Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Bread and roses: Bài hát của ngày 8/3

Trần Can


Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. Lịch sử đấu tranh đòi quyền bình đẳng với nam giới của phụ nữ là một cuộc đấu tranh lâu dài và …thầm lặng nhưng không kém phần bền bỉ.
Không chỉ ở các nước ảnh hưởng văn hóa Khổng giáo mới có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà hầu như toàn nhân loại đều xem phụ nữ là…thứ yếu, luôn luôn đứng sau đàn ông
Ví dụ như phụ nữ Pháp chỉ giành được quyền bầu cử từ năm 1944, và chính thức được thi hành nghĩa vụ công dân từ năm 1945 (sau đàn ông Pháp khoảng…một thế kỷ).
Còn phụ nữ Việt Nam thì sao? Theo Wiki thì Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sỹ 33,95%, tiến sỹ 25,96%.(so với nam). Cũng khá ấn tượng chứ nhỉ? Nhưng mặt bằng giữa phụ nữ thành thị và nông thôn vẫn còn rất cách biệt, và phụ nữ nông thôn thường là những người chịu rất nhiều thiệt thòi, nhất là những người chẳng may vớ phải các ông chồng “sáng xỉn, chiều say”.
Hiện nay ngày Quốc tế Phụ Nữ vẫn còn được xem là ngày lễ chính thức tại những nước sau đây: Angola, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Macedonia, Moldova, Mông Cổ, Nga, Tajikistan, Ukraina, Uzbekistan, và Việt Nam.
Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái, v ..v. Tại một số nơi, nó cũng được xem tương đương với Ngày của Mẹ (Mother’s Day).
Bài hát chính thức của ngày 8 tháng 3 có tên “Bread and roses” (Bánh mì và hoa hồng) từ một nhà thơ Mỹ: “James Oppenheim”, ông viết bài thơ này năm 1912, cảm hứng từ sự gan dạ và lòng can đảm của phụ nữ trong một cuộc đình công ở Lawrence, Massachusetts.

Bánh mì và hoa hồng

Khi ta tiến bước trong ngày tươi sáng
Triệu căn bếp đen ngòm, nghìn xưởng dệt tối tăm
Bỗng rực rỡ với ánh dương bất ngờ
Vì thế giới nghe ta hát: Bánh mì và hoa hồng!

Khi ta tiến bước, tiến bước, ta đấu tranh cho cả đàn ông
Vì họ là con của phụ nữ và ta lại làm mẹ họ đây
(Đàn ông không thể tự do cho đến khi đời nô lệ của ta chấm dứt)
Đời ta không thế cứ đổ mồ hôi từ lúc sinh ra đến lúc lìa đời
Cả trái tim và cơ thể đói khát,
Hãy cho chúng tôi bánh mì, nhưng cũng cho chúng tôi hoa hồng

Khi ta tiến bước, tiến bước, vô số hồn thiêng phụ nữ
Đi và khóc, qua tiếng hát của ta, lời cầu bánh mì thuở trước
Thêu thùa, yêu mến và đẹp đẽ, tinh thần mệt mỏi của họ đã biết
Vâng ta dấu tranh cho bánh mì, nhưng ta cũng tranh đấu cho hoa hồng

Khi ta tiến bước, tiến bước, ta mang lại tương lai vĩ đại
Phụ nữ tiến lên là cả bộ tộc tiến lên
Không còn kẻ làm người hưởng, 10 lao động cho một kẻ nằm không
Nhưng chia sẻ vinh quang cuộc đời – bánh mì và hoa hồng, bánh mì và hoa hồng!

(TĐH chuyển ngữ)


Bread and Roses

As we go marching marching in the beauty of the day
A million darkened kitchens, a thousand mill lots gray
Are touched with all the radiance that a sudden sun discloses
For the people hear us singing: bread & roses, bread & roses!

As we go marching, marching, we battle too for men
For they are women’s children & we mother them again
(For men can ne’er be free til our slavery’s at an end)
Our lives shall not be sweated from birth until life closes
Hearts starve as well as bodies, give us bread but give us roses

As we go marching, marching, unnumbered women dead
Go crying thru our singing their ancient call for bread
Small art & love & beauty their drudging spirits knew
Yes it is bread we fight for, but we fight for roses too

As we go marching, marching, we bring the greater days
The rising of the women means the rising of the race
No more the drudge & idler, ten that toil where one reposes
But a sharing of life’s glories – bread & roses, bread & roses

Các bạn nghe bài hát “Bánh mì và hoa hồng” qua tiếng hát Joan Baez:




Lịch sử Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3

Ngày Quốc tế Phụ Nữ (mồng 8 tháng 3) là một dịp được ghi dấu bởi những hiệp hội phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày này cũng được Liên Hiệp Quốc kỷ niệm và được xem như ngày lễ quốc gia ở nhiều nước. Khi phụ nữ trên tất cả các châu lục, bị chia cắt bởi những khác biệt về biên giới quốc gia, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế và chính trị, cùng nhau kỷ niệm Ngày của mình, họ có thể nhìn lại truyền thống tiêu biểu cho ít nhất chin thập kỷ đấu tranh vì sự bình đẳng, công bằng, hòa bình và phát triển.
Ngày Quốc tế Phụ nữ là câu chuyện về những người phụ nữ bình thường đã tạo nên những dấu ấn lịch sử; nó bắt nguồn từ cuộc đấu tranh hàng thế kỷ của phụ nữ để tham gia vào xã hội một cách bình đẳng như nam giới. Vào thời Hy Lạp cổ đại, Lysistrata đã khởi đầu một cuộc biểu tình của nữ giới yêu cầu chấm dứt chiến tranh; suốt Cách Mạng Pháp, những người phụ nữ Paris đã diễu hành ở Versailles, kêu gọi cho “Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái”, và đòi quyền được bỏ phiếu của phụ nữ.
Ý tưởng về Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên nảy sinh vào thời điểm chuyển đổi thế kỷ, khi thế giới công nghiệp đang trong giai đoạn bành trướng và hỗn loạn của bùng nổ dân số và các ý thức hệ cấp tiến. Sau đây là tóm tắt theo cột mốc thời gian những sự kiện quan trọng nhất:
Đòi Quyền Phụ Nữ Trước Nhà Trắng
Đòi Quyền Phụ Nữ trước Nhà Trắng

1909
Cùng với tuyên bố của Đảng Xã Hội Mỹ, ngày Phụ nữ Quốc gia đầu tiên được kỷ niệm trên toàn Liên Bang Hoa Kỳ là ngày 28 tháng hai. Phụ nữ tiếp tục kỷ niệm nó đến ngày chủ nhật cuối cùng của tháng hai năm 1913.

1910
Quốc tế Xã hội họp tại Copenhagen, thiết lập một Ngày Phụ Nữ mang tính quốc tế để vinh danh phong trào đòi những quyền phụ nữ và hỗ trợ quyền bầu cử phổ thông cho phụ nữ. Đề nghị được chào đón với sự nhất trí tán thành tại hội nghị của hơn 100 phụ nữ đến từ 17 nước, gồm cả ba người phụ nữ đầu tiên được bầu vào quốc hội Phần Lan. Chưa có ngày cố định được chọn để kỷ niệm.

1911
Như kết quả của quyết định tại Copenhagen năm trước, Ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được ghi nhận (19 tháng ba) tại Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, nơi hơn một triệu phụ nữ và nam giới tham dự đại hội. Bên cạnh quyền bầu cử và đảm nhiệm những công việc văn phòng chính phủ, họ đã yêu cầu quyền làm việc, học nghề và chấm dứt phân biệt trong công việc.
Chưa đầy một tuần sau đó, vào ngày 25 tháng ba, thảm họa tại Triangle Fire, New York đã lấy đi sinh mạng của hơn 140 nữ công nhân, phần lớn là những người nhập cư gốc Ý và Do Thái. Sự kiện này có một ảnh hưởng quan trọng đến luật lao động của Hoa Kỳ, và những điều kiện làm việc dẫn đến thảm họa đã được viện dẫn trong suốt những lễ kỷ niệm sau đó của Ngày Quốc tế Phụ Nữ.

1913-1914
Như một phần của phong trào hòa bình đã tích tụ từ buổi đêm của cuộc Chiến tranh Thế giới I, những người phụ nữ Nga kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng hai năm 1913. Ở những nơi khác trên châu Âu, vào đúng ngày 8 tháng ba hoặc những ngày gần đó của năm sau đó, phụ nữ đã tập hợp để chống chiến tranh và để bày tỏ tinh thần đoàn kết giữa các chị em.
Đòi Quyền Phụ Nữ ở Pakistan
Đòi Quyền Phụ Nữ ở Pakistan
1917
Với hai triệu người lính Nga tử trận, những người phụ nữ Nga một lần nữa đã chọn ngày chủ nhật cuối cùng của tháng hai để biểu tình vì “bánh mì và hòa bình”. Những nhà lãnh đạo chính trị phản đối thời điểm của cuộc biểu tình, nhưng những người phụ nữ vẫn tiến hành dù thế nào. Phần còn lại là lịch sử: Bốn ngày sau đó, Sa hoàng bị buộc thoái ngôi và chính phủ lâm thời đã trao cho phụ nữ quyền bầu cử. Ngày chủ nhật lịch sử đó là ngày 23 tháng hai theo lịch Julian được sử dụng ở Nga thời đó, nhưng là ngày 8 tháng ba theo lịch Gregorian ở những nơi khác.
Ngay từ những năm đầu, ngày Quốc tế Phụ nữ đã được xem như một chiều hướng mới trên toàn cầu cho phụ nữ ở các nước phát triển và đang phát triển. Sự lớn mạnh của phong trào phụ nữ quốc tế, được hỗ trợ bởi bốn hội nghị phụ nữ toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, đã làm cho việc kỷ niệm trở thành một điểm tập hợp của những nỗ lực liên kết đòi quyền phụ nữ và sự tham gia vào quá trình chính trị và kinh tế. Càng ngày, ngày Quốc tế Phụ nữ là một thời điểm để nhìn lại những bước tiến đã qua, kêu gọi những thay đổi và kỷ niệm những hành động dũng cảm và quyết đoán của những người phụ nữ bình thường, những người đóng một vai trò đặc biệt trong lịch sử của quyền phụ nữ.

Vai trò của Liên Hiệp Quốc
Những mục tiêu được Liên Hiệp Quốc thúc đẩy đã tạo ra những ủng hộ mạnh mẽ và lan rộng hơn cho chiến dịch xúc tiến và bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, được ký tại San Francisco năm 1945, là hiệp định đầu tiên công bố bình đẳng giới như một nhân quyền cơ bản. Từ đó, tổ chức đã giúp tạo nên một di sản lịch sử về những chiến lược ưng thuận quốc tế, những tiêu chuẩn, chương trình và mục tiêu để nâng cao vai trò người phụ nữ trên toàn thế giới.
Trong nhiều năm, hoạt đông của Liên Hiệp Quốc vì sự tiến bộ của phụ nữ đã có bốn định hướng rõ ràng: thúc đẩy về những phương sách luật pháp, huy động ý kiến công chúng và hoạt động quốc tế; đào tạo và nghiên cứu, bao gồm biên soạn những thống kê về xóa bỏ phân biệt chủng tộc về giới và hướng đến hỗ trợ những nhóm bất lợi (khó khăn). Ngày nay, một nguyên tắc tổ chức trọng tâm của công việc ở Liên Hiệp Quốc là không có giải pháp dài hạn nào cho những vấn nạn gay cấn nhất của xã hội về mặt xã hội, kinh tế, chính trị có thể tìm thấy được nếu không có sự tham gia đầy đủ, và sự trao quyền đầy đủ của thế giới phụ nữ.

Thùy Dương (theo Website Liên Hiệp Quốc)
Bài này đã đăng trong ngày QTPN năm 2009, 2011

8 tháng 3


Hoa tràn ngập trên những con phố. Nam giới có ganh tị không khi nữ giới không chỉ có riêng một ngày cho họ?
8 tháng 3, em…áo dài bước ra phố. Em biết con phố xinh thêm mỗi nhịp bước chân qua! Tám tháng ba, em là bông hồng nhỏ khoe hương giữa cuộc đời.
8-3-1908, khẩu hiệu “bread and roses” ngập các ngả đường thành phố New York… Em, con gái, yêu gia đình bằng một tình yêu dịu dàng và nhẫn nại. Chẳng cần biết ai có quan tâm, em vẫn sẽ cắm một đóa hồng vào chiếc lọ thủy tinh, đặt nó lên bàn, và chuẩn bị một bữa ăn.
8-3, em sẽ thích lắm với một bất ngờ nhỏ nhỏ dễ thương. Em yêu quý một ngày thanh thản, bình yên, một ngày nhè nhẹ trong yêu thương vỗ về. Vì thế nên em càng dịu dàng trong từng giọng nói. Em quét nhà, rồi em ra chợ. Một món quà dễ thương em cất vào ngăn tủ. 8-3, em tặng nó kèm với một nụ cười.
8-3, một ngày thơm hồng hương sắc hoa. Em miên man trong một dòng suy tưởng nơi có nắng soi thật ngọt lành rồi dịu dàng xanh biếc qua tàu lá. Nắng soi tà áo em, rồi đậu vào bên trang vở mới.
Em, yêu ngày 8 tháng 3 như yêu một cơn mơ dịu dàng. Và em thấy mình hạnh phúc…

Ngọc Nho
 Viết cho đàn ông nhân ngày 8/3
 
(TT&VH) - Mỗi dịp 8/3 hàng năm, cả thế giới lại ào ạt nói về phụ nữ. Tôi là một phụ nữ. Nhưng hôm nay, tôi muốn viết về đàn ông.

1. Không, tôi đã viết về đàn ông từ 16 năm trước, từ bài thơ đầu tiên cho Anh - người đàn ông tưởng tượng. “Anh” là một biểu tượng bền vững về cái đẹp và mơ ước, Anh luôn được viết hoa trong tác phẩm ViLi. Khi sáng tạo, tôi hầu như không khi nào bị/để cảm giác giới tính chi phối. Tôi không thích phân biệt nhà thơ nữ/nhà thơ nam. Tôi không đồng tình những người đồng giới dùng yếu tố nữ trong các cảnh huống nhằm đòi sự ưu ái. Phụ nữ luôn đòi hỏi sự bình đẳng song với số đông, tâm lý muốn được ưu tiên, châm chước, thậm chí nhường nhịn và chiếu cố, đã là thiếu tự tin và kiêu hãnh. Hãy để những điều trên là tự thân đàn ông.
Với nghệ thuật, người sáng tạo cần chứng minh tài năng bằng tác phẩm, sản phẩm cụ thể, không cần tác giả và độc giả - ở cách ứng xử và tiếp nhận văn minh nhất: không dùng giới tính soi chiếu và định giá. Trên thực tế, thói quen ấu trĩ này tồn tại trong số đông độc giả phổ thông. Khán giả biết thưởng thức chỉ quan tâm nhận định về tác phẩm căn cứ vào chất lượng, cảm xúc vẻ đẹp nó mang tới. Đối tượng tinh tuyển hơn, sẽ bình luận về phong cách, thi pháp, tư duy của nghệ sĩ hay ê-kíp sáng tạo (đối với các bộ phim, lịch).
Tôi chưa bao giờ “nổi loạn” trong thơ như ai đó hay nhầm. Sự thành thật mãnh liệt giữa đầy rẫy “giả” và “diễn”, tự thân thành sự khác biệt. Tìm kiếm, khơi gợi và tôn vinh những vẻ đẹp đã mất hoặc thất thoát, khi khám phá chiều sâu của tâm hồn con người, là một chủ định của tôi. Cuộc đấu tranh dai dẳng đòi quyền bình đẳng ở nữ giới, qua kiến giải của nhiều nhà khoa học xã hội học, nhà báo nữ (phải nhắc đến giới tính của họ, và họ luôn phân biệt điều này như nền tảng “đấu tranh”) thường nhằm các mục đích: đòi bình đẳng, chia sẻ công việc gia đình. Và diễn tiến này là liệt kê, kể khổ và kể công.

Nhà thơ Vi Thùy Linh tại Pháp, năm 2011. Ảnh: Phan Quế Dung
Đảm nhận thiên chức một cách tự nguyện từ nền tảng là cách để nhiều chịu em tự giải thoát khỏi những ấm ức, ức chế. Khi phụ nữ còn đòi ưu tiên, nhượng bộ, coi quá trình tìm bình đẳng là “đấu tranh”, “chiến đấu”, tự họ đã bộc lộ sự mặc cảm và đòi hỏi ở phái mạnh. Hãy đích thực phụ nữ, hãy phấn đấu là người phụ nữ đẹp, văn minh trước đi, sẽ nhận thấy cuộc sống của mình đổi khác trước khi những gì đòi hỏi ở phái mạnh được thể hiện tự nguyện. Đã có câu danh ngôn: “Nếu Thượng đế sinh ra phụ nữ trước, Người không cần tạo ra hoa hồng” tụng ca phái đẹp. Thực tế vẫn còn nạn bạo hành chứ không phải “không ai nỡ đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một nhành hoa”.
Trong 2 giới, sẽ có một giới sinh đẻ và chăm sóc con. Thượng đế tạo ra và trao thiên chức thiêng liêng ấy cho đàn bà, chúng ta hãy tự hào thay vì nhiều chị em than vãn như áp lực, gánh nặng. Nhà văn Cao Hành Kiện, trong tiểu thuyết Linh Sơn (Nobel 2000) khẳng định ngọn núi cao nhất không phải ở thiên nhiên, mà ở trong lòng mình.

2. Thực tế là, người phụ nữ không thiệt thòi đến mức nhiều người “sát cánh” rủ nhau “vùng lên”. Lịch sử nghệ thuật thế giới luôn ưu ái phụ nữ. Họ là nhân vật chính của hội họa, điện ảnh, nhiếp ảnh, văn chương, âm nhạc, ballet luôn dành vị trí trung tâm cho nữ solist. Diễn viên nam hầu hết làm “nền”, bệ đỡ cho bạn diễn. Trong tôn giáo, có Phật Bà Quan Âm, Việt Nam có Đạo Mẫu. Ấn Độ giáo và tín ngưỡng Chăm, thờ cả Linga lẫn Yoni. Đặc biệt trong thơ và ca khúc, số lượng tác phẩm lấy cảm hứng từ phụ nữ, coi phụ nữ là chính yếu, chiếm áp đảo.
“Hai người đàn bà với con vịt thành cái chợ” phụ nữ không phủ định được câu này, họ vốn phức tạp và “lắm chuyện”. Chẳng thế mà nhiều dèm pha, tọc mạch, tủn mủn, thường bị gọi chung là “thói đàn bà”. “Đàn bà” thành tính từ để ám chỉ, nhận xét cho cả những anh/ông ki keo, nhỏ mọn, hẹp hòi và “nhiều lời”.
Tôi nói những điều này không nhằm bênh giới nào, mà không muốn hòa vào xu hướng dây chuyền tôn vinh phụ nữ là kể tội giảm vai trò đàn ông. Không nên! Biết “nâng” đàn ông là nghệ thuật ghi nhận và tôn vinh, để họ tôn vinh, yêu quý phụ nữ hơn. Phái đẹp đừng “nam tính”, đanh đá, ghê gớm và “hung dữ”. Nguyên thủ hay minh tinh dù quyền lực, danh vọng lớn đến đâu, cũng coi trọng tổ ấm, những bữa ăn cho chồng con, để họ còn có chỗ bình yên, được làm đàn bà. Sao lại có xu hướng một số phụ nữ coi việc nhà là gánh nặng, muốn thoát ly?

3. Thập Nhất, nhạc sỹ gốc Bắc sống ở TP.HCM, có bài hát thiếu nhi viết về cha thật sinh động và tình cảm. “Bố là bờ đê cho con nằm ngủ/ Bố là phi thuyền cho con bay vào không gian”. Thật đáng yêu câu kết: “Nhưng lúc bố mệt, bố là bố thôi”.
Hơn 20 năm trước, bố tôi đã làm “ngựa” bằng lưng, “cần cẩu”, “máy bay” bằng chân cho chị em tôi. Bố lặn lội khắp các vùng núi, cho những bộ phim. Bao nhiêu người bố vất vả, trĩu gánh trên cõi đời này, họ cần vợ cần các con yêu thương hơn nữa chứ.

4. Tối 4/3 vừa qua, trước Quốc tế phụ nữ 4 ngày, nhạc sĩ Lê Minh Sơn làm live show Mình là đàn ông. Bài hát chủ đề này được chính anh hát tự đệm guitar. Theo “định nghĩa” của anh, đàn ông là/phải là “Nói ít làm nhiều. Phải biết nấu cơm, chăm sóc em bé trong tương lai. Không được khóc nhè từ ấu thơ đến lúc khôn lớn sải cánh chim bay. Không được sống bông phèng, phải biết vắt tay lên trán suy nghĩ. Phải luôn tươi cười, dù gặp bao khó khăn, lo toan, thân xác mệt nhoài. Phải nhường nhịn phụ nữ”. Và kết luận “Mình là đàn ông, đừng giống như con chim công”. Tức là đừng chỉ biết, phô diễn mà…không làm gì.
Ngày 8/3, những người phụ nữ ngoài việc nhận hoa, quà, được tán thưởng ngợi ca, hãy dành khoảng tĩnh lặng nghĩ đến người đàn ông gần gũi trong cuộc sống. Nhiều người chồng/vợ trên hôn thú mà không phải bạn đời, người yêu của nhau trong hiện thực. Sao lại có sự “thất lạc” éo le này? Và những người đàn bà 8/3, có ai dành một chút gì cho người đàn ông thấy tự hào và mạnh mẽ hơn, không chỉ bởi nhu cầu của cả hai về sự che chở.

Người ta có mấy định mệnh không được lựa chọn, cha mẹ, nơi sinh và giới tính của mình. Nếu được lựa chọn, Tôi muốn được sinh ra là đàn ông và tôi tin mình sẽ là người đàn ông chân chính, trước hết bởi biết sống hết sức mạnh bản nguyên và biết yêu mình, người đàn bà của mình.

Quang Anh (lược ghi)