Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Ý thức và trách nhiệm ở xã hội Mỹ

Ý thức và trách nhiệm ở xã hội MỹMèo ConVnexpress
Tôi xin được một việc làm 4 tiếng trong căng tin của trường. Ngày đầu tiên đi làm là học cách đổ rác. Nghe thấy buồn cười quá phải không, vì một việc làm nhỏ xíu là đổ rác thôi mà cũng phải học đấy.

Có ý thức thì sẽ có trách nhiệm, mà trách nhiệm thì có liên quan đến pháp luật. Tôi muốn chia sẻ với quý độc giả về ý thức và trách nhiệm ở một góc cạnh liên quan tới những sinh hoạt hằng ngày của một người sống bình thường trên nước Mỹ.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về người Mỹ là ý thức trong giao thông. Ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, từ phi trường về nơi tôi ở, đi suốt một đoạn đường dài tôi không thấy bóng dáng các cảnh sát giao thông, nhưng ngạc nhiên hơn cả là trật tự giao thông được thiết lập do chính những người điểu khiển xe cộ rất ư là chuẩn xác. Có những đoạn kẹt xe, nhưng chẳng thấy xe nào “xé rào” vượt ẩu mặc dù có một làn đường ngoài cùng vắng xe chạy (sau này tôi biết là làn đường này dành cho xe cứu thương, cảnh sát, những trường hợp khẩn cấp, hoặc những xe chở hai người trở lên).

Rồi những buổi sáng sớm hay đêm khuya, đường phố lác đác xe chạy, đèn đỏ xe dừng lại dù chỉ là một chiếc xe đang chạy. Đến ngã tư có 4 bảng stop, tự động các xe dừng lại, và theo thứ tự xe nào đến trước đi trước như là một game điện tử được lập trình sẵn. Cuộc sống Mỹ dù có hối hả, “thời gian là vàng bạc”, có trễ giờ làm, nhưng khi điều khiển xe thì mọi người đều ý thức và có trách nhiệm với việc tôn trọng luật giao thông cũng như sinh mạng của mình và người khác. Lâu lâu cũng có xe cảnh sát đi tuần hay là “bắn tốc độ” với những xe chạy nhanh, hoặc có mặt ở những nơi xảy ra tai nạn.

Tôi đi học và không muốn mua sách vì có những quyển sách giá trên $100, tôi nghĩ đơn giản là mình mượn sách và đi photo lại cho tiết kiệm. Nhưng khi đứng trước máy photo ở thư viện thì gặp một bản thông báo to đùng: “Bạn không được photo quá 10% của một quyển sách” A! thì ra là luật bản quyền, và tôi hiểu là có đem sách ra tiệm photo thì cũng phải theo luật này. Đành mua một quyển sách mới vậy. Vấn đề là tôi có photo một nửa quyển sách thì cũng chẳng ai biết, nhưng khi mình mang ra đọc thì người ta thấy sẽ rất kỳ nên phải có ý thức thôi.

Tôi xin được một việc làm 4 tiếng trong căng tin của trường. Ngày đầu tiên đi làm là học cách đổ rác. Nghe thấy buồn cười quá phải không, vì một việc làm nhỏ xíu là đổ rác thôi mà cũng phải học đấy. Nhưng nó đòi hỏi con người phải có ý thức cao nữa đó. Cũng giống như đổ rác ở nhà thôi, nhưng có khác chút xíu là sau khi dùng xong một cái bình thức ăn bằng nhựa, hay thủy tinh hoặc là lon thì tôi phải xúc rửa hoặc là đẩy vào máy rửa chén rữa sạch sẽ, đậy nắp cẩn thận và vứt từng chủng loại theo từng loại thùng rác khác nhau.

Người bếp trưởng giải thích với tôi là làm như vậy không có mùi hôi, giảm bớt đi việc ảnh hưởng tới môi trường. Vì công việc của tôi là phụ bếp, cắt các loại rau củ, trái cây... nên phải học cách bỏ các loại rau củ, giấy gói, những gì còn tái chế làm phân hay không sử dụng lại được thì cho vào những thùng rác riêng biệt. Ở nhà cái ý thức của tôi chỉ dừng lại là phân loại rác hay bọc nhiều lớp những rác có nặng mùi như cá, mắm... hiếm khi tôi xúc rửa những chai lọ phế thải. Giờ đây tôi thấy được một ý thức trách nhiệm cao của người Mỹ. Nói thêm rằng ở Mỹ nếu nhà bạn không phân loại rác, hay là thùng rác luôn bốc mùi hôi thì người đổ rác sẽ nhắc nhở bạn, nếu bạn cứ “bày hầy” thì họ sẽ không thu gom rác nhà bạn nữa.

Vào mùa hè nắng ấm, tôi vẫn thường thấy từng tốp người già có, trẻ có, tay cầm bao, mang găng tay đi nhặt rác trên các con đường, họ hoàn toàn tự nguyện đấy. Những khi đi bộ tập thể dục tôi thấy có những người Mỹ họ đi dạo nhưng thấy rác là họ nhặt và không cần biết sạch hay dơ bỏ rác vào túi tự nhiên, đến nơi có thùng rác là bỏ vào.

Tôi đi mua cá Koi về nuôi, đến chỗ bán ngắm nhìn hàng ngàn con cá bơi trong bể thật thích mắt. Tôi liền ngỏ ý muốn mua, nhưng người bán cá nhất định không bán. Vì sao? Họ giải thích rằng bây giờ là tháng 3 khí hậu ở bang Washington còn lạnh, không thích hợp để thả cá, cá sẽ có khả năng chết vì lạnh rất cao. Phải đến tháng 4 xem thời tiết thế nào, họ sẽ mang cá ra thả ở hồ ngoài trời, xem phản ứng của cá với thời tiết, nếu thấy cá thích nghi được thì mới bán cho khách hàng. Còn bây giờ dứt khoát dù khách có tiền muốn mua cũng không bán, vì họ biết chắc tôi mua về cá sẽ chết. Tôi mở ngoặc nói thêm là bình thường khi mua cá bước ra khỏi tiệm mình về thả mà cá có chết thì họ sẽ không có bồi thường (vì đây phụ thuộc vào kỹ thuật người nuôi chứ không phải do cá yếu mà chết). Sau khi nghe họ giải thích tôi thấy mừng trong bụng vì học thêm được một kinh nghiệm nuôi cá, và thấy người bán có trách nhiệm với sản phẩm cũng như với khách hàng quá cao.

Chuông điện thoại nhà reo, người hàng xóm báo cho tôi biết sẽ có người làm về cầu đường xuống trước cửa nhà tôi xem xét và trát lại cái ổ gà, vì bà ta thấy nó và báo cho họ biết, vì tôi có ở nhà chiều nay, bà ta bận đi làm. Tôi vô cùng ngạc nhiên, chưa hiểu ra chuyện gì thì sau đó được người nhà giải thích là ở Mỹ nếu ai đó đi ngang qua nhà bạn mà vấp té thì họ cũng có quyền thưa kiện bạn. Trời! Sao mà vô lý vậy, đi ở ngoài đường công cộng thì có dính dáng gì đến nhà tôi đâu, nhưng người Mỹ họ lập luận rằng, họ té trước nhà tôi, tôi phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của tôi là nếu thấy đường có ổ gà, ổ voi hay có bất cứ cái gì sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường thì phải báo cho chính phủ biết, còn chính phủ có sửa chữa hay là sửa chữa chậm trễ và dẫn đến những sự việc đáng tiếc thì thuộc trách nhiệm của chính phủ. Người hàng xóm này họ tốt bụng nên mới báo dùm cho gia đình tôi. Nghe cũng có lý và tôi lại học được thêm một bài học về trách nhiệm.

Đó là chuyện ngoài phố, còn trong nhà thì sao. Cái điện thoại bị hư, đường dây truyền hình cáp bị hỏng, gọi nơi cung cấp họ hẹn ngày giờ và cho thợ đến sửa. Đúng hẹn có người đến sửa chữa rất tận tâm và không tốn tiền (vì theo hợp đồng là vậy), nhưng ý tôi muốn nói là không phải mất tiền bồi dưỡng cho thợ, vì ở Mỹ chẳng ai cho tiền bồi dưỡng cả, nếu trời nắng nóng thì lịch sự mời họ lon nước ngọt, thế thôi. Ở Mỹ chỉ cho tiền “tip” (bồi dưỡng) khi mình đi ăn, đi taxi, hay đi cắt tóc.

Những trường hợp như đi thi bằng lái xe, làm giấy tờ, thi quốc tịch, đến việc thử mức độ khói ô nhiễm của xe để xin giấy phép lưu hành xe, vào bệnh viện, hay bị cảnh sát phạt... tất cả những chuyện này tôi chỉ việc đóng lệ phí hay đi đóng phạt, không phải tốn bất kỳ một xu tiền bồi dưỡng gì cả, mình đủ tiêu chuẩn đậu là đậu không có sự “lót tay”. Vì nên hiểu rằng, những nhân viên khi họ làm công việc đó là phận sự và trách nhiệm của họ, lương họ đã được chủ thoả thuận, đồng ý thì làm không đồng ý thì không làm, tuyệt đối không được nhận tiền “bồi dưỡng” của khách, đó được xem như là tội nhận hối lộ. Nếu bị bắt gặp thì xem như sự nghiệp cuộc đời tiêu tan, không phải là khi bước chân ra khỏi nơi làm việc là không ai biết tội của mình, vì bạn sẽ bị ghi cái tội ấy vào hồ sơ, xem như đạo đức có một cái vết, và sẽ xin việc rất khó. Chỉ vì dăm ba đô la mà mất tất cả, nên chẳng ai dại gì nhận hối lộ, và vì cuộc sống có cái luật là thế nên cũng chẳng ai điên mà đưa hối lộ, vì cũng sẽ bị buộc tội.

Đó chỉ là một số trong rất nhiều sự việc xảy ra hằng ngày mà tôi học được những bài học về ý thức và trách nhiệm, qua đó càng hiểu thêm về luật pháp. Tôi không muốn đi sâu về các vấn đề ở các “cửa quan” cao cấp có việc nhận “lót tay” hay “quà cáp” ở mức độ tầm cỡ quốc gia hay không, vẫn biết rằng đâu đó trong xã hội Mỹ cũng có sự phân biệt chủng tộc, những mặt tiêu cực của nó, nhưng trong phạm vi bài này tôi chỉ khoanh tròn ở chủ đề là ý thức và trách nhiệm. Tôi cũng như bao nhiêu người dân bình thường sống ở Mỹ, chúng tôi không mất tiền “bồi dưỡng” khi đến các “cửa quan” cũng như các dịch vụ có tầm ảnh hưởng trực tiếp với cuộc sống của chúng tôi, cũng như việc tôi bỏ tiền ra mua một món hàng và người bán hàng đã có trách nhiệm ở mức độ cao đối với tôi.

Tôi hiểu rằng không phải ai sống ở Mỹ cũng có ý thức và trách nhiệm cao, vẫn có những khu phố bẩn thỉu, có người vượt đèn đỏ, say rượu lái xe, và không phải người bán nào cũng xem khách hàng là thượng đế. Nhưng ý tôi muốn nhấn mạnh cái số người có ý thức và trách nhiệm ở Mỹ chiếm đa số và chính cái đa số này nó mới hình thành nên phong cách của xã hội được mệnh danh là văn minh. Nước Mỹ là một đất nước đa chủng tộc, dân nhập cư ngày càng đông nhưng không vì vậy mà làm đảo lộn phá vỡ cái trật tự ở tầm cỡ bình thường của cuộc sống, người Mỹ vẫn giữ được bản sắc của họ.

Và không phải cái gì tôi cũng hiểu thấu đáo, tôi cũng phải học và nhìn, và tự đúc kết cho mình kinh nghiệm trong cuộc sống. Việc chúng ta biết về ý thức và trách nhiệm với việc mình có thực hiện được cái ý thức trách nhiệm đó hay không cũng là cả một vấn đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Và bản thân tôi, ý thức trách nhiệm của tôi chỉ đạt ở cái mức tôi không nhìn ra được việc “phải rửa đồ phế thải” hay tôi có thể bị kiện vì cái “ổ gà”...

Và tôi cũng có những câu hỏi rất ư là con người: Tại sao người Mỹ họ làm được như vậy, cái gì hình thành trong lòng họ ý thức trách nhiệm cao như vậy? Nếu như một người nào đó trả lời với tôi rằng vì cuộc sống xã hội của họ giàu có, họ sống trong sự sung túc nên họ có ý thức. Tôi sẽ không đồng ý với câu trả lời này, vì ai trong chúng ta cũng biết, đa số dân Mỹ ai cũng là “con nợ” thậm chí có người nợ như “chúa chổm” nữa. Họ cũng có áp lực về tiền bạc nhưng đa số họ không dám làm bậy, không phải ai nợ hay nghèo cũng phạm tội cả dù bất cứ sống ở đâu. Tôi hiểu rằng cái “nghèo”, cái “nợ”, và cái sự “không có học” không phải là cái nguyên nhân chính quyết định xô đẩy con người ta mất ý thức và trách nhiệm. Và câu hỏi trên của tôi đến giờ tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời, xin nhường lại cho các nhà phân tích xã hội cũng như các bạn độc giả.

Trong một bức tranh xã hội luôn có những nét đậm và nhạt, và cái sự tự so sánh giữa Việt Nam với một đất nước khác cũng là một sự rất tự nhiên, nhưng quan trọng mình học được gì, mình nhìn thấy gì và mình gìn giữ được gì ở bản sắc của mình vì mỗi một quốc gia có những nét đẹp riêng.

Không phải là người dân Việt Nam mình không có ý thức trách nhiệm, nhưng chúng ta đang đứng ở mức nào? Đôi lúc tôi ước ao, việc thực hiện ý thức và trách nhiệm ở Việt Nam sẽ được nâng cấp lên. Đa số dân mình sẽ biết xếp hàng, không xả rác, gìn giữ môi trường, tự điều khiển giao thông, trách nhiệm hơn trong cuộc sống cộng đồng... Chỉ cần cái đa số thì đã hình thành nên một phong cách của một xã hội văn minh hơn. Nếu ai đó nhìn vào bức tranh của xã hội với một lăng kính biết khám phá và cảm nhận được cái hay cái dở của những đường nét trong tranh và cùng bàn bạc chung tay vẽ nên một bức tranh khác đẹp hơn thì đó là ngụ ý tôi viết bài này. Chứ không phải tôi có hàm ý viết bài là khoe khoang sự “rành đời” của mình, hay “chê bai”, hoặc nâng "phe" này lên, hạ "phe" khác xuống” vì có ra “biển lớn” thì mới thấy mình nhỏ bé cần phải học nhiều để lớn.
Vnexpress