Nguyễn Tài Ngọc
Tháng vừa rồi vào ngày 21-October-2014 chúng tôi trở về Việt Nam ba tuần để dự đám cưới con của một cặp vợ chồng bạn.
Nhiều năm trước đây, vì gia đình tôi tất cả đã định cư bên Mỹ sau ngày 30-4-1975, tôi đã nghĩ không còn lý do gì để tôi trở về quê hương cũ. Thế nhưng số phận đưa đẩy bao nhiêu chuyện liên quan đến các cô bồ cũ của tôi như em Tư Cầu Muối bị băng đảng Hùng du đãng thanh toán, em Năm Vườn Chuối tên tuổi lên khắp báo chí Việt Nam vì chuyện lạ khoa học em là người đàn bà duy nhất trong lịch sử An Nam tuy đã 55 tuổi nhưng có bầu sinh tư, em Ba Lệ Ướt vừa được cơ quan Hồng Thập Tự Quốc Tế thân tặng một hàm răng giả…, nên không hẹn mà gặp, không tính mà xẩy ra, tôi trở lại SàiGòn nhiều lần. Đây là lần thứ nhì trong năm nay tôi trở về Việt Nam.
Một địa điểm giữ xe
ra đường phải mặc khẩu trang,
nếu ai không biết phải mang thế lào?
xin xem ảnh của anh hào,
mang cho biểu diễn, kính chào xin…thua!
nếu ai không biết phải mang thế lào?
xin xem ảnh của anh hào,
mang cho biểu diễn, kính chào xin…thua!
Duy Quang hát bài Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu, riêng tôi thì:
Tôi xa SàiGòn năm lên mười bẩy khi vừa biết ôm,
Da em ngọc ngà ôm liều một phát, em kinh ngạc nhìn.
Rồi thật nhanh, em tát cho tôi điếng hồn,
Đau nhói trong tim tôi buồn, từ đó không còn yêu ai.
Tôi ở Mỹ 39 năm từ năm di tản 1975. Thời gian này hơn gấp đôi thời gian 17 năm tôi sinh sống ở SàiGòn nên khác với những lần đầu trở về thăm quê hương lòng dạ tôi bồi hồi, bồn chồn, khoắc khoải, xúc động, hồi hộp như xem phim Chương Trình Lúc Không Giờ (tôi nhớ năm 1995 lần đầu tiên về khi bánh xe máy bay chạm đất ở phi trường Tân Sơn Nhất, tôi khóc cả một dòng sông vì quá xúc động), bây giờ Việt Nam với tôi chỉ là một nước ngoại quốc tôi có dịp viếng thăm; nó không còn dấy lên lòng cảm xúc mãnh liệt trong tâm khảm dù rằng đã một lần là quê hương yêu dấu.
Dinh Độc Lập cũ
Rạp hát Nam Quang
Về Việt Nam có hai thứ làm cho tối ngán ngẫm. Thật sự có đến ba thứ vì tôi sợ lương tâm tôi bị dầy vò khi gặp lại cô Phượng kế bên nhà trong xóm Bàn Cờ năm 14 tuổi tôi đe dọa nghỉ chơi cô ấy ra nếu cô không cho tôi mười đồng xem ciné. Bây giờ cô ấy đã dọn đi biệt tăm tung tích không biết ở đâu, Bến Lức hay Trà Vinh, nên chỉ còn hai thứ tôi ngán ngẫm:
Thứ nhất là ngồi máy bay quá lâu. 14 tiếng từ Los Angeles đến Taipei, Taiwan, nghỉ 1 tiếng rưỡi rồi bay tiếp ba giờ rưỡi đến SàiGòn. Bận về ngắn hơn hai giờ rưỡi vì luồng gió vòng quanh trái đất trên khí quyển thổi cùng chiều với hướng máy bay.
Thứ nhì là phải cùng bị giam với hành khách đại đa số là người Việt ngồi ở hạng Phổ Thông (Economy). Nếu khi đọc báo chí có một số người Việt qua hành động của họ làm mình hãnh diện mang giòng máu Việt Nam như cô Nina Pham ở Dallas, Texas đã tình nguyện lo lắng cho bệnh nhân mang bệnh Ebola để rồi chính cô ta bị lây bệnh, thì trái lại hành động của nhiều người Việt trên máy bay từ ngọai quốc về Việt Nam chỉ làm cho tôi muốn độn thổ.
Có người nói chuyện lớn tiếng ầm ầm trong máy bay như họp chợ. Có người sờ vào nữ tiếp viên để gây sự chú ý khi muốn yêu cầu họ một điều gì, thay vì chỉ dùng lời, "Excuse me, Miss". Có người khi máy bay còn đậu trong terminal chưa kịp lăn bánh rời cổng thì đã giành giật nhẩy sang ngồi sang băng ghế trống chỗ. Có người máy bay vừa ngừng, không đợi ra cửa có trật tự, len lỏi từ hàng ghế sau vượt lên hàng ghế trước để dành ra trước. Có người không già lắm, đi đứng bình thường nhưng yêu cầu hãng máy bay cung ứng xe đẩy. Khi tôi đứng đợi hành lý ở phi trường Tân Sơn Nhất thì tôi nghe tiếng một người đàn bà sau lưng tôi nói: "Bây giờ mẹ không cần ngồi xe lăn nữa, đứng lên được rồi". Quay lưng lại tôi vừa kịp thấy một bà vừa được nhân viên phi trường đẩy ra cùng với gia đình, ngồi dậy từ xe lăn, bước ra hiên ngang đi qua đi lại như Phù ĐổngThiên Vương vươn mình ngồi dậy từ trong nôi, chẳng có vẻ gì yếu đuối không đi đứng được phải cần xe đẩy.
Một điều tôi thấy xấu hổ nhất mang cùng giòng máu Việt là một số người bất tuân luật lệ trên phi cơ. Thông báo trên phi cơ luôn luôn bằng ba thứ tiếng: Anh, Hoa, và Việt nên không thể dùng lý do là mình chỉ nói tiếng Việt nên không hiểu tiếng Anh hay tiếng Hoa. Trước khi đáp xuống, họ loan báo không được dùng toilette, ngồi yên một chỗ cho đến khi máy bay ngừng và đèn thắt lưng an toàn tắt thì mới được cởi dây an toàn. Hầu như lần nào tôi cũng thấy hai việc này xẩy ra khi máy bay vừa đáp xuống còn lăn bánh trên phi đạo: thiên hạ cởi dây an toàn đứng lên lấy hành lý hay dùng toilette.
Trên chuyến bay về SàiGòn của tôi, khi máy bay vừa hạ cánh, nhiều người nhưng chỉ có một anh chàng tuổi trạc 35, 40 , đứng lên ngồi xuống đến ba lần, mỗi lần đứng lên là mỗi lần bị bắt gặp, cô tiếp viên yêu cầu ngồi xuống. Tôi tội nghiệp cô tiếp viên hàng không người Việt làm cho Eva Air, nói như năn nỉ:“Anh làm ơn ngồi xuống đi anh, chờ cho máy bay ngừng rồi hãy lấy hành lý”. Đi máy bay Mỹ thì bảo đảm không có chuyện tiếp viên năn nỉ. Họ quát tháo, lần thứ hai không nghe thì khi máy bay ngừng họ gọi cảnh sát bắt bỏ bót cho cái tội ngu xuẩn vô ý thức.
Lượt bay trở về Mỹ, khi máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường Los Angeles, cả đám hành khách nghe tiếng một cô tiếp viên hét thật lớn: "Excuse me! Please return to your seat" (Trở về ghế ngồi!).
Ai cũng ngoái cổ nhìn xem chuyện gì xẩy ra: Một nữ hành khách rời khỏi ghế đi vào toilette! Cô tiếp viên bắt cô ta trở lại ghế ngồi.
Hành động chỉ vì quyền lợi riêng của cá nhân mình, bất chấp quy củ luật lệ áp dụng cho cả tập thể thì những người này thật sự quá ư vô ý thức, chưa từng học Công Dân Giáo Dục bậc tiểu học, hay có học mà không bao giờ để ý đến.Ai có yêu nước yêu nòi thì mặc ai, tôi chỉ muốn mất gốc khi hòa đồng với những người này trên máy bay đi về Việt Nam.
Tôi ngồi trong chợ Bến Thành,
Nóng như thiêu đốt, sắp thành heo quay.
Những trái cây này là do cô Kim Hồng bạn học cũ lớp 11 Trung học mang đến tiếp tế lương thực ngày đầu tiên chúng tôi đến SàiGòn.
Số dân Mỹ về Việt Nam trong năm 2013 là 432,228 người, đa số là người Mỹ gốc Việt. Không có con số thống kê thực thụ để chứng minh, nhưng theo sự đoán mò của viện Bác Vật Bàn Cờ do tôi làm Giám Đốc thì phần lớn người Việt hải ngoại chỉ về Việt Nam có một, hai lần, hay chưa bao giờ về. Thiểu số còn lại về Việt Nam rất nhiều lần: các kịch sĩ hề, ca sĩ già hát chẳng ai nghe ở Mỹ bò về Việt Nam tìm cháo thiu; các ông Việt Nam ở Hoa Kỳ chẳng ai thèm lấy về Việt Nam tìm gái bu như ruồi bu phân chỉ vì hoàn cảnh của những cô gái này quá nghèo; những người làm việc hay buôn bán; những người có thân nhân còn ở Việt Nam; những người không có lương tâm thích thú khoe khoang sự giầu có đồng đô-la mang đến cho mình mà không biết rằng thay vì mang đến sự kính trọng, nó chỉ mang đến sự khinh bỉ từ dân bản xứ.
Nhìn qua cửa sổ khi máy bay đáp xuống phi đạo của Sân bay Tân Sơn Nhất, tôi có cảm tưởng thời gian ngừng lại một chỗ. Đường bay nhỏ bé, cảnh trí sơ sài, những ô vuông to với ba bức tường xi măng cũ kỹ đen xì vì mưa nắng cao khỏang 1.5 mét xây dọc theo đường bay phía bên trong để phi cơ đậu ngày xưa vẫn còn đó. Khó có thể tưởng tượng Tân Sơn Nhất nhỏ bé thời chiến tranh Việt Nam từng là phi trường với số máy bay cất cánh và đáp xuống nhiều nhất thế giới.
Thành phố SàiGòn đã bị đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ký hiệu quốc tế dùng để xác định phi trường Tân Sơn Nhất vẫn không thay đổi, nhắc người ta cái tên không bao giờ chết của thành phố thân yêu xưa cũ của tôi dạo nào: SGN (Saigon).
Chùa Vĩnh Ngiêm bên phải, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (xưa là Công Lý).
KFC, PopEyes(chicken), Pizza Hut là ba nhãn hiệu bán thức ăn Mỹ tôi thấy đầy dẫy ở SàiGòn
Trong khi chờ cho hành lý chạy ra, vợ tôi nãy giờ ngồi trên ghế đợi đến gần tôi với một người đàn ông lớn tuổi. Ông ta giới thiệu tên là Thiên, nói là ngồi ghế đợi kế bên, nhận ra vợ tôi và tôi, hỏi có phải tôi là "nhà văn" Nguyễn Tài Ngọc vì ông ta có đọc bài viết của tôi trên mạng. Tôi nói phải rồi, và hỏi ông ta ở đâu. Ông ta nói vợ chồng ông ta ở Úc, trước 1975 học ở Chính Trị Kinh Doanh, lần này đến Việt Nam dự reunion của lớp học ngày xưa. Vợ chồng ông ta rất thích đọc những bài viết của tôi, thấy chúng tôi đi du lịch khắp nơi, không ngờ rằng lại có cơ hội gặp chính người viết ở đây. Tôi cảm ơn cả hai vợ chồng, và chụp một bức ảnh lưu niệm:
Bên trong phi trường Tân Sơn Nhất
Qua hết mọi thủ tục giấy tờ ở Công An Cửa Khẩu và Hải Quan, chiếc xe van thuê chở chúng tôi về Căn Hộ Cao Cấp Mỹ Vinh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở góc đường Cách Mạng Tháng 8.
Bãi đậu xe trước cửa Căn Hộ Mỹ Vinh trong cơn mưa
Công viên Tao Đàn trước mặt Căn Hộ Mỹ Vinh
Những người đi trước 30-4-1975 tuởng tôi say xỉn mới uống rượu ba-xi-đế vì làm gì có tên đường này ở SàiGòn trước 1975 thì tôi xin giải thích đó là đường Hồng Thập Tự và Lê Văn Duyệt cũ, nay đã đổi tên. Chính tôi về Việt Namnhiều lần mà đôi khi cũng không nhớ. Đi taxi, đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) mà tôi bảo tài xế cho tôi đến đường Chữ Thập Đỏ, 3 tháng 2 (Trần Quốc Toản cũ), tôi nói họ cho tôi đến đường 3 tháng 10. Tôi mà làm gián điệp 007 thì bảo đảm địch quân phát hiện tức khắc, giải tôi về Khám Chí Hòa cho ngồi chơi xơi nước, bắt tôi học thuộc lòng những tên đường xưa nay đã đổi mới.
Đường Nguyễn Tri Phương
SàiGòn, cũng như các thành phố lớn ở Việt Nam, có một đặc thù độc nhất vô nhị trên thế giới: xe gắn máy đông như kiến. Với dân số 8 triệu mà phương tiện giao thông công cộng chỉ là xe bus không có xe điện ngầm, SàiGòn có hơn 5,6 triệu xe gắn máy và trên nửa triệu xe hơi! Đường phố ngột ngạt khói xăng, tuy rằng người sống trong thành phố có thể quen, nhưng vài lần lái xe Honda ngửi mùi khói xăng, tôi có cảm tưởng nghẹt thở vì khí thải carbon monoxide. Ở Mỹ nhiều người tự tử bằng cách ngồi trong garage, đóng tất cả các cửa, bật máy xe hơi lên cho khói xe đầy tràn garage rồi đến một lúc sẽ bị chết ngạt. Khí thải carbon monoxide của xe cộ độc hại vô cùng, bảo đảm giảm thọ ngay cả ông Thọ trong sữa ba ông Thọ.
Thế nhưng độc hại thì độc hại, ngắm cả nghìn xe gắn máy hòa lẫn xe hơi lưu thông trên đường phố, nhất là ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ thì là cả một sự thú vị cho du khách ngoại quốc. Xe chạy đâm đầu vào nhau, du khách chắc chắn thế nào cũng nghĩ là sẽ có án mạng trên bãi Ba Đình, thế nhưng xe cứ thế mà len lỏi, tuôn ra chiều hướng khác như cá thoát lưới.
Đường 3 Tháng 2 (Trần Quốc Toản cũ)
Góc đường Cách Mạng Tháng 8 và Võ Văn Tần (Lê Văn Duyệt và Trần Quý Cáp cũ)
Đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ)
Một người rời SàiGòn vào năm 1975 bây giờ trở lại quê hương lần đầu tiên sẽ thấy sự nghèo khó vẫn tồn tại không thay đổi qua những hình ảnh quen thuộc của vỉa hè dơ bẩn,
dây điện giăng chằng chịt,
xích-lô nghèo nàn,
những người bán hàng rong,
người vá bánh xe gắn máy,
anh chạy xe ôm,
những bà bán vé số,
chợ búa vẫn sơ sài như trước.
Tất cả ảnh chụp ở chợ Thái Bình, đường Phạm Ngũ Lão
Nhưng song song với hình ảnh nghèo khó này là một gương mặt khác của SàiGòn. Việt Nam hiện giờ đã thay thế Trung quốc và Taiwan là quốc gia lý tưởng nhất cho các công ty ngoại quốc đầu tư thiết lập cơ xưởng. Ba quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong những tháng đầu của năm 2014 là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Có cơ xưởng mới thì có xây dựng mới, có côngăn việc làm mới, chính phủ lẫn dân chúng được hưởng lợi, phẩm chất đời sống con người về phương diện thực chất được gia tăng. Mỗi lần về SàiGòn là mỗi lần tôi thấy có sự thay đổi theo chiều hướng an khang mới, nhà cũ phá xập xây nhà mới, cao ốc, shopping plaza mọc lên khắp nơi, số lượng xe cộ gia tăng càng nhiều. Ở Mỹ tôi dùng phone tay cổ lỗ sĩ chỉ bấm nút số để gọi, trong khi ở Việt Nam có trăm nghìn người dùng iPhone, iPad "xịn", y phục người ta mặc hàng ngày cũng theo mốt thịnh hành mới mẻ.
Tòa nhà cao nhất ở phía sau là Trung Tâm Thương Mại Bitexco Financial Tower, 68 tầng, gần đường Nguyễn Huệ, cao nhất ở SàiGòn với chiều cao 262.5 mét (861 feet).
Chiếc Maybach này ở Mỹ bán hơn nửa triệu dollars nhưng giá lên đến 1.5 triệu dollars (31.5 tỷ đồng VN) ở Việt Nam vì thuế má
Sự phong phú của SàiGòn thể hiện nhất ở thành phố tân lập Phú Mỹ Hưng. Đám cưới tổ chức ở Trung Tâm Hội Nghị Tiệc Cưới The Adora, Phường Tân Phú, Quận 7. Nếu tôi không nói, bảo đảm nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một thành phố nào trên đất Mỹ:
(Còn tiếp. Kỳ tới: Boracay, Philippines)
Nguyễn Tài Ngọc
November 2014
Tài liệu tham khảo: