Trên đồi Vạn Cảnh, người dân Triều Tiên được nghe hướng dẫn viên kể về cuộc đời và sự nghiệp của cố chủ tịch Kim Nhật Thành - Ảnh: Hương Linh
Đó là một chuyến đi cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với tám thành viên đại diện cho các giới tham dự những hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành.
Chúng tôi ra sân bay Bắc Kinh trước ba giờ, quầy của hãng hàng không Triều Tiên Koryo Air không một bóng người. Nhưng chỉ trong vòng 30 phút sau là cả một đám đông chờ đợi. Tất cả đều là khách quốc tế đến với Triều Tiên. Trong ngày 11-4 có bốn chuyến bay từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng.
Hiện tại, về đường hàng không, chỉ có thể bay đến Bình Nhưỡng từ Trung Quốc hoặc Nga.
Trắng, xám và hoa
Bước lên chiếc máy bay TU-154 khá cũ và nhỏ, tôi tìm đến chỗ ngồi ghi trên thẻ lên máy bay, thấy ngay một vị khách đã ngồi sẵn. Cô tiếp viên Triều Tiên xinh đẹp bình thản... chuyển tôi sang vị trí khác.
Trên máy bay vẫn còn những chiếc gạt tàn thuốc, các núm vặn đều đã cũ, bù lại đồ ăn nhiều và ngon. Thức uống phục vụ gồm rượu, nước ngọt, bia, nước suối đều là sản phẩm của Triều Tiên. Sau gần hai giờ bay, chiếc TU-154 hạ cánh nhẹ nhàng trên đường băng sân bay Bình Nhưỡng.
Một yêu cầu bắt buộc của an ninh Triều Tiên là phải gửi lại điện thoại di động ở sân bay. Bạn có mang được điện thoại vào thì cũng không thể sử dụng được vì không có dịch vụ chuyển vùng quốc tế. Tại Triều Tiên, một hãng viễn thông Ai Cập đang cung cấp dịch vụ di động và hiện có khoảng 1 triệu thuê bao. Tuy nhiên, người Triều Tiên chỉ có thể gọi cho người Triều Tiên, người nước ngoài sử dụng mạng riêng và cũng chỉ gọi được cho người nước ngoài. Tôi bắt đầu những ngày không điện thoại, không tin nhắn, không Internet đầy lạ lẫm.
Từ sân bay về khách sạn, trời sụp tối và mưa lất phất. Ngoài đường vẫn còn nhiều người dân đang cần mẫn chăm sóc các bồn hoa, có lẽ để kịp cho đại lễ. Chúng tôi ở tại khách sạn 4 sao Yanggakdo, nằm trên một bán đảo ở thủ đô Bình Nhưỡng, bên cạnh sông Đại Đồng. Khách sạn có 47 tầng và đầy đủ tiện nghi bao gồm nhiều nhà hàng, cửa hàng, matxa, disco, karaoke và cả một casino nhỏ ở tầng hầm.
Thủ đô Bình Nhưỡng có những con đường rộng thênh thang, xe cộ vừa phải, không có xe gắn máy và những cô cảnh sát xinh đẹp đứng ở các giao lộ để điều khiển giao thông. Tuy nhiên, buổi tối không có đèn đường. Hai bên đường là những chung cư thấp dưới tám tầng để không cần lắp thang máy. Màu sắc chủ đạo của các tòa nhà là trắng và xám.
Người dân Bình Nhưỡng rất yêu hoa. Gần như tất cả bancông của các tòa chung cư đều được trồng hoa. Bên cạnh khách sạn tôi ở cũng có một khu đất rộng được phủ nilông để trồng hoa.
Buổi ăn tối đầu tiên của chúng tôi diễn ra ở một nhà hàng Triều Tiên ngay trong khách sạn. Có kim chi muối, kim chi nước, cá chiên, thịt bằm, cơm trắng nấu bằng gạo Triều Tiên hạt dài và dẻo.
Tôi nhâm nhi loại bia Taedong-gang (Đại Đồng Giang) nổi tiếng, hương vị rất đậm đà và thơm ngon - niềm tự hào của Triều Tiên vì loại bia này được xuất khẩu sang Mỹ. Công ty sản xuất bia Taedong-gang là đơn vị quốc doanh có trụ sở tại Bình Nhưỡng. Dây chuyền sản xuất bia được nhập từ Anh với giá 1,5 triệu USD từ năm 2002.
Khu vực tàu điện ngầm ở thủ đô Bình Nhưỡng tương đối sạch sẽ - Ảnh: Hương Linh
9 ngày không thấy đồng won
Tôi ra quầy điện thoại tại khách sạn để gọi điện về nhà. Chi phí cho bốn phút điện thoại về Việt Nam là 5 USD. Ở đây cũng có dịch vụ email nhưng bạn chỉ có thể gửi đi từ địa chỉ email của khách sạn.
Cửa hàng trong khách sạn bán nhiều mặt hàng là đặc sản của Triều Tiên như mật gấu, sâm núi, sâm tự nhiên, nấm linh chi, thuốc An Cung, mỹ phẩm làm từ sâm, gạo Triều Tiên, váy Triều Tiên, đồ lưu niệm... cùng với thuốc lá nhập tiểu ngạch từ Việt Nam, bia Heineken, bánh ngọt... Hàng hóa khá đầy đủ và phong phú.
Tất cả đều được niêm yết bằng đồng won của Triều Tiên nhưng khách chỉ có thể thanh toán bằng USD, euro hoặc nhân dân tệ. Tỉ giá là 1 euro bằng 130 won, 1 USD bằng 99 won và 1 nhân dân tệ ăn 16 won.
Suốt cuộc hành trình chín ngày ở Triều Tiên, tôi không được nhìn thấy đồng tiền won. Bạn cũng không thể sử dụng thẻ tín dụng visa hay master ở đây. Tại khách sạn, ngoài những kênh truyền hình của Triều Tiên, Trung Quốc thì chỉ có hai kênh nước ngoài là NHK tiếng Anh và BBC News. Tuy nhiên, người dân không xem được hai kênh này.
Có thể nhìn thấy những panô, apphich ca ngợi hình ảnh người lính khắp nơi
ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Hương Linh
Những ngôi nhà không được đánh số
Sáng sớm, kéo rèm cửa, tôi nhìn từ lầu 26 xuống dòng sông Đại Đồng hiền hòa và quang cảnh thành phố xa xa. Trời mờ sương và phong cảnh thanh bình. Chúng tôi đến thăm Vạn Cảnh Đài là quê hương của cố chủ tịch Kim Nhật Thành và tham gia lễ trồng cây tại đây. Có nhiều xe điện trên đường gợi nhớ hình ảnh của Hà Nội ngày trước.
Cũng có khá nhiều xe đắt tiền với các thương hiệu Lexus, Mercedes, BMW... bên cạnh những chiếc xe công nông, xe buýt, xe tải chật kín người. Bình Nhưỡng cũng có taxi với giá mà nhân viên sứ quán Việt Nam cho biết là khá rẻ. Taxi ở đây là những chiếc Volkswagen Passat thanh lịch. Xe đạp chỉ lưu thông trên lề đường.
Ở các ga tàu điện ngầm người lên xuống tấp nập. Theo giới thiệu của anh phiên dịch viên người Triều Tiên tên là Kim - một cựu sinh viên khoa tiếng Việt (ĐH Tổng hợp Hà Nội) - thì hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Bình Nhưỡng được xây dựng từ những năm 1960. Có tất cả 17 trạm với 24km tàu điện ngầm với độ sâu từ 100-200m. Đây là hệ thống tàu điện ngầm có độ sâu nhất thế giới, ngoài chức năng vận chuyển hành khách, nơi này còn có thể là hầm trú ẩn khi chiến tranh xảy ra.
Tôi để ý thấy các con đường thênh thang ở Bình Nhưỡng đều không có tên và các chung cư không được đánh số. Ngay cả các tòa nhà mà tôi biết chắc là cơ quan chính phủ cũng không có bảng tên. Khi thắc mắc điều này, tôi nhận được câu trả lời “vì lý do an ninh”.
Trong chuyến đi, tôi đã gặp gỡ và trao đổi với ba công ty của Triều Tiên muốn hợp tác, kinh doanh với Việt Nam, bao gồm một công ty khai thác vàng, một công ty kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ và nhà hàng, một công ty khai thác đá quý và sản xuất nữ trang. Họ đều là các công ty quốc doanh. Chúng tôi đã bàn bạc chi tiết hai dự án tương đối khả thi về việc mở nhà hàng Triều Tiên ở TP.HCM, tổ chức tour du lịch cho khách Việt Nam đến Bình Nhưỡng trong thời gian tới.
Rời Bình Nhưỡng, tôi tin đất nước này sẽ cởi mở hơn nữa nhằm phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Khách sạn Koryo 105 tầng, xây dựng từ năm 1978 đến nay đã gần như hoàn thiện và chuẩn bị mở cửa đón khách.
Nhà nước cấp nhà, nhu yếu phẩm
Ở Bình Nhưỡng, tiền lương bình quân của người lao động là 20 USD/tháng và nhà nước cấp nhà, nhu yếu phẩm, quần áo... Học sinh được miễn học phí và người dân được chăm sóc sức khỏe cũng miễn phí.
Âm nhạc là một môn học bắt buộc và chú trọng khi còn ở bậc mẫu giáo. Vì vậy, trong chuyến thăm Hà Nội của 14 bé thuộc Trường mẫu giáo Kim Sang vào tháng 2-2012, cô giáo Trường mẫu giáo Việt Triều kết nghĩa đã nhận xét các bé Triều Tiên hát rất hay, múa đẹp và tính kỷ luật hơn hẳn các bé Việt Nam đồng trang lứa.
Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn về lương thực. Theo thông tin từ sứ quán Việt Nam thì hằng năm Triều Tiên chỉ có thể sản xuất tổng cộng 4,6 triệu tấn lương thực phục vụ cho 25 triệu dân (Việt Nam có 50 triệu tấn lương thực cho gần 90 triệu dân). Vì vậy Triều Tiên phải nhập khẩu hoặc nhận viện trợ từ 10-15 triệu tấn lương thực mỗi năm.
Nhiều tổng công ty Việt Nam muốn bán gạo qua Triều Tiên nhưng gặp khó khăn về thời hạn và phương thức thanh toán. Ngay cả tại sứ quán Việt Nam, mỗi khi nhận lương phải bay về Bắc Kinh chứ không thể nhận tiền chuyển khoản trực tiếp tại Bình Nhưỡng.
Ở Triều Tiên, ngoài 11 nhân viên sứ quán Việt Nam và 17 người thân ở cùng thì không có bất kỳ kiều bào nào.
NGUYỄN TUẤN QUỲNH