Cao Huy Thuần
Tuần vừa qua [2003], một cuốn phim Ðại Hàn ra mắt khán giả Paris, được khen ngợi. Báo Mỹ cũng khen. Tên của phim là : Xuân Hạ Thu Ðông … rồi Xuân (1). Không phải là người sành điện ảnh, đọc tên phim là tôi muốn đi xem ngay vì nên thơ quá. Xuân hạ thu đông thì chẳng có gì lạ, nhưng xuân hạ thu đông … rồi xuân thì cái duyên đã phát tiết ra ngoài. Huống hồ, ở trong phim, xuân rồi lại xuân trên một ngôi chùa nhỏ … trên một ngôi chùa nhỏ chênh vênh giữa núi non.
Thơ và đẹp là chuyện của phim. Bằng im lặng, cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói. Chẳng có gì để nói giữa ông thầy và chú tiểu. Chẳng có gì để nói giữa chú tiểu và cô gái. Giữa ba nhân vật là một chiếc thuyền, có khi có người chèo, có khi không có người chèo vẫn trôi, trôi từ bờ bên này qua bờ bên kia, từ thế giới bên ngoài không hiện diện qua thế giới ngôi chùa không ai cần nói với ai. Chiếc thuyền là nét động duy nhất giữa tĩnh lặng mênh mông, là vùng vẫy giữa lắng đọng. Nói gì ? Có gì để nói ? Nói gì giữa chú tiểu và cô gái ? Chuyện xảy ra là chuyện tất nhiên, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua trên mái chùa.
Mới hôm qua, mùa xuân, chú tiểu hãy còn là búp măng, con ai đem bỏ chùa này, ngây thơ đùa nghịch với cóc nhái, rắn rít. Hôm nay, khi cô gái đến, tuổi đời của chú đã bắt đầu vào hạ. Ðất trời ấm mùa hạ, cô gái ấm mùa hạ, chú cũng vậy. Chuyện gì xảy ra tất phải xảy ra, chú tiểu hay ai cũng vậy thôi, đất đá cũng biết, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua.
Cô gái đến chùa để ở lại chữa bệnh. Khi đến, cô u sầu. Dưới mặt trời mùa hạ, trời ấm, người ấm, cô rạng rỡ. Ông sư nói: “Cô lành bệnh rồi đấy, về nhà được rồi”. Ông biết hết, nhưng thản nhiên, như không, có gì để nói? Cô gái xuống thuyền, thuyền đưa cô từ bờ bên này của núi non qua bờ bên kia của một thế giới chẳng ai biết. Ðó là thế giới chú tiểu sắp bước vào, bởi vì, sau khi cô gái đi, chú tiểu cũng khăn gói rời chùa, làm con bướm đuổi theo mùi hương. Trong khăn gói, chú cẩn thận nhét thêm tượng Phật. Nằm trong gói, chắc tượng Phật nói thầm : “chú tiểu ơi, chẳng sao đâu, chú đi như thế cũng tốt như ở, bình thường thôi, xuân hạ thu đông”.
Chùa hai người, bây giờ chỉ còn một. Một ông sư già và một con mèo con. Mặt trời dịu lại, mùa hạ cũng ra đi. Mùa thu dần đến, núi non vàng rực một màu.
Nhưng chẳng mấy chốc, chú tiểu trở về. Chú về với râu, với tóc, với tướng mạo hiên ngang của thanh niên đô thị. Và với con dao ! Con dao mà chú đã thọc vào cổ của người yêu bây giờ là người phản. Chú vào chùa, giận dữ bốc cháy người chú. Trong tay chú, con dao như muốn thọc vào cả núi non. Thản nhiên như không, ông sư càng già càng ít nói. Chỉ nói : “ Chú khổ thì người khác cũng khổ ”. Nghe chừng như chuyện khổ cũng tất nhiên, nói gì, có gì để nói, chỉ là xuân hạ thu đông.
Cũng tất nhiên, cảnh sát đến chùa bắt kẻ sát nhân. Cảnh sát có súng. Sát nhân có dao. Dao ấy hươi lên trước súng. Máu sẽ đổ chăng ? Ðổ trên sân chùa ? Ðổ trên lưng ông già đang lom khom nắn nót viết chữ trên sân ? Ðâu có ! Không rời bút, cũng chẳng nhìn lên, ông bảo chàng thanh niên buông dao. Dao buông xuống thì dao hết là dao. Dao hết là dao thì súng cũng hết là súng, cảnh sát hết cảnh sát, thanh niên hết râu tóc. Chỉ còn chữ viết trên sân. Với con dao đã buông, ông bảo chú thanh niên tiếp tục khắc chữ trên nền sân, khắc theo chữ ông viết. Chú khắc suốt ngày và suốt đêm. Khắc rách da tay, khắc kiệt sức. Khắc : sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị… Bài kinh Bát nhã.
Sáng hôm sau, cảnh sát dẫn chú lên thuyền qua bên kia bờ. Mọi chuyện xảy ra như chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nói nhiều, tất nhiên như thế. Trừ bài Bát nhã. .
Mùa thu trôi qua, tuyết mùa đông phủ trắng núi non. Một mùa tuyết, hai mùa tuyết, chẳng biết bao nhiêu mùa tuyết trôi qua, chỉ biết ông sư già đã tịch. Giữa băng giá phủ kín mặt hồ, bỗng một hôm, giữa mùa tuyết như thế, một người đàn ông đứng tuổi hiện ra, đi từ bờ bên kia qua bờ bên này của ngôi chùa bỏ hoang. Cũng một người ấy thôi, mãn giấc bướm, mãn tù, mãn cuộc đời, quay về chùa cũ. Cũng một người ấy thôi, nhưng không phải người ấy nữa. Người ấy bây giờ là sư.
Có sư, chùa sống lại. Tượng được đặt trên bàn thờ, bế lên núi, ngự trên chóp đỉnh, tạc cả vào băng. Giữa băng giá, sư mình trần leo núi, thách đố với trời đất, thách đố với cả chính mình. Sư thắng. Sư đã từ giã bờ bên kia. Sẽ không còn ai biết sư là ai nữa, kể cả con thuyền khi hết băng giá sẽ nối lại hai bờ, kể cả chính sư. Nhưng từ giã cuộc đời bên kia đâu có phải là diệt nó. Trái lại, phải sống với nó. Mà cuộc đời ở bên kia cũng chẳng để cho sư quên sư đâu. Nó nhắc nhở hành trình của sư ở chính cái chỗ bắt đầu : ở tiếng khóc khi bắt đầu sự sống. Cho nên, giữa giá băng như thế, một buổi sáng, chùa chưa mở cửa, bỗng vang dội tiếng khóc sơ sinh trước sân. Một thiếu phụ, chẳng biết ai, dấu nước mắt, đem con lên bỏ chùa này, giao cho chùa giọt máu chắc hẳn là kết quả của một hạnh phúc không bền hơn sương tan đầu cỏ. Tiếng khóc! Trẻ thơ! Câu chuyện của chính ông sư, có lẽ của cả mọi người, sẽ lặng lẽ diễn ra hàng ngày trước mắt ông. Câu chuyện đó, ông đã quá biết rồi, cho nên có gì xảy ra chắc ông đều sẽ thản nhiên, chẳng nói một lời, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông trôi qua trên mái chùa của ông.
Ðấy, băng giá tan rồi, mùa đông đã trôi qua, một mùa đông, hai mùa đông …Rồi mùa xuân ! Trẻ sơ sinh đã thành chú tiểu nhỏ, ngây thơ đùa nghịch với cóc nhái, rắn rít đang bò ra khỏi hang. Chỉ chừng mươi mùa xuân nữa thôi là chú tiểu sẽ vào tuổi hạ. Coi chừng, chú sắp rút dao. Sắp khắc trên nền gạch :“có chẳng khác không, không chẳng khác có…” Nói gì nữa, có gì để nói ?…
Ðáng lẽ người kể chuyện chấm dứt ở đây. Nhưng xem phim mới lại nhớ phim cũ. Nhớ quá, không cắt hai phim ra được, cho nên phải thêm. Cũng tại bài kinh Bát nhã, năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư. Dứt trừ hết khổ ách, chân thật không hư. Tại sao bài kinh Bát nhã có công năng như vậy ? Tại vì kinh nhắc chữ có cho ai mê muội về không, nhắc chữ không cho ai mê muội về có. Cứ thử mê muội rồi thấm Bát nhã.
“Xuân Hạ Thu Ðông … rồi Xuân” được sáng tác giữa thời đại mà dục tính phơi tràn trên màn ảnh. Ái dục là đề tài của phim, vấn nạn của nhân vật. Tôi không biết đạo diễn có lấy hứng từ phim cũ không, nhưng tôi liên tưởng đến một phim nổi tiếng của Nhật, Quái Ðàm (Kwaidan) (2), chiếu cách đây trên 35 năm, rút từ một chuyện thiền, chẳng có gì giống phim mới ngày nay, trừ bài Bát nhã. Chuyện như sau, tôi kể theo trí nhớ.
Một chú tiểu mù sống trong một ngôi chùa vắng với một ông sư già. Chú chơi đàn tỳ bà rất hay, tiếng đàn ai oán, ai nghe cũng rơi lụy. Một buổi tối mùa hè đầy sao, chú tiểu đang ngồi trước sân tư lự với sao trên trời, bỗng nghe bước chân lạ của ai đến bên cạnh. Tiếng áo giáp khua. Rồi giọng một võ sĩ : “Chú đừng sợ. Nữ chúa của ta nghe danh cây tỳ bà của chú nên bí mật tới đây cùng với cả triều đình của ngài để mời chú đến đàn cho nghe khúc nhạc kể lại trận thủy chiến ngày xưa xảy ra trong vùng này. Ta đưa chú đi”.
Chú tiểu ngần ngại quá, sợ kẻ lạ, sợ đêm khuya, thầy quở, nhưng võ sĩ nắm tay chú kéo đi. Chú được dẫn đến trước một cung điện nguy nga, tráng lệ . Cả một triều đình bá quan văn võ, quý tộc, công nương, lễ phục oai vệ, uy nghiêm, ngồi lặng yên chờ chú. Trên ngai, chủ trì một nữ chúa, trang phục cực kỳ lộng lẫy. Chú tiểu so dây, lựa khúc, gảy bản đàn nổi tiếng, rồi cất tiếng ca não nùng kể lại trận đánh. Cả triều đình thương cảm, rơi lệ.
Gần sáng, võ sĩ đưa chú về lại chùa, hẹn tối mai sẽ trở lại, sẽ đàn, sẽ yến tiệc, sẽ trả công, sẽ gả người đẹp cho chú, nhưng cấm chú tuyệt đối không được hé miệng kể cho ai nghe chuyện này.
Tối hôm sau. Lại tiếng khua của áo giáp. Lại võ sĩ đến tìm. Lại triều đình oai vệ. Lại đàn hát, nỉ non, ai oán. Trận thủy chiến hiện ra qua bài hát, giáo mác, lửa đạn, thây người, máu chảy, cả triều đình thất trận nhảy xuống sông, nữ chúa gieo mình xuống nước, tự vẫn …
Ðêm hôm đó, đêm hôm sau, đêm sau nữa, cứ đến đêm là ông sư già để ý thấy chú tiểu ôm đàn ra khỏi chùa, đến gần sáng mới về. Ông thầy lo quá, thấy chú tiểu tái xanh, ngớ ngẩn, xa vắng; Chẳng lẽ chú tới nhà gái ? “Này, tiểu, nhỏ nào hớp hồn chú vậy?” Chú tiểu lắc đầu, câm miệng, khiến thầy càng nghi. Tối đó, sư cho người theo dò, nhưng lạ quá, tiểu đi như lướt trên đất, chẳng đường sá gì cả, vừa mới theo bóng chú đã lạc đâu rồi, mất hút. Quay về lối cũ, bỗng nghe thoảng ra, từ nghĩa trang gần chùa, tiếng tỳ bà. Vào nghĩa địa thì chú đấy, đang ngồi đàn một mình trước mộ hoang của phe thất trận thủy chiến ngày xưa. Mưa đẫm ướt áo, chú vẫn đàn say mê . Gọi, chú chẳng nghe. Lay, chú vẫn ngồi. Vẫn đàn, như không biết gì khác. Phải lôi chú, kéo chú về chùa.
Thế này thì tiểu bị ma bắt rồi – sư nói. Thất trận mấy trăm năm, oan hồn vẫn chưa tan. Vẫn triều đình, vẫn bá quan văn võ, vẫn nghi vệ oai phong, vẫn lộng lẫy nữ chúa. Vẫn thủy chiến. Dưới trời sao. Trước nấm đất hoang. Ông sư mài mực, chấm bút, bảo chú tiểu cởi hết áo quần, viết trên toàn thân kín mít chữ, từ chỏm đầu đến mút chân. Chú tiểu bây giờ chỉ còn là bài kinh biết đi, sắc bất dị không, không bất dị sắc … Sư nói : “tối nay nó lại đến tìm chú nữa đấy ; cứ tĩnh tọa chú Bát nhã”.
Tối, võ sĩ lại đến, nhưng chẳng thấy chú tiểu đâu cả, chỉ thấy cây tỳ bà vẫn gác nơi vách. Nhìn quanh cây đàn, trống không, chẳng bóng ai, nhưng ô kìa, sao lại có hai cái tai vễnh lên trước mắt, đúng là tai của chú tiểu. Võ sĩ kéo tai ; chú tiểu nhịn đau, chú Bát nhã. Không làm được gì hơn, võ sĩ rút gươm, cắt tai, mang đi. Sư phụ ơi, sư phụ ơi, người đã tuyệt vời năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư kín mít toàn thân, từ chỏm đầu đến mút chân, chỉ quên khuấy yết đế trên hai tai !
Không mắt, không tai, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, chú tiểu bây giờ chỉ còn là cây đàn, tai mắt chú là cây tỳ bà, cây tỳ bà là tai mắt chú, người và đàn là một. Trong chuyện thiền mà cuốn phim lấy hứng, chú tiểu trở thành danh cầm bậc nhất thiên hạ.
Hai phim, hai chuyện chẳng giống gì nhau, chỉ cùng mượn hứng từ bài Bát nhã. Sự đời ! Trăm vạn chuyện khác nhau đến mấy, rốt cuộc rồi cũng một chữ ấy mà thôi, không ngộ thì mê, không mê thì ngộ, nói gì, có gì nữa để nói.
Cao Huy Thuần
(1) Printemps, été, automne, hiver… et printemps (tên Hàn ngữ là Bom, yeorum, gaeul, gyeowool, geurigo, bom, 2003), đạo diễn : Kim Ki-Duk
(2) Phim của Masaki Kobayashi, Nhật Bản (1964). Câu chuyện tác giả kể lại là một trong 4 chuyện hợp thành cuốn phim Kwaidan
Mời các bạn xem phim “Xuân Hạ Thu Đông… Rồi Xuân”:
Tuần vừa qua [2003], một cuốn phim Ðại Hàn ra mắt khán giả Paris, được khen ngợi. Báo Mỹ cũng khen. Tên của phim là : Xuân Hạ Thu Ðông … rồi Xuân (1). Không phải là người sành điện ảnh, đọc tên phim là tôi muốn đi xem ngay vì nên thơ quá. Xuân hạ thu đông thì chẳng có gì lạ, nhưng xuân hạ thu đông … rồi xuân thì cái duyên đã phát tiết ra ngoài. Huống hồ, ở trong phim, xuân rồi lại xuân trên một ngôi chùa nhỏ … trên một ngôi chùa nhỏ chênh vênh giữa núi non.
Thơ và đẹp là chuyện của phim. Bằng im lặng, cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói. Chẳng có gì để nói giữa ông thầy và chú tiểu. Chẳng có gì để nói giữa chú tiểu và cô gái. Giữa ba nhân vật là một chiếc thuyền, có khi có người chèo, có khi không có người chèo vẫn trôi, trôi từ bờ bên này qua bờ bên kia, từ thế giới bên ngoài không hiện diện qua thế giới ngôi chùa không ai cần nói với ai. Chiếc thuyền là nét động duy nhất giữa tĩnh lặng mênh mông, là vùng vẫy giữa lắng đọng. Nói gì ? Có gì để nói ? Nói gì giữa chú tiểu và cô gái ? Chuyện xảy ra là chuyện tất nhiên, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua trên mái chùa.
Mới hôm qua, mùa xuân, chú tiểu hãy còn là búp măng, con ai đem bỏ chùa này, ngây thơ đùa nghịch với cóc nhái, rắn rít. Hôm nay, khi cô gái đến, tuổi đời của chú đã bắt đầu vào hạ. Ðất trời ấm mùa hạ, cô gái ấm mùa hạ, chú cũng vậy. Chuyện gì xảy ra tất phải xảy ra, chú tiểu hay ai cũng vậy thôi, đất đá cũng biết, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông, bốn mùa trôi qua.
Cô gái đến chùa để ở lại chữa bệnh. Khi đến, cô u sầu. Dưới mặt trời mùa hạ, trời ấm, người ấm, cô rạng rỡ. Ông sư nói: “Cô lành bệnh rồi đấy, về nhà được rồi”. Ông biết hết, nhưng thản nhiên, như không, có gì để nói? Cô gái xuống thuyền, thuyền đưa cô từ bờ bên này của núi non qua bờ bên kia của một thế giới chẳng ai biết. Ðó là thế giới chú tiểu sắp bước vào, bởi vì, sau khi cô gái đi, chú tiểu cũng khăn gói rời chùa, làm con bướm đuổi theo mùi hương. Trong khăn gói, chú cẩn thận nhét thêm tượng Phật. Nằm trong gói, chắc tượng Phật nói thầm : “chú tiểu ơi, chẳng sao đâu, chú đi như thế cũng tốt như ở, bình thường thôi, xuân hạ thu đông”.
Chùa hai người, bây giờ chỉ còn một. Một ông sư già và một con mèo con. Mặt trời dịu lại, mùa hạ cũng ra đi. Mùa thu dần đến, núi non vàng rực một màu.
Nhưng chẳng mấy chốc, chú tiểu trở về. Chú về với râu, với tóc, với tướng mạo hiên ngang của thanh niên đô thị. Và với con dao ! Con dao mà chú đã thọc vào cổ của người yêu bây giờ là người phản. Chú vào chùa, giận dữ bốc cháy người chú. Trong tay chú, con dao như muốn thọc vào cả núi non. Thản nhiên như không, ông sư càng già càng ít nói. Chỉ nói : “ Chú khổ thì người khác cũng khổ ”. Nghe chừng như chuyện khổ cũng tất nhiên, nói gì, có gì để nói, chỉ là xuân hạ thu đông.
Cũng tất nhiên, cảnh sát đến chùa bắt kẻ sát nhân. Cảnh sát có súng. Sát nhân có dao. Dao ấy hươi lên trước súng. Máu sẽ đổ chăng ? Ðổ trên sân chùa ? Ðổ trên lưng ông già đang lom khom nắn nót viết chữ trên sân ? Ðâu có ! Không rời bút, cũng chẳng nhìn lên, ông bảo chàng thanh niên buông dao. Dao buông xuống thì dao hết là dao. Dao hết là dao thì súng cũng hết là súng, cảnh sát hết cảnh sát, thanh niên hết râu tóc. Chỉ còn chữ viết trên sân. Với con dao đã buông, ông bảo chú thanh niên tiếp tục khắc chữ trên nền sân, khắc theo chữ ông viết. Chú khắc suốt ngày và suốt đêm. Khắc rách da tay, khắc kiệt sức. Khắc : sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị… Bài kinh Bát nhã.
Sáng hôm sau, cảnh sát dẫn chú lên thuyền qua bên kia bờ. Mọi chuyện xảy ra như chẳng có gì để nói, chẳng có gì để nói nhiều, tất nhiên như thế. Trừ bài Bát nhã. .
Mùa thu trôi qua, tuyết mùa đông phủ trắng núi non. Một mùa tuyết, hai mùa tuyết, chẳng biết bao nhiêu mùa tuyết trôi qua, chỉ biết ông sư già đã tịch. Giữa băng giá phủ kín mặt hồ, bỗng một hôm, giữa mùa tuyết như thế, một người đàn ông đứng tuổi hiện ra, đi từ bờ bên kia qua bờ bên này của ngôi chùa bỏ hoang. Cũng một người ấy thôi, mãn giấc bướm, mãn tù, mãn cuộc đời, quay về chùa cũ. Cũng một người ấy thôi, nhưng không phải người ấy nữa. Người ấy bây giờ là sư.
Có sư, chùa sống lại. Tượng được đặt trên bàn thờ, bế lên núi, ngự trên chóp đỉnh, tạc cả vào băng. Giữa băng giá, sư mình trần leo núi, thách đố với trời đất, thách đố với cả chính mình. Sư thắng. Sư đã từ giã bờ bên kia. Sẽ không còn ai biết sư là ai nữa, kể cả con thuyền khi hết băng giá sẽ nối lại hai bờ, kể cả chính sư. Nhưng từ giã cuộc đời bên kia đâu có phải là diệt nó. Trái lại, phải sống với nó. Mà cuộc đời ở bên kia cũng chẳng để cho sư quên sư đâu. Nó nhắc nhở hành trình của sư ở chính cái chỗ bắt đầu : ở tiếng khóc khi bắt đầu sự sống. Cho nên, giữa giá băng như thế, một buổi sáng, chùa chưa mở cửa, bỗng vang dội tiếng khóc sơ sinh trước sân. Một thiếu phụ, chẳng biết ai, dấu nước mắt, đem con lên bỏ chùa này, giao cho chùa giọt máu chắc hẳn là kết quả của một hạnh phúc không bền hơn sương tan đầu cỏ. Tiếng khóc! Trẻ thơ! Câu chuyện của chính ông sư, có lẽ của cả mọi người, sẽ lặng lẽ diễn ra hàng ngày trước mắt ông. Câu chuyện đó, ông đã quá biết rồi, cho nên có gì xảy ra chắc ông đều sẽ thản nhiên, chẳng nói một lời, nói gì, có gì để nói, bình thường như xuân hạ thu đông trôi qua trên mái chùa của ông.
Ðấy, băng giá tan rồi, mùa đông đã trôi qua, một mùa đông, hai mùa đông …Rồi mùa xuân ! Trẻ sơ sinh đã thành chú tiểu nhỏ, ngây thơ đùa nghịch với cóc nhái, rắn rít đang bò ra khỏi hang. Chỉ chừng mươi mùa xuân nữa thôi là chú tiểu sẽ vào tuổi hạ. Coi chừng, chú sắp rút dao. Sắp khắc trên nền gạch :“có chẳng khác không, không chẳng khác có…” Nói gì nữa, có gì để nói ?…
Ðáng lẽ người kể chuyện chấm dứt ở đây. Nhưng xem phim mới lại nhớ phim cũ. Nhớ quá, không cắt hai phim ra được, cho nên phải thêm. Cũng tại bài kinh Bát nhã, năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư. Dứt trừ hết khổ ách, chân thật không hư. Tại sao bài kinh Bát nhã có công năng như vậy ? Tại vì kinh nhắc chữ có cho ai mê muội về không, nhắc chữ không cho ai mê muội về có. Cứ thử mê muội rồi thấm Bát nhã.
“Xuân Hạ Thu Ðông … rồi Xuân” được sáng tác giữa thời đại mà dục tính phơi tràn trên màn ảnh. Ái dục là đề tài của phim, vấn nạn của nhân vật. Tôi không biết đạo diễn có lấy hứng từ phim cũ không, nhưng tôi liên tưởng đến một phim nổi tiếng của Nhật, Quái Ðàm (Kwaidan) (2), chiếu cách đây trên 35 năm, rút từ một chuyện thiền, chẳng có gì giống phim mới ngày nay, trừ bài Bát nhã. Chuyện như sau, tôi kể theo trí nhớ.
Một chú tiểu mù sống trong một ngôi chùa vắng với một ông sư già. Chú chơi đàn tỳ bà rất hay, tiếng đàn ai oán, ai nghe cũng rơi lụy. Một buổi tối mùa hè đầy sao, chú tiểu đang ngồi trước sân tư lự với sao trên trời, bỗng nghe bước chân lạ của ai đến bên cạnh. Tiếng áo giáp khua. Rồi giọng một võ sĩ : “Chú đừng sợ. Nữ chúa của ta nghe danh cây tỳ bà của chú nên bí mật tới đây cùng với cả triều đình của ngài để mời chú đến đàn cho nghe khúc nhạc kể lại trận thủy chiến ngày xưa xảy ra trong vùng này. Ta đưa chú đi”.
Chú tiểu ngần ngại quá, sợ kẻ lạ, sợ đêm khuya, thầy quở, nhưng võ sĩ nắm tay chú kéo đi. Chú được dẫn đến trước một cung điện nguy nga, tráng lệ . Cả một triều đình bá quan văn võ, quý tộc, công nương, lễ phục oai vệ, uy nghiêm, ngồi lặng yên chờ chú. Trên ngai, chủ trì một nữ chúa, trang phục cực kỳ lộng lẫy. Chú tiểu so dây, lựa khúc, gảy bản đàn nổi tiếng, rồi cất tiếng ca não nùng kể lại trận đánh. Cả triều đình thương cảm, rơi lệ.
Gần sáng, võ sĩ đưa chú về lại chùa, hẹn tối mai sẽ trở lại, sẽ đàn, sẽ yến tiệc, sẽ trả công, sẽ gả người đẹp cho chú, nhưng cấm chú tuyệt đối không được hé miệng kể cho ai nghe chuyện này.
Tối hôm sau. Lại tiếng khua của áo giáp. Lại võ sĩ đến tìm. Lại triều đình oai vệ. Lại đàn hát, nỉ non, ai oán. Trận thủy chiến hiện ra qua bài hát, giáo mác, lửa đạn, thây người, máu chảy, cả triều đình thất trận nhảy xuống sông, nữ chúa gieo mình xuống nước, tự vẫn …
Ðêm hôm đó, đêm hôm sau, đêm sau nữa, cứ đến đêm là ông sư già để ý thấy chú tiểu ôm đàn ra khỏi chùa, đến gần sáng mới về. Ông thầy lo quá, thấy chú tiểu tái xanh, ngớ ngẩn, xa vắng; Chẳng lẽ chú tới nhà gái ? “Này, tiểu, nhỏ nào hớp hồn chú vậy?” Chú tiểu lắc đầu, câm miệng, khiến thầy càng nghi. Tối đó, sư cho người theo dò, nhưng lạ quá, tiểu đi như lướt trên đất, chẳng đường sá gì cả, vừa mới theo bóng chú đã lạc đâu rồi, mất hút. Quay về lối cũ, bỗng nghe thoảng ra, từ nghĩa trang gần chùa, tiếng tỳ bà. Vào nghĩa địa thì chú đấy, đang ngồi đàn một mình trước mộ hoang của phe thất trận thủy chiến ngày xưa. Mưa đẫm ướt áo, chú vẫn đàn say mê . Gọi, chú chẳng nghe. Lay, chú vẫn ngồi. Vẫn đàn, như không biết gì khác. Phải lôi chú, kéo chú về chùa.
Thế này thì tiểu bị ma bắt rồi – sư nói. Thất trận mấy trăm năm, oan hồn vẫn chưa tan. Vẫn triều đình, vẫn bá quan văn võ, vẫn nghi vệ oai phong, vẫn lộng lẫy nữ chúa. Vẫn thủy chiến. Dưới trời sao. Trước nấm đất hoang. Ông sư mài mực, chấm bút, bảo chú tiểu cởi hết áo quần, viết trên toàn thân kín mít chữ, từ chỏm đầu đến mút chân. Chú tiểu bây giờ chỉ còn là bài kinh biết đi, sắc bất dị không, không bất dị sắc … Sư nói : “tối nay nó lại đến tìm chú nữa đấy ; cứ tĩnh tọa chú Bát nhã”.
Tối, võ sĩ lại đến, nhưng chẳng thấy chú tiểu đâu cả, chỉ thấy cây tỳ bà vẫn gác nơi vách. Nhìn quanh cây đàn, trống không, chẳng bóng ai, nhưng ô kìa, sao lại có hai cái tai vễnh lên trước mắt, đúng là tai của chú tiểu. Võ sĩ kéo tai ; chú tiểu nhịn đau, chú Bát nhã. Không làm được gì hơn, võ sĩ rút gươm, cắt tai, mang đi. Sư phụ ơi, sư phụ ơi, người đã tuyệt vời năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư kín mít toàn thân, từ chỏm đầu đến mút chân, chỉ quên khuấy yết đế trên hai tai !
Không mắt, không tai, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, chú tiểu bây giờ chỉ còn là cây đàn, tai mắt chú là cây tỳ bà, cây tỳ bà là tai mắt chú, người và đàn là một. Trong chuyện thiền mà cuốn phim lấy hứng, chú tiểu trở thành danh cầm bậc nhất thiên hạ.
Hai phim, hai chuyện chẳng giống gì nhau, chỉ cùng mượn hứng từ bài Bát nhã. Sự đời ! Trăm vạn chuyện khác nhau đến mấy, rốt cuộc rồi cũng một chữ ấy mà thôi, không ngộ thì mê, không mê thì ngộ, nói gì, có gì nữa để nói.
Cao Huy Thuần
(1) Printemps, été, automne, hiver… et printemps (tên Hàn ngữ là Bom, yeorum, gaeul, gyeowool, geurigo, bom, 2003), đạo diễn : Kim Ki-Duk
(2) Phim của Masaki Kobayashi, Nhật Bản (1964). Câu chuyện tác giả kể lại là một trong 4 chuyện hợp thành cuốn phim Kwaidan
Mời các bạn xem phim “Xuân Hạ Thu Đông… Rồi Xuân”: