Cho tới giờ, tôi vẫn nhớ tới buổi tối cuối tháng 3/2004, ngồi trong quán Giấc mơ nhỏ trên phố Phạm Sư Mạnh với những người bạn vong niên thân thiết làm nghề y bên chai rượu Putinka. Sau khi nghe tin anh Bách mất, chúng tôi đã nâng cạn ly để tưởng nhớ anh, một người mà chúng tôi luôn coi là thân thiết và chí tình.
Anh Trương Xuân Hương, Phó Chánh Văn phòng Bộ Y tế, một cựu chiến binh từ Quảng Trị năm 1972, kể lại chuyến bay bằng trực thăng lên Lào Cai đưa thi hài anh Bách về. Anh Đỗ Hán, Chánh văn phòng Bộ Y tế, người luôn ý thức mình là "em” của bác sĩ Tôn Thất Bách (anh từng làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội khi anh Bách làm Hiệu trưởng), đã trầm ngâm nói trong nước mắt: "Sao những người tốt hay chết sớm thế hả Quang?”.
Tôi cũng chẳng biết đáp gì, chỉ lặng lẽ nhớ lại những câu thơ của một thi sĩ ở vùng ven biển Baltik mà tôi thời sinh viên đã dịch ra tiếng Việt: "Thần thánh cũng như người/ Ai tốt bụng thông minh/ Thường chết trẻ/ Còn những kẻ gian ngoan tráo trở/ Sống rất lâu trên đời...”. Không, thực ra cũng có rất nhiều người tốt mà vẫn cao niên. Chẳng qua trước những sự ra đi bất kỳ và đột ngột của những người từ tâm và tử tế như anh Bách, chúng ta thường quá bi phẫn mà nghĩ quá lên thế thôi…
Cũng từ tháng 3 năm ấy, đều đặn hàng năm, cứ đến ngày 27 (ngày anh Bách mất), những người yêu quý anh lại tụ họp để tưởng nhớ anh. Thực lạ, anh Bách làm nghề y nhưng những người hâm mộ anh không chỉ giới hạn trong nghề y. Và ai cũng có những kỷ niệm riêng với anh như với một người tâm giao, một trí thức nhưng rất đời thường, một quan chức nhưng rất "dọc ngang”… Khi còn sống, anh Bách tới với cuộc đời một cách vô tư, hồn nhiên và tình nghĩa. Và vì thế, cuộc đời không thể quên anh…
Tôi cũng không thể quên anh dù gặp anh không nhiều. Trong cách nhìn của tôi, những người như anh Bách luôn là tấm gương để chúng ta tin vào sự tử tế, vào sức nặng của sự tử tế, vào hiện thực không thể chối bỏ được là: tử tế vẫn có thể thành công một khi ta có ích cho những người khác.
Và tôi muốn thêm một lần chia sẻ cùng bạn đọc câu chuyện giữa tôi với bác sĩ Tôn Thất Bách cách đây dễ đã gần 10 năm. Nói thực, đọc lại những dòng ghi chép cũ, tôi thấy vẫn còn quá nhiều điều mà anh Bách đã nêu lên cho tới nay vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ…
- Người ta vẫn nói rằng tài năng thường ngủ trong con cái của các thiên tài, anh có cảm giác gì khi nghe nhắc đến câu này?
- Câu này mình nghe lần đầu tiên. Nhưng "ngủ”, đấy là cái tiềm năng, tức là trong bản thân anh đã được thừa kế cái đó rồi. Tất nhiên, con cái các thiên tài, có người thành đạt, cũng có người không thành đạt. Tài năng di truyền nếu được người thừa kế phát huy thì lúc đó anh mới kế thừa được. Chứ còn anh chỉ sống bằng danh tiếng và cái bóng của người đi trước thì anh sẽ không bao giờ thành đạt.
- Đúng, nếu anh thực sự là một giá trị độc lập… Qua từng ấy năm công tác, bằng lao động của mình, bằng tâm hồn và lương tâm của mình, anh đã tự khẳng định được mình là độc lập, và hào quang của Giáo sư Tôn Thất Tùng chỉ tôn vinh chung truyền thống gia đình chứ chắc chắn anh không phải sử dụng hào quang đấy để làm công việc của mình. Trong lòng anh, đến bây giờ, anh cảm nhận được sự giáo dục của người cha đối với anh quan trọng như thế nào?
- Có lẽ sự thành công ngày hôm nay mà tôi có được là nhờ sự giáo dục của bố tôi. Mặc dù tôi không bao giờ dựa vào hào quang đó để đạt được như ngày hôm nay, nhưng tôi đạt được như ngày hôm nay cũng là nhờ những hào quang đó: người ta nhìn vào tôi khắc nghiệt hơn, nhưng cũng dễ dàng cảm thông hơn.
Cái mà cha tôi để lại cho tôi: trước hết là sự trung thực, trung thực từ những việc nhỏ nhất cho tới việc nghiên cứu khoa học. Một người làm công tác nghiên cứu khoa học, làm cái việc mổ xẻ mà không trung thực thì không ai có thể phát hiện ra được. Mà đã không trung thực rồi, đi tiếp con đường, đã nói dối một lần là sẽ nói dối lần thứ hai, nói dối lần thứ ba… rồi đi vào tà đạo.
Thứ hai, tính nghiêm khắc, cái đó cực kỳ quan trọng, tức là mình không được thoả mãn với cái gì mình đạt được mà mình phải cảm thấy cái đó chỉ là một sự may mắn thôi, chứ còn đừng có tự hào một cách thái quá. Thứ ba, là lòng thương yêu con người, cái điều này tôi nghĩ nói rất dễ nhưng khi nó thực sự thể hiện trong tâm tư tình cảm và hành động của mình… thì không dễ.
Tức là anh phải có một sự đồng cảm sâu sắc nhất đối với những người nghèo khổ, mà cái này là không thể vụ lợi. Nếu anh mang cái vụ lợi vào đó một chút, tức là anh dùng cái tình thương đó để làm lợi cho anh, thì nó không phải là tình yêu thương con người.
Thứ tư, sự tự lập, tức là mình phải tự làm mọi thứ của mình ngay từ bé, không có dựa dẫm. Bản thân tôi được bố dạy là tự đứng trên đôi chân của mình, và khi mình làm cái gì mà mình cảm thấy không đúng với lời bố thì đấy là cái lỗi. Đó là những ấn tượng sâu sắc của tôi về bố ngoài tài năng mổ xẻ của bố tôi.
- Ngày anh còn bé thì bác Tùng đã có chủ đích hướng dẫn anh nối nghiệp cha, hay là anh tự nhìn thấy sự lao động của cha mình và có ham muốn lớn lên mình cũng sẽ suốt đời đi theo nghiệp cha?
- Thời trước tất cả người đi học như chúng ta đều chưa có mục tiêu. Học là học thôi, gia đình bắt thế rồi đến trường kỷ luật là ta phải học. Tôi lúc đầu cũng không nghĩ theo ngành Y. Tôi nghĩ thế hệ trẻ bây giờ thích máy tính, thương mại, kinh tế, ngoại giao.
Còn thế hệ chúng tôi thì có 2 cái ưa thích: một là đi lính, hai là cái ngành mới nhất lúc đó là công nghệ vô tuyến điện. Và tôi đã rất thích hai thứ đó. Đi lính thực ra thì chúng tôi muốn làm phi công, hoặc vào hải quân. Và cái thú nữa của tôi là, muốn trở thành vận động viên. Tôi rất thích thể thao. Lúc đó tôi chơi bóng rổ và gần như là toàn bộ thời gian đi học tôi đều ham chơi thể thao…
Khi thi vào Đại học, lúc đó tôi mới 16 tuổi rưỡi, thì tôi không được nhận vào Bách khoa. Thế là ông bố mới bảo đưa hồ sơ để ông xin thi vào Trường Y. Ngay trong năm thứ nhất và năm thứ hai, tôi cũng chưa xác định rõ cho mình, vì vẫn còn bạn bè, vẫn còn sân bóng… và mình vẫn thích chơi thể thao.
Thế nhưng khi bắt đầu năm 1965, Mỹ đánh phá miền Bắc, lúc đó trường ở Hà Nội phải sơ tán, không còn gì để chơi, không còn thể thao; và vì có thời gian rỗi, tôi mới bắt đầu quay vào học. Vào năm thứ 3, tôi mới thực sự bắt đầu hứng thú với học tập. Học tập thì cũng chỉ vì mình không có việc gì nên tập trung học, rồi giúp bạn bè trong lớp, đồng thời đến khi nghỉ hè, khi về không có việc gì thì mẹ tôi mới rủ tôi vào bệnh viện.
Đi vào bệnh viện, tôi xem cái không khí bệnh viện thì tôi mới hiểu, chính cái đó khiến cho tôi yêu thích ngành Y. Khi tôi bắt đầu thích thì ông bố mới định hướng, chứ còn suốt trong quá trình đại học hay những năm đầu thì ông chưa nói gì cả…
- Gia đình Giáo sư Tôn Thất Tùng có mấy người con?
- Tôi có 2 em gái. Tôi sinh ở Hà Nội năm 1946. Được 8 tháng tuổi thì mẹ tôi cõng tôi lên chiến khu Việt Bắc. Đến năm 1950 thì mẹ tôi sinh em Ngọc Trân, bây giờ làm kỹ sư hoá. Sau đó về Hà Nội thì ngày 5/9/1960 sinh em Hồng Tâm.
- Thế ngay từ lúc đầu tên anh cũng đã là Thất Bách…
- Ngay lúc đầu là như thế. Lúc Bác Hồ về Hà Nội, bố tôi là bác sĩ chữa cho Bác. Lúc mẹ tôi có mang thì Bác cũng biết, và khi tôi sinh thì bố tôi có đến thăm Bác, có nói chuyện và Bác đặt tên tôi như thế.
- Từ năm thứ ba trở đi và cho đến sau này, chắc chắn anh đã nhiều lần cùng Giáo sư Tôn Thất Tùng tham gia các ca mổ và nhiều hoạt động trong ngành Y. Những kỷ niệm, những trường hợp nào gây cho anh ấn tượng mạnh mẽ nhất mà anh luôn coi đó là bài học tự răn dạy mình từ sự nghiêm khắc và tốt đẹp của người cha khả kính?
- Thứ nhất, trong quá trình làm việc, tôi hầu như được là người thứ 2, tức là người kéo bụng ra vì tôi có sức khoẻ. Trong thời gian tôi làm việc với bố tôi từ năm về đây (Bệnh viện Việt – Đức, HTQ), chính thức là năm 1968 cho đến năm 1982 là bố tôi mất. Một lần có anh thương binh vào đây cãi nhau, anh ấy không đúng và tôi phải nói lại. Sau đó bố tôi gọi tôi lên và nói, người thương binh có quyền được như vậy, vì người ta đổ máu cho đất nước, ngay cả người ta sai thì mình cũng phải cố gắng nén nhịn để tìm biện pháp giải quyết…
Thứ hai, là sự chăm chút cho thế hệ trẻ, bởi vì cái mà tôi tâm đắc nhất là ông bố tôi nói: khi người tài giỏi chết đi, cái để lại trên đời không chỉ là danh tiếng mà là thế hệ trẻ. Cho nên cái tự hào của mình là thế hệ trẻ còn bao nhiêu thì cái danh tiếng của mình còn đó bấy nhiêu. Tài năng người ta sẽ quên rất nhanh…
Trước tượng người cha, GS Tôn Thất Tùng.
- Giáo sư Tôn Thất Tùng có nóng tính không? Anh đã bao giờ bị bố quát chưa?
- Quát và thậm chí còn dùng cái cán kéo đánh vào tay. Đây là điều tôi nghĩ rất cần, vì trong lúc mổ xẻ, dạy nhau không thể nói nhiều, mà làm sai thì chỉ có thể có hai cách: một là đánh, hai là nói, nhưng mà bố tôi hay dùng cách đánh.
- "Đòn đau nhớ đời”, đấy không phải là biểu hiện của một sự quân phiệt nào đấy…
- Không, không! Tôi không nghĩ đấy là quân phiệt. Trong tình thế căng thẳng muốn dạy mà không thể nào nói được, vì trước mạng sống và trước những điều khác không được phép kéo dài. Bất kể một động tác không hợp lý gì đều bị sửa, và sửa một cách đơn giản nhất là dùng cán kéo gõ vào tay. Và như vậy tự khắc anh sẽ phải nhớ.
- Bác Hồ là người đặt tên cho anh, anh có được gặp Bác nhiều lần không?
- Tôi được gặp Bác ba lần. Một lần trong kháng chiến khi tôi còn bé. Một lần tại Hà Nội ngày 1-6 được đến Phủ Chủ tịch, tôi không nhớ rõ nhưng khoảng năm 1957-1958. Lần thứ ba là năm 1959, khi Bác đến nhà. Điều mà tôi nhớ Bác, chi tiết tôi nhớ nhất là trong kháng chiến.
Lúc ấy tôi rất còn bé, độ 3-4 tuổi, Bác có đi qua và hỏi cháu thích cái gì. Hồi đấy tôi rất thích thiếu sinh quân, nên xin Bác quả lựu đạn. Hôm sau, tôi nhận được quả lựu đạn đã tháo hết ngòi và thuốc nổ ra. Rất tiếc là quả lựu đạn đó không còn nữa nhưng trong ấn tượng, tôi vẫn còn nhớ! Bác đã hứa là Bác làm, dù đó là một lời hứa với một đứa bé!
- Người lớn chúng ta đôi khi hứa với trẻ con nhiều thứ rất hay ho, nhưng cuối cùng chúng ta lại quên đi…
- Chúng ta dạy trẻ con một đằng nhưng chúng ta lại làm một nẻo. Chính vì thế mà bây giờ thế hệ trẻ có nhiều suy nghĩ mà bản thân các gia đình phải xem lại tác động của mình. Ví dụ như trong suốt cuộc đời của tôi đi học chưa bao giờ tôi thấy bố mẹ tôi trao đổi trước mặt con cái những điều gì về thầy cô giáo.
Trong khi đó hiện nay, các gia đình thường hay nói về thầy cô, mang quà đi cũng nói với con… thì điều ấy là rất dở. Anh nói là thương yêu kính trọng thầy cô nhưng bản thân anh làm hoặc qua những lời nói anh có thể xúc phạm đến thầy cô, thế thì làm sao anh dạy được con cái anh? Cho nên tôi nghĩ với lớp trẻ hiện nay, từng gia đình cần xem lại cái cách dạy dỗ cho các cháu, dạy dỗ này không phải bằng lời đâu, mà bằng các hành động như thế nào để nó thực sự thương yêu bố mẹ, kính trọng thầy cô. Như thế thì nền giáo dục của chúng ta mới đạt được thành tựu.
Hiện nay, có những trò đối xử với thầy mà tôi không thể hình dung được họ có thể có được những suy nghĩ đó. Tôi nghĩ, trong đầu các em chắc chắn có nhiều vấn đề. Hôm qua, tôi có đọc một bài trên báo Tiền Phong về cô giáo ở Nghệ An, trong đó có những câu học sinh bảo là "Tha cho cô”…
Tôi nghĩ, câu đó là quá xúc phạm! Đúng là chúng ta làm thế nào để xử phạt những hành vi đó. Học trò có thể đánh giá về cách thức giảng dạy như thế nào cho hợp, chứ không được bình phẩm hay xét duyệt nhân cách cô giáo. Khi các em còn hành xử như vậy thì chúng ta làm sao bảo "nhất tự vi sự, bán tự vi sư” được.
- Một mặt chính đội ngũ giáo viên cần trau dồi hơn trước, nhưng mặt khác, xã hội không nên công khai xúc phạm cái nghề giáo viên như thế, vì đó là một nghề cao quý. Anh có thể có cái gì đấy sai nhưng…
- Không được phép nói. Những chuyện này nọ của giáo viên thực ra nên xử lý nội bộ một cách rất nghiêm túc nhưng không nên đưa lên mặt báo. Và bản thân những người làm báo đó đều là những người đã đi học, người ta sẽ nghĩ gì đến những người sẽ dạy người ta. Nó có tác dụng tốt là giáo dục người ta khi đưa ra vấn đề.
Nhưng đưa như thế nào, đưa cái gì thì chúng ta cần có ý thức vì trong công luận có mặt phải, mặt trái. Khi chúng ta đưa ra một cái gì cũng phải nên tính toán, cân nhắc xem cái lợi nhiều hay cái hại nhiều. Tôi không phê bình gì đâu, nhưng khi đọc bài ấy, nếu tôi là một người thầy, thì sẽ cảm thấy đau đớn.
- Người ta vẫn thường nói tại sao bây giờ không thể "nhất tự vi sư, bán tự vi sư” được vì thầy giáo bây giờ không phải như thầy giáo ngày xưa nữa. Thầy ngày xưa khai tâm cho mình, dạy mình cả con chữ và dạy mình cả nhân cách sống, lý tưởng, đạo đức… Cũng như người thầy thuốc thực chất là lương y. Đã gọi là người thầy thuốc chữa bệnh bao giờ cũng là lương y rồi, nhưng cũng do cơ chế của chúng ta hiện nay, do rất nhiều chuyện, mặc nhiên trong con mắt của một số tầng lớp nhân dân hình ảnh người thầy thuốc bị phá giá đi. Người bác sĩ cũng là một con người như vô vàn người khác, nhưng khi đã chọn nghề y rồi thì phải ở cái tầm trên cao hơn bình thường. Anh có đau lòng không khi nghe những chuyện tiêu cực nào đấy ở một số chỗ nào đấy trong ngành Y?
- Cái đó thì hết sức đau lòng! Ngành Y mặc áo trắng nhưng bây giờ cái áo đấy nhiều chỗ bị hoen ố nhiều rồi. Tại sao như vậy? Chúng ta, về khách quan, ví dụ như sự vượt qua cám dỗ, anh đói nghèo thì anh phải ăn cắp. Anh làm nghề y nó có cám dỗ là anh thấy cho dù làm sao người bệnh vẫn cứ phải mang ơn. Anh ta chữa trị cho người bệnh, người bệnh cho anh ta cái gì thì có thể chấp nhận, chứ còn nếu anh ta làm để mặc cả như vậy thì đấy là điều xỉ nhục lớn nhất của ngành Y.
Tôi nghĩ, chuyện này báo chí đã giúp rất nhiều, nhưng tốt hơn thì thế này: nếu có thể, báo chí nên đưa thẳng tên, địa chỉ, nếu cần thiết có thể đăng tải về một trường hợp cụ thể nào đó. Bây giờ có những thông tin đưa ra nghĩ đến người bệnh rất là quý, nhưng cần chú ý đến những trường hợp như sai phạm kỹ thuật, thì cái điều kiện đào tạo của người thầy thuốc lúc đó, ra trường đi công tác như thế nào, thì mình rút kinh nghiệm gì để cho những người khác không mắc phải hơn là chúng ta tập trung xử lý. Xử lý con người để loại bỏ thì rất dễ, thế nhưng từ những hiện tượng đang có… chúng ta phải tự đặt câu hỏi là tại sao lại như vậy? Lý do về thiết bị, con người, tổ chức; về cơ chế?, v.v…
Thế còn bây giờ đưa ra rất nhiều trên mặt báo nhưng tổng quát lại thì nó chưa có một giải pháp nào được phân tích kỹ. Tôi nghĩ, cái giúp đỡ của báo chí là từ cái đấy mình nêu ý kiến và có một cuộc trao đổi trên mặt báo để những người tốt trong ngành Y cũng nói, họ nhìn nhận vấn đề đấy như thế nào, và những người ấy trong ngành Y nếu thực đúng như vậy thì xử lý rất dễ dàng. Cần phải có một cuộc cách mạng báo chí trong đóng góp để chúng ta xây dựng ngành Y.
Cái nữa là, làm sao chúng ta thuyết phục được người bệnh, bởi vì tôi cũng biết nhiều người bệnh ở đây đưa tiền trước, có nhiều anh tốt trả lại tiền, nhiều khi người ta lại bảo hay là anh này chê ít, người ta lại mang nhiều hơn. Cho nên người bác sĩ một mặt luôn luôn bị cám dỗ vì chỉ có tôi và anh cho thôi, nhưng nếu như người bác sĩ muốn làm tiền thì có thể lúc đó người ta cho nhưng đây là cho bắt buộc vì người bệnh cũng phải thăm dò trong dư luận bệnh nhân ở đây.
Từ những dư luận đó, các phóng viên nên đi vào điều tra những trường hợp đó, cũng như để từ đó làm sao ta nêu ra được đích danh. Trước đây chúng tôi có xử lý một trường hợp bệnh nhân tố cáo thầy thuốc đòi tiền bệnh nhân, nhưng đến khi đối chất thì người thầy thuốc bảo tôi không nhận, người bệnh nhân bảo tôi có đưa, không có người thứ ba làm nhân chứng, rất là khó.
Cho nên chúng ta phải thuyết phục được bệnh nhân là mình được bảo đảm, và bệnh nhân phải tin vào điều đó, còn ai vi phạm nguyên tắc đó thì chúng ta nêu đích danh. Còn kiên quyết không để xảy ra hiện tượng biếu xén trước khi nhập viện. Chúng ta đừng biến một cái nét rất đẹp của người Việt Nam là sau khi ra viện có quả trứng, con gà, điếu thuốc, thậm chí bây giờ là phong bì, chai rượu để cho người bác sĩ hay y tá.
Đó là cái chuyện người ta cảm ơn, và đừng để cho người ta biến cái cảm ơn đó thành chuyện mua bán. Điều này phải từ hai phía: thầy thuốc và bệnh nhân. Nhưng bây giờ làm sao để thuyết phục và ai đứng ra bảo vệ bệnh nhân? Tôi nghĩ, từng ban giám đốc bệnh viện phải có chủ trương như thế, và lúc đó anh mới có thể dần dần xây dựng lại nền nếp như ngày xưa.
Bởi vì khi chúng ta thay đổi một cơ cấu về kinh tế thì tất cả thượng tầng kiến trúc thay đổi rất chậm. Mình càng làm sớm bao nhiêu thì khắc phục cái nặng nề nó càng dễ bấy nhiêu, chứ còn nếu chúng ta để nó quá nặng nề thì thật nan giải.
Đơn giản nhất chúng ta thường thấy là tử vong do tai nạn giao thông, nó nặng nề quá mức, nếu tập trung thì ta làm được nhưng nó rất tốn kém. Một khi mới có biểu hiện từ đầu, chúng ta làm ngay và làm nghiêm thì rõ ràng đỡ đi rất nhiều. Đây gọi là đi tắt đón đầu. Những cái đấy chúng ta nói rất nhiều, nhưng chúng ta chỉ mới nói chứ chưa hành động, hoặc hành động chưa đúng với lời nói.
- Chúng ta thường quen với kiểu lý luận là người càng nghèo khổ thì càng yêu nhau hơn, vì xét cho cùng có 1 manh áo thì nhường nhau rất dễ, khi có nhiều thứ nhường nhau mới khó. Thực chất, trong xã hội hiện nay, kể cả việc thương yêu người khác một cách hết sức vô tư, thực sự không quá bất mãn về điều gì, thì người ấy phải là người sống sung sướng. Anh lao động và sung sướng cho anh rồi thì anh dễ san sẻ, chia bớt cho người khác hơn. Tôi nghĩ bác sĩ sẽ vô tư hơn nếu đời sống của bác sĩ sung túc hơn, vì xã hội càng phát triển thì mạng người càng quý, cái giá trả cho việc gìn giữ mạng người càng cao hơn. Nhưng điều đó trong thực tế, trong các quy chế và barem của Nhà nước thì hiện nay nó không hoạt động như vậy. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân khiến cho hiện tượng tiêu cực ở một số nơi nào đấy trong ngành Y phát triển?
- Chế độ đãi ngộ cho ngành Y hiện nay quá bất cập, không đáp ứng được. Nhưng không phải vì thế mà không giàu. Có những ông bác sĩ xe ôtô có rồi, nhà riêng có rồi… nhưng vẫn tiêu cực. Như vậy đâu có phải là cuộc sống khó khăn. Chúng ta phải tách cái này làm sao cho nó hợp lý. Thứ nhất, phải bảo đảm đời sống tối thiểu của người cán bộ y tế.
Điều này khi chúng tôi lên miền núi, đi về các buôn, các xã mới thấy, thậm chí các em học các trường dân tộc nội trú không muốn đi học ngành Y vì các em nói rất đơn giản, học thì dài và khó, lương ra nghề thấp, làm việc vất vả. Thứ hai, chống tiêu cực thì quan điểm của tôi là hiện nay vấn đề các cơ quan công quyền làm việc với dân chứ không phải riêng ngành Y. Bây giờ bác sĩ đi xin học cho con cũng có lệ phí ngầm…
Tôi không muốn dùng từ tiêu cực là chuyện "làm tiền” ở các cơ quan công quyền. Có hết, làm sao mà chống được. Chúng ta cần một giải pháp lớn, và ngành Y cũng là một phần trong đó. Thế còn trong lúc chúng ta vẫn để cho các ngành khác như vậy mà không tập trung ráo riết thì khó có thể đưa ngành Y đi lên được. Đây là hiện thực xã hội, và nó cần có giải pháp đồng bộ của các cơ quan công quyền, trong đó có ngành Y, nếu chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ chống được những tiêu cực.
- Bây giờ nếu giao cho anh quản lý một bệnh viện nào đó, và bệnh viện ấy có thể có những điều tiếng về hiện tượng tiêu cực. Việc đầu tiên anh làm để giảm bớt tiêu cực là như thế nào để cho bệnh nhân tin tưởng vào hiệu lực quản lý của bộ máy bệnh viện, và để cho bác sĩ tin tưởng rằng nếu mình làm tốt thì mình vẫn đủ sống?
- Bất cứ bệnh viện nào, điểm khởi đầu phải là tăng thu nhập cho cán bộ y tế bằng các công việc chính đáng, các công việc chung. Tôi lấy ví dụ, nếu mình tăng năng suất mổ thì viện phí tăng lên, trong viện phí nó có 30% để lại. Việc đầu tiên là chúng ta phải tăng năng suất lao động và chế độ đãi ngộ lao động, đồng thời chúng ta phải chọn các chủ nhiệm khoa trong sạch.
Nếu người chủ nhiệm khoa trong sạch thì nhân viên ở dưới không lăn tăn. Nếu chủ nhiệm khoa không trong sạch thì làm sao cấm được người dưới trong sạch. Phải công khai mọi chuyện. Ví dụ bây giờ nếu thấy bệnh nhân có nhu cầu cần hồ sơ thì để động viên lực lượng làm việc đo,á bệnh viện có thể thu thêm một khoản lệ phí và công khai chuyện đó. Còn những người không có tiền đóng thì giải quyết ưu tiên trong chế độ nhập viện, tức là dành cho người đó chế độ đãi ngộ của viện, còn chúng ta có thể mổ thêm, tăng năng suất…
Đây cũng là bài toán kinh tế, một người bệnh nằm thêm 1 ngày ở Hà Nội, ngoài những tiêu tốn về viện phí còn nhà trọ cho gia đình họ. Vậy chúng ta thu ngắn ngày nằm viện lại, người bệnh cũng có lợi và bệnh viện lại thu nhập thêm. Còn những người nghèo thì chúng ta làm vô tư, thậm chí cho ăn cho uống. Tôi nghĩ từng việc làm cụ thể này thì Ban Giám đốc bệnh viện phải có trách nhiệm.
Nếu từng bệnh viện, từng khoa, từng phòng làm được thì cả ngành sẽ làm được. Còn nếu chỉ có làm ở trên Bộ, trên Sở thì các khoa, các phòng không làm, mà càng ngày nó càng tinh vi. Chính vì thế, đây là vai trò của lãnh đạo bệnh viện, của Đảng uỷ, của Giám đốc, đồng thời với cái nhạy bén về thu thập thông tin. Kênh thông tin nó không phải là chứng cứ, nhưng nhiều nguồn tin nó nói về một người thì ta cũng phải nhìn nhận xác đáng về con người đó như thế nào để rút ra kết luận.
- Có thể chúng ta không kỷ luật được nhưng có cách về mặt xã hội và Đảng, Đoàn sẽ có tác động nhất định?
- Nhưng chúng ta nên làm sao để cho người ta tự rút ra vì bản chất con người ta ai cũng hướng thiện cả…