Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Chân dung cụ Lê Hiền Đức- từ nữ điệp báo đến chống tham nhũng

Bà Lê Hiền Đức (sinh 12 tháng 12 năm 1932), một nhà giáo hưu trí, một công dân tích cực đấu tranh chống tham nhũng và là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (có blog http://lhdtt.blogspot.com/).
M. Ly


Bà Đức với niềm vui khi được gặp lại Bác

NỮ ĐIỆP BÁO DỊCH MẬT MÃ CHO BÁC HỒ

Tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, bám trụ Hà Nội chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa, trở thành nữ điệp báo dịch mật mã cho Bác Hồ tại Chiến khu Việt Bắc, bà Phạm Thị Dung Mỹ (bí danh Lê Hiền Đức) suốt đời làm theo lời Bác dạy. Nhưng con người, nguyên tắc của người nữ điệp báo vẫn còn đó, bà giao hẹn trước: “Có những chuyện bây giờ được nói và có những chuyện mãi mãi không được nói”!

Hồn nhiên làm cách mạng
Lê Hiền Đức là con út trong một gia đình cách mạng tại Hà Nội. Cha làm trợ tá ở phủ Thuận Thành nhưng đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Các anh trai của bà đều là những người hoạt động cách mạng tất cả đều lấy bí danh là “Lê”, những người theo chủ nghĩa Mác -Lênin. Tuổi thơ của Hiền Đức đã chứng kiến sự tàn sát, bắt bớ của giặc Pháp và bè lũ tay sai đối với người theo Việt Minh. Đôi mắt thơ ngây của cô bé mới hơn 10 tuổi đã phải chứng kiến cảnh giặc Pháp đến tận nhà lục soát, bắt đi người anh trai thứ 3. Vì tham gia rải truyền đơn cho Việt minh mà người anh của bà bị giặc bắt đầy ra Côn Đảo. Lòng căm thù giặc được đốt nóng trong đôi mắt trong veo của trẻ thơ.
Nhớ lại tuổi thơ của mình, bà Đức kể: “Tết năm 1945, tôi được anh Lê Khởi Nghĩa (anh thứ 5) lì -xì cho cuốn sách “Những tâm hồn cao thượng”. Tôi đọc say mê thấm nhuần tư tưởng đấu tranh vì những lý tưởng cao đẹp của sách và tìm đến với Cách mạng. Anh chính là người đã dẫn đường cho tôi theo Đảng, theo Bác Hồ”. Cũng phải nói thêm rằng người anh thứ năm của bà là thư ký riêng của bác Phạm Văn Đồng.
Một công việc hết sức hồn nhiên, nhưng đó là thành tích đầu tiên của Lê Hiền Đức khi tham gia cách mạng. Tháng 3/1945, Lê Hiền Đức (13 tuổi) được giao nhiệm vụ mang chỉ thị của Việt Minh về cho cha. Việc đưa được chỉ thị bí mật về kịp thời tạo điều kiện cho cha mở kho thóc Nhật cứu đói cho nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công anh Nghĩa tiếp tục đi học tú tài và dạy bình dân học vụ theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Mặc dù cô em gái mới đang học lớp nhất cũng được anh cho đi dạy i, tờ. Pháp quay lại xâm chiếm, lệnh kháng chiến toàn quốc được Bác Hồ kêu gọi, Lê Hiền Đức ở lại Hà Nội làm liên lạc cho quân kháng chiến chứ nhất định không chịu tản cư.


Ngắm nghía kỷ niệm chương 60 ngày đêm khói lửa, bà Đức kể: “Tôi đã làm liên lạc viên đưa chỉ thị kháng chiến về nơi đặt pháo ở phố nhà tôi ở. 19h 30 phút nhận được chỉ thị khẩu pháo đặt tại phố Pháo Đài Láng (bây giờ) nổ 3 phát toàn thành phố cắt điện mở đầu cho cuộc kháng chiến 60 ngày đêm cầm chân giặc để Hà Nội chuyển toàn bộ cơ quan lên Việt Bắc”.
Người anh thứ 6 của bà Đức làm công an trong thành đã đưa em vào làm liên lạc. Năm 1947, cô bé Đức tiếp tục được đi học 2 tháng nghiệp vụ công an. Sau đó được giao nhiệm vụ làm điệp báo chuyên đi theo dõi những phần tử phản cách mạng. Bà Đức hào hứng: “Ngày ấy tôi được đóng nhiều vai lắm khi là cô học trò, lúc đi bán hàng rong, khi lại là con chiên ngoan đạo đi đến nhà thờ làm nhiệm vụ theo dõi Việt gian”. Làm tốt nhiệm vụ tới năm 1949, bà Đức được đưa về ty Công an Hà Nội, phụ trách điệp báo, rồi tiếp tục được chuyển lên Nha Công an Việt Nam làm việc chỗ cụ Lê Giản tại Việt Bắc. Đến tháng 12/1949, Nha công an sát nhập với Cục tình báo trung ương (với mật ngữ “Anh cả Nhã cưới cô Tý béo”) Lê Hiền Đức được cha đẻ của ngành tình báo, ông Trần Hiệu xin về làm nhiệm vụ dịch mật mã. Tại đây bà là người dịch mật mã đưa lại cho Cục trưởng duyệt và chuyển thẳng đến nơi làm việc của Bác Hồ.

Kỷ niệm khi được làm việc gần Bác
Cho đến bây giờ, bà Đức vẫn nhớ như in ngày đầu tiên gặp Bác Hồ. Hôm ấy một buổi sáng mùa thu năm 1949, cô nữ điệp báo được mang bản dịch mật mã đến nơi Bác làm việc. Như đang sống lại những ngày tháng vui vẻ của cô nữ liên lạc 17 tuổi, bà Đức kể lại: “Hôm ấy tôi nhận nhiệm vụ đưa công văn. Tôi men theo những con đường mòn vắt qua những quả đồi. Đến vọng gác tôi trèo lên quả đồi thoai thoải có những cây cao vút. Đang chú ý nhìn một tổ chim trên cành cây cao, tôi bỗng thấy một ông cụ ở phía trước đi lại. Ông mặc bộ quần áo nâu, bên ngoài khoác chiếc áo ka ki, khăn quàng buông qua cổ. Lại gần hơn, tôi nhận ngay ra Bác, tôi reo lên: “Bác! Bác!” và chạy nhanh lại gần. Bác nhìn tôi hiền từ, vuốt tóc tôi, Bác hỏi:
- Cháu đi đâu?
- Thưa Bác cháu ở bên anh Trần Hiệu, sang đưa công văn ạ.
Bác lại hỏi:
- Cháu đi từ mấy giờ sáng mà đã đến đây sớm thế?
- Thưa Bác, tan sương là cháu đi ngay ạ.
Bác khen:
- Giỏi lắm, thế đi liên lạc có vui không?
- Dạ vui lắm!
- Thế bên ấy có ăn cơm độn không?
- Dạ có, nhưng các anh thấy cháu bé lại là con gái nên không cho cháu ăn ạ.
Bác dặn: Trưa nay ăn cơm với Bác rồi hãy về.
Trưa hôm ấy tôi ăn một bữa cơm có lẽ là ngon nhất, đáng nhớ nhất. Cơm gạo đỏ, tôm rim, canh rau muống đựng trong ống bương bổ đôi. Các anh cùng ăn cho biết rau muống là do Bác trồng.
Do làm tốt công việc dịch mật mã, năm 1950 Lê Hiền Đức được chuyển sang làm người dịch mật mã cho Bác Hồ. Được làm việc gần Bác, bà càng xúc động và cảm phục vị Cha già kính yêu. Với công việc được giao, bà cố gắng hoàn thành xuất sắc những bản mật mã, một công việc đòi hỏi tinh thần sáng tạo và chuẩn xác.
Sau Chiến dịch Biên giới, Đảng có chính sách gửi cán bộ ra đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi Tổ quốc đang nước sôi lửa bỏng, bà không muốn rời xa quê hương để hưởng thụ cuộc sống an nhàn nơi đất bạn. Bà muốn ở lại tiếp tục cống hiến, tiếp tục phục vụ Bác Hồ. Không thể quên được lời dạy của bác, dù đã bao năm xa cách, bà Đức bồi hồi kể:
“Biết tâm tư này của tôi, Bác cho gọi lên và ôn tồn hỏi:
- Cháu có muốn công tác được tốt không?
- Dạ thưa Bác, có ạ!
- Muốn công tác tốt, muốn phục vụ nhân dân tốt thì phải học tập để nâng cao trình độ hiểu biết. Muốn có trình độ thì phải đi học. Lúc này có điều kiện thuận lợi cháu nên đi học”.
Trước khi đi học 3 ngày, Bác cho gọi bà lên. Bác lấy hộp thuốc lá ra, trong hộp còn hai điếu thuốc, Bác bỏ hai điếu còn lại trong hộp ra mặt bàn và nói: “Bác cho cháu hộp này để cháu đựng kim chỉ”. Bà quá xúc động khi một vị lãnh tụ như Bác quan tâm tỉ mỉ, ân cần như một một người mẹ chăm sóc con gái. Bà nhớ như in lời Bác dặn: “Là con gái thì phải biết may vá thêu thùa, nữ công gia chánh”. Mới đây thôi, khi Bảo tàng Hồ Chí Minh vận động góp những kỷ vật của Bác trong dân, bà Đức đã đem chiếc hộp đựng thuốc của Bác tặng lại Bảo tàng. Chiếc hộp Bác dùng đã mòn nhưng được bà gìn giữ bao nhiêu năm, nay được trưng bày để người Việt hiểu thêm về tình cảm của Bác đối với người phụ nữ.
Sau đó, nữ điệp báo Phạm Thị Dung Mỹ lưng đeo ba lô đi bộ trèo đèo lội suối sang Trung Quốc nước bạn học tập theo lời cặn dặn của Bác. Năm 1953, bà trở về và tình nguyện lên Lạng Sơn dạy học. Năm 1954, bà cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô và dạy học ở trường Thanh Quan (Hàng Cót bây giờ).
Sau một thời gian, bà được chuyển sang trường Chu Văn An làm công tác giảng dạy. Cũng bắt đầu từ đây, bà lại có những kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời với Bác Hồ kính yêu. Lúc đó trường Chu Văn An là địa điểm tổ chức trại hè cải cách giáo dục. Đầu năm 1956, Bác đến thăm trại hè. Gặp lại Bác Hồ, bà không thể ngăn được dòng cảm xúc tuôn dâng nhưng không có điều kiện để đến gần Bác. Bà nói trong giọng xúc động: “Bác đứng trên bục giảng nói chuyện, sau những lời căn dặn, thăm hỏi động viên những nhà giáo, Bác bước xuống bục giảng và đi thẳng đến hàng ghế tôi ngồi. Nhìn về hướng tôi, Bác hỏi: “Có phải cháu Đức đó không”?
Muốn trả lời, nhưng giọng bà nghẹn lại không nói nên lời, cứ để mặc nước mắt tuôn trào. Sau bao năm xa cách, biết bao thay đổi, bà từ một thiếu nữ trẻ trẻ trung giờ đã làm mẹ, làm vợ một người lính đang có mặt ở chiến trường, vậy mà Bác vẫn nhớ rõ.
Do có con nhỏ nên bà phải bế con đi theo để tiện chăm sóc. Lúc này, Bác đến tận nơi và vuốt má con gái mà bà đang bế trên tay (khoảnh khắc ấy được một nhiếp ảnh gia ghi lại và trở thành tấm hình quý báu nhất trong cuộc đời bà). Cái tên Lê Hiền Đức theo người nữ điệp báo ấy gần cả cuộc đời, mãi tới năm 1999 UBND TP. Hà Nội mới làm xác nhận trả lại tên khai sinh cho bà là Phạm Thị Dung Mỹ.

Nguồn gốc: Báo Quảng Ngãi

Từ năm 1984 khi vừa về hưu, bà bắt đầu tham gia chống tham nhũng. Với lương hưu 1.700.000 đồng/tháng, bà đã chi hầu hết số tiền này vào điện thoại, internet, báo chí và tem thư. Nhưng bà đã được các báo hỗ trợ.
Mới đây, Công ty FPT có hỗ trợ bà tiền Internet, EVN biếu một máy điện thoại, miễn cước thuê bao. Thế là bà dùng tiền dư để đầu tư vào máy ảnh kỹ thuật số, các thiết bị điện tử để thu bằng chứng và bà dùng các phương tiện này để liên hệ với người dân cần bà giúp đỡ.
Bà giúp họ về pháp lý, tư vấn cách thức chống tham nhũng. Nhà bà ở quận Đống Đa, Hà Nội được rất nhiều người biết và tìm đến nhờ bà giúp đỡ. Bà công khai địa chỉ email là lehienduc2005@yahoo.com để họ liên lạc với bà và lập một blog mang tên “Lê Hiền Đức“.
Theo báo Tiền Phong vào sáng ngày 18 tháng 9 năm 2007, chịu không nổi với những trận chống tham nhũng quyết liệt của bà, một số người đã thuê người đặt vòng hoa tang trước cửa nhà bà để đe dọa. Theo bà Đức kể, ngoài chiếc vòng hoa “quái gở” này, bà còn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại nặc danh, với những lời lẽ chửi bới, đe dọa như: “Nếu không ngừng việc chống tiêu cực, ra đường sẽ bị xe tông…”
Nhiều người ghét bà họ gọi bà là “Ác Đức“, “Thất Đức“, “Bà già khó chịu“, “Bà già lắm chuyện“. Nhưng cũng có rất nhiều người quý bà; họ gọi bà là “Bà già Liêm chính” và muốn trao cho bà giải thưởng.

Wikipedia

Truyền thông VN tiếp tục vụ bà Hiền Đức
Bà Hiền Đức được chăm sóc vết thương

Kênh truyền hình trung ương của Việt Nam (VTV1) vừa chạy tin về vụ bà Lê Hiền Đức ở Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) Hà Nội trong chương trình thời sự chính 19h tối thứ Ba 5/6.
Việc một bản tin chính của kênh trung ương chiếu đoạn video dài tới bốn phút rưỡi nói về sự việc khiến dư luận chú ý.
Trước đó, kênh truyền hình Hà Nội cũng đã phát sóng tin cáo buộc bà Hiền Đức, 81 tuổi, "đập phá văn phòng của Sở TT-TT và tự gây thương tích".
Phóng sự của VTV giải thích lại vụ việc theo góc nhìn của phóng viên, nói chiều ngày 1/6 bà Hiền Đức cùng luật sư Hà Huy Sơn đã tới Sở TT-TT cùng Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, người được mời lên làm việc, cho dù "không có bất kỳ liên quan nào".
Bà Hiền Đức bị cáo buộc đã "cố tình ở lại" bên trong văn phòng Sở TT-TT và không chịu về nhà cho tới 3h sáng ngày 2/6.
Sau đó bà đã được đưa đi bệnh viện Việt-Xô để điều trị một vết thương ở chân phải, mà bà nói đã bị khi xô xát với nhân viên Sở còn phía Sở TT-TT thì nói và tự gây ra khi đá vỡ cửa kính.
Phóng sự của VTV còn chiếu nhiều hình ảnh bà Lê Hiền Đức trong khoảng thời gian bà ở bên trong văn phòng Sở, ghi lại từ nhiều góc cạnh chứng tỏ không chỉ có một camera thu hình.
Việc các cơ quan nhà nước, kể cả truyền thông, tốn công bố trí ghi hình một vụ việc không có tính chính thức như vậy cho thấy dường như tên tuổi của bà Hiền Đức gây khó xử cho chính quyền.

Điều đáng tiếc
Phóng sự của VTV kết luận "dù sự việc có được kết luận thế nào thì đây cũng là điều rất đáng tiếc".
Đài này nói thêm: " Bà Lê Hiền Đức tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ, là người đã từng có nhiều thành tích trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng. Năm nay, bà Lê Hiền Đức 81 tuổi".
Hôm Chủ nhật 3/6, trong cuộc nói chuyện với BBC bà Lê Hiền Đức cáo buộc bà đã bị nhân viên Sở TT-TT để "máu chảy lâu quá, suốt từ 9:30 tối 1/6 tới 3:15 ngày 2/6 mới có xe [đưa tới bệnh viện] mặc dù rất nhiều lần bác yêu cầu cho xe cấp cứu đến".
Bà cũng tố cáo các nhân viên bảo vệ tại sở đã khênh bà "như con lợn", "quăng xuống sàn" và "bẻ quặt tay" bà khi bà cố giữ điện thoại.
Bà Lê Hiền Đức là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Bà được biết như nhân vật tích cực trong hoạt động xã hội, nhất là việc giúp đỡ người dân khiếu kiện chính phủ.