Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Cha mẹ và con

GN: Ngồi clean computer thấy có lá thư cũ, đọc thấy cũng cần học lại để dậy cháu :-)


Các em,

Chị viết thư chung này cho tất cả vì gần đây có câu hỏi về kinh nghiệm của chị về cách dậy con ra sao. Một điều trước tiên chị muốn nói là chị không phải là hoàn toàn và tất cả chúng ta cũng như đa số ông bà cha mẹ chúng ta đã không được ai dậy "làm thế nào làm cha mẹ" Chúng ta thừa hưởng cung cách làm cha mẹ một cách tự nhiên từ do cha mẹ chúng ta và họ cũng thế.  Điều hay dở cứ thế tiếp tục truyền lại hoặc do xã hội đào tạo.  Nhưng may mắn cho chị khi đặt chân đến Mỹ chị đã được đọc một cuốn sách  nhỏ có tựa đề là “How to be parent” (Làm thế nào làm cha mẹ), từ đó chị học hỏi được đôi điều để áp dụng trong đời sống với con cái. 

Ở một xã hội mà vấn đề nghiêm cấm đánh đập con cái là một tội hình sự thế nhưng không có nghĩa là con cái không thể không có được kỷ luật và ngôn từ Mỹ rõ ràng : spanking là đánh ở đít đưá trẻ, hitting là đánh bất cứ chỗ nào (có tính cách hành hạ). Do đó chị vẫn spanking các cháu khi các cháu còn nhỏ vì điều này luật lệ vẫn cho phép kỷ luật con cái.  Giáo dục của VN hay Mỹ đối với trẻ con không khác nhau như người ta lầm tưởng, VN bảo dậy con từ thuả còn thơ, và Mỹ thì nhấn mạnh cha mẹ phải nghiêm nghị với con khi chúng bắt đầu ở cái tuổi lên hai, đó là tuổi chúng bắt đầu biết thử thách giới hạn của bố mẹ, thí dụ đòi cái gì không được thì chúng lăn ra khóc nhè, ăn vạ chẳng hạn, cha mẹ không thể chiều và phải đặt để giới hạn.  Đến tuổi teen tức là tuổi mười mấy cơ thể chúng nó thay đổi chúng nó sẽ lại bắt đầu thử thách giới hạn luật lệ của cha mẹ lần nữa, có những đòi hỏi nho nhỏ như quyền riêng tư chẳng hạn.  Do đó làm cha mẹ là luôn phải đương đầu với những giới hạn nào có thể nhường và giới hạn nào phải củng cố.  Cho nên chị đọc cuốn sách này chị không thấy có gì khác mấy với cách giáo dục ở hai xã hội Đông Tâỵ.  Dù ở đâu, các bậc cha mẹ hiểu biết luôn biết cởi mở lo lắng chăm sóc cho con, hoà hợp tìm hiểu con cái nhưng luôn cho con hiểu chúng là con và chúng ta là cha  mẹ. Người Mỹ có  câu “ As long as you live under my roof, you follow my rules”  (Ngày nào con còn sống dưới mái nhà của cha mẹ, con phải tuân phục điều lệ của cha mẹ) Do đó các em thấy văn hoá giáo dục của cha mẹ MỸ đãu có khác người VN.  Cha mẹ VN có thể đa số áp đặt lên con cái mọi điều cho là những điều mình nói là đúng và không lắng nghe con cái, hay đánh đập con cái, những điều đó trong nhiều trường hợp là không đúng cần phải bỏ cách suy nghĩ và hành động như thế.

Trên đây là chị nói sơ sự hiểu biết của chị khi so sánh hai nền giáo dục khác nhau.  Riêng chị đối với các cháu như thế nào ?

Như chị đã nói ở trên , các cháu khi còn nhỏ dưới 8 tuổi, chị vẫn có cái roi dài để vụt vào đít các cháu. Mỗi khi có vấn đề gì nghiêm trọng thí dụ anh em đánh nhau, chị bảo các cháu vào giưòng nằm chờ chị, chị không bao giờ đánh các cháu khi chị đang tức.  Chị làm công việc xong xuôi rồi thì mới vào kỷ luật các cháu, mỗi khi dơ roi đánh một roi chị đều nói roi này phạt cho cái gì, để các cháu hiểu được hình phạt cho sai lầm của cháu, chứ chị không có vụt túi bụi vào đít các cháụ. Có những lúc chị bảo các cháu nằm chờ, khi chị vào thì cháu ngủ mất rồi.  Thế là cháu khỏi bị đòn. Cho nên đến giờ này chị tự hào là :

Không bao giờ chị đánh con trong lúc nóng giận, để lại ấn tượng hành hạ con cái trong lòng các cháu. 

Không bao giờ chị tát tai cú đầu các cháu,

không bao giờ chị mắng chó mắng mèo con chị ,

không bao gìờ nói những câu như “ mày ngu như bò , nghịch như quỉ “  vv.. vv. 

không bao giờ xưng mày tao với con cái. 

Khi các cháu đến 9, 10 tuổi thì chị cũng đã set rule là không đánh đít con nữa, vì lúc này chị nghĩ chị đã đặt để một phần foundation (nền) cho các cháu rồi, các cháu hiểu việc cháu phải học hành, giải trí ra sao, vì tuổi đó chỉ có thế.  Một khi đã thành lệ, thì chị không phải kỷ luật nữa.  Hơn nữa lúc này đưã trẻ đã bắt đầu có sự suy nghĩ , chúng ta có thể khuyên bảo mà không cần đến roi vọt.  Do đó khi bắt đầu vào tuổi mười mấy, các cháu bắt đầu nhìn sang bạn bè, muốn có phòng riêng, chị cho các cháu phòng riêng, nhưng tuyên bố : trừ khi đi ngủ mới đóng cửa phòng nếu muốn, mẹ có thể mở cửa phòng bất cứ lúc nào, nhưng không có riêng tư gì cả, khi dùng computer, cửa phòng phải mở,  chị kiểm sóat computer các cháu thường xuyên, đó là lợi điểm của chị khi ấy các cháu mới bắt đầu dùng còn chị thì biết hơn các cháu ở thời điểm đó, chị có thể dò xét các cháu đã đến các trang nhà nào, khi chị có bằng cớ các cháu vi phạm điều gì, chị gọi riêng cháu đó ra chị nói chuyện.  Khi chị có bằng chứng thì các cháu dù muốn dù không cũng phải “nể “ mẹ.   Cũng may cho chị thời điểm đó không có vụ chat chung như ngày nay làm điên đầu bao cha mẹ khi con cái suốt ngày chat với bạn bè.  Đây là một điểm quan trọng, cha mẹ nào có con cái suốt ngày chat thì phải hiểu rõ tình hình để gìới hạn nhất là khi con còn nhỏ, hàng ngày tin tức cho thấy trẻ con vào những trang web độc hại, xem những hình sex , hay bị người ta dụ dỗ, với webcam, những người tâm trí không bình thường còn chiếu hình sex của chính họ cho người khác coi, do đó là một vấn đề đang làm điên đầu cho những bậc làm cha mẹ. Ở Mỹ này thì còn có những hệ thống để giới hạn cho trẻ con được, chứ chị nghĩ ở VN thì không có, do đó chuyện để cho con cái riêng tư theo cái kiểu Mỹ, đóng cửa phòng để chat là không thể chấp nhận được, nếu chị ở VN.  Hoặc ra cafe internet không phải để học hỏi mà chỉ để chat thì cũng không thể được.  Nếu ở quán internet cafe luôn có công an theo dõi, thì tại sao cha mẹ lại lơ là để cho con cái muốn làm gì thì làm trong net?  Do đó các em có các cháu ở VN vào net thường xuyên, các em cũng phải chịu khó học hỏi và theo dõi và đưa ra luật lê (set rules) không thể thả lỏng được.   Đối với cháu trên hai mươi mốt tuổi, thì muốn chúng không cảm thấy bị xoi bói quá nhiều, các em phải luôn luôn nhắc nhở không được vào các trang web bậy bạ xem, để cho các cháu thấy là không phải các em không quan tâm hay không biết chuyện gì đang xãy ra trên net. Cứ bảo bố mẹ không muốn ngày nào tự nhiên thấy hình con trên TV vì một tội phạm nào đó trong net.  Chị vẫn đuà với các cháu ở đây như thế, dù biết mình có lúc cũng bất lực nhưng phải cho con biết sự quan tâm của mình.

Ở lứa tuổi mười mấy không có nghĩa mình không đánh rồi cũng buông thả, hay thấy bảo con không được rồi tự than thân trách trời.  Ở tuổi này chúng cũng test cha mẹ, và mình cũng phải test chúng để xem mình còn có quyền uy bao nhiêu nữa đấy.  Chi ví dụ: có lần một cháu để vài sợi tóc dài, chị thấy rất là chướng mắt, chị bảo cháu đưa đầu cho chị, chị cầm cái kéo cắt phăng đi, dĩ  nhiên cháu nó hậm hực (mà sau này chị nghĩ đã gây hậu quả cho chị, chị sẽ kể sau), sau đó chị đọc một bài báo của một bà mẹ cũng vấp vào trường hợp như chị , con để tóc trông rất cà chớn , bà ấy hỏi tâm lý gia phải làm thế nào, họ trả lời, tóc mọc dài rồi có thể cắt được, nhưng bà có muốn mất con hay không? đó chẳng qua là mode, chỉ nên nó cho nó biết là không hợp với nó rồi để tự nó quyết định, không nên làm cho nó unhappy lúc ấy.  Lời khuyên ấy gìúp chi hiểu là tại chị thấy tóc cháu không đẹp, chị không happy, mà không để ý con có happy hay không? mà đem cắt tóc nó đó là điều không nên trong lúc đó.  Sau này chị rút kinh nghiệm khi cháu nó cắt tóc vẫn kỳ kỳ chị chỉ bảo tóc ấy không hợp với khuôn mặt của con, dĩ nhiên nó cũng happy với kiểu tóc kỳ ấy cả năm sau nó mới thay đổi, ít ra bây giờ nó cắt bình thường lại thì chị cũng chỉ bảo “ừ tóc này trông con hợp hơn”.  Nói như thế để các em hiểu ở một tuổi nào chúng ta phải tôn trọng nhân cách và suy nghĩ của con cái của mình, chỉ nên đưa ý kiến mà thôi.  Và không bao giờ nên so sánh con mình với một ai khác, một bài học khác cho chị là khi các cháu khoảng 13, 14 tuổi gì đó, chị bảo sao con không chăm học như Q…, chúng nó nói ngay, con là con, Q. là Q., mẹ muốn con hay mẹ muốn Q..  Đấy có phải là một gáo nước lạnh cho chị không các cháu đã dậy cho chị hiểu con mình mình không quí mến mà cứ so sánh với người khác, làm cho lòng tự trọng của con mình bị tổn thương, đó là điều tuyệt đối không nên làm.  Do đó từ đấy chị không bao giờ dám so sánh, khi các cháu yếu, chị chỉ bảo con cố gắng lên, cần gì mẹ giúp.  Vì thế làm cha mẹ cũng có nghĩa là học hỏi từ con cái, chúng nó dậy cho mình làm cha mẹ tốt hơn có đúng không?

Vì thế ở tuổi mười mấy các cháu đi học về có chuyện gì cũng kể cho chị nghe, và bảo mẹ là bạn của con.  Mình không xem nó là bạn nhưng được con cái xem là bạn đó là điều quí, vì nếu không thì chúng tâm sự với bè đảng của nó. 

Một điều nữa, là chị theo quan niệm của người Mỹ “Never buy anything valueable until children are get out of the house” (không bao giờ mua cái gì có giá trị cho đến khi con cái đã ra khỏi nhà ( ý nói con cái đã lớn) , chị sống đơn giản, không mua sắm cái gì đắt tiền, cho nên các cháu học hỏi từ đó, bây giờ các cháu lớn, tuy sống riêng, có tiền bạc, các cháu vẫn ăn mặc bình dị , bây giờ chị có dắt các cháu đi tiệm sang trọng chỉ mua cái gì đắt tiền , các cháu đều lắc đầu nói mắc chờ khi nào giảm giá đã hãy mua.  Khi các cháu bắt đầu lái xe, chị cũng chỉ cho phép lái xe cũ, từ xe của dì, cô chú bác cho lại, các cháu không than phiền gì cả, không như con cái những người khác là đòi hỏi phải xe tốt, xe mới, vì các cháu tự thấy bố mẹ mình còn đi xe cũ thì làm sao các cháu dám đòi hỏi xe mới được, các em thấy tại sao có những ông bà nhà quê ở VN nuôi con nên người không, dù họ không có học vấn, nhưng họ đã sống đời họ làm gương cho con cái. Do đó đời sống của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều cho con cái, không thể dậy con cần kiệm khi mình hoang phí.  Bà mẹ chồng chị dậy cho chị nhặt đậu phọng rớt, bà ăn đơn giản trong khi không phải bà không có vàng bac đầy tủ.   Để cho con cái hiểu giá trị của lao động và đồng tiền thì không thể vì thương con mà cung cấp cho chúng nó QUÁ đầy đủ.  Đôi khi cha mẹ phải học cách cho ăn cho uống cầm chừng thôi, theo một nghĩa bóng nào đó.   Đời sống Mỹ củng có cái hay là họ dậy cho trẻ con tự lập không chỉ trong suy nghĩ mà còn trong hành động, 12 tuổi trẻ có những công việc như đi bỏ báo, các cháu cũng có thời gian 2, 3 giờ sáng dậy xếp báo rồi đi học, các em tưởng tượng trẻ đang tuổi ăn tuổi ngủ mà nó phải dậy giờ đó, xếp báo rồi đạp xe đạp đi trong khi trời còn tối để bán báo cho từng nhà, có khi còn bị chó rượt.  Chị thấy cũng tội, làm có bao nhiêu đâu, được mấy chục đô, nhưng là đồng tiền tụi nó làm, nó sung sướng làm ra tiền, chị phải lóp ngóp dậy phụ xếp cho con vào giờ đó rồi đi ngủ tiếp, trong khi con đi bán báo.   Nhưng không vì thế mà chị bảo cháu thôi con nghỉ đi ở nhà mẹ cho con tiền.  Cháu chỉ nghỉ khi nó thấy nó có thể đi quét sân dọn vườn kiếm được nhiều tiền hơn và không vất vả hơn hay đi bán pizza.  Nghĩa là tuổi trẻ Mỹ là như thế, trẻ con được tập tự lập, có tự lập mới có thể đòi hỏi độc lập tự do, chứ đàng này tuổi trẻ VN sống có cha mẹ cung cấp hết mà đòi hỏi sống độc lập riêng tư kiểu Mỹ là không đúng, và hơn nữa cha mẹ ở VN vẫn có cái kiểu con hơi đứt tay thì cho là cuống quít như đổ ruột, che chở cho con quá thì con khó có thể trưởng thành được.  Cho nên chị dậy con như người Mỹ ở điểm con đi làm thì con đi làm, lương ít thì con cố gắng kiếm việc khác, chứ chị không có bao giờ bảo thôi việc đó nhọc con ở nhà mẹ cho tiền , hay mẹ lo cho chờ việc khác tốt rồi hãy làm ( làm gì có việc khác tốt nếu tự nó không cố gắng), chị chỉ làm bổn phận của bất cứ người mẹ VN nào là lo lắng cho con cái ăn cái mặc khi còn ở nhà, bây gìờ thì chỉ khuyên nhủ nhắc nhở mà thôi. 

Nói như vậy không phải chị không gặp sự phản kháng của các cháu đâu.  Có bà mẹ nào không lo lắng cho con, dù con đã trưởng thành.  Nhiều khi chị nói gì các cháu cũng gạt đi bảo “con biết rồi” làm cho mình tủi thân, con mình nó không muốn nghe.  Các em đừng lấy làm buồn, chị học hỏi từ ông boss cuả chị, ông ta cũng có con cỡ tuổi con chị, ông bảo chị “ bà cứ nói thế này với con bà:  con có thể nghe hay không tuỳ con, nhưng bổn phận  mẹ , mẹ phải nói cho con nghe kinh nghiệm của mẹ hay điều mẹ biết rồi tuỳ con quyết định” đó là lời khuyên tốt cho chị khi phải cư xử với các cháu đã lớn.  Khi các cháu bàn với nhau chuyện gì, trước khi nói những bất đồng của chị với các cháu, chị đều nói câu ấy, chị ngạc nhiên là các cháu không gạt chị bằng cái câu như trước nữa như “con biết rồi (khổ lắm nói mãi )”, các cháu biết lắng nghe. Chứng tỏ khi cháu lớn, mình biết tôn trọng nó thì nó không cảm thấy là mình áp đặt lên tụi nó điều gì thì tuị nó sẽ lắng nghe mình, và chị thấy có kết quả đó. Lúc đầu chị nói ý kiến bất đồng, vài ngày sau khi suy nghĩ thi cháu gọi cho chị hỏi mẹ nghĩ sao tức là nó muốn hỏi ý kiến quyết định của chi.  Do đó khi con lớn minh không thể đối đãi con như đưá trẻ 5, 10 tuổi, hơi tí bất đồng là quát mắng hay mình khóc bù lu bù loa khiến cho con, nhất là con trai, chúng không lắng nghe mà còn bực hơn. 

Về bạn bè các cháu của chị, khi các cháu ở trung học cũng như đại học, chị luôn nhắc, các con có bạn trai hay gái đều tốt, nhưng không nên yêu bạn gái khi con chưa học xong đại học và lập gia đình khi con chưa biết thế giới ra sao.  Đó chỉ là lời khuyên, chứ không phải là điều lệ gì nhưng chị nói cho các cháu hiểu, một khi các con làm ra tiền đi du lịch trước sau đó lập gia đình thì không bị bó buộc như mẹ, có con cái rồi thì khó đi lắm.  Rồi đợi khi con cái lớn thì mình không có sức khỏe nữa.  Dĩ nhiên, các cháu thấy điều chị nói chưa biết có đúng hay không nhưng rõ ràng mẹ nó đi đâu cũng không được thì tự nó sẽ hiểu cái gì tốt hay không tốt để chọn lựa.  Do đó ở lưá tuổi các cháu đã bắt đầu thành hình tư duy của chúng, lứa tuổi đôi mươi, cách nói chuyện với con cái phải như hai ngưòi lớn tiếp xử với nhau chứ không phải cách “tao là cha mẹ tao biết hơn, tao nói đúng là đúng” được.   Điều mà chị đã không phải lo lắng là trước khi ra đại học, các cháu đã không yêu vớ vẩn một cô gái nào.  Chị cũng không cho rằng chị may mắn mà nghĩ do môi trường không thuận tiện cho các cháu nên chị cũng bớt lo lắng. 



Cho đến giờ này thì việc bạn gái của cháu, chị cũng chỉ mới bắt đầu bài học mới cho chính chị làm sao cư xử cho đúng đắn để cho con cái không vấp sai lầm và chính mình cũng không gây tác hại cho đời sống riêng tư của con, thí dụ mới đây thôi, một cháu có bạn gái , thỉnh thoảng chị hỏi sao tình hình liên hệ của con ra sao rồi, nó bảo chị (dù chỉ đùa thôi)  “con không bàn luận chuyện riêng của con”đấy bà mẹ VN mà nghe thế không la toáng lên “tao đẻ ra mày mà mày ăn nói thế à “ nhưng may cho chị sống ở đây , chị hiểu hơn là khi nó nói thế mình phải bước lùi lại, nên kiên nhẫn chờ khi nào nó muốn nói, cho nên chị bảo OK.  Nhưng không vì thế mà chị không nói, chị vẫn xa gần nói chung chung và bảo khi nào thuận tiện mẹ sẽ nói riêng, thì tự nhiên nó lại bảo chị mẹ nói đi.  Hi hi, chị không nói ngay, chị để cho nó thắc mắc trong lòng nó , đây là giai đoạn đấu tranh tư tưởng mà, chị cũng học thôi kết quả thế nào chưa biết.  Chị chỉ bảo dù bất cứ trường hợp nào con phải tôn trọng bạn gái của con và không được làm tan nát trái tim con gái nhà người ta. Dù sao trường hợp của chị cũng dể đương đầu hơn các em nếu có , vì các cháu của chị đã trưởng thành tự lập, không như các cháu ở nhà có thể còn phải ăn bám cha mẹ mà không tuân thủ luật lệ của cha mẹ, thì hơi khó chấp nhận.  Các cháu ở nhà phải được dậy dỗ tự lập trước rồi hãy nói chuyện trai gái, thân mình lo chưa xong mà lại vác thêm duyên nợ cho bố mẹ mình lo hay sao?  Không thể có chuyện con lớn, cứ ở nhà bố mẹ chu cấp rồi tối ngày rong chơi.  Ở Mỹ là không thể chấp nhận được, mà ở VN thì lại càng không có chuyện đó, trách nhiệm con cái ở VN là lớn lên đi làm lo cho cha mẹ chứ không phải sống cả đời cho cha mẹ lo cho.  Ở VN thì cha mẹ lo cho con cái có khi cả đời và ngược lại con cái có trọng trách phải lo cho cha mẹ nặng nề hơn.   Còn ở Mỹ, thường 18 tuổi là phải ra đời tự lập, do đó con cái ít có trách nhiệm với cha mẹ.  Xã hội nào cũng có cái hay dở khác nhau, xã hội Mỹ lai là một xã hội đa chủng cho nên họ cũng học hỏi được từ nhiều nền văn hoá khác nhau, ngày nay cha mẹ Mỹ vẫn lo cho con cái dù con đã độc lập bằng những hình thức khác, và con cái cũng quan tâm đến cha mẹ khi cha mẹ đã già.  Cho nên không thể bảo là sống ở VN mà lại muốn sống theo kiểu Mỹ (nếu chỉ hiểu hời hợt là sống riêng tư mà không tự lập thì còn tai hại), hay sống ở Mỹ mà khư khư cách nghĩ như ở VN cũng không xong, ở đâu chúng ta cũng phải tìm thấy sự tốt đẹp của các nền văn hoá và dung hoà nó.  

Thôi chị viết dài dòng quá rồi, hy vọng vài kinh nghiệm nho nhỏ gíúp tất cả các em đương đầu với những vấn nạn các em đang phải trải qua hay sắp có.