Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Đánh giá về nội các Dương Văn Minh

Nguyễn Thị Bình
Có một vấn đề nữa mà tôi muốn làm rõ là đánh giá về ông Dương Văn Minh và nhóm của ông, với vai trò trong việc thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc.

Đánh giá về nội các Dương Văn Minh
Bà Nguyễn Thị Bình tại lễ ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam 27.1.1973, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber (Paris) - Ảnh: Tác giả cung cấp

Tại sao ông Dương Văn Minh và nhóm của ông, thay vì đứng trên lập trường lực lượng thứ ba lại đứng ra thay thế chính quyền Thiệu, thành lập nội các Dương Văn Minh ngay ngày quân ta triển khai Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn?
Nhớ lại ngày 8.10.1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã ra tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam “đòi Mỹ chấm dứt dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đòi lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, lập ra ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc, thi hành Hiệp định Paris”. Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi có được, sự việc đã diễn ra như sau:
Đứng trước sự suy yếu về mọi mặt và khả năng sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, sự bế tắc trong việc thực thi Hiệp định Paris, nhóm tham mưu của Dương Văn Minh đề xuất phải đứng ra lật đổ Thiệu, thành lập nội các hòa bình, thương lượng với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để chấm dứt chiến tranh. Lập luận của họ là cho dù với những ai khác lên thay Thiệu để thành lập nội các hòa bình, ta còn chấp nhận thương lượng, huống hồ họ là những người đã trực tiếp hoặc đã gián tiếp liên hệ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời, đã từng tham gia đấu tranh chống Mỹ - Thiệu trong các phong trào đô thị thì chẳng có lý do gì mà Chính phủ Cách mạng Lâm thời khước từ việc thương lượng.
Quá trình vận động để thực hiện chủ trương này cũng có những ý kiến khác biệt giữa những người trong nhóm, mãi cho đến đầu tháng 4.1975, họ mới công khai công bố quyết định ra thay Thiệu cho dù phải “cầm cờ trắng” đầu hàng để chấm dứt chiến tranh.
Về vai trò của ông Dương Văn Minh, một văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá: “Mặc dù ông Dương Văn Minh chưa đáp ứng được yêu cầu của ta, nhưng tuyên bố của ông và nhật lệnh của ông Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã có tác dụng nhất định, làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân đội Sài Gòn vào giờ chót của chiến tranh, tạo điều kiện cho quân ta tiến nhanh giải phóng Sài Gòn...”.

"Hành động của ông Dương Văn Minh là thức thời và thể hiện ông là người có lòng yêu nước"

Tôi nghĩ rằng đánh giá như thế là thỏa đáng, nhưng nếu nghiên cứu thêm lý lịch của ông Dương Văn Minh và nghe thêm một số câu chuyện về ông qua lời kể của những người tiến bộ xung quanh ông thì hành động của ông Dương Văn Minh là thức thời và thể hiện ông là người có lòng yêu nước. Ông Nguyễn Văn Diệp, nguyên Tổng trưởng Thương mại - Kinh tế trong chính quyền Sài Gòn - một cơ sở nòng cốt của ta - người đã được ông Minh cử trong đoàn vào sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu tiên để gặp phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, người đã bám theo cuộc tiếp xúc giữa nhà tình báo Vanuxem của Pháp đến gặp các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền - nguyên Chủ tịch Thượng viện Sài Gòn, Vũ Văn Mẫu vào sáng 30.4 để gạ gẫm ông Minh nên kêu gọi Trung Quốc can thiệp, đã kể lại với tư cách một nhân chứng sắp qua đời rằng: “Ông Minh đã khéo léo từ chối là tôi không còn thời giờ nữa”. Và khi Vanuxem đi rồi, ông Minh nói với các ông Huyền, Mẫu rằng: “Chúng ta đã làm tay sai cho Pháp, cho Mỹ quá đủ rồi, không thể tiếp tục làm tay sai cho kẻ khác nữa”.
Tôi cho rằng không nên tách ông Dương Văn Minh và nội các của ông ra khỏi nhóm Dương Văn Minh mà 80% là những người có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp, thậm chí là cơ sở của cách mạng trong thành phố Sài Gòn.
Ông Vũ Văn Mẫu, người đã cạo trọc đầu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo khi ông làm Ngoại trưởng năm 1963, người đã trực tiếp gặp anh Phạm Văn Ba tại Paris, là đương kim Chủ tịch Phong trào Hòa giải Hòa hợp của Phật giáo Ấn Quang đã được ông Minh cử làm Thủ tướng.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa, một cơ sở nòng cốt đắc lực của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, được ông Minh phong quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Khi cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn của quân ta đang thần tốc triển khai, luật sư Triệu Quốc Mạnh, một đảng viên Cộng sản nằm vùng được ông Minh giao chức Tổng chỉ huy Cảnh sát đô thành có nhiệm vụ phải nhanh chóng thả tù chính trị và làm tan rã lực lượng cảnh sát của chính quyền cũ...
Năm 1976, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và các tổ chức liên quan với cuộc chiến đấu ở miền Nam hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, một số cán bộ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tham gia các cơ quan của nhà nước. Một thời gian sau, một số người của các lực lượng chính trị trước đây ở miền Nam cũng được mời tham gia Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, Mặt trận Tổ quốc Trung ương như ông Nguyễn Văn Huyền (ông đã từ chối vì lý do sức khỏe), Nguyễn Hữu Có - nguyên Tổng trưởng Quốc phòng chính quyền Sài Gòn...
Tôi cùng với nhiều anh em từng hoạt động trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thường bàn với nhau về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc. Sau hàng chục năm chiến tranh kéo dài, đặc biệt chính sách Việt Nam hóa chiến tranh vô cùng thâm độc của đế quốc Mỹ đã gieo rắc sự chia rẽ và oán thù giữa người Việt Nam với nhau, chúng ta phải thực hiện và thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc. Đó cũng là đạo lý của người Việt Nam. Đối với Mỹ, kẻ thù đã gây cho nhân dân ta bao nhiêu đau thương tang tóc, ta đã có thể thực hiện chủ trương “gác lại quá khứ, nhìn về tương lai” thì không có lý do gì mà người trong một nước không thể hòa giải với nhau, thương yêu nhau, đoàn kết với nhau để cùng nhau xây dựng quê hương của mình.
Khi miền Nam sắp giải phóng, một số báo và đài xấu đưa ra luận điểm: quân cộng sản vào Sài Gòn, sẽ có “tắm máu”. Nhưng việc đó đã không hề xảy ra. Trên thực tế, như mọi người đều biết ở miền Nam ước tính 90% gia đình có người ở cả hai phía, thậm chí nhiều gia đình có chồng con đi lính cho chính quyền Sài Gòn vẫn là cơ sở của cách mạng, vẫn tham gia đấu tranh chính trị và còn bảo vệ cán bộ cách mạng.
Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thực hiện chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc. Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều người trong số hai triệu người ra đi đã lần lượt về quê hương, tìm cơ hội làm ăn để góp phần xây dựng đất nước, một số người đã về định cư hẳn trong nước.
Trong bài hát Gia tài của mẹ của Trịnh Công Sơn có những câu mà mỗi khi nhắc đến, tôi cứ thấy xót xa trong lòng: “1.000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày”.
Theo tôi, chúng ta cần phải làm nhiều hơn để hàn gắn vết thương chiến tranh. Không những thế, cần có sự đánh giá công khai và chính thức về sự đóng góp của mỗi người trong chiến thắng vĩ đại của dân tộc vừa qua, kể cả những người tham gia trong các lực lượng đối lập với chính quyền tay sai của Mỹ ở Sài Gòn, và xét việc khen thưởng đối với người có công.
Đến đây tôi lại nhớ một câu chuyện cách đây không lâu. Ở quê tôi, tại tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên, đã có một đám tang mà người chết là một sĩ quan trong chế độ cũ định cư ở Mỹ 20 năm qua. Theo nguyện vọng của ông, thi hài ông được đưa từ Mỹ về quê mai táng. Rất đông người đã đến dự đám tang, và người đọc điếu văn là con trai một liệt sĩ cách mạng, cháu một bà mẹ anh hùng. Câu chuyện đó có thể nói lên tình cảm sâu nặng của những người Việt xa quê hương, và nghĩa tình của họ hàng, người cùng xóm làng!