Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Trường Sa ký ức tháng ba

Trần Đăng

Trong buổi gặp mặt chiến sĩ Trường Sa vào ngày 24.2 vừa qua tại Nha Trang, khi được hỏi nhớ gì nhất về Trường Sa thì tất cả cùng đáp: nhớ ngày 14.3.1988. Những bà mẹ ở Khánh Hòa, Phú Yên hay Đà Nẵng, Quảng Bình… có con nằm lại với Trường Sa, tất cả cũng đều nói nhớ cái ngày ấy nhất.

Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ buổi sáng ngày 14.3.1988, 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại nơi bãi đá Gạc Ma. Tất cả những người lính Trường Sa dù trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến trận hải chiến chỉ “nổ súng từ một phía” ấy đều coi đó như một vết thương luôn rỉ máu giữa lòng mình. Xem những thước phim do chính Trung Quốc ghi lại cuộc cướp giật để chiếm bãi đá ngầm Gạc Ma năm ấy, không một ai trong chúng ta có thể cầm lòng. Những người lính của chúng ta đã chấp nhận hy sinh để biến mình thành những cột mốc của Tổ quốc giữa trùng khơi. Để đất nước có thêm một dải san hô, máu các anh đã đổ xuống.
Nguyễn Văn Dũng (bìa trái) và những thủ trưởng cũ tại buổi gặp mặt lính Trường Sa 24.2.2012

Người được trở về
Hơn một tháng qua, tôi có dịp đi dọc miền Trung để gặp gỡ những người lính Trường Sa từng sống qua những ngày căng thẳng nhất vào những tháng đầu năm 1988. Trước khi trở lại quê nhà, gặp lại người thân, nhiều anh đã để lại một phần thân thể của mình nơi Trường Sa. Dù vậy, ai cũng cảm thấy mình như người có lỗi khi được trở về, trong lúc bao đồng đội phải nằm lại vĩnh viễn trong lòng biển khơi. Nguyễn Văn Dũng, thành viên trong Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa, là một trong những trường hợp như thế.
Đầu năm 1988, không khí tại Trường Sa luôn căng thẳng, ngột ngạt. Những cuộc khiêu khích của quân thù luôn diễn ra tại các đảo đá ngầm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Dù là những ngày giáp tết của năm Mậu Thìn nhưng không một người lính nào nơi bán đảo Cam Ranh có thể yên lòng đón tết. Họ chuẩn bị lên đường ra các bãi đá ngầm ấy để khẳng định sự có mặt của mình, cũng là khẳng định chủ quyền của đất nước. Dạo ấy, Nguyễn Văn Dũng vừa tròn một tuổi quân, được lệnh lên đường ra Trường Sa ngay sau tết âm lịch. Một buổi sáng đầu tháng 3.1988, trước khi lên đường, tự dưng giọng nói của Dũng bị khàn, nghe không rõ tiếng. Là lính thông tin, có nhiệm vụ giữ bộ đàm liên lạc với các tàu mà giọng khàn thế kia thì làm sao chuyển tải thông tin cho chính xác được. Và rồi Dũng buộc phải ở lại với tâm trạng của người có lỗi trước một chuyến đi quan trọng. Thế chân anh là Phan Tấn Dư, người Phú Yên. “Dư là anh nuôi, có học sơ qua lớp truyền tin nên anh được chọn. Không ngờ đó là chuyến đi định mệnh của đời Dư”. Dũng bùi ngùi nhắc lại buổi chia tay giữa hai người bạn lính tại Cam Ranh từ 24 năm trước. Phan Tấn Dư là một trong 64 chiến sĩ đã ngã xuống nơi bãi đá ngầm Gạc Ma ngày 14.3.1988, anh mãi mãi dừng lại ở tuổi 22! Từ Cam Ranh, Dũng đón nhận hung tin trong nước mắt thương bạn vì đã phải “thế chân” mình. Rồi Dũng cũng lên đường trực chỉ Trường Sa ngay sau đó.
Tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống vì Trường Sa

Lâu nay, do thiếu thông tin, nhiều người trong chúng ta cứ tưởng rằng, hải quân Trung Quốc chỉ một lần tấn công giành đảo Gạc Ma năm 1988 nhưng không phải vậy. Gần như là một chiến dịch khiêu khích diễn ra trước và sau trận hải chiến ấy được họ chuẩn bị rất công phu. Đoạn video đang lan truyền trên mạng nói về trận hải chiến chiếm Gạc Ma do chính họ quay đã nói lên điều đó. Nguyễn Văn Dũng trở thành nạn nhân của các cuộc khiêu khích từ phía Trung Quốc. Vừa trên đài quan sát tụt xuống sàn tàu, một trái pháo bắn thẳng từ tàu chiến của địch đã khiến anh lính thông tin khỏe mạnh và can trường ấy phải hôn mê suốt hai tháng sau đó vì một mảnh pháo xuyên qua người. Phải mất gần một tuần sau, Dũng mới được đưa về một bệnh viện quân y tại TP.HCM trong trạng thái mê man thừa chết thiếu sống. Những tháng sau đó, cùng chiếc ba lô con cóc và bộ quân phục nhàu nhò, Dũng qua hết các bệnh viện quân đội với mong ước giữ được đôi chân. Năm 1993, Dũng ra quân, bắt đầu cuộc hành trình gian nan tìm quê bạn.

Nỗi đau của mẹ
Không phải những người lính Trường Sa mới có ký ức về quần đảo ấy mà kỳ lạ thay, những bà mẹ chưa một lần ra đảo vẫn “thuộc” đảo như nhà mình. Có lẽ những lá thư từ Trường Sa xa xôi kết hợp với nỗi nhớ con đã làm nên những tấm bản đồ trong lòng mỗi người mẹ. Má Lê Thị Niệm, mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư ở Phú Yên; má Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở Đà Nẵng là những ví dụ.
Má Lê Thị Niệm ở Tây Hòa, Phú Yên - Ảnh: Trần Đăng

Nguyễn Văn Dũng hồi tưởng: “Tôi ra lính với đôi chân cà nhắc, chẳng nghề ngỗng gì, bèn chọn bãi Cây Me thuộc phường Vĩnh Hòa, Nha Trang này làm nơi cuốc đất lật cỏ. Công việc khá vất vả nhưng luôn nung nấu trong lòng là tìm cho bằng được nhà Phan Tấn Dư. Lần dò mãi rồi cũng tìm ra. Mùa đông năm 1995, sau rất nhiều lần ra vô Phú Yên để lần tìm địa chỉ nhà Dư, tôi về Hòa Phong, Tây Hòa, lòng dặn lòng mong sao mẹ Dư còn sống. Con đường lầy thụt đầy ổ trâu dẫn về nhà Dư. Linh cảm sau 7 năm mong chờ và hy vọng đã mách bảo với mẹ Dư rằng, thằng Dũng tôi đây chính là hình bóng của con bà! Mẹ Dư năm ấy đã 70 tuổi rồi, cứ lần dò tìm chiếc hộp quẹt để tôi đốt nhang cho Dư. Khi đèn bật sáng, trên bàn thờ Dư không một tấm hình. Má Niệm đã ôm tôi vào lòng như ôm chính con bà. Hai mẹ con nức nở…”. Bắt đầu từ hôm đó, Dũng trở thành thành viên của gia đình Dư. Suốt 17 năm qua, bằng đôi chân không lành lặn của mình, năm nào Dũng cũng về Tây Hòa thăm má Niệm một đôi lần, đặc biệt, Dũng đã biến ngôi nhà mẹ Dư đang ở thành chỗ gặp mặt thường niên của anh em chiến sĩ Trường Sa tại Phú Yên đúng ngày giỗ của Dư (25 tháng giêng âm lịch). “Không biết có phải do má đặt tên Dư cho nó không mà nó không về, để má suốt đời thiếu nó?”, má Niệm rưng rưng nhắc về đứa con mình. Suốt 24 năm qua, lòng người mẹ ấy chưa bao giờ lặng gió vì xương thịt của con cùng bao đồng đội đã tan hòa vào lòng biển của Tổ quốc rồi.
Cùng tâm trạng của mẹ Dư, bà Lê Thị Lan, 70 tuổi ở Hòa Cường, Đà Nẵng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc cũng chỉ hỏi một câu: “Có khi mô người ta tìm được hài cốt thằng Lộc không vậy cháu?”. Tôi không dám trả lời câu hỏi ấy, cũng không dám nhìn vào khuôn mặt vò nhàu của người mẹ này. Đã bao nhiêu năm rồi, ngày nào người mẹ ấy cũng thức dậy thật sớm, thắp trên bàn thờ con mình một nén nhang trước khi rời nhà để đến một quán ăn trong thành phố rửa chén bát đến tận khuya rồi nhận từ tay bà chủ quán 60.000đ. Trộm vía, nếu anh Lộc còn sống lành lặn và ra quân như Dũng, hẳn mẹ anh đã không phải lận đận kiếm cơm như thế.
Mẹ Niệm, mẹ Lan cùng bao nhiêu bà mẹ khác đã sống lặng lẽ và mong chờ trong vô vọng suốt 24 năm qua như thế.




Báo Đà Nẵng số tết có bài viết về bảy bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma năm 1988 đọc thật cảm động, nhưng không hiểu sao lại không được đưa lên online. Tui ngồi gõ lại, các bạn đọc.
Nói thêm, cuộc gặp gỡ các cựu binh Trường Sa "Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội"do Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa tổ chức ở Suối Lương ngày 3/9/2011 cả 7 mẹ cũng đều được mời nhưng không hiểu sao không một ai tới.

-------------------

Mẹ Lê Thị Muộn với kỷ vật chiếc áo hải quân của con trai là liệt sĩ Phan Văn Sự.

Ký của Hồng Hạnh

Trở lại mảnh đất Hòa Cường trong một sớm đầu Xuân, trong miên man sắc hoa rực rỡ của chợ hoa Xuân dưới chân Đài tưởng niệm, tôi chợt nhớ, nơi đây đã từng hiện hữu một con đường mang tên Trường Sa. Sự tích của cái tên này bắt nguồn từ một câu chuyện thật cảm động tưởng như là huyền thoại về bảy người lính hải quân cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hòa Cường, cùng nhập ngũ một ngày, cùng hy sinh trên một chuyến tàu bảo vệ bình yên cho quần đảo Trường Sa tháng 3 năm 1988.
Tôi đã có một chuyến đi tìm gặp các bà mẹ Hòa Cường cũng trong một buổi sáng Mùa Xuân ngập tràn nắng ấm. Người dẫn đường cho tôi đến với các mẹ chính là anh Dương Văn Dũng, người lính hải quân còn sống sót duy nhất trở về trong tám người con của phường Hòa Cường ra đi trên chuyến tàu năm ấy. Bên cạnh gốc mai vàng cổ thụ lấm chấm những nụ vàng sắp nở trong khu vườn cổ thụ nhà Mẹ Hồ Thị Lai, tôi, anh và các mẹ đã có cuộc chuyện trò thật đặc biệt.
Mẹ Lê Thị Khả- mẹ của liệt sĩ Trần Văn Tài mái tóc bạc phơ, giọng nói ngắt khúc, nghẹn ngào của mẹ đưa chúng tôi về một thời quá khứ tuổi thơ ngọt ngào của cậu bé Tài.
- Thằng Tài của má là con út, ba thằng anh đã lần lượt đi bộ đội rồi xuất ngũ, má muốn nó ở nhà sớm hôm với má, nhưng nó cứ nằng nặc xin đi bộ đội. Các con có biết nó ước mơ điều gì không? Làm lính hải quân để đi ra biển. Đó là khát khao cháy bỏng suốt một thời tuổi thơ của nó. Nó đã thực hiện được ước mơ ra đến biển. Nhưng lại không bao giờ được trở về với má nữa…
Vừa ngoáy cối trầu vừa lần từng quả cau, chậm rãi bổ ra từng miếng, mẹ Lai chỉ vào gốc mai già thủ thỉ :
- Thằng Hùng nhà tôi rất thích trồng mai. Đã bao nhiêu cái Tết rồi, nhà tôi vắng tiếng cười lanh lảnh của nó. Những cây mai nó trồng vẫn nở vàng rực mỗi dịp Tết đến, tôi luôn cảm giác như thấy khuôn mặt, ánh mắt tinh nghịch của nó ẩn hiện sau những cành mai. Hồi nó được tranh thủ về phép thăm nhà, nó bảo: “ Mẹ ơi, có lẽ ăn tết xong bọn con sẽ được ra Trường Sa. Con nghe nói ngoài đó chỉ có cát, đá và san hô, rất thiếu cây xanh và nước ngọt. Cuộc sống của đồng đội con trên đảo chắc thiếu thốn và vất vả lắm. Khi nào sắp đi, mẹ tìm cho con vài cây mai, con sẽ mang ra trồng thử ngoài đó, để Tết đến, ngắm những cánh mai vàng, đồng đội của con sẽ bớt nhớ đất liền”. Vậy mà nó chẳng kịp về để lấy cây mai giống. Đơn vị nó lên đường gấp gáp quá. Tôi không ngờ đó là lần gặp nó sau cùng .
- Vậy thì tôi còn hạnh phúc hơn các bà, mẹ Muộn tiếp lời- Trước khi ra Trường Sa, thằng Sự nhà tôi được tranh thủ về mấy tiếng đồng hồ. Ba nó ốm nặng nên nó được ưu tiên. Đêm ấy,. ngồi bên giường bệnh của ba đến 12 giờ đêm nó đã phải đi để kịp vào Cam Ranh lên tàu. Ra đến cửa, nó cứ vùi đầu vào vai me, chẳng nói được câu gì. Tôi phải đẩy mãi nó mới chịu bước ra cổng, lén chùi nước mắt rồi mới quay đi. Ngày tôi nhận được tin nó hy sinh ngoài Trường Sa cũng là ngày ba nó qua đời. Hai cái tang đến cùng một lúc, tôi tưởng chừng như không chịu nổi, đau đớn quá. Nhưng nỗi đau lớn nhất với tôi là không mang được hình hài nó về. Nó đã ở lại mãi trong lòng biển khơi. Con tôi còn trẻ quá, chưa kịp làm điều gì lớn lao.
- Ừ, bọn nó còn trẻ quá, tội nghiệp thằng Hùng nhà tôi, nó chết mà có lẽ chưa bao giờ được nắm tay một đứa con gái nào.
Câu chuyện của các mẹ kể về con mình rất dài, dài lắm, tưởng chừng như là vô tận.
Mẹ Khả lần giở trong túi áo lá thư cuối cùng của anh Tài gửi về mà khi nào mẹ cũng mang trong người như một báu vật. Lá thư đã ố vàng vì thời gian và có lẽ vì thấm đẫm nước mắt của mẹ qua bao nhiêu lần đọc… “Má ơi, hôm nay con đã ra đến Trường Sa, tự nhiên chỉ cần nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời nắng gió, con bỗng chợt thấy mình như lớn hẳn lên. Ở trên tàu, con có cảm giác khao khát được đặt chân lên một bãi cát vàng hay chạm tay vào một dải đá san hô để xem đất ở nơi này có điều gì khác với đất liền mà sao lại thiêng liêng đến thế. Chỉ cần như thế thôi, con nghĩ mình có thể chiến đấu và hy sinh đến hơi thở cuối cùng cho mảnh đất này”.
Mẹ Muộn thì luôn để ở đầu giường mình chiếc áo hải quân. Đó là kỷ vật cuối cùng của đơn vị công binh 83 gửi về cho mẹ sau ngày anh Sự hy sinh. Mẹ kể :
- Hôm thằng Sự tranh thủ về thăm nhà, nó bảo hôm nào ra Trường Sa về, nó sẽ mặc chiếc áo hải quân màu trắng cho ba má xem và diện đi chơi phố với bạn bè cho oai. Vậy mà nó không về để thực hiện lời hứa đó. Tôi đã cắt chiếc áo của con thành áo bà ba, tự tay may lấy và thỉnh thoảng đem ra mặc cho đỡ nhớ con.
Mẹ Khả quay sang anh Dũng :
- Từ hồi thằng Tài hy sinh, thỉnh thoảng má lại nằm mơ thấy biển. Má thấy thằng Tài đang ngụp lặn trong những con sóng chồm lên hối hả gọi má: “Má, má ơi, con đã ra tới biển”. Trường Sa là ở đâu hả con, chắc là xa, xa lắm. Ngày nhỏ, suốt tuổi thơ thằng Tài chỉ muốn được một lần ra biển. Còn má bây giờ tuy yếu lắm rồi nhưng má cũng mong ước được một lần cuối cùng trong đời ra biển, đến tận chỗ thằng Tài hy sinh. Má sẽ mang cho nó một vòng hoa trắng, và múc một bình nước biển ngay chỗ đó mang về, coi như là máu thịt thằng Tài của má đã hòa tan vào biển…Nằm giữa biển sâu lạnh lẽo thế, chắc lòng nó và mấy đứa bạn của nó sẽ ấm áp hơn phải không con ?
Nghe đến đó, đôi mắt mờ đục, đầy nét chân chim của mẹ Lai tự nhiên chợt sáng bừng lên, thứ ánh sáng lung linh kỳ lạ chỉ có thể toát lên từ tình mẫu tử thiêng liêng cao cả :
- Nếu chúng ta cùng được ra tới đó, tôi sẽ cố gắng mang theo vài chục cây mai giống cho mấy đứa bộ đội ngoài đó trồng. Tôi xem ti vi thấy mấy đứa ngoài đó đón Tết bằng những cành mai giấy, tội nghiệp quá, tôi muốn mang cho chúng hơi ấm của đất liền cũng là để thực hiện ước nguyện của thằng Hùng ngày trước…
Nhón lấy một miếng trầu, bà Muộn thủ thỉ :
- Ngoài đó xa lắm, chắc là không đến được đâu. Nhớ con, tôi chỉ biết thỉnh thoảng bắt mấy đứa cháu chở tôi qua bên biển, ngắm bọn trẻ nô đùa. Các bà có thấy biển có một màu xanh kỳ lạ lắm không ? Tôi ước chi cho biển mãi mãi xanh và bình yên như thế, để cho bọn trẻ nhỏ mãi mãi không phải ra đi như các con của chúng mình.
Đến lúc này thì người đàn ông duy nhất trong cuộc chuyện trò là anh Dũng nước mắt cũng đã rưng rưng. Trong ánh mắt xa xăm của anh, tôi đọc thấy một điều gì thăm thẳm. Nắm chặt tay mẹ Khả, mẹ Lai, anh kể lại câu chuyện cuối cùng trên đảo.
- Các mẹ ơi. Hôm ấy, chúng con ra tới Trường Sa vào lúc bình minh lên. Những đảo nổi, đảo chìm hiện ra trước mắt. Tàu của chúng con thì nhỏ, tàu địch thì lớn hơn gấp nhiều lần. Nhưng với chúng con khi đó, dù chỉ là một hạt cát hay một giọt nước biển thôi cũng không thể bị xâm phạm bởi bất kỳ một kẻ xa lạ nào. Chúng con, đứa nào cũng cầm chắc tay súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Mắt nhìn thẳng về phía trước, nơi lá cờ Tổ Quốc tung bay. Bỗng nhiên tàu địch bắn ngư lôi bất ngờ, một tiếng nổ xé trời và nước biển tung lên trắng xóa, phủ chìm cả con tàu….Tỉnh lại, con thấy mình đang bơi bằng một chiếc can nhựa trắng giữa mênh mông ngút ngàn sóng biển, quanh con im lặng như tờ. Không còn lại gì dù chỉ một gương mặt thân quen. Hùng, Sự, Tài, Đoàn, Xanh, Lộc, Lợi, 7 đứa cùng ra đi với con trên một chuyến tàu đã vĩnh viễn mất hút xuống biển sâu.
Tôi không biết nước biển trên thế giới ở nơi đâu là mặn nhất. Nhưng những giọt nước mắt chắt từ nỗi đau đớn vô biên của những người mẹ liệt sĩ Trường Sa tôi thấy có lẽ là mặn nhất trên đời. Vì trong lòng mỗi người mẹ ấy là một biển cả mênh mông, mà những con sóng bạc đầu chưa bao giờ thôi cồn cào, day dứt.
Khi tôi viết bài này, bà Lê Thị Khả- mẹ của liệt sĩ Trần Văn Tài đã ra đi vào cõi vĩnh hằng.Do di dời giải tỏa, 6/7 gia đình liệt sĩ Trường Sa và anh Dương Văn Dũng cũng đã chuyển đến nơi ở mới khang trang, đẹp đẽ hơn.Mẹ Muộn, mẹ Lai và những người cha, người mẹ Liệt sĩ Trường Sa cũng đã bước vào tuổi 70. 80.Ngôi nhà mới của Mẹ Lai ở số 101 đường Lê Nổ cũng không còn những cây mai cổ thụ. Bây giờ, thành phố Đà Nẵng đã có một con đường Trường Sa - Hoàng Sa hoành tráng chạy dọc bờ biển xinh đẹp và quyến rũ nối từ bán đảo Sơn Trà đến giáp giới tỉnh Quảng Nam. Phố phường ngày càng thênh thang rộng mở, thay đổi, biến thiên như một phép màu. Con đường Trường Sa nhỏ bé của phường Hòa Cường năm nào nay không còn nữa. Nhưng mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này, mỗi người Đà Nẵng vẫn luôn thấy có một Trường Sa đang ở trong lòng, thiêng liêng, sâu thẳm, 23 năm qua và mãi mãi sau này, không bao giờ phai nhạt



Tháng 7, cả nước cùng vọng tưởng anh linh bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương, đất nước. Tháng 7 gợi nhớ, tháng 7 tự hào... Và trong sự dâng tràn cảm xúc ấy, những ngày này, có lẽ hơn bao giờ hết, khi hướng mặt về phía biển khơi mênh mông thường cồn cào sóng dữ, gia đình, bè bạn và không ít người đã lặng lòng tưởng nhớ các anh, những liệt sĩ – chiến sĩ hải quân trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988…

Kỳ1: Ra đi từ đó không về

SGTT.VN - Với những cựu binh Trường Sa năm xưa, hình ảnh người giữ cờ trên đảo, anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, trước khi ngã xuống vẫn gắng gượng nói với đồng đội: “Thà hy sinh, không được để mất đảo…” sẽ không bao giờ phai mờ. Câu nói ấy giờ đây càng trở nên thiêng liêng...

Di vật của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương. Ảnh: Quốc Nam
Trong số 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988, có bảy người là con em của phường Hoà Cường, một phường nghèo lúc ấy của thành phố Đà Nẵng. Họ là cán bộ chiến sĩ thuộc đại đội 9 trung đoàn Hải quân công binh 83 và là bảy trong số 42 người con của phường gia nhập quân đội năm 1987.

Đại đội khuyết và những người mẹ Trường Sa
Ngày ra đi, tất cả các anh đều còn rất trẻ. Cán bộ, chiến sĩ của đại đội 9 ra cụm đảo Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma năm đó đều đã hy sinh gần hết. Hơn 22 năm trôi qua nhưng cho đến ngày nay, đại đội 9 vẫn còn trong phiên chế của trung đoàn Hải quân công binh 83 anh hùng – đại đội khuyết – như một cách vinh danh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận bảo vệ biển đảo năm xưa. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh nay vẫn còn sống, người dũng cảm bảo vệ cờ ở đảo Gạc Ma cũng thuộc đại đội này.
Năm nay đã 75 tuổi, mẹ Hồ Thị Lai còn rất minh mẫn, ngày ngày vẫn đọc báo đều dặn để theo dõi tình hình Biển Đông. Liệt sĩ Trương Quốc Hùng là con trai thứ hai của mẹ trước ngày ra đi đã đổi cái chăn mới để dành cho mẹ đắp trong mùa đông. Tấm chăn của người con trai hiếu thảo mẹ vẫn còn giữ, tấm áo ngày xưa của anh mẹ cũng còn treo trong tủ. Cả tờ báo Quảng Nam – Đà Nẵng chạy hàng tít to đùng “Tội ác mới của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam tại quần đảo Trường Sa” mẹ cũng giữ gìn cẩn thận. Tất cả chúng, với mẹ, đều là báu vật, vì nó liên quan đến đứa con của mẹ. Mẹ nói, ngày đó gia đình nghèo quá, định cho thằng Hùng học nghề cắt tóc sinh nhai. Một buổi sáng anh Hùng thức dậy và nói: “Mẹ ơi đêm qua con mơ thấy mình thành thợ cắt tóc, con buồn quá nhưng sau đó con lại thấy mình trở thành bộ đội…”
Trở thành người lính và lên đường bảo vệ vùng biển đảo tổ quốc khi còn rất trẻ, những Trương Quốc Hùng, Trần Văn Tài, Phan Văn Sự, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Văn Lợi, Lê Văn Sanh, Nguyễn Phú Đoàn và các chàng trai khác của Hoà Cường cũng chính là những người đã kết thành vòng tròn sinh tử – những chiến sĩ cuối cùng – bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988.

Nằm lại Trường Sa…
Trong số 64 liệt sĩ nằm xuống ở Trường Sa năm 1988 có một người con Quảng Nam. Đó là liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Người dân ở làng quê Thanh Quýt luôn nhắc tới anh với niềm tự hào và nếu có ai hỏi mẹ Trương Thị Ngò rằng con mẹ ở đâu, mẹ luôn nói nó ở Trường Sa…
Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Bá Cường viết: “Mặc dù biết rằng khi ta bước chân ra đi thì chưa biết ngày nào trở về với gia đình (…), trước mắt gia đình ta khó khăn về mọi mặt, cha ta một nắng hai sương, mẹ ta lo chạy vạy ngày hai bữa...” Di vật của thượng sĩ Nguyễn Bá Cường để lại, theo biên bản kiểm kê ngày 20.3.1988, chỉ có chiếc ba lô có bộ quân trang, thư từ và một cuốn nhật ký viết bằng mực tím đầy ắp tâm tư. Ngày 16.3.1988, nghe tin con hy sinh, mẹ Ngò đang bán hàng ở chợ vội chạy thẳng về nhà. Mẹ quăng cái mủng vô góc nhà rồi ra đứng ngoài hiên, chết lặng nhìn dòng sông Thanh Quít lững lờ trôi…
Năm đó liệt sĩ Nguyễn Bá Cường tròn 26 tuổi. Cái tuổi đủ độ chín chắn để lập gia đình, sinh cho cha mẹ anh những đứa cháu nội xinh xắn. Những bức thư nằm trong di vật dày cộm nét chữ xinh xắn của một người bạn gái cùng trường. Những khi không viết thư được, hồi âm của anh nằm trong nhật ký bao giờ cũng nhắc đi nhắc lại “anh phải ra đi vì non sông vẫy gọi, đất nước đang cần”. Năm 1985, Nguyễn Bá Cường có chỉ tiêu đi học hoa tiêu ở Liên Xô nhưng anh từ chối để nhập ngũ vào lữ đoàn Bộ binh 173 rồi chuyển sang học ở học viện Hải quân Nha Trang. Nguyễn Bá Cường là một trong hai học viên đi trên tàu HQ 604 tham gia chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma khi Trung Quốc tấn công ngày 14.3.1988.
Anh Nguyễn Bá Mười nói: “Tôi chơi với thằng Cường từ nhỏ nên thuộc tính hắn hết. Nghe nói có một đoạn phim Trung Quốc quay lại cảnh lính ta đứng hiên ngang làm hàng rào bảo vệ đảo bị lính Trung Quốc tàn sát dã man, tôi chắc trong hàng rào đó có thằng Cường, bạn của tôi”. Buổi trưa, trong căn nhà cũ quạnh hiu bên bờ sông Thanh Quýt, nghe anh Mười nói đến đây mẹ Ngò lặng lẽ chùi nước mắt. Năm nay mẹ đã bước sang tuổi 85. Khi hay tin anh Cường hy sinh, một người bạn khác của anh ở cùng làng đã viết một bài thơ tặng mẹ: “… Mẹ đừng buồn dù có vắng con. Bạn con tiếp bước giữ hòn đảo xa. Mẹ ơi con ở Trường Sa. Mẹ ơi Út ở Trường Sa”. Năm ngoái, biết không thể nào tìm lại được nắm xương của người con yêu quý, mẹ Ngò đã xin xây một ngôi mộ gió trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn – nơi có hàng ngàn người con quê hương ngã xuống vì tổ quốc!


Kỳ cuối: Nhân chứng Trường Sa

23 năm đã trôi qua kể từ sau cuộc chiến bi hùng ấy. Hôm nay, chúng tôi trở lại mảnh đất Hoà Cường năm xưa để tìm lại những người đã gia nhập hải quân năm 1987 và tham gia trận hải chiến Trường Sa năm 1988 nhưng không còn gặp được ai nữa. Họ cũng như các thân nhân liệt sĩ Trường Sa ngày đó, vì cuộc mưu sinh, đã tứ tán mỗi người mỗi nơi...
Anh Dương Văn Dũng kể lại diễn biến của trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Ảnh: Minh Sơn

Khuất lấp giữa đời thường
Anh Dương Văn Dũng, sinh năm 1966, lính công binh hải quân Đại đội 9, Trung đoàn 83, có mặt trên tàu HQ 604 ở Gạc Ma kể lại, chiều 13.3.1988, HQ 604 đến được Gạc Ma chừng khoảng nửa tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc đến. Sáng 14.3, sau khi giết hết số chiến sĩ giữ cờ trên đảo, pháo 100mm từ tàu chiến Trung Quốc bắt đầu nã vào HQ 604 cho tới khi tàu chìm. Không dừng ở đó, tàu chiến Trung Quốc tiếp tục truy sát những chiến sĩ còn sống sót. Một số chiến sĩ may mắn thoát được lúc đó sau cũng bị tàu Trung Quốc truy lùng, bắt làm tù binh đem về giam ở nhà tù Quảng Đông. Trong số này có anh Dũng.
Về Hoà Cường tìm kiếm mà không gặp được ai trong số các chiến sĩ hải quân tham gia trận hải chiến năm xưa, chúng tôi dò mãi, khó khăn lắm mới biết được tin về người cựu binh Trường Sa Dương Văn Dũng. Những bà mẹ liệt sĩ Trường Sa ở Hoà Cường đều nhắc tới tên anh, nhưng không có tin tức gì về anh. Họ chỉ biết rằng anh đã chuyển từ Hoà Cường vào xã Hoà Xuân sinh sống lâu rồi. Rất may, chú Thành, một cựu chiến binh của phường Hoà Cường (cũ) nhiệt tình bỏ ra hai ngày trời về Hoà Xuân hỏi thăm tin tức và đã tìm được anh.

Con trai liệt sĩ Trường Sa Nguyễn Mậu Phong – Nguyễn Tiến Xuân xung phong ra Trường Sa tiếp tục bảo vệ biển đảo như cha của mình 23 năm về trước. Ảnh: gia đình cung cấp
Năm 1992, Dương Văn Dũng và tám chiến sĩ bị bắt trong trận hải chiến Trường Sa 1988 được Trung Quốc trả về nước. Anh Dũng trở về phường Hoà Cường lập gia đình. Năm 1993, Dương Văn Dũng có đứa con đầu lòng, sau đó có thêm hai cháu nữa, đứa nhỏ nay học lớp 3. Vợ anh làm nghề bán trái cây ngoài chợ, anh làm nghề phụ hồ. Căn nhà cũ bị giải toả anh phải vào xã Hoà Xuân mua đất làm nhà mới, nay bị giải toả tiếp một lần nữa. Chúng tôi tìm gặp được anh lúc 12 giờ trưa nắng chói chang khi anh đang phụ hồ ở khu tái định cư E1 Hoà Xuân. Đứa con trai đầu lòng của anh vừa bị tai nạn qua đời cách đây mấy tháng. Khuôn mặt khắc khổ buồn ngơ ngác của người cựu binh năm xưa lấm lem vôi vữa. Ngồi mãi, rất lâu trong cái quán nước tạm bợ ở công trình, anh mới bắt đầu kể lại chuyện cũ.
Hình ảnh rời rạc của trận chiến ngày 14.3.1988 trên con tàu HQ 604 được chắp vá lại qua lời kể của anh bằng hình ảnh những lỗ thủng trên tàu do đạn pháo của Trung Quốc bắn, chỉ huy Trần Đức Thông ngã xuống, máu loang cả biển và những người sống sót bị truy sát đến phút cuối cùng…
Trong câu chuyện của mình, anh Dũng có nhắc tới một người bạn, chiến sĩ Trương Văn Hiền, quê Nghệ An. Khi tàu HQ 604 bị tàu Trung Quốc bắn chìm, Hiền bị thương nặng ở ngực, phải bám vào một thùng phuy trôi dạt trên biển và bị Trung Quốc bắt. Sau khi được thả, Hiền trở về quê, nghe nói anh Hiền vì cuộc sống khó khăn cũng phải bỏ quê vào Dăk Lăk làm rẫy sinh nhai.
Chúng tôi hỏi anh hồi đó có sợ không? Rít một hơi thuốc thật dài, anh Dũng trả lời: “Giờ lâu lâu sực nhớ lại thấy cũng ghê nhưng hồi đó không sợ. Với lại đi làm cả ngày mệt, tối về ngủ cũng quên hết rồi!” Trận chiến Trường Sa năm xưa trong đầu người cựu binh giờ chỉ như một cơn ác mộng bị chìm khuất dưới những nhọc nhằn của cuộc sống hiện tại. Tôi nhớ trước khi đi tìm anh Dũng, mẹ Hồ Thị Lai nhắn: “Nếu tìm được địa chỉ nó nhớ báo cho mẹ biết. Mấy năm nay không ai biết nó ở đâu, cuộc sống ra sao. Thật tội nghiệp, nó là đứa duy nhất ở Hoà Cường còn được trở về!”

Đơn xin tình nguyện nhập ngũ của Nguyễn Tiến Xuân. Ảnh: Quốc Nam
Con liệt sĩ Trường Sa tiếp tục bảo vệ Trường Sa
Bên con sông Kiến Giang, ở phía tả ngạn là làng Hiển Lộc (Duy Ninh, Quảng Ninh) xưa cũng có người lính hải quân tên Nguyễn Mậu Phong tình nguyện ra bảo vệ Trường Sa. Khi anh lên đường, hai đứa con trai Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân của anh còn đỏ hỏn. Sau ngày anh hy sinh, chị Liễu, vợ anh, đã nuốt nước mắt vào lòng, một mình bươn chải nuôi hai con khôn lớn. Mỗi ngày, chị thường kể cho con về người cha anh hùng của chúng, kể từ nhà ra ngoài đồng, kể trong lời ru vào giấc ngủ. Hai đứa con của anh lớn lên, cũng tự nhiên nuôi trong lòng ý nghĩ phải ra Trường Sa tiếp tục bảo vệ bờ cõi như cha đã làm.
Hai anh em Trường, Xuân cùng viết đơn tình nguyện gửi vào đơn vị mà cha họ từng phục vụ, chiến đấu. Lá đơn gửi đi từ tháng 1.2007. Trong đơn, hai anh em viết: “Chúng cháu muốn trở thành người lính như ba cháu, được xung phong nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...” Cuối năm đó, Trường được gọi nhập ngũ theo đúng nguyện vọng và làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Nguyễn Tiến Xuân trở thành sinh viên học viện Hải quân đóng tại tỉnh Khánh Hoà. Ngày hai con lên đường, chị Liễu đi bộ cả mấy cây số tiễn chúng. Xe chuyển quân lăn bánh, chị quay mặt khóc không để hai đứa con biết. Sau nhiều năm học tập, Xuân đã lên đường ra Trường Sa thực tập. Em mang theo bó hoa huệ thả xuống biển, nói chuyện với cha như một người đồng đội và hứa sẽ đưa mẹ ra Trường Sa để “đoàn tụ” cùng cha, để giới thiệu với đồng đội của cha nay đã hoá thân vào sóng nước Biển Đông người mẹ đã nuôi mình khôn lớn để hôm nay lại ra bảo vệ Trường Sa.

Nguyễn Minh Sơn – Quốc Nam


Hải chiến Trường Sa là tên gọi cuộc chiến trên Biển Đông năm 1988. Trung Quốc đưa quân đội ra chiếm một số đảo, đảo chìm, bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đưa lực lượng hải quân ra bảo vệ và xảy ra cuộc chiến ngày 14.3.1988.
Đầu năm 1988, khi hải quân Trung Quốc chiếm một số đảo Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi… Việt Nam nhận định Trung Quốc có ý đồ chiếm thêm các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma nên điều lực lượng hải quân ra giữ. Các tài liệu của quân đội nhân dân Việt Nam gọi chiến dịch này với cái tên CQ-88 (chủ quyền 88). Thời điểm đó Trung Quốc đã đưa 15 tàu đến khu vực Trường Sa bao gồm 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ và 3 tàu vận tải. Vào lúc 19 giờ ngày 11.3.1988 tàu HQ 604 rời Cam Ranh lên đường đến đảo Gạc Ma. Các tàu HQ 605, HQ 505 đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa cũng được điều đến cụm đảo Cô Lin – Len Đao.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 14.3.1988, Trung Quốc cho khoảng 40 lính tràn lên đảo Gạc Ma (một đảo chìm, khi thuỷ triều xuống nước vẫn ngập đến đầu gối). Lúc đó, các chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã cắm cờ chủ quyền trên đảo. Lính Trung Quốc tiến tới cướp cờ và nổ súng giết chết các chiến sĩ trên đảo. Sau đó, Trung Quốc dùng pháo 100mm bắn chìm tàu HQ 604, truy sát các chiến sĩ trên tàu còn sống sót và chiếm đảo. Tại các đảo Cô Lin, Len Đao, chiến sĩ trên các tàu HQ 605 và HQ 505 kiên cường chiến đấu và bảo vệ được đảo. Phía Việt Nam có 3 tàu bị chìm và bị bắn cháy, 64 chiến sĩ hy sinh, 9 chiến sĩ khác bị bắt làm tù binh và được Trung Quốc trao trả năm 1992.
Trong cuộc hải chiến Trường Sa, bất chấp luật lệ chiến tranh, bất chấp nhân đạo, Trung Quốc ngăn cản không cho tàu của tổ chức Chữ Thập Đỏ đến cứu khi tàu Việt Nam bị đánh chìm. Đây là việc vi phạm điều cơ bản nhất của luật Chiến tranh. Trường Sa cách bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý, cách Trung Quốc 750 hải lý và hoàn toàn không nằm trong thềm lục địa của nước này.