Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Nhớ Trịnh Công Sơn
Nhân ngày mất Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1.4.2001-1.4.20012)
Trần Mạnh Hảo

Trịnh Công Sơn
Mười một năm qua, Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi bất tử. Anh chọn ngày cá tháng tư- ngày nói dối toàn thế giới để ra đi. Hóa ra, tin anh đi khỏi cuộc đời này, về thực chất là một tin bịa đặt. Trịnh Công Sơn không bao giờ chết khi các ca khúc tuyệt vời của anh còn sống mãi với dân tộc.
Trịnh Công Sơn là bạn với cả nước. Hỏi có gia đình Việt nào không một lần mê mẩn vì các ca khúc “gây nghiện” của anh.. Trong chừng mực ấy, kẻ viết bài này cũng là bạn của Trịnh.
Nhớ cuối năm 1992, ngồi uống café với Trịnh Công Sơn trước Hội Âm nhạc TP.HCM. Anh bảo : “Hảo có thơ gì mới đọc cho mình nghe với ?”. Hầu như lần nào gặp nhau, có cơ hội yên lặng là anh hỏi tôi có làm được bài thơ nào mới, đọc cho “moi” nghe chơi ! Thơ phú lênh láng một hồi xong, Trịnh Công Sơn bảo : “Mình sắp in một tập nhạc có tựa đề: “Bên đời hiu quạnh”, đã xin được giấy phép, do Hội Âm nhạc thành phố đứng ra in, đây là tập nhạc đầu tiên của mình được phép ra trong chế độ mới ( CS) nên phải cẩn thận. Từng bản nhạc đã được “cơ quan chức năng” duyệt, kể cả lời tựa do bạn mình là Bửu Ý viết. Mình muốn Hảo viết cho mình mấy dòng in trân trọng nơi bìa bốn, đồng ý chứ?”. Tôi hơi bất ngờ, bảo anh: “ Anh Sơn này, theo Hảo, anh nên mời anh Nguyễn Quang Sáng hoặc anh Nguyễn Duy, hai bạn nhậu của anh viết cho có phải thú vị hơn không?”. Anh Sơn bảo: “Sáng và Duy có viết về mình mấy bài in báo, nhưng dài quá, không thể trích mấy dòng nơi bìa bốn của tập nhạc được; vậy “moi” mới nhờ Hảo, cũng muốn có một kỷ niệm với Hảo cho vui…”. Tôi đồng ý!
Hai ngày sau tôi chưa kịp viết thì anh Trịnh Xuân Tịnh, người em trai thứ hai của anh Sơn tìm tôi giục, rằng: “ Bìa một đã làm, anh Sơn bảo chờ mấy dòng của anh Hảo mới làm tiếp bìa bốn của tập nhạc…”. Tôi ngồi viết ngẫu hứng mấy dòng sau đưa cho anh Tịnh: “Nghệ thuật hi vọng của Trịnh Công Sơn là nghệ thuật băng qua tuyệt vọng, có đi qua lò bát quái của phần số, nhân tính mới còn cơ phát lộ. Trong lò lửa luyện ngục của anh, chúng ta được gặp cái mát lành của tuyết đầu mùa. Anh chỉ ra rằng băng tuyết cũng có thể dùng để sưởi ấm. Anh làm ta tin vào khả năng lặng im của loài quạ. Thực ra thiên chức của nghệ thuật là thức tỉnh nỗi cô đơn cùng tận của con người. Chính cô đơn là hình ảnh tư duy của chàng Hamlet. Chừng như sự chết và hư vô là hai tên gọi khác của nỗi cô đơn? Thức tỉnh nỗi cô đơn, nghệ thuật đồng thời cũng thức tỉnh cả cái chết và niềm hư vô. Âm nhạc của Sơn làm ta có cảm giác vừa rơi lên đỉnh vực nỗi cô đơn. Chỉ có thể đi hết cái tôi, chúng ta mới có cơ gặp cả loài người” – Trần Mạnh Hảo 10-1992 (Bìa bốn, tập nhạc BÊN ĐỜI HIU QUẠNH –TRỊNH CÔNG SƠN -Tình khúc -Nhân Bản 1993 – Hội Âm Nhạc TP-Giấy phép xuất bản số 345 ngày 9 tháng 01 năm 1993 – In và nộp lưu chiểu tháng 06 năm 1993)
Bằng thiên tài của mình, quả thực Trịnh Công Sơn đã đi hết nỗi cô đơn kiếp người, đi hết niềm hư vô và đi băng qua cái chết để đến với sự bất tử của anh trong lòng dân tộc ViệtNamvà thế giới. Trịnh Công Sơn không chỉ là một hiện tượng âm nhạc hậu bán thế kỷ thứ XX của ViệtNam; anh còn là một hiện tượng văn hóa của dân tộc đau thương và bất hạnh vào bậc nhất của thế giới này. Tuồng như không phải anh cô độc ôm đàn hát lên nỗi niềm day dứt mê ly của mình mà chính là những vết thương của lịch sử đang cất tiếng hát, vết thương của nỗi cô đơn, vết thương của tình yêu, vết thương của bất hạnh và hạnh phúc, vết thương của vô thường, vô ngã, vô vi, vô ưu, vô vọng, vô biên, vô lượng … cùng cất tiếng hát.
Trịnh Công Sơn, chính anh mới là cây đàn của mẹ ViệtNam. Mẹ ViệtNamđã ôm anh vào lòng như bức tranh người đàn ông ôm cây Tây Ban Cầm của Pablo Picasso để hát lên tình yêu và nỗi buồn vô tận của kiếp người. Hay nỗi buồn mượn anh mà hát lên những giai điệu có thể làm “đá ngây ngô” cũng ứa nước mắt ? Hay cỏ cây, mây trời, núi sông, ruộng đồng… đã mượn anh mà hát lên nỗi niềm vạn thưở của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…?
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ là ma thuật giai điệu hài hòa với phần lời rất thi ca sâu thẳm mà còn là thiền học, triết học cất lời, rót vào tâm hồn người cả nỗi ưu tư của đất trời, những thắc thỏm, u hoài trần thế, những băn khoăn, day dứt, sầu thương, hoài vọng, hoài nghi, hụt hẫng, ngơ ngác nhân sinh. Tôi cho rằng một số nhạc sĩ chê phần nhạc của Trịnh Công Sơn là đều đều, đơn điệu… là vô căn cứ nếu không phải là do đố kị tài năng. Nhạc Trịnh bỏ lời đi, vẫn vô cùng quyến rũ, vẫn làm mê mẩn hàng triệu người. Phần lời của nhạc Trịnh quả tình siêu việt, là thi ca được hát lên. Bằng chứng là rất nhiều bài hát Trịnh Công Sơn được hòa tấu không lời vẫn cứ tuyệt vời, làm thổn thức hàng triệu triệu trái tim người nghe.
Đánh tên Trịnh Công Sơn lên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy rất nhiều bài báo vu cho Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, là tên văn công hạng bét, là phản bội Việt Nam cộng hòa, nơi đã sản sinh ra thiên tài Trịnh… Ngay cả một người bạn thân của anh Sơn là họa sĩ T.C. cũng cho Trịnh có ý đồ chính trị… Không, Trịnh Công Sơn trước hết là một con người phi chính trị, một văn nghệ sĩ thuần túy. Âm nhạc của anh vượt lên mọi đối kháng chính trị trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Nếu Trịnh từng là Việt Cộng nằm vùng, không đời nào năm Mậu Thân 1968, anh lại viết bài hát “Tôi đã thấy”: “Chiều đi lên Bãi Dâu hát trên những xác người…” than khóc cho hàng nghìn người bị tàn sát ? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, không bao giờ anh viết về cuộc chiến Việt Nam là:“hai mươi năm nội chiến từng ngày”? Nếu Trịnh là Việt Cộng, không bao giờ anh dám viết bài hát (Requiem – Kinh cầu hồn) “Cho một người nằm xuống” là đại tá Lưu Kim Cương bị quân đỏ bắn chết năm Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, sau năm 1975, sinh viên Huế sao lại dám mang nhạc anh ra đấu tố, anh phải đi lao động cải tạo trồng sắn trên núi; và quan trọng hơn là nhạc của anh mấy năm liền vẫn bị cấm hát? Anh phải bỏ Huế vào Sài Gòn sống với mẹ và các em.
Sau năm 1975, tôi có dịp sinh hoạt chi bộ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc anh Sáng bắt đầu cặp kè với Trịnh Cộng Sơn như bóng với hình. Chi bộ hỏi anh Sáng về chuyện đó, anh Sáng khai: “Thành ủy và anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) chỉ thị cho tôi bám sát Trịnh Công Sơn để lôi kéo anh ta về phía cách mạng. Trên bảo: nhạc sĩ này là thành phần đáng ngờ, có thể anh ta từng làm việc cho CIA, cần phải theo dõi anh ta trong mọi nơi mọi lúc”. Có thể vì chưa hiểu được nhiệm vụ cách mạng này của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà nhà văn Đặng Tiến (bên Pháp) mới viết rất không đúng rằng: “Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Duy điếu đóm cho Trịnh Công Sơn” chăng? Có thể vài bài hát của Trịnh Công Sơn như: “Huyền thoại mẹ”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Ngọn lửa Matxcơva”… anh làm trong lúc bị “phê” rượu Tây với sự tranh thủ hết sức thân tình của Nguyễn Quang Sáng chăng? Nếu anh Sơn là Việt Cộng, anh đã để cho nhà nước tổ chức đám tang mình ở Hội văn nghệ hay tại nhà tang lễ Lê Qúy Đôn giành cho những cán bộ công khai và cán bộ ngầm có công với hai cuộc kháng chiến. Anh Sơn trối lại cho các em là tang lễ anh sẽ chỉ tổ chức tại nhà mình 37D Phạm Ngọc Thạch mà thôi ! Nếu anh Sơn là Việt Cộng nằm vùng, ít nhất anh đã được giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật ?
Trịnh Công Sơn không phải người của quân đỏ hay quân xanh. Anh là con của mẹ Việt Nam, đến đất mưa bom bão đạn này để hát lên niềm hi vọng về nỗi tuyệt vọng con người, hát lên tình yêu bi thảm kiếp người, hát lên nỗi buồn mang mang thiên cổ nhân sinh của một gã du tử đến từ khu vườn các thiên sứ.
Chừng như từ khi sinh ra Trịnh Công Sơn đã bị thần thi ca, thần âm nhạc Apollon cướp mất cả hồn xác, biến anh thành âm nhạc, thành thi ca thuần túy . Bao nhiêu người đàn bà đẹp mê anh, yêu anh chừng như đã không giành được thân xác anh và linh hồn anh mãi mãi ? Tình yêu anh đã hiến tế cho âm nhạc, thi ca, cho triết học, thiền học, không còn chỗ cho phái đẹp cư trú. Những người đàn bà ghé qua âm nhạc anh trú ngụ ít ngày rồi cũng “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nói cho cùng, tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho các người đẹp là một tình yêu thiên sứ. Mà thiên sứ thì chỉ yêu bằng tâm hồn thôi ! Còn thể xác anh đã tận hiến cho đất trời, cho cát bụi, cho Phật, cho Chúa…cho âm nhạc của mình muôn thưở trường tồn cùng dân tộc ViệtNam. Mười một năm trước, Trịnh Công Sơn đã mang nguyên vẹn niềm trinh nguyên thiên sứ của mình về với cát bụi để mãi mãi thủy chung cùng cõi hư vô, thủy chung cùng thần Apollon mà bất tử với cây đàn Lia vĩnh cửu trên Niết Bàn ẩn cư trong trái tim mỗi người Việt yêu nhạc Trịnh.

Sài Gòn ngày 30-03-2012


Thời gian trôi thật nhanh. Không ngờ mới đó mà Trịnh Công Sơn (TCS) đã chuyển nghiệp được 11 năm. Đọc bài dưới đây của Trần Mạnh Hảo tôi mới biết thêm vài chi tiết có thể nói là đáng chú ý về TCS sau năm 1975.
Có thể nói không ngoa rằng thế hệ của tôi lớn lên với những ca khúc của Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Dĩ nhiên, còn nhiều nhạc sĩ khác nữa, nhưng nếu hỏi vài nhạc sĩ gây ấn tượng lâu dài, tôi nhớ ngay đến hai người trên.
Thời đó, nhạc của TCS được xem như là một marker về trí thức. Nhiều quảng cáo tìm bạn bốn phương trên báo có những câu tự mô tả mình như thích nhạc Trịnh. Cái câu nhạc Trịnh như là một chứng từ rằng đây là người có học, có suy nghĩ và trăn trở về hiện tình xã hội, có sự tinh tế trong cảm nhận về cái đẹp và nghệ thuật nói chung. Tôi phải thú thật là dù thích nhạc của TCS, nhưng chỉ có vài chục bài mà thôi, vì đơn giản một điều là có những bài tôi không hiểu ý nghĩa của lời ca. Làm sao tôi có thể hiểu câu dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Không hiểu thì lời, thì chỉ còn lại là cảm nhận giai điệu, tiết tấu của ca khúc. Mà, nhưng giai điệu của nhạc TCS thì thường đơn giản (chứ không phong phú như nhạc Phạm Duy), nên nghe chỉ vài bài là dẫn đến hiện tượng … emotional fatigue.
Cá nhân tôi rất thích bài Phôi pha. Sau này, mỗi lần đi đâu có văn nghệ văn gừng, người ta yêu cầu tôi hát một bài thì Phôi pha là bài tôi nghĩ đến. Nhớ hôm “giao hoan” với các bạn báo chí ở Vĩnh Phú, tôi cũng đem bài này ra hát. Nhưng có lẽ Tuấn Ngọc hát thì dễ nghe hơn:



Phôi pha

Ôm lòng đêm / nhìn vầng trăng mới về
nhớ chân giang hồ
Ôi phù du 
/ từng tuổi xuân đã già
một ngày kia đến bờ
đời người như gió qua
Không còn ai 
/ đường về ôi quá dài
những đêm xa người
chén rượu cay 
/ một đời tôi uống hoài
trả lại từng tin vui
cho nhân gian chờ đợi
Về ngồi trong những ngày
nhìn từng hôm nắng ngời
nhìn từng khi mưa bay
có những ai xa đời quay về lại
về lại nơi cuối trời
làm mây trôi
Thôi về đi 
/ đường trần đâu có gì
tóc xanh mấy mùa
có nhiều khi 
/ từ vườn khuya bước về
bàn chân ai rất nhẹ
tựa hồn những năm xưa
Nhưng còn một lí do khác để nghe và mê nhạc TCS: chiến tranh. Trịnh Công Sơn đã nói dùm cho những thanh niên thời đó về tâm tư và suy nghĩ của họ về cuộc chiến dã man đang tàn phá đất nước. Thật vậy, nghe mãi những ca khúc sến rồi cũng đến lúc nhàm chán, nên người ta phải đi tìm những ca khúc có nội dung sâu xa và triết lí hơn, thì việc đến với nhạc của TCS là điều không ngạc nhiên. Thời đó, không ai không biết đến Ca khúc da vàng, từng gây sóng gió một thời trong giới thanh niên sôi sục với cuộc chiến mà báo chí có khi nói là huynh đệ tương tàn. Ngoài những ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn là người nói ý nhị nhất và tài tình nhất về chiến tranh.
Không tương tàn sao được khi chính người mình giết người mình. Có người tính toán rằng mỗi giờ (thời đó) có hàng chục người chết ngoài chiến trường hay hệ quả của chiến tranh. Xác người nằm bơ vơ / dưới mái hiên chùa
/ trong giáo đường thành phố / trên thềm nhà hoang vu. Chính tôi cũng từng chứng kiến những xác người đầu bị đập vỡ trôi trên sông theo những đám lục bình mà không ai dám nhận là thân nhân mình. Bây giờ nhớ lại mà rùng mình và thấy sao người mình quá dã man! Ấn tượng mạnh nhất mà TCS gieo vào tôi lúc đó là bài Gia tài của mẹ, với những lời ca thật thấm:
Một ngàn nô lệ giặc Tàu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của Mẹ một rừng xương khô
gia tài của mẹ một núi đầy mồ
...
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ một bọn lai căng
Gia tài của mẹ một lũ bội tình
Lai căng, bội tình. Lại còn một lũ. Những từ ngữ rất nặng nề, nhưng có lẽ cũng thích hợp để mô tả những ai tin vào những triết lí phi dân tộc tính hay triết lí có hại cho văn hoá dân tộc. Chỉ tiếc một điều là những ca khúc này chưa được cho phép phổ biến ở Việt Nam. Đất nước đã hoà bình và thống nhất cả 40 năm, thế hệ mới cần phải biết về một thời sôi động, cần phải biết thế hệ ngày xưa nghĩ gì. Thật ra, trong bối cảnh biển đảo bị của chúng ta đang bị uy hiếp và xâm phạm, tôi nghĩ những ca khúc da vàng rất đáng được cất lên ở Việt Nam.

NVT

alt
Trịnh và Ngô Minh, Huế 1989


Ngô Minh

1.Trưa ngày 1-4 năm 2001, nhà thơ Thạch Quỳ ở Vinh vào chơi, cùng các nhà thơ Mai Văn Hoan, Phương Xích Lô uống rượu tại nhà tôi. Không hiểu do thần giao cách cảm hay linh cảm mà câu chuyện bên chiếu rượu của chúng tôi hôm đó chỉ bàn về một thế hệ đông đảo người Huế tài hoa nổi tiếng từ những năm 60 của thế kỷ trước như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Ngô Kha, Trần Quang Long... Thế rồi buổi tối, hàng chục cú điện thoại của bạn bè ở Sài Gòn, Huế tới tấp phôn cho tôi báo tin dữ : ‘Ngô Minh ơi, Trịnh Công Sơn... mất rồi !”. Ôi, nhạc sĩ tài hoa của đất nước, người con thân yêu của Huế đã về cùng cát bụi ! Mồng 1 tháng Tư là ngày nói dối, hay là tạo hoá đùa trêu ?...

...Hát bụi nào hoá kiếp thân tôi
Rồi một mai tôi về làm cát bui
Ôi, cát bụi tuyệt vời…

Đứa con trai út Ngô Hải Tân của tôi, lúc đó sinh viên năm thứ hai Đại học kiến trúc Hà Nội, học ở Huế, đi học về vội vàng mở băng đĩa CD Hạ Trắng của Trinh Công Sơn do Khánh Ly hát thật to. Nó trầm ngâm bảo :” Ba biết không, bác Sơn đi rồi ! Không phải cá tháng Tư đâu !”.Suốt đêm mùng một và ngày mùng hai tháng Tư, hầu như cả thành phố Huế mở nhạc Trịnh.Tôi ghé nhà của nhà phóng viên báo Thế giới Điện Ảnh Thanh Tú, anh mở nhạc Trịnh Công Sơn , rồi nằm một mình lặng im bên chiếc máy hát và chén rượu... Mấy ngày đó tôi thẫn thờ như người mất hồn. Mới hôm nào đây anh Sơn ra Huế, nâng cùng bạn bè chén rượu. Tôi ôm eo anh nâng lên nhấc nhấc xem anh độ bao nhiêu ký. “Ôi, sao anh nhẹ như xốp thế này”. Anh bảo :” Anh bây giờ là hư vô !”. Anh xốp vì uống nhiều rượu và hút thuốc lá quá độ. Anh bị bệnh tiểu đường và nhiêù thứ bệnh nan ý khác hành hạ bao nhiêu năm nay. Nên bây giờ anh nhẹ như hư vô :

Chiều mong manh quá nắng vàng ơi
Lá hát đời sông tóc trắng trời
Thân gầy bóng đổ dài phương gió
Người thôi thoáng chốc đã mù khơi… (NM)

2. Một chiều chủ nhật nắng tắt, tôi ngồi uống rượu đẻn cùng mấy anh bạn thơ Đồng Hới trong quán Hạ Trắng bên biển Hải Thành, Nhật Lệ, nhấm với tiếng hát Khánh Ly trong Sơn ca 7 từ cái cat-sét của cô chủ quán. Nhà thơ Lê Đình Ty thốt lên:” Không có gì có lý hơn ngồi uống trong quán Trịnh , nghe bài hát Trịnh trong một chiều biển hoang vắng gió nồm như thế này !”. Quán Trịnh, cách gọi của bạn tôi là một phát hiện thú vị về Trịnh Công Sơn. Vâng, có Nhạc Trịnh, Phố Trịnh , nên cuộc đời cũng có rất nhiều Quán Trịnh .

Trịnh Công Sơn có giọng hát rất hay, nhưng rất buồn : Chiều nay em ra phố về . Thấy đời mình là những quán không...”. Ấy là tâm linh, tâm cảm của người nhạc sĩ .Còn trên khắp các phố thị , thôn quê trong cả nước, các quán Trịnh bao giờ cũng đông khách. Ở miền Nam trước 1975 đã có rất nhiều quán mang tên các ca khúc Trịnh Công Sơn như Da Vàng, Hạ Trắng.... Sau ngày giải phóng, quán Trịnh phát triển ra các tỉnh thành miền Bắc. Tôi thường đến công tác ở các thành phố thị xã như Pleiku, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Đà Lạt ,Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng...ở đâu tôi cũng gặp Quán Trịnh . Ngay trên con đường Hải Thành , Đồng Hới này, tôi đếm được ba quán lấy tên bài hát Trịnh Công Sơn đặt tên quán: Hạ Trắng, Biển Nhớ, Môi Hồng . Còn ở Hà Nội , Huế và Thành phố Hồ Chí Minh , nơi Trịnh Công Sơn đã sống trong thời gian dài đến cuối đời , thì không thể đếm hết các Quán Trịnh: Diễm Xưa, Da Vàng, Rừng Xưa, Xuân Hồng, Nguồn Cội, Quỳnh Hương, Bống Bống, Địa Đàng, Thiên Thu, Heo May .v.v. Có thể nói : không có nhạc sĩ Việt Nam nào lại được giới thương nhân mến mộ , tên các ca khúc của mình lại được “tham dự”vào tên nhiều quán trên thương trường như Trịnh Công Sơn ! Quán Trịnh là những quán rượu, quán cà phê, karaoke , cả nhà hàng đặc sản ... Đặc điểm chung của các quán Trịnh là có “ đặc sản” nhạc Trịnh phát bằng băng sat-sét, đĩa hình.v.v..và khách đến , ngoài việc nhấm nháp , gặp gỡ nhau, còn có thêm một nhu cầu nữa là để được cùng bạn bè, người tình ngồi một góc im lặng lắng nghe những bài hát hay của Trịnh. Dù những chủ quán trẻ hôm nay chưa một lần gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn , nhưng họ đặt tên quán để thổ lộ tình yêu , sự ngưỡng mộ của mình đối với nhạc Trịnh . Và tất nhiên là để thu hút khách nữa. Người Huế bảo :” Hạnh phúc là ly ca phê và nhạc Trịnh”. Từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời đến nay, các quán Trịnh càng phát triển hơn. Nhiều quán nhậu còn mời các ca sĩ có tiếng đến hát ca khúc Trịnh cho khách nghe hàng đêm , vì các thương gia đã nhận chân được sự ngưỡng mộ lớn lao của cả nước đối với nhạc sĩ tài hoa của mình.

Các Quán Trịnh không chỉ lấy chữ của Trịnh để đặt tên quán, mà đã mời cả Trịnh Công Sơn làm “tiếp thị” cho họ . Năm 1995, tập đoàn rượu nổi tiếng Martell trong chiến lược mở thị trường sang Đông Nam Á của mình đã chọn Trịnh Công Sơn làm “sứ giả” ! Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người bạn thân của Trịnh kể rằng, nhân kỷ niệm 280 năm thành lập Martell , ông Patrick chủ hãng sang Sài Gòn đã trực tiếp đưa giấy mời sang Châu Âu làm khách quý của tập đoàn Martell . Dịp đó Trịnh Công Sơn đến Luân Đôn cùng với những người nổi tiếng, các hoàng tử trên thế giới làm khách quý của Martell , được mời sang Anh dự cuộc đua ngựa ở thành phố Lyverpool do hãng Martell bảo trợ và sang Pháp tham quan lò rượu Martell, uống rượu Martell không mất tiền. Ở trên tủ buýp phê trong phòng khách của Trịnh Công Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh có một tấm bằng kỷ niệm lồng kính, chữ viết tay bằng mực đen: ‘’ Martell thành lập năm 1715. Ngày hôm nay những cánh của Thiên đường của chúng tôi đã mở ra để cho phép ông Trịnh Công Sơn nếm thử một ly Cognac của năm 1848 để lâu trong thùng và già đến 65 năm. Một ly Cognac của năm 1875 để lâu trong thùng và già đến 49 năm. Sự kiện này đã được lưu giữ trong cuốn sổ vàng của chúng tôi đề ngày 11 tháng 4 năm 1995. Patrick Firino Martell . “

Quán Trịnh còn mở sang thị trường du lịch. Hiện nay nhiều điểm du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh có quảng cáo ca nhạc Trịnh Công Sơn. Ở khu du lịch Bình Quới I, có “ Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn”. “Cõi đi về” này dành riêng cho Trịnh lúc đầu mang tên “ Hội quán Hội Ngộ” theo sáng kiến và nhạy bén thị trường của SaiGonTourist. Đây là nơi dành cho Sơn nghỉ ngơi, sáng tác, gặp gỡ bạn bè, công chúng...Ở Hội Quán này đã mấy lần triển lãm tranh Trịnh, và anh thường xuyên đến đây để giao lưu với những người mến mộ. Khách du lịch đến Khu du lịch Bình Quới đều ghé Quán Trịnh để xem tranh do nhạc sĩ vẽ, trực tiếp anh anh đàn hát, trò chuyện cùng anh.v.v..Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời ” cõi tạm” , thì Hội Quán trở thành nhà lưu niệm trưng bày các kỷ vật, tác phẩm hôi họa, âm nhạc, những hình ảnh, tư liệu, các đồ dùng hàng ngày của nhạc sĩ... để phục vụ người mến mộ. Hội quán Hội Ngộ (Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn) đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn ở Bình Quới! Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý xây dựng một Khu lưu niệm Trịnh Công Sơn ở Huế và giao cho Hội Văn nghệ tỉnh thực hiện Huế . Đây cũng là một hình thức tạo nên một điểm du lịch mang tên Trịnh. Ậm ạch hai năm rồi, Khu lưư niệm Trịnh Công Sơn vẫn chỉ dừng trên giấy. Tôi cứ mong có một cõi Trịnh Công Sơn như thế...

3. Trịnh Công Sơn là thiên tài âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX . Di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn là vô giá , mãi mãi là niềm tự hào của người Việt Nam. Trịnh Công Sơn vẫn đi về trong lòng người mỗi ngày. Tám năm Trịnh Công Sơn về “với cát bụi” , đã có hàng chục sách viết về anh, cuốn văn học mới nhất là tập bút xuất sắc “ Cây đàn lia của Hoàng tử bé” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường . Âm nhạc Trịnh ngày càng lay động chiều sâu tâm thức hàng chục triệu người. Đã là người Việt, từ già đến trẻ không ai không hát Trịnh , không gia đình nào không có trong nhà một băng hay đĩa nhạc Trịnh ....Sống trong đời sống .Cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi...

Không chỉ ở Việt Nam, âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng ngày càng chinh phục thế giới . Ngay từ năm 1972, Trịnh Công Sơn đã được vào Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài Ngủ đi con, trong Ca khúc Da vàng, qua giọng hát Khánh Ly, phát hành trên 2 triệu đĩa . Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách khoa Pháp “ Encyclopédie de tous les pays du momde”. Hiện nay nhạc Trịnh đã có mặt tại nhiều nước Châu Á, châu Âu, Châu Mỹ... Có một chàng trai người Đức mang họ Trịnh luôn cùng mới bạn bè hát Trịnh Công Sơn; Có một cô gái Nhật Bản năm nào cũng sang Việt Nam để viếng mộ Trịnh, có nhà nghiên cứu phương Tây John C. Schafer cũng đam mê viết cả cuốn sách Hiện tượng Trịnh Công Sơn ...

Đặc biệt , ngày 3-2-2004, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã công bố “Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới” (WPMA). Sáu tên tuổi âm nhạc nổi tiếng thế giới được giải thưởng lần này là Bob Dylan , Conuntry Joe & the Fish, Hary Belafonte, Joan Baez, Peter, Paul & Mary và Trịnh Công Sơn. WPMA tôn vinh những người đã đem âm nhạc của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và nhân đạo trên thế giới. Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay!

Kể từ ca khúc đầu tiên Ướt mi công bố năm 1959, trải 40 năm sáng tác, Trịnh Công Sơn đã để lại gia sản trên 600 ca khúc lay động lòng người . Người ta chia ca khúc Trịnh thành “ ba dòng” : Dòng trữ tình, dòng phản chiến và dòng giải thoát bản ngã!. Lý thuyết là thế , nhưng tôi nghĩ dưới góc nhìn “ hòa bình và nhân đạo” thì hầu như ca khúc nào của Trịnh cũng là vút lên từ tận cùng sâu thẳm của tình yêu cuộc sống và nỗi đau phận người . Đó chính là tầm cao , sự vĩnh cửu của âm nhạc Trịnh

Nhưng phải nói dòng ca khúc phản chiến , ca khúc vì hòa bình của Trịnh Công Sơn đã góp một sức nặng lớn lao trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta vì hòa bình và thống nhất Tổ Quốc. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng :”..Từ năm 1966, trong vòng 10 năm, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến duy nhất ở “ miền Nam” . Nhạc sĩ yêu nước thì có nhiều người, nhưng nhạc sĩ phản chiến duy nhất chỉ có một “. Những bài hát trong các tập Ca khúc Da Vàng và Kinh Việt Nam, không mô tả chiến tranh, mà vạch ra những vết sẹo chiến tranh : Mẹ cầu cho em. Tuổi xanh đừng biến mất... Tiếng hát Trịnh Công Sơn là tiếng hát đòi được sống, đòi được làm người, đòi được hưởng hạnh phúc trên đất nước thanh bình : Yêu quê hương nước mắt lưng tròng. Người con gái ngồi mơ thanh bình... Người con gái chợt ôm tim minh . Trên da thơm vết máu loang dần... Những ca khúc Chỉ có em, Chưa mất niềm tin, Người con gái Việt Nam da vàng, Kinh Việt nam, Đại bác ru đêm ,Gia tài của Mẹ... luôn xoáy vào lòng người vết thương nhân loại, cất lên như tiếng kinh cầu nguyện cho số phận con người, nên có sức cuốn hút, tập hợp con người đứng lên chống chiến tranh rất lớn :

Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe

( Đại bác ru đêm)

Không chỉ “phản chiến”, âm nhạc Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn trước ngày 30-4- 1975 còn công khai rất nhiều bài hát về nỗi khát khao thống nhất đất nước : Huế -Sài Gòn- Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa...Việt Nam ơi còn bao lâu. Những con người ngồi nhớ thương nhau .... Ngày mai đây những con đường Nam-Bắc nở hoa... Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu... Mẹ dâng miếng cau mẹ dâng ngọn trầu...( Huế- Sài Gòn- Hà Nội) . Trịnh Công Sơn đã cùng bè bạn hát vang ở Sài Gòn ca khúc Nối vòng tay lớn loan tin thống nhất đất nước đến mỗi gia đình!

Mỗi ngày tôi chợt ngồi thiệt yên
Chợt nghĩ quê hương, nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim...

Nhiều năm sau chiến tranh, Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca khúc Huyền thoại mẹ là một trong những bài hát hay nhất về mẹ anh hùng trong cuộc chiến đấu, hy sinh của dân tộc ta vì hòa bình và thống nhất đất nước. Anh Sơn kể với chúng tôi trong một cuộc rượu ở Huế rằng : “ Dạo mình ra Quảng Bình, được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn, rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, rồi tôi nghĩ đến mẹ của mình, viết thành bài hát...” . Sau giải phóng 1975, sinh viên học sinh miền Nam phải đi đào mương, làm thủy lợi khắc phục tàn tích chiến tranh, có người cho rằng “ Nhà nước cộng sản đày đọa học sinh”. Nhưng Trịnh Công Sơn lại làm ca khúc để động viên họ : Em ở nông trường, em ra biên giới / Có những bước chân đi không về...Có tình yêu lớn bao trùm mọi thành kiến mới thấu hiểu được lòng người. Trịnh Công Sơn viết về mùa thu Hà Nội hay da diết : Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ / Nằm kề bên nhau/ phố xưa nhà cổ/ mái ngói thâm nâu... là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội . Anh viết nhạc cho thiếu nhi Em sẽ là mùa Xuân của mẹ... cũng được trẻ em cả nước hát mấy chục năm nay

4. Anh Nguyễn Văn Hóa, giám đốc Xí nghiệp in chuyên dùng ở Huế là người rất say mê Trịnh Công Sơn. Trong phòng giám đốc của anh treo một bức ảnh phóng to chụp bức tranh họa sĩ Bửu Chỉ vẽ khuôn mặt Trịnh Công Sơn trong cây đàn ghi ta rất ấn tượng . Đến nỗi khi đến mừng nhà mới của tôi, anh cũng mang bức hình phóng to chụp tranh của hoạ sĩ Bửu Chỉ vẽ Trịnh đóng khung sang trọng tặng vợ chồng tôi. Trong chuyến tôi theo xe anh Hóa lên Khe Sanh ( huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường đang chữa bệnh ở đấy, dọc đường tôi nghe anh Hóa ngâm những đoạn ca từ của Trịnh, như ngâm thơ vậy . Vâng, ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn là những áng thơ tuyệt tác. Đó là nhận xét của rất nhiều người. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến gọi ca từ của bài hát Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn là là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ 20. Ca từ cũng là một phần làm nên sức mạnh trường tồn của âm nhạc Trịnh.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi...
...Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi...

Bởi thế mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi làm tập sách :” Trịnh Công Sơn- Một Cõi đi về” đã chọn in riêng trên 60 ca từ của Trịnh, in thành những bài thơ. Cách làm đó làm cho độc giả dễ nhận ra chất thơ bi tráng và sâu thẳm trong ca từ của Trịnh. Câu ca từ nào cũng là câu thơ hiện đại, ám ảnh :

Nghe bao nỗi đau trên hai bàn tay
( Tôi đang lắng nghe)
Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ
( Có một dòng sông đã qua đời)
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi...
( Để gió cuốn đi)
Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau...

Trịnh Công Sơn có hàng ngàn câu thơ viết ra từ cõi tâm linh, từ sự chiêm cảm của kiếp người. Ca khúc Trịnh là thế giới hiện sinh, cũng chính là tư tưởng Phật Giáo hiện hữu trong máu của anh. Huế là đất Phật. Trịnh bảo : ‘ Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi’. Trịnh lại bảo : ‘ Bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật’. Những chữ như ‘ hư vô’, ‘hư không’, ‘ cõi đi về’ , ‘ Đoá hoa vô thường’ ‘ ở trọ’ ,cát bụi.v.vv.. là ngôn ngữ Phật thường xuyên xuất hiện trong ca từ Trịnh : Con chim ở đậu cành tre / Con cá ở trọ trong khe nước nguồn / Tôi nay ở trọ trần gian / Trăm năm về chốn xe xăm cuối trời ...Những Lời ca đó là triết học, là nhân sinh thăm thẳm. Tôi thầm ước mình làm được những câu thơ thần linh đó !

5. Năm 1976, tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi về Huế gia nhập đội quân văn nghệ của tỉnh Bình Trị Thiên. Mặc dù đã nhẩm hát nhạc Trịnh Công Sơn suốt bốn năm trời ở rừng miền Đông Nam Bộ, nhưng những ngày tháng ấy tôi mới được làm quen với anh. Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất, Trịnh Công Sơn ngồi bên bàn trước hội trường để thu tem phiếu lương thực và ghi tên đại biểu . Đó là công việc hành chính ở cơ quan Hội. Anh tươi cười bắt tay từng người , đeo kính cận dày cộp ngồi đếm đi đếm lại từng ô tem phiếu, vì thời bao cấp ấy, thiếu tem phiếu thì không thể nào bù được, không thể báo cơm ở khách sạn cho đại biểu được ! Rồi anh cùng cơ quan lên Bình Điền ( Huế), Cồn Tiên (Quảng Trị) cuốc đất trồng sắn, khoai. Đất đồi thì cứng, thân anh thì mảnh mai, gầy yếu, cuốc được ngày thì anh phồng dộp cả bàn tay.( bởi thế mà sau này có cây bút hải ngoại vu cho Hoàng Phủ Ngọc Tường , lúc đó là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh đã bắt Trịnh Công Sơn phải làm bản kiểm điểm về việc đi tăng gia!). Trong lúc cả nước đói, ai cũng phải cuộc đất trồng sắn, trồng khoai, riêng gì anh Sơn. Nhưng tôi thấy anh đi ‘tăng gia’ rất vui vẻ, vừa làm vừa hát. Anh còn đi tham gia lao động tại công trường Nam Thạch Hãn... Không việc gì anh không làm. Nhưng thời gian đó, dường như anh viết nhạc ít đi. Đó là sự thực

Một số nhạc sĩ ở miền Bắc vào ở Huế lúc đó cho rằng, nhạc Trịnh Công Sơn là “nhạc vàng” . Họ tổ chức cho sinh viên hội thảo phản đối nhạc vàng ! Họ giăng cả biểu ngữ trước cửa trường Đại học Sư Phạm phản đối nhạc vàng . Một số nhà quản lý văn hoá cực đoan còn cấm hát rất nhiều bài hát phản chiến của Trịnh. Vì họ cho rằng Trịnh chống chiến tranh chung chung, không phân biệt địch- ta, không phân biệt chính nghĩa và phi nghĩa. Thời kỳ đó, ở Huế người ta tổ chức một số cuộc họp để thảo luận về âm nhạc Trịnh Công Sơn với cách mạng. Những người bạn của Trịnh như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân đã tìm mọi cách nói cho các quan chức văn hoá biết rằng, Trịnh Công Sơn là một người yêu nước, trước và sau năm 1975 đã viết nhiều ca khúc cách mạng . Nhưng một số người vẫn chưa tin. Ngay cả bài hát nổi tiếng Nhớ mùa thu Hà Nội viết năm 1984, cũng bị cho là ‘có vấn đề’, nên bị đình chỉ cấm hát đến hơn 2 năm. Tất cả chỉ vì câu hỏi lặp đi lặp lại : ‘Từng con đường nhỏ trả lời cho tôi’. Người ta cho rằng câu hỏi đó là câu hỏi gì, ai sẽ trả lời, đó là ‘biểu tượng hai mặt’. Những người đó không hề biết hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng đa nghĩa, càng đa nghĩa càng tốt . Vì viết “ nhạc vàng”, nhạc không phân biệt địch-ta, nên mãi đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước , Trịnh Công Sơn mới được “kết nạp” vào Hội nhạc sĩ Việt Nam ! Nhưng họp thì họp, nói thì cứ nói, cấm mặc cấm. Họp xong, nói xong. cấm xong mọi người lại hát Trịnh Công Sơn suốt đêm ngày ! Có lẽ vì sự đối xử đó mà năm 1979, Trịnh Công Sơn đã chuyển vào sống ở Sài Gòn và ngay lập tức được bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố, uỷ viên điều hành Hội nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh .

Sau này tôi thường lui tới căn hộ chung cư của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đường Nguyễn Tường Tộ, bên bờ An Cựu, gần nhà thơ Phú Cam. Đây chính là căn nhà Trịnh Công Sơn đã ở trong một thời gian dài. Khi chuyển vào sống ở Sài Gòn, anh Sơn đã bảo chính quyền tỉnh sang tên ngôi nhà cho vợ chồng Tường- Dạ. Đứng bên ban công dưới hàng long não, nhìn ra bờ sông, nhìn qua Thánh đường Phú Cam trong chiều sương tím Huế, nghe âm hưởng của cây lá, của gió, của sông của bước chân con gái đi bộ qua đường... Hoặc đi bộ dọc sông An Cựu qua cầu Bến Ngự lên chùa Phổ Quang , nơi Trịnh Công Sơn gửi pháp danh Phật của mình , nghe dế kêu trong cỏ, gió rì rào trong lá, tôi nhận ra đây chính là giai điệu Trịnh Công Sơn ! Trịnh Công Sơn đã viết hàng trăm ca khúc ở căn phòng này. Lần ra Huế dự “ Đêm nhạc Trịnh Công Sơn quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo học giỏi”, anh Sơn nâng cùng anh em chén rươụ Chuồn, tâm sự :” Trong lời bài hát của mình không có một từ nào về các địa danh của Huế, nhưng toàn bộ âm nhạc của mình chính là Huế đấy, Huế của kiếp người...”. Vâng, trên 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn để lại là một phần của Di sản văn hóa Huế , tồn tại mãi với thời gian...

Âm nhạc Trịnh Công Sơn là âm nhạc vì con người nên ở lại mãi với hồn người, không biên giới, “cao hơn mọi thành kiến trên đời “ ( chữ của Anh Ngọc) . Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới của Liên Hiệp Quốc là sự tôn vinh ở tầm cỡ thế giới về Di sản âm nhạc của Trịnh . Đây cũng là sự tôn vinh một nhân cách sống và bản lĩnh sáng tạo của một thiên tài âm nhạc.



Một: Giới trẻ cũng có nhiều người thích “nhạc Trịnh”. Họ còn để ý nhiều chi tiết ngộ nghĩnh trong các bản nhạc như: ca từ là lạ, độc đáo: *“ lòng như khăn mới thêu”, * “lòng như nắng qua đèo”, * “mừng như bão cát quay cuồng”.. có tính tiên tri, tiên đoán: * phá rừng: “rừng đã cháy và rừng đã héo… rừng đã khô và rừng đã tàn”, * ô nhiễm môi trường: “ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”, *kẹt xe: “tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận”…*tai nạn giao thông: “Hôm nay ra phố với người, chật trong phố xá những lời phân ưu”, *thuỷ điện tràn lan: “Đàn bò tìm dòng sông, nhưng dòng nước cạn khô”, *ngư dân bị bắt bớ trên biển Đông: “Ngày mai em đi biển có bâng khuâng gọi thầm… bàn tay nghe ngóng tin sang… sỏi đá trông em từng giờ”, *đạo đức suy đồi (vợ đốt, thuốc độc chồng, chồng chém vợ thiêu vợ, nữ sinh rạch mặt nhau, cha búa đầu con..): “Trên nhân gian chia lìa, lòng đầy những oán thù”, “gia tài của mẹ, một bọn lai căng, gia tài của mẹ, môt lũ bội tình”……
Hai: Đúng ngày này năm trước, Thành phố Huế chọn con đường mới, khá đẹp, dọc bên bờ sông Hương đặt tên là đường Trịnh Công Sơn. Ngày khai sinh đường, 01/4/2011, đường còn thưa vắng, ít người qua lại. Chỉ một năm trôi qua, đường Trịnh Công Sơn bây giờ rất phát triển, đông vui vì văn hóa “nhậu nhẹt”, hàng quán mọc lên san sát… Cũng có người than phiền, nhưng nghĩ lại chẳng có gì phải làm ầm ỉ cả !!!

Lúc mới gắn bảng tên


Quán xá hiện nay

Ba:  Có một quán nhậu bình dân, rất “Trịnh”, ngay đầu đường Bạch Đằng, sát múi cầu Gia Hội. Nghe đâu ngày trước, nhạc sĩ tài hoa của chúng ta cũng hay nhậu tại đây.
Đến Huế, cũng nên ghé lại đây…một tí.
Quán rượu “Trịnh Công Sơn” (cấp 4, màu vàng)


 Khán giả không ngại trời mưa vẫn nhiệt tình đến tham gia chương trình

 Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - day dứt trong ca khúc Ru tình.

 Ca sĩ Lan Ngọc thể hiện hai ca khúc Diễm xưaThương một người

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn thể hiện tiếng kèn điêu luyện trong hai ca khúc
 Ru ra ngậm ngùiNhư cánh vạc bay.

Đức Tuấn sôi động và trẻ trung trong liên khúc thiếu nhi.

Nhóm tứ ca MQV lần đầu tham gia chương trình kỷ niệm ngày mất nhạc sĩ họ Trịnh.

Nhóm It's Time thể hiện Con mắt còn lại với phong cách acoustic.

Lân Nhã hát da diết bài Như một lời chia tay.







 Minh Thuỳ

Nhân tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân, một bộ phim bị bỏ quên hơn 30 năm bỗng nhiên được đưa ra ánh sáng: phim Đất Khổ dưới hình thức DVD. Ngay cả những người tham gia thực hiện bộ phim từ đạo diễn Hà thúc Cần, nhà văn Nhã Ca, nhạc sĩ Trịnh công Sơn, luật sư kiêm nhà thơ Lưu nguyễn Đạt, các diễn viên Kim Cương, Bích Hợp, Vân Quỳnh...cũng tưởng bộ phim đã bị “biến mất”.
Bấm vào đây để nghe tiết mục này
Download story audio
Đến nay một số người trong đoàn làm phim đã ra đi, nhưng rất may bộ phim vẫn tồn tại sau một thời gian dài lưu lạc. Minh Thùy xin giới thiệu cùng quí thính giả Đài RFA về phim Đất Khổ và phỏng vấn 2 người có liên quan đến bộ phim.
Những âm thanh các bạn đang nghe trích từ một cảnh chạy loạn trong phim Đất Khổ, đạo diễn Hà thúc Cần đã quay được những cảnh sống thật rất đau thương của người dân Việt Nam trong thời điểm chiến tranh năm 1972, vẫn được biết với tên Mùa hè đỏ lửa.
Phim Đất Khổ khởi đầu thực hiện năm 1971, hoàn tất năm 1974, nhưng không được phép trình chiếu ở miền nam Việt Nam với lý do “có tính phản chiến”. Sau biến cố năm 1975, bộ phim cũng theo số phận đa số người dân miền nam di tản ra nước ngoài, được cất giữ gần 20 năm do một nhà đầu tư người Mỹ, George Washnis, có lòng quan tâm đến Việt Nam.
Năm 1996 ông đã nhờ một Viện Đại học ở Washington đưa ra trình chiếu phim Đất Khổ vì ông “muốn cho nhiều người biết về lịch sử, về cuộc chiến tranh Việt Nam”. Rất may và tình cờ, cô Đinh Từ Bích Thúy là giám đốc Liên hoan Phim Á Mỹ năm 1996 đã chú ý và xem phim Đất Khổ. Những cảnh thật trong phim với những thân phận, tâm trạng của người dân, người lính miền nam đã khiến cô xúc động và quyết định đưa phim Đất Khổ vào chương trình Liên hoan phim đồng thời viết bài giới thiệu về Đất Khổ trên trang văn chương mạng Damàu.
Sau đây là bài phỏng vấn của Minh Thùy với Đinh từ Bích Thúy và nhà thơ Lưu nguyễn Đạt, một diễn viên trong phim. Các bạn có thể tìm mua DVD phim Đất Khổ trên web Amazone.com và xem trích đoạn phim Đất Khổ theo website sau đây: http://www.youtube.com/user/DatKhoTheFilm
Minh Thùy: Với tư cách giám đốc phụ trách chương trình phim Việt Nam trong Liên hoan phim Á Mỹ năm 1996, vì sao Bích Thúy và nhóm phim Việt Nam đã chọn phim Đất Khổ làm bộ phim chính trong Liên hoan phim Á Mỹ năm đó?
Thực sự phim Đất khổ không phải là phim chính của Liên hoan phim Á Mỹ năm 1996, phim chính năm đó là của đạo diễn Charlie Trực Nguyễn là phim Thời Hùng Vương thứ 18. Còn phim Đất Khổ là sự may mắn, tình cờ thôi. Vì trước khi Liên hoan phim Á Mỹ ra mắt ở Washington DC, thì Đất Khổ được chiếu trong chương trình của Hội American Film Institute.
Bích Thúy: Thực sự phim Đất khổ không phải là phim chính của Liên hoan phim Á Mỹ năm 1996, phim chính năm đó là của đạo diễn Charlie Trực Nguyễn là phim Thời Hùng Vương thứ 18. Còn phim Đất Khổ là sự may mắn, tình cờ thôi. Vì trước khi Liên hoan phim Á Mỹ ra mắt ở Washington DC, thì Đất Khổ được chiếu trong chương trình của Hội American Film Institute.
Khi xem thì thấy rất ngạc nhiên, rất mừng và cảm động, phim dài khoảng 2 tiếng, đây là phim của miền nam Việt Nam trước năm 75, thấy tên tuổi người trong phim thì nhận ra ngay, nhất là tên Trịnh công Sơn, kịch bản là của Nhã Ca. Sau khi phim chiếu ở Liên hoan phim Á Mỹ 2 tuần, cũng có nhiều người Việt Nam tới xem, sau đó phim đi sang Cali rồi Texas nhờ sự xuất hiện từ Washington DC này.
Cuối tháng 5-2007 thì em liên lạc được với ông Võ tá Hân ở Singapore, là bạn của ông Hà thúc Cần. Ông nói: tôi là bạn thân của ông Hà thúc Cần, nhưng rất tiếc là ông Hà thúc Cần đã qua đời từ năm 2004, ông Hà thúc Cần không chia xẻ những chi tiết tỉ mỉ về phim, chỉ nói phim Đất Khổ là một điều rất thành đạt mà ông hãnh diện nhất trong đời ông.
Minh Thùy: Đa số người Việt Nam không biết đến phim này, chưa từng xem mà cũng chưa từng nghe nói đến tên bộ phim nữa. Riêng Bích Thúy đã xem phim rồi thì Bích Thúy có nhận xét gì về phim Đất Khổ ? Có phải bộ phim có tính phản chiến như từng bị chính phủ miền nam Việt Nam đánh giá, do đó đã cấm phát hành, cấm trình chiếu trước năm 1975 không?
Bích Thúy: Nếu nói là phim phản chiến thì không hẳn đúng. Phim này rất đa dạng, câu chuyện phong phú, cách đóng phim tự nhiên, cách đạo diễn và khái niệm chung về phim là phim sống thực. Nó diễn tả tất cả mặt phải mặt trái của vấn đề (chiến tranh).
Nó là phim khách quan, hay là phim đứng ở giữa, không phải là phim bênh vực chính quyền miền nam Việt Nam, cũng không phải hoàn toàn chống cộng, không phải là phim phản chiến, nó đứng thế đứng ở giữa. Như một vai chính Quân do Trịnh công Sơn đóng thì là người không đi lính, có thể gọi là người trốn lính, mà thật sự ông có lý do về lương tâm tại sao lại không đi lính, lại đứng giữa, đóng vai người nghệ sĩ, quan sát hết những gì xảy ra chung quanh. Đó là cái nhìn của Hà thúc Cần, một người đứng giữa.
Trong cảnh khác, ông đóng vai người anh của Trịnh công Sơn thì cũng là người có lý tưởng, ông nói là ông không hiểu tại sao Trịnh công Sơn lại chọn chuyện trốn lính, không làm gì hết, chỉ đi ca hát, thì ông có cái view của ông, chứ không phải hoàn toàn không có lý tưởng. Phim đưa ra nhiều cái mà mình phải suy nghĩ. Không có ai thật sự là anh hùng mà cũng không có ai xấu, họ là người. Cái nhìn đó rất sống thực.
Cũng có nhân vật cô sinh viên do Vân Quỳnh đóng (ngưòi em gái của Quân và Nghĩa) chống cả người anh đi lính cộng hòa, cô thuộc thế hệ trẻ bất mãn, không muốn ngồi ì đó, cũng không muốn chỉ là nghệ sĩ, muốn làm cái gì đó. Em thấy điều đó cũng sống động, sống thực. Em đọc lại lịch sử thời đó thì biết có những người thời đó họ không biết là ở phe nào, họ cũng bất mãn vì thấy cả hai bên đều có khiếm khuyết, và điều đó có xảy ra.
Trong khi đó thì thấy bên Cộng sản không xuất hiện trong phim, họ là một lực lượng gần như vô hình nhưng họ nguy hiểm, vì có những cảnh chạy loạn, người dân bị đạn lạc, tự nhiên bị chết chóc, giống như mình có cái view về chiến tranh Việt Nam, mà mình thấy hết từng mọi khía cạnh của nó, đầy đủ mà thấm thía. (Ghi chú: đây là những cảnh người dân miền Trung chạy loạn mà đạo diễn Hà thúc Cần đã quay phim sống thật vào năm 1972)
Thời điểm trước năm 75 người ta chưa sẵn sàng nhìn thấy toàn diện như vậy, họ chỉ nhìn thấy một vấn đề, lúc đó trong chiến tranh, họ sợ những vấn đề làm họ hoang mang. Em hiểu tại sao phim bị cấm. Gần 20 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, em rất cảm động thấy may mắn được xem cuốn phim như vậy, vì nó cho em có cái nhìn toàn diện về chiến tranh Việt Nam.
Nó cho mình một cái nhìn toàn diện và cũng rất khách quan, nên em cũng cám ơn ông Hà thúc Cần đã cho em có cái nhìn như vậy.
Lý do tôi nhận vai một nhân vật trong phim Đất Khổ, là trước đây tôi từng quen anh Hà thúc Cần, Trịnh công Sơn, anh Trần dạ Từ, chị Nhã Ca. Khi anh Hà thúc Cần có ý định làm ra phim Đất Khổ có đến gặp tôi, cho tôi xem cốt truyện thì tôi thấy cốt truyện này có giá trị, có thông điệp có tính cách nhân bản dù ngay trong lòng cuộc chiến lúc đó. Đó là lý do tôi nhận vai trung sĩ Nghĩa trong phim.
Minh Thùy: Chào anh Lưu Nguyễn Đạt, tôi có xem qua vài trích đoạn phim Đất Khổ trên Youtube, thấy anh đóng vai một người lính trong phim. Tôi nhớ ngày xưa khi còn ở Saigon cũng ít nghe đến tên diễn viên Lưu nguyễn Đạt nên cũng hơi thắc mắc không biết nhân duyên nào đưa anh tham gia đóng phim Đất khổ?
Lưu nguyễn Đạt: Lý do tôi nhận vai một nhân vật trong phim Đất Khổ, là trước đây tôi từng quen anh Hà thúc Cần, Trịnh công Sơn, anh Trần dạ Từ, chị Nhã Ca. Khi anh Hà thúc Cần có ý định làm ra phim Đất Khổ có đến gặp tôi, cho tôi xem cốt truyện thì tôi thấy cốt truyện này có giá trị, có thông điệp có tính cách nhân bản dù ngay trong lòng cuộc chiến lúc đó. Đó là lý do tôi nhận vai trung sĩ Nghĩa trong phim.
Thực ra tôi không hề đóng trong phim nào khác, tôi chỉ là diễn viên tình cờ, lúc đó tôi là luật sư tòa Thượng thẩm Huế và Saigon, sự tham dự của tôi có tính cách dấn thân vào việc tiêu biểu có ý nghĩa, đó là sự thực hiện cuốn phim Đất Khổ vào năm 1971-72 ở Huế và Saigon.
Minh Thùy: Tôi thấy tuy là diễn viên không chuyên mà anh đóng rất đạt. Anh có bằng lòng với vai người lính trong phim? Sau khi bộ phim hoàn tất, thực hiện xong vai diễn viên người lính, anh suy nghĩ gì về phim Đất Khổ, về thân phận người dân và cả người lính Việt Nam trong cuộc chiến?
Lưu nguyễn Đạt: Tôi thủ vai anh trung sĩ biệt động quân Nghĩa. Nghĩa là một cựu sinh viên tranh đấu và là người tôn trọng bổn phận của mình, thành 1 trung sĩ biệt động quân. Nhưng khi anh trở về làng mạc của mình thì thấy mọi cảnh tan hoang. Anh đã tham dự cuộc chiến nhưng cũng ý thức được sự phi lý của cuộc chiến. Đó là khi anh trở về nhà, bằng phản ứng tự vệ anh định quăng lựu đạn xuống 1 cái hầm, tưởng là để giết địch, nhưng thực ra địch đó là những đứa trẻ con, chính là các em của Nghĩa còn sống sót trong cuộc chiến.
Phim Đất Khổ có nhiều khía cạnh: khía cạnh thông tin thì nó có khuynh hướng phim ảnh sự thực (cinéma vérité) mà nghệ thuật và hiện thực gần sát liền với nhau, tiêu biểu cho thời điểm liên quan tới cuộc tranh đấu Phật giáo 1965, Tết Mậu Thân 68 và mùa hè đỏ lửa 72.
Cuộc chinh chiến ý thức hệ quốc cộng là động lực chính, nhưng ở khía cạnh tiêu biểu, thì những nhân vật trong truyện được giao phó những vai có tính tạm bợ, lúc thì là trợ lực, lúc là đối nghịch trong một vở tuồng quốc tế mà cốt truyện, chương trình, diễn xuất đều không ở trong sự hiểu biết của nhân vật.
Họ chỉ là người tạm bợ được ủy thác trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn phi lý này. Anh vai Nghĩa đã tham dự và đã ý thức là cuối cùng cuộc chiến đó không đưa tới đâu, mà chỉ đến sự tàn phá của cả dân tộc và đất nước Việt mà thôi.
Cái ý nghĩa cuối cùng là ngay trong lòng cuộc chiến, chúng ta thấy được những gia đình, những con người vẫn còn ý thức được tình nghĩa, vẫn có sự nhân từ, còn hy vọng, vẫn còn muốn trở về làng ấp.
Tôi thấy Đất Khổ không phải cuốn phim về chiến tranh mà là tiêu biểu sự phá hoại của chiến tranh, không phải chống chiến tranh, mà coi chiến tranh là sự thử thách, là những khó khăn mà dân tộc chúng ta phải tìm cách vượt thoát đi. Tôi nghĩ đó là thông điệp mà anh Hà thúc Cần và chị Nhã Ca muốn tiêu biểu lên chăng?
Còn quyết định chung của chúng ta, những người trong giai đoạn hậu chiến này có dùng cuộc chiến đó như bài học hay không, coi như là sự thử thách hay không để tìm cách xây dựng lại đất nước, xây dựng lại dân tộc với đường hướng hài hòa hơn, rút tiả tấm lòng nhân từ, nhân đạo trong phim đó mà chọn con đường khác không phải là chiến tranh, chọn con đườn xây dựng. Đó là mong ước chung của dân tộc Việt Nam hôm nay.

Minh Thùy: Cám ơn nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ReviewFilmDatKhoTheLandOfSorrows_MThuy-20080225.html