Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Tưởng niệm 44 năm vụ thảm sát Mỹ Lai

Xem thêm:
Thảm sát Mỹ Lai (Wikipedia)
Tác giả bộ ảnh Mỹ Lai: 'Vụ thảm sát day dứt mãi đời tôi'
Vụ thảm sát Mỹ Lai diễn ra như thế nào?

Video:
Thảm sát ở thôn Mỹ Lai 4 - Massacre at My Lai Four

Trí Tín

Sáng 16/3, dưới chân tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) hàng trăm người dân, học sinh và bạn bè quốc tế đã dành phút tưởng niệm 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát Mỹ Lai tháng 3/1968.
Sáng 16/3, dưới chân tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), hàng trăm người dân, học sinh và bạn bè quốc tế đã dành phút tưởng niệm 504 thường dân vô tội trong vụ thảm sát Mỹ Lai tháng 3/1968.
Sau hồi chuông cầu nguyện cho linh hồn các thường dân vô tội được siêu thoát, cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm đã đứng bên chân tượng đài chứng tích kéo vĩ cầm.
Suốt 14 năm qua, đến tháng 3 cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm lại về kéo vĩ cầm dưới chân tượng đài chứng tích Sơn Mỹ ước vọng linh hồn 504 thường dân vô tội được siêu thoát. Ảnh: Trí Tín.
Từng đoàn người dâng hoa, thắp hương dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Như mọi năm, cựu binh Mỹ Bille Kelly vẫn mang đến 504 đóa hồng tươi thắm đặt dưới chân tượng đài, cùng thông điệp vì một thế giới hòa bình.
Dẫn đầu đoàn của Cơ quan hợp tác Quốc tế Koica (Hàn Quốc), ông Lee Dong Huyn chia sẻ: "Chúng tôi đồng cảm với nỗi mất mát lớn của các bạn. Tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai, chúng ta càng thấm thía nỗi đau, càng có trách nhiệm hơn, biết quý trọng nâng niu cuộc sống bình yên ngày hôm nay".
Nhân dịp này, kênh truyền hình Hàn Quốc SBS cũng thực hiện phim tài liệu xoay quanh sự kiện tưởng niệm 44 năm vụ thảm sát Mỹ Lai và sức sống vươn lên mãnh liệt từ mảnh đất đau thương của người dân Sơn Mỹ.
Cựu binh Mỹ Billy Kelly đặt tấm thiệp trong giỏ hoa hồng trong buổi sáng tưởng niệm gửi đi thông điệp vì thế giới hòa bình. Ảnh: Trí Tín.
Tháng 3 hàng năm, nhiều cựu binh Mỹ, những tổ chức quốc tế yêu chuộng hòa bình đều trở về Việt Nam, đến Mỹ Lai và lặng lẽ tham gia các hoạt động xã hội từ thiện hàn gắn vết thương chiến tranh thay cho một lời tạ lỗi.
Sau buổi lễ, cựu binh Mỹ Mike Boehm, đại diện Tổ chức Madison Quackers đã trao tặng 30 suất suất bổng (mỗi suất trị giá một triệu đồng) cho học sinh nghèo học giỏi ở Tiểu học số 1 Tịnh Khê (Sơn Tịnh).



Tin, ảnh: V.HÙNG

TTO - Sáng 16-3, tại khu chứng tích Sơn Mỹ (thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), Sở Văn hóa - thông tin và du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ tưởng niệm 44 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ.
Đông đảo lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành cùng học sinh, người sống sót và người thân những người bị thảm sát, bà con xã Tịnh Khê cùng các cựu quân nhân Mỹ, tổ chức quốc tế đã đến dự lễ tưởng niệm và thắp hương tại tượng đài Sơn Mỹ.
Nhiều người dân địa phương đã không cầm được nước mắt khi ông Cao Văn Chư - phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin và du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đọc bài tưởng niệm vụ thảm sát đã làm 504 thường dân vô tội chết. Ông Cao Văn Chư nhấn mạnh chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương của chiến tranh không phải dễ lãng quên, nguôi ngoai.
Hàng nghìn người đã dành một phút mặc niệm những thường dân xấu số của vụ thảm sát và nghe năm hồi lẻ bốn tiếng chuông vọng lên tượng trưng cho lời cầu nguyện linh hồn 504 thường dân bị chết. Những vòng hoa, những nén hương được đặt, thắp lên trước tượng đài tưởng niệm để không bao giờ quên hậu quả khốc liệt của chiến tranh và cầu nguyện cho hòa bình.
Những người sống sót, người thân thường dân bị thảm sát dâng hương lên đài tưởng niệm



Cựu binh Mike Boehm kéo tiếng đàn violon “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”



504 đóa hoa hồng của tổ chức cựu binh Mỹ tại VN dâng lên 504 thường dân vụ thảm sát Sơn Mỹ


Năm hồi lẻ bốn tiếng chuông cầu nguyện 504 thường dân bị sát hại


Trí Tín

Cựu phóng viên Ronald Haeberle, người chụp những hình ảnh chấn động thế giới về vụ giết hại thường dân Mỹ Lai, vừa gửi VnExpress những bức hình chưa từng công bố về thảm kịch.
43 năm trước, ngày 16/3/1968, Ronald Haeberle theo chân lính Mỹ vào làng Mỹ Lai ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi với tư cách là phóng viên chiến trường. Tại đây, lính Mỹ đã sát hại 504 thường dân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người già. Cuộc bắn giết, đốt nhà diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ ám ảnh day dứt ông cả một đời.
Một năm sau sự kiện này, ông quyết định công bố bộ ảnh vụ thảm sát trên tạp chí Life, lần đầu tiên đưa sự việc ra công luận thế giới. "Một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn không còn", tác giả bộ ảnh nói về quyết định công bố bộ ảnh độc quyền.
Trong số những hình ảnh ông chụp ở làng Sơn Mỹ ngày định mệnh đó, có một số tấm chưa từng được công bố với thế giới. Giờ đây ông quyết định giới thiệu chúng qua VnExpress, nhân lần đầu trở lại Việt Nam với tư cách là nhân chứng của bi kịch lịch sử Mỹ Lai. Các ảnh dưới đây đều chụp lại từ ảnh gốc.

Trong bức ảnh này, người anh che đạn cho đứa em trườn trên bờ ruộng. Ronald Haerle chụp trong buổi sáng xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai.
Sau 43 năm, bức ảnh này vẫn còn gây tranh cãi, chưa thể xác định được danh tính của hai đứa bé trong bức ảnh. Tuy nhiên, ông Trần Văn Đức, hiện là Việt kiều ở Đức, tự nhận mình là nhân vật trong ảnh. Trên đây là bức ảnh gốc, phía bên bìa phải của ảnh là cánh tay của một lính Mỹ.
Bức hình công bố trên tạp chí Life năm 1969 đã được cắt cúp lại bố cục, bỏ đi cánh tay này.


Lính Mỹ đang lôi một cụ già trốn trong nhà ra trước sân.


Một nhóm gồm nhiều phụ nữ, trẻ em bị tập trung lại một chỗ.


Một em bé ngồi trước mũi súng của các binh lính trước khi vụ giết hại xảy ra.  
Binh lính tra khảo dân làng.


Một người lính cầm lựu đạn chuẩn bị ném xuống căn hầm ẩn nấp của dân làng Sơn Mỹ trong sáng 16/3/1968.


Ngoài giết hại người, gia súc, gia cầm, lính Mỹ còn mang lương thực của dân làng đổ xuống mương.


Một cụ già và hai cháu nhỏ trước những mũi súng của binh lính.


Lính Mỹ vũ trang tràn vào làng vào buổi sáng định mệnh.

Chiếc máy ảnh cơ cũ kỹ của phóng viên chiến trường Ronald Haeberle cách đây 43 năm đã ghi lại bộ ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai. Lần này sang Việt Nam thăm lại hiện trường xưa, ông vẫn mang theo chiếc máy ảnh này. Ảnh: Trí Tín


BBC

16-3-12


Nhân kỷ niệm cuộc thảm sát gần 500 thường dân Mỹ Lai ngày 16/3, BBC hỏi chuyện một nhân chứng sống sót, ông Phạm Thành Công, người hiện làm việc tại khu chứng tích Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi về sự việc xảy ra năm 1968.
BBC: Làng Mỹ Lai hay Sơn Mỹ, trước vụ thảm sát là nơi như thế nào, bối cảnh của làng khi quân Mỹ cử người tới truy tìm Việt Cộng như thế nào?
Ông Phạm Thành Công: Làng Sơn Mỹ ngày xưa là một làng quê rất hiền hòa, một vùng thôn quê, một quê hương rất trù phú, rất là đẹp và thơ mộng. Nói chung, làng Sơn Mỹ của chúng tôi lúc bấy giờ không có Việt Cộng, tức là vùng tạm bị chiếm. Ở gần làng của tôi có một đồn của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tức là quân đội của ông Thiệu đóng. Nhân dân chúng tôi sống ở dưới làng đó. Hàng ngày, quân đội của ông Thiệu lên xuống và cũng chan hòa với nhân dân. Nhưng bỗng nhiên vào 6 giờ sáng ngày 16/3/1968, bắt đầu là pháo cối của Mỹ, từ các cứ điểm ở tỉnh Quảng Ngãi bắn xối xả vào làng của tôi hơn nửa tiếng đồng hồ. Sau đó Mỹ đổ quân xuống và thực hiện vụ giết người. Nhưng trong làng của chúng tôi lúc bấy giờ không có một người Việt Cộng nào. Lính Mỹ đổ quân tới, gom dân lại, rồi giết tập thể. Kể cả người già, phụ nữ, trẻ em, giết chết hết cả làng. Rồi sau đó đốt làng. Giết chết hết súc vật. Rồi quân đội Mỹ rút đi. Chứ ngoài ra, không có Việt Cộng nào chống lại cả, ở trong buổi sáng đó. Và trước đó cũng không có người Việt Cộng nào ở đó.
BBC: Xin hỏi rằng khi đó ông có nhìn thấy lính Mỹ không?
Lúc đó tôi 11 tuổi. Gia đình tôi có 6 mẹ con. Cả gia đình tôi có sáu người. Đến 8h sáng, quân đội Mỹ đã giết bà con ở trong làng của chúng tôi. Và đến lượt gia đình tôi, bắt đầu 3 người lĩnh Mỹ đến nhà tôi và gom sáu mẹ con tôi lại. Và dồn xuống một cái hầm núp pháo. Trong chiến tranh có một cái hầm. Rồi quân đội Mỹ, ba người lính Mỹ này đã đánh lựu đạn và xả súng bắt chết gia đình tôi là năm người. Trong lúc đó, tôi bị thương. Tôi sống sót trong đống xác chết của năm thi thể gia đình tôi. Mãi đến 4 giờ chiều, bắt đầu Quân đội Mỹ rút đi rồi.
Bà con các làng khác tới tìm xác người để chôn. Lúc đó lật xác chết của cả gia đình tôi lên, thấy tôi còn thở, tôi bị thương và chữa trị và họ đưa tôi đi cấp cứu. Và chính tôi là nạn nhân trong vụ đó. Tôi vẫn mường tượng, bây giờ đây tôi vẫn nghĩ tới cảnh ba người Mỹ đã tới gia đình tôi, giết chết cả gia đình tôi và giết súc vật, đốt nhà. Chính lúc này, nói thế này tôi cảm thấy rùng rợn, với bản thân mình, cảm thấy rất đau khổ. Bởi vì tôi là nạn nhân, tôi là người sống sót. Lúc bấy giờ tôi 11 tuổi, tôi biết nhiều lắm rồi. Gia đình tôi chết hết và tôi sót lại, người duy nhất của gia đình trong buổi sáng ngày 16/3 đó.
BBC: Một chuyện kinh hoàng. Ông sống sót nhờ lựu đạn không xuyên qua những thây người ở trên?
Dạ thưa với ông, cả gia đình tôi tan thây hết. Nhưng nhờ mẹ tôi, chị tôi, em tôi đã cản hết đạn cho tôi. Tôi bị thương. Tôi không bị mảnh lựu đạn. Nhưng tôi bị súng của người lính Mỹ này bắn xối xả vào. Lúc đó tôi bị thương. Tôi bị thương ở mang tai và rất nhiều chỗ trên người. Nhưng 3 người lĩnh Mỹ này tưởng tôi chết rồi, liền bỏ đi chỗ khác, tới nhà khác giết. Do đó, may mắn mà tôi còn sống sót. Và vết thương của tôi toàn bộ là ở phần mềm. Do đó mà tôi không chết. Lúc đó tôi sợ hãi và thiếp đi luôn. Mãi đến 4 giờ chiều, tôi mới tỉnh lại. Bà con tới đó lượm xác mẹ, anh, chị tôi đem đi chôn và lúc đó thấy tôi còn thở, thì đưa tôi đi cấp cứu.
Sau khi tỉnh lại và tôi biết được người bà con của chúng tôi đã cứu tôi, tôi thấy nhà cửa cháy, làng xóm cháy ngun ngút. Và người ta khênh tôi đi. Tôi thấy là đi qua những đống xác chết, đi qua đường xá, đi qua từng ngôi nhà, để đi đến một cái làng khác. Tôi thấy toàn là xác người chết, xác trâu bò, súc vật và nhà cửa đang bị thiêu cháy. Một làng quê khói và lửa ngun ngút. Và dưới đất, mặt đất, người chết ngổn ngang. Thưa ông, đó là một thực tế mà tôi biết sao thì tôi nói vậy.
BBC: Có bao nhiêu người sống sót thưa ông?
Sau Giải phóng trở về, còn khoảng hơn 30 người sống sót, trong đó có tôi. Nhưng sau đó những người già yếu, bị thương tật, di chứng cũng chết dần, chết mòn. Hiện nay còn khoảng mấy người, sau vụ tổng kết người sống sót. Mà chúng tôi thống kê sống sót không phải là gia đình có năm người chết hết bốn, còn một, gọi là sống sót. Không phải thế. Chúng tôi kiểm nghiệm lại và điều tra, kiểm tra lại, nạn nhân được công nhận sống sót là những người nằm dưới đống xác chết. Chứ không phải là nhà 5-7 người, mà chết 6-7 người, còn một gọi là sống sót. Người sống sót chính là ở đống xác chết và chính là Mỹ gom lại giết, nhưng người ta còn sống lại, thì đó gọi là sống sót.
BBC: Có chuyện phụ nữ bị hãm hiếp, ông có nhìn thấy không, hoặc ông có nghe được những người sống sót kể lại về cảnh phụ nữ bị đối xử ra sao?
Tôi cũng chứng kiến một trường hợp là lúc quân đội Mỹ chưa giết tới nhà tôi, thì nhà kế bên, tôi cũng thấy ba người lính Mỹ bắt một phụ nữ đến một chuồng trâu của nhà gần bên tôi. Và năm đến mười người lính Mỹ hiếp người đàn bà ấy. Và người đàn bà đó nằm ngất luôn tại chỗ, mà mãi tới 4 giờ chiều, người đàn bà này cũng sống sót, nằm lại. May mắn là với người đàn bà này người ta hãm hiếp rồi, nhưng người ta không giết. Bà này hoảng chạy. Hiện nay, bà này hoảng quá, bây giờ bà bỏ quê luôn. Bây giờ bà đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Bà không nghĩ là quân Mỹ giết người mà chỉ bắt bà hãm hiếp thôi. Tôi cũng chứng kiến nhiều vụ em bé mới 15, 16 tuổi, quân đội Mỹ đã bắt, rồi hãm hiếp, rồi lấy lê đâm chết và đâm vào cửa mình. Và nhiều trường hợp như thế. Chúng tôi thấy bắt tụm năm tụm bảy nhiều phụ nữ. Ở những nhóm ở trong làng tôi. Trước khi đến nhà tôi. Thấy kêu cứu. Và lột quần áo. Rồi hãm hiếp rất trắng trợn. Việc này chúng tôi có sao nói vậy. Chúng tôi thấy rất là dã man. Trong cái tuổi đó, tôi cũng chưa ý thức được việc hãm hiếp này. Nhưng tôi thấy là sau nhà tôi thì có một trường hợp ấy.
BBC:Ông cảm thấy thế vào về cách mà quân đội Mỹ xử lý những người chịu trách nhiệm về vụ sát hại đó và về những gì xảy ra ở Mỹ Lai?
Thưa ông, khi tôi nhận thức được và khi đất nước tôi được dân tộc tôi giải phóng, nhân dân tôi thoát khỏi cảnh chiến tranh ác liệt, đất nước tôi được thanh bình, bây giờ tôi nghĩ lại, về Quân đội Mỹ lúc bấy giờ sang Việt Nam, sang quê hương chúng tôi, làm những điều như thế, thì chúng tôi thấy là phi lý. Cái thứ hai nữa là quân đội Mỹ đi qua, đi tìm Việt Cộng đối phương để rồi đánh trả nhau, nhưng chúng tôi không ngờ là bắt những người già, phụ nữ, trẻ em, chẳng hạn như ở làng của chúng tôi, và giết một cách thảm thiết như thế. Chúng tôi thấy rằng đây là một cái day dứt, đau khổ nhất.
Chẳng hạn bản thân tôi, khi 11 tuổi không còn cha mẹ, anh em, cô chú bác gì nữa. Là người mồ côi, cơ nhỡ, rồi trôi dạt, đi chỗ này, chỗ khác. Đi ở thầy tớ để kiếm sống. Mãi đến ngày đất nước hòa bình, chúng tôi mới được về quê hương. Và chúng tôi được nhân dân đùm bọc, nuôi nấng và cho ăn học cho đến khi trưởng thành. Khi chúng tôi thấm thoắt nhìn lại thì đây là một bối cảnh rất đau đớn. Cái giết người của quân đội Mỹ rất man rợ và khiến cho những đứa trẻ như chúng tôi phải côi cút lúc bấy giờ, trong thời buổi chiến tranh của một đất nước bị mất đi, rồi bị nồi da nấu thịt. Quê hương thì không còn nữa. Giặc Mỹ thì đánh bom, đánh mìn, rồi cà ủi, đánh phá dân. Do đó, chúng tôi sống trong cảnh chim chậu cá lồng rất là đau khổ.
Bây giờ chúng tôi cảm thấy được ngẩng đầu lên. Rất hạnh phúc. Rất cảm ơn Đảng và Chính phủ Việt Nam của chúng tôi đã lo giúp cho chúng tôi nên người. Quê hương càng phát triển đi lên, xây dựng được cuộc sống mới. Nhưng người ta còn gia đình, còn anh em, còn tộc họ, còn đối với những người như chúng tôi đây, rất là day dứt. Nhất là đến những ngày này, ngày 16/3 hàng năm, đau khổ đến với chúng tôi. Một cái day dứt chúng tôi không thể quên được. Không thể quên được tội lỗi của Quân đội Mỹ mà đã gây ra cho nhân dân chúng tôi. Và trong đó có bản thân và gia đình của chúng tôi nữa.
Tôi mong rằng những người cùng khổ như chúng tôi, côi cút như chúng tôi, trong những năm tháng chiến tranh như thế, bị quân đội Mỹ giết hại như thế, đến bây giờ chúng tôi rất cầu mong làm thế nào các bạn tuyên truyền, rồi các bạn giúp sao để giúp đất nước, quê hương của chúng tôi luôn được hồi sinh và phát triển. Bản thân chúng tôi và con cháu chúng tôi mai sau được hưởng một đất nước thanh bình. Chúng tôi rất sợ chiến tranh. Chúng tôi không ưa thích chiến tranh. Chúng tôi mong muốn Tổ Quốc chúng tôi luôn được hòa bình, thịnh vượng, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đừng có một vụ Sơn Mỹ tương tự như ở đất nước chúng tôi trong những năm kháng chiến chống Mỹ vừa qua.
BBC: Tôi cũng hy vọng như vậy.
Xin cảm ơn. Đây là những điều tôi tâm tư thực sự và cầu mong, cầu nguyện như thế. Và bà con, nhân dân chúng tôi ở quê hương cũng mong mỏi như thế. Chúng tôi muốn một đất nước hòa bình vĩnh cửu. Chúng tôi muốn con em, con cháu của chúng tôi sau này đừng khổ như chúng tôi nữa. Và đừng có khổ sở vì chiến tranh...
Cuộc phỏng vấn ông Phạm Thành Công, Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi do Neal Razzel thực hiện trực tiếp qua điện thoại với BBC Tiếng Việt dịch giúp các câu hỏi. Bài đặc biệt về ngày kỷ niệm vụ Mỹ Lai được phát trên chương trình Witness của BBC World Service bằng tiếng Anh ngày 16/3/2012.