết tiếng Việt, nên những cuộc trò chuyện của tôi rất phong phú, từ thứ ngôn ngữ cơ thể đơn giản cho tới những cuộc thảo luận sâu sắc với các học giả sở tại thông thuộc ngoại ngữ.
Người ta nói với tôi rằng (tuy tôi chưa có cách nào kiểm chứng điều này cả) người Việt Nam thường thân thiện với người nước ngoài hơn là với chính người đồng hương. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, đó là trong nhiều quốc gia tôi từng đặt chân tới, thì Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của tôi, bởi vì ở đây tôi có thể có những cuộc chuyện trò ý nghĩa với nhiều người.
Vì vậy mà tôi mới nhận thấy một vấn đề về tiền bạc. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, Việt Nam đã và luôn là một nơi an toàn và tin cậy để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Tôi không phàn nàn gì về những lối cư xử thiếu công bằng ở đây. Thực ra, tôi không có gì phải phàn nàn cả, chỉ đơn giản là một nhận xét thôi.
Người Việt không nên cho rằng vì họ không công khai thể hiện thái độ của mình mà người phương Tây không biết họ suy nghĩ ra sao về chuyện tiền bạc.
Ngược lại, tôi lại quan sát được điều này khá thường xuyên; và chẳng khó khăn gì để đoán được suy nghĩ trong đầu một ai đó khi họ đang có những ý nghĩ dạng như: "Anh ta có nhiều tiền hơn mình, thế thì tại sao anh ta lại không mua nó nhỉ?", và "Nên làm gì để ra vẻ rằng mình không quan tâm tới tiền nong đây?"
Đến đây xuất hiện một điểm quan trọng - mà tôi hy vọng rằng nó sẽ không bị bỏ qua. Tôi không cảm thấy khó chịu khi thấy người Việt Nam suy nghĩ về tiền bạc.
Xã hội phương Tây, đặc biệt là xã hội Mỹ, đã lầm khi nghĩ rằng lúc nào cũng nên coi người châu Á là khác lạ. Ông bà tôi là người nhập cư, và cả ba thế hệ trong gia đình tôi đều đã phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày, nhọc công vắt sức ra để kiếm tiền.
Thực tế này không có nghĩa là nền văn hóa của chúng ta giống nhau, hay là người Mỹ không cần phải làm gì để hiểu cho rõ về tình hình xã hội ở Việt Nam.
Nhưng như thế có nghĩa là một cuộc nói chuyện thẳng thắn về tiền bạc không phải là điều gì đáng ngại ngùng, có hại, hay phản tác dụng cả. Thật ra, nó có thể khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.
"Xin đừng nói có, nếu bạn không muốn"
Khi ở Việt Nam tôi học được câu "Vấn đề đầu tiên là tiền đâu". Tôi đã viết câu đó lên một mảnh giấy rồi giơ lên cho những người khác xem với hy vọng rằng nó sẽ giúp cho cuộc nói chuyện của chúng tôi trở nên thành thật và thẳng thắn hơn. Thẳng thắn không phải là một đức tính xấu.
Theo tôi, điều này dẫn tới một thách thức lớn trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp hơn giữa người Việt Nam và người Mỹ.
Vấn đề chính không phải là mâu thuẫn, dù rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để đóng góp cho những cuộc thảo luận về các mâu thuẫn giữa hai dân tộc trong cả quá khứ và hiện tại.
Cái nguy hại ở đây là quan điểm cho rằng vì cơ hội tiếp xúc giữa người dân hai nước ngày càng lớn, nên mặc nhiên điều đó sẽ tự động củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, hoặc cái sự hiểu biết này là không thật cần thiết.
Tôi xin nói về quan điểm thứ hai trước: chẳng phải tìm đâu xa, lần gần đây nhất tới thăm Việt Nam, tôi đã nhận thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy sự tức giận ngày càng gia tăng cả về phía người dân Việt Nam và người phương Tây.
Du khách phương Tây tới Sapa không giấu nổi những khó chịu vì liên tục bị làm phiền, khiến họ không thể tự do chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi cao nguyên, còn những người bán dạo địa phương thì tỏ rõ vẻ bực dọc khi mà du khách còn chưa đi khỏi.
Cái vòng tròn quẩn quanh này tồn tại ở bất kỳ địa điểm du lịch đông đúc nào, song nó cũng là một dấu hiệu cho thấy cần phải xây dựng mối quan hệ giữa người Việt Nam và người phương Tây trên một nền tảng bền vững hơn so với hiện nay. Gia tăng hiểu biết lẫn nhau là một yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể hiểu nhau hơn nếu chỉ biết "cười" suông như vậy, bởi cái cần có ở đây là những cuộc nói chuyện thành thật và chi tiết.
Cũng trong chuyến đi vừa rồi, tôi thậm chí còn nhờ người viết dòng chữ "Xin đừng nói có, nếu bạn không muốn" lên giấy và đưa cho bạn bè đọc trong cuộc nói chuyện giữa chúng tôi.
Một trong những rào cản lớn nhất trong giao tiếp là đối phương không thể biết khi bạn nói "có" thì thực lòng bạn có nghĩ đúng như vậy không. Bây giờ thì tôi không còn vồ vập học cách diễn giải nụ cười của người Việt Nam nữa.
Tôi không mong rằng họ sẽ thay đổi hoàn toàn cách sống của mình, bởi bản thân tôi cũng không thể làm được như thế. Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng hướng tới một mục tiêu chung là xây dựng một mối giao tiếp tích cực hơn, chất lượng hơn.
Quay trở lại với hình ảnh cảnh vật từ từ ló hiện sau màn đêm, tôi nhận thấy rằng mối quan hệ giữa người Việt Nam và người phương Tây đang tiến dần đến giai đoạn "bình minh" rồi.
Điều này đôi khi sẽ gây thêm nhiều khó khăn vì chúng ta không còn nhiều "bóng tối" để có thể giấu mình lại. Nhưng nó cũng khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn vì tuy chúng ta kết thêm bạn mới nhờ vào những nụ cười, cử chỉ hay thói quen, song chúng ta lại không thể trở thành những người bạn mới được.
Mà những tình bạn mới và tốt đẹp hơn lại là những thứ chúng ta cần.
Thủy Nguyệt dịch