Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Cuộc sống trên công trường bôxít Tân Rai, Lâm Đồng

LTS: Theo kế hoạch, vào tháng 10 năm nay, nhà máy Tân Rai sẽ ra mẻ alumin đầu tiên sau mấy lần lỡ hẹn. Trong khi đó, mới đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành thêm một quyết định thu hồi đất phục vụ khai thác mỏ với diện tích gần 231ha. Tính đến tháng 7.2012, tổng diện tích đất đã có quyết định thu hồi qua bốn đợt tại khu vực 5 (khai thác) cho năm đầu là khoảng 383ha trên tổng số gần 615ha (đạt khoảng 62%). Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có dịp trở lại địa danh này và sau đây là những ghi chép về chuyện đời, chuyện người, chuyện cuộc sống xã hội đang có những thay đổi từ bên trong cũng như bên ngoài công trường này.
Bài 1: Khi khách tính đếm hơn chủ

Đã ít nhất lần thứ ba, cái hẹn ra mẻ alumin đầu tiên từ mỏ bôxít Tân Rai (thuộc công ty Bôxít Lâm Đồng – huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) bị dời. Lần hẹn thứ 4 vào tháng 10 năm nay cũng chưa chắc đúng vì thiết bị lắp đặt chưa xong, không ít thiết bị nghi ngờ không rõ nguồn gốc, sai với hợp đồng ban đầu, một kỹ sư cho biết.
Con đường vào công trường vẫn vẫn ngổn ngang dù sắp đến ngày
ra mẻ bôxít đầu tiên. Ảnh: Vĩnh Hoà

Nhưng điều đập vào mắt của người đến thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm lại bắt đầu từ hai bên con đường ngập ngụa bùn đất, tỉnh lộ 725, nối công trường bôxít với quốc lộ 20. Năm ngoái, sau khi tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã duyệt gần 180 tỉ đồng để mở rộng, nâng cấp đường cho doanh nghiệp chở quặng, hai bên đoạn đường dài chưa đầy 20km bị xới tung. Làm “bầy hầy” được mấy tháng, đến đầu năm nay, phía thi công tạm ngưng, bỏ lại những ngổn ngang, bùn đất đỏ quạch, lấn ra con đường nhựa cũ. Một cán bộ huyện cho biết, nghe nói nhà thầu tạm ngưng vì thiếu tiền, chưa biết bao giờ thi công lại. Vị này nói thêm về một viễn cảnh, khi từng đoàn xe 25 – 40 tấn cày ủi ngày đêm trên con đường có những cây cầu tải trọng nhỏ như hiện giờ, không biết con đường có thọ nổi qua một mùa mưa.
Dịch vụ càphê, nhà trọ
Thị trấn Lộc Thắng nằm uốn lượn ven một cái hồ rộng gần 300ha vẫn không có thay đổi gì đáng kể so với bốn năm trước, khi dự án bôxít bắt đầu khởi động, ngoại trừ khu vực ngã ba Cát Quế, gần cổng dự án, nơi này mọc lên dãy quán càphê cóc, quán ăn và vài ba nhà nghỉ ngoài bảng ghi bằng tiếng Hoa. Một tính toán mấy năm trước đã được đưa vào nghị quyết là dự án sẽ thúc đẩy dịch vụ của huyện phát triển nhanh coi như phá sản. Tuy lúc cao điểm, có trên 1.000 công nhân, chuyên gia Trung Quốc có mặt ở công trường, nhưng có giao dịch, trao đổi, mua bán cũng chỉ là ly càphê, nhu yếu phẩm tối thiểu ở chợ.
Quán ăn không mấy ai vào vì người nhiều tiền (thường là các chuyên gia của nhà thầu chính Chalieco) ra thẳng thành phố Bảo Lộc ăn uống. Kẻ ít tiền (công nhân, chuyên gia của các nhà thầu phụ) phải tự nấu nướng tại nhà trọ hay khu tập thể. Số lượng này chiếm hầu hết công trường, họ thường rủ nhau vài ba chục người thuê một người đi chợ, nấu ăn hàng ngày. Nhiều công nhân, đến cuối ngày, tranh thủ chạy ra chợ mua thức ăn về tự nấu, trả giá mớ rau đến từng trăm đồng và sẵn sàng bảo nhau tẩy chay một sạp hàng nào đó nếu cho rằng người Việt bán mắc.
Riêng dịch vụ cho thuê phòng nghỉ, khách sạn tuy có kiếm tiền đỡ hơn, nhưng cũng theo thời điểm bởi chỉ có ít chuyên gia mới bỏ tiền thuê phòng nghỉ, thường là những người chỉ sang đây vài ba tháng. Các chuyên gia ở lại lâu rủ nhau chừng dăm bảy người thuê luôn một căn nhà của cư dân Bảo Lâm làm chỗ ở cho rẻ.
Công nhân bèo bọt hơn, khi khu tập thể hết chỗ (được xây cất tạm bợ: mái tôn thấp tè, giường tầng) họ ra ngoài thuê nhà trọ, giá khoảng 500.000 đồng/phòng/tháng, ở chen chúc bốn năm người. Cùng với những người có nhà trọ cho thuê, những ai có ôtô từ bảy chỗ trở lên cũng phát hiện cơ hội làm ăn mới. Nhiều nhóm chuyên gia Trung Quốc thuê chung một căn nhà thường, thuê chung một chiếc ôtô để đi lại giữa nhà ở và công trường, nếu ở xa.

Học 7 năm, lương 4 triệu đồng!
Đến nay, khi nhà máy đã thi công và lắp đặt gần xong, thay thế công nhân Trung Quốc là công nhân Việt Nam, số lượng hiện khoảng trên 1.000 người và còn tăng nhanh trong thời gian tới. Hầu hết họ đều là người miền ngoài và vùng Nghệ An, Thanh Hoá được TKV tuyển dụng cho dự án bôxít, một cán bộ đoàn của công ty Bôxít Lâm Đồng kể. Phía lao động Trung Quốc còn để lại ít người để vận hành và chuyển giao công nghệ từng phần khi nhà máy đi vào hoạt động.
Nhiều năm trước, khi chuẩn bị xây dựng dự án bôxít ở đây, phía TKV đã chủ trương bỏ tiền đưa người đã tốt nghiệp đại học một số ngành kỹ thuật trong nước sang Trung Quốc học nghề khai thác. Con số đưa đi đào tạo tính đến nay khoảng 300 người, đa phần đã học xong về nước.

Mới chi trên 543 tỉ đồng bồi thường đất đai
Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành thêm một quyết định thu hồi đất phục vụ khai thác mỏ với diện tích gần 231ha. Tính đến tháng 7.2012, tổng diện tích đất đã có quyết định thu hồi qua bốn đợt tại khu vực 5 (khai thác) cho năm đầu là khoảng 383ha trên tổng số gần 615ha (đạt khoảng 62%). Tổng số tiền đã chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng của toàn bộ dự án từ đầu đến cuối tháng 6.2012 là 543,6 tỉ đồng/1.933 lượt hộ dân.
(nguồn: Ban quản lý dự án tổ hợp Bôxít – nhôm Lâm Đồng)

N., một kỹ sư của Việt Nam được gửi đi học ở trường đại học Bách khoa Côn Minh (thành phố Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc) chuyên ngành khai thác mỏ kể, N., là một trong nhóm người đầu tiên được gửi đi học sau khi anh tốt nghiệp đại học Sư phạm kỹ thuật. Cả huyện Bảo Lâm lúc đó chỉ tuyển dụng được vỏn vẹn ba người đủ điều kiện, còn lại hầu hết người đi học ở ngoài Bắc. Thời hạn học là ba năm, trong đó, phần quan trọng nhất là đi thực tập ở nhà máy sản xuất alumin Bình Quả (Quảng Tây).
Theo ông Quách, một chuyên gia về điều độ đang ở công trường Tân Rai, nhà máy Bình Quả có quy mô lớn gấp năm lần ở đây. Tuy nhiên, cả ông Quách và N. đều nhận định, thời gian bốn tháng ngó nghiêng ở Bình Quả giống như cưỡi ngựa xem hoa, cho nên các kỹ sư Việt Nam, tất cả đều chưa có kinh nghiệm gì về bôxít, không nắm được mấy những cái gọi là kỹ thuật, công nghệ. Cho nên, nếu chuyển giao công nghệ xong, theo ông Quách, chỉ cần kỹ sư Việt Nam vận hành tốt.
N., kể một thực tế ở Quảng Tây, khi bắt đầu xây dựng một nhà máy alumin, họ gửi toàn bộ công nhân, chuyên gia sang Bình Quả sống và làm việc ít nhất một năm, sau đó mới rút dần về nhà máy mới. Giả sử, có sự cố gì trong quá trình sản xuất, điều chắc chắn lại phải mời đến chuyên gia Trung Quốc. Tuy khoe đây là công nghệ mới của Trung Quốc, nhưng khi hỏi đến chuyện bùn đỏ, ông Quách lắc đầu bó tay vì Bình Quả cũng chứa vào hồ, không xử lý được.
Với mức lương tròm trèm 4 triệu đồng/tháng, đã có lúc N. tính bỏ đi tìm việc mới, nhưng chàng trai này bị vướng một điều khoản ràng buộc với công ty: nếu bỏ ngang phải bồi thường tiền học ba năm trước. Một số tiền không hề nhỏ, không dễ kiếm nếu phải trả lại. Thành thử các anh em trong công ty bảo nhau, cố mà qua giai đoạn khó khăn này, bây giờ chưa có sản phẩm nên lương thấp, mai mốt nhà máy hoạt động sẽ cao hơn, chắc đủ nuôi vợ, con.

Bài cuối: Bọt bèo phận làm thuê


Khác với những lời đồn đoán rằng, khi công trường bôxít đi vào hoạt động sẽ có hàng ngàn lao động Trung Quốc sinh sống ở đây, thực tế, tính đến tháng 7 vừa qua, số lượng lao động Trung Quốc còn ở công trường bôxít Tân Rai làm việc theo gói thầu là 167 người (145 nam, 22 nữ).

Hình ảnh hiếm hoi: công nhân Trung Quốc đi làm bằng xe gắn máy, vì hầu hết họ sợ xe máy
 và giao thông Việt Nam. Ảnh: Vĩnh Hoà

Phân hạng sang – hèn
Trong quán càphê tạm bợ gần cổng ra vào công ty Bôxít Lâm Đồng, hai vị chuyên gia Trung Quốc họ Quách và họ Vương có vẻ mỏi mệt sau giờ tan ca. Trong bộ đồng phục màu xanh dương, họ ngồi trầm lặng sau khói của ly càphê và thuốc lá. Người có nhiệm vụ thông dịch cho chúng tôi là một kỹ sư của công ty, tên H., vừa là người trợ lý thân cận cho ông Vương. Ông Quách năm nay 45 tuổi, làm ở bộ phận điều độ, ông Vương kém ba tuổi, ở bộ phận thiết bị, cả hai cũng có thâm niên gần 20 năm làm bôxít ở Bình Quả và sang Việt Nam được gần hai năm. Hai chuyên gia này còn có nhiều điểm chung: cùng là người dân tộc Choang ở Quảng Tây, lộ vẻ luống cuống khi tiếp chuyện người lạ và họ cùng bốn chuyên gia khác rủ nhau thuê một mảnh đất, tự xây nhà tạm ở, khi nào xong việc sẽ trả công cho chủ đất bằng chính cái nhà đang ở. Việc ăn uống hàng ngày, tất cả bỏ tiền thuê một người lo chuyện chợ búa, nấu nướng.
Nghe cách ăn ở, người bạn tôi bèn kể câu chuyện ở ngay sát vách nhà mình trong mấy năm qua: hơn chục chuyên gia Trung Quốc đến thuê căn nhà bỏ trống, tiện thể thuê luôn chiếc xe 12 chỗ cũ kỹ. Cả tuần hùng hục làm việc, không bao giờ bước chân ra quán, đến tối thứ bảy rủ nhau đi mua mồi, rượu đế và thỉnh thoảng còn thuê cả em út ngoài Bảo Lộc về nhà nhậu nhẹt suốt đêm, cứ hai anh cõng một em. Kể xong, người bạn quay sang hỏi: “Mấy ông có được thế không?” Hai chuyên gia lè lưỡi lắc đầu, chỉ về phía hồ, nơi ở của các chuyên gia của nhà thầu chính Chalieco, nói: “Tụi này thầu phụ, không có tiền ăn chơi đâu”.
Ở bên kia hồ thuộc thị trấn Lộc Thắng, nhà của các chuyên gia nhà thầu chính trong khu riêng, có vẻ cao cấp. Cuối tuần, khu này vắng vẻ do họ về Sài Gòn hay lên Đà Lạt. Họ đi lại bằng xe biển số xanh 49B. Còn chuyên gia nhà thầu phụ hoặc công nhân Trung Quốc thì ở gần khu mỏ, sống trong những khu nhà tạm thấp lè tè lợp tôn màu xanh, hoặc đi ra ngoài thuê nhà.

Ăn uống tằn tiện
Cách nhau 5km, cảnh nhộn nhịp, ồn ào của công trường bôxít Tân Rai hoàn toàn tương phản với vẻ im ắng, buồn nản của khu chợ trung tâm Lộc Thắng. Sự có mặt của cả ngàn người Trung Quốc trong bốn năm qua ở Lộc Thắng này không làm thay đổi nhịp buôn bán chung ở đây.
Bà Hoa, một người từng nấu ăn cho công nhân Trung Quốc, kể lại: “Họ sống rất hà tiện, buổi sáng ăn cháo trắng với cá khô kho mặn”. Mỗi ngày, bà được giao 800.000 đồng đi chợ nấu ăn cho hơn 40 người. Ở thị trấn Lộc Thắng, mỗi sáng sớm và chiều tối, hàng tốp công nhân Trung Quốc kéo nhau đi dạo và vào các hàng quán. Mua cái gì cũng trả giá, từ cục xà bông, hộp kem dù giá bán lẻ in ngay ngoài vỏ hộp. Bà Ba, một chủ sạp thịt heo, kể từ hồi người Trung Quốc sang đây, các sạp thịt đều hết mỡ sớm nhất. Mỡ, rau cải và trứng là những thức ăn công nhân thích nhất. Có lẽ vì rẻ? Các công nhân Trung Quốc tằn tiện thế nào thì các chuyên gia của họ cũng chi tiêu kỹ lưỡng như thế. Ngay cả thuốc lá, nhiều người cũng hút loại thuốc do Trung Quốc sản xuất.
Mấy năm trước, người dân Lộc Thắng rộ lên dư luận công nhân Trung Quốc cặp bồ với gái địa phương. Trong các quán xá, lúc trà dư tửu hậu, người ta kể là đã có hàng chục cô gái Việt Nam có bầu. Nghe xong, nhiều người bạn sống tại đây cười nhạt, không thể có chuyện này.
Ở đây, người lao động Trung Quốc chia làm hai nhóm rõ rệt: một số ít quản lý thuộc nhà thầu chính mới đủ tiền ăn chơi, tất nhiên họ đi xa, còn tuyệt đại đa số, họ thuộc tầng lớp nghèo, nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền về quê.

Lương thấp
Trong số 167 người Trung Quốc hiện tại ở công trường bôxít Tân Rai, cán bộ quản lý – kỹ sư: 116 người, công nhân kỹ thuật 51 người. Lao động dưới ba tháng: 43 người, lao động trên ba tháng: 124 người. Theo ban quản lý dự án, tất cả đều có giấy phép và lao động thực hiện đây đủ đăng ký tạm trú.

Trở lại câu chuyện bên ly càphê, cũng đã lâu, hai ông Vương và Quách chưa về thăm nhà. Tuy có phép, nhưng vì tham việc, ai cũng tranh thủ tăng ca để kiếm thêm, ông Vương kể. Tần ngần mấy giây, hai chuyên gia mới hé lộ chuyện lương bổng, thu nhập mỗi tháng trung bình 5.000 tệ (khoảng gần 17 triệu đồng) không kể tăng ca, sau khi trừ thuế, bảo hiểm, mỗi người còn hơn 3.000 tệ (khoảng hơn 11 triệu đồng). Công nhân thấp hơn chút, từ 2.000 – 2.500 tệ/tháng. Tiền lương chủ trả thẳng cho vợ bên Quảng Tây. Ở bên này, tiền ăn ở mỗi tháng bao nhiêu, kẻ làm thuê ứng trước.
Không khác gì công nhân Việt, người Trung Quốc ai cũng tranh thủ tăng ca kiếm thêm tiền. Sau hai năm ở xứ người, hai vị chuyên gia này đều có chung nhận xét: so với quê họ, đời sống Việt Nam đắt đỏ hơn. Bên đấy, với mức thu nhập trên, họ có thể nuôi được vợ, con. Nhắc đến chính sách một con, một trong hai có vẻ buồn. Người bạn thông dịch ghé vào tai tôi nói: “Một thầy sinh con gái”.
Dù đang hút thuốc của nước mình, ông Quách vẫn thò tay rút từ trong túi áo một gói thuốc Marlboro trắng của Việt Nam, khui vỏ và trịnh trọng mời mỗi người một điếu, mời xong ông lại bỏ vô túi. Nhìn gói thuốc 555 ngoại của người bạn tôi trên bàn, ông lè lưỡi: “Cỡ Bạc Hy Lai mới đủ tiền hút thuốc này”. Đời ông vẫn chưa được nếm một giọt Mao Đài nào, vì “mắc quá, đến 3.000 – 4.000 tệ một chai”.
H. kể, ở công trường, cả thầy lẫn thợ Trung Quốc đều làm việc hùng hục. Những trụ móng hay giếng thăm dò sâu hàng chục mét, công nhân họ vẫn lên xuống đào đều đặn. Cũng có công nhân người Trung Quốc chết ở dưới lòng giếng sâu hay trên giàn cao. Nếu phía Việt Nam không hay chuyện, họ lặng lẽ thuê xe, chở xác về quê chôn cất.
Người lao động, dù là công dân Việt Nam hay Trung Quốc, cũng vất vả để mưu sinh, lo cho vợ con và cũng có những niềm vui, nỗi buồn, cả những bất hạnh...

bài và ảnh: Vĩnh Hoà